Sống trong thời đa diện

Thứ Ba, 25/12/2018, 10:08
Chưa bao giờ chúng ta sống trong một môi trường xã hội đa diện như hiện nay, nơi mà cái tốt và cái xấu, cái thật và cái giả, cái dân chủ và cái dân túy trong rất nhiều trường hợp cứ hòa trộn vào nhau một cách khôn lường. 

Chính vì khôn lường nên không tránh khỏi những nhận thức sai, những phản ứng sai, những cơn "lên đồng tập thể" sai, kéo lùi sự phát triển của dân tộc.

Vậy thì vai trò của người trí thức nói riêng và người dân nói chung cần phải được thể hiện như thế nào để những sai số như thế là cực tiểu? Đấy là chủ đề mà chúng tôi đặt ra với tiến sĩ luật học Phạm Duy Nghĩa và chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh - những nhà quan sát, nghiên cứu xã hội ở các góc độ rất khác nhau.

Dễ bị dắt mũi nếu mặt bằng dân trí thấp

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa hai ông, trong một bài viết vào tháng 5 năm 2018, đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã cảnh báo những dấu hiệu nguy hiểm của chủ nghĩa dân túy trong đời sống chính trị một quốc gia. Theo bài viết này thì không chỉ ở châu Âu hay châu Mỹ mà ở cả một châu lục "bình lặng" như châu Á thì chủ nghĩa dân túy đã phát tác và có nhiều vị lãnh đạo đạt được đỉnh cao quyền lực nhờ thực hiện triệt để chủ nghĩa này. Cũng theo ông Võ Văn Thưởng thì biểu hiện của chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam không phải là không có. Quan điểm riêng của hai ông như thế nào?

- TS Phạm Duy Nghĩa (PDN): Ai cũng muốn đất nước được quản lý một cách dân chủ, được điều hành bởi những người thực tài. Muốn là một chuyện, song thực tế lại là chuyện khác. Nếu chính quyền thực sự được xác lập qua bầu cử thì việc gom từng lá phiếu để có đa số trở thành cực kỳ quan trọng.

Từng cử tri, tùy lí trí, tình cảm, mối quan tâm, họ sẽ quyết định có đi bầu cử hay không và nếu có thì bỏ phiếu cho ai. Nhóm người nào phản ánh đúng được quan tâm của cử tri, chiếm được trái tim của họ, có chiến lược tranh cử phù hợp, sẽ hy vọng dẫn dắt được cuộc đua.

Trong bối cảnh hiện nay, thực tài, kỹ trị là đáng mong ước, song chưa đủ và chưa chắc đã là tiền đề để thắng cử. Chủ nghĩa bảo hộ, cực hữu, bài ngoại, chủ nghĩa dân túy, những liên kết xã hội tưởng chừng lỏng lẻo đã mau chóng trỗi dậy, tạo nên sức mạnh, đôi khi thách thức cả các thể chế chính trị có truyền thống, như chúng ta có thể thấy ở châu Âu, châu Mỹ, hay ở cả châu Á.

Việt Nam có chế độ chính trị do một đảng lãnh đạo toàn diện, các sinh hoạt chính trị có những đặc thù riêng, song để vừa lòng, chiều lòng dư luận xã hội, cũng có thể xuất hiện dấu hiệu của chủ nghĩa dân túy, cổ vũ cho những lựa chọn của đám đông, đôi khi chỉ vì cảm tính mà thiếu phân tích khách quan.

Ví dụ, mấy năm trước có trào lưu giành lại vỉa hè cho người đi bộ, lan dần từ Nam ra Bắc, nhiều đô thị hăm hở ra quân, song rất thiếu các thảo luận có chiều sâu, ví dụ liệu vỉa hè có thực sự chỉ là của người đi bộ, hay đó là một không gian công cộng cho sinh hoạt giao thông, văn hóa, kinh tế của cộng đồng. 

Nếu chỉ vì sự reo hò trên mạng, người ta dễ ban hành các chính sách thiếu chiều sâu, khó tạo ra sự đồng thuận đa chiều về lợi ích và vì thế các chính sách đó thường khó được thực thi một cách có hiệu quả lâu dài.

Chuyên gia Lê Quốc Vinh.

- Chuyên gia Lê Quốc Vinh (LQV): Thực ra, phải nói thẳng là chủ nghĩa dân túy không những có biểu hiện rất rõ rệt ở Việt Nam mà còn phát triển khá mạnh mẽ, cả trên chính trường và mạng xã hội, với cả các quan chức lãnh đạo lẫn nhiều thành phần tranh thủ sự nổi tiếng trên không gian ảo. Không khó để người ta nhận ra những nhu cầu, mong muốn hết sức đơn giản của quần chúng, dễ đưa ra những tuyên ngôn, hành động chiều theo ý thích của đám đông, để mưu cầu sự ủng hộ hoặc đơn giản chỉ để có tiếng nói trong cộng đồng.

Sự nguy hiểm của chủ nghĩa dân túy là rất khó nhận diện ra nó. Một người lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy lại thường được quần chúng tung hô, coi như người anh hùng của họ. Một người có khả năng lôi kéo hàng vạn người theo dõi trên mạng xã hội bằng kỹ xảo tuyên ngôn hợp ý số đông. Phần lớn, công chúng chỉ nhìn thấy ở những người này các phát ngôn, hành vi phù hợp với ý muốn của họ nên rất dễ tin tưởng mù quáng và chấp nhận. 

- Ở những xã hội mà chủ nghĩa dân túy xuất hiện từ lâu, con người ta ít nhiều cũng có kinh nghiệm đối diện và nhận diện nó. Còn với Việt Nam, có lẽ phần lớn người dân chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này chăng?

- PDN: Nếu nhìn lại Brexit, cuộc bầu cử 2016 ở Hoa Kỳ và sự trỗi dậy của các đảng cực hữu gần đây ở châu Âu, khó có thể kết luận dân tộc nào đủ trưởng thành để không bị cám dỗ bởi chủ nghĩa dân túy. Hiển nhiên, nếu dân trí được nâng cao, nếu phản biện xã hội diễn ra thường xuyên, nếu các đảng cầm quyền chịu sức ép đổi mới liên tục, son phấn của chủ nghĩa dân túy sẽ dễ bị phơi bày hơn.

- LQV: Tôi không nghĩ rằng trình độ xã hội và kinh nghiệm có khả năng phát hiện và ngăn chặn chủ nghĩa dân túy. Ngay cả các nước tiên tiến như Hoa Kỳ hay Anh quốc chả phải cũng đang bị chi phối bởi những nhà lãnh đạo dân túy đó sao? Tâm lý bầy đàn là cái nôi nuôi dưỡng chủ nghĩa dân túy. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, sự non nớt về kinh nghiệm kiểm tra chéo thông tin, tỉnh táo thanh lọc thông tin, khiến người Việt Nam chúng ta dễ sa vào cái bẫy dân túy.

Một đặc điểm khác của người Việt Nam là sự hời hợt, thiếu tư duy phản biện, thiếu năng lực kiên nhẫn đi tìm hiểu sự thật, khiến chúng ta trở thành một môi trường rất tốt để nuôi dưỡng chủ nghĩa dân túy. Đặc biệt, môi trường mạng xã hội Facebook là một minh chứng rất rõ cho xu thế này.

- Khi sự dân túy không được nhận diện thì chúng ta rất dễ hiểu sai, nhìn sai, nếu không muốn nói thẳng ra là rất dễ bị dắt mũi. Vậy đại bộ phận người dân nói chung cần phải tránh việc "bị dắt mũi" này như thế nào?

- PDN: Con người ta thường hành động theo sự mách bảo của dạ dày, khối óc, hoặc trái tim. Tâm vững vàng trong một thân thể khỏe mạnh, lý trí đủ sáng suốt để tự do là chính mình chứ không a dua theo đám đông, đó chính là chìa khóa để từng cá nhân không bị ai dắt mũi bao giờ.

- LQV: Chúng ta cần nhiều hơn, rất nhiều, các diễn đàn phản biện xã hội. Một mặt, tạo ra các diễn đàn mở, tranh biện xã hội. Mặt khác, xây dựng và nuôi dưỡng nhóm tinh hoa đủ khả năng tác động nhận thức của từng nhóm cộng đồng, thực tâm hành động vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Họ chính là lực lượng cảnh báo, đánh thức quần chúng bị ru ngủ, bị dẫn dụ, bị dắt mũi. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ rất khó. Vì bản thân mặt bằng xã hội của chúng ta còn thấp so với các quốc gia từng có cơ hội trải nghiệm và tự điều chỉnh. Sẽ là một con đường khá gian nan.

- Thời đại hiện nay chứng kiến sự phát triển cực độ của mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Ai cũng có thể viết một cái gì đó lên Facebook của mình và sức lan tỏa của Facebook trong nhiều trường hợp còn khủng khiếp hơn cả báo in, báo mạng hay truyền hình. Để đăng một tin trên báo chẳng hạn, phóng viên chúng tôi phải viết bài, trưởng ban phải duyệt, thư ký tòa soạn thẩm định tiếp và tổng biên tập duyệt lần cuối. Qua một hệ thống nhiều người cùng đọc, cùng duyệt một bản thảo như vậy, yếu tố sai sót sẽ được giảm đến tối thiểu, tất nhiên không tính những trường hợp cố tình sai sót vì những động cơ không trong sáng. Nhưng, với Facebook thì khác, nghĩ một cái là có thể viết ngay rồi đăng tải ngay. Thế cho nên, thế giới Facebook chứng kiến rất nhiều thông tin sai sự thật, thông tin bị bóp méo, cắt xén, thậm chí là thông tin bịa đặt, vu khống.. Nhưng, vì "kỹ nghệ làm tin" của một bộ phận không nhỏ những nhà "dân túy Facebook" là quá xuất sắc mà những luồng tin kiểu này vẫn dễ dàng chui vào đầu óc của đông đảo dư luận, tạo nên những cơn sóng mạng khủng khiếp. Hai ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

- PDN: Phải thành thật thú nhận tôi không là tín đồ của Facebook, tôi tìm tin tức ở nơi tôi muốn, tôi chia sẻ thông tin và liên kết xã hội theo kiểu cổ truyền, đủ để tôi không bị lạc hậu. Tuy nhiên, ngày nay để sống một cách thuận tiện như mua sắm, kinh doanh, giáo dục, hoạt động chính trị..., người ta cần dựa vào các mạng xã hội hiện đại, tương tác nhanh chóng như Facebook, Viber, Zalo. Chính quyền cũng như người dân, ai cũng nên chủ động khai thác và sử dụng các tiện ích này có lợi cho mình. Song, hãy nhớ, đừng biến mình thành công cụ của chúng.

Để làm rõ điều này, xin hãy kiểm tra điện thoại của bạn, bao nhiêu thời gian trong ngày bạn đã lang thang giữa vô tận thông tin trên mạng. Nếu mất quá nhiều thời gian lướt mạng và vì thế mà lười nhác vận động, có thể bạn đã bị nhiễm chứng nghiện mạng xã hội. Nếu quá bị lôi cuốn vào các đám đông tranh luận vô bổ, không biết chừng bạn đã trở thành công cụ của mạng. Hãy giành lại sự tự do, mạng phải là công cụ để bạn sống thanh thản hơn, hạnh phúc hơn, có ích hơn cho cộng đồng.

- LQV: Tôi thấy thú vị với cái khái niệm “dân túy Facebook”. Đây là hiện tượng có thực và đã đến lúc người dân phải được cảnh báo một cách nghiêm túc. Có thể có những tài khoản lập ra với những mục đích chính trị nào đó nhưng đa phần, tôi nghĩ các nhà dân túy trên mạng xã hội Facebook là những người bị chính cám dỗ của sự nổi tiếng làm cho mê hoặc. Có những lúc tôi cảm tưởng như họ tuyệt đối tin vào những thông tin, lý luận mà họ phát ngôn, cho dù thực tế chứng minh ngược lại.

Phải khẳng định là, sự phát minh ra Facebook và các mạng xã hội là một điều tuyệt vời, đáp ứng đúng nhu cầu thông tin và cởi mở ngôn luận nhưng hệ luỵ của nó cũng không nhỏ. Như anh đã nói, chẳng ai kiểm soát các thông tin được đưa lên mạng xã hội, không có hệ thống lọc, kiểm tra sự thật, đối chứng thông tin.

Vậy nên, tính xác tín của mạng xã hội là cực thấp. Cái chết là, người dân dễ tin vào những gì họ đọc được trên mạng, bởi họ tin đó là thông tin từ bạn bè, người thân ngoài đời thực. Chính họ rồi trở thành nguồn phát tán, thúc đẩy thông tin giả, thông tin thiếu chính xác lan truyền.

Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa.

Không thể bắt mỗi cư dân mạng là một nhà thông thái

- Tin trên Facebook là tin ảo nhưng nhận thức mà nó tạo ra trong bộ não mỗi người lại là nhận thức thật. Chính vì vậy những "phù thủy Facebook" hoàn toàn có thể dựng tin, định hướng dư luận theo cách mà mình muốn. Vậy thì mỗi người dùng Facebook cần phải trang bị một năng lực nhận diện như thế nào mới không bị đánh lừa?

- PDN: Là người, ai cũng tò mò, muốn hiểu biết, muốn khám phá thế giới xung quanh. Song, nên có những ranh giới cần dừng lại, ví dụ tôn trọng sự riêng tư của người khác, kinh tởm các hành vi bạo lực, tẩy chay sự gian dối. Từng cá thể dừng lại trước những điều mà mình cho là xấu xa thì mặt tốt của mạng xã hội sẽ được khuếch tán và mặt tiêu cực của nó sẽ bớt dần xấu xí.

- LQV: Tôi lại nghĩ, nếu đòi hỏi mỗi người dân, mỗi cư dân mạng phải là một người đọc thông thái thì e rằng sách vở. Chúng ta hãy bắt đầu từ chính báo chí, những người được đào tạo và có khả năng kiểm chứng thông tin, có nguyên tắc nghề nghiệp về kiểm tra chéo và độc lập đưa tin, có nguyên tắc đa dạng nguồn tin.

Nếu báo chí chủ động đóng vai trò cân bằng lợi ích, ngăn chặn sự phát tán của tin giả, tin sai, tin thiếu chính xác, thì chí ít chúng ta cũng ngăn chặn được sự lây lan mất kiểm soát. Đáng buồn là chính báo chí nhiều lúc vẫn chưa làm tốt vai trò này, thậm chí còn tham gia vào quá trình lan truyền tin giả.

Bên cạnh đó, phải có nhiều kênh thông tin chính danh, những kênh thông tin của tập hợp những người có chính kiến, có thái độ và có tâm huyết với việc điều chỉnh định hướng lệch lạc của thông tin bịa đặt hoặc giả mạo. Bằng công cụ kỹ thuật và bằng sự hỗ trợ tự nhiên mà các kênh này sẽ có cơ hội phản biện các luồng thông tin giả, tin kém chất lượng.

Như thế, mỗi Facebooker sẽ có những nguồn tin xác tín để kiểm chứng, sẽ dần có thói quen kiểm tra chéo các thông tin đọc được hoặc đang được cố ý phát tán trên mạng. Tôi không quá lạc quan vào khả năng thay đổi lớn nhưng chắc chắn số lượng cư dân mạng thông thái sẽ nhiều dần lên, sẽ khó bị đánh lừa hơn.

- Xã hội Việt Nam trước năm 1975 cơ bản là xã hội thời chiến. Vì là thời chiến, đối diện với cái sống cái chết nên mọi giá trị thực - giả tự nó đã sáng quắc lên. Xã hội Việt Nam trước năm 1986 là xã hội bao cấp. Đã đành xã hội bao cấp dẫn đến thiếu ăn, thiếu mặc nhưng những sự trắng - đen, thực - giả trong xã hội đó là rất rõ ràng. Còn xã hội sau 1986 đến nay lại là một xã hội với một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo ông kinh tế thị trường có phải cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thật giả - giả thật hay không? Và có phải chúng ta vẫn chưa đủ kinh nghiệm nhận thức trong một xã hội khôn lường như vậy hay không?

- PDN: Tôi đồng ý là kinh tế thị trường có khuyết tật cố hữu, song nó không phải là nguyên nhân cho tất cả rắc rối hiện nay.

- LQV: Không nên đổ lỗi cho kinh tế thị trường, mặc dù kinh tế thị trường có những đặc tính bất cập. Sự phát triển của công nghệ thông tin, sự phát triển của mô hình truyền thông tương tác đa chiều, đa nền tảng là cái nôi của truyền thông cá nhân.

Truyền thông cá nhân cho người ta cơ hội trở thành những thế lực truyền thông phi chính thức, nếu biết vận dụng những quy luật tâm lý, nắm bắt thông tin và có một năng lực truyền thông nhất định. Sự ảo tưởng vào sức mạnh, tham vọng nổi tiếng bất chấp thủ đoạn sẽ dẫn đến thông tin giả hoặc thiếu trách nhiệm. Ngược lại, nếu ý thức rõ lợi ích xã hội thì sẽ có những nguồn thông tin tích cực, hữu ích.

Trước sóng lớn, có hai cách đối phó

- Nhìn từ phương diện phát triển công nghệ với sự lên ngôi của Facebook và những biến động xã hội với sự xuất hiện của nền kinh tế thị trường, chúng ta thấy rằng sự đa diện hiện nay có xu hướng ngày một phình to hơn, với những diễn biến phức tạp hơn. Liệu chăng chúng ta bắt buộc phải có được một nền giáo dục tiến bộ, đào tạo ra những công dân tiến bộ thì mới có thể sống lành mạnh và không dễ bị người khác "dắt mũi" trong một môi trường phức tạp như vậy?

- PDN: Theo tôi, trước sóng lớn, có hai cách để đối phó, hoặc là ta về ta tắm ao ta, quay lưng lại với thách thức, hoặc là chấp nhận nó, sống chung với nó, chế ngự nó. Với mạng xã hội, không còn cách nào khác, chúng ta phải chung sống và học cách chế ngự nó, làm nó có lợi cho mình. Nếu biết dùng đúng cách, mạng xã hội và cách tương tác trên mạng ngày nay giúp cho người học có được một lượng thông tin khổng lồ, nhanh chóng, và thuận tiện hơn trước kia rất nhiều.

Vì sự học là suốt đời, với chiếc điện thoại thông minh, người ta có thể học được ở mọi lúc, mọi nơi, với sự thoải mái mà trước đây vài năm không ai có thể tưởng tượng được. Tóm lại, hãy học  tự do, khám phá nhân cách của mình, hãy yêu và tin vào các giá trị mà mình cho là đúng đắn, chỉ khi ấy chúng ta mới giữ được tâm tĩnh giữa sóng gió của nhiễu loạn thông tin.

- LQV: Sự phát triển của Facebook hay các mạng xã hội khác là một tất yếu. Nếu không là nó thì sẽ có một hình thái truyền thông dành cho mọi cá nhân con người. Chúng ta hãy coi đó như là một sự phát triển tất yếu và phải làm quen với việc chung sống hòa bình với nó.

Muốn vậy, cư dân mạng phải tự trang bị cho mình một tâm thế sử dụng nó theo hướng tích cực, là nơi tiếp nhận những thông tin được kiểm chứng, là nơi giao lưu, chia sẻ và phản biện, là nơi kết nối, duy trì những mối quan hệ xã hội ngày càng rộng lớn. Muốn vậy, nền giáo dục phải hướng tới xây dựng nhân cách, biết tư duy chủ động, biết tư duy phản biện và cũng biết tự thiết lập hệ giá trị cho bản thân mình.

- Nói cụ thể về giáo dục, theo hai ông, đến khi nào chúng ta mới đạt được những mục tiêu giáo dục như vậy?

- PDN: Khi chúng ta thành thật với chính mình, dũng cảm giải phóng người học khỏi tư duy nhồi nhét đủ loại kiến thức mà ông thầy có được, đề cao giáo dục nhân cách, giúp người học trở thành con người tự do, tự khám phá tri thức cần cho cuộc đời của mình.

- LQV: Khi nền giáo dục của ta bớt giáo điều, bớt khuôn mẫu, bớt những rào cản trói buộc tư duy khám phá, lấy mục tiêu phát triển nhân cách làm trung tâm. Khi nền giáo dục của ta lấy tôn trọng sự khác biệt, bao dung và ủng hộ tư duy sáng tạo cá nhân làm triết lý. Tôi hy vọng vào thế hệ 10x.

- Nhìn từ Đông sang Tây, từ quá khứ đến hiện tại, tôi nghĩ rằng xã hội nào, thời kỳ nào cũng phải đối diện với những sự đa diện trong khuôn khổ của mình. Ví dụ như chính xã hội Việt Nam cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20, khi mà "sự đụng chạm với phương Tây làm tan rã không biết bao nhiêu bức tường thành kiên cố", khi mà văn minh châu Âu ùa vào, va chạm nặng với nền Nho học phong kiến thì các trí thức Việt Nam cũng phải đối diện với tình trạng này. Thời đó, cha ông chúng ta đã đối diện như thế nào, theo ông?

- PDN: Tôi xin nhường câu hỏi này cho riêng anh Vinh!

- LQV: Chúng ta đã chứng kiến những dân tộc như Nhật Bản với Duy Tân Minh Trị, chấp nhận những nền văn minh khác trong khi duy trì, phát huy bản sắc riêng, đều đã trở thành các dân tộc hùng cường. Cha ông chúng ta cũng thế. Có những lúc chúng ta chê bai, dè bỉu công cuộc Âu hóa thời thế kỷ 19 nhưng nếu khách quan nhìn nhận sẽ thấy thời đó có những thay đổi đột phá tạo ra những giá trị mà chúng ta ngày càng phải thừa nhận. Tiếp nhận một cách có chọn lọc những cái mới, ý niệm mới, cách nhìn mới, trong khi chắt lọc những giá trị truyền thống tinh túy để phát huy, chính là con đường phát triển tất yếu của mọi xã hội.

Nói lại về Facebook và những công nghệ cùng với các phát kiến mới, rõ ràng chúng ta thấy có những mặt tốt, tích cực, cần được học hỏi, đưa vào cuộc sống. Nhưng, ở chiều ngược lại, sử dụng chúng với tâm thế của người biết chọn lựa, giữ gìn bản sắc thì chúng ta sẽ hạn chế được những hệ lụy đang có.

- Câu hỏi cuối cùng, người trí thức hiện nay cần phải có những năng lực, những vai trò như thế nào để không chỉ tự mình tránh khỏi những mặt tiêu cực mà sự đa diện mang đến, mà còn tạo ra những tác động tốt đối với phần còn lại của xã hội, từ đó giúp cho sự phát triển nói chung không bị đi lệch dòng?

- PDN: Hãy dũng cảm, thành thật với chính mình, cật vấn chính mình, chỉ phát biểu dựa trên chứng cứ và phân tích rõ ràng, từ đó giúp thúc đẩy các cuộc thảo luận có chiều sâu, thúc đẩy lan truyền kiến thức, tri thức và giác ngộ xã hội.

- LQV: Ở xã hội nào thì vai trò của người trí thức vẫn là định hướng và dẫn dắt. Kêu gọi sự tỉnh táo của người dân trên mạng thì bản thân người trí thức cũng phải đi đầu về việc đó. Người trí thức, với năng lực, kinh nghiệm và phạm vi hiểu biết của mình, phải là những người tích cực tham gia vào quá trình kiểm định thông tin, khách quan đăng tải những nội dung sự thật, làm giảm bớt tư duy bầy đàn và sự chi phối chủ đích của các phù thủy bàn phím.

Người trí thức tức là những người có tư duy độc lập. Công chúng cần những tư duy khách quan và tích cực, để định hướng truyền thông, ngăn chặn thông tin bẩn hoặc ngụy tạo, bịa đặt. Khó hơn nữa, người trí thức sẽ giúp cộng đồng nhìn nhận chân tướng sự việc hiện tượng, tránh bị dắt mũi bởi những cơn lên đồng tập thể.

- Xin chân thành cảm ơn!

Phan Đăng (thực hiện)
.
.