Tiến sĩ khoa học, nhà báo Vũ Công Lập

Con người & smartphone: Ai thống trị ai?

Thứ Bảy, 11/06/2016, 08:50
Mặc dù không ít lần được gặp gỡ, hầu chuyện và ngồi bình luận bóng đá cùng nhà báo Vũ Công Lập nhưng với tôi (và chắc chắn là với rất nhiều người khác) thì ông vẫn là một bí ẩn lớn. 


Bí ẩn vì ngay cả trong những câu chuyện bóng đá thông thường nhất cũng khó có thể chạy theo kiến thức và phương pháp tư duy của ông. Bí ẩn vì với một người tạo dấu ấn trên rất nhiều lĩnh vực, lại “đi nước ngoài như cơm bữa” như ông, thú thật có những sự tò mò về cuộc sống, về công việc của ông mà khi đối diện, một kẻ hậu sinh như tôi chưa bao giờ dám hỏi. 

Chỉ biết rằng càng bí ẩn thì càng cuốn hút - đến nỗi mỗi khi ngồi cà phê với ông, tôi luôn thầm mong cuộc nói chuyện kéo dài mãi mà không phải nói lời chào tạm biệt. Lần cà phê này thì câu chuyện của chúng tôi khởi đi bằng một sự kiện vật lý, bởi thực ra nhà báo Vũ Công Lập - chuyên gia bình luận bóng đá trên truyền hình là một tiến sĩ vật lý có rất nhiều đóng góp.

Tủ sách nhen nhóm tình yêu khoa học

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa ông, Đội tuyển (ĐT) thi Olympic Vật lý quốc tế của chúng ta vừa trở về, và thật vui là tất cả các thành viên đều đoạt giải. Là dân vật lý “xịn”, không biết cảm xúc của ông như thế nào?

- Tiến sĩ, nhà báo Vũ Công Lập: À, tôi hơi ngạc nhiên vì lần này không có giải vàng, những năm gần đây bao giờ cũng có giải vàng. Cách đây chưa lâu tôi cũng vừa ngồi với anh Phạm Văn Thiều - Tổng biên tập tờ Vật lý và tuổi trẻ, người thường tổ chức các kỳ Olympic Vật lý trong nước, cũng là người gắn bó với việc giảng dạy vật lý ở Việt Nam. Tôi với anh Thiều là bạn học với nhau ở khoa Vật lý, Trường Tổng hợp, nhưng sau này thì mỗi người một ngã rẽ, anh Thiều tiếp tục nghiên cứu vật lý lý thuyết còn tôi đi vào vật lý y sinh.

- Khi đọc tin về ĐT Olympic Vật lý Việt Nam, tự nhiên tôi chợt hỏi: So với trước đây, học sinh sinh viên bây giờ có thực sự quan tâm đến môn học này nhiều không? Và nếu câu trả lời là không thì những hậu quả mà chúng ta phải đối diện sẽ như thế nào? 

- Thời bọn tôi ngày xưa, sự chênh lệch giữa toán - lý không nhiều, thế nên khoa của tôi ở trường đại học mới gọi là khoa Toán - Lý, chứ chưa tách ra. Thời ấy, thi tốt nghiệp phổ thông, bao giờ cũng thi môn vật lý, chứ không như bây giờ. Thế nên đúng là vai trò và tầm ảnh hưởng của vật lý bây giờ có vẻ thấp đi. 

Đơn cử như tờ Vật lý và Tuổi trẻ của anh Thiều cũng chỉ có một lượng phát hành khiêm tốn. Tôi được biết anh ấy đã cố gắng tổ chức các cuộc thi vật lý trên mạng, trên tờ báo này để hy vọng dần dần đẩy cao tình yêu vật lý cho bạn trẻ.

Hiện nay, ngoài anh Thiều với tờ Vật lý và tuổi trẻ, chúng tôi cũng đã lập ra  tủ sách “Khoa học & Khám phá”, Nhà xuất bản Trẻ đã phát hành gần 30 cuốn. Ở tủ sách này chúng tôi nói về vật lý, toán học, tin học, sinh học, y học...., nhưng không phải là tủ sách với những nội dung khoa học thông thường, mà chủ yếu tập hợp những câu chuyện của các nhà khoa học với hy vọng là bạn đọc say mê nó, có thể đọc nó như đọc một cuốn tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết tình yêu. Từ say mê có thể sinh ra ước mơ, khát vọng.

- Ông có thể kể một ví dụ cụ thể không ạ?

- Thời sinh viên chúng tôi say mê nhà vật lý người Nga Lev Landau - một nhà khoa học mang màu sắc huyền thoại. Landau là nhà vật lý lý thuyết lỗi lạc, được giải thưởng Nobel. Anh biết không, Landau lạ lùng đến mức khi hỏi thi sinh viên, ông ấy hỏi cả những kiến thức về Lep Tolstoi, Dostoievski... (những nhà văn Nga nổi tiếng - PV). Thế là ông ấy bị sinh viên kiện vì tội hỏi lạc đề. 

Ông trả lời rằng: vì những sinh viên này bị trượt vật lý rồi, nên mới hỏi thế để xem kiến thức cơ bản tới đâu, và việc họ vượt qua các môn thi cơ bản để vào trường đại học có thực chất hay không? Rồi một lần khác, khi người ta kêu ca học tiếng Anh rất khó thì ông ấy bảo là không khó với lý do: “Tôi thấy ở Anh, ngay cả những người kém nhất cũng có thể nói được tiếng Anh”.

Ngày xưa chúng tôi sống với những câu chuyện như thế, và yêu vật lý từ những câu chuyện như thế. Bây giờ, trong tủ sách tri thức mà tôi vừa nói, chúng tôi muốn kể lại những điều này để nhen nhóm tình yêu ấy trong lòng bạn trẻ. Thế giới có loại sách ấy, và tôi nghĩ, Việt Nam mình rất cần một tủ sách như thế.

- Những quyển sách này có nhiều người tìm mua không, thưa ông?

- Nhà xuất bản Trẻ nói rằng đây là tủ sách có chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Không ít quyển tái bản lần thứ ba, cá biệt có quyển tái bản đến lần thứ 18. Tôi nghĩ, vật lý là nền tảng của kĩ thuật, của công nghệ, của sự sống. Vật lý đi vào rất nhiều ngõ ngách của đời sống. Ngay như y học, trước đây người ta nghĩ rằng ngành y không phải là ngành kỹ thuật thì bây giờ người ta đã phải nghĩ khác. 

Bây giờ người ta quan niệm mọi thành tựu của khoa học được ứng dụng vào 2 lĩnh vực: quân sự để bảo vệ tổ quốc, và y học để cứu người. Cho nên đã có cả ngành vật lý y học đòi hỏi phải được đào tạo cán bộ riêng. Vì thế, nếu học sinh không ham mê vật lý nữa thì chúng ta sẽ mất đi những nền tảng cơ bản nhất của kỹ thuật.

- Ông đã có hàng chục năm đứng lớp, ông có thể nói cảm nhận cụ thể của mình về tình yêu vật lý, tình yêu khoa học của sinh viên, học viên bây giờ được không ạ?

- Nói thật, trong tư cách một người đi dạy, tôi không thấy sự đắm đuối của học sinh như xưa nữa. Anh biết không, cái khiến người ta cảm thấy nghề đi dạy không mệt mỏi đó là khi ở trên bục giảng nhìn xuống, sẽ bắt gặp những cặp mắt ngước lên với đầy sự say mê, đắm đuối. Nhưng bây giờ tôi nhìn xuống thì thấy ở dưới anh em sử dụng điện thoại di động, smartphone nhiều quá, đến nỗi nhiều lúc tôi không dám nhìn xuống nữa, mà phải nhìn qua cửa sổ.

Như ở lớp thạc sĩ tôi dạy mới đây chẳng hạn, tôi có ý trách anh em thì họ bảo rằng họ phải làm việc cả tuần rồi, giờ phải tận dụng 2 ngày cuối tuần để học thêm 7, 8 tiếng mỗi ngày thì rất mệt, có người lại phải đi tới 400-500 km. Thành ra có hiện tượng: người đi dạy thì hết nhiệt tình, người đi học thì cảm thấy mỏi mệt. Cứ như thế chất lượng thạc sĩ của chúng ta liệu có ổn không?

- Sự thiếu vắng tình yêu và đam mê vật lý trong xã hội có lẽ còn được biểu hiện ở chỗ: Ai cũng biết đến nhà báo - nhà bình luận bóng đá Vũ Công Lập, nhưng không nhiều người biết đến Tiến sĩ y sinh Vũ Công Lập...

- Chỗ này thì tôi nghĩ mỗi lĩnh vực có bậc phổ quát khác nhau. Với vật lý, tôi là một nhà khoa học, một nhà giáo, còn với công việc bình luận bóng đá, tôi thấy mình ở thế giới báo chí, thế giới truyền thông.

Người ta từng nói tại sao ĐT Olympic toán, lý của ta đoạt giải trở về chỉ được đón tiếp rất nghèo nàn, còn cầu thủ bóng đá thi đấu nước ngoài về thì được đón tiếp nồng hậu. Thật ra đấy là sự khác nhau về bản chất nghề nghiệp, còn người làm toán cũng không nghĩ nhiều đến chuyện được đón tiếp nồng hậu hay không, vì làm toán là làm một mình trên một quyển sách, còn đá bóng là đá giữa cả một biển người. 

Vì thế điều đáng bàn ở đây không phải là nghề nghiệp nào, lĩnh vực nào được tung hô, chào đón hơn, mà phải là lĩnh vực nào khiến mình đam mê nhất. Tôi nghĩ, chọn nghề nghiệp nhất định phải chọn cái mình đam mê, chứ không phải chọn cái mà với nó sau này mình dễ kiếm tiền, dễ giàu có và thành đạt. Đương nhiên, đạt được cả hai tiêu chí thì càng tốt.

- Tôi chợt muốn biết: Thời ông còn là một học sinh thì điều gì đã khiến ông say mê vật lý?

- Khi tôi học lớp 6 ở Trường Trưng Vương, chỉ nhận thông báo là sắp được nghe nói chuyện về nguyên tử thì chúng tôi đã sướng âm ỉ nhiều ngày. Và người nói chuyện hôm đó là ông Nguyễn Đình Tứ. Rồi chúng tôi được học những thầy giáo rất tuyệt vời, ví dụ như hồi đó thầy giáo toán Vũ Tế Kỳ từng tổ chức cuộc thi tìm nhiều lời giải cho cùng một bài toán. Lúc đó, một người bạn tôi là Giáo sư Phan Quốc Khánh sau này từng giải một bài hình theo 28 cách khác nhau. Chính những người thầy và một không khí học tập như vậy đã tạo trong chúng tôi một niềm say mê toán, lý đặc biệt.

Sau này, ở trường đại học, chúng tôi từng được học thầy Nguyễn Hoàng Phương, chủ nghiệm khoa lý, và chỉ cần nghe thầy nói thôi thì nói thật, đứa nào cũng như muốn chết đi vì vật lý. Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in từng câu chuyện, từng bài học của thầy.

Trước sự cám dỗ của smartphone

- Liệu có sai lầm không nếu bảo trong thời đại kinh tế thị trường bây giờ, những người thầy và những môi trường học tập thuần tuý say mê như thế đã giảm đi, và ngay cả trong những môi trường sư phạm bây giờ, chúng ta vẫn thường xuyên phải nghe một thứ ngôn ngữ cực kỳ thực dụng như “chạy trường”, “chạy lớp”, “chạy thầy cô”? Và một môi trường như thế rất khó nhen nhóm trong tâm hồn người học một sự say mê đích thực? Hay là bây giờ giới trẻ có những sự say mê khác lớn hơn? 

- Tôi nhớ là con trai tôi tốt nghiệp phổ thông năm 1993, và khi ấy nó vẫn thần tượng nhiều thầy giáo lắm. Hồi đó tôi hỏi nó muốn học gì thì nó bảo muốn học làm sao để có thể mở tung cái tivi ra, tìm hiểu xem vì sao mình lại có thể thấy được hình ảnh như vậy. Như thế, đến thời điểm ấy, người đi học vẫn đầy những say mê tích cực. Nhưng lúc đó có một chuyện là con tôi rất mê những cuốn video, may là nó vừa có thể xem video, vừa có thể làm bài tập tốt, chứ không cũng chẳng biết thế nào.

Còn bây giờ theo tôi thấy, trẻ em bị phân tán quá nhiều bởi điện thoại di động, bởi smartphone..., và có lẽ chính những cám dỗ và sự phân tán ấy đã khiến những say mê của chúng bị chuyển từ lĩnh vực học hành sang một lĩnh vực khác. Theo tôi, trẻ em cũng cần nhiều cái để say mê, nhưng nếu không được định hướng một say mê chính, không biết cách gạt đi những cái râu ria, cám dỗ khác để tập trung cho say mê chính thì bất ổn.

- Nhưng thưa ông, say mê điện thoại di động, say mê smartphone đâu chỉ là câu chuyện của những đứa trẻ. Trong thời đại này, có vẻ nó là câu chuyện của ngay cả những người trưởng thành, thậm chí của một bộ phận người già ấy chứ?

- Ở Đức mới đây, người ta đặt câu hỏi: Chúng ta đang thống trị smatphone hay smatphone đang thống trị chúng ta? Và người ta đã thực hiện những thí nghiệm đủ tin cậy để đi tới kết luận: khi bị mất Smartphone thì thoạt đầu chúng ta phát điên phát dại, nhưng nếu vượt qua cơn điên dại ấy chúng ta lại có một cảm giác đầy thư thái. 

Ông Nicholas Carr - một bậc thầy về sách khoa học, tác giả của cuốn Trí tuệ giả tạo đã chứng minh rằng có vẻ như con người làm chủ công nghệ, nhưng thực ra, trong quá trình chạy theo công nghệ thì con người lại bị công nghệ cảm hoá mà không biết.

Ông ấy nói rằng trong thời đại này, tư duy của con người bị ảnh hưởng, biến động, thậm chí là biến đổi bởi công nghệ. Tôi nghiền ngẫm những gì ông ấy nói thì thấy đúng quá, ví dụ đơn giản như từ công nghệ mà tin học sinh ra thuật ngữ “lướt web”. Nghĩa là chỉ đọc lướt một cái, lướt hết trang web này đến trang web khác. Chính bởi sự ngự trị của tư duy “lướt”, gần như cái gì cũng “lướt” mà nhiều người đánh mất khả năng đọc kỹ, đọc sâu, rồi đánh mất luôn khả năng rèn luyện của bộ não. Mà nếu không rèn luyện bộ não, không phát triển sâu thì hỏng.

- Cụ thể như ở Đức - nơi xuất hiện thí nghiệm mà ông vừa kể, cũng là nơi mà có thể nói là ông hiểu rõ như lòng bàn tay, người ta đã đối đầu và giải quyết vấn đề này như thế nào ạ?

- Ở Đức từng diễn ra những cuộc tranh luận xem có nên cho trẻ em chơi điện thoại di động hay không? Trong khi những tranh luận chưa có hồi kết thì chúng ta cần biết rằng ở Đức, cứ sau giờ hành chính, rất nhiều người có thói quen tắt điện thoại di động, chứ không chìm đắm vào nó như nhiều người ở ta.

Tôi cũng thú thật với anh, khi sang Đức, tôi là độc giả xịn của một tờ báo thuộc diện “lá cải” ở Đức, vì tờ này đưa tin rất nhanh và cỡ chữ to, ngồi tàu, xe đọc rất dễ. 

Nhưng một lần tôi vào cơ quan, một đồng nghiệp của tôi thấy tôi để tờ báo ấy trong cặp thì tế nhị nói với tôi rằng: “Cậu đừng để người khác nhìn thấy cậu đọc tờ báo này”. Nghĩa là ở Đức, cũng có những tờ báo, những trang web lá cải, nhưng người ta có sự phân biệt độc giả, khoanh vùng sử dụng rất rõ, chứ không phải là cái nhan nhản, phổ biến, bao trùm.

Và triết lý của người giàu

- Thưa ông bây giờ thì chúng ta sẽ không nói đến chuyện Smartphone ở Đức hay cách sử dụng điện thoại di động và những trang web ở Đức nữa, mà sẽ nói đến một khía cạnh này: người giàu ở Đức. Trong quan sát của ông thì người giàu ở Đức thường có đặc điểm như thế nào, và họ có khác gì so với người giàu ở Việt Nam không?

- Ở Việt Nam bây giờ có từ “đại gia”, rất phổ biến, nhưng nếu bảo tôi phải dịch từ này sang tiếng Đức thì nói thật tôi không biết phải dịch như thế nào. Vì đại gia ở ta thứ nhất là phải có nhiều tiền, đương nhiên rồi, thứ hai là phải sống một kiểu khác, và đặc biệt là phải gắn với một cái gì đó, ví dụ như mối quan hệ đại gia - chân dài. Có rất nhiều người ở ta trở thành đại gia sau khi bán đi tài sản, đất đai hoặc được thừa kế một khoản kếch xù nào đó từ cha mẹ.

Còn ở Đức anh biết không, khi tôi sang Đức làm việc về lĩnh vực thiết bị y tế thì ông Moss bạn tôi đề nghị tôi nhất định phải có quan hệ với giới công nghiệp. Sau này tôi hiểu ra khoa học mà không kết nối được với công nghiệp thì không tiến xa được. Và tôi thấy những người thực sự giàu có ở Đức là những người làm trong giới công nghiệp, những người có tiền, sẵn sàng nâng đỡ khoa học, và rất biết trọng dụng các nhà khoa học. 

Có nghĩa, họ đại diện cho một sức sản xuất, mang lại những sản phẩm cho xã hội, có thể là sản phẩm cứng hoặc sản phẩm mềm, và xã hội dựa vào sản phẩm ấy mà phát triển.

- Chứ không phải là những người bỗng nhiên giàu có nhờ bán đất hoặc nhờ là con của ông nọ, ông kia? 

- (Cười lớn...). Tôi vừa nói tới khía cạnh kiếm tiền của những người Đức, và xin nhắc lại, họ kiếm tiền, rồi trở nên giàu có bằng những sản phẩm có ích, có sức lan toả lớn trong xã hội. Giờ phải bàn đến khía cạnh tiêu tiền của họ nữa, chắc là anh biết câu chuyện ông Bill Gates khẳng định sau này sẽ đem tiền của mình đi làm từ thiện, và chỉ để lại rất ít cho con cái rồi chứ. 

Triết lý của ông ấy là để lại cho con một số tiền đủ để nó có thể làm được những việc mà nó muốn làm, chứ không phải để nó sống. Ví dụ nó có những mong muốn, khát vọng mà không có tiền thì không làm được, và ông ấy để lại một khoản tiền vừa đủ để con mình làm, chứ nhất thiết không phải để tiền lại để nó mua đất đai, biệt thự, nhà lầu, xe hơi...

Tất nhiên vẫn có những người giàu vung tay quá trán, dùng tiền để phục vụ những sở thích siêu đắt của họ, nhưng như tôi thấy thì mẫu người giàu kiểu ấy không thật sự được coi trọng thì phải.

- Như vậy là ông vừa nói đến cách kiếm tiền và tiêu tiền của những người giàu bên đó, thôi thì cứ tạm gọi họ là đại gia đi. Ông có để ý gì đến đời sống tinh thần của họ không ạ? Ví dụ họ có am hiểu nghệ thuật, tranh ảnh gì không, và ở Việt Nam, theo ông những đại gia yêu nghệ thuật, tranh ảnh có nhiều không?

- Ở Việt Nam cũng có không ít đại gia chân chính, cả ở khía cạnh kiếm tiền và tiêu tiền. Với câu hỏi này, tôi xin kể anh nghe câu chuyện về ông Moss bạn tôi - người tôi vừa nhắc đến nhé. Trong mắt tôi, ông ấy là một người giàu đúng nghĩa. Ngoài ra ông ấy là một người yêu Việt Nam. Ông ấy xây ở Cologne một ngôi nhà triển lãm tranh ảnh, phần gỗ đều mua từ Việt Nam. 

Ngày ấy, ông bảo tôi là rất muốn làm một triển lãm ảnh về chiến tranh Việt Nam. Tôi hỏi ông ấy triển lãm vậy thì ai xem? Ông ấy bảo khi nào Mỹ đánh Iraq - người ta sẽ nhớ Việt Nam thì người ta sẽ xem. Và thế là ông ấy đến gặp ông Đoàn Công Tính - một phóng viên chiến trường nổi tiếng để mua lại những bức ảnh chiến tranh Việt Nam... Anh xem ứng xử như thế thì có thật sự xứng tầm đại gia không?

Ông Moss cũng từng tổ chức một triển lãm ảnh Việt Nam ở Viện Goethe - Hà Nội, gây tiếng vang lắm. Đấy là những bức ảnh chụp Việt Nam từ thế kỷ XIX. Anh biết ông Moss có những bức ảnh ấy từ đâu không? 

Ông ấy mua được ở một vỉa hè Đức với giá rất rẻ. Sau này tìm hiểu nguồn gốc thì ông ấy phát hiện ra một sĩ quan Pháp tham chiến ở Việt Nam từng mang những bức ảnh này về Pháp, sau đấy ông ta lấy một cô vợ Đức, rồi sang sống tại Đức, và sau này con của cặp vợ chồng Đức - Pháp ấy, vì cho rằng những bức ảnh này cũng chẳng có giá trị gì nhiều nên mang ra vỉa hè, bán đi... Nếu chỉ là một người giàu thuần tuý về mặt vật chất thì chắc chắn ông Moss đã không mua những bức ảnh ấy để sau này có thể thực hiện cả một triển lãm có tiếng vang.

Tiến sĩ khoa học, nhà báo Vũ Công Lập và phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng.

- Những gì ông Moss làm thể hiện rõ một triết lý sống, một tầm nhìn xa...

- Đúng rồi, triết lý. Người ta làm gì đầu tiên cũng phải có triết lý, sau triết lý phải có lý luận, sau lý luận phải có phương pháp, và sau phương pháp thì hành động, ứng dụng. Nếu có triết lý thì làm bất cứ cái gì cũng sẽ có tầm nhìn xa.

Còn ở  ta, tôi thấy nhiều người, trong đó có không ít người giàu rất thích cụm từ “đi tắt đón đầu”, tôi sợ “đi tắt đón đầu” lắm, vì “đi tắt đón đầu” thì rất dễ phi nền tảng, phi triết lý. Lẽ đương nhiên, cũng có người đi tắt đón đầu thành công, nhưng có thể xem đấy là ngoại lệ, còn về cơ bản nên chú trọng nền tảng.

Mà ngay cả có triết lý thôi cũng chưa đủ, phải luôn luôn vận động để triết lý của mình phù hợp với sự thay đổi của thời đại. Tôi ví dụ trước đây,  triết lý của ngành y là có bệnh thì tìm thầy chữa bệnh. Sau đó, khi xã hội phát triển người ta lại thấy triết lý của ngành y không phải là chữa bệnh, mà phải là phòng bệnh. Nhưng chưa dừng lại, khi phát triển, người ta đi đến triết lý khác: Không phải phòng bệnh, mà phải ở mức cao hơn, đó là chăm sóc sức khoẻ.

Thế là người ta phải định nghĩa lại về sức khoẻ. Khoẻ không phải là không bệnh, mà là trạng thái mà con người hài lòng về tinh thần và thể trạng của mình. Sau người ta lại thấy nếu chỉ hài lòng thôi thì vẫn không ổn, vì nếu hài lòng mà không hành động thì cũng chẳng để làm gì, cho nên người ta lại đi tới một triết lý, một nhiệm vụ mới của y tế đó là giúp mỗi người tận dụng tốt nhất khả năng của bản thân để phục vụ chất lượng cuộc sống của bản thân họ và xã hội. Và như thế, lực sĩ có chất lượng cuộc sống kiểu lực sĩ, người khuyết tật có chất lượng cuộc sống của người khuyết tật. Ai cũng có vị trí của mình trong xã hội.

Nói thế để anh thấy triết lý không ngừng vận động, không ngừng đi xa.

- Thành thử người giàu hay người nghèo, đại gia hay bình dân, xã hội phát triển hay chưa phát triển, nếu không xây dựng được những triết lý hợp thời đại đã là bi kịch, nếu không chú ý đến tầm quan trọng của triết lý, triết thuyết trong mỗi vận động của mình thì càng bi kịch, phải không ông?

- (Gật đầu...)

- Rất cảm ơn ông về cuộc đối thoại này!

Hiểu biết cần trọn vẹn, ứng dụng cần mục đích

Đứng trước cốc nước ngọt, dân vật lý coi đấy như một chất lỏng, và sẽ tìm hiểu xem sức căng mặt ngoài bao nhiêu, trọng lượng riêng bao nhiêu, độ nhớt là bao nhiêu... Dân hoá học coi đấy là một dung dịch, gồm những chất gì, với nồng độ từng chất là bao nhiêu, nồng độ nào là bão hòa... 

Trên quan điểm sức khỏe, ta xem đấy là chất dinh dưỡng có tác dụng giải khát, uống vào thì thu được bao nhiêu calo. Chất ngọt cũng có mặt trái của nó, trẻ em không nên uống nhiều. Như thế, cốc nước ngọt là tổng hòa của nhiều góc nhìn. 

Nhưng khi sử dụng, thì nhà sản xuất và người tiêu dùng nhìn nhận không giống nhau. Có cái nhìn về giá thành, lời lãi, có cái nhìn về tiêu chuẩn, định mức, có cái nhìn về sức khỏe, trước mắt hay lâu dài. Nghĩa là sự hiểu biết thì phải trọn vẹn nhưng khi sử dụng, ứng dụng  thì phải có tính mục đích.

Thế còn đứng trước cốc nước ngọt mà chỉ có thể nghĩ được nó có giá bao nhiêu tiền, rồi sau đó lại nghĩ nó đơn thuần là thứ nước uống cho ngon thì không ổn. Mà trong quan điểm dinh dưỡng, ngon không có nghĩa là bổ. Phải phân biệt quan điểm dinh dưỡng khác quan điểm thưởng thức, mà người mình có vẻ vẫn nặng về quan điểm thưởng thức hơn...

Phan Đăng
.
.