Đảm bảo an toàn cho người dân về quê tránh dịch

Chủ Nhật, 25/07/2021, 07:02
Những ngày qua, trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhiều người dân các tỉnh sinh sống, làm việc, học tập tại TP Hồ Chí Minh đã trở về quê tránh dịch. Trước tình hình đó, Công an các địa phương đã phối hợp cơ quan chức năng đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, đồng thời kiểm soát, phòng, chống dịch.


Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, lượng người đổ về các tỉnh Tây Nguyên qua chốt kiểm soát giao thông và phòng, chống dịch COVID-19 số 2, trên đường ĐT741, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú trở nên quá tải. Mỗi ngày có hàng ngàn lượt người và xe máy tập trung tại chốt làm thủ tục lưu thông.

Công an tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng đã dùng xe chuyên dụng dẫn đầu đưa đoàn hàng ngàn phương tiện ôtô, xe gắn máy từ chốt kiểm soát giao thông và phòng, chống dịch ĐT741 đến chốt kiểm soát trên quốc lộ 14 ở Ngã ba Cây Chanh (giáp ranh Bình Phước và Đắk Nông) để về Tây Nguyên.

Công an tỉnh Đắk Nông dùng xe chuyên dụng dẫn đường cho người dân về quê tránh dịch.

Ngoài 1 xe chuyên dụng do Cảnh sát giao thông dẫn đoàn, trong đoàn xe kéo dài hàng ki-lô-mét còn có các lực lượng Cảnh sát giao thông đi trong đoàn, cuối đoàn còn được bố trí 1 xe chuyên dụng của lực lượng Cảnh sát giao thông (khóa đuôi). Trên dọc tuyến đường, Công an, dân quân các địa phương cũng được huy động tối đa để đảm bảo các phương tiện đi đúng hành trình, không để các phương tiện tự ý dừng, đỗ.

Theo một vị lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước, việc làm trên chỉ là giải pháp tình thế nhằm tránh ùn tắc giao thông và không để lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Bình Phước đã thực hiện giãn cách toàn xã hội trong 14 ngày, từ 0h ngày 19/7 theo Chỉ thị 16.

Trưa 24/7 có mặt tại điểm chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên quốc lộ 14 đoạn qua xã Đak Ru, huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắk Nông, chúng tôi chứng kiến rất đông người dân ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận về các tỉnh Tây Nguyên tránh dịch. Để bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch và an toàn khi tham gia giao thông, Phòng CSGT Công an tỉnh đã phối hợp với Công an huyện Đắk Rlấp, lực lượng Y tế và các ngành chức năng phân luồng, kiểm tra.

Người tham gia giao thông phải đảm bảo an toàn, chấp hành nghiêm các quy định về an troàn giao thông, giữ khoảng cách và không dừng dọc đường (trừ khi ghé đổ xăng và vệ sinh cá nhân) nhằm hạn chế tối đa việc lây nhiễm dịch khi di chuyển. Người tham gia giao thông được các lực lượng chức năng và các nhà hảo tâm phát tặng miễn phí nước uống, đồ ăn nhanh...

Thượng tá Phạm Quốc Lập – Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đak Nông cho biết thêm, Công an tỉnh Đắk Nông đã bố trí lực lượng, phương tiện chuyên dụng dẫn đường và bảo đảm an toàn cho người dân di chuyển từ địa bàn giáp ranh với tỉnh Bình Phước đến địa bàn giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk. Việc làm này chỉ là giải pháp tình thế nhằm tránh ùn tắc giao thông, bảo đảm an toàn cho người dân và không để lây nhiễm chéo trong cộng đồng.

Tại chốt kiểm tra y tế ở đèo Bình Đê, thị xã Đức Phổ, số lượng người về từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong những ngày qua tăng đột biến. Ngoài các trường hợp đi ôtô cá nhân, còn có rất nhiều người đi xe máy. Mỗi ngày, tại chốt này có hơn 3.000 lượt người và phương tiện qua chốt; trong đó, phần lớn từ vùng tâm dịch TP Hồ Chí Minh.

Thiếu tá Dương Hiển Công Lực, Trưởng trạm CSGT Đức Phổ, thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) CSGT và các lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt chịu áp lực rất lớn với lượng người và phương tiện qua chốt tăng đột biến. Tuy nhiên, các CBCS luôn bám sát nhiệm vụ, không chút lơ là; chủ động phân luồng, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo không để xe nào vượt chốt, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh... 

Trước thực trạng trên, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ngãi đã kiểm tra tình hình thực tế tại chốt đèo Bình Đê và chốt kiểm tra y tế tại xã Ba Tiêu, huyện Ba Tơ. Tại các nơi kiểm tra, lãnh đạo Công an tỉnh nhắc nhở lực lượng thực hiện nhiệm vụ và người dân phải thực hiện nghiêm túc đảm bảo phòng, chống dịch theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; dọn dẹp và giữ gìn vệ sinh môi trường khu vực chốt kiểm tra y tế.

Đặc biệt, đề nghị lực lượng tại các chốt phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người đi vào địa phận Quảng Ngãi. “Công an tỉnh tăng cường lực lượng kiểm soát chặt chẽ người về từ vùng dịch và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi chống đối, né tránh kiểm tra theo quy định.

Tất cả người dân trở về từ các vùng có dịch COVID-19 đều được Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi bố trí phương tiện để đưa về các khu cách ly tập trung của huyện, thành phố nơi cư trú. Những trường hợp test nhanh nghi nhiễm SARS-CoV-2 sẽ được nhân viên y tế hỗ trợ cách ly riêng để chờ kết quả xét nghiệm khẳng định bằng PCR…”, Đại tá Võ Văn Dương - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi khẳng định.

l Thông tin từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, tối 24/7, đơn vị thực hiện chuyến tàu chuyên biệt đầu tiên đưa 700 hành khách là công dân Hà Tĩnh đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê nhằm giảm tải áp lực cách ly cho các tỉnh phía Nam. Cụ thể, đoàn tàu đầu tiên với mác tàu SE14 sẽ xuất phát tại ga Sài Gòn vào lúc 20h45 phút ngày 24/7 và dự kiến đến ga Yên Trung lúc 5h sáng 26/7/2021. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, tàu SE14 chỉ đón hành khách tại 1 ga lên là ga Sài Gòn và trả khách tại 1 ga đến là ga Yên Trung, không thực hiện việc đón, trả khách tại các dọc đường. Tại ga Sài Gòn và ga Yên Trung hành khách được bố trí lối đi riêng để ra, vào ga, lên tàu…

Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Nông phân luồng, giúp người dân về quê tránh dịch.

Đặc biệt, 100% nhân viên phục vụ trên tàu dưới ga tham gia đón tiếp và vận chuyển hành khách đều đã được tiêm vaccine phòng dịch. Tổng Công ty cũng chủ động làm việc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan để đảm bảo chuyên chở đúng đối tượng.

Vì vậy, hành khách đi tàu cần phải có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 72 giờ và khi về đến ga Yên Trung sẽ được bố trí đi cách ly tập trung 14 ngày theo quy định. Sau chuyến tàu đầu tiên này, Đường sắt Việt Nam sẽ phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND TP Hồ Chí Minh và chính quyền địa phương tiếp tục tổ chức thêm các chuyến tàu khác để đưa 2.300 hành khách là công dân Hà Tĩnh đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê. Được biết, UBND Hà Tĩnh thực hiện việc hỗ trợ 100% tiền vé và kinh phí test COVID-19 hai lần tại khu cách ly cho người dân và xem xét hỗ trợ chi phí cách ly đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Nhóm PV
.
.