Từ văn hóa Thư viện đến sự cần thiết của xã hội lý tính
- 9 thư viện đương đại đặc sắc nhất thế giới
- Luật Thư viện góp phần phát triển văn hoá đọc như thế nào?
Có thể nói, anh thuộc thế hệ những nhà nghiên cứu 8X có nhiều trải nghiệm học thuật. Một ngày nọ, tôi thấy anh post một tấm ảnh thư viện quốc tế lên trang Facebook cá nhân cùng những chia sẻ đầy trăn trở về “văn hóa thư viện” của người Việt. Đấy chính là động lực lớn nhất để tôi hẹn gặp anh, thực hiện cuộc đối thoại này.
Bên trong thư viện Harvard có gì?
- Nhà báo Phan Đăng: Thưa tiến sĩ Nguyễn Phúc Anh, chúng ta sẽ bắt đầu câu chuyện từ một tò mò của cá nhân tôi, đó là lần đầu tiên bước chân vào thư viện trường Harvard, cảm giác của anh là gì?
- Tiến sĩ Nguyễn Phúc Anh: Choáng ngợp! Tôi không phải là sinh viên được đào tạo lâu ở Harvard. Tôi chỉ học Harvard 18 tháng, trong 3 học kỳ, nhưng đấy là quãng thời gian tôi sử dụng triệt để hệ thống thư viện của Harvard. Cho đến nay, tôi đã sử dụng thư viện của Harvard ở nhiều hình thức, tổng cộng đã khoảng 7-8 năm nhằm phục vụ công việc chuyên môn. Tôi thấy chúng ta có nhiều điều cần học tập từ cách thức tổ chức thư viện của Harvard và Hoa Kỳ nói chung.
- Tôi vẫn muốn nghe thêm về cảm giác choáng ngợp của anh!
- Trường Harvard có tất cả 72 thư viện, trong đó có những thư viện rất đẹp, được xây dựng theo kiến trúc cổ điển của những lâu đài châu Âu. Bước chân vào thư viện Harvard, tôi có cảm giác muốn học và hoàn toàn tập trung vào việc học.
Ấn tượng của tôi về Harvard là những thư viện nằm sâu dưới lòng đất, với nhiều bàn làm việc được đặt lẩn khuất giữa các giá sách. Tôi thường tìm những cái bàn như vậy, ngồi cả ngày để đọc sách, không ai làm phiền tôi cả. Tôi thậm chí không biết đến sự tồn tại của những người xung quanh và thời gian đang trôi qua.
Thiết kế thư viện ở đây thực sự tạo cho con người một cảm giác cô đơn, cô độc cần thiết để có thể suy nghĩ. Song, thư viện dù đẹp mấy, bước ra bước vào vài lần là chán. Cho nên sau phút choáng ngợp bởi kiến trúc, tôi choáng ngợp ở cách tổ chức hoạt động hiệu quả của hệ thống thư viện ở đây.
- Có câu nói rằng: Trí tuệ chỉ nảy sinh từ sự im lặng. Và có một câu nói khác: Trí tuệ nảy sinh từ cô độc!
- Chính xác!
- Vậy sau 18 tháng cô độc ở trong các thư viện Harvard, anh thấy mình đã thay đổi căn bản như thế nào?
- Sự thay đổi lớn nhất của tôi chính là nhận thức: Mình không là một cái gì trong biển thông tin này cả. Kể từ đó, thay vì chỉ cố học và đọc càng nhiều sách càng tốt, tôi học cách xử lý thông tin sao cho hiệu quả nhất. Học giả Việt Nam chúng ta xuất phát từ một đất nước rất đói khát thông tin. Sau này khi có mạng internet, chúng ta lại đói khát những thông tin có chất lượng. Vì vậy, ở Việt Nam, khi muốn tìm một cuốn sách nghiên cứu tốt xuất bản ở nước ngoài, nhà nghiên cứu đôi khi phải bỏ ra vài tháng lương để đặt mua từ nước ngoài. Cho nên, khi quyển sách đến tay thì anh ta nâng niu, gìn giữ nó như một báu vật. Nhưng chính điều này vô hình trung tạo nên tâm lý là cứ phải cố sưu tầm, gom góp và không muốn chia sẻ tư liệu mình kiếm được.
Việc nghiên cứu và uy tín học thuật là một đặc quyền của những nhà nghiên cứu có mối quan hệ, có điều kiện tài chính, sở hữu được nhiều tư liệu tốt trong tay, chứ không phải là vì tài năng, đầu óc và tư duy của nhà nghiên cứu đó. Thế là nó dẫn đến một tư duy không thực sự hữu ích trong nghiên cứu, đó là tư duy bá chiếm tư liệu, độc quyền tri thức.
Thảm hơn là tư duy ăn cắp tư liệu, phá hủy tư liệu gốc để độc chiếm thông tin, gắn nó với tên tuổi mình. Còn sống trong các thư viện Harvard với bạt ngàn những cuốn sách độc đáo, nhận ra con người thật bé nhỏ trước di sản tri thức của nhân loại, con người sẽ không có tư duy này nữa. Tình yêu tri thức thực sự mới có thể nảy nở.
- Khi chúng ta chỉ có một vài quyển sách mà không biết và không có cơ hội biết những quyển sách khác thì chúng ta dễ bị quyển sách mình có “cầm tù” nhận thức của mình - tôi nghĩ thế. Còn khi chúng ta có nhiều sách vở hay, chúng ta sẽ phải đứng trước câu hỏi: Cuối cùng mình sẽ xử lý những thông tin thu thập được từ trong bạt ngàn những quyển sách như thế nào?
- Khi đối diện với biển thông tin của hàng triệu đầu tài liệu, hàng ngàn quyển sách chúng ta sẽ nhận ra sự cần thiết phải tiếp cận kiến thức một cách có hệ thống. Điều đáng nói ở đây là tính hệ thống. Nó không giống kiểu một ngày đẹp trời nào đó, chúng ta chợt tìm thấy một quyển sách rất hay và thế là vội vàng dịch nó ra tiếng Việt, tổ chức hàng loạt buổi hội thảo, giới thiệu về nó. Và coi những gì được viết ra trong nó như là tất cả những gì nhân loại cần biết về lĩnh vực đó rồi.
Không! Sự thật không phải như vậy. Khi tiếp cận quyển sách đó với ý thức hệ thống, chúng ta hiểu rằng: nó đúng là một quyển sách hay nhưng nó nằm trong một hệ thống thảo luận tri thức hàng trăm năm. Có thể là quyển sách rất hay nhưng là từ thế kỷ 19 rồi. Dù hay nhưng nó “cũ”, “lạc hậu” lắm. Và chỉ riêng nó thì không thể thay đổi được thế giới này. Việc giới thiệu và dịch sách không nên chỉ giới hạn trong các tác phẩm kinh điển mà nên mở rộng, giới thiệu những thành tựu nghiên cứu mới nhất hiện nay nữa.
- Ý thức hệ thống không chỉ giúp chúng ta nhìn nhận, đánh giá những thứ giá trị đã có một cách bao quát, trong tính vận động lịch sử của nó, mà theo tôi còn giúp chúng ta sáng tạo ra những giá trị mới trong tính toàn diện và sâu sắc nữa. Thiếu cái đó, một nền học thuật khó mà đi xa.
- Ví dụ nghiên cứu về chủ nghĩa quốc dân (nationalism) hay Việt Nam chúng ta hay gọi là chủ nghĩa dân tộc có lịch sử xuất hiện - thảo luận từ khoảng 150 năm trở lại đây. Nhưng, chúng ta chỉ dịch được 1-2 cuốn sách, của 1-2 tác giả kinh điển viết về chủ nghĩa dân tộc. Điều đó tốt, song nó chỉ cung cấp cho độc giả một góc nhìn thủng lỗ chỗ về vấn đề. Tôi thấy là rất nhiều vấn đề và thảo luận về chủ nghĩa dân tộc cho đến giờ vẫn rất xa lạ ở Việt Nam.
- Chúng ta mới chỉ bàn tới hai chữ “hệ thống” thôi nhưng thực chất đây là câu chuyện của cả một nền học thuật. Tôi biết là hồi đầu thế kỷ 20, những trí thức Việt Nam cũng đã bàn luận, thậm chí là tranh cãi về vấn đề này nhiều lắm. Rằng, Việt Nam đã có một nền học thuật đúng nghĩa hay chưa? Và rằng phải có quốc văn thì mới có quốc học, phải có quốc học thì mới có quốc hồn. Nhưng, bây giờ, trên dưới 100 năm rồi, có vẻ chúng ta vẫn chưa thể tạo dựng được một nền học thuật như những gì mà các bậc tiền bối của chúng ta nói đến.
- Tôi chẳng dám mơ mộng nghĩ về việc tạo dựng một nền học thuật Việt Nam đúng nghĩa, tôi mới đang nghĩ đến việc phải tìm cách hiểu học giả nước ngoài đang thảo luận những vấn đề gì và giới thiệu cơ bản về chúng ở Việt Nam mà thôi.
- Công việc giới thiệu rất quan trọng này phải bắt nguồn từ đâu, theo anh?
- Không thể kỳ vọng vào việc có thể chuyển hóa 100% những thành quả nghiên cứu và nền học thuật nước ngoài về Việt Nam, đặc biệt là với khoa học xã hội và nhân văn. Xin nói lại, đấy là điều không thể. Cái cần thiết nhất ở đây là sự chuyển hóa về mặt phương pháp luận, phương pháp tư duy, hệ thống khái niệm và xây dựng các hệ thống hỗ trợ để công việc nghiên cứu ở Việt Nam có thể diễn ra chuyên nghiệp và bài bản hơn. Hệ thống hỗ trợ ở đây bao gồm: ngân sách nghiên cứu, phòng thí nghiệm thực nghiệm, hệ thống thư viện tra cứu, ở đây không chỉ là tra cứu tư liệu giấy thông thường mà phải là tra cứu điện tử. Cũng không chỉ dừng ở tra cứu điện tử, còn phải có nhiều công cụ đi kèm khác nữa.
Ví dụ như vừa rồi, người ta thống kê có tổng cộng 57.000 bài báo viết về COVID-19 trong vòng 3 tháng. Không một nhà nghiên cứu nào có thể ngồi đọc hết 57.000 bài báo ấy, vậy giới nghiên cứu phải xử lý ra sao? Nhiều nhóm nghiên cứu ở Harvard bây giờ không còn đặt vấn đề là mỗi nhà nghiên cứu sẽ ngồi đọc từng bài viết nữa mà họ đã ở giai đoạn sử dụng AI (Trí tuệ nhân tạo - PV) để tóm tắt, đọc và phát hiện vấn đề, rồi sau đó trích xuất thành báo cáo cho nhà nghiên cứu.
Lúc này, nhà nghiên cứu là người đọc báo cáo tổng hợp của AI, gạn lọc thông tin trùng lặp, nhìn ra hệ thống vấn đề của 57.000 bài báo đó. Việc sản xuất các sản phẩm tri thức sẽ nhanh hơn, đỡ mất thời gian hơn cách đọc truyền thống rất nhiều.
- Tôi hiểu là thế giới đã tiến rất xa rồi. Cho nên nếu cứ lấy cái chuẩn thế giới để so sánh với Việt Nam, tôi e là chúng ta đang bàn những chuyện không thực tế trong điều kiện Việt Nam. Điều tôi muốn hỏi anh là, với tình hình cụ thể của Việt Nam hiện nay, chúng ta có thể thay đổi điều gì?
- Ở Việt Nam, chỉ riêng việc xây dựng một hệ thống thư viện bình thường như bao thư viện khác trên thế giới cũng đã là một nỗ lực rất lớn rồi, chứ đừng nói đến việc xây dựng hệ thống thư viện điện tử, cũng đừng nói đến việc hệ thống thư viện điện tử có sự hỗ trợ của AI. Nói công bằng thì thư viện của chúng ta bây giờ là 1.0, còn thư viện thế giới đã là 3.0.
Trong hoàn cảnh hiện nay, khả thi nhất chúng ta có thể thay đổi theo hướng tổ chức một hệ thống liên thư viện, giúp cho một độc giả ở Thư viện Quốc gia có thể mượn được một quyển sách ở Thư viện Hán Nôm, một độc giả ở Đà Nẵng có thể mượn được sách của một thư viện ở Hà Nội.
Bạn bè tôi ở Đại học Đà Nẵng và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh rất khó tiếp cận nguồn tư liệu ở Hà Nội. Muốn có thì họ phải bỏ tiền túi bay ra Hà Nội để tìm. Vậy phải xây dựng hệ thống liên thư viện hiệu quả, để mọi người ở mọi vùng miền đều có thể tiếp cận tri thức một cách công bằng. Phải phá vỡ tính độc quyền và cô lập của thư viện, không để chúng trở thành những vương quốc riêng.
- Thay đổi này, theo tôi không hề khó!
- Tôi lại nghĩ nó vừa dễ mà vừa khó, trong đó khó nhất là việc thay đổi tư duy quản lý thông tin tư liệu. Ví dụ như ở ta có tư duy “đánh quả” đề tài. Nếu anh có một tư liệu quý, anh sẽ đi xin tài trợ để số hóa tài liệu ấy. Năm sau anh lại xin tài trợ ở một nơi khác để số hóa tài liệu ấy. Và năm sau nữa anh sẽ lại xin một tài trợ ở một nơi khác nữa để lại số hóa cùng một tài liệu ấy. Số lượng tài liệu được số hóa không tăng lên nhưng số lượng tài trợ vẫn có thể về đều hằng năm mà người cấp tiền không hề biết chỉ là để số hóa đi số hóa lại một vài quyển sách. Sản phẩm của dự án này dùng lại cho dự án khác.
Theo tôi, tư duy “đánh quả” đề tài trong quản lý thông tin tư liệu ấy cực kỳ lãng phí và không ích gì cho phát triển học vấn.
- Anh có thể phân tích giúp tôi xem hiện nay tính chất liên thư viện ở thế giới đang diễn ra thế nào, được không?
- Mượn tư liệu liên thư viện (Interlibrary loan) có lịch sử từ cuối thế kỷ 19 ở châu Âu và Hoa Kỳ, khi nhiều thư viện liên kết với nhau thành một mạng lưới. Độc giả của thư viện này có thể yêu cầu mượn sách/bản chụp từ một thư viện khác trong mạng lưới. Hệ thống liên thư viện của Harvard hiện nay có thể giúp nhà nghiên cứu ở Harvard mượn sách và tư liệu từ hầu hết các thư viện lớn nhất của Mỹ và toàn cầu. Tôi ngồi ở Harvard, yêu cầu một quyển sách chỉ có ở Tokyo, một tuần sau, quyển sách được chuyển về cho tôi mượn đọc qua đường hàng không. Một số sách khác được chuyển đến cho tôi dưới dạng bản sao hoặc bản điện tử, tùy theo yêu cầu của tôi.
Sách dịch sai rất nhiều
- Tôi nghĩ rằng để tạo nên một xã hội tri thức thì bên cạnh việc thực hiện những cải cách thư viện, cái cơ sở vật chất cơ bản nhất trong việc xác lập một nền học thuật quốc gia thì sự vào cuộc của các nhà xuất bản cũng là rất cần thiết. Khách quan nhé, tôi thấy là trong khoảng 10 năm trở lại đây đã có những nhà xuất bản dũng cảm lao vào trận địa sách học thuật, dù họ biết rằng những quyển sách đó có thể khó bán. Anh có thấy đây là một tín hiệu tích cực không? Anh có cho rằng số lượng người dân tiếp cận những cuốn sách học thuật ngày càng nhiều thì càng có ích trong việc tạo dựng một xã hội tri thức hay không?
- Đấy là một dấu hiệu hoàn toàn tích cực vì nó giúp cho người dân có nhiều sách để đọc. Song, cũng phải nói luôn, sách học thuật bán được một phần cũng vì nhu cầu trưng bày sách học thuật của người đọc. Nhưng, có một cái dở là sự bùng nổ của thị trường sách dịch ở Việt Nam đã tạo ra nhiều quyển sách dịch có chất lượng kém. Nhiều nhà xuất bản thuê những người dịch yếu kém, không chuyên nghiệp dịch những cuốn sách với hàm lượng tri thức cao, phức tạp.
Tôi đã từng đọc nguyên văn những quyển sách này rồi so sánh nó với những quyển sách dịch và đôi khi tôi phải tự hỏi: Trời ơi, người dịch có thật sự hiểu những điều mình đang đọc hay không? Bí quyết cho người đọc phổ thông nhận ra quyển sách dịch kém là ở chỗ người đọc đọc tiếng Việt mà không hiểu quyển sách đấy đang nói gì. Anh dịch giả chỉ thực sự hiểu quyển sách mình đang dịch khi anh ấy có khả năng chuyển tải những gì anh ta đọc bằng một thứ tiếng Việt rõ ràng. Tôi tin là nhiều dịch giả cũng không thể đọc hiểu những gì mình đã dịch bằng tiếng Việt. Những quyển sách học thuật về chủ nghĩa tân tự do chẳng hạn.
Chủ nghĩa tân tự do có nền tảng là truyền thống thảo luận chủ nghĩa tự do cổ điển từ thế kỷ 19 hoặc sâu xa hơn là từ thời Hy-La. Tức là nó có một lịch sử thảo luận rất khủng khiếp với hàng loạt giằng xé, tranh cãi từ hàng chục trường phái khác nhau. Mỗi khái niệm được đề cập đến trong một quyển sách của tác giả thế kỷ XX có một bề dầy lịch sử nhiều trăm năm. Cho nên, nếu người dịch chỉ là người giỏi ngoại ngữ đơn thuần, để rồi dịch đơn giản từ chữ sang chữ thì sẽ dẫn đến tình trạng không thể truyền đạt được rõ ràng, ngắn gọn và dễ hiểu bản chất cùng nội hàm của khái niệm đó.
Sinh viên của tôi ở trường đại học từng đọc nhiều quyển sách dịch và thường trích dẫn Friedrich Hayek, Ludwig von Mises. Song, khi tôi hỏi: “Có hiểu câu này/khái niệm này có nghĩa gì không?” thì rất nhiều bạn nói thật là “không hiểu gì”. Vấn đề ở đây là gì? Là đôi khi, việc dịch thiếu hệ thống còn tệ hơn là không dịch! Chính vì vậy, nhiều bạn đọc qua loa bản dịch rồi thảo luận vấn đề một cách đầy tự tin, nghĩ mình nắm được chìa khóa vạn năng của kinh tế chính trị. Tôi cho rằng việc này rất nguy hiểm. Cho nên tôi có xu hướng giúp các sinh viên của mình tư duy từ bản gốc chứ không phải là từ những bản dịch.
- Khi sinh viên không hiểu, họ có thể tham khảo ý kiến hoặc được sự chỉ dẫn của giảng viên. Nhưng, khi bạn đọc bình thường không hiểu hoặc hiểu nhầm thì sao? Họ có thể tham khảo ý kiến của ai? Với kinh nghiệm của một nhà nghiên cứu, anh có thể đưa ra lời khuyên nào cho bạn đọc trong tình huống này không?
- Ở một số nước phát triển, họ có các khóa học trực tuyến, giúp người đọc giải tỏa những thắc mắc trong quá trình đọc sách. Ở Việt Nam, những khóa học trực tuyến bằng tiếng Việt để có thể hỗ trợ độc giả trong quá trình đọc những quyển sách thế này chưa nhiều. Nhưng, đó là điều chúng ta sẽ phải hướng đến. Ngoài ra, trong quá trình đọc thì cũng có thể lên tra cứu thêm thông tin từ Google, YouTube hay tham dự các nhóm thảo luận chuyên đề vốn cũng đã xuất hiện rải rác ở Việt Nam.
- Tôi từng tham dự một cuộc hội thảo về văn hóa đọc và thấy mọi người tranh luận rất sôi nổi về việc người Việt Nam thích đọc loại sách gì. Ở đây, tôi không muốn nhắc lại những tranh luận bất tận này nhưng muốn nói rằng, số lượng người đọc những quyển sách ngôn tình ít đi và số lượng người đọc những quyển sách tri thức nhiều lên thì lý tính của một xã hội cũng phát triển. Một xã hội trọng lý tính là một xã hội văn minh, tiến bộ. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
- Xã hội lý tính mà anh nói cần được khơi gợi bởi những thảo luận, đối thoại lý tính chứ không thể chỉ xuất phát từ việc đọc một vài quyển sách một cách lỗ chỗ, phi hệ thống, thậm chí trong đó còn có những quyển sách dịch ẩu, dịch sai. Những cái đấy không tạo ra tri thức, thậm chí nó có thể tạo ra điểm mù tri thức mới.
- Tôi hiểu ý anh nhưng tôi đang tự hỏi là nhìn nhận như vậy liệu có khắc nghiệt quá không? Bởi biết ít, biết lỗ chỗ vẫn cứ tốt hơn là... không biết gì.
- Sự “ngu dân” thời kỳ cổ đại là đốt sách vở, giấu tri thức, bá chiếm tư liệu. Nhưng còn một sự “ngu dân” nữa là bày ra rất nhiều thứ, rất nhiều tư liệu lỗ chỗ, thiếu hệ thống song không trao cho người học một phương pháp cùng những chỉ dẫn cần thiết để người ta biết cách xử lý thông tin ấy ra sao. Vì nó sẽ khiến người ta hỗn loạn và không biết phân biệt đâu là thật đâu là giả, đâu là tốt, đâu là xấu. Tôi có cảm giác rằng chưa bao giờ con người có nhiều thông tin như bây giờ và chưa bao giờ con người lạc lối, tăm tối như bây giờ.
Không cần những người dễ bị kích động
- Chúng ta lạc lối bởi quá nhiều thông tin. Chúng ta lạc lối bởi quá nhiều tin giả. Chúng ta lạc lối bởi tính chất “hậu sự thật”, nơi mà bản chất của sự thật dường như không được coi trọng bằng việc tung ra những thứ lập lờ, đánh vào cảm xúc và sự kích động đám đông.
- Còn một điều này nữa, đó là khi người ta nói rằng sự thật bây giờ là kiểu sự thật mang tính cá nhân. Khi thảo luận một vấn đề chẳng hạn, bây giờ thay vì sử dụng một hệ thống logic chặt chẽ, cố gắng thấu hiểu logic lẫn nhau, người ta có thể vội vàng nhảy đến kết luận rằng: Ồ, anh có quan điểm của anh, tôi có quan điểm của tôi. Thế là hòa nhé!
Theo tôi đấy cũng chính là một điểm chết của tri thức. Tưởng rằng nó là sự tôn trọng ý kiến người khác nhưng nó lại là điểm chết của mọi thảo luận, khi gần như không ai có thể đối thoại và đồng thuận với nhau được nữa. Chúng ta chỉ sống và thấy giá trị của bản thân mình. Và giá trị đó chỉ đúng duy nhất với bản thân mình. Hậu quả là nó sẽ dẫn đến cái chết của đối thoại tri thức, cái chết của thảo luận khoa học, cái chết của việc phân tích đúng - sai và cái chết của xã hội. Khi đó, không ai còn thực sự có thể hiểu, muốn hiểu người khác nữa. Đồng thuận xã hội tan vỡ thì xã hội chia rẽ. Ai cũng sẽ chỉ hành xử bằng cảm xúc của họ thay vì lí tính.
- Nhân loại đang đi từ cực nọ sang cực kia của vấn đề thì phải: Từ chỗ nhồi nhét và áp đặt tri thức ở xã hội trung cổ đến tôn trọng tri thức cá nhân một cách ích kỷ, cực đoan ở thế kỷ 21 này?
- Đấy là lý do vì sao tôi thích quan điểm của Nho giáo, vì trong Nho giáo có yếu tố về trung dung, không bất cập mà không thái quá. Chân lý không nằm ở chuyện lề trái hay lề phải. Những người thực sự tư duy độc lập sẽ có sự cân nhắc dựa trên lập trường lí tính của mình. Họ có can đảm thuyết phục người khác bằng tri thức, bằng logic và bằng sự dũng cảm. Và cái đấy là thứ chúng ta cần.
Nói tóm lại, chúng ta không cần những người dễ bị kích động bởi cảm xúc, bởi đám đông, chúng ta cũng không cần những người chỉ ôm khư khư tri thức cá nhân một cách ích kỷ, chúng ta cần những người có khả năng ngồi xuống, biết thảo luận với nhau.
- Xin cảm ơn anh!
Ở trường Harvard, mỗi học kỳ học 5 môn đã là quá sức “Một sinh viên Đại học ở Harvard chỉ học 5 môn trong 1 học kỳ là quá sức rồi. Còn sau đại học, thì học 3 môn thôi cũng là quá sức. Vì mỗi tuần, trong một môn phải đọc từ 300-500 trang sách. Như vậy với 3 môn, người học phải đọc từ khoảng 1.000-1.500 trang sách. Mỗi môn phải viết 2 trang A4, tóm tắt quan điểm, suy nghĩ của mình rồi mang đến lớp để thảo luận. Có nhiều hình thức học khác nhau ở Harvard nhưng đấy là ví dụ về hình thức học dựa trên thảo luận. Đọc nhiều như vậy sẽ đảm bảo rằng rằng người học sau khi học xong 1 môn sẽ nắm khá chắc môn đấy và sẽ được đẩy lên một xuất phát điểm khá cao về mặt tri thức, trong lĩnh vực của mình”. Tiến sĩ Nguyễn Phúc Anh |
* Ảnh trong bài: Phạm Nghĩa.