GS-TS, Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân:

Phải thực tâm với nông nghiệp

Thứ Tư, 13/05/2015, 07:34
Có quá nhiều điều đang xảy ra đối với những mặt hàng nông nghiệp của nước ta, từ dưa hấu ở Quảng Nam - Quảng Ngãi, cho đến hành tím ở Sóc Trăng, rồi hành tây ở Đà Lạt. Lại thêm cảnh người nông dân phải chặt bỏ hàng hec-ta cao su ở Phú Yên, đổ vứt thanh long ở Bình Thuận, những cánh đồng mía cháy ở Khánh Hòa, quẳng hoa lay-ơn cho bò ăn ở Lâm Đồng…

Đâu đó, gian thương Trung Quốc đang âm thầm thu mua bông thanh long, lá điều, lá mãng cầu… Cũng đâu đó, những cửa đóng sập, những thị trường tiềm năng từ chối trái cây Việt. Cũng đâu đó, con tôm Việt, con cá da trơn Việt vướng vào các vụ kiện phá giá.

Mà khi những điều tôi vừa kể diễn ra, là lúc người nông dân vốn lam lũ, vốn cơ cực, vốn bán mặt cho đất bán lưng cho trời, vốn một nắng hai sương lại thêm lần nữa lâm vào tình cảnh nước mắt mặn môi, khổ sở không sao kể xiết.

Mang hết những câu hỏi đó đặt lên bàn làm việc của Giáo sư - Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân - Nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu nước ta, trong buổi trưa nắng gay gắt ở miền Tây Nam Bộ. Giáo sư trả lời: “Phải thực tâm với nông nghiệp, không còn cách nào khác”.

- Phóng viên: Thưa Giáo sư Võ Tòng Xuân, tôi đang thấy một viễn cảnh đầy ảm đạm đối với ngành nông nghiệp ở nước ta. Quan điểm của Giáo sư như thế nào ạ?

- Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân: Tôi nghĩ, nó không thật sự ảm đạm nhưng nó ở trong tình trạng kém tươi vui. Rõ nhất là bà con nông dân được mùa trúng vụ nhưng lại không phấn khởi lắm. Bởi vì tuy mình làm với năng suất rất cao, sản lượng rất lớn, như nói về cây lúa thì mình có thua ai đâu, rồi cá tôm, rồi cây ăn trái cả ở miền Nam và miền Bắc… cũng vậy. Nhưng khi thu hoạch thì lại bán không được giá, bán không được giá từ gạo cho đến cây ăn trái.

Trên thực tế, tiềm năng nông nghiệp của nước mình rất lớn so với Nhật Bản hay Hàn Quốc… Tôi lấy ví dụ trường hợp của Nhật Bản, trên 90% diện tích đất của Nhật Bản là rừng núi, người Nhật vẫn được dạy ở trường từ sách giáo khoa: “Đất nước chúng ta nghèo tài nguyên, lại bại trận trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2, thế nên chúng ta luôn cố tìm câu trả lời là phải học như thế nào, phải quản lý như thế nào để đưa đất nước thịnh vượng”. Và đất nước Nhật Bản đã phát triển ra sao thì chúng ta đã thấy. Hay như Hàn Quốc cũng vậy thôi.

Điều này hoàn toàn khác với Việt Nam, chúng ta có nhiều tài nguyên, khí hậu nhiệt đới thuận lợi nhưng chúng ta lại là những người chủ nghèo trên tài nguyên rất giàu. Còn người Nhật, người Hàn Quốc lại là những người chủ giàu trên tài nguyên rất nghèo. Họ giàu nhờ tài nguyên con người của họ có giáo dục đến nơi đến chốn, mọi người đều lo học thật chứ không như ta có nhiều người học giả (học không thật).

Từ đây, cho phép chúng ta đặt ra câu hỏi: “Chúng ta đã làm việc như thế nào?”. Chúng ta thấy trong thời bao cấp, cũng con người đó, cũng đất nước với tài nguyên và khí hậu như vậy nhưng con người làm chính sách không đúng thì có đạt được kết quả gì đâu, đều quy hết về tem phiếu. Nhưng khi có thay đổi chính sách đúng hơn thì cũng những người lao động đó, cũng đất đai và khí hậu đó, chúng ta sản xuất được nhiều của cải cho xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

- Như vậy, cốt yếu là do chính sách nông nghiệp, thưa Giáo sư?

- Không phải là hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách, ngay cả người nông dân ở nước ta cũng đang làm nông nghiệp theo lối tự phát. Họ tự phát, họ bắt chước lẫn nhau, họ hùa theo nhau. Thấy người ta trồng dưa hấu bán được, hùa nhau trồng dưa hấu. Thấy người ta trồng thanh long bán được, hùa nhau trồng thanh long… Thêm vào đấy, những nhà doanh nghiệp cũng ảnh hưởng đến công cuộc phát triển nông nghiệp của chúng ta.

- Nhưng thưa Giáo sư, quy lỗi cho người nông dân liệu có xác đáng?

- Phải sòng phẳng là một phần lỗi này là do người nông dân, lỗi do tầm nhìn ngắn hạn. Khái niệm về lâu dài trong người nông dân hoàn toàn không có.

Lỗi thứ hai, thuộc về các nhà doanh nghiệp. Các nhà doanh nghiệp nước mình cũng ăn xổi ở thì, cứ đợi khách hàng gõ cửa hỏi: “Có gì đó không?”, vội vàng đáp: “Có”. Rồi tung những thương lái đi gom hàng, khi mà gom hàng như vậy thì chất lượng sản phẩm làm sao mà đồng đều được. Vì có người nông dân trồng theo cách này, có người nông dân trồng theo cách kia. Cho nên sản phẩm nông nghiệp của nước mình xuất khẩu đâu có thương hiệu, đâu thể tạo được dấu ấn. Thêm lỗi của doanh nghiệp là không tự tìm tòi học hỏi để nâng cao trình độ quản lý, trình độ khoa học để tăng tính cạnh tranh.

Lỗi thứ ba, thuộc về Nhà nước. Đúng hơn là các cơ quan quản lý Nhà nước. Nhà nước tuy là có làm những kế hoạch 5 năm, tầm nhìn đến năm 2020, 2025... có rất nhiều nghị quyết, nhưng lại không có tác động rõ ràng để có thể thực hiện hữu hiệu được mục tiêu do chính Nhà nước đề ra. Thí dụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Bộ Công thương vẫn chưa kết nối được giữa người nông dân và doanh nghiệp, vẫn chưa nắm bắt thị trường để tổ chức lại sản xuất nhằm có được sản phẩm có thương hiệu. Họ luôn khuyến khích nông dân trồng cái này đi, trồng cái kia đi nhưng người nông dân trồng xong lại không tìm được đầu ra.

Cho nên cuối cùng thì người nông dân cũng khổ, doanh nghiệp cũng khổ mà kinh tế nông nghiệp cũng khổ.

Rồi nhà quản lý còn để thương lái nước ngoài qua để khi thì họ mua khoai lang, lúc thì họ lại mua đọt khoai lang, rồi mua lá điều, lá của mãng cầu xiêm, rễ quế, bông thanh long… Toàn mua những thứ không thể hiểu được, mua như phá hoại mà nhà quản lý không thấy bóng dáng đâu, cứ để họ ngang nhiên hoạt động. Tôi nói hoài chứ, nói từ hồi mới nảy ra vụ mua đọt khoai lang chứ không phải bây giờ mới nói, nhưng mà cũng bị bỏ lửng thôi.

Phải nói thật là nông nghiệp nước ta vẫn có thể có tương lai xán lạn, nhưng mà đã bị chắn lại bởi một tấm kính lọc khiến chúng ta không thấy được sự xán lạn để dẫn đến tình trạng như anh nói là ảm đạm đấy. Mà cái kính lọc này là ai, chính là những nhà quản lý.

Từ quản lý cho đến các tổ chức, doanh nghiệp không đồng bộ với nhau, không phối hợp, không hỗ trợ được cho nhau nên cứ để người nông dân mò mẫm, tự bơi trong bể thị trường.

Nên nói đều này tưởng đùa nhưng lại rất thật, nông dân Việt Nam là nông dân tự do nhất thế giới, muốn trồng gì cứ trồng, rồi muốn chặt lúc nào cứ chặt. Điệp khúc trồng rồi chặt, trồng rồi chặt cứ tái diễn mãi.

Ảnh: Minh Kiệt.

- Thật sự là rất đau đớn, thưa Giáo sư!

- Đau lắm chứ.

- Sự đau đớn này khởi nguồn từ đâu, thưa Giáo sư?

-  Cái khó khăn nhất của mình chung quy lại là thị trường. Mình không biết được thị trường nằm ở đâu, hoàn toàn mù mịt việc nên trồng cây gì, nuôi con gì, ai mua, giá cả bao nhiêu? Cuối cùng, người nông dân là người tự lo, và tự gánh mọi rủi ro.

Cấp bách lắm rồi, việc ưu tiên hàng đầu là phải tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp của nước ta. Và ai sẽ là người dẫn đường cho người nông dân đến thị trường đó, ai sẽ là người kết nối. Kinh nghiệm vài năm vừa qua cho thấy rõ là phát triển nông nghiệp mình bây giờ dứt khoát phải làm khác đi, phải tổ chức xây dựng mô hình nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị.

Phải tìm hiểu thị trường, phải nắm bắt thị trường ở châu Á, châu Mỹ, châu Âu, châu Phi, Trung Đông. Chẳng hạn như thị trường Trung Quốc. Đó là một thị trường vô cùng rộng lớn và đầy tiềm năng. Nhưng chúng ta không thể nào nắm bắt thị trường Trung Quốc bằng cách cứ mang hàng đến cửa khẩu và nhẫn nại chờ đợi, tôi cho rằng nếu làm như vậy thì chúng ta sẽ còn gặp rủi ro, còn nghèo.  Chủ lực trong việc nắm bắt thị trường là doanh nghiệp phải năng động, bây giờ không thể ngồi chờ khách hàng đến tìm, mà doanh nghiệp phải tận dụng kinh phí nhà nước do các cơ quan xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tung ra nhiều quốc gia kể bên trên để tìm thị trường.

Tôi kể điều mà tôi chứng kiến, Công ty Cẩm Nguyên ở vùng Tháp Mười, ông Cẩm - Giám đốc Công ty là người sang Trung Quốc đi từ Quảng Đông qua Quảng Tây, rồi Thượng Hải, rồi Bắc Kinh để quan sát xem nhu cầu gạo của người dân Trung Quốc là như thế nào, để nắm bắt các tổng công ty hay tập đoàn xuất nhập khẩu gạo của Trung Quốc là “chơi được”. Khi xác định được đối tượng, ông Cẩm đặt vấn đề với công ty Trung Quốc rằng ông muốn được cung cấp gạo, phía công ty này nói với ông Cẩm: “Nếu ông cung cấp được loại gạo này, chúng tôi sẽ chọn ông làm nhà cung cấp”.

Công ty ông Cẩm không có loại gạo mà phía đối tác cần cung cấp, ông hỏi lại: “Các ông có giống lúa không?”, phía Trung Quốc trả lời là có và sẵn sàng cung cấp giống lúa. Ông Cẩm mang giống về đưa cho tôi, tôi nghiên cứu xem loại giống này có thích hợp với thổ nhưỡng hay khí hậu nước mình hay không, khi thấy giống thích ứng tôi khuyên ông Cẩm nên phát triển. Vậy là chúng tôi sẽ tổ chức cho khảo nghiệm giống, tổ chức nhân giống và xác định qui trình GAP để huấn luyện chuyển giao qui trình này cho nông dân trên vài ngàn hec-ta tại Đồng Tháp và Long An trồng giống lúa này để cung cấp cho công ty Cẩm Nguyên chế biến đúng loại gạo mà khách hàng Trung Quốc cần để xuất hàng cho đối tác Trung Quốc.

Rõ ràng, đây là cách làm của những doanh nghiệp khôn ngoan, thức thời và có đầu óc. Doanh nghiệp đã tự nâng tầm mình lên, thoát hoàn toàn tình trạng là anh hàng xáo, là anh ăn xổi ở thì, chỉ thích chở hàng bán qua biên giới như hiện nay.

Nhân dịp Mỹ, Úc và Hàn Quốc vừa qua chấp nhận mặt hàng nhãn, vải thiều của Việt Nam, tôi xin kể chuyện vải thiều 19 năm trước. Năm 1996, Trường Đại học Cần Thơ có Tiến sĩ Bùi Hữu Thuận, một chuyên gia chế biến và bảo quản nông sản, vừa tu nghiệp ở Pháp về.

Tôi đã sắp xếp cho Tiến sĩ Thuận ra Hải Hưng đúng vào dịp thu hoạch vải thiều để biểu diễn cách xử lý trái vải thiều ngay sau khi hái vào và sau đó bảo quản trong phòng lạnh với vỏ trái vải được giữ màu đỏ tươi không vết nám đen nào trong suốt thời gian ít nhất hai tháng. Mọi người tham dự kể cả vài doanh nghiệp ở Hải Hưng đều thấy được cách bảo quản vải thiều. Nhưng suốt một năm sau không thấy doanh nghiệp nào đả động đến chuyện sẽ thực hiện phương pháp giữ vải thiều như chúng tôi đã hướng dẫn. 

Năm sau, tôi lại tổ chức cho Tiến sĩ Thuận biểu diễn một lần nữa tại Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội ở Trâu Quỳ, Gia Lâm. Mọi người đều công nhận cách bảo quản vải thiều, nhưng từ đó đến nay không có một doanh ghiệp nào đầu tư cho cơ sở bảo quản vải thiều. Bây giờ Việt Nam có khách hàng Mỹ, Úc, Hàn Quốc, v.v. sẵn sàng mua vải thiều, nhưng điều chắc chắn là họ không mua trái vải thiều nào có vỏ trở màu thâm đen chỉ trong vài ngày sau khi hái, và các doanh nghiệp không thể xuất hàng cùng một thời điểm vải thu hoạch rộ.

Vải thiều chỉ thích hợp với khí hậu bốn mùa của miền Bắc nước ta, cho hương vị thơm ngon, cùi dày, hạt nhỏ. Nếu trồng ở các vùng miền Trung và Nam Bộ thì hạt rất to lại chua, không bán được. Do đó chúng ta phải phát huy tiềm năng sản xuất vải thiều của miền Bắc nước ta. Khi mình đã có thị trường rồi thì mình phải biết tổ chức sản xuất như thế nào theo chuỗi giá trị để cuối cùng sản phẩm của mình làm ra, khách hàng đồng ý ngay không trả về. Thành ra mình phải tổ chức từ việc giống tốt, rồi chế độ chăm sóc bảo vệ thực vật ra sao để thành phẩm cuối cùng phải đạt bộ tiêu chuẩn Global GAP (viết tắt của từ Global Good Agricultural Practice - Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu.

Đây là một bộ tiêu chuẩn được xây dựng để áp dụng tự nguyện cho sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản) trên toàn cầu. Là tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt trong quá trình sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch - N.K.L).

Sau khi giải quyết được vấn đề giống và khoa học kỹ thuật, thì chúng ta cũng phải tính đến quy hoạch vùng sản xuất, Nhà nước phải mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu của vùng đó thành vùng sản xuất mặt hàng có thị trường. Tội gì mình phải trồng thứ khác theo quy hoạch cũ không thích ứng với thị trường.

Khi tôi còn làm Đại biểu Quốc hội, hai lần tôi có nói chuyện về vấn đề quy hoạch vùng trồng cây ăn trái, tiếp tục chuyện vải thiều. Tôi có ý kiến nên tập trung các vùng đất thích hợp để trồng vải thiều như vùng Thanh Hà (Hải Dương), Hưng Yên, Nam Định, Lục Ngạn (Bắc Giang)… Đó là những vùng đất cực kỳ thích ứng với vải thiều. Tiếc rằng, một đại biểu Quốc hội đã bác ý kiến của tôi, đại biểu này cho rằng: “Mình là con người, con người phải ăn cơm nên cần trồng lúa. Chỉ có con khỉ mới ăn quả nên không cần trồng quả gì cả”. Mà trong cách điều hành Quốc hội thì chỉ được giơ bản để trình bày ý kiến một lần, nên mình muốn đối thoại cũng không thể đối thoại.

Có nhiều vị băn khoăn, đất lúa thì làm sao chuyển thành đất trồng cây ăn trái được. Tôi trả lời, cứ phải quyết tâm thực hiện. Vì ở miền Bắc, trồng lúa là phải đánh 4 kẻ thù xuân - hạ - thu - đông, mùa nào cũng phải chống, hết chống rét đến chống hạn, hết chống hạn đến chống úng, rồi còn chống bão... Bây giờ nếu theo QĐ899/TTg về tái cấu trúc nông nghiệp thì ta nên mạnh dạn chuyển nhiều vùng lúa miền bắc sang trồng vải thiều thì cây vải lại phát triển rất tốt, đầu tư thêm dây chuyển xử lý và bảo quản sản phẩm thật đạt tiêu chuẩn rồi đưa ra thị trường với giá cao thì lợi tức của người nông dân sẽ được cao hơn trồng lúa nhiều. Tất nhiên không phải nơi nào mình cũng trồng vải thiều đâu, mình phải xem vùng đất nào thích hợp với loại cây ăn trái nào. Mỗi vùng như vậy cần đầu tư một nhà máy chế biến và bảo quản rau quả để thực hiện tốt công đoạn bảo quản.

- Giáo sư vừa nhắc đến thị trường Trung Quốc, liệu đây có phải là thị trường tiềm năng, bền vững và đáng tin tưởng của nông sản Việt Nam không, thưa Giáo sư?

- Tôi nghĩ , thị trường Trung Quốc nếu nói về lương thực thực phẩm, đặc biệt là trái cây nhiệt đới như ở nước ta thì tiềm năng là rất lớn. Với 1,3 tỉ dân thì không gì liên quan đến lương thực thực phẩm lại không thể tiêu thụ, bởi sản lượng lương thực trong nước không thể nào đáp ứng đủ cho người dân.

Thành ra, nếu chúng ta không quan tâm, không nuôi được thị trường này thì chúng ta không hưởng lợi được nhiều. Vấn đề là chúng ta nuôi thị trường này như thế nào? Thay vì chúng ta để người Trung Quốc phải tìm đến chỉ mua hàng rồi đi, thì chúng ta nên ưu đãi theo hình thức liên doanh với doanh nghiệp Trung Quốc một cách chính thức như Công ty Cẩm Nguyên đã từng làm. Chúng ta phải chủ động gắn kết họ lại, đừng để họ cứ rút đi thì chúng ta chới với như hiện nay.

Giáo sư Võ Tòng Xuân trao đổi cùng PV Chuyên đề ANTG Giữa tháng và Cuối tháng.

- Thưa Giáo sư, tôi thường đọc thấy nền nông nghiệp của nước ta được xây dựng dựa trên nguyên tắc 4 nhà, tức là nhà nông - nhà khoa học - nhà quản lý và Nhà nước. Thế nhưng, ngoại trừ nhà nông cùng  nhà khoa học như Giáo sư đây là đang thật sự vào cuộc với nông nghiệp, Nhà nước bằng các hình thức cho vay ưu đãi mặc dù việc tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi còn rất nhiều chuyện phải bàn, riêng nhà quản lý tôi vẫn chỉ thấy sự xuất hiện loáng thoáng, không rõ nét. Ngay trong chuyện doanh nghiệp chủ động tìm thị trường, chủ động gắn kết đối tác vẫn không thấy hiện hữu vai trò của nhà quản lý, thưa Giáo sư?

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương đều có Vụ Xúc tiến thương mại, thì Vụ này phải là người dìu dắt doanh nghiệp tìm đến thị trường, đến đối tác. Thế nhưng nói điều này đừng buồn, chứ tiếng Anh của nhiều doanh nghiệp đã không tốt, thương trường quốc tế lại không rành. Và điều này lại lặp lại ở Vụ Xúc tiến thương mại, họ cũng không rành tiếng Anh, không am tường thương trường quốc tế. Ngay cả chuyện đưa doanh nghiệp Việt Nam sang nước ngoài tiếng là tìm kiếm cơ hội như cũng chỉ đa phần là như đi du lịch, đi làm việc cá nhân chứ không phải thực tâm đi để muốn giúp doanh nghiệp. Lẽ ra, hai trung tâm phải hoạt động mạnh mẽ, xông xáo thì đáng tiếc họ lại thiếu điều này.

Hay như chuyện cách đây 10 năm, doanh nghiệp Bourbon của Pháp sang tìm hiểu thị trường tại Việt Nam, họ thấy vùng Tây Ninh thích hợp cho cây mía. Họ đã đầu tư quy hoạch vùng, hệ thống tưới tiêu, và xây Nhà máy đường hiện đại nhất châu Á, đảm bảo đầu ra cho cây mía Tây Ninh. Vậy mà, bây giờ các vùng quy hoạch mía đó đã trồng củ mì (sắn), mãng cầu, cao su có giá hơn, người nông dân đã tự ý chuyển đổi cây trồng, phá vỡ quy hoạch. Tất nhiên đây cũng có một phần lỗi của người nông dân, nhưng chúng ta không thể bắt người nông dân cứ trồng mía trong lúc trồng các thứ cây khác lại có hiệu quả kinh tế cao hơn. Vấn đề là các nhà máy đường chưa có khoa học kỹ thuật đảm bảo trồng mía có lời nên chưa thuyết phục được người nông dân trung thành với cây mía.

- Nhân Giáo sư kể chuyện các công ty của Việt Nam tự tìm thị trường, tôi cũng xin hầu câu chuyện mà tôi biết. Có một Việt kiều Đức nuôi cá rô phi ở ngay miền Tây Nam Bộ, nuôi theo dây chuyền GAP, Việt kiều này sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng và lưới điện để đánh bẫy con mối, thiêu thân… cho cá ăn, hoàn toàn không tốn tiền mua thực phẩm. Và mỗi lần xuất cá là xuất khẩu sang Đức với giá trị hàng triệu USD. Đây là chuyện không khó nhưng vì sao người nông dân chúng ta vẫn không thực hiện được, thưa Giáo sư?

- Ông Việt kiều Đức làm được vì ông Việt kiều này có mối lấy hàng từ Đức. Còn người nông dân mình không làm được chuyện này là vì không có doanh nghiệp đứng sau, không có thị trường. Doanh nghiệp phải đứng ra hướng dẫn kỹ thuật, đảm bảo đầu ra cho người nông dân, chứ người nông dân làm sao mà biết được. Người nông dân chỉ biết nuôi xong mang ra ngoài chợ bán hoặc bán đại trà cho các nhà máy chế biến cá.

Có điều này cần phải lý giải rõ, người nông dân thường hay thắc mắc vì sao thành phẩm của họ bán thì rẻ, nhưng đến tay người dùng thì lại mắc. Ví dụ, trái bưởi da xanh mà hệ thống Metro hay SaiGon Co-op mua chỉ khoảng 25 nghìn đồng/kg, vậy mà lại bán trong hệ thống đến 45 rồi 50 nghìn/kg. Người nông dân thấy vậy bèn muốn nâng giá bán thì bên thu mua lại không đồng ý.

Phải hiểu rằng, nhà phân phối thu mua thành phẩm của người dân đến khi trưng bán trong siêu thị hay hệ thống cửa hàng thì phải qua nhiều khâu. Từ khâu giống cho đến quản lý trồng trọt, rồi thuế má, rồi nhân công, rồi đầu tư, rồi điện nước, di chuyển… bao nhiêu thứ tiền, nên giá như vậy là hợp lý, là sòng phẳng thôi.

Một doanh nghiệp dệt may của Việt Nam, bán mỗi cái áo thun cho doanh nghiệp Nhật Bản với giá 5,5USD/cái. Ông chủ của doanh nghiệp này sang Nhật, vào hệ thống phân phối của đối tác thì thấy giá áo thun được bán với giá 25USD/cái. Trước khi về lại Việt Nam, ông chủ doanh nghiệp đề nghị đối tác nâng giá mua lên 6USD/cái, tức thêm 50 cent. Đối tác cười bảo: “Không được, vì nếu chúng tôi mua áo thun của ông với giá 6USD/cái chúng tôi sẽ không có lợi nhuận”, họ giải thích để áo thun của doanh nghiệp Việt Nam hiện hữu tại hệ thống phân phối của họ, họ đã tốn nhiều tiền cho rất nhiều công đoạn vận chuyển, nhân công, địa điểm…

- Theo kinh nghiệm của Giáo sư, thì tại thời điểm này việc cần làm ngay của nông nghiệp Việt Nam là gì, thưa Giáo sư?

- Tôi nghĩ, chúng ta cần thiết phải tái cấu trúc các tổng công ty nông nghiệp, người của các tổng công ty này bắt buộc phải rành ngoại ngữ để thị trường tiếng Anh có nhân viên biết tiếng Anh đảm nhiệm, thị trường tiếng Nhật có nhân viên biết tiếng Nhật đảm nhiệm, thị trường tiếng Trung Quốc có nhân viên biết tiếng Trung Quốc đảm nhiệm… Và họ phải nắm được thị trường, hiểu rõ quy luật thương trường quốc tế. Rồi đến trách nhiệm của những nhà quản lý, cũng phải nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ quản lý từ ngoại ngữ cho đến kỹ năng.

Phải làm sao để khi họ tìm hiểu thị trường nước ngoài, họ phát hiện thị trường này cần sản phẩm thì kết nối họ với địa phương nào ở Việt Nam có sản phẩm ấy, cho hai bên gặp nhau chuyện mua bán. Thí dụ, nếu chuyên viên ta gặp một công ty Trung Đông tiêu thụ nhiều củ hành tím thì ngay lập tức chuyên viên nhớ đến địa phương trồng củ hành của nước ta là Vĩnh Châu, Sóc Trăng, hỏi xem công ty nào có thể tiếp nhận thương vụ này để làm đầu ra vững chắc cho nông dân trồng hành. Làm như thế các công ty xuất khẩu nông sản của nước ta sẽ có cơ hội phát triển, mà Tổng công ty cũng sẽ phát triển nhờ hưởng hoa hồng của các công ty con. Cách làm này sẽ chấm dứt tình cảnh èo ọt của các công ty cấp tỉnh và huyện hiện nay, bị cấp trên hưởng phần lớn.

Thêm nữa, thị trường mua bán nông sản thế giới hiện tại tập trung vào giá của tương lai, nghĩa là ký ngay khi chúng ta chưa thu hoạch sản phẩm, chúng ta làm được điều này không? Chắc chắn là chúng ta vẫn làm điều này được, chỉ cần chủ động tính giá tiền từ khâu đầu tiên là giống, rồi phân bón, nhân công… là ra ngay thôi. Chúng ta đừng sợ là khi ký hợp đồng với giá 50 nghìn/kg, sang năm thị trường lên 55 nghìn/kg là chúng ta sẽ lỗ. Chúng ta không lỗ đâu vì sự tăng bất thường về giá do thay đổi đột ngột cán cân cung cầu chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, còn giá của chúng ta đã ký kết là giá ổn định, giá đã có lợi nhuận. Cứ bình tĩnh là được.

Làm được điều này chúng ta sẽ thoát khỏi tình trạng manh mún, vụn vặt. Và các nhà quản lý, các tổng công ty nông nghiệp sẽ là đầu tàu để kéo các toa tàu khác cùng tiến lên. Mà toa tàu quan trọng nhất chính là người nông dân.

Cốt yếu tôi cho rằng, muốn phát triển nông nghiệp thì các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và cả người nông dân đều phải thực tâm với nông nghiệp.

- Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi này. Kính chúc Giáo sư nhiều sức khỏe.

Giáo sư Võ Tòng Xuân trao đổi cùng PV Chuyên đề ANTG Giữa tháng và Cuối tháng.

Ngô Kinh Luân (thực hiện)
.
.