Tiến sĩ Lê Kiên Thành: Nếu cha tôi là người độc đoán...

Chủ Nhật, 03/05/2015, 17:15
Tiếp theo phần I cuộc trò chuyện với Tiến sĩ (TS) Lê Kiên Thành về người cha - cố Tổng Bí thư (TBT) Lê Duẩn và những quyết định của ông liên quan đến cách mạng miền Nam, Chuyên đề ANTG Cuối tháng xin giới thiệu với bạn đọc phần II cuộc trò chuyện này, khi TS Lê Kiên Thành đã thẳng thắn đối diện và trả lời sòng phẳng về những nhận định, cả những nhận định thiện chí và không thiện chí về cố TBT Lê Duẩn.

- Phóng viên: Khác với một số nhà cách mạng nổi tiếng khác, cố TBT Lê Duẩn là người không có nhiều cơ hội học hành. Có bao giờ điều đó làm giảm sự sáng suốt của ông trong những quyết định lớn của đất nước?

- Tiến sĩ Lê Kiên Thành: Thật ra tri thức của con người là một sự tích lũy tổng thể.  Tri thức của cha tôi, không đến nhiều từ học hành, nhưng đến một phần từ tình yêu nước, một phần từ sự sáng tạo và từ kinh nghiệm của ông. Tri thức của ông đến từ những lần lăn lộn từ Bắc chí Nam đấu tranh cách mạng, từ hết nhà tù này cho đến nhà tù khác, tiếp xúc với đủ loại người, va chạm với không biết bao nhiêu sự kiện. Và một điều quan trọng là cha tôi không bao giờ ngừng suy nghĩ. Suốt đời  ông, trong tất cả những câu chuyện với con cái, hầu như không có những lời nói đùa. Điều mà ông luôn nghĩ, cái mà ông luôn nói với tôi, là những câu chuyện về đất nước, về con người. Trong tất cả các quyết định cha tôi đưa ra khi còn làm Tổng Bí thư, từ chuyện giải phóng miền Nam cho đến chiến tranh biên giới phía Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc, cha tôi đã quyết định những việc đó với lòng yêu nước đến tận cùng.

- Khi nhìn lại quãng thời gian ông Lê Duẩn ra miền Bắc rồi trở thành TBT trong suốt 26 năm, nhiều người nói ông đã tìm cách củng cố dần dần quyền lực về mình?

- Nếu cha tôi là người như thế, thì đã không có chuyện ông năm lần bảy lượt xin ở lại miền Nam. Sẽ không có chuyện, ông đề nghị với Bác Hồ và Trung ương phân công ông Trường Chinh và ông Phạm Văn Đồng giữ chức Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.

Nhưng có những người, có thể vì không đủ thiện chí, hoặc cũng có thể vì không đủ thông tin mà không hiểu và có cái nhìn sai về lịch sử. Khi ông Võ Nguyên Giáp được phân đi phụ trách công tác kế hoạch hóa gia đình, nhiều người nói, cha tôi và ông Võ Nguyên Giáp có hiềm khích vì ông Võ Nguyên Giáp là người tài. Trước hết theo tôi, việc tung tin như thế là ý đồ của kẻ xấu nhằm chia rẽ nội bộ của Đảng. Và thực tế, theo nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, cha tôi đâu phải là người có quyền lực tuyệt đối. Mọi quyết định lớn của đất nước đều phải có sự nhất trí của tập thể Bộ Chính trị cơ mà. Nhà báo Lương Bích Ngọc trong một bài phỏng vấn cách đây mấy năm trên Báo Vietnamnet, cũng không ngần ngại hỏi tôi về mối quan hệ của cha tôi và ông Giáp. Nguyên văn câu trả lời của tôi là thế này:  Ông Võ Nguyên Giáp đã từng đến gặp riêng cha tôi và nói: “Cuộc đời cách mạng của tôi có được một phần lớn là nhờ anh Ba”.

Cha tôi chưa bao giờ thích thể hiện mình là người có quyền lực. Hầu như mọi cuộc tiếp xúc quốc tế, tôi được biết, ông đều phân công cho ông Phạm Văn Đồng. Thế nên có những giai đoạn, chính những người Mỹ cũng đã không nhận ra rằng cha tôi mới chính là người nắm vai trò lớn trong việc hoạch định chính sách cho cuộc chiến tranh ở miền Nam. Và sau này có người Mỹ nói với tôi, đó là một trong những lý do khiến họ thất bại.

- Nếu giờ tôi hỏi ông, cố TBT Lê Duẩn có phải là một nhà lãnh đạo độc tài, ông sẽ nói...

- Chắc chắn không! Tôi không tin, những người mang tính độc tài lại có thể sáng tạo trong tư duy và đường lối lãnh đạo. Có thể có người nói cha tôi độc tài. Nhưng thời điểm đó, những người xung quanh cha tôi đã được cháy sáng hết mình nhất vì đất nước. Nếu có sự độc tài của cha tôi, hẳn là họ không bao giờ có cơ hội đó. Nếu cha tôi là người độc tài, liệu chúng ta có được sự đồng thuận trên dưới để đi đến ngày đất nước thống nhất? Như người ta vẫn nói Lý Quang Diệu là nhà độc tài, nhưng tôi  không nghĩ thế. Đôi khi người ta dễ bị nhầm lẫn giữa sự cương quyết và độc tài. Khiến Singapore trở thành một đất nước năng động như bây giờ, mà bảo ông ấy là người độc tài thì tôi thấy thật khó thuyết phục.

Đến giờ, nếu bảo đất nước chúng ta làm cách nào để tạo ra một lớp lãnh đạo như lớp lãnh đạo thời điểm đó với sự sáng suốt, sự hi sinh đến tận cuối đời, có lẽ rất khó. Cứ nhìn vào gia đình họ, con cái họ, là có thể hiểu sự hi sinh của họ.

Rất nhiều người có thể hi sinh bản thân mình nhưng không sẵn sàng hi sinh con cái. Còn những người đó, họ đương nhiên đã hi sinh bản thân mình, hi sinh gia đình mình, con cái mình.

- Thế tại sao, ông Lê Duẩn không bao giờ viết hồi ký, để lịch sử sau này có cơ hội hiểu rõ hơn những việc ông làm?

- Tôi cho rằng, lịch sử, dù “lười biếng”, cuối cùng cũng phải đi đến đích. Nó có thể đến đích sớm hay đến đích muộn, nhưng thay đổi nó là điều không thể. Tôi tin rằng tất cả những tài liệu mà Trung ương chưa công bố, rồi đến một ngày sẽ công bố. Sẽ có ngày, chúng ta có cơ hội được hiểu rõ hơn về quá khứ.

Tôi may mắn được sống cạnh cha tôi, hiểu ông, và tôi có thể tự tin nói rằng cha tôi là người mà việc ông làm chỉ là bởi ông thấy đó là điều cần phải làm. Không bao giờ ông nghĩ đến những vụ lợi bản thân mình trong đó. Cha tôi là người không bao giờ nghĩ rằng, ở đâu đó ông phải nhắc lại những việc ông đã làm để người ta biết đến ông và biết rằng ông chính là người làm việc đó chứ không phải ai khác. Chính điều đó làm tôi tự tin rằng cái đó sẽ mãi là của ông .

Tôi nhớ có những lần sau khi nghe được những câu chuyện về lịch sử từ cha tôi, tôi đã nhiều lần thắc mắc với ông: “Nếu những chuyện như vậy mà mọi người không biết đến thì có xác đáng không?”. Cha tôi trả lời: “Cái quan trọng nhất là mình đã làm chuyện đó và mình đã được làm chuyện đó”. Với ông, chỉ cần được làm việc ông muốn làm, đó đã là hạnh phúc.

Cha tôi cứ nhắc đi nhắc lại mãi về câu chuyện một người bạn tù trước khi chết đã trăng trối với ông lúc còn ở trong nhà tù Côn Đảo: “Tao muốn làm cái gì cho Đảng quá. Mày có thể mặc cái áo này cho tao không? Cứ để tao chết trần truồng”. Nhưng cha tôi không chịu, dù với ông, cái áo đó, vào những năm tháng tù đày thiếu thốn đó, là vô cùng quý giá. Đó là câu chuyện mà ông nhớ mãi. Nó nhắc ông mãi mãi nhớ rằng, được hi sinh cho Dân tộc, cho Đảng là một hạnh phúc, chứ không phải là công lao. Người Cộng sản chân chính thì không cần kể công với đất nước. Vì rất nhiều người muốn hi sinh mà không được hi sinh.

- Vậy một người như cha ông, chỉ cần làm những gì mình cho là đúng và không bao giờ giải thích hay kể công, sẽ nghĩ gì khi nghe những lời không thuận tai từ dư luận, vì như tôi được biết, không phải bây giờ mà ngay từ thời đó đã có một số người không đồng tình với cha ông trong nhiều chuyện?

- Sau giải phóng, cuộc sống ở hai miền Nam - Bắc rất khó khăn. Có những người dân đứng trước cổng gia đình tôi nói: “Ông Duẩn ơi, người ta ức hiếp tôi này”. Hồi đó tôi đi chơi ở nhà một số người bạn, có những chuyện rất đau lòng. Ông bà, bố mẹ bạn tôi biết tôi là con ai, cứ cố tình nói bóng gió: “Dân tình khổ lắm! Có ai biết không?”. Tôi biết họ cố tình nói để cho tôi nghe. Tôi có mang điều đó về kể với cha tôi, và ông nói: “Những cái khó khăn nhất của dân tộc qua rồi. Những cái như bây giờ sẽ qua”.

Khi tôi quyết định ứng cử đại biểu quốc hội cách đây vài năm, tôi có đến hỏi ý kiến chú Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng. Chú ấy cho tôi lời khuyên và kể cho tôi câu chuyện giữa chú và cha tôi rằng, có lúc chú đến gặp ông, nói cho ông nghe nhiều chuyện trái tai, thậm chí đọc cho ông nghe cả bài vè về ông, nhưng ông rất bình thản. Nghe xong cả buổi sáng, ông bảo chú về ăn trưa, đến chiều lại đến nói tiếp. Thú thật, chú ngạc nhiên với sự bình thản của ông.

- Ông nói, việc ở cạnh cố TBT Lê Duẩn khiến cho ông có cơ hội nhìn thấu suốt và hiểu cha mình hơn rất nhiều người khác. Nhưng ông có nghĩ, sự gần gũi và mối quan hệ ruột thịt đó cũng có thể khiến ông nhìn cố TBT Lê Duẩn với một sự thiên vị nào đó?

- Tôi luôn cố gắng tách cá nhân mình ra để nhìn ông như một nhân vật lịch sử, chỉ khác là nhân vật lịch sử đó tôi được tiếp xúc nhiều hơn mọi nhân vật khác. Nếu tôi muốn tự huyễn hoặc mình, tôi sẽ không mất công tìm tòi những điều liên quan đến ông trong suốt cuộc đời mình.

Mặt khác, cũng có thể có những lúc tình cảm ruột thịt sẽ chi phối ở một mức nào đó những suy nghĩ của tôi về ông. Cái đó tôi luôn cố tránh, nhưng không dám khẳng định là tuyệt đối không có. Tôi vẫn nhìn thấy những thứ mà từ đó giúp tôi thấy cha tôi không phải người toàn bích. Nhưng nó khiến tôi hiểu, cha tôi dù sao cũng là một con người bình thường, có đúng, có sai, chứ không tuyệt đối hoàn hảo.

Nhưng có một điều khiến tôi tin vào những gì mà tôi nhận định về ông, là một người cha, có thể giấu giếm con người mình lúc ra ngoài xã hội, nhưng không thể lừa dối con cái mình. Và tôi đã quan sát ông cả cuộc đời. Nên tôi tin vào sự cảm nhận của tôi về ông.

Ảnh: Minh Trí - Đức Sơn

- Đến giờ vẫn không ít người cho rằng, cha ông, cố TBT Lê Duẩn là người phải có trách nhiệm với cuộc chiến tranh biên giới, cũng như những khó khăn, sai lầm mà ta mắc phải trước đổi mới. Và có người nói đại ý, nếu ông Lê Duẩn chỉ dừng lại ở thời điểm năm 1975, thì ông đã mãi mãi là anh hùng. Ông nghĩ gì về ý kiến ấy?

- Cũng giống như khi bạn hỏi sẽ là đúng hay sai nếu ta chọn con đường hòa bình, chứ không phải chọn con đường đấu tranh vũ trang ở miền Nam. Tôi cũng sẽ lại lật ngược vấn đề thế này: Nếu chỉ dừng lại ở 1975, mà không giúp nhân dân Campuchia giải phóng dân tộc mình khỏi họa diệt chủng của Pôn Pốt, không thực hiện cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, thì bây giờ đất nước sẽ thế nào? Tôi cần phải nhắc lại rằng khi đó, Campuchia, với sự hỗ trợ từ nước ngoài, đã gây ra cuộc chiến tranh xâm lược ở các tỉnh biên giới phía Nam và đe dọa, phá hoại thành quả của cuộc kháng chiến mà chúng ta đã phải hi sinh xương máu 20 năm trời mới giành được. Nên những nhận định của Huy Đức trong Bên thắng cuộc (chắc là bạn nhắc đến nhân vật này), tôi chỉ thấy sự thiên kiến và thiếu hiểu biết mà thôi.

Cha tôi từng nói với tôi, đến 60 tuổi, ông sẽ nghỉ và ở nhà viết sách. Nhưng giải phóng miền Nam xong là lúc đất nước bộn bề, ngổn ngang, kinh tế khó khăn. Sau đó xảy ra chiến tranh biên giới phía Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc. Liên Xô và các nước Đông Âu thì rơi vào khủng hoảng. Đủ mọi sóng gió đến với chúng ta vào đúng thời điểm ấy. Lúc này cha tôi hiểu phải tìm ra một phương thức tồn tại mới cho xã hội mà từ sau giải phóng, ông đã nhận ra là những cái cũ đã không còn đúng, không còn phù hợp. Trong một bài viết trên Tạp chí Xưa và Nay, nhà nghiên cứu kinh tế Đặng Phong đã công bố những tư liệu về việc ngay từ những ngày đầu tiên sau giải phóng, khi Đại hội IV diễn ra năm 1976, cha tôi đã hình thành tư duy đổi mới. Bác Lê Đức Anh trong một bài viết cách đây vài năm, cũng đã nói về tư tưởng đổi mới của cha tôi từ thời điểm đó. Khi ấy, những ý kiến đổi mới của cha tôi đã được đưa vào văn kiện dự thảo. Chỉ tiếc là ông đã không thể làm được việc đó ngay tức thì, vì không dễ để có thể ngay lập tức thay đổi tư duy của cả một xã hội.

Khi ông Kim Ngọc làm khoán hộ ở Vĩnh Phúc, một đồng chí lãnh đạo chỉ đạo viết một bài phê bình trên Báo Nhân dân. Cha tôi đọc xong bài báo, đã ném xuống bàn, trước mặt ông Trần Quỳnh, nét mặt vừa châm biếm, vừa buồn rầu: “Các anh phải đọc bài báo này đi!”. Nhiều người có thể nghĩ cha tôi không ủng hộ ông Kim Ngọc. Nhưng ít ai biết hai ông đã ngồi ăn cùng nhau và nếu không có sự ủng hộ từ cha tôi, ông Kim Ngọc đã không còn là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Có thể có người nghĩ cha tôi là người nắm chức vụ cao nhất trong Đảng, tại sao lại không có quyền quyết định? Nhưng ông từng nói với tôi: “Đời ba đi làm cách mạng như đi làm dâu trăm họ. Đôi khi phải biết nhượng bộ người này điều này, để họ đồng ý với mình ở những việc khác lớn hơn mà có lợi cho đất nước, cho dân tộc. Có những lúc, chúng ta không còn cách nào khác là phải chờ đợi”. Theo tôi hiểu, nhiều người đã ủng hộ ông trong sự nghiệp thống nhất đất nước, thì bây giờ, ông phải chấp nhận nhượng bộ họ, chờ đợi họ thay đổi, để giữ được sự đoàn kết trong nội bộ. Đó cũng là một quy luật bình thường trong đổi mới tư duy thôi.

Có một sự thật rất buồn cười là bây giờ chúng ta phê phán bao cấp, nhưng ngày đó, những người muốn giữ bao cấp nhất chính là các cán bộ công chức nhà nước - những người sống bằng chế độ bao cấp. Nhiều người phê phán cuộc cách mạng Giá - Lương - Tiền. Nhưng giống như trận đánh Mậu Thân 1968 mà chúng ta đã phải hi sinh rất nhiều, Giá - Lương - Tiền cũng  đã làm được một điều quan trọng là bẻ ngoặt tư duy của xã hội Việt Nam, buộc họ phải chấp nhận việc xóa bỏ chế độ mậu dịch. Liên Xô lúc đó đã rất cản trở kế hoạch này của chúng ta, vì họ cảm nhận được chúng ta đang thay đổi, đang đi theo một con đường khác. Đó là điều họ không hề mong muốn. Nhưng chúng ta vẫn quyết tâm làm đến cùng.

Đúng là chúng ta có thể đổi mới kinh tế sớm hơn, nhưng với những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt trong giai đoạn đó, thì việc mất 11 năm để chính thức bắt đầu đổi mới, tôi nghĩ nó không phải là một quãng thời gian dài với lịch sử một dân tộc.

Và, những người trung thực nhất với chính mình, nếu để viết ra một kịch bản khác cho quãng thời gian 11 năm sau giải phóng, với hoàn cảnh của đất nước khi đó, có thể sẽ có một kịch bản tốt hơn một chút, nhưng tốt hơn, hay hơn rất nhiều thì tôi tin là không có.

Ngay cả Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, khi họ muốn thay đổi nền kinh tế của họ, họ đã phải đi bước đầu tiên là thay đổi chính thể. Và kể cả khi đã thay đổi chính thể rồi, giá cả của họ cũng đã tăng lên cả nghìn lần. Tổn hại mà họ phải đánh đổi cho sự đổi mới là không kể xiết.

- Người ta đều mặc định khi ông là con trai Tổng Bí thư, gia đình ông là gia đình danh giá của Việt Nam thì bản thân gia đình ông sẽ có những quyền lợi mà nhiều người khao khát. Thậm chí, còn có những lời đồn về việc, cố TBT Lê Duẩn đã để lại cho con trai mình tài sản khá lớn. Tôi thực sự muốn biết, ông nghĩ gì về những lời đồn đó? Và sự thực thì gia đình ông được - mất gì từ vị trí mà cha ông đã nắm giữ?

- Tôi không bao giờ để ý đến những tin đồn ấy. Vì nó đến từ những người tôi chưa bao giờ gặp mặt. Những người đồng đội của tôi trong quân ngũ, những người bạn của tôi, những người từng cộng sự, làm ăn với tôi bao năm qua mà nói như thế mới là đáng lo. Với những người đã chứng kiến tôi từng phải đi ra chợ trời bán cả bộ quần áo mới của mình để mua sữa cho con, họ sẽ hiểu tôi đến tận cùng. Và đừng nói với tôi, chỉ cần những người đó thôi cũng đã thấy tin đồn đó kệch cỡm đến mức nào.

Còn mất mát? Khi đó, vì sự nghiệp cách mạng, mẹ tôi phải viết đơn xin ly dị cha tôi, nhưng Trung ương không đồng ý. Tuy nhiên, bà đã phải chấp nhận sống xa chồng con trong mấy chục năm trời. Tôi chứng kiến sự đau khổ của bà trong suốt mấy chục năm trời đằng đẵng và thương bà vô hạn vì bà đã phải hi sinh hạnh phúc của mình cho sự nghiệp mà cha tôi theo đuổi.

Anh em chúng tôi, cũng phải chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng việc được làm con của ông là cái được lớn nhất của chúng tôi. Cha tôi trước khi mất có nói với tôi rằng: “Ba chết đi có lẽ không để lại cho con một đồng xu nào. Có chăng là để lại cho con cái tiếng của ba”. Sau này tôi nghiệm ra rằng điều đó đúng vô cùng. Tôi đi làm kinh tế tư nhân từ hai bàn tay trắng. Cha tôi,  đúng như lời ông nói, đã chẳng để lại một chút tiền bạc nào. Nhưng sau này, kể cả khi cha tôi đã mất mấy chục năm, thì cũng có những đối tác làm ăn, nếu vô tình biết tôi là con trai ông Lê Duẩn, tức khắc họ dành cho tôi sự kính trọng, tin tưởng, và tôi không giấu giếm một điều rằng, điều đó đã cho tôi nhiều cơ hội và thành công trên thương trường. Và đó là điều tôi vô cùng hạnh phúc và tự hào!

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Lan Hương (thực hiện)
.
.