“Nhà văn mà đưa ra giải pháp thì... rất nguy”
- Người cầm bút trong lực lượng CAND phải là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng
- Thiện tâm của những người cầm bút
“Bỏ ý tưởng đó đi, anh Phương không trả lời đâu” - một nhân vật của Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã nói như vậy khi nghe tôi thổ lộ ý tưởng thực hiện một cuộc đối thoại với nhà văn Nguyễn Bình Phương. Nhưng, rồi tôi cứ liều mình “Alo” và không biết có phải nhờ một cái duyên có trước nào đó hay không mà nhà văn Nguyên Bình Phương lại đột nhiên… gật đầu.
“Thú thật tôi thấy mình chỉ tự tin khi ngồi viết, chứ không phải ngồi đối thoại thế này, bởi chỉ có viết mới diễn tả được hết những ý nghĩ của tôi” - ông nói như vậy sau cuộc đối thoại. Tôi thì nghĩ khác, bởi những gì ông nói dù không “lên gân”, cách nói của ông dù không “đao to búa lớn” nhưng đã gợi cho người nghe nhiều ngẫm nghĩ sâu xa về trách nhiệm của nhà văn nói riêng và những người cầm bút nói chung trong một thời đại đã và đang có nhiều thay đổi.
Phải đi tìm căn nguyên đời sống
- Nhà báo Phan Đăng: Thưa nhà văn Nguyễn Bình Phương, chúng ta hãy bắt đầu câu chuyện bằng một từ “sứ mệnh”. Có lẽ khi bắt đầu bước vào nghề văn, phần lớn những người cầm bút đều chưa ý thức gì về “sứ mệnh” của mình, dù ai cũng biết văn chương là hoạt động sáng tạo đặc thù?
- Nhà văn Nguyễn Bình Phương: Đúng rồi. Theo chủ quan của tôi thì phần lớn các nhà văn cũng như những nghệ sĩ khác, khi bước vào nghề có thể cũng khá là vô định. Người ta chỉ nghĩ đến sứ mệnh sau khi đã đi một chặng và thấy tiếng nói của mình có trọng lượng. Mà thật ra tôi không thích từ “sứ mệnh” lắm, tôi nghĩ nhà văn là một nghề. Dù đấy là một nghề đặc biệt nhưng nhà văn không phải là siêu nhân. Cho nên, khi chúng ta dùng từ “sứ mệnh” thì tự nhiên chúng ta lại tách nhà văn ra khỏi đời sống này. Khi tôi nói “nhà văn là một nghề” thì nhà văn có nghĩa vụ và có quyền hạn của nhà văn.
Ảnh: Nguyễn Thắng. |
- Ông chia sẻ những câu chuyện, những cột mốc cụ thể trong đời viết làm thay đổi cái nhìn của mình về quyền và nghĩa vụ của người viết được không?
- Khi tôi viết cuốn tiểu thuyết “Những đứa trẻ chết già”, một bạn đồng nghiệp đọc xong rất thích. Anh ấy mang về quê cho bố đọc. Và anh ấy kể rằng: “Bố tôi đọc xong thì ném bụp cuốn sách xuống giường. Ông cụ bảo, viết thế mà cũng in à?”. Có thể là theo ông cụ, tại sao văn chương lại là cái thứ huyền ảo viển vông như thế? Những chuyện trong đó chẳng có thật, chẳng liên quan đến đời sống của một người nào cả. Tôi thấy là ông cụ cũng có lý một tý và chính những sự “có lý một tý” như vậy cứ điều chỉnh tôi dần dần.
Rồi sau này, khi tôi viết cuốn tiểu thuyết “Ngồi” thì tôi thấy có những bài báo phê bình khá nặng, trong đó có bài của một vị ở Quốc hội, in trên Báo Văn nghệ. Ông ấy lên án một số thứ trong đó, từ nội dung lẫn nghệ thuật. Về nghệ thuật thì tôi chẳng quan tâm đến nhận xét của ông ấy nhưng có một chi tiết khiến tôi phải nghĩ một tý, đó là khi ông ấy dùng từ “bố láo”. Chẳng là trong tiểu thuyết đó tôi có tả lại một đám tang và tôi đã để một nhân vật văng tục trong đám tang. Thì đấy, người phê bình nói rằng nhà văn để nhân vật văng tục trong một đám tang là “bố láo”. Những câu chuyện như thế khiến mình ý thức được rằng người ta sẽ để ý từng câu từng chữ được viết ra. Rất nhiều mẩu nhỏ như vậy khiến tôi thấy mình phải điều chỉnh ngòi bút khi viết những tác phẩm sau này.
- Vậy thì từ đó về sau, điều mà ông trằn trọc nhất mỗi khi cầm bút là gì?
- Thứ nhất là diễn đạt thật chính xác điều mình cần nói, thứ hai là chỉ ra được những căn nguyên của vấn đề. Ví dụ, nhà văn phải phản ánh và chỉ ra được rằng tại sao thời này con người lắt léo, dữ tợn như vậy? Tại sao đạo đức xuống cấp ghê gớm đến thế? Tại sao lí tưởng biến mất và những giá trị truyền thống bị phá vỡ? Tại sao con người lại thế này chứ không phải thế kia?
Tôi nhớ lần tôi sang Hàn Quốc giao lưu với các nhà văn quốc tế, một nhà văn, hình như của Ai Cập, cho rằng nhà văn phải chỉ ra các giải pháp để thay đổi đời sống. Lúc đó tôi có trao đổi lại, theo tôi nhà văn chỉ nên đặt câu hỏi, chỉ ra các căn nguyên của vấn đề mà đời sống đang lúng túng, chứ còn đưa giải pháp để thay đổi thì không phải chức năng của nhà văn. Khi nhà văn đưa ra giải pháp thì rất nguy hiểm. Bởi bản chất của nghệ sĩ là lãng mạn, viển vông, cho nên những giải pháp (nếu có) của anh ta cũng sẽ rất lãng mạn, viển vông, trong khi đời sống thì không thế. Giải pháp là công việc của những nhà chính trị tỉnh táo.
Tôi nghĩ nhà văn thường là những người có trực giác rất cao về đời sống, có tính nhạy lớn trong việc “ngửi” đời sống, từ đó có thể chỉ ra những vấn đề khiến cho các nhà chính trị phải suy nghĩ và tính toán các giải pháp. Nhưng, để nhà văn thực hiện tốt nghĩa vụ này thì cũng phải thấy được quyền hạn của họ.
- Tức là họ được tự do?
- (Gật đầu...) Nhưng đấy không phải là một thứ tự do vô lối mà nó phải gắn với trách nhiệm của nhà văn. Tôi lấy ví dụ: Nghĩa vụ của nhà văn là góp phần xây dựng nhân tính, hướng con người tới một đời sống tốt đẹp, nhân ái, vậy thì đồng nghĩa với việc họ có quyền viết về sự bất cập của một mô hình, có quyền viết về cái ác, về sự suy đồi, mất nết của mọi tầng lớp, mọi bộ phận trong cơ cấu xã hội đó, chứ không chỉ là riêng người dân đen.
Ví dụ nữa: nhà văn có nghĩa vụ gìn giữ và làm giàu thêm tiếng Việt, thì hiển nhiên là anh ta hoàn toàn có quyền phá vỡ những cấu trúc ngôn ngữ đã có để hướng đến những cấu trúc ngôn ngữ mới. Đại khái thì chúng ta nên tiếp tục có những cuộc thảo luận kỹ lưỡng để xác định cho rõ quyền và nghĩa vụ của nhà văn ở chỗ nào, chừng mực nào. Nếu không sẽ dẫn tới hiện tượng một đằng thì rụt rè, quanh quẩn, một đằng thì chủ quan, hống hách.
Có thực tài sẽ không bị ảnh hưởng
- Tôi nghĩ đây là điều sẽ còn gây tranh cãi bởi suy cho cùng xác định chừng mực của công việc sáng tạo với mỗi người, mỗi tầng lớp người là rất khác nhau. Tôi muốn hỏi là khi quan sát đời sống văn học đương đại, ông có thấy nhiều nhà văn có được những cảm nhận tinh tế về điều này, để thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ của mình với xã hội không?
- Tôi thấy nhiều chứ, ví dụ như các anh Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà, hay chị Nguyễn Ngọc Tư. Tôi nghĩ họ là những nhà văn có tác động rất lớn tới xã hội thông qua quyền và trách nhiệm của họ.
- Đấy đều là những cái tên đã được “đóng đinh” và phần đông công chúng đều đã thừa nhận. Ông có thấy những cái tên nào mới mẻ không? Ông có kỳ vọng vào lớp người viết 9X, 0X hay không?
- Tôi nghĩ là đừng kỳ vọng! Bởi vì văn học suy cho cùng là tự thân. Nhiều lúc tôi nghĩ văn học giống cây cối: đến mùa ra hoa, đến lúc đậu quả. Và nó cũng theo vụ mùa thôi, có mùa được, có mùa thất thu. Nếu một người có phẩm chất của nhà văn thì tự người ấy rồi sẽ thành nhà văn. Khi ông trời gieo hạt mầm văn học vào tâm hồn một người thì hạt mầm đó kiểu gì cũng nảy mầm. Có những hạt sau 20 năm sẽ nảy mầm, có những hạt sau 40 năm sẽ nảy mầm nhưng kiểu gì thì cũng nảy mầm. Tôi đoán những người trẻ cũng chẳng thích ai kỳ vọng vào họ cả. Họ có cả một chân trời mênh mông phía trước, sự kỳ vọng chính là cái khung khiến họ vướng bận.
- Tôi đồng ý một nửa với nhà văn Nguyễn Bình Phương, đó là văn chương suy cho cùng là năng khiếu và câu chuyện tự thân. Nhưng, tôi thắc mắc ở một nửa còn lại: nếu chúng ta cứ đổ hết cho “tự thân” thì vai trò của xã hội ở đâu? Vai trò của Hội Nhà văn ở đâu?
- (Nghĩ ngợi...). Thực ra thì Hội Nhà văn không có một tí phép màu nào cả, vì thế cũng chẳng có khả năng khi hô “khắc nhập” thì thi tài nhập vào nhà thơ trung bình nào đó, hô “khắc xuất” thì sự nhàn nhạt bong rời ra khỏi nhà văn nào đó, như cái anh chàng trong truyện “Cây tre trăm đốt” đã làm được. Hội không có khả năng đó. Điều mà Hội Nhà văn có thể làm là tạo ra một khí quyển thuận lợi để những người viết là hội viên có hứng khởi đi trên con đường của mình. Chỉ có thế thôi. Nhưng xét cho cùng thì tôi vẫn cứ phải nhấn mạnh rằng: một nhà văn có thực tài sẽ không chịu ảnh hưởng và chi phối quá nhiều bởi khí quyển xung quanh anh ta. Tôi cứ nghĩ vui vui rằng thực ra thì có 2 danh sách nhà văn song song tồn tại, một ở trên kia, do ông trời giữ, một ở chỗ số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hội Nhà văn giữ. Ai nằm trong danh sách trên kia thì... chắc suất hơn.
- Ông thấy là Hội Nhà văn Việt Nam trong những năm qua tạo được khí quyển tốt cho giới sáng tác chưa?
- Chỉ tạo được một phần nào thôi, chứ không phải tất cả!
- Có một dư luận văn chương được lập đi lập lại từ hàng chục năm trở lại đây, đó là Việt Nam ở thế kỷ 20 đã trải qua 2 cuộc chiến tranh vệ quốc nhưng tầm vóc của những tác phẩm văn học chiến tranh thì rất khiêm tốn. Có người còn bảo các nhà văn Việt Nam còn đang “nợ” dân tộc mình. Trong tư cách của một nhà văn và một nhà quản lý, ông nghĩ gì về điều này?
- Anh nghĩ lại mà xem, lịch sử dân tộc chúng ta là lịch sử chiến tranh, không phải đến thế kỷ 20, từ nhiều thế kỷ trước đó đã có nhiều cuộc chiến rồi. Tuy nhiên, nhìn vào những nhà thơ lớn nhất như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... thì những tác phẩm tiêu biểu của họ cũng không nhằm đến việc trả “nợ” các cuộc chiến tranh trước đó. Tôi nghĩ văn học về đề tài chiến tranh cũng rất cần nhưng cũng đừng có vội và sốt ruột. Mà với văn học nói chung, sốt ruột không giải quyết được gì đâu. Đến lúc nào có thì sẽ có thôi. Chúng ta chỉ nên sốt ruột về sự đa dạng, phong phú cũng như về ý thức của mỗi nhà văn thôi.
- Cũng giống như những đòi hỏi về văn học chiến tranh, hiện nay tôi thấy xuất hiện những đòi hỏi thế này: chúng ta đang chứng kiến một hiện thực phong phú về đời sống, nào là chống tham ô tham nhũng trong bộ máy, nào là xây dựng phát triển đất nước trong bối cảnh mới, vậy thì tại sao lại thiếu hẳn những tác phẩm văn học lớn về những mảng chủ đề này. Tôi nghĩ, quan niệm như vậy là đang lấy hiện thực làm tiêu chuẩn cho văn học, trong khi thực tế, bên cạnh hiện thực cuộc sống, nhà văn còn phải sống với những chân trời tưởng tượng ở bên trong mình nữa. Nếu chúng ta đòi hỏi nhà văn cứ phải nhất nhất chạy theo hiện thực thì vô tình chúng ta lại làm nghèo nàn hóa đời sống văn chương!
- Ở chỗ này lại phải tính một tý đến khái niệm “hiện thực”. Thế nào là hiện thực? Theo quan điểm cá nhân của tôi thì bất cứ cái gì con người viết ra, bất cứ cái gì thuộc về con người thì đều được coi là hiện thực. Ngay cả những ý nghĩ về một cõi nào đó, nếu bắt đầu từ con người thì nó cũng là một thứ hiện thực. Văn học xét cho cùng không thoát khỏi hiện thực đâu. Nhưng, hiện thực ở đây không chỉ là sao chép đời sống, mà còn là sao chép cả những ý nghĩ viển vông nào đó trong đầu mình.
- Tức là có những tầng mức hiện thực khác nhau và không thể ép nhà văn chỉ được sống với tầng hiện thực cụ thể?
- Đúng rồi.
Ảnh: Nguyễn Thắng. |
Có những tác phẩm viết ra chẳng để làm gì
- Nền văn học trung đại có truyền thống lấy hiện thực cụ thể làm đối tượng để nghiền ngẫm. Người làm thơ thường cũng là một nhà chính trị, một nhà tu... Người làm thơ đặt mình vào hiện thực, cật vấn vai trò cá nhân trong hiện thực và tôn theo quan điểm “văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí”. Đây là một quan niệm về vai trò của người cầm bút mà theo tôi là đến tận ngày hôm nay vẫn còn giá trị. Bằng chứng là hôm nay ngồi đọc lại những câu thơ như “Múa giáo non sông trải mấy thu/ Ba quân hùng khí át sao ngưu/ Công danh nam tử còn vương hận/ Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu...” (Thuật Hoài - Phạm Ngũ Lão), chúng ta vẫn thấy sửng sốt trước vẻ đẹp cổ kính và cái hùng tâm lớn lao mà nó đặt ra. Nhưng thời đại hôm nay, với những tầng mức hiện thực như chúng ta vừa bàn thì theo ông, bên cạnh nguyên tắc “văn dĩ tải đạo...”, nhà văn có thể đi theo những nguyên tắc, những ý hướng nào khác không?
- Tôi luôn nghĩ theo hướng mở, vì mọi thứ là tự do mà. Nghĩ về văn chương và nghĩa vụ người cầm bút theo cách đó cũng là một quan điểm. Cũng luôn cần những nhà văn đi theo hướng đó. Nhưng, nó không phải là tất cả. Càng không thể bắt tất cả các nhà văn hôm nay khi cầm bút đều phải theo đúng quan điểm đó. Có những người sáng tác chỉ khám phá con người cá nhân, chú ý đến sự tinh tế của các dây thần kinh như Xuân Diệu, lại có những người đi vào thời đại bằng toàn bộ hùng tâm của mình như Tố Hữu. Theo những cách đi riêng của mình, cả Xuân Diệu lẫn Tố Hữu cuối cùng đều thành... đường cả. Mà đường Xuân Diệu và đường Tố Hữu cũng đều hoành tráng cả đấy chứ. Khi đã vượt lên mặt bằng chung để đạt tới một độ lớn nhất định nào đó rồi thì mọi đỉnh núi đều bằng nhau.
- Điều mà độc giả kỳ vọng là ở mỗi thời kỳ đều phải có “đỉnh”, đúng không ạ?
- Đúng! Tôi thấy, bây giờ có những tác phẩm vô thưởng vô phạt, nó cứ nhàn nhạt, không nhắm đến một ý hướng, một thông điệp rõ ràng. Độc giả đọc cũng được mà không đọc cũng được. Sự xuất hiện của những tác phẩm loại này rất đáng sợ. Nghệ thuật phải tránh cái đó. Chúng ta phải tránh cái đó, dù tôi biết, rất khó.
- Tôi thử nghĩ thế này, văn học bây giờ mất giá một phần vì sự xuất hiện của không ít những tác phẩm nhàn nhạt như ông nói, nhưng một phần khác liệu có đến từ những thay đổi về nhu cầu giải trí và thưởng thức tác phẩm của độc giả ngày hôm nay không? Nếu như những năm 80-90 của thế kỷ 20, văn học là một kênh giải trí lớn thì bây giờ con người hiện đại có quá nhiều những kênh giải trí lớn và hấp dẫn khác. Người ta thậm chí còn sợ rằng, với sự tràn ngập của những kênh giải trí như vậy, khi lớn lên, phần lớn những đứa trẻ sinh sau năm 2000 rồi sẽ trở thành những con người nghèo đói văn chương. Là một người làm nghề lâu năm, ông nghĩ gì về điều này?
- Tôi không nghĩ thế! Văn học luôn có chỗ đứng sang trọng của nó, vì nó chính là lịch sử tâm hồn của con người. Chừng nào còn con người thì còn văn học, còn văn học thì còn người đọc. Văn học luôn có sức hút ma mị của nó, nếu nó bị lạnh nhạt thì là do chất lượng từng tác phẩm cụ thể chứ không phải do sự phát triển của các hình thức giải trí khác, càng không thể đổ lỗi cho độc giả được. Ở trong nước, tại sao tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh vẫn bán được ghê gớm đến như thế? Ở phạm vi quốc tế, tại sao Nobel Văn chương vẫn cứ được quan tâm đặc biệt đến như thế? Sự khác biệt với thời trước có chăng nằm ở chỗ: ngày xưa do sự thiếu thốn của các loại hình giải trí nên độc giả vẫn có thể đọc những tác phẩm nhàn nhạt để “cầm hơi”. Nhưng bây giờ độc giả có quyền sang chảnh đòi hỏi, lựa chọn những tác phẩm có “độ đạm” cao, vậy thôi.
- Như vậy là theo ông, nhà văn thời nay cũng không khó, không khổ gì hơn so với những nhà văn thời trước trong câu chuyện chinh phục độc giả?
- Nhu cầu đọc vẫn tồn tại, nhu cầu bồi đắp tâm hồn vẫn tồn tại, thậm chí nhu cầu định hướng lòng tốt bên trong mỗi cá nhân vẫn luôn tiềm ẩn. Nhưng, họ có thể tìm và được đáp ứng ở đâu? Khi nhà văn không đem đến, họ tìm ở điện ảnh. Khi điện ảnh không đem đến, họ tìm ở âm nhạc. Khi âm nhạc không đem đến, thậm chí tôi nghĩ họ cũng có thể tìm nó ở games. Tôi không thích cứ đẩy vấn đề cho độc giả.
Tôi nghĩ độc giả chẳng có lỗi gì trong câu chuyện này.
- Xin cảm ơn ông!
Nhà văn Việt Nam có quyền nghĩ đến Nobel Văn chương - Theo ông, nhà văn Việt Nam liệu có quyền mơ về Nobel Văn chương không? - Theo chủ quan của tôi thôi nhé, xin nhắc lại là chủ quan của tôi, thì chất lượng văn học của chúng ta hiện nay không quá chênh lệch so với quốc tế. Nhưng, cái thấp trông thấy của ta là việc chuyển dịch và quảng bá các tác phẩm ra bên ngoài. Khi đọc tác phẩm của một số nhà văn đình đám trên thế giới hiện nay được dịch ra tiếng Việt, tôi thấy nhiều nhà văn Việt Nam, như Nguyễn Huy Thiệp, như Bảo Ninh chẳng hạn, cũng chẳng kém gì đâu.
- Văn chương của Nguyễn Huy Thiệp cũng đã được dịch ra nước ngoài đấy thôi. - Đấy là trong những trường hợp người ta tìm đến với anh ấy, chứ ở cấp độ quốc gia, chúng ta chưa có những chiến dịch mở rộng, quảng bá các tác phẩm của anh ấy một cách quy mô. Ở đây một phần trách nhiệm có thể đến từ Hội Nhà văn. - Tức là theo ông chúng ta có quyền nghĩ đến một Nobel Văn chương trong tương lai? - Có quyền chứ! Tôi nghĩ là một vài thập niên tới, chúng ta cũng sẽ có những nhà văn khiến bên ngoài ngả mũ. - Cá nhân ông khi cầm bút viết có bao giờ thấp thoáng nghĩ đến điều này không? - (Cười lớn...) Không! Tôi chưa... điên. |
Có thể làm hỏng lịch sử, nếu… - Trên thế giới hiện nay từng có chuyện robot làm thơ, robot viết văn. Có nhà văn thế giới cảnh báo: đến một ngày nào đó robot có thể cướp việc của các nhà văn. Sự lo lắng có vẻ thái quá phải không ạ?
- Riêng về nghệ thuật tôi không tin vào máy móc. Tôi không tin là robot và máy móc có thể làm thay việc của nhà văn là mổ xẻ tâm hồn con người. Nhà văn cứ yên tâm mà viết, máy móc vĩnh viễn không thể soán ngôi nhà văn. Nhưng, thời đại công nghệ có một đặc điểm khiến các nhà văn buộc phải suy nghĩ, đó là nó khiến các huyền thoại bị mất dần. Huyền thoại bao giờ cũng được bao phủ bởi một lớp sương, trong đó có những lớp sương thông tin mờ nhòe. Nhưng, bây giờ Google đã khiến mọi thứ lù lù ở lại một chỗ, đã khiến tất cả sáng trưng lên, chẳng còn lớp sương mù nào nữa. Có lẽ vì điều này chăng mà bây giờ ở Việt Nam rất nhiều nhà văn quay về chơi với những huyền thoại xưa thông qua hình thức tiểu thuyết lịch sử. - Viết tiểu thuyết lịch sử bây giờ xuất hiện như một xu hướng. - Nhưng, dường như có một chút nhầm lẫn trong xu hướng ấy. Theo tôi, nếu như coi lịch sử là một hình hài thì hình hài ấy chính là con người. Nhà văn có thể nhìn vào mắt của lịch sử để viết về những u ẩn hay sự hân hoan của nó. Có thể nhìn vào bàn tay của lịch sử để viết về sự nâng đỡ nhân ái hay sự xuống tay tàn khốc, đẫm máu mà nó nhắm vào đồng loại. Rồi có thể nhìn vào từng bước chân lịch sử để cảnh báo cho số phận con người đương đại hoặc dự báo cho số phận dân tộc mình. Tôi nghĩ viết về lịch sử là để giải phóng cho sự bế tắc hôm nay chứ không phải để biến lịch sử thành con rối. - Muốn vậy phải có tầm tư duy và những cảm nhận hết sức tinh tế về cả lịch sử lẫn văn chương? - Đúng rồi! Tôi thấy lịch sử có vẻ đang bị một số người viết, một số thôi chứ không phải tất cả, đem ra mân mê, vần vò. Đôi khi hậu thế làm cho lịch sử trở nên nhếch nhác mà chẳng biết. |