Nhà văn Ngô Thảo: Văn học đang xa rời đời sống

Thứ Sáu, 12/06/2015, 16:11
Là nhà văn, nhà phê bình văn học, nhưng ông Ngô Thảo lại từng có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực sân khấu, có tới 3 nhiệm kỳ tham gia Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, 2 nhiệm kỳ là Phó Tổng thư ký thường trực Hội.

Những năm 80-90 của thế kỷ XX là những năm sân khấu hoạt động sôi nổi, có nhiều thành tựu, trong đó có phần đóng góp công sức đáng kể của những người làm công tác quản lý Hội như ông Ngô Thảo.

Đối với giới sân khấu, Ngô Thảo dường như là người ngoại đạo. Nhưng khi tham gia Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ sân khấu, ông vẫn luôn được yêu mến, dù ông không liên quan đến sàn diễn, cũng không viết kịch bản, mà bởi ông là một nhà tổ chức có khả năng tập hợp rộng rãi anh chị em nghệ sĩ, giúp đỡ tạo điều kiện tốt cho công việc chuyên môn của họ. Hơn thế, ông Ngô Thảo còn có công “lôi kéo” rất nhiều nhà văn tham gia vào công việc sáng tác kịch bản phục vụ cho sân khấu.

Dẫn giải một chút về công việc của nhà văn Ngô Thảo để nói vì sao chúng tôi chọn phỏng vấn ông cho chuyên mục “Trò chuyện và suy ngẫm” kỳ này, cùng đối thoại về câu chuyện văn học mà giới cầm bút cả nước đang quan tâm, trước thềm Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX - câu chuyện làm thế nào để đưa tác phẩm văn học vào đời sống trong một xã hội quá no đủ các phương tiện giải trí, và làm công tác Hội cần phải lựa chọn những người như thế nào.

- Phóng viên: Thưa ông, ở tuổi ngoài 70 và đã tham gia nhiều kỳ đại hội, ông đón nhận Đại hội Hội nhà văn lần thứ IX sắp diễn ra trong tâm thế như thế nào?

- Nhà văn Ngô Thảo: Tại Đại hội Hội Nhà văn toàn quốc lần thứ VII (năm 2005), trong kết thúc tham luận đọc tại Đại hội, xác định vị trí của nhà văn trong giai đoạn mới, tôi đã nhắc lại lời của nghệ sĩ sân khấu Tư Chơi dặn nhà văn bậc thầy Trang Thế Hy: “Cuộc đời ác nghiệt này lâu lâu nó cũng chơi cái trò tặng phẩm bất ngờ… Khi nào biết mình viết hết được rồi thì con phải đi chỗ khác chơi, đừng bẹo hình bẹo dạng ở chỗ trường văn trận bút và tuyệt đối đừng để những người hâm mộ mình đọc những câu lếu láo”. Tôi rất thuộc lời dặn đó. Và không phải đến tận Đại hội IX lần này đâu, mà ngay từ Đại hội lần thứ VII ấy, tôi đã thấy một số người, trong đó có tôi, đã đến thời điểm “đi chỗ khác chơi”. Chục năm qua tôi cũng đã xa dần trường văn trận bút rồi. Đại hội cơ sở khối nhà văn các cơ quan Trung ương vừa rồi tôi đến dự và cũng đã phát biểu nói rõ, tôi đến chào các bạn thôi, chứ tôi xin rút tham gia danh sách bầu đi dự đại biểu Hội Nhà văn toàn quốc, để nhường chỗ cho các nhà văn trẻ, những người đang sung sức.

- Nhưng thực tế là ông lại có số phiếu bầu cao nhất nhì đại hội cơ sở, và là đại biểu chính thức đi dự Đại hội toàn quốc. Nghĩa là nhiều đồng nghiệp cầm bút vẫn muốn ông ở chơi chốn này. Để nói về nỗi băn khoăn lớn nhất của ông khi đề cập đến câu chuyện văn chương ở xứ mình ở thời điểm hiện tại, ông muốn nói điều gì?

- Cho đến giờ chúng ta có hơn 1.000 nhà văn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Số này là ít hay nhiều so với dân số trên 90 triệu người?  Tất nhiên có một số lượng người viết không phải hội viên Hội Nhà văn nữa, nhưng tôi nghĩ con số nhà văn như vậy vẫn là quá ít so với nhu cầu của xã hội. 90 triệu dân, nhu cầu đọc là rất lớn. Chúng ta cũng có 700 tờ báo, 50 nhà xuất bản, 70 đài phát thanh truyền hình, hàng trăm đơn vị sân khấu, mấy chục hãng phim nhà nước và tư nhân. Mỗi một đơn vị báo chí truyền thông xuất bản điện ảnh đó đều cần đến tác phẩm văn học. Chỉ tính riêng các đài truyền hình chỉ cần có phim Việt phát sóng tỷ lệ 50% số giờ phát sóng để không bị phim nước ngoài ồ ạt xâm lấn thì mỗi năm đã cần tới hàng ngàn tập phim rồi. Tôi không lạc đề nói về điện ảnh truyền thông đâu, mà tôi chỉ có ý nhấn mạnh rằng đội ngũ nhà văn tham gia vào những lĩnh vực này ở ta còn ít quá, hiếm quá. Nó đều là công việc văn học và liên quan đến văn học cần nhà văn tham gia. Thậm chí đến giờ, kịch bản phim truyền hình các hãng phim vẫn phải đi mua. Ở các nước phát triển, nhà văn làm nhiều việc lắm. Họ viết sách, viết kịch bản, chủ động đưa tác phẩm của mình vào các lĩnh vực giải trí khác. Ở ta thì các nhà văn làm công việc còn rất đơn điệu, và hay tự xếp mình cao giá, hay quan trọng hóa việc viết, nhưng thực ra đóng góp cho xã hội còn hạn chế.

Về văn hóa đọc, nhà nước đang đặt chỉ tiêu 5 cuốn sách một người mỗi năm. Con số 5 ấy nhân với 90 triệu dân nó khổng lồ thế nào. Trong khi nhà văn của ta thì sao. Tôi cứ tính sơ là 500 nhà văn có sách in mỗi năm đi, nhân với trung bình 1.000 bản in mỗi cuốn như hiện nay, thì số sách nhà văn sản xuất ra hàng năm lọt thỏm trong nhu cầu đọc của toàn xã hội. Theo tôi hiện nay trong văn xuôi, hội viên thì đông nhưng chỉ có khoảng 200 nhà văn đang thực sự viết. So sánh như vậy để thấy Hội nhà văn và các nhà văn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

- Nguyên nhân của tình trạng này là do đâu, thưa ông?

- Bấy lâu nay chúng ta đã để nhà văn sống và viết như kiểu hoa dại mọc. Nghĩa là không có một sự chăm sóc, đầu tư thích đáng. Cùng hệ thống nhưng hãy xem bên thể thao họ làm gì. Họ phát hiện những tài năng từ khi còn rất nhỏ, cho đi tập huấn nước ngoài, có huấn luyện viên riêng, được thi đấu cọ xát với các vận động viên quốc tế. Mà tài năng và thành tích trong thể thao thì tôi nói thật là không bền vững, vận động viên thi đấu chỉ ở một độ tuổi nào đó, kỷ lục nào rồi cũng sẽ bị phá, không sớm thì muộn. Trong khi đó lĩnh vực văn chương thì gần như bỏ ngỏ, không thấy có động tác phát hiện, bồi dưỡng, khuyến khích, đào tạo, động viên, hỗ trợ…

- So sánh văn học với thể thao sợ rằng hơi khập khiễng, thưa ông. Vì nhà văn, như người ta vẫn nói, là không đào tạo được, là trời cho...

- Tôi không thấy gì khập khiễng cả. Chính vì chúng ta quan niệm tài năng trong văn học là trời cho nên nền văn học của chúng ta bao năm vẫn lèo tèo như vậy, ít tác phẩm đỉnh cao và người viết thì nghiệp dư, cùn mòn, lười nhác. Vì họ đang làm một công việc cống hiến trí tuệ cho xã hội một cách “miễn phí”. Chữ miễn phí ở đây là tôi dẫn lời một nhà văn trẻ trả lời phỏng vấn trên một tờ báo, mà tôi thấy là hoàn toàn đúng. Các nhà văn đang nhìn công việc của mình là một công việc đóng góp chỉ có một chiều, có thể mang lợi ích cho xã hội, chứ không mang lại lợi ích cho cá nhân mình là bao. Văn học không giúp cho điều kiện sống của nhà văn tốt lên. Đã không có lợi ích, thì đòi hỏi nhà văn mặn mà với công việc của mình là rất khó.

Nếu chúng ta thực sự quan niệm văn học là một lĩnh vực, một công việc, một nghề, thì chúng ta phải đầu tư chứ, giống như thể thao hay bất cứ lĩnh vực nào khác. Bằng cách những tài năng khi xuất hiện phải được giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển. Thực tế là ngày càng ít người trong giới trẻ theo đuổi công việc văn chương, vì họ nhìn vào cách xã hội ứng xử với nghề văn, họ nản. Nhà văn phần lớn không thể sống được bằng công việc viết. Ai dại gì mà đi chọn một công việc như vậy để lập thân, trong khi trước mắt có bao nhiêu lựa chọn khác tốt hơn. Tôi xin nói thật rằng trong làng văn ở ta xưa nay quen quan niệm tiền bạc không quan trọng, không cần thiết, cứ như thể nhà văn thì không có nhu cầu tiêu tiền, không có nhu cầu được sống sung sướng. Đây là cái nhìn rất tai hại. Nhà văn mà bận lo cơm lo áo thì không yên tâm mà ngồi viết được đâu. Và ngày hôm nay, không có cái gì làm cho ra hồn mà thiếu sự đầu tư của đồng tiền. Nói thế không phải tôi đang nệ tiền trong viết lách, mà tôi chỉ ra một thực tế là người ta không bao giờ chọn nghề nào nếu nghề đó không mang lại cho người ta một cuộc sống ít nhất là không nghèo khó. Giới trẻ họ nhìn nghề ca sĩ kiếm nhiều tiền họ sẽ học thanh nhạc, sẽ khổ công luyện tập để trở thành ca sĩ. Nghề cầu thủ đá bóng lương cao, sẽ có nhiều thanh niên theo đuổi. Tôi nghĩ viết văn cũng vậy thôi. Nếu xã hội đánh giá nghề văn đúng với vị trí của nó và nhà văn sống được bằng viết sách, họ sẽ đầu tư công sức hơn. Tất nhiên trong nghệ thuật, tài năng là yếu tố quyết định, nhưng cũng không thể nói tiền không phải là động lực quan trọng để người ta sống chết với nghề.

- Cụ thể với Hội nhà văn, một Hội nghề nghiệp thì theo ông, Hội đã làm được gì để nâng tầm ảnh hưởng của nhà văn đối với xã hội?

- Nhìn theo quan điểm là một tổ chức xã hội, thì Hội Nhà văn cần phải thay đổi nhiều. Trước tiên phải đánh giá lại sự tồn tại của Hội có ý nghĩa như thế nào đối với cá nhân nhà văn, đối với nền văn học nói chung. Liệu lập ra một Hội chỉ để thụ động ngồi chờ những người cầm bút đến xin nộp đơn vào Hội là đủ chăng? Tôi nghĩ, Hội không phải như vậy. Công việc chính của Hội là phải đề ra các hoạt động thiết thực, làm sao để người viết thấy Hội là một ngôi nhà chung, một địa chỉ uy tín, hấp dẫn để họ hăm hở đến. Hội giúp cho người viết tăng thêm cái danh, và nếu tăng thêm cái lợi càng tốt, điều này sẽ khiến cho nghề văn trở nên sáng giá hơn mà thôi.

- Thưa ông, thiết nghĩ cái danh nhà văn là do chính tài năng của nhà văn tạo nên, chứ sao lại trông chờ vào tổ chức Hội?

- Tôi nói Hội tăng cái danh cho nhà văn, chứ không phải tạo ra cái danh cho nhà văn. Chẳng hạn như thế này, nhà văn viết một cuốn sách, đó là công việc cá nhân của anh ta, không ai thay thế anh ta được cả. Nhưng nhà văn không phải người có thể làm tốt công việc in ấn, xuất bản, phát hành, quảng bá, đưa tác phẩm của mình vào công chúng. Nói “hữu xạ tự nhiên hương” trong việc này cũng ở nghĩa vừa phải thôi. Vì ngày hôm nay cái gì cũng phải chuyên nghiệp, phải có cả hệ thống hỗ trợ mới có sức lan tỏa nhanh và mạnh được. Một tác phẩm hay, tự thân nó có giá trị. Nhưng nếu Hội Nhà văn giúp đỡ các khâu phía sau cuốn sách, đóng vai trò như một bà đỡ, thì sức ảnh hưởng của tác phẩm tới độc giả rõ ràng lớn hơn chứ. Nhu cầu đọc sách của một đất nước 90 triệu dân là rất lớn, mà số lượng sách văn học xuất bản cứ làng nhàng 1.000 bản mỗi tác phẩm, lay lắt trên các tiệm sách. Các tác phẩm có chất lượng cũng không bán được, trong khi sách ngôn tình nhập khẩu từ nước ngoài cứ phát hành ùn ùn và người mua thì như lên cơn sốt. Nếu Hội Nhà văn thực sự quan tâm đến đời sống văn học và có ý thức đưa các tác phẩm văn học có giá trị đến với bạn đọc mạnh mẽ quyết liệt hơn, thì phải thường xuyên tổ chức các hội thảo về những cuốn sách hay, những tác giả đang được dư luận quan tâm, đồng thời hỗ trợ công tác phát hành, quảng bá cho nhà văn, chắc chắn độc giả sẽ đón nhận tác phẩm tốt hơn. Còn về cái lợi mà Hội có thể làm cho nhà văn thì tôi cũng có thể ví dụ luôn ở động tác hỗ trợ sáng tác mà Hội hiện nay đang làm. Cái gọi là hỗ trợ sáng tác của Hội hiện nay là rất vu vơ. Hội thích hỗ trợ ai thì hỗ trợ, không cần biết sau đó tác phẩm có ra đời hay không, hay hay dở. Nói vui thế này, nếu tôi mà cầm tiền của Hội, tôi không đầu tư sáng tác kiểu cào bằng. Tôi chỉ đầu tư cho tác giả sau khi đã nhìn thấy tác phẩm và tác phẩm đã được thẩm định đánh giá. Chẳng hạn nhà văn A viết một cuốn tiểu thuyết hay, một tập thơ tốt, được dư luận đánh giá cao, có các nhà phê bình thẩm định rồi, tôi gọi họ đến, trao cho họ một khoản tiền xứng đáng để họ tái đầu tư sức sáng tạo. Các tác phẩm hay của hội viên được đăng tải trên hệ thống báo và tạp chí của Hội cũng sẽ được trả nhuận bút cao gấp nhiều lần những tác phẩm bình thường. Nên tránh việc đầu tư sáng tác theo kiểu ban ơn, chẳng đầu chẳng đũa như hiện nay đang làm.

Ảnh: Phương Thúy

Ở đây cho tôi nói thêm về các trại sáng tác của Hội nhà văn bấy lâu nay có nhiều bất cập. Trại sáng tác nên được xem là “di tích” của thời bao cấp, còn trong điều kiện môi trường xã hội hiện nay không phù hợp nữa. Tôi không biết Hội có một cuộc tổng kết nào đánh giá số lượng, chất lượng tác phẩm của nhà văn sau các trại sáng tác không, nhưng theo tôi là không ăn thua gì. Vì những nhà văn tham gia trại sáng tác của Hội cơ bản chỉ là các nhà văn cao tuổi, hết khả năng sáng tạo. Những người về hưu có nhiều thời giờ, đến trại sáng tác với tâm lý đi nghỉ dưỡng, đi chơi. Còn những người đang tuổi sung sức sáng tạo phần lớn lại bận công việc, không tham gia được. Như vậy tiền Nhà nước đầu tư cho văn học, tiền thuế của dân là lãng phí. Kinh phí tổ chức các cuộc tốn kém đó theo tôi nên dành để đầu tư cụ thể vào từng tác phẩm, cho những nhà văn còn sung sức, đang ấp ủ nhiều ý tưởng sáng tạo thì hiệu quả hơn.

- Vậy theo ông, đâu là những việc cơ bản mà Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa tới nên làm và cần làm?

- Trong dự thảo điều lệ của Hội lần này có nói, người giữ chức Chủ tịch Hội sẽ là người đứng đầu các hội đồng chuyên môn, theo tôi không nên. Như vậy dễ tạo ra sự quan liêu không khách quan. Còn các hội đồng chuyên môn như hội đồng thơ, hội đồng văn xuôi… theo tôi không chỉ bao gồm các nhà văn nhà thơ mà phải có các nhà phê bình, những người có trình độ thẩm định đánh giá tác phẩm. Không phải nhà văn nhà thơ nào cũng có khả năng thẩm định phê bình tác phẩm văn học, chúng ta phải rõ ràng điều đó ra. Các hội đồng chuyên môn cũng không nên tồn tại theo kiểu thụ động như từ trước đến nay nữa, là một năm họp vài lần xét đề nghị mấy cuốn sách đưa lên ban chấp hành, hay xét kết nạp hội viên mới. Các hội đồng chuyên môn phải năng động hơn, giúp các hội viên trong lĩnh vực hẹp mình phụ trách, cùng với Hội đưa tác phẩm văn học vào đời sống...

- Theo ông, các nhà văn hội viên nên lấy tiêu chí nào để bầu chọn Ban chấp hành Hội: Những người tài năng xuất sắc hay những người có khả năng làm công tác tổ chức?

- Tôi nghĩ trong việc bầu Ban chấp hành nên lấy tiêu chí quan trọng đầu tiên, là những người giỏi công tác tổ chức đã. Cố nhiên, họ là những nhà văn có uy tín văn chương nữa thì còn gì bằng. Nhưng ở đây tôi xin nhấn mạnh một thực tế, là không phải ai giỏi văn chương cũng có khả năng làm tổ chức. Đôi khi các nhà văn giỏi còn sợ công tác tổ chức, công tác quản lý và chúng ta cũng không cần thiết phải để các nhà văn giỏi nhất đi làm công tác quản lý Hội. Họ đóng góp bằng tác phẩm cho xã hội còn quý hơn chứ. Cho nên, theo tôi là chúng ta bầu những nhà văn có năng lực tổ chức, có khả năng kết nối anh em trong hội, có nhiệt huyết sẵn sàng phục vụ các nhà văn hội viên, hỗ trợ họ trong công việc sáng tác và quảng bá tác phẩm…

- Khi ông giữ cương vị Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu và ba khóa liền tham gia Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ sân khấu, rõ ràng ông không phải là người giỏi chuyên môn...

- Đúng, tôi là nhà văn, sao có thể là người giỏi trong lĩnh vực sân khấu được. Nhưng nghệ sĩ ngành sân khấu bỏ phiếu cho tôi, là để tôi giúp họ những công việc liên quan đến công tác tổ chức. Tôi cũng tự thấy mình có khả năng đó, khả năng kết nối anh em nghệ sĩ, làm các công việc hậu cần để tạo điều kiện cho các nghệ sĩ sáng tạo tốt hơn. Tổ chức các hội diễn, các trại sáng tác, hỗ trợ hội viên khó khăn ở xa trung tâm, mời gọi các nhà văn tham gia vào lĩnh vực sáng tác kịch bản cho sân khấu, quan hệ với truyền thông báo chí, các kênh phát hành, xuất bản để sân khấu có vị trí xứng đáng hơn trong đời sống văn học nghệ thuật… là những việc tôi đã làm và ít nhiều làm được, được anh em giới sân khấu ghi nhận. Tôi nghĩ rằng văn học cũng vậy thôi. Chúng ta cần những người tâm huyết với công tác Hội trước tiên đã.

- Ông quan niệm làm công tác quản lý trong các hội nghề nghiệp nói chung, là làm quan hay đơn giản chỉ là công việc phục vụ anh em hội viên?

- Nếu mà quan niệm làm công tác quản lý Hội là làm quan thì nguy to. Làm công tác tổ chức Hội nghĩa là phục vụ các hội viên, hỗ trợ bảo vệ họ khi cần, tạo điều kiện cho họ sáng tác tốt hơn.

- Nhìn từ góc độ của một nhà văn cao tuổi, ông thấy Hội Nhà văn hiện nay đang có sức hấp dẫn ở mức độ nào đối với các nhà văn trẻ?

- Hội nhà văn rõ ràng chưa tạo ra được một sức hút đặc biệt đối với các nhà văn trẻ. Rõ ràng nhiều người cầm bút trẻ chưa thấy việc vào Hội là cần thiết. Một số người tuyên bố họ không muốn vào Hội. Bởi vì họ nhìn thấy Hội không đóng vai trò gì khả dĩ đối với công việc sáng tác của họ. Hội không bảo vệ họ khi cần, không hỗ trợ họ điều kiện sáng tác về cả tinh thần lẫn vật chất. 

Những động viên của Hội với những nhà văn lớp trước, giới trẻ họ nhìn cũng “cò con”, qua loa hình thức nên họ không đến là dễ hiểu. Mỗi kỳ hội họp, nhìn quanh, chỉ thấy toàn nhà văn già, ít sinh khí, lại ít đọc lớp trẻ, tâm lý còn xoa đầu lớp trẻ, thì người viết trẻ xuất hiện ở đó họ thấy không tự nhiên, không có vai trò đáng kể gì, họ đi “chơi” chỗ khác. Tuổi trẻ thường có nhiều sân chơi để lựa chọn mà. Một khi người cầm bút trẻ không mặn mà với Hội, không tham gia vào tổ chức Hội thì có thể nhìn thấy tương lai của Hội như thế nào rồi.

Quay lại vấn đề trẻ hóa ban chấp hành Hội và trẻ hóa nền văn học như một số báo đặt vấn đề, tôi nghĩ thế này. Trẻ hóa nền văn học là việc đương nhiên, là tất yếu. Xưa nay sáng tạo bao giờ cũng thuộc về tuổi trẻ, về lớp trẻ. Và tương lai của một nền văn nghệ là ở trong tay những người sáng tạo trẻ. Chúng ta phần nào chưa đặt đúng vai trò, đóng góp của giới cầm bút trẻ trong cả một nền văn học. Ban chấp hành đưa những người trẻ vào thì chỉ làm cho công tác Hội giàu sức sống hơn, năng động hơn. Những người làm công tác Hội, theo tôi, là cần phải đặc biệt quan tâm đến lớp trẻ. Phát hiện, bồi dưỡng, khuyến khích, tạo điều kiện cho họ sáng tác, đừng làm khó dễ họ. Nhà văn trẻ của ta ít được ra nước ngoài học tập và thường yếu về ngoại ngữ, đấy là thiếu sót đáng quan ngại. Trở thành nhà văn không ai dạy được, nhưng đào tạo, kỹ năng bổ sung kiến thức chưa bao giờ là không cần với người cầm bút, nhất là khi họ còn trẻ và có tài. Rất nhiều nhà văn trẻ tài năng hiện nay sống bằng nghề làm báo. Họ phải mưu sinh và ít thời gian dành cho công việc sáng tác.

- Chúng ta nói xã hội chưa đánh giá đúng vai trò của nhà văn, nhưng có một thực tế là ngay trong nội bộ các nhà văn, việc nhìn nhận, đánh giá, thừa nhận nhau hình như vẫn luôn là một nỗi ái ngại. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?

- Tôi là một người cầm bút già, đã dự nhiều kỳ đại hội và đã xác định “đi chỗ khác chơi” rồi, nhưng mỗi khi trước kỳ đại hội diễn ra, lại vẫn hay có cảm giác buồn lòng. Buồn lòng khi chứng kiến một số ứng xử của nhà văn với nhau. Họ chê bai nhau, nặng lời với nhau, thậm chí xúc phạm nhau dẫn đến mất đoàn kết, thật không hay ho gì. Ngay trong Ban chấp hành Hội, nhiều ý kiến trên diễn đàn không bằng lòng với nhau việc này việc kia, chê bai việc này việc nọ, làm sao hội viên người ta tin vào lãnh đạo Hội.

Các nhà văn nên nhớ rằng, để có hơn 1.000 hội viên trong số 90 triệu dân, thì cuộc lựa chọn này chắc chắn phải là một cuộc lựa chọn khắt khe vô cùng. Các lĩnh vực văn học nghệ thuật khác như sân khấu, điện ảnh... đông hội viên hơn rất nhiều. Không nghiêm trọng hóa nghề văn nhưng rõ ràng trở thành một nhà văn là không dễ. Vậy mà không ít người trong đội hình khắt khe ấy hành xử với nhau, đối thoại với nhau thiếu văn minh lịch sự, thậm chí thiếu văn hóa. Tôi chiêm nghiệm, đấu tranh trong nội bộ những người cầm bút thời nào cũng ghê gớm, và nó không phải chuyện gì mới. Nhưng hình như càng ngày càng có xu hướng tăng lên mà lẽ ra phải bớt nặng nề đi mới đúng. Nhà văn viết ra tác phẩm, có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội mà ứng xử với nhau thiếu văn hóa, thì liệu bạn đọc có thể tin vào tác phẩm của anh không?

- Khép lại cuộc trò chuyện này, còn điều gì ông muốn chia sẻ với các nhà văn và với bạn đọc?

- Tôi luôn nghĩ một nền văn học cũng giống như một cánh rừng, phải có nhiều loài cây khác nhau. Chúng ta bàn về cá nhân một nhà văn, cũng là bàn về cả một nền văn học. Lứa chúng tôi già rồi, sân khấu nhường lại cho các bạn trẻ đang sung sức. Và tôi luôn ao ước về một nền văn học góp phần xứng đáng vào việc xây dựng đời sống tinh thần, đạo đức của toàn xã hội. Văn học không thể nào chỉ là hương là hoa, mà phải là “lương thực tinh thần” của nhân dân, tạo nên tình yêu cuộc sống, giúp con người vượt qua những thử thách, cam go, để sống tốt hơn, tử tế với nhau hơn. Một tác phẩm văn học hay sẽ mách bảo cho bạn đọc những giá trị cuộc đời cần thiết mà họ hướng tới.

Tôi rất buồn khi thấy điều này, trong 500 đại biểu quốc hội ở nước ta hiện nay, tuyệt không có bóng dáng một văn nghệ sĩ nào. Điều này là chưa từng có trong lịch sử 70 năm của văn học nghệ thuật đã qua. Chưa bao giờ văn học nghệ thuật nói chung và văn học xa rời đời sống, xa rời những công việc quan trọng của đất nước như hiện nay. Theo tôi, nên coi đây là một hệ quả nghiêm trọng của việc chúng ta đã không làm gì nhiều để nâng tầm vị trí của Hội Nhà văn, của nhà văn trong xã hội bấy lâu nay...

- Xin cảm ơn ông.

Vũ Quỳnh
.
.