Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: “Hãy giúp tôi tin!”

Thứ Hai, 20/10/2014, 14:55
Ở cuối buổi trò chuyện với tôi, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đã tha thiết nói: “Tôi có một ước nguyện là những người đã xem phim Sống cùng lịch sử, đã phải rơi những giọt nước mắt quý giá khi xem phim, hãy lên tiếng để giúp tôi tin rằng đây không phải là thời mà những người tử tế phải tạm lui vào ngõ, để những kẻ to mồm… “tồng ngồng’’ ngông nghênh đại lộ...”.

Tôi vốn là học sinh Trường Phổ thông Trung học Việt - Đức trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Khóa chúng tôi học từ năm 1976 tới năm 1979. Thời đó, nhà trường rất quan tâm đến những học sinh học khá ở các lớp và thường xuyên tổ chức bồi dưỡng cho những “hạt giống” của mình thông qua các buổi học thêm ngoài giờ. Thành ra, những ai được coi như “mầm mống tài năng” từ các lớp khác nhau thông qua các buổi bồi dưỡng như thế dễ biết, dễ giao du và có thể thân nhau... Có nhiều cái tốt từ cách giáo dục kiểu này nhưng cũng có cái dở là, một số học sinh khác, trong đó có tôi, vì được chọn đi để bồi dưỡng nhiều quá, về sau lại cứ tưởng, chỉ có những ai mà mình biết, mình quen trong các buổi bồi dưỡng kiến thức đặc biệt đó mới là người sau này thành tài...

Tôi đã bị “bé cái nhầm”... Tuyệt đại đa số những người mà tôi quen trong các lớp bồi dưỡng đặc biệt đó về sau đều không làm được gì nhiều để xứng đáng với kỳ vọng của các thầy cô đã đặt lên vai họ, cùng lắm là họ chỉ ăn nên làm ra cho chính bản thân họ thôi... Còn nhân vật mà bây giờ đã trở thành người lừng lẫy nhất trong khóa học sinh 1976-1979 của Trường Việt Đức lại là người mà mãi sau này tôi mới quen  và quý mến, tôn trọng ở mức độ cao: đó là Nghệ sĩ nhân dân- đạo diễn điện ảnh Nguyễn Thanh Vân...

Vân cũng cầm tinh Nhâm Dần như tôi, là con trai của Nghệ sĩ nhân dân - Đạo diễn điện ảnh Hải Ninh. Gia đình anh quê gốc Thanh Hóa nhưng ở trong anh, đậm đặc những nét tính cách trai Hà thành con nhà cán bộ, lãng mạn, nhẹ nhàng, có lúc như hơi rụt rè... Nói thực, đôi khi tôi còn cho rằng anh quá lành đối với nghề làm đạo diễn điện ảnh. Phần lớn những đạo diễn điện ảnh tài năng mà tôi biết, hành xử đều rất rắn, quyết liệt… Riêng Nguyễn Thanh Vân lúc nào cũng mềm mỏng, ngay cả trong những tình huống xung đột hay khủng hoảng, như thể không phải xung quanh đang gây sự với anh mà chính anh dường như có lỗi để xung quanh trở nên hăng tiết như thế....

Tôi gặp Nguyễn Thanh Vân trong một buổi chiều muộn, sau khi xảy ra những ồn ào xung quanh việc đưa bộ phim mới do anh làm đạo diễn Sống cùng lịch sử ra rạp. Cùng ngồi có đạo diễn Nhuệ Giang, vợ Vân, và ông bạn đồng niên của chúng tôi, họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ... Hai người này đã là “nhân chứng” cho cuộc trò chuyện của Nguyễn Thanh Vân với tôi...

- Hồng Thanh Quang: Chuyện đã lâu lắm rồi nhưng bây giờ anh có nhớ đích xác là vì sao anh đã chọn con đường trở thành đạo diễn điện ảnh? Có phải đơn giản chỉ vì cha anh là đạo diễn Hải Ninh? Cha anh có bao giờ đưa ra quyết định thay cho anh không?

- Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: Thực ra khi ấy, tôi đang học năm thứ tư Trường Đại học Kiến trúc Hà nội. Và tôi chỉ nói với bố rằng, con muốn thi vào lớp đạo diễn điện ảnh. Khi đấy trường chiêu sinh khóa đại học điện ảnh đầu tiên.

- Mọi chuyện xem ra đơn giản nhỉ!

- Thì lúc đó tôi cũng mới 20 tuổi, suy nghĩ mọi sự theo cách đơn giản lắm. Mà thực ra thì có mất gì, nếu thi trượt vào lớp đạo diễn thì tôi vẫn là sinh viên kiến trúc cơ mà.

- Đúng là không có gì để mất. Hơn nữa, con trai một đạo diễn nổi tiếng như thế thì khó mà thi trượt lắm (cười).

- (Cũng cười): Không, không phải như thế. Tôi không có thói quen ỷ vào bố mình trong công việc đâu.

- Tôi hiểu. Thế thái độ của đạo diễn Hải Ninh khi nghe anh nói muốn thi vào lớp đạo diễn như thế nào?

- Ông không ngăn cản, nhưng có chút tiếc nuối. Ông muốn giá như tôi đã tốt nghiệp Đại học Kiến trúc rồi thì tốt hơn...

- Chắc ông muốn con trai mình đã có một nghề gì đó chắc chắn rồi mới dấn thân theo nghề đạo diễn thực ra khá bấp bênh ở nước ta...

- Đúng thế.

- Tôi nghĩ rằng anh là con trai một đạo diễn điện ảnh, hẳn anh đã có được cái nhìn về nghề này chuẩn xác hơn nên không thể không biết những vấn đề ở “mặt sau của tấm huy chương”?

- Tôi biết chứ, có bố làm đạo diễn điện ảnh thì đương nhiên có một môi trường tốt thấm đẫm vào tôi từ những ngày còn thơ ấu. Và tôi được chứng kiến những say mê trong nghề của bố tôi. Chính điều này đã đưa tôi đến quyết định rất nhanh chóng mà không hề nghĩ đến một tương lai mơ hồ, gian nan của nghề  đạo diễn. Bố tôi hiểu mọi sự, ông cũng lo cho tương lai của tôi khi dấn thân vào nghề đạo diễn, nhưng ông không nói gì cản trở, có lẽ ông vẫn có một chút niềm tin vào con trai mình...

- Và Đạo diễn Hải Ninh đã động viên anh thi vào lớp đạo diễn?

- Không, ông không đưa ra quyết định thay tôi. Ông để tôi tự quyết định...

- Thực sự những năm học ở Trường Đại học Sân khấu điện ảnh đã có ích như thế nào đối với anh trong công việc chuyên môn sau này?

- Cũng như tất cả những ai đã bước qua giảng đường đại học, đều hiểu những năm tháng ấy là những viên gạch đầu tiên rất quan trọng cho một ngôi nhà. Ngôi nhà đẹp hay không phụ thuộc vào nền móng này, quan trọng hơn nó đã xác tín cho tôi rằng mình đã chọn đúng nghề - nghiệp của đời mình.

- Những người thầy dạy nghề của anh thời đó là ai? Anh còn nhớ những gì về họ?

- Thầy Khắc Lợi, Nghệ sỹ nhân dân, đạo diễn của các bộ phim như Hai người mẹ, Tướng về hưu… phụ trách lớp của tôi bao gồm chỉ 7 sinh viên chính thức. Thỉnh thoảng chúng tôi có sang “nghe ké” thầy đạo diễn Trần Đắc (đã mất, đạo diễn các phim như Bài ca ra trận, Sao tháng Tám… giảng dạy lớp chuyên tu đạo diễn, mà từ đó có các đạo diễn như Lê Xuân Hoàng, Nguyễn Vinh Sơn, Phạm Thanh Phong, Hồ Ngọc Xum v.v… của ngày hôm nay. Còn có các thầy, các đạo diễn như Lê Đăng Thực, Xuân Sơn, Đặng Nhật Minh, Đỗ Ngọc… vào nói chuyện về kinh nghiệm nghề nghiệp và hướng dẫn tốt nghiệp. Thầy Khắc Lợi tận tình, chu đáo, tỉ mỉ, gần gũi… Thầy Trần Đắc biết khơi gợi những vẻ đẹp tinh khiết của điện ảnh thông qua những bộ phim từ hồi Liên Xô cũ. Trải qua bao năm tháng làm nghề, tôi luôn nhớ và biết ơn hai người thầy đầu tiên này...

- Không thầy đố mày làm nên... Đó là chuyện tất nhiên. Và trò thì thường phải làm theo thầy. Nhưng trong nghệ thuật lại có những quy luật rất khác. Đôi khi đi theo thì không tới, mà đổi hướng, đổi khác thì may ra mới có thể cán đích được. Tôi xin hỏi thực, có những điều gì được các thầy dạy ở trường mà về sau anh cương quyết không bao giờ áp dụng theo?

- Thời gian trôi đã lâu, tôi chỉ biết chắc chắn một điều là quá trình làm nghề là một quá trình luôn phải học hỏi không chỉ trong phạm vi nhà trường, quá trình này theo mình suốt cuộc đời và không có gì là bất biến.

- Rõ rồi... Anh rất tế nhị... Tôi xin hỏi chuyện khác. Anh nghĩ thế nào về quan niệm cho rằng, đạo diễn nên là người có vốn sống thực tế rồi mới đi học nghề thì sẽ tốt hơn?

- Chính bản thân tôi cũng đã vào học  nghề đạo diễn không phải ngay sau khi tốt nghiệp trường phổ thông mà đã có bốn năm học ở Trường Đại học Kiến trúc. Tôi cũng tin rằng: Nghề đạo diễn rất cần sự trải nghiệm trong cuộc đời. Rất nhiều đạo diễn trong và ngoài nước đều có những phim tốt nhất trong sự nghiệp của mình  ở độ tuổi 40, 50... Thí dụ như đạo diễn Trần Vũ với Đến hẹn lại lên, Hải Ninh với phim Em bé Hà Nội, Hồng Sến với Cánh đồng hoang hoặc Đặng Nhật Minh với Bao giờ cho đến tháng Mười. Tất nhiên cũng có những người vụt sáng từ trên 30 tuổi nhưng không nhiều... Tuy nhiên, tôi không cho rằng, đi học trước  hay có vốn sống thực tế rồi mới nên đi học đạo diễn. Việc bước vào học nghề đạo diễn ở thời điểm nào tốt hơn phụ thuộc vào “trữ lượng điện ảnh” hay nôm na là  “gien điện ảnh” mà anh có trong người.

- Anh còn lưu giữ ấn tượng gì từ những người đồng nghiệp, những bạn đồng môn cùng thế hệ với mình thuở đó? Ai là người mà anh quan tâm hay đánh giá cao nhất?

- Tôi nhớ một Lưu Trọng Ninh mạnh mẽ, sắc sảo, nhưng rất thiếu kiên nhẫn; một Nhuệ Giang cần mẫn, chân thành với nghề, nhưng cũng không thiếu một ngọn lửa từ con tim để đi đến cùng con đường mình lựa chọn. Một Vinh Sơn thâm trầm, nhiều suy ngẫm, đắn đo đến rụt rè với những ý tưởng của mình; một Lê Xuân Hoàng đầy nhiệt huyết, hào sảng. Rất tiếc anh mất sớm sau khi hoàn thành bộ phim Vị đắng tình yêu. Còn nhiều người nữa… Mỗi người mỗi vẻ những đã đóng góp một phần quan trọng làm nên diện mạo của điện ảnh Việt Nam những năm 90 thế kỷ trước và những năm đầu thế kỷ này.

- Không khí học nghề thời trẻ của anh có gì khác so với hiện nay?

- Rất hồn nhiên, rất chân thành. Và ít nghĩ những điều gì khác ngoài điện ảnh. Một kỷ niệm nhỏ: khi Cục Điện ảnh tổ chức chiếu phim lưu trữ là những tác phẩm điện ảnh cũ ở rạp Đống Đa, cả lớp tôi chỉ có một vé, nên người vào đầu tiên có nhiệm vụ là  không để bị xé vé, rồi ra nhà vệ sinh tuồn ra ngoài cho người khác vào sau, cứ thế lần lượt để cả lớp vào được. Tôi không thật sự rõ là các bạn trẻ hiện nay học điện ảnh thế nào, nhưng chắc chắn có nhiều điều kiện tốt hơn rất nhiều về thông tin, vật chất kỹ thuật, môi trường điện ảnh mang tính toàn cầu…

- Khi mới vào nghề, anh đã coi những đạo diễn nào là hình mẫu mà anh muốn noi theo?

- Tôi không có hình mẫu cụ thể nhưng điện ảnh Liên Xô cũ với những tác phẩm điện ảnh kinh điển như Bài ca người lính, Khi đàn sếu bay, Người thứ 41 hoặc phim của Ba Lan như Nhạc trưởng, Không gây tê, phim của Bungari như Chiếc sừng dê… đã tác động vào tôi sâu sắc. Những bộ phim như thế ngay từ khi tôi mới bước chân vào nghề đã cho tôi hiểu được rằng, điện ảnh không chỉ là vẻ đẹp lung linh, mà còn có thể tác động đến xã hội một cách rộng lớn.

- Đạo diễn - NSND Hải Ninh, đã có ý nghĩa như thế nào đối với anh trên phương diện nghề nghiệp? Những bài học nào mà anh có cảm giác như mình đã đúc kết được từ chính công việc của cha mình?

- Ông truyền cho tôi sự đam mê, đam mê và chỉ đam mê mà thôi đối với điện ảnh. Đó cũng chính là những đúc kết quý giá nhất từ chính công việc của ông -  đạo diễn, NSND Hải Ninh.

- Tôi cũng xin được kể với anh rằng, trong những năm cuối đời, bác Hải Ninh đã liên lạc với tôi không chỉ một lần và đã cộng tác viết bài cho chuyên đề ANTG CT và GT. Thực tiếc là tôi đã không có hạnh ngộ được hầu chuyện bác về điện ảnh. Nhưng qua những lần trao đổi với nhau qua điện thoại, tôi luôn cảm nhận được hình như ở người đạo diễn này đang ẩn chứa không ít những tâm sự không hẳn đã ngọt ngào về điện ảnh nước nhà. Anh là con trai của đạo diễn Hải Ninh, anh có thể chia sẻ về những điều mà cha anh đã đau đáu nhất về điện ảnh Việt Nam ở giai đoạn cuối đời?

- Tôi cảm nhận từ ông sự “ngậm ngùi”, “day dứt”. Ông luôn hỏi tôi: “Bộ phim sắp tới con định làm gì?”. Tôi không trả lời được. Ông  chắc cũng không thể ngờ rằng tôi đã làm một phim “lịch sử hoành tráng”. Một đề tài mà ít nhiều là sở trường cũng như những thành tựu ông đã đạt được từ đề tài này như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội… Rồi ông lại tự trả lời: “Thật sự bố cũng không thể biết được con sẽ làm phim kiểu gì vào thời buổi này. Khó!’’. Ông chỉ mới mất cách đây hơn 1 năm và hoàn toàn minh mẫn cho đến trước  lúc mất khoảng 10 ngày. Ông 82 tuổi khi mất. Tôi rất nhớ ông...

- (Im lặng)...

- (Cũng im lặng):...

- Bộ phim đầu tay của anh là phim gì? Hồi ức của anh về giai đoạn làm bộ phim đó? Anh đã chọn diễn viên như thế nào? Kinh phí ra sao? Sự đón nhận của đồng nghiệp và khán giả như thế nào? Bây giờ nhìn lại thì anh tự đánh giá ra sao về bộ phim đầu tay?

- Bộ phim đầu tay của tôi là phim Chuyện tình trong ngõ hẹp, một cái tên rất “sến” phải không?

- Không hẳn là sến. Thậm chí với tôi cái tựa đề này nghe lại có vẻ mang hơi hướng của nhà văn Áo Stefan Zweig, tác giả của “Phố dưới ánh trăng”, “Lá thư của người phụ nữ không quen biết”... Tôi nhớ ở thời tôi sang Liên Xô học, chúng tôi đã đọc say mê những truyện ngắn của Zweig qua bản dịch ra tiếng Nga... Rất hợp với những trái tim trẻ trai lãng mạn...

- Thế thì đúng rồi, kịch bản phim này do anh Đoàn Minh Tuấn viết. Anh Đoàn Minh Tuấn là nhà thơ, sang Liên Xô học nghề viết kịch bản điện ảnh, chắc cũng cùng thời với Hồng Thanh Quang...

- Tôi biết Đoàn Minh Tuấn, có giai đoạn còn thân với nhau nữa. Anh Tuấn học sau tôi vài năm ở Liên Xô, nhưng cũng coi như cùng thời...

- Thực ra tên ban đầu của kịch bản là Ngõ đàn bà. Tôi rất thích cái tên này, và thực hiện bộ phim theo một đường dây xuyên suốt từ cái tên này. Nhưng rồi có sự cố, việc cho phim xuất xưởng gặp trở ngại…

- Chắc là lại có “chuyên gia” nào đâm bị thóc chọc bị gạo chê tên phim quá Tây?

- Thì thế... Chính tôi đã phải đến tận nhà Bộ trưởng Bộ Văn hóa lúc ấy là nhạc sĩ Trần Hoàn để xin giữ lại cái tên Ngõ đàn bà nhưng có một lý do “lãng xẹt”, nếu để tên phim như cũ thì ở trong Nam sẽ gọi tên phim là “Hẻm đàn bà” và đại diện Hội phụ nữ Việt Nam (đã xem phim) yêu cầu phải đổi tên...

- (Cười phá lên):... Thôi xong rồi, lệnh ông không bằng cồng bà...

- (Cũng cười): Phim ra đời đã tạo nên những khen chê trái chiều ồn ào. Bác Trịnh Mai Diêm (đã mất), nhà lý luận phê bình điện ảnh kỳ cựu thời kỳ ấy, đã được giải thưởng phê bình cuối năm nhờ bài viết phê phán bộ phim này.

- Bài phê bình được giải thưởng thì giờ không ai nhớ nữa. Nhưng tôi tin rằng nếu phim Ngõ đàn bà” được chiếu lại thì vẫn có người xem với những cảm xúc mới...

- Tôi cũng nghĩ thế...

Một cảnh trong phim Sống cùng lịch sử.

- Nói thực là tôi cũng đã xem phim đó không chỉ một lần, rất thích. Và khi ấy đã hơi “ghen” với diễn viên Đơn Dương vì anh ấy đã được đóng cặp thân thiết thế với chị Thanh Quý... Tôi vốn là người hâm mộ nghệ sĩ Thanh Quý mà (cười)...

- (Cũng cười): Thì mình cũng thích Thanh Quý (nhìn sang Nhuệ Giang nhưng chị không tỏ thái độ gì...)

- Đàn ông ai mà chẳng thích Thanh Quý...

- Lại nói tiếp về phim. Hồng Thanh Quang biết không, trong lúc có luồng phê phán phim mạnh trên báo chí thì ông Olivie, Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Pháp lúc ấy, sau khi đã xem khoảng 60 phim của Việt Nam từ bắt đầu  thời kỳ “đổi mới’’ từ 1986 tới 1996, đã chọn 12 phim tiêu biểu trong một tập san nghiên cứu về điện ảnh Việt Nam, trong đó có bộ phim này với những lời như sau: “Đây là một bộ phim hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam có hơi hướng của điện ảnh tác giả’’ và “trong phim có cái hôn đẹp nhất của điện ảnh Việt Nam (cái hôn giữa Mỹ Duyên và Đơn Dương). Tôi thấy hơi quá nhưng cũng thích thú với lời bình này. Đây là một bộ phim được đồng nghiệp tôn trọng và khán giả thì tò mò. Thu Hà, phóng viên báo Tuổi trẻ một thời, sau khi xem một số bộ phim sau này của tôi như Đời cát, Người đàn bà mộng du vẫn rỉ vào tai tôi: …“Em vẫn thích nhất Ngõ đàn bà”. Tôi rất sợ cô ấy quên lời thổ lộ đó và tôi sẽ mắc tội áp đặt. Dưới góc độ cá nhân, tôi rất yêu bộ phim đầu tay này như một Mối tình đầu (tên phim của bố tôi - đạo diễn Hải Ninh) với nhiều kỷ niệm sóng gió khó quên.

- Bộ phim nào mà anh coi là thành công đáng kể nhất của mình? Tất nhiên, ngoại trừ bộ phim mà anh có thể sẽ thực hiện trong tương lai...

- Ngõ đàn bà cho tôi biết tôi đã chọn đúng con đường đi của cuộc đời mình và vững tin.

- Ở giai đoạn hiện nay, theo anh, những người làm phim Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn nan giải gì? Liệu một số người trong chúng ta có bị rơi vào tình trạng vụng múa chê đất lệch hay không?

- Với câu hỏi này, tôi không muốn làm đại diện cho “…những người làm phim Việt Nam…’’ mà chỉ xin trả lời dưới góc độ cá nhân. Tôi muốn bắt đầu bằng một sự kiện không lớn nhưng để lại nhiều suy nghĩ. Đó là Liên hoan phim Việt nam tại St Malo (Pháp) vào tháng 8/2014 với sự hợp tác của Cục Điện ảnh. Ban tổ chức Liên hoan phim (LHP) đã lựa chọn ra khoảng trên 10 phim tốt nhất của  Việt Nam (được đánh giá từ những LHP Quốc gia hay giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh trong vòng vài ba năm gần đây. Có Trăng nơi đáy giếng của Vinh Sơn, Thiên mệnh anh hùng, Scandal của Victo Vũ, Khát vọng Thăng Long của Lưu Trọng Ninh, Lửa Phật của Dustin Nguyễn, Mùi cỏ cháy của Nguyễn Hữu Mười, Những người viết huyền thoại của Bùi Tuấn Dũng… và Tâm hồn mẹ của Nhuệ Giang. Và Tâm hồn mẹ đã đoạt cả hai giải thưởng quan trọng là giải Phim hay nhất và giải của khán giả… Ban giám khảo do ông Regis Wagnier, đạo diễn phim Đông Dương từng đoạt giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất năm 1992 làm trưởng ban giám khảo với lời khen ngợi của ông trong lễ bế mạc: “… Đây là phim được sự đồng thuận 100% của ban giám khảo…’’ và những lời lẽ tốt đẹp khác mà các bạn Việt Nam tham dự LHP đã được chứng kiến… Cũng phim này tại LHP Quốc gia lần 17 ở Phú Yên, do Lưu Trọng Ninh làm trưởng ban giám khảo, nó chỉ được giải khuyến khích với lời tuyên bố của ông Ninh: “…với cách làm phim cũ…’’.

- Anh nghĩ thế nào trước hiện tượng tuyệt đại đa số những gương mặt đạo diễn sung sức của một thời chưa xa, ở độ tuổi nghề sêm sêm như anh, hiện nay đều bị rơi vào tình trạng “thất nghiệp” toàn phần hay đa phần? Anh có thể lý giải? Phải chăng sông có khúc, người có lúc, đã không còn những điều kiện khách quan khả dĩ có thể giúp các anh phát huy sở trường của mình?

- Câu chuyện tôi vừa nói ở trên có thể giúp chúng ta thấy một khoảng cách khá xa trong việc thẩm định giá trị một bộ phim từ những người cầm cân nảy mực, những người trong nghề trong và ngoài nước, mở rộng ra là cả xã hội, khi mà ở một thời kỳ, chúng ta không còn định ra được ranh giới giữa phim nghệ thuật và thương mại. Các phim với mục đích thương mại đạt doanh thu cao của Hollywood không bao giờ được tham gia những LHP thiên về nghệ thuật như  Cannes, Venice… Và những nhà sản xuất, hơn ai hết cũng hiểu rõ điều đó. Nhưng ở chúng ta, vì nhiều lý do, đã xếp các loại phim vào chung một mâm, và các phương tiện thông tin đại chúng luôn đưa ra những ý kiến, nhận định… về những vấn đề hoàn toàn không liên quan đến giá trị chủ yếu của bộ phim hướng đến những mục đích hoàn toàn khác nhau, nghệ thuật hay thương mại hay bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa, chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Và khó khăn chủ yếu xuất phát từ đây, khi yếu tố lợi nhuận đang được xã hội “tôn vinh’’, ít nhất trên bình diện thông tin đại chúng. Ở đây tôi không nghĩ tới khái niệm “tài’’ hay “bất tài’’, có “tâm’’ hay “không có tâm’’. Nó là một thực trạng xã hội, tác động đến một thế hệ, như anh nói là “đang sung sức…’’. Nó làm lung lay niềm tin về một nền điện ảnh không lớn, nhưng giàu tính nhân văn, mang bản sắc Việt Nam, một nền điện ảnh không lai căng, không chỉ hướng tới lợi nhuận mà còn có thể đem lại những giá trị tinh thần khác mà không thể đong đếm bằng tiền. Mặt khác, đây cũng là thời điểm mà thế hệ chúng tôi, tuổi trên 50 cũng cần một khoảng lắng để suy ngẫm về con đường tiếp theo của mình, một khoảng lắng tự trọng và cần thiết.

- Anh nghĩ thế nào về câu, khi nhà văn cảm thấy trong xã hội đã không còn độc giả của mình thì nên buông bút? Với người làm điện ảnh thì sao?

- Thì chắc cũng phải ngừng làm phim thôi, nhưng vấn đề ở đây là độc giả, khán giả như thế nào. Ví dụ: nếu tôi có một nhà hàng Chả cá Lã Vọng thì tôi không thể mời và chiều các vị thích ăn thịt chó chẳng hạn, và cũng đừng vì thế mà các vị thích ăn chả cá lại đi chỉ trích các vị thích ăn thịt chó và ngược lại...

- Đúng là rất hiếm có tác phẩm nghệ thuật thực sự dành cho tất cả mọi người. Nhưng rất đáng buồn nếu tác phẩm nghệ thuật thực sự lại không tìm ra được công chúng của riêng mình. Khi đó, người làm nghệ thuật đành rửa tay gác kiếm thôi và im lặng...

- Thì cũng đành phải thế. Tuy nhiên, trong sáng tạo nghệ thuật, có những sự im lặng chết  chìm theo thời gian, và cũng có những sự im lặng trước sự bùng nổ, điều đó phụ thuộc ở mỗi cá nhân.

- Thực sự anh đang nghĩ gì về những đánh giá gần như là ném đá hội đồng về “Sống cùng lịch sử” mà anh là đạo diễn?

- Rất đáng tiếc những đánh giá đó là của hầu hết những người chưa xem phim Sống cùng lịch sử và nhầm lẫn về tính mục đích của bộ phim. Và tôi có một ước nguyện là những người đã xem phim Sống cùng lịch sử, đã phải rơi những giọt nước mắt quý giá khi xem phim, hãy lên tiếng để giúp tôi tin rằng đây không phải là thời  mà những người tử tế  phải tạm lui vào ngõ, để những kẻ to mồm… “tồng ngồng’’ ngông nghênh đại lộ...

- Xin cảm ơn anh

H.T.Q.
.
.