Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt - GĐ Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á: Yêu mến lịch sử tức là yêu mến tổ tiên mình, yêu mến dân tộc mình!

Thứ Sáu, 30/12/2016, 08:36
Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á - vốn là người khiêm cung, kín kẽ. Vậy mà khi tôi nói ý định sẽ trò chuyện với ông - người đàn ông lọ mọ sống nhiều năm với 72 bộ hài cốt trong nhà mình, ông không phản đối lắm. 

Ông chỉ “chỉnh sửa”, ừ thì tôi sống trong nhà đó, ăn, ngủ trong nhà đó cùng hộp sọ, di cốt của tổ tiên; nhưng nhà đó đồng thời còn là trụ sở của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á nữa. 

Tức là trên danh nghĩa, hài cốt để ở… cơ quan tôi chứ. Vâng, danh nghĩa thì gọi là nhà hay gọi là cơ quan đều đúng. Bởi ở Hà Nội, thì nhà ông cũng chính là “nhiệm sở” trên phố Hoàng Quốc Việt, về “bảo tàng tư nhân” ở Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) thì tòa biệt thự cổ ông mua rồi sinh sống và làm việc, cũng… chính là nhà ông.

Ông Acsimet, ông Niuton có cần ai bao cấp để sáng tạo đâu?

- Phóng viên: Thưa ông, xin hỏi thẳng, vì sao mà từ hơn hai chục năm trước, ông đã bỏ công việc và vị trí ở Viện Khảo cổ, về nhà tự mở một cái mà người ta gọi là “Viện Khảo cổ của riêng ông”? Điều này có từng gây tai tiếng gì cho ông không?

- Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt: Có lẽ tôi cũng cho rằng đấy là nhiệm vụ mang tính sứ mạng của mình (cười). Có hai lý do nhỏ, một là tôi có may mắn được học khảo cổ từ lúc còn trẻ và sau này trong suốt cuộc đời được học tiếp ở Cộng hòa Liên bang Đức và tiếp tục được học ở rất nhiều nước nữa. Vì vậy mình có được một số thông tin mà nền khảo cổ được thế giới họ đang làm. Tôi muốn biết họ đang làm cái gì và chúng ta có làm được không. Thứ hai là khi xây dựng Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á (TS ĐNA), nhiều người tưởng tôi làm Viện Khảo cổ khác nhưng thật ra là không phải. 

Tiền sử khác khảo cổ, và hơn nữa tôi tự đặt cho mình một cái là: đối tượng mà mình nhằm vào là những nhà khảo cổ học khác trên thế giới, để ít ra khi họ vào nước Việt Nam ta, thì ta sẽ có một nền đối thoại tương ứng để ngồi lại và hợp tác với họ. Vì vậy, những cái mà Viện Khảo cổ rồi các trường đại học của chúng ta có ngành khảo cổ chưa làm hoặc không làm thì Trung tâm TS ĐNA sẽ làm.

- Hồi ông mới “nhảy” ra mở “Viện Khảo cổ tư nhân” theo cách gọi vui của nhiều người, chắc khó khăn lắm?

- Phải nói là có hai khó khăn, một là phải có thông tin và phải có hiểu biết về các lĩnh vực khảo cổ học mới. Khó khăn này chúng tôi khắc phục được bởi vì bản thân tôi ở nước ngoài tương đối lâu và nhờ biết một số ngoại ngữ tôi có thể khai thác được những thông tin đó thông qua các hội nghị hoặc thông qua các trang mạng, 

Thêm nữa, phải nói rất may mắn là chúng tôi có điều kiện có thể đi dự hội nghị hoặc đi nước ngoài và được đón các bạn đồng nghiệp nước ngoài đến Việt Nam thường xuyên. Còn khó khăn thứ hai mới là đáng nói: khi đi sâu vào các lĩnh vực khảo cổ học, ví dụ khảo cổ học vi tư liệu tức là đi vào cái rất tinh của những tư liệu khảo cổ học hoặc là những chương trình khảo cổ học mà cần các thí nghiệm, giám định, xác định thì chi phí rất tốn kém. 

Điều này đặt cho chúng tôi nhiệm vụ phải xây dựng các phòng thí nghiệm một cách rất kiên trì từ từ và xây dựng quan hệ thật tốt với các cơ sở khoa học tự nhiên ở Việt Nam và thế giới. Vì vậy sau khoảng thời gian cố gắng, đến bây giờ là hơn 17 năm rồi, tôi đã yên tâm và tự hào rằng mình đã đi đúng hướng cũng như có thể đạt được một số mức độ và trình độ ngang bằng với thế giới.

Bây giờ chúng tôi vẫn còn một số cái phải lo lắng về đội ngũ kế cận. Khi mà anh xây dựng một ngành khoa học hoàn toàn không có chỗ dựa ngân sách nhà nước và chỉ dựa vào những tiềm năng của mỗi một nhà khoa học như tôi, thì rất khó để có tiềm năng về tài chính nhằm lôi cuốn các nhà khoa học trẻ theo bước mình. 

Một nguy cơ là có thể sau khi chúng tôi già hóa rồi thì Trung tâm TS ĐNA sẽ tuyệt diệt tức là sẽ phải đóng cửa, bởi vì không có đội ngũ kế cận nữa. Vừa rồi tôi nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nói là chúng ta học tập mô hình của một viện gì đấy của Hàn Quốc, thì lúc tôi xem tôi bật ra rằng, chính tôi đã làm viện đó, làm như thế, trong suốt 15 năm nay!

Nghĩa là mình đi vào các ngành khoa học khảo cổ ở các vấn đề khó khăn đỉnh cao bằng kinh phí tự có, hoặc là nguồn đề tài, hoặc là sự hỗ trợ của các bạn trong nước và ngoài nước. Thì chúng tôi cũng đã làm được. Thế nhưng để nói về lâu dài sẽ ra sao, đó còn là câu hỏi hóc búa.

- Trước những khó khăn quá lớn như vậy, phương châm hành động của ông là gì, để có thể cùng các cộng sự vượt qua được?

- Tôi thường thấy là, khó khăn như húc đầu vào đá ấy, nó đôi khi cũng đem lại cho mình cả hai cái lợi khác. Một là đẩy mình vào tình thế và rèn luyện kỹ năng sống cho mình. Và chính kỹ năng đó làm cho chúng tôi có khả năng tạo ra tài chính. 

Ví dụ cái phòng này rất cổ kính, nó ra đời từ một ngôi nhà bỏ hoang suốt hồi thuộc Pháp đến nay. Là tự tay tôi lát gạch, trang trí, vẽ tường. Tôi có một kỹ năng là kỹ năng làm nghề, kỹ năng đó tôi biết tính toán với những công việc khác một cách khoa học. 

Vì vậy, so với người làm việc trong các cơ quan nhà nước có khi tôi thi công, có công trình đáng kể mà lại giảm được rất nhiều chi phí không cần thiết. Những anh em trong cơ quan tôi đều bắt buộc phải có kỹ năng ấy, kỹ năng đó tự mình tồn tại được, tức là tự mình tạo ra tiền bạc, tự mình tạo ra của cải. Thứ hai là tính tự do. Tự do không phải là mình làm cái gì đó sai pháp luật đâu mà trái với các thời kỳ tôi ở trong bộ máy nhà nước thì quả thực nhiều cái mình muốn mà không làm được, bởi vì suy nghĩ của mình chưa mở (tự do). 

Ví dụ mình muốn làm cái rất hay nhưng tài vụ bảo không có tiền, và mình muốn làm những cái này mà sếp bảo chưa cần làm thì không làm được nữa. Còn ở đây, tôi bắt đầu đi vào những cái khó đó mà anh vượt được thì anh sẽ được hưởng cả hai cái lợi kể trên cùng lúc. 

Về cơ bản thì tôi có ý này: nếu chúng ta nghiên cứu về lịch sử khoa học, lịch sử các ngành khoa học trên thế giới thì không có bao cấp, thực sự là như thế. Ông Acsimet cũng như ông Niuton hồi xưa, có bao cấp đâu, tự họ thấy cái gì cần làm, họ yêu mến thì họ làm và chính vì thế họ thành công (cười).

Phục dựng thành công gương mặt của tổ tiên người Việt cách đây gần 3.000 năm

- Thưa ông, người ta bảo, ông và Trung tâm TS ĐNA có quá nhiều các công trình “bay trên thế giới khảo cổ”. Tức là các ông làm những điều chưa ai làm, chưa ai có thể hình dung ra nó được từ những mong manh tiền sử kia. Vậy gần nửa thế kỷ làm khảo cổ đầy đam mê và phá cách, những gì tạo cho ông ấn tượng và ám ảnh nhất?

- Tính từ năm 1968, khi tôi vào nghề, thì cũng được 47 năm tôi làm khảo cổ rồi. Dần dần mình mở rộng thêm ra lĩnh vực tiền sử học, thực ra nó cũng là khảo cổ thôi, chỉ khác tiền sử học nhiều về các vấn đề xã hội, triết tự khảo cổ. 

Phải nói chừng ấy năm cũng rất nhiều kỷ niệm, từ những kỳ đi khai quật, nếu bạn nào làm nghề này thì mỗi khi bắt đầu gió heo may, thì ngửi thấy mùi cỏ rơm mùa vụ, thì ai nấy lại muốn đi ra các cánh đồng, với rơm rạ. Ở đó có di chỉ đang khai quật. Tóm lại là các cái hố. Lạnh quá lại chui xuống các cái hố đó để tránh rét lúc nghỉ ngơi. Đấy gọi là cái nghiện của nghề.

Còn đối với tôi, những kỷ niệm đã tạo ra cho cuộc đời thì mình sẽ nhớ mãi, thứ nhất đó là lúc tôi học cách làm của các chuyên gia Mỹ ở bên Thái Lan. Tôi đã xin phép và được Giáo sư Phạm Huy Thông, Viện trưởng Viện Khảo cổ đồng ý, thì tôi mới mang xuống các cánh đồng ở Hòa Bình để thực thi phương pháp mới. 

Trong một buổi trưa, tôi sàng đất để tìm lúa, thì tôi cũng tìm được ra lúa thời tiền sử. Mà ai đó bảo, hạt lúa đó, nó còn quý hơn vàng, tức là đối với cả nền khảo cổ học và tiền sử học thế giới, thì phát hiện đó nó gây một chấn động lớn lắm. Có ý nghĩa lắm. 

Trưa hôm đó, tôi mừng lắm, là dường như mình có một phát hiện cực kỳ lớn, mặc dù sau đó nghiên cứu kỹ thì đó là lúa muộn chứ không phải là lúa đúng của thời kỳ văn hóa Hòa Bình. Nhưng ít ra hồi đó tôi vẫn còn trẻ và còn ngây thơ lắm nên niềm hạnh phúc đó chẳng bao giờ bị mất đi cả. Vì mình đã tìm ra được thứ mà cả thế giới người ta mong đợi, chính vì vậy mà tôi tiếp tục gắn bó khá lâu dài ở hang Xóm Trại (tỉnh Hòa Bình) và càng ngày phát hiện được càng nhiều thứ lạ kỳ ở đó. 

Cứ mỗi một ngày tôi lại tìm được một cái mới. Sau này cứ tiếp tục như thế, tôi đi và phát hiện rất nhiều những thứ thức ăn bỏ lại, người ta gọi là hạt quả từ 20 nghìn năm, 15 nghìn năm tới ngày nay. Trung tâm này trở thành nơi lưu giữ cũng như có kỹ năng phát hiện, bảo quản và trưng bày, nghiên cứu những tàn tích thức ăn cổ xưa đó.

Ấn tượng thứ hai trong cuộc đời tôi là khi chúng tôi bất ngờ lọc được ra những miếng vải của người thời Đông Sơn. Hôm đó tôi xem vô tuyến thì thấy Viện Khảo cổ đang đào ở một di chỉ rất quan trọng, các phát hiện của họ làm cả nước hào hứng. 

Tôi đi ôtô xuống và mọi người mời xuống để cùng tham gia và tôi thấy những tấm vải rất đẹp trên xương người, tôi hỏi tại sao không lấy, thì hóa ra nền khảo cổ học của chúng ta cho đến tận bây giờ vẫn thế là chỉ lấy xương chứ không lấy các thứ vải dính ở trên, mặc dù nó rất khó tồn tại theo thời gian, tức là nó rất quý hiếm.

Tôi có nói với anh em là cho tôi chỗ đất đó thì họ cho tôi mấy chum đất luôn. Đêm hôm ấy về thì dùng phương pháp lọc. Tôi có am hiểu vấn đề này khi mình đi thăm và hợp tác khảo cổ với các nước. Khi lọc, tôi thấy nó nổi lên những tấm vải, ngay lập tức tôi chuyển vải cổ đó sang các tấm kính. Các tấm vải thật sự cổ xưa đầu tiên hiện ra. 

Tính đến thời điểm đó, chúng ta chưa bao giờ biết đến và lưu giữ được những miếng vải thật sự của thời cổ cả. Mà chúng ta chỉ mới nghiên cứu vải thông qua những vết in hằn trên di vật, hoặc những giọt xe chỉ đào được thôi. 

Cho đến bây giờ chúng tôi rất mừng vì chúng tôi đã lưu giữ được một hệ thống vải gần như là nguyên vẹn và các bạn từ Nhật Bản, Australia đã làm những chương trình lớn và đánh giá rất cao.

- Vâng! Ví như chuyện phục dựng gương mặt của tổ tiên người Việt ta từ 3.000 năm trước, nó gây ngạc nhiên ngỡ ngàng cho nhiều người. Có lãng mạn và đi trên gió trên mây quá không? Cơ sở khoa học của nó là gì?

- Đúng. Ấn tượng thứ ba là tôi dựng được các chân dung người. Thuở còn là sinh viên tôi nghe Giáo sư Hà Văn Tấn giảng thì chúng tôi mê lắm, nó như một câu chuyện cổ tích ấy, tại sao từ một cái sọ mà lại dựng ra được cái mặt người được nhỉ! Nhưng, các nhà khoa học Nga khi đó đã được các nhà khoa học hình sự toàn thế giới công nhận. 

Mọi việc bắt đầu từ vụ cụ thể: một em bé 14 tuổi bị lạc trong rừng và chết rữa ra không còn nhận ra gương mặt cũng như thịt da nữa. Thì ông Galaximov nhận được cái sọ đó. Ông tiến hành dựng lại và bố mẹ em bé ấy đến, họ thảng thốt nhận ra ngay đó là con gái mình. 

Điều đó chứng minh rằng nền khoa học phản ánh mối tương quan giữa nền sọ bằng xương của con người với cả một chân dung về một người là có thật. Từ lâu lắm, nghe chuyện đó, tôi đã ước ao có thể làm được cái điều đó cho khoa học Việt Nam.

Sau này, chúng tôi có được những giao lưu sách vở và có những cuộc tham dự hội nghị ở nước ngoài, rồi thực tế là có vật liệu, ví dụ như là chất đất sét của Đan Mạch, nó rất dễ để tạo ra phần mềm của mặt người. 

Tôi thử nghiệm trên cơ sở những sọ đẹp nhất mà chúng tôi khai quật được ở làng Động Xá ở tỉnh Hưng Yên và các chân dung mà có thể các bạn được chiêm ngưỡng qua báo chí truyền hình, đấy là những tác phẩm đầu tiên. Sau này chúng tôi tiếp tục làm tiếp và hy vọng tương lai có thể làm được cả thân người và trang phục quần áo của các cụ nữa.

- Liệu các nhà khoa học khác, giới khoa học nói chung, có công nhận những công trình này của ông không, khi mà phải lãng mạn lắm thì người ta mới dám tin đó là cụ ông cụ bà của chúng ta từ thời làm Trống đồng Đông Sơn mấy nghìn năm trước? Ý tôi là, nhiệm vụ và thách thức của các nhà khoa học đi tiên phong rất nặng nề.

- Chúng ta đều biết rằng cả hoạt động của ngành khảo cổ có một nhiệm vụ là phục hồi lại toàn phần lịch sử đã bị mất, không còn lưu lại trong sử sách hoặc là lưu lại ở những thứ ta có thể chứng kiến - mà chỉ có những tàn tích của những đồ vứt đi để lại thôi. Trong đó, con người là một trong những điểm trọng tâm. 

Từ bé tôi đã thích vẽ và thích nặn tượng, nặn hình thú trâu bò, cả hình người, thậm chí hồi sinh viên tôi say mê phục chế sọ người đến mức, nhiều anh bạn cùng lớp được tôi nặn tặng một hộp xương sọ và cam kết đó là hình dáng chuẩn của hộp sọ anh ta…v.v 

Sau này, tôi chuyển được các năng khiếu đó vào làm nghề thì việc phục dựng mặt người có lẽ là cái đúng nhất, dễ chuyển nhất, và thực tế trên thế giới vẫn là một ngành hấp dẫn đối với chúng ta. Nếu các bảo tàng đào được xương người thì thay vì trưng bày mỗi bộ xương mà rất dễ làm người khác sợ thì anh có thể cho người ta thấy con người đó lúc sống họ như thế nào, họ cũng hiền hòa, xinh đẹp như chúng ta. 

Tất cả những cái đó gây cho tôi hứng thú, nhất là vào năm 2004, 2005 tức là khi chúng tôi có được trong tay khoảng 60 bộ xương, trong đó, 10 đến 18 bộ có sọ còn tốt. Và trong năm đó chúng tôi đã chọn 5 cái sọ để hoàn thành được 5 chân dung đó như sách báo đã biết. 

Nước ta có nền Văn hóa Đông Sơn rất rực rỡ, khoảng 2.000 đến 2.500 thậm chí 3.000 năm cách đây. Còn niên đại chính xác của các sọ được phục dựng, nó có nguyên cả quần áo, quan tài thì đã được chúng tôi phối hợp với các phòng thí nghiệm, phóng xạ Việt Nam và Australia đo đạc: niên đại khoảng 2.050 năm, hoặc là ta gọi thế kỷ thứ nhất Trước công nguyên.

Chỉ cần nguyên lý cơ bản thôi, quan trọng nhất là lòng đam mê

- Tôi rất tò mò muốn lý giải cách ông tìm con đường riêng để đi. Ông có biết tại sao bao nhiêu thế hệ nhà khoa học đi trước và đi sau ông, không ai phục dựng gương mặt tổ tiên mình từ xương sọ không? Tại sao ông lại lăn xả làm việc đó?

- Thực ra ông Galaximov hoàn thành cuốn sách về vấn đề phục dựng gương mặt người vào năm 1955. Khi xuất bản, lúc đó tôi chưa hiểu lắm về Glaximov. Sau này, nước Đức có một cuốn tự sự của ông, họ xuất bản bằng tiếng Đức. 

Sách rất hay, xuất bản năm 1971, sau khi ông mất. Bấy giờ tôi mới hiểu, bản thân người ta chỉ cần sự đam mê và những nguyên lý khoa học cơ bản thôi. Galaximov chưa học xong phổ thông, nhưng ông ấy cũng thích nghề phục dựng gương mặt người. Ông ấy xin trông nhà xác để có thể được làm việc liên quan đến nghề đó. Trong lúc trông nhà xác thì nghiễm nhiên ông ấy là “chủ” của các xác chết trong một viện hình sự vô cùng quy mô. 

Lúc ấy, ông mới dùng một phương pháp rất đơn giản thôi, nhúng các cái kim vào dầu luyn đen sau đó ấn vào các điểm mạch của các xác chết rồi quan sát vệt luyn đen. Ông đo để ông tính ra rằng chỗ nào mất luyn thì đấy chính là chỗ chiều sâu, chiều dày của thịt. Ông kiên trì như thế thì ông ấy xây dựng ra được một bảng dữ liệu của các gương mặt người. Bởi vì khi cắm kịch đến xương thì tức là ông có được số liệu của trán, mũi... 

Dần dần bằng cách như thế, ông ấy dám nhận phục hồi lại chân dung của một bá tước thế kỷ XVIII và cuối cùng thành công. Đó là nguyên tắc đảm bảo phương châm có thể giống. Và việc lãnh đạo thành phố Leningrat đã mời ông lên báo cáo. Lúc đầu họ bán tín bán nghi lắm. Họ yêu cầu ông tiến hành thí nghiệm cụ thể thì họ mới tin. 

Một vị viện trưởng nhã nhặn nói rằng: Chúng tôi có một cái sọ lạ (gọi là “sọ lạ” thì nó chỉ lạ với người đang giải bài toán là ông Galaximov thôi), nhờ ông tìm chân dung vị này giúp. Tất nhiên là trước đó thì cả hội đồng giám khảo ai cũng biết rõ sọ đó của một vị bá tước hình thù ra sao rồi. Cuối cùng ông ấy làm được một gương mặt đầy đủ của hộp sọ, mà khi đối chiếu với ảnh, ban giám khảo lưu trữ thì nó giống tới hơn 90%. Quá chính xác.

Tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: Điều này đã chứng minh mối tương quan của chính con người và sự sáng tạo vượt bậc, bằng những phương pháp kiên trì và lòng đam mê mà họ có thể làm được. Và về mặt ham muốn cũng như liều lĩnh thì tôi tự thấy tôi cũng không kém ngài Galaximov đó. Bây giờ, thậm chí, tôi có thể mở lớp huấn luyện ở đây và tôi có thể dạy trong vòng một tuần, bất kể bạn nào có hoa tay, có năng khiếu, có đam mê đều có thể làm được.

- Tức là quyển sách của ông Galaximov sẽ cho ông những công thức. Nhưng ông làm sao áp dụng các kiến thức đó vào xương sọ của người Việt? Ông lấy đâu ra năm bảy chục cái sọ người cất vào kho của mình như thế? Ông có nghiên cứu sọ của người Việt Nam hiện nay và mối tương quan với tổ tiên họ không?

- Đúng, chúng tôi phải xây dựng các chỉ số của người Việt Nam, thậm chí xây dựng chỉ số của người Đông Sơn. Điều này không dễ. Thế thì giống như tôi khi nghiên cứu về người cổ ở Động Xá ấy, tôi đã phải vào một bệnh viện cách làng Động Xá khoảng 10km và tôi dùng một phương pháp nghiên cứu lịch sử, cho rằng vùng này không có di dân, tức là không có những đợt di dân lớn để từ Đông Sơn cho đến hiện nay về cơ bản cái biến đổi về nhân chủng không lớn. 

Sau đó chúng tôi dùng nguồn kinh phí để nhờ một bộ phận chụp X-quang giúp chúng tôi chụp các sọ người của những người sống ấy, chúng tôi sẽ chụp một cái X-quang mặt, mặt nghiêng thôi, hiện nay chúng tôi vẫn lưu ở đây và dùng phương pháp đo chiều dài bởi vì X-quang mờ, để cho người ta thấy giữa xương và thịt. Đo và thống kê. 

Những người đó thì thường có hồ sơ cả, họ là nam hay là nữ, họ bao nhiêu tuổi và dần dà chúng tôi có một bản chỉ số, giả sử 25 tuổi thì trán dày bao nhiêu, nữ thì bao nhiêu, nam bao nhiêu, cứ như thế chúng tôi đối chiếu với những cái tập hợp khác của Hàn Quốc, rồi của Nhật Bản và người châu Á nói chung, người mà Galaximov tạo ra nữa. 

Khi gặp hiện tượng người Đông Sơn thì đầu tiên người ta có quyền, bởi vì không có tài liệu nào khác thì chúng ta cứ mạnh dạn đưa những chỉ số đó đã và sau này tôi có mạnh dạn hơn là dựa vào mình nắm tương đối kỹ cái dinh dưỡng của người Đông Sơn và chúng ta cho giảm đi một tỉ lệ, tức là lớp mỡ của họ thấp hơn của chúng ta bây giờ. Cái quan trọng là anh phải có những cơ sở khoa học để anh đưa những chỉ số đó vào, cái đúng cái sai gần đến chân lý thì chúng ta phải tính sau.

“Gặp” được những cụ kỵ mà thế giới mới chỉ được biết qua thần thoại

- Cảm giác đầu tiên của ông như thế nào khi gương mặt của người Việt cổ đầu tiên được ông khôi phục hiện ra trước mắt?

- Tất cả những cái đó gây cho tôi hứng thú, nhất là vào năm 2004, 2005 tức là khi chúng tôi có được trong tay khoảng 60 bộ xương, trong đó, 10 đến 18 bộ là có cái sọ còn tốt và chúng ta có thể phục dựng được thì ngay trong năm đó chúng tôi đã chọn 5 cái sọ để “ra tay”. Và trong thời gian không lâu, chúng tôi đã hoàn thành được 5 chân dung đó. Bây giờ tại Trung tâm TS ĐNA, chúng tôi đang lưu giữ 72 bộ hài cốt.

Có lẽ không bao giờ tôi quên được xúc cảm khi ấy. “Sự kiện” đó lại diễn ra vào ban đêm. Thường thì ban ngày đông người và nhân viên. Lúc đó chúng tôi đang ở Trụ sở của Trung tâm TS ĐNA, đồng thời cũng là nơi tôi sinh sống, trên phố Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Nhân viên đông, ban ngày tôi cũng bận lắm, thế nhưng cứ buổi tối ăn cơm xong tôi bắt đầu làm. 

Tiến sỹ Nguyễn Văn Việt bên những hộp sọ thời kỳ Đông Sơn.

Tôi nhớ vào khoảng 10 giờ 30 phút đêm hôm ấy, tự nhiên khi “bà” xuất hiện giữa lúc đêm hôm, lại chỉ có một mình tôi thôi. Thì cảm giác lúc đó hòa quyện lạ lắm, có niềm hạnh phúc rằng mình đã thành công, vừa tạo ra một cái gì đó mang tính chất tâm linh khó tả, rằng mình đã gặp được một người đã mất, mất rất lâu rồi, và rõ ràng tôi cảm thấy người phụ nữ đó đã sống lại, lúc đó tôi cố gắng tìm được một quả bóng để mình làm cái mắt của bà để trông thêm sinh động. Chẳng bao giờ tôi có thể quên được cái ấn tượng đó cả.

- Vậy thì, ý nghĩa thiết thực của việc khôi phục chân dung người Việt cổ mà ông đã và đang tâm huyết thực hiện, là gì?

- Ý nghĩa lớn nhất vẫn là về khoa học phục dựng, ví dụ chúng ta nói về “nhà” (văn hóa thời kỳ) Đông Sơn thì chúng ta hãy dựng ra một cái nhà gần với người ở trong đó để những người không phải là nhà nghiên cứu cũng dễ tiếp cận. Từ đó có một sự lan truyền tình yêu đối với lịch sử đáng tự hào của dân tộc.

Con người cũng thế, xưa nay chúng ta chỉ phục dựng cái gì xa với cuộc sống, ví dụ sọ người đối với cả học sinh, với mọi người đều thấy “xa xôi” lắm, chi bằng có một chân dung, mà đôi khi chân dung đó lại giống ai đó trong số bạn bè, họ hàng nhà mình, mà tại sao không, bởi vì họ chính là tổ tiên của chúng ta! 

Cái ý nghĩa về mặt phục dựng lại lịch sử, về mặt con người có một tác động lớn đối với quần chúng nhân dân, để làm cho họ yêu mến lịch sử nói chung và khi yêu mến lịch sử tức là yêu mến tổ tiên mình, yêu mến dân tộc, yêu mến đất nước mình và cái đó không xa cách với tất cả các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa của một đất nước.

- Trong suốt quá trình làm việc và nghiên cứu, cho đến giờ này người thầy nào hay ai là người có ảnh hưởng đến ông nhất?

- Các bạn tôi đều biết rằng tôi là học trò như là một người theo “đạo” của Giáo sư Hà Văn Tấn. Lúc sinh thời Giáo sư Trần Quốc Vượng cũng thích tôi, nhưng đôi khi ngồi uống rượu bia, Giáo sư Vượng hay nói: “Việt lúc nào cũng chỉ hành Tấn thôi”. 

Khi tôi còn là sinh viên, Giáo sư Tấn lúc đó vào dạy chúng tôi. Bấy giờ ông mới khoảng 31 tuổi, một người thầy rất trẻ nhưng đã rất nổi tiếng rồi. Trước đó, năm 21 tuổi, Giáo sư Tấn đã chủ biên một cuốn sách dày về lịch sử Việt Nam thời nguyên thủy, sau đó lại viết cuốn chống Nguyên Mông là cuốn rất nổi tiếng. 

Trong ngành nghề khảo cổ thời tiền sử thì Giáo sư Tấn là người đã tạo cho tôi trở thành một người học trò giỏi, còn người khiến tôi trở thành nhà khoa học - có thể nói chính là Giáo sư Phạm Huy Thông. 

Giáo sư Phạm Huy Thông chính là Viện trưởng đầu tiên của Viện Khảo cổ học Việt Nam - người mà sau khi được Giáo sư Tấn giới thiệu thì Giáo sư Thông đã cử một cán bộ Vụ phó của Vụ tổ chức đến bàn với Bộ Tư lệnh Hải quân để đưa tôi về, và từ đó tôi cũng ra quân rất nhanh và ngay lập tức tháng 11 năm đó, tôi trở thành cán bộ của Viện Khảo cổ. 

Tôi đã học được ở Giáo sư Phạm Huy Thông rất nhiều, từ việc làm báo, bởi vì Giáo sư Thông vốn là người làm báo rất nổi tiếng cho đến việc viết lách, trình diễn một ý tưởng khoa học làm sao cho đầy đủ, sắc sảo. 

Sau này mọi người mới hỏi rằng: “Tại sao ông làm bảo tàng này ông không lấy luôn tên Nguyễn Văn Việt của mình mà lại lấy tên Phạm Huy Thông” thì tôi vẫn nói là tôi có được những gì bây giờ chính là nhờ có bàn tay của Giáo sư Tấn và Giáo sư Thông. 

Trong đó, người biến tôi thành một nhà khoa học biết đề cao các giá trị nhân văn như bây giờ chính là Giáo sư Phạm Huy Thông. Bảo tàng các bạn đang chứng kiến ở đây không chỉ là bảo tàng về Giáo sư Thông mà là bảo tàng về các vấn đề khảo cổ, tiền sử, văn hóa mang tên cố Giáo sư Phạm Huy Thông. 

Nhiều người đến đây vẫn hỏi: “Phòng làm việc của bác Thông đâu?”, “có bàn thờ ông ấy hay không để tôi thắp nén hương?”. Tôi bảo, không có bàn thờ. Bảo tàng này là nơi thể hiện mong muốn, sự nghiệp của một người rất yêu mến lịch sử dân tộc, là Viện trưởng Viện Khảo cổ học đầu tiên với rất nhiều trăn trở tâm huyết. Tôi đã có điều kiện gần gũi với giáo sư, giữ được nhiều thư từ cũng như văn bản của giáo sư. 

Do đó ở đây các bạn có thể thấy một phòng rất gọn, rất nhỏ, gói chung sự nghiệp khảo cổ với Giáo sư Phạm Huy Thông, còn lại các phòng trưng bày hoạt động tiền sử của Trung tâm TS ĐNA. Tôi vẫn hằng cố gắng thể hiện lòng tri ân những người thầy vĩ đại, bằng các hoạt động và sự nghiệp không phụ lòng thầy của mình.

- Chân thành cảm ơn ông, tình yêu nghề, niềm yêu kính thầy của ông đã khiến chúng tôi thật sự xúc động!

Đỗ Doãn Hoàng (thực hiện)
.
.