Ba loại vũ khí có sức mạnh vô đối của Nga thời hậu Xô Viết

Chủ Nhật, 25/03/2018, 14:31
Bất chấp những khó khăn thời hậu Xô Viết, nước Nga ngày nay đã cho ra mắt nhiều loại vũ khí hiện đại, chứng minh năng lực quốc phòng ưu việt trước mọi đối thủ tiềm ẩn.

Sau nhiều thập kỷ phát triển quân sự nóng thời chiến tranh Lạnh, Liên Xô sở hữu kho vũ khí khổng lồ. Tuy nhiên, nhiều trong số những loại vũ khí này đã lỗi thời sau nhiều năm hoạt động. 

Đứng trước hoàn cảnh này, bất chấp những khó khăn về kinh tế, nước Nga hiện đại đã cho ra mắt nhiều loại vũ khí hoàn toàn mới, chứng minh năng lực quốc phòng vượt trôi so với các đối thủ, trong đó có thể kể tới tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57, siêu tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân RS-28 Sarmat và xe tăng Armata T-14.

Su-57 - bóng ma trên bầu trời

Su-57 là chương trình phát triển máy bay chiến đấu lớn nhất của Nga thời hậu Xô viết. Được thiết kế để cạnh tranh với F-22 Raptor của Mỹ, Su-57 là mẫu máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên và cũng là lực lượng chủ lực của Không quân Nga trong tương lai với nhiều tính năng vượt trội cùng khả năng ẩn mình như một “bóng ma” trên bầu trời.

Nga kỳ vọng Su-57 trở thành vũ khí thống trị bầu trời. Ảnh: ITN

Su-57 lần đầu cất cánh vào năm 2010 dưới tên gọi T-50, sau 8 năm phát triển và thử nghiệm, Nga dự kiến biên chế những chiếc Su-57 đầu tiên tới các đơn vị tác chiến vào năm 2019 tới.

Theo các nguồn tin quân sự, tốc độ bay thông thường của Su-57 vào khoảng 1287 km/giờ, trong khi tốc độ tối đa có thể lên tới 2.600 km/giờ. So với F-22 Raptor với tốc độ cực đại chỉ khoảng 2414 km/giờ, tốc độ của Su-57 có phần nhỉnh hơn. Ngoài ra, trần bay của Su-57 có thể đạt mức gần 20 km, trong khi trần bay của F-22 Raptor chỉ khoảng 15 km.

Các loại vũ khí được trang bị trên Su-57. Ảnh: ITN

Về hoả lực, Su-57 có thể mang theo 8 tấn vũ khí hiện đại nhất mà Nga sở hữu, các tên lửa đối không, đối đất và đối hải được trang bị trên Su-57 sẽ được giấu trong khoang vũ khí trên thân máy bay để tăng khả năng tàng hình.

Su-57 sở hữu radar mảng pha chủ động được bố trí thông minh trên thân máy bay cùng hệ thống trinh sát hồng ngoại OLS-50M giúp nó phát hiện mục tiêu và tấn công từ cả phía trước và phía sau ở khoảng cách lên đến 400km.

Siêu tên lửa đạn đạo RS-28 Sarmat

Trong Thông điệp Liên bang gửi đến cả thế giới hôm 1-3, đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hé lộ một phần năng lực quốc phòng của Nga thông qua tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) "không thể đánh chặn" RS-28 Sarmat.

RS-28 Sarmat là ICBM thế hệ 5, được trang bị những công nghệ hiện đại nhất với tính năng kỹ - chiến thuật ưu việt hơn hẳn so với các tên lửa thế hệ trước. Loại ICBM này được phát triển từ khoảng những năm 2009 và là phiên bản nâng cấp của tên lửa RS-36M, được NATO gọi theo tên quỷ Satan vào những năm 1970.

Hình ảnh, được cho là của RS-28 Sarmat, trong một vụ phóng thử. Ảnh: ITN

Truyền thông Nga dẫn các nguồn quân sự cho biết, RS-28 Sarmat sử dụng nhiên liệu lỏng và có 2 tầng, tầm bắn trên 15.000 km, nghĩa là vươn tới mọi đích đến trên thế giới. Loại ICBM này cũng sẽ có trọng lượng hơn 200 tấn, lớn nhất từ trước tới nay.

Về đầu đạn, RS-28 Sarmat được cho là có thể mang đầu đạn thông thường lẫn hạt nhân nặng tổng cộng 10 tấn và sức công phá đến 40 megaton, gấp 2.000 lần các bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki hồi năm 1945. Nếu thực tế tác chiến có yêu cầu, RS-28 cũng có thể “cõng” 15 đầu đạn nhiệt hạch với sức công phá lớn hơn nhiều lần.

Sở dĩ nói RS-28 Sarmat không thể bị đánh chặn là bởi nó được tích hợp công nghệ dẫn đường tiên tiến và một bộ phận chuyên đánh lừa các hệ thống lá chắn bằng các "mồi như" có kích thước và hình dáng giống đầu đạn thật nhưng khối lượng thì nhẹ hơn nhiều lần.

Xe tăng Armata T-14

T-14 là tên gọi của xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) thế hệ ba được Nga phát triển trên nền tảng chiến đấu đa năng (UBP) Armata, ra mắt lần đầu trong lễ duyệt binh Ngày chiến thắng 9-5-2015. 

Đây là loại MBT hiện đại nhất thế giới, được ứng dụng nhiều công nghệ nhằm tối đa hóa khả năng tấn công, phòng thủ và thông tin liên lạc trên chiến trường, theo Sputnik.

Siêu tăng Armata di chuyển trên đường phố Nga. Ảnh: TASS

Sự xuất hiện của T-14 Armata là sự kiện lớn với nền quân sự thế giới, khiến nhiều chuyên gia quốc phòng phương Tây "choáng váng" trước uy lực của loại xe tăng này. Tạp chí quốc phòng Jane's Defence Weekly nhận định Armata là thiết kế hoàn toàn mới, thể hiện bước thay đổi đáng kể nhất trong trang bị khí tài quân sự Nga từ thập niên 1960 và 1970.

Vũ khí chính trên T-14 Armata là pháo nòng trơn 2A82-1M cỡ nòng 125 mm, thay thế cho mẫu 2A46M5 125 mm trên xe tăng T-90A. Sơ tốc đầu nòng của 2A82-1M cao hơn 20% so với pháo Rheinmetall 120 mm L/55 tối tân của Đức, loại pháo tăng được đánh giá là tốt nhất thế giới hiện nay. Đạn xuyên giáp của T-14 có thể bắn thủng lớp giáp dày tương đương 900 mm RHA từ khoảng cách 2 km.

Xe tăng này sở hữu các hệ thống trinh sát, ngắm bắn vô cùng ưu việt, khiến nó trở thành cơn ác mộng thực sự cho các mục tiêu nằm trong tầm càn quét.

Các loại thiết giáp dùng chung khung gầm Armata. 

Cùng siêu tăng T-14 Armata, khung gầm của dự án Armata được áp dụng cho cả siêu xe chiến đấu bộ binh hạng nặng T-15, xe thiết giáp cứu kéo T-16 (BREM-T) và pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV.

Thiện Nhân (Tổng hợp)
.
.