Thượng tướng - Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu: “Kẻ thù nội xâm nguy hiểm hơn kẻ thù ngoại xâm”

Thứ Sáu, 09/01/2015, 16:34
Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập QĐND Việt Nam, Chuyên đề An ninh thế giới Cuối tháng có cuộc trò chuyện với Anh hùng Lực lượng vũ trang, Thượng tướng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu về một số vấn đề liên quan đến quân đội, chiến tranh và vận mệnh của Tổ quốc.

Xin trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện này.

- PV: Thưa Thượng tướng, con đường của ông bắt đầu từ một người lính và trở thành một vị tướng, một người anh hùng, trong chặng đường dài đó có rất nhiều thay đổi. Từ một người lính trở thành một người chỉ huy, một nhà chiến lược quân sự và một nhà lý luận quân sự, trong thực tế như vậy rất nhiều thứ phải thay đổi. Thay đổi trong binh pháp, thay đổi trong cuộc đời, thay đổi trong vị trí và rất nhiều biến động. Thay đổi cả cách đánh giặc nữa, nhưng sẽ phải có những thứ không thể nào thay đổi trong người lính Nguyễn Huy Hiệu, trong vị tướng Nguyễn Huy Hiệu, trong người anh hùng Nguyễn Huy Hiệu. Vậy điều không thể thay đổi ấy là gì thưa Thượng tướng?

- Thượng tướng - Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu: Tôi năm nay đã gần tròn 50 năm tuổi quân. Tôi vinh dự được tham gia 4 chiến dịch lớn: Tết Mậu Thân 1968, chiến dịch Đường 9 Nam Lào 1971, chiến dịch mở màn Quảng Trị 1972 và kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Từ một binh nhì trở thành một vị tướng là chặng đường vô cùng gian truân. Thế hệ chúng tôi là thế hệ được đào tạo rất cơ bản về kiến thức và lý tưởng. Về lý tưởng, lứa chúng tôi khi còn là học sinh say nhất là Cách mạng Tháng Mười Nga. Trong Cách mạng Tháng Mười Nga thì tư tưởng vô sản bây giờ vẫn còn giá trị, nói như giờ là mình vì mọi người, mọi người vì mình, là trách nhiệm với cộng đồng. Điều không bao giờ đổi thay trong tư tưởng một người lính hay một vị tướng là vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh. Quân đội của dân, quân đội do dân và vì dân, cái đó là xuyên suốt.

Bác Hồ nói rằng: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Tôi khẳng định thế hệ bây giờ sợ cái nhục mất nước, khao khát bảo vệ độc lập tự do, bảo vệ chủ quyền vẫn hừng hực khí thế. Mà bây giờ có khi người ta còn sục sôi hơn bởi bây giờ có điều kiện tiếp cận các thông tin đa chiều, có thể phân biệt đúng sai và hiểu luật pháp quốc tế đa dạng hơn. Bây giờ có đầy đủ thông tin của các nhà khoa học, nhà sử học và cả các tầng lớp nhân dân, luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế để đấu tranh trên các mặt trận.

Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi khẳng định một điều là nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thế trận cài răng lược, chúng ta đánh ngay trong lòng địch là thế trận lòng dân và chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

- Nghệ thuật chiến tranh nhân dân là thứ vũ khí vô địch của người Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Và nếu dân tộc nào bị xâm lược mà cũng tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân thì họ chắc chắn sẽ giành được thắng lợi. Tất cả những người dân Việt Nam đã dâng hiến con cháu của mình cho cuộc chiến tranh. Đó là những người lính với lòng yêu nước vô bờ bến và sự hi sinh không vụ lợi. Tất cả những điều đó tạo ra thứ vũ khí Việt Nam với “thương hiệu” là chiến tranh nhân dân. Thưa ông, trong những năm tháng đó không một ai có thể phủ nhận được cuộc chiến tranh nhân dân kỳ vĩ và chính vì có cuộc chiến tranh nhân dân thì chúng ta mới chiến thắng được kẻ thù lớn mạnh nhất của nhân loại lúc đó. Nhưng thưa ông, đến bây giờ khi đời sống đã đổi thay, khi mà có nhiều chuyện phiền muộn xảy ra. Cũng như vừa rồi báo chí nói nhiều đến nạn tham nhũng đang được dư luận quan tâm, Đảng và Nhà nước kêu gọi đấu tranh xóa bỏ nó. Nếu bây giờ có một cuộc chiến tranh xảy ra, trong cách nhìn của một vị tướng liệu theo ông có làm ra một cuộc chiến tranh nhân dân nữa hay không khi mà nhân dân đã ít nhiều mất lòng tin vào không ít những cán bộ lãnh đạo. Khi mà người dân nhìn thấy những đầy tớ của dân đang được sống trong hưởng thụ?

- Tôi có thể nói rằng cuộc chiến tranh nhân dân của chúng ta là sức mạnh của cả hệ thống chính trị và cả nền văn hóa mà ông cha ta đã tổng kết từ xưa: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”. Hay ông cha chúng ta đã tổng kết lại nghệ thuật đánh giặc: “Đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông”. Chiến tranh nhân dân chính là trí tuệ của cả một dân tộc hàng ngàn đời đúc kết lại mà bây giờ chúng ta kế thừa một cách chọn lọc và sáng tạo chứ không phải bây giờ mới có nhưng ở mức độ khác nhau, thời điểm lịch sử khác nhau, điều kiện khác nhau. Tôi nghiên cứu và phát hiện ra một thông lệ là chỉ khi nào đất nước xảy ra những biến cố thì mới biết đâu là trung thần, đâu là gian thần, đâu là chân chính, đâu là phản bội. Đến bây giờ sau chiến tranh thì rất nhiều điều trái ngang, ví dụ những cơ sở cách mạng cũ - nơi đồng bào cưu mang cán bộ trong những năm gian khổ nhất, nguy hiểm nhất.

Bây giờ trong hòa bình, đồng bào chia sẻ ngọt bùi với cả nước để khắc phục thiên tai. Nhưng có một số người đã quên đi điều đó, đã làm những điều trái ngang, phi nghĩa. Đặt biệt là vấn đề tham nhũng, nhức nhối trong nhân dân. Niềm tin trong nhân dân giảm đi đối với một bộ phận cán bộ. Băn khoăn, trăn trở, tiêu cực, lãng phí rồi đủ các thứ chuyện nhũng nhiễu nhân dân. Và như vừa qua có mấy trường hợp điển hình đau đớn. Đấy chỉ mới phát hiện một vài trường hợp, còn biết bao trường hợp nữa? Nhất là bây giờ tuổi trẻ ham học hỏi tìm tòi, đạt các giải quốc tế trên các lĩnh vực không thua kém gì các nước. Cái đó ta phải đánh giá đúng thế hệ bây giờ, họ có điều kiện để tiếp cận với khoa học, tiếp cận thông tin trong các lĩnh vực kể cả chính trị, quân sự.

Theo tôi cái đó là phải khẳng định. Nhưng có một bộ phận làm giàu theo kiểu chộp giật. Tức là lừa đảo, nên cho đến bây giờ rất nhiều doanh nghiệp đứng vững nhưng  lại cũng có hàng ngàn doanh nghiệp bị phá sản. Đấy là cái gì? Còn cái trong bộ máy của chúng ta thì biết rồi, vừa rồi là một số trường hợp, còn nhiều trường hợp nữa. Kể cả trường hợp anh hùng “rởm”, như kiểu thương binh giả, bây giờ bị tước đi. Tức là anh hùng phải có hành động anh hùng, được quần chúng thừa nhận, được người trực tiếp bên mình thừa nhận.

- Đúng thưa ông, những nhân vật đó không thể nào xóa đi được hình ảnh đẹp đẽ của Quân đội nhân dân Việt Nam, của những anh hùng, của những người lính cụ thể như ông. Trước khi đến đây để trò chuyện với Thượng tướng, có một số trí thức nhờ tôi hỏi Thượng tướng một câu: Liệu bây giờ chiến tranh xảy ra thì chúng ta có thể huy động được những chàng trai cô gái đang đi trên những chiếc xe hơi vô cùng đắt tiền, đang ở trong những biệt thự sang trọng xa hoa, đang làm chủ những tài khoản khổng lồ ở các ngân hàng trong nước và ngoài nước sẵn sàng ra mặt trận cầm súng để bảo vệ tổ quốc không, nếu có thì lý do nào để cho ông tin vào điều đó?

- Trước hết tôi muốn nói là tôi cực kỳ trăn trở vấn đề này. Trước tiên như tôi nói ban đầu là chúng tôi có một lý tưởng, khao khát lý tưởng và chiến đấu cho lý tưởng đó. Không tơ hào bất kỳ một điều gì, chỉ nghĩ đến dân tộc, nghĩ đến nhân dân, nghĩ đến đồng bào, nghĩ đến đồng đội, đồng chí… và mình phải hoàn thành sứ mệnh đó. Tôi tin chắc nếu dân tộc Việt Nam xảy ra một cuộc chiến tranh, chúng ta không bao giờ muốn, nhưng giả thiết chúng ta bị xâm lược thì kết cấu, sự huy động sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc lại bùng lên. Không những ở trong nước mà cả quốc tế, giống như vừa qua chúng ta đương đầu với thách thức ở biển đảo. Trong nước chúng ta có một bộ phận cho rằng đồng tiền là trên hết, tất cả vì đồng tiền. Tôi ngồi tôi nghĩ có những anh cũng sẽ có tâm huyết với đất nước nhưng cũng không ít người khi xảy ra sẽ đột biến đấy, tức là khó tin. Có thông tin mà tôi được biết đã có người khi thấy sự cố căng căng là tính đến việc chuyển tài khoản ra nước ngoài, tuy thông tin này chưa có kiểm nghiệm được nhưng tôi rất băn khoăn.

- Chia sẻ của ông rất chân thật, và tôi muốn trở lại thời chiến tranh mà ông đã đi qua hai giai đoạn: giai đoạn là một người lính và giai đoạn là một vị tướng. Vậy trong giai đoạn là một người lính thì người lính nào cũng mơ một ngày chiến tranh kết thúc và mình sẽ trở về làm điều gì đó. Trong khi ông làm một người lính bình thường thì ông mơ sẽ làm gì khi chiến tranh kết thúc?

- Thực tình mà nói khi là người lính tôi chỉ mơ ước làm như thế nào để làm quân giải phóng miền Nam để thực hiện mơ ước giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, sau đó tôi về tiếp tục học tập. Điều mà tôi say sưa nhất là vấn đề về môi trường bởi quê hương tôi là môi trường sinh vật cảnh mà tôi mê nhất cái đó. Nhưng sau chiến tranh thì người ta đưa tôi đi đào tạo để tiếp tục phát triển trong quân đội. Chiến tranh kết thúc thì tôi tiếp tục đi học.

Sau năm 1975 đến năm 1977, tức là 60 năm Cách mạng Tháng Mười Nga thì tôi được tham gia Đoàn Ủy ban Hòa bình thế giới của Việt Nam đi cảm ơn các nước xã hội chủ nghĩa. Trong đó tôi được tiếp cận với cách mạng xanh Ấn Độ năm 1977, mơ ước của tôi hình thành từ những điều đọc trong sách. Sau đó tôi mới hiểu cách mạng xanh Ấn Độ là gì, tôi lại liên tưởng đến Quảng Trị, nơi mà bị tàn phá bởi chất độc hóa học, nơi mà quân đội Mỹ rải chất độc hủy diệt toàn bộ màu xanh ở Quảng Trị. Tôi mơ ước góp phần tái tạo lại màu xanh Quảng Trị. Lúc đó tôi chưa có kiến thức nhiều về dioxin như bây giờ. Tôi chỉ có kiến thức về môi trường ở các vấn đề trồng cây, giữ nguồn nước, đảm bảo môi sinh, chứ chưa nghĩ được sâu hơn.
Tôi về phát động chiến dịch màu xanh đồng bằng đầu những năm 1980 ở Thanh Hóa. Tôi tái tạo lại cả một khu rừng, tôi mời các kỹ sư vì tôi không có kiến thức về lĩnh vực này nhiều, tôi phải mời cả giám đốc sở lâm nghiệp Thanh Hóa, nhờ các kỹ sư nông nghiệp giúp tôi thực hiện ước mơ này. Và tôi đã thành công ở Thanh Hóa. Tôi chỉ mơ ước sau này mình trở thành nhà khoa học, nhà môi trường để trở về vùng biển Hải Hậu, Nam Định của tôi - một vùng đất chịu nhiều thiên tai - để giúp quê hương.

- Người Mỹ sau cuộc chiến tranh đã đi khảo sát và đặt câu hỏi với hàng trăm người lính bộ đội Cụ Hồ để tìm hiểu xem người lính Cụ Hồ đã mang cái gì vào mặt trận và họ ước mơ gì khi trở về sau cuộc chiến? Chính giấc mơ của ông vừa kể vô cùng xúc động, sâu sắc và gián tiếp tạo nên sức mạnh cho người lính. Họ chỉ mong chiến tranh kết thúc để trở về trồng cấy, gieo hạt, rồi làm đất đai trở lại xanh tươi, không còn chất độc màu da cam, bom mìn. Giấc mơ của ông thật đẹp và đó cũng là giấc mơ chung của nhân loại. Và bây giờ ông là một vị tướng, một người anh hùng... Một vị tướng về hưu thì giấc mơ của ông có thay đổi không so với khi ông là một người lính?

- Sau khi nghỉ hưu tôi chỉ có ước mơ tiếp tục học tập và cống hiến cho khoa học về nghệ thuật quân sự Việt Nam với những gì tôi đã tích lũy được. Hai nữa là về vấn đề môi trường mà chính vì vậy tôi đã viết 7 cuốn sách. Những gì tôi đã làm là tôi viết. Ví dụ Quân đội với chiến lược bảo vệ môi trường, quân đội giải quyết hậu quả sau chiến tranh. Rồi là vận dụng phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống thiên tai. Còn đối với Nga thì tôi viết Mô hình mới trong hợp tác khoa học kỹ thuật.

Tức là với Nga tôi có 3 hướng nghiên cứu là độ bền nhiệt đới, nghiên cứu nhằm đảm bảo nhiệt đới hóa các vũ khí trang bị cho chúng ta. Hai là y sinh nhiệt đới tức là những bệnh xảy ra ở vùng nhiệt đới, và sinh thái nhiệt đới đó là sự thay đổi môi trường sống ở vùng nhiệt đới. Tôi làm gần 10 năm nghề này nên tôi được người Nga tiếp cho nhiều kiến thức. Các sách khác về một số nghệ thuật quân sự Việt Nam tôi viết để phục vụ cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc bây giờ, hay một số vấn đề đối ngoại quốc phòng Việt Nam vì tôi có hơn chục năm làm đối ngoại quốc phòng Việt Nam. Những gì tôi đã làm thì tôi viết tổng kết thành sách, còn ký ức người lính thì tôi viết ký ức một thời Quảng Trị. Giai đoạn hiện nay, tôi chú ý điều này, vì 70 năm rồi, quân đội chúng ta chưa có học thuyết quân sự Việt Nam hoàn chỉnh. Các nước mỗi một đời tổng thống họ ra một học thuyết quân sự ở nước đó, nhưng Việt Nam hiện nay chỉ nói từng mảng chứ chưa có quyển nào nói hoàn chỉnh học thuyết quân sự.

Mà bây giờ tôi nghĩ rằng không cần viết học thuyết quân sự Việt Nam mà viết học thuyết quốc phòng Việt Nam. Vì Việt Nam khác, Việt Nam có chiến tranh nhân dân, đã có 70 năm truyền thống rồi. Tôi tham gia với viện chiến lược và các nhà khoa học sẽ viết cuốn Học thuyết quốc phòng Việt Nam, xong đề cương rồi để tiếp tục viết. Nó là quân sự kết hợp với chính trị, ngoại giao và kinh tế. Cái này là rộng hơn, điểm mới hơn, nó khác hơn và các nước họ cũng không có cái này. Vì chiến tranh nhân dân Việt Nam có yếu tố khác biệt. Tổng kết lại, viết thành một cuốn gần như là quyển từ điển, để tổng kết lại cho hôm nay vận dụng và mai sau họ phát triển một cách sáng tạo. Đấy là ước mơ cuối cùng còn lại, từ đây cho đến khi về với Bác Hồ, còn lại cái đó là tham gia một cách tích cực về mặt quân sự, bảo vệ môi trường và nhân đạo.

- Ông là một người lính, gần cả cuộc đời trải qua chinh chiến đầy kinh nghiệm và là một vị tướng nữa. Vậy bằng trực giác của mình ông có nghĩ liệu có một cuộc chiến tranh mới xảy ra đối với dân tộc chúng ta không, theo cách nhìn của ông trong tính toàn cầu, sự cân bằng toàn cầu, những diễn biến toàn cầu, những vấn đề biên giới?

- Tôi nghĩ thời đại hiện nay là thời đại mà các nước đã hội nhập có sự đan xen lợi ích của nhau, và sẽ tiếp tục hội nhập. ASEAN này, WTO này, hội nhập quốc tế này, hội nhập khu vực này  thì theo nhãn quan của tôi nghĩ một cuộc chiến tranh ở Việt Nam như trước là khó. Tức là một cuộc chiến tranh như đánh Pháp, như đánh Mỹ là khó nhưng cuộc chiến tranh có thể diễn biến ở một không gian, thời gian, có thể dưới biển, đảo, có thể trên không hoặc  có thể ở đất liền là không loại trừ.

Vì sao, còn tùy thuộc yếu tố toàn cầu, do có sự đan xen lợi ích nhưng có một yếu tố nếu kinh tế của chúng ta mạnh lên, nếu quốc phòng chúng ta đủ mạnh và chúng ta có đối sách. Chúng ta có khối đại đoàn kết của cả dân tộc, có sự chuẩn bị tốt trong thời bình thì sẽ góp phần đẩy lùi nguy cơ như tôi nói. Còn nếu trong nội bộ chúng ta có chuyện thì đó chính là cơ hội cho các thế lực thù địch. Và kẻ thù sợ nhất cái sức mạnh đại đoàn kết của khối này nếu bên trong “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Nếu việc nhân nghĩa ở phía bên trong này yên thì kẻ thù rất khó làm gì được chúng ta và ngược lại. Nếu xảy ra chiến tranh thì đó là chiến tranh tổng lực. Mà đã xảy ra chiến tranh tổng lực thì không như đánh Pháp, không như đánh Mỹ. Nếu việc nhân nghĩa cốt ở yên dân ta làm được, sẽ xây dựng được trận địa lòng dân vững chắc, các thế lực thù địch cũng phải coi chừng. Anh nào muốn làm gì thì cũng phải tính.

- Ông đã chỉ ra một yếu tố cơ bản nhất và câu trả lời của ông được rất nhiều người dân chờ đợi là nếu người lãnh đạo đất nước hay nhà lãnh đạo quân đội không nhận ra được điều đó, không coi đó là một điều then chốt thì nguy cơ một cuộc chiến tranh rất có thể xảy ra. Dân đã yên, lòng dân đã đồng nhất từ trên xuống dưới, một vũ khí cực kỳ ghê gớm mà các thế lực ngoại bang muốn xâm lược hãy coi chừng. Ông đã nghiên cứu rất nhiều năm quân đội của các nước khác nói chung và quân đội của những nước có nguy cơ gây ra một cuộc chiến tranh với dân tộc chúng ta thì ông thử nghĩ xem thực lực của quân đội nước ta có thể đương đầu với một cuộc chiến tranh hiện đại nhất hiện nay hay không?

- Nếu nói về sức mạnh quân sự, về trang bị vũ khí, ta có hiện đại mấy đi chăng nữa, có nhiều mấy chăng nữa, cũng không thể bằng hoặc vượt đối phương. Ngay ở trong khu vực hay trên thế giới thôi, các thế lực muốn đánh ta lớn hơn ta gấp trăm lần nhưng cái chính của ta là nghệ thuật, là cách đánh, là sáng tạo, cải tiến vũ khí mà chúng ta đang có trong tay. Và việc làm chủ khoa học kỹ thuật của đội ngũ sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp này thì chúng ta thắng địch không phải bằng số lượng nhiều hay ít mà hiện đại không thể vượt qua đối phương được. Có cái bằng, có cái hơn nhưng thắng bằng mưu kế, thế trận, nghệ thuật, cách đánh và con người quyết định, con người làm chủ khoa học kỹ thuật đó và không những làm chủ, mà còn sáng tạo để cải tiến.

Cũng như thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ tham mưu chiến lược đó là ai? Là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đương nhiên bộ tham mưu đó là còn có nhiều người. Nếu những cái đầu mà đủ trí tuệ, quy tụ đủ các phẩm chất đó chắc chắn chúng ta sẽ thắng mọi kẻ thù. Kẻ thù có mạnh hơn ta hàng trăm lần đi chăng nữa cũng không thể thắng được chúng ta.

- Nếu bây giờ có một cuộc chiến tranh xảy ra thì ông sẽ nói với các con, các cháu nội cháu ngoại của mình điều gì?

- Nếu chiến tranh xảy ra, tôi nói với con cháu chúng tôi rằng phải kiên quyết bảo vệ nền độc lập bằng sức mạnh Việt Nam, bằng trí tuệ Việt Nam, bằng chính tinh thần quyết chiến quyết thắng của dân tộc Việt Nam ngàn đời truyền lại. Không khuất phục một thế lực nào dù thế lực đó có mạnh đến mấy, chiến đấu bằng chính trí tuệ Việt Nam. Tôi đã nói thắng địch bằng trí thông minh và lòng dũng cảm chứ không phải như họ nói chúng ta liều để mà thắng là không phải, chính con cháu chúng ta phải thắng bằng trí thông minh và lòng dũng cảm. Phải làm chủ khoa học, làm chủ công nghệ và phải có bản lĩnh, phải có lý tưởng. Không khuất phục bất kể thế lực nào, dù mạnh đến mấy đã đụng đến chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

- Ông là một người lính mà chưa bao giờ biết sợ hãi kẻ thù cũng như muôn vàn người lính của chúng ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhưng bây giờ chúng ta đang sống một cuộc sống vật chất tốt hơn, sở hữu nhiều tài sản hơn, hưởng thụ nhiều hơn. Vậy bây giờ khi nghe nói một cuộc chiến tranh có thể xảy ra, ông có sợ chiến tranh không?

- Tôi là người lính đã trải qua 50 năm rồi và chứng kiến bao biến cố đã và đang xảy ra trên thế giới. Tôi không sợ cuộc chiến tranh bởi tôi tin tưởng vào văn hóa của Việt Nam, tin tưởng vào sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc Việt Nam, tin tưởng vào nghệ thuật quân sự Việt Nam, tin tưởng vào nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Vì những lý do đó tôi không sợ nếu chiến tranh xảy ra.

- Trước kia khi bước vào một trận đánh  trực tiếp, ông đã nói gì với những người lính của mình trước khi bước vào trận đánh đó, nếu bây giờ xảy ra một cuộc chiến tranh, với những người lính hoàn toàn khác, những người lính mà chủ nhật vẫn có thể về nhà ăn mặc quần áo đẹp, đi chơi với người yêu, ngồi nhà hàng đắt tiền và nghe nhạc hay, xem phim hay thì đứng trước đoàn quân như vậy ông nói gì?

- Trước kia vào trận tôi đã nói với những người lính của tôi rằng chúng ta phải chiến đấu để giành lại nền độc lập bằng sức mạnh của mỗi người lính chúng ta. Tức là phải nhìn thẳng về phía trước. Tôi nói với những người lính rằng không có kẻ thù nào ngăn được chúng ta.

Bây giờ nếu phải đứng trước người lính thì tôi sẽ nói với họ thế này: Chúng ta thực hiện lời dạy của Bác Hồ, thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Nên chúng ta phải chiến đấu bảo vệ nền độc lập của chúng ta, trọn vẹn cả đất liền, trên không và cả biển đảo. Tôi phải nói với họ lòng tự trọng như thế, ông cha ta đã làm được, tổ tiên của chúng ta đã làm được thì chúng ta phải xứng đáng với truyền thống của dân tộc ngàn năm văn hiến.

- Thưa ông, có một nhà quân sự nổi tiếng trên thế giới nói rằng vị tướng tài ba nhất là vị tướng làm cho cuộc chiến tranh không xảy ra. Ông bình luận gì về câu nói này?

- Ông đó nói rất đúng bởi vì vị tướng giữ được nền hòa bình, nền độc lập mới là vị tướng tài năng nhất. Còn chiến tranh buộc chúng ta phải cầm súng, như Bác Hồ đã làm tất cả những gì để bảo vệ nền độc lập nhưng mình càng nhân nhượng thì kẻ thù càng lấn tới buộc chúng ta phải cầm súng chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đây là hạ sách nhưng hạ sách vẫn phải làm vì nếu không làm thì mất nước, nên tôi vẫn mong muốn một nền hòa bình vững chắc. Đánh giặc chẳng qua là tình huống chúng ta phải xử lý, không có cách nào khác buộc chúng ta phải cầm súng đứng lên để bảo vệ nền độc lập.

- Thưa Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, anh hùng Nguyễn Huy Hiệu, tôi đã trò chuyện, chia sẻ tâm sự với vài vị tướng, kể cả trong quân đội, trong lực lượng Công an Nhân dân và có một câu hỏi họ rằng, đứng trước họng súng họ chưa bao giờ biết sợ. Nhưng họ có sợ đứng trước một kẻ thù vô hình và có quá nhiều tiền và tìm mọi cách để cho vị tướng đó gục ngã. Trong thời nay, ông có nhận thấy điều đó đúng hay không và nỗi sợ hãi trước một kẻ thù ngoại xâm cụ thể và kẻ thù vô hình quanh mình thì ông sợ kẻ thù nào hơn?

- Nếu nói như thế thì kể cả trước đây và bây giờ, Bác Hồ chúng ta đã tổng kết rồi, kẻ thù nội xâm này nguy hiểm hơn kẻ thù ngoại xâm. Vì kẻ thù ngoại xâm rõ ràng hơn, lộ rõ bản chất kẻ thù xâm lược. Ta vạch mặt chỉ tên và nó có 2 chiến tuyến đàng hoàng. Còn kẻ thù bên trong ấy nó bằng đôla, bằng tiền, bằng gái… Nó độc, nó thâm hiểm… Nhiều người rất kiên cường trên các mặt trận nhưng đều gục ngã trước cái kẻ thù nội xâm. Tham nhũng cũng là giặc nội xâm, nếu không thắng được cái này là cũng nguy cơ, nguy cơ là mất nước.

Bên trong mới là kinh khủng, bây giờ nói thực là quá nhiều điều trái ngang, quá nhiều người biết rồi, quá nhiều người quan tâm rồi nhưng nó là vấn đề xã hội, phải có chuyện này chuyện khác nhưng quan trọng nhất nếu chúng ta làm phần tích cực, đẩy lùi được thì nó hạn chế đi thôi. Tiêu diệt được hoàn toàn thì khó đấy, mà tôi nói cả thế giới cũng bị giặc tham nhũng. Để giữ yên đất nước thì một số nước cũng đã kiên quyết trong vấn đề tham nhũng. Quy luật của Việt Nam cũng thế thôi, những người Cộng sản đứng lên để trừ khử cái này nhưng nó sẽ hạn chế ở mức thấp nhất, chứ diệt hoàn toàn thì hơi khó.

- Xin cảm ơn Thượng tướng - Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu về một cuộc nói chuyện cởi mở, một thông điệp rất lớn và đầy xúc động của một người lính mạnh mẽ, của một người đầy tình cảm.

Lan Hương (thực hiện)
.
.