Hãy giúp cô giáo vùng cao viết tiếp ước mơ dang dở

Thứ Hai, 21/08/2017, 09:54
Cô giáo ấy đang có nguy cơ phải chia tay bục giảng, từ bỏ giấc mơ giúp trẻ em người dân tộc thay đổi số phận. Cô giáo ấy giờ đang tuyệt vọng với căn bệnh mà y học thế giới phải bó tay. Mong một phép màu đến với em - cô giáo vùng cao huyện Ba Bể.


Nông Thị Thanh Tuyền (29 tuổi) là giáo viên dạy hợp đồng tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Ba Bể (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn). Mỗi ngày lên lớp với Tuyền là một ngày vui. Bởi niềm hạnh phúc bên những đứa trẻ thân yêu ở vùng núi Ba Bể giúp cho cuộc sống của cô có thêm ý nghĩa. Thế nhưng, số phận run rủi như trêu đùa cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết ấy. 

Lập gia đình năm 2012 với chiến sỹ Công an Đội Cảnh sát hình sự - kinh tế - ma túy, Công an huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, chị như chìm đắm trong hạnh phúc với người chồng hết mực thương yêu - Thượng úy Dương Văn Hiệt. Thế nhưng, sau khi sinh con, chị phát hiện mình mắc căn bệnh lupus ban đỏ. 

Đây là bệnh tự miễn mạn tính, không rõ nguyên nhân, gây tổn thương hầu hết các hệ cơ quan trong cơ thể và trong trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng người bệnh, là một trong 10 bệnh hiếm gặp trên thế giới, hiện chưa có phác đồ điều trị…

Lãnh đạo Công an huyện Ba Bể thăm hỏi, động viên chị Tuyền.

Ban đầu Tuyền thấy đau các khớp chân, khớp tay vào mỗi buổi sáng, cứ tưởng do thay đổi thời tiết. Về sau mỗi khi nhiệt độ hạ thì chị lại bị cước đầu ngón tay, tức ngực, khó thở. Khám ở rất nhiều nơi chị mới biết mình bị bệnh nan y, sốc nằm liệt giường, bao mơ ước bỗng chốc sụp đổ... Nghĩ tới căn bệnh cả thế giới phải bó tay, chị đã rơi vào tuyệt vọng. 

Thời gian đầu, bệnh ở giai đoạn điều trị rối loạn định kỳ, hằng tháng chị phải xuống Bệnh viện Bạch Mai khám và điều trị. Lo cho bệnh của vợ, Thượng úy Dương Văn Hiệt luôn động viên và tiết kiệm từng đồng lương để chữa bệnh cho vợ.

Bệnh lupus ban đỏ phân làm hai giai đoạn, giai đoạn điều trị định kỳ và giai đoạn điều trị rối loạn. Khi bệnh vào giai đoạn cấp thì sẽ có biến chứng vào bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Do những biến chứng của bệnh, đến tháng 6-2017 chị Tuyền bị suy thận, mặc dù đã được gia đình và các y, bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai chữa trị nhưng không tiến triển, đến nay chị phải chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần. 

Do không đủ sức khỏe, Tuyền đã phải nghỉ dạy, cuộc sống gia đình đồng chí Hiệt càng gặp khó khăn nhiều hơn, mọi việc trông con và lo kinh tế gia đình dồn lên vai người chồng. Mỗi đợt điều trị tiền thuốc và các chi phí khác lên tới hàng chục triệu đồng. Con còn nhỏ, bố đẻ Thượng uý Hiệt lại bị tai biến liệt nửa người, nên sức nặng càng đè nặng lên vai anh. Nằm trên giường bệnh, Tuyền chỉ ao ước bệnh tình đỡ hơn để được về thăm con, bớt gánh nặng cho chồng…

Những ngày này, gia đình nội, ngoại của Thượng uý Dương Văn Hiệt đang nỗ lực duy trì cho chị Tuyền có đủ sức khỏe để yên tâm điều trị, chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. 

Thiếu tá Đào Ngọc Hà, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự - kinh tế - ma tuý Công an huyện Ba Bể cho biết, sau 10 năm công tác, gắn bó cùng đồng chí Hiệt, cả cấp trên và đồng đội đều rất yêu mến, quý trọng anh bởi anh là cán bộ có năng lực chuyên môn, trách nhiệm trong công việc. Bởi vậy, trước gia cảnh khó khăn của Thượng uý Hiệt, cán bộ chiến sỹ Công an huyện Ba Bể đã phát động, kêu gọi quyên góp ủng hộ được gần 13 triệu đồng để động viên tinh thần, giúp đỡ gia đình đồng chí. 

Tuy nhiên số tiền ấy chỉ là “muối bỏ bể” so với chi phí chữa bệnh mà chị Tuyền đang cần để chống chọi lại căn bệnh quái ác này. Gia đình cô giáo Tuyền đang cần lắm những tấm lòng nhân ái của các nhà hảo tâm cũng như bạn đọc gần xa để có thêm điều kiện chữa bệnh, duy trì sự sống.

Mọi giúp đỡ xin gửi về Quỹ Xã hội từ thiện, Báo CAND 92 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, ĐT: 024 38222157. Hoặc số tài khoản: 0021000019774, Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội; cơ quan đại diện Báo CAND tại TP Hồ Chí Minh, số 6 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh, ĐT: 028 38241917 và các Văn phòng thường trú Báo CAND trên địa bàn cả nước.
Ngọc Ánh
.
.