Tăng cường tính tranh luận tại Quốc hội

Chủ Nhật, 15/11/2015, 09:07
Cần tăng cường tính tranh luận, trả lời chất vấn phải đúng nội dung, nên công khai kết quả biểu quyết… là những vấn đề làm “nóng” phiên thảo luận góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội dung kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), sáng 14/11.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Đình Quyền (TP Hà Nội) cho rằng, tổng kết 13 khoá đại biểu cho tới nay thì Quốc hội ta vẫn cơ bản là Quốc hội tham luận và chưa chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận. Điều 16 dự thảo Nghị quyết chưa khắc phục được tình trạng này, thiếu Điều điều hành phiên họp.

Đại biểu đề nghị quy định rõ việc điều hành phiên họp của chủ tọa để khắc phục tính tham luận là cứ đứng lên đọc một bài chuẩn bị sẵn, mất thời gian, có khi trùng nhau; đồng thời biến Quốc hội từ chỉ có tham luận thành Quốc hội tranh luận về những quan điểm khác nhau, về cơ sở lý luận, triết lý và thực tiễn của vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) đồng tình: “Một số phiên họp của Quốc hội nặng về hội nghị, chủ yếu nghe báo cáo, tờ trình, rất ít tranh luận, cho nên tạo nên sự nhàm chán, mệt mỏi của đại biểu Quốc hội”. Theo ông, thực tế các kỳ họp có mặt đầy đủ đại biểu Quốc hội như tại phiên khai mạc, các phiên họp chất vấn thì không khí đối thoại, tranh luận sôi nổi hơn hẳn và các quyết định của Quốc hội cũng đảm bảo chất lượng hơn.

Nhiều ĐBQH như đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), Bùi Ngọc Chương (Cà Mau), Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh), Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh)… đều nhất trí nên tăng cường tranh luận để nâng cao chất lượng thảo luận. Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Anh Sơn cũng lưu ý thời gian tranh luận chỉ nên quy định trong vòng 2 phút và tránh trường hợp ĐBQH lợi dụng việc này để ấn nút khẩn cấp phát biểu trước, hoặc phát biểu thêm…

“Trong trường hợp người được chất vấn trả lời không đúng nội dung câu hỏi của đại biểu hoặc phiên chất vấn thì dự thảo luật quy định chủ tọa có quyền nhắc nhở. Tôi thấy quy định như vậy là hơi nhẹ” – đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nêu ý kiến.

Ông đề nghị chủ tọa có quyền chuyển từ hình thức chất vấn trực tiếp sang hình thức chất vấn khác bằng văn bản hoặc bằng phiếu. Đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) có chung quan điểm, đồng thời đề xuất phải công bố văn bản đó trên các phương tiện thông tin báo đài để toàn thể nhân dân theo dõi, giám sát. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Quốc hội dành thời gian thỏa đáng cho Thủ tướng trả lời chất vấn.

“Cử tri, đồng bào rất mong muốn được nghe ý kiến của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội. Thủ tướng không chỉ làm rõ trách nhiệm mà còn đưa ra giải pháp, thông tin vấn đề đại sự của quốc gia, tiếng nói của Chính phủ có sự tác động rất lớn, tạo sự đồng thuận của xã hội” – đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu rõ.

Bàn về vấn đề biểu quyết, đại biểu Nguyễn Đình Quyền đề xuất công bố công khai danh tính ĐBQH trong quá trình biểu quyết. Đây là vấn đề các nước đã làm rất nhiều, trong đó tại phiên họp của Quốc hội Mỹ, ĐBQH nào đồng ý, không đồng ý, không biểu quyết đều được hiện lên trên bảng vi tính, thể hiện rõ quan điểm của mình trước nhân dân và chịu trách nhiệm về biểu quyết giơ tay của mình.

Sáng 14/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2016 với 79,15% đại biểu tán thành. Theo Nghị quyết này, tổng số thu cân đối ngân sách trung ương là 596.882 tỷ đồng. Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 417.618 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là 850.882 tỷ đồng, trong đó dự toán 211.221 tỷ đồng để bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Quỳnh Vinh
.
.