Rong biển phủ kín bờ là hiện tượng tự nhiên

Thứ Năm, 07/07/2016, 15:44
Nhiều người dân ở Quảng Phú, Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình cho biết, chưa bao giờ thấy rong biển lại xuất hiện nhiều như lúc này.

Những ngày qua, dư luận ở Quảng Bình xôn xao về hiện tượng lạ là rong biển trôi dạt dày đặc vào bờ biển, một số nơi rong biển che lấp cả một vùng biển rộng, dài như ở các Quảng Phú, Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Nhiều người dân địa phương cho biết, chưa bao giờ thấy rong biển lại xuất hiện nhiều như lúc này.

Rong biển chồng chồng, lớp lớp kéo dài cả hàng km. Cụ Lê Nhẫn, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch cho biết, năm nay đã gần 90 tuổi, cả cuộc đời gắn với biển cả nhưng đây là lần đầu tiên cụ chứng kiến cảnh rong biển trôi dạt vào nhiều như những ngày qua. 

Ngay sau khi nhận được thông tin từ ngư dân địa phương, lãnh đạo huyện Quảng Trạch, Quảng Bình đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan của huyện vào cuộc tìm hiểu sự việc.

Sau khi tiến hành kiểm tra, nghiên cứu, đoàn liên ngành của địa phương kết luận, rong biển trôi dạt nhiều ở bãi biển Quảng Bình là hiện tượng tự nhiên bình thường của mùa rong biển. Huyện Quảng Trạch bác thông tin cho rằng, rong biển trôi dạt vào bờ nhiều một cách bất thường là do có tác động từ môi trường biển.

Theo nhiều ngư dân có kinh nghiệm nghề biển của địa phương, rong biển có từ tháng chạp, sinh sôi nảy nở đến tháng 5 thì bắt đầu rữa ra và chết. Khi gặp gió nồm thì đẩy vào bờ, gió nam thì thổi ra khơi. Trước đây, người dân địa phương thường ra lấy rong biển về làm phân bón ruộng nhưng nay thì không dùng nữa.

Cũng theo ngư dân địa phương, một trong những nguyên nhân rong biển năm nay trôi dạt nhiều vào bờ là do ngư dân vùng biển không còn lấy rong biển về bán.

Trước đây, hằng năm vào dịp này, người dân địa phương vùng biển thường dùng thuyền thúng để lặn hái rong biển. Sau khi hái rong biển, người dân đưa vào bờ để phơi và nhập cho thương lái ngay trong ngày. Mỗi ngày thu nhập từ 500 đến 1 triệu đồng. 

Tuy nhiên, năm nay do hiện tượng cá chết hàng loạt, môi trường biển bị ô nhiễm, nên thương lái không thu mua rong biển vì không có người sử dụng, vì vậy người lặn rong biển cũng không vớt rong biển nữa.

Sông Lam
.
.