Phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Hữu Đức – Chuyên gia tư vấn cao cấp của Better Living:

Ở góc độ xã hội, nếu dục tính vẫn bị xem là điều cấm kỵ thì xã hội ấy chưa văn minh

Thứ Bảy, 25/03/2017, 10:52
Những nghi án trẻ em bị xâm hại, dâm ô, những lá đơn kêu cứu, những trần tình, những phản hồi từ các lãnh đạo cấp cao, những hành động quyết liệt của các tổ chức, đoàn thể… Chưa bao giờ hồi chuông về chống ấu dâm lại được gióng lên mạnh mẽ đến như vậy. Ấu dâm, không chỉ là nỗi đau của một cá nhân mà còn là nỗi đau của toàn xã hội.

Trao đổi giữa phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng và Cuối tháng cùng Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Hữu Đức quanh câu chuyện nhức nhối này.

PV: Thưa ông Trần Hữu Đức, câu chuyện xâm hại tình dục trẻ em đang trở nên rất nóng như tôi vừa nêu trên. Ông có thể lý giải tại sao lại như vậy?

Tiến sĩ Trần Hữu Đức: Tôi chỉ có thể nói một cách ngắn gọn, đó là khủng hoảng giá trị sống.

Tôi nghĩ, không chỉ ở Việt Nam mà nhân loại đang đi vào cuộc khủng hoảng về giá trị sống.

Chúng ta cũng là những đứa bé lớn lên được dạy rằng dục tính là xấu, là đồi bại, là dâm loạn, và rất nhiều thuật ngữ khó hiểu nhưng rất ghê rợn. Nhưng với bản năng dục tính của mình, chúng ta không thể không nghĩ đến dục tính. Rồi tới khi ta lập gia đình, luật định là một vợ một chồng, nhưng bản năng thì cứ tham dục, muốn phá rào. Những ai mà phần người thuần phục được phần con, thì rất ổn.

Nhưng những ai mà phần con vẫn lấn lướt phần người, thì bắt đầu nảy sinh tự ti, hoài nghi bản thân, xấu hổ mỗi khi nghĩ đến dục tính. Nếu giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội chỉ một chiều từ trên bổ xuống cứ như thể người dạy không có thú tính hoặc chẳng có dục tính, thì học trò và các công dân trong xã hội ấy có thể dần dà cảm thấy mình bị cô lập, mình là thiểu số bệnh hoạn, thú tính và bất lực, rồi phó mặc cho bản năng tội lỗi. 

Ấy là khi cá nhân ấy có vấn đề. Và khi xã hội có nhiều cá nhân ấy, vẫn trong sự lén lút, tự ti, cô lập, thì chúng ta phải đối mặt với những khủng hoảng hệ giá trị như hiện nay.

Nếu những phụ huynh và giáo viên tự thấy mình sợ hoặc ghét dục tính, thì hãy tự nâng cấp bản thân mình lên, hãy tiếp cận dục tính một cách trong sáng để có thể dạy cho con em chúng ta hiểu đúng bản chất dục tính và có thể chế ngự được nó. Hãy tìm mua những cuốn sách dạy về dục tính của Anh, Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ, Đức, Nhật...

Hãy đọc về tâm lý lứa tuổi, về triết lý dục tính, về tiến hóa của nhân loại. Hãy trò chuyện với những chuyên gia về giáo dục hoặc tâm lý. Hãy trao đổi với thầy cô, phụ huynh. Và quan trọng nhất, hãy trò chuyện với con em mình với suy nghĩ trong sáng nhất về dục tính. Hãy hỏi các cháu đi, bạn sẽ rất ngạc nhiên về những gì chúng biết.

Những việc xâm hại được đề cập gần đây, không có nghĩa xưa nay không có xâm hại tình dục. Nhưng khi báo chí lên tiếng, thì chúng ta biết được nhiều hơn. Và đương nhiên, báo chí vẫn không thể nào, và cũng chẳng cần, đưa thông tin về tất cả các cuộc xâm hại tình dục. Khi các bạn đang đọc những dòng chữ này, thì có thể đâu đó đang có ai đó bị xâm hại tình dục. Và câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta làm gì để ngăn chặn hoặc xoa dịu?

Để ngăn chặn hoặc xoa dịu một ai đó liên quan đến xâm hại tình dục, chúng ta cần biết một nguyên lý trong tâm lý: cảm nhận là sự thật (perception is reality). Nói cách khác, khi người ta tin vào một điều gì, thì điều đó là sự thật, đối với người đó. 

- Cách đây mấy tháng, một nam diễn viên kịch nghệ của Việt Nam phải nhận án tù ở Mỹ vì tội ấu dâm. Tôi biết, nhiều người trong chúng ta “ngớ người” đặt câu hỏi  một hành động không đúng với  trẻ em đã phải trả giá rất đắt. Ở Việt Nam chưa có tiền lệ này, ông nghĩ sao?

- Mỹ là xã hội trọng tín. Có nghĩa là khi đã hứa thì tất phải giữ lời. Luật là lời hứa, là uy tín, và tất phải tôn trọng. Cho nên, sự nghiêm minh của họ khiến chúng ta thấy ngạc nhiên còn với họ là tất nhiên. Văn hóa Mỹ tôn trọng tự do cá nhân, trong đó có không gian cá nhân. 

Nhìn lâu vào mắt người lạ, hoặc đứng quá gần một người trong lúc trò chuyện, hoặc sờ chạm nhau trong giao tế xã hội thông thường là điều cấm. Đứa bé vài tháng tuổi họ đã cho ngủ trong phòng riêng rồi. Vì thế, các tội danh liên quan đến xâm hại tình dục, quấy rối tình dục đều cần xét đến bối cảnh văn hóa và xã hội của nó.

Như ta đã biết, tại một số vùng miền và đặc khu của nhiều quốc gia ở châu Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Úc, mại dâm là nghề hợp pháp. Nhưng khi nhìn trên bản đồ thế giới, vùng cấm mại dâm vẫn nhiều hơn vùng cho phép mại dâm, và vùng cấm vẫn có khuynh hướng tăng lên. Chúng ta vẫn đang trong quá trình tiến hóa không ngừng của loài người, và dục tính vẫn luôn nằm trong vùng “kiểm soát chặt chẽ”. Quá nhiều dục tính thì loài người sẽ loạn, quá ít dục tính thì loài người diệt vong. 

Việt Nam có quan điểm riêng của mình, nhưng cũng nên nhìn ra thế giới để học cách giáo dục, điều tiết từ chính sách quốc gia đến giáo dục học đường và gia đình. Và theo tôi, điều mà ta đã làm rất tệ trong việc giáo dục dục tính cho con em của chúng ta là làm cho chúng sợ dục tính. Và điều này là vì người lớn chúng ta nhìn dục tính còn quá ác cảm.

Trong các tôn giáo, người tu hành luôn phải diệt dục. Điều này không có nghĩa là họ phải cắt bỏ tinh hoàn hay buồng trứng. Họ diệt dục theo cách không cho năng lượng dục tính được thoát ra theo đường quan hệ tình dục. Họ đồng thời tập trung vào việc tu tập. Bằng cách này các tu sĩ đã dành năng lượng dục tính cho việc tu tập của mình, vì thế năng lượng dục tính đã chuyển hóa thành trí tuệ. 

Cùng ứng dụng này, Napoleon Hill trong cuốn Nghĩ giàu và làm giàu đã chỉ ra cách những người thành đạt đã chuyển hóa năng lượng dục tính thành những ước mơ, hoài bão cao cả, không chỉ cho riêng mình mà cho cả cộng đồng.

Suy ngẫm về hiện tượng ấu dâm và xâm hại tình dục gần đây tại Việt Nam, tôi nghĩ chúng ta thiếu sự đồng cảm. Người gây hại sẽ không thể nào làm chuyện đồi bại này nếu họ có thể đặt họ vào vị trí người bị hại. Người đưa tin vô trách nhiệm cũng không thể nào đưa tin như vậy nếu họ đặt họ vào được vị trí người bị hại. Phụ huynh của các em bị hại cũng có thể giảm thiểu mối nguy cho con em mình nếu họ biết cân bằng giữa chuyện mưu sinh với chuyện bầu bạn cùng con, cho con một không gian an toàn để làm con nít.

Người lớn ơi, chúng ta còn thiếu cách dạy cho con em chúng ta những bài học đơn giản về “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”. Hãy dạy chúng biết bỏ rác vào thùng rác, dạy chúng đừng ngắt hoa bẻ cành, dạy chúng biết yêu quý tiếng Việt, dạy chúng biết xin lỗi và cảm ơn. 

Như thế là ta đã dạy chúng biết yêu Tổ quốc, yêu đồng bào rồi đó. Và điều này là vô cùng cần thiết cho con em ta lớn nên thành những con người biết đồng cảm. Biết đồng cảm như thế chúng sẽ không xâm hại tình dục người khác, chúng cũng không bị xâm hại tình dục, và chúng còn thành công nữa.

- Trong thông cáo ra ngày 12/3/2017 của Mạng lưới ngăn ngừa và ứng phó bạo lực giới VN (GBVnet) nêu: “Trong những năm gần đây, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, từ năm 2010 đến năm 2013, số vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện đã tăng gần gấp đôi từ 867 vụ lên đến 1.544 vụ vào năm 2014. 

Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 em bị xâm hại tình dục, hay cứ 8 giờ trôi qua thì lại có ít nhất 1 đứa trẻ bị xâm hại tình dục. Nạn nhân thậm chí bị giết để bịt đầu mối hoặc bị đe dọa để không dám tố cáo”. Bản thân tôi rất giật mình về con số này, con số này gợi cho ông điều gì không?

- Con số 8 giờ có 1 bé bị xâm hại tình dục quả thật rất đau lòng. Nhưng tôi nghĩ vấn đề này tùy thuộc vào sự định danh của mỗi người. Như thế nào thì được tính là 1 ca, như thế nào thì được tính vào tội như thế này. Nếu hiểu theo nghĩa thật bình dân, chuyện xâm hại tình dục diễn ra hằng ngày, hằng giờ.

Và ngay khoảnh khắc chúng ta đang ngồi đây có thể nhiều bé đang bị. Vấn đề là chúng ta nhìn nó ở góc độ người lớn hay trẻ em. Nếu những em bé chơi cùng nhau, cùng rủ vào góc phòng chơi trò “vợ chồng” thì có tính là xâm hại không. Và nếu không biết để ngăn ngừa hoặc hướng dẫn cho con em mình thì sau bao nhiêu lần chơi trò “vợ chồng” thì chúng làm thật chuyện “vợ chồng”? Và bao nhiêu lần làm thật chuyện “vợ chồng” thì chúng mới nói cho người lớn biết?

Nhưng cho dù người lớn có biết hay không, thì chúng nghĩ gì về chuyện “vợ chồng” ấy? Bé gái có mặc cảm tự ti của bé gái. Bé trai cũng có mặc cảm tội lỗi của bé trai. Người lớn nếu có biết thì sẽ làm trầm trọng hơn hay xoa dịu đi vết thương của con em mình?

Mỗi một “trò vợ chồng” đều có không gian, bối cảnh khác nhau, nên khó có lời khuyên chung. Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc với nhiều nạn nhân dưới gốc độ tham vấn và trị liệu tâm lý, tôi khuyên phụ huynh hãy giữ thái độ trong sáng với dục tính, không sợ mà cũng không xem nhẹ. Hãy đọc và tìm hiểu về dục tính. Hãy quan tâm tới tâm lý của con trẻ. Hãy dành thời gian trò chuyện và chơi đùa với con. Con rất cần tiền của cha mẹ, nhưng cần tiền một thì con cần sự quan tâm của cha mẹ tới mười.

- Và chắc hẳn hậu quả của những vụ trẻ em bị xâm hại tình dục cũng rất khủng khiếp?

- Ở góc độ đứa bé, chúng ta thấy nhiều trường hợp vấn đề này chỉ như một hạt bụi, không để lại dấu vết. Nhưng có những trường hợp một việc nhỏ nhưng đã để lại những hệ lụy lớn và dai dẳng. Và sự khác biệt nằm ở chỗ thái độ của ta đối với những gì đã xảy ra. Thông thường ta sẽ không thể nhớ những gì đã xảy ra khi ta nhỏ hơn 4 tuổi. Những gì xảy ra với bé ở những năm đầu đời sẽ được lưu lại vào tiềm thức mà khi lớn lên thường bé sẽ không hề ý thức hoặc nhớ ra.

Nếu bé chứng kiến bạo hành ở gia đình, nơi nhà trẻ, hoặc bị xâm hại thì lớn lên bé sẽ sợ người thân hoặc sợ trường lớp mà không biết tại sao. Nếu những bé này lớn lên lại bị xâm hại tình dục bởi đối tượng người thân, đôi khi chỉ là một cái nựng yêu nhưng vô tình chạm vào vùng nhạy cảm của bé, thì bắt đầu có sự cộng hưởng cảm xúc tiêu cực từ tiềm thức, gây nên hậu quả nặng hơn so với thực sự vấn đề đang gặp phải.

Có những trường hợp bé gái bị xâm hại tình dục sẽ trở nên sợ đàn ông. Nỗi sợ giới tính sẽ làm cho bé cảm thấy bất an với một nửa thế giới còn lại, trong đó có thể có cha hoặc anh ruột của mình, thầy giáo, hay đồng nghiệp, cấp trên của mình. Nguy hiểm hơn, sau này chính họ cũng bị bất an khi ở cạnh bạn trai hay bạn đời của mình.

Trong khi đó, họ lại cảm thấy an toàn và thoải mái bên cạnh những người đồng giới. Rồi đôi khi điều này dẫn họ tới ngộ nhận rằng họ thuộc “giới tính thứ ba”. Những trường hợp nhẹ hơn thì họ sẽ vượt qua rào cản tâm lý bản thân để kết hôn nhưng việc giữ hôn nhân lại không dễ tí nào, vì họ luôn bất an trong chính gia đình của họ, và họ thường cho gia đình là tạm thời, có thể mất bất cứ lúc nào. Những trường hợp thế này thật ra tâm lý ngày nay có thể chữa trị được, nhưng người trong cuộc thường hay tự ti mà ngại chia sẻ hoặc đi tìm sự trợ giúp.

Chẳng ai chủ động chuốc lấy những chuyện xâm hại tình dục vào thân. Nhưng thật ra, khi biết hóa giải, chính những chuyện không may này lại có thể trở thành những huân chương của sự bản lĩnh trong cuộc đời. 

Ở góc độ xã hội, nếu dục tính vẫn bị xem là điều cấm kị thì xã hội ấy chưa văn minh. Nhà cầm quyền sẽ không dám thả lỏng dục tính nếu con người nơi đó phần con lớn hơn phần người. Hãy nhìn Nhật, Pháp, Thụy Sỹ, nơi đó dục tính được nâng lên là nghệ thuật vì trình độ thưởng lãm dục tính của mặt bằng người dân nơi đó đã vượt qua ngưỡng lén lút, thô thiển, vô cảm.

Họ đã làm gì để đạt được cái gu thưởng lãm ấy? Nhìn rác thải ta có thể đoán biết mức sống vật chất của người dân một vùng. Đọc tin tức tệ nạn tình dục mà đoán biết mức sống tinh thần của người dân một vùng.

- Hiện nay, các bậc làm cha mẹ thường có xu hướng rất e ngại khi giáo dục cho con về giới tính, thậm chí cấm đoán con nhắc về điều này. Nhiều phụ huynh đang cố tình lơ đi hoặc cố ý nói sai khi con trẻ hỏi được sinh ra từ đâu, tại sao lại có con. Câu chuyện sinh ra từ nách, từ rốn là sự không thành thật với trẻ em cũng như chính mình?

- Trong gia đình, bố mẹ là tấm gương để giáo dục con cái. Thái độ của bố mẹ về sex như thế nào, là tội phạm hay cao thượng đẹp đẽ? Bố mẹ đến với nhau có công khai không, có lén lút xem phim đen không? Bố mẹ nghĩ gì về việc thủ dâm?

Quan sát chính bản thân phụ huynh trước. Nếu ta kinh tởm hoặc sợ sệt dục tính, thì không nên dạy con, mà cũng không nên làm ngơ. Hãy đi học về dục tính (như phần trên đã nêu), và đôi khi hãy hỏi chính con em chúng ta. Khi phụ huynh đã có được cái nhìn trung tính về dục tính và không e ngại hoặc khinh sợ gì nữa thì mới dạy được con cái.

Bố mẹ hãy rất lưu ý, con trẻ ngày nay biết nhiều gấp trăm lần so với ta ngày xưa. Chúng học mọi lúc mọi nơi chứ không phải tới lớp mới học đâu nhé. Thế nên bố mẹ cũng lưu ý rằng con vẫn luôn học ta, mọi lúc mọi nơi, cho dù ta có ý thức dạy chúng hay không. Tôi thấy hiện nay khi con cái xem phim cùng bố mẹ có cảnh hôn nhau thường bảo con nhắm mắt lại.

Nếu hôn nhau là xấu thì mới cấm chứ, còn nếu đó là nghĩa cử yêu thương cao đẹp thì tại sao lại cấm? Thái độ của mỗi người về tình dục khác nhau. Bản thân người lớn nên rà lại quan điểm của mình. Như tôi đã nói, sự khác biệt nằm ở chỗ thái độ của chúng ta.

- Còn việc biểu lộ tình yêu con cái của cha mẹ (tôi nhấn mạnh là cha mẹ thôi chứ không phải người thân hay người quen nào hết) bằng cách ôm hôn, thậm chí “động chạm” vào bộ phận sinh dục của con trẻ thì sao thưa ông? 

- Theo Osho, trong tác phẩm Từ dục tới siêu tâm thức (NXB Hà Nội, 2010), loài người đang bóp méo khái niệm về tình dục (sex) khi đây là khái niệm thiêng liêng. Ông khuyến cáo các gia đình phụ huynh hãy tiếp cận sex tự nhiên.

Tại một số bộ lạc, bộ tộc châu Phi họ trần truồng trong nhà và ngay cả khi đi ra ngoài, và ở những nơi này người ta không có vấn đề về lạm dụng tình dục gì cả, vì đối với họ, trên cơ thể chẳng có vùng cấm hoặc vùng kín gì cả, thế cho nên khái niệm lạm dụng tình dục hoặc sờ chạm vào vùng nhạy cảm chẳng tồn tại trong từ vựng của họ.

Osho còn khuyên trong nhà nên có sự thoải mái, trò chuyện, trao đổi rất tự nhiên và trong sáng về dục tính, và khuyến khích trẻ con ở truồng. Cơ thể con người là đẹp đẻ và thiêng liêng. Có chăng là thái độ xấu xa của ta đối với cơ thể con người. Và càng cấm đoán, ta càng dấy lên lòng tham dục, và từ tham dục mà nảy sinh các thái độ và hành vi xấu xa ấy.

Đương nhiên, nếu phụ huynh muốn thể hiện lòng yêu thương con trẻ bằng cách ôm ấp, cưng nựng thì xin hãy rất tự nhiên và giữ tâm trong sáng. Tiếp theo là ta cũng cần chú ý đến thái độ của con trẻ, xem con có thoải mái hay không. 

Nếu thoải mái và tự nhiên, tôi nghĩ việc vuốt ve, âu yếm, cưng nựng con trẻ sẽ rất tốt, vì khi đụng chạm nhau, ta đang tăng sự tự tin của con trẻ, giúp chúng cảm nhận sự thuộc về, và cảm nhận thể lý về khái niệm người thân. Trẻ được vuốt ve, yêu chiều sẽ học tốt hơn, nhớ tốt hơn, và tinh thần ổn định hơn.

Nhưng ngày nay khi cha mẹ và con cái ai cũng bận rộn hơn, chúng ta đang bỏ dần đi sự đụng chạm giữa người và người, thay vào đó ta đụng chạm nhiều hơn đến máy tính, và điện thoại thông minh của mình. Tuy nhiên, cho tôi lập lại, hãy giữ tâm trong sáng và hãy quan sát để đảm bảo con em ta được thoải mái, tự nhiên. Nếu không thoải mái, tự nhiên, ta hãy hỏi con và thay đổi cách yêu chiều sao cho phù hợp và thoải mái cho con.

- Tôi thấy các nước phương Tây quy định pháp luật về tình dục rất nghiêm khắc nhưng họ lại có quan niệm cởi mở về điều này. Ở Việt Nam quan niệm về tình dục vẫn còn rất khắt khe thì luật pháp dường như chưa nghiêm minh, ông có nghĩ như vậy không?

- Văn hóa phương Tây rất tôn trọng chủ nghĩa cá nhân, văn hóa phương Đông là sự cộng đồng, cộng cảm. Vì vậy ở phương Tây ngay khi đứa bé mới vài tháng tuổi đã có một phòng riêng, lớn lên độc lập cùng với bố mẹ, tạo cho đứa bé khái niệm tự lập từ rất sớm.

Vì vậy, bán kính không gian riêng tư từ thể lý đến tâm lý của người phương Tây có khuynh hướng rộng hơn người phương Đông của chúng ta. Đi ngoài đường chúng ta thấy người Việt hay đi chung nhóm, tay khoác tay, còn người phương Tây thì hay đi một mình, và nếu có đi chung thì chẳng bao giờ khoác tay nhau, trừ khi họ là người yêu hoặc người thân của nhau.

Không gian nhà Việt Nam truyền thống vốn thể hiện cái tình làng nghĩa xóm rất đẹp. Có hàng giậu thấp chứ không có hàng rào cao. Có lối vào mà không có cổng hay cửa. Thế nhưng sẽ không ai tự động vào nhà người khác mà không xin phép. Trong nhà cũng vậy, nhà truyền thống Việt Nam chỉ chia gian chứ không chia phòng. Không gian ngủ cũng tương tự, anh chị em ngủ chung với nhau, con út ngủ chung cùng bố mẹ là bình thường.

Ngó vậy thôi, chứ ngủ chung cũng có quy ước của nó, ai nằm kế ai, quay đầu thế nào, được làm gì, không được làm gì. Nếu tính tự giác của từng người dân trong từng gia đình là tốt, thì pháp luật sẽ chẳng cần can thiệp.

Truyền thống của ta về dục tính và các quan hệ xã hội liên quan đến giới tính vốn dĩ vừa nghiêm khắc vừa thân thiện và rất hiệu quả. Thế nhưng trong quá trình hội nhập ta đã để “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Khi nề nếp trong gia đình và chòm xóm không còn vững nữa thì tới lúc luật pháp phải lên tiếng rồi.

- Bộ luật Hình sự 2015 dành 5 điều luật quy định mức phạt với người có hành vi xâm hại tình dục trẻ em đó là Điều 142, 144, 145, 146, 147. Khung hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình. Nhưng thực tế dường như chưa có trường hợp nào bị nhận hình phạt. Ông có mong muốn có sự nghiêm khắc hơn ở pháp luật?

- Vai trò của luật là để ngăn chặn và răn đe, giáo dục. Nếu cần thiết có thể xử nghiêm một người để cứu vạn người là tính nhân đạo của pháp luật. Đương nhiên chẳng ai muốn tử hình ai cả, nhưng phải nhớ rằng pháp luật có nghiêm thì mới có tính giáo dục và ngăn chặn.

Chúng ta cũng cần lưu ý đến sự giới hạn của ngôn từ trong mọi hệ thống luật, vì cuộc sống vốn dĩ đa dạng và biến động không ngừng. Và hành vi được đưa vào luật hình sự đều là những hành vi tội phạm và luôn được đặt dưới góc nhìn của người gây hại và người bị hại. 

Vì thế mà việc xét xử thuần theo luật hình sự sẽ chưa truyền tải đầy đủ những thông điệp mang tính giáo dục và cho những bên có liên quan nhưng không chỉ là bên gây hại và bị hại, như nhà trường, gia đình, các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông. Tôi nghĩ song song với bộ luật phải có cơ chế khác.

Cụ thể, với những vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục ngoài luật chúng ta cần đến vai trò của các nhà tâm lý và những người làm công tác xã hội. Hiện nay tôi có cảm giác rằng người bị hại vẫn chưa được bảo vệ hợp lý. Dài hạn hơn, Chính phủ và ngành giáo dục hãy định cho đúng những giá trị sống phù hợp để trang bị cho các bé từ mầm non cho đến hết THPT. Vì lợi ích trăm năm trồng người là vậy.

- Trả lời phỏng vấn một báo mạng gần đây, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho biết, trong thời gian tới Ủy ban sẽ đề xuất với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát ở mức độ cao nhất đối với nội dung này. Ông có hi vọng khi cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn, việc xâm hại tình dục trẻ em sẽ giảm đi?

- Tôi nghĩ tệ nạn này nếu được hạn chế thì sẽ xì ra một tệ nạn khác vì cắt cỏ thì không thể nào triệt được cỏ. Đương nhiên, công tác tuyên truyền, giáo dục chúng ta cần những người đi cắt cỏ. Nhưng nếu chỉ quan tâm cắt cỏ là chưa ổn. Hãy đi vào hệ giá trị của chúng ta. Xin hãy hướng vào đúng gốc rễ vấn đề mà ra giải pháp. Như vậy vừa nhanh lại vừa bền vững.

- Cảm ơn ông đã trao đổi!

PGS - TS Trần Hữu Đức
.
.