Nhà phê bình Nguyễn Hòa: Dù thế nào chúng ta cũng không thể mãi sinh tồn giữa bối cảnh văn hóa hỗn mang với rất nhiều nghịch lý

Thứ Tư, 14/09/2016, 09:06
Một cái title báo rất dài trích từ lời của nhà phê bình Nguyễn Hòa, một trong những người cầm bút mà trong cảm quan của tôi luôn nói thẳng, nói thật…


Nội dung của buổi hầu chuyện anh là những lát cắt nhỏ có thể mới với người này nhưng lại không mới với người kia. Nhưng chung quy, chỉ cố gắng tìm ra căn nguyên điều đang tồn tại trong hiện thực.

Bởi tôi luôn tin rằng, dưới ánh mặt trời này luôn có chỗ cho những điều thẳng ngay.

- Nhà báo Ngô Kinh Luân: Thưa nhà phê bình Nguyễn Hòa, PGS.TS Đoàn Lê Giang vừa “tung cờ trắng” trong cuộc tranh luận nên đưa chữ Hán vào nhà trường. Tôi vốn dĩ kiến văn hạn hẹp, chém gió thì mạnh dạn chứ bàn về học thuật chỉ dám im thin thít trộm nhìn. Anh nghĩ sao về cuộc tranh luận thú vị vừa qua, thưa anh? Và nếu tôi nhớ không nhầm thì lâu rồi chúng ta mới có một cuộc tranh luận về chữ nghĩa. Vậy anh có quan điểm như thế nào đối với ý kiến của PGS.TS Đoàn Lê Giang? Anh nhìn nhận chữ Hán như thế nào, thưa anh?

- Nhà phê bình Nguyễn Hòa: Lần đầu tiên tôi biết Đoàn Lê Giang là khi ông trình bày tham luận Thời trung đại trong văn học các nước khu vực văn hóa Hán tại một hội thảo tổ chức năm 2006. Thấy chủ tọa ba lần đề nghị tóm tắt mà ông kiên quyết không tóm tắt, đọc bằng hết mới thôi, tôi thấy ngại.

Về sau đọc phần “Văn học cổ điển Việt Nam trong bối cảnh văn học Đông A”Á - sản phẩm nghiên cứu của Đoàn Lê Giang đã in trong Văn học Việt Nam thế kỷ X - XIX những vấn đề lý luận và lịch sử (NXB Giáo dục, H, 2007) thì tôi buồn hẳn.

Như ông viết: “Theo nguyên tắc ô trống có thể suy đoán rằng: trước thế kỷ X chắc đã có thơ tiếng Việt. Nếu vậy thì thể thơ ấy là gì, như thế nào? Chúng tôi cho rằng: cần phải coi thơ tối cổ của người Việt là loại thơ hai tiếng, tiếc rằng vì nhiều lý do chúng đã không được sưu tập, giữ gìn, đến nay chỉ còn tàn tích của nó qua đồng dao và một số bài coi là ca dao.

Thơ Việt từ hai tiếng phát triển lên thành bốn tiếng, rồi từ đó mới thành sáu tiếng và tám tiếng, tức thể thơ lục bát sau này. Đây là thơ hai tiếng: Nu na/ Nu nống/ Cái bống/ Nằm trong/ Con ong/ Nằm ngoài/ Củ khoai/ Chấm mật. Đây là thơ hai tiếng phát triển thành bốn tiếng: Tay cầm con dao/ Làm sao cho chắc/ Để mà dễ cắt/ Để mà dễ chặt/ Chặt lấy củi cành... Thơ bốn tiếng phát triển dần lên thành sáu tiếng và tám tiếng: Rồng rắn lên mây/ Có cây lúc lắc/ Có nhà hiển vinh/ Thầy thuốc có nhà hay không?” (Sđd - tr.333-334).

Bảo bài đồng dao Nu na, nu nống là thơ tối cổ của người Việt thì đúng là… bó tay, và từ đó tôi ít quan tâm đến Đoàn Lê Giang. Nên khi biết ý kiến của ông về việc “khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường”, tôi coi là ý kiến chưa cân nhắc cẩn trọng, nếu không nói là tầm phào!

Và tôi ngán ngẩm vì thấy để kết thúc việc “tung cờ trắng” - như cách nói của bạn, ông Đoàn Lê Giang lại “mông má” quan niệm của Phạm Quỳnh để biến thành của mình: “Tôi tin rằng: Tiếng Việt còn thì văn hóa ta còn, văn hóa ta còn thì nước ta còn” thì xem ra tinh thần kế thừa cũng thiếu chừng mực. Vả lại, cứ theo Đoàn Lê Giang mà suy thì để “tiếng Việt còn” chúng ta và con cháu chúng ta lại phải học chữ Hán!?

Tôi trình bày dài dòng để nói rằng, đôi khi muốn tranh luận với ý kiến nào đó cũng cần xem đấy là ý kiến của ai. Ngay ý kiến của học giả cũng chưa chắc đã là chân lý. Tỷ như Đoàn Lê Giang viết: “Chừng hơn 10 năm nay đã có nhiều người đề nghị” dạy tiếng Hán trong nhà trường và ông dẫn các GS. Cao Xuân Hạo, GS. Nguyễn Đình Chú, GS. Nguyễn Cảnh Toàn,… thì chẳng lẽ ông không băn khoăn vì hơn 10 năm rồi, dù có ý kiến của mấy giáo sư hàng đầu, mà vấn đề vẫn không được quan tâm, liệu ông có nên tiếp tục nối dài ý kiến đó không?

Từ thế kỷ XIX trở về trước, cùng với việc bành trướng thế lực bằng quân sự, người Trung Hoa còn mở rộng ảnh hưởng qua văn hóa Hán và Nho giáo, mà phương tiện chuyển tải hai yếu tố này là chữ Hán. Dù bị xâm lược, bị áp đặt thì cũng không thể phủ nhận sự thật là chữ Hán đã có vai trò quan trọng trong hàng chục thế kỷ ở Việt Nam.

Sách vở của tiền nhân, sách vở của các tên tuổi là niềm tự hào của đất nước như Tuệ Trung, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du,… đều viết bằng chữ Hán. Để công chúng rộng rãi có thể tiếp cận được những tác phẩm này thì cần phải dịch ra tiếng Việt, đó là việc cần thiết và bổ ích.  

- Thú thật với nhà phê bình Nguyễn Hòa, nói điều này đúng sai anh bỏ quá cho, chứ giả dụ tiếng Hán có đưa vào học đường như mơ ước của PGS.TS Đoàn Lê Giang thì chúng ta cũng chẳng thu được gì cho tiếng Việt đâu. Chúng ta cứ mơ ước viển vông huyễn hoặc với nhau cho vui thì được, chứ học tiếng Hán không dành cho số đông. Thêm nữa, theo tôi đặc tính của không ít người Việt mình là lười. Như tiền nhân đã tổng kết về biểu hiện của tính xấu đó. Lười vô tiền khoáng hậu, lười đi giật lùi để tiện bước trở ra, lười há miệng sẵn dưới gốc sung, lười nên thích những cái vụn vặt, đam mê những tiểu xảo. Lười đọc, lười suy nghĩ, lười tiếp nhận, tuy nhiên có cái không lười là cãi nhau. Cãi nhau luôn rất hăng, đã cãi là cãi quên trời quên đất, quên ngày quên tháng. Đã lười mà thích cãi nhau, điều này có làm anh suy nghĩ gì không, thưa anh?

- Tôi nghĩ, một trong những kỳ tích cha ông đã lập được là khai thác tiếng Hán để bản địa hóa, bổ sung, làm phong phú tiếng Việt và trao lại cho chúng ta. Nói đến 60-70% từ gốc Hán trong tiếng Việt phải chú ý tới vấn đề 60-70% ấy đã được “Việt hóa”, trong đó nhiều từ không còn nghĩa gốc.

Trừ việc dịch thuật, tôi thấy khôi hài khi có người bắt bẻ từ này trong tiếng Hán có nghĩa như thế này tại sao trong tiếng Việt lại hiểu theo nghĩa như thế kia, nói như thế thì dùng tiếng Hán cho xong, cần gì “Việt hóa”! Ví như nhiều người vẫn hiểu và viết từ “cứu cánh” với nghĩa là giúp đỡ, hỗ trợ và nhiều vị từng đính chính: trong tiếng Hán “cứu cánh” nghĩa là “mục đích cuối cùng”; nhưng xem ra “cứu cánh” là giúp đỡ, hỗ trợ phổ biến tới mức ít ai quan tâm đến nghĩa gốc!

Giả dụ tôi học chữ Hán, lại máy móc không dùng từ “khó khăn” mà hỏi bạn: “Anh có khốn nạn không?” thì chắc là bạn sẽ không để tôi yên! Mọi người Việt Nam đều biết câu thành ngữ “Uống nước nhớ nguồn”, nhưng mấy người biết tới câu thành ngữ “Ẩm thủy tư nguyên”, mà có lẽ biết cũng chẳng để làm gì! Tôi nghĩ, muốn tiếng Việt trong sáng và phát triển trước hết phải yêu tiếng Việt, phải tự ý thức về việc rèn luyện để nắm vững, thành thạo tiếng Việt.

Ai đó lên tiếng cảnh báo sử dụng tiếng Việt thiếu trong sáng, hãy kiểm tra giá sách cá nhân có Từ điển tiếng Việt chưa, có tra cứu thường xuyên không. Tuy nhiên vẫn có bộ phận xã hội cần học chữ Hán, như cơ quan nghiên cứu, ngành ngoại giao, giới doanh nghiệp, dịch giả, phiên dịch,… nên ở các trường đại học ngoại ngữ đều có khoa tiếng Trung. 

Thêm nữa, vẫn phải có các dịch giả tinh thông để dịch các văn bản cha ông để lại. Tôi nói là tinh thông, để chí ít cũng không tái diễn câu chuyện “há” và “hạ” ngày nào!

Còn tình trạng một bộ phận người Việt lười nhác, thích cãi nhau thì đúng là đáng quan ngại. Hình như thói quen lúc nhỏ dựa dẫm vào gia đình, lớn lên thì dựa dẫm vào xã hội và nếu không dựa dẫm được thì chửi bới vung vít, thậm chí không được như ý muốn thì hành hung cả cha mẹ,… đã hằn sâu vào lối sống của một số người?

Lâu nay hai thói quen xấu đó có “đất dụng võ” là Internet. Có thể nói Internet đang là nơi nhiều người Việt phô diễn, phóng chiếu thói xấu. Chăm chỉ làm việc, liệu còn thời gian để “nuôi facebook” lúc nào cũng la liệt trạng thái (status), bình luận (comment)? Vào nhiều diễn đàn trên Internet là có thể gặp các “nhà đạo đức” có xu hướng nhìn đời bằng “đôi kính đen”, tự thấy mình như mẫu mực để cao giọng dạy dỗ, mắng mỏ người khác.

Cả khi sự việc họ xông tới dạy dỗ, mắng mỏ đã được xác minh không phải như thế vẫn không thấy họ tỏ ra ân hận, chỉ thấy họ lại xông đến chỗ khác tiếp tục dạy dỗ, mắng mỏ. Vâng, nếu các “nhà đạo đức” trên Internet thực hành được như những gì họ dạy bảo, mắng mỏ thì cuộc sống của chúng ta chắc chắn tốt đẹp hơn nhiều. Đáng tiếc thực tế không phải vậy, điều này cũng tương tự như câu nói trong dân gian rằng “làm như tôi nói, đừng làm như tôi làm”!   

- Chuyện nọ xọ chuyện kia, mạn phép trao đổi với anh ý này. Có lẽ vì lười nhác mà lại thích cãi nhau, nên dễ lâm vào tình huống ai đồng ý với ý kiến của mình thì là người, còn ai phản bác ý kiến của mình thì chỉ trông giống như người thôi. Cứ nhìn vào một số vị quan chức nước mình ấy, có ông khi được đề bạt cũng hồ sơ khẳng định sức khỏe, năng lực nghiệp vụ ngang ngửa với thiên tài. Nhưng khi có chuyện thì lại lấy tuổi cao sức yếu, năng lực kém để đổ thừa. Đã lười mà thích cãi nhau, thì cái bệnh đổ thừa nảy sinh là điều không thể tránh khỏi, đúng không thưa anh? Không chỉ đổ thừa, mà còn đôi khi còn phát ngôn tùy tiện, hoặc chăm chăm vào cái lợi cá nhân bất chấp vạn sự, kiểu luôn luôn đúng quy trình, chuẩn quy định, hợp quy cách trong các trường hợp bổ nhiệm con em, họ hàng, người nhà. Thậm chí là cả vợ, rồi em vợ. Những thứ mà chúng ta vẫn thấy trên báo chính thống hàng ngày. Cá nhân anh thấy điều đó ra sao, thưa nhà phê bình Nguyễn Hòa?

- Tham gia thảo luận bất kỳ vấn đề nào mà không biết lắng nghe, không suy xét một cách lý trí, mà chỉ dựa trên suy nghĩ cảm tính để đưa ra ý kiến, để bác bỏ ý kiến người khác thì không bao giờ đem lại ý nghĩa tích cực.

Theo dõi nhiều thảo luận trên báo chí, một số diễn đàn, tôi thấy số người tham gia tự tin tới mức coi mình như là người đã “thủ đắc chân lý trong túi” có tỷ lệ khá cao. Họ thường “nhìn đời bằng nửa con mắt”, “mục hạ vô nhân” và khi thảo luận, họ không ngại phô bày sự thiếu thốn tri thức, mỏng mảnh trí tuệ, bi hài hơn có người thảo luận theo lối bới móc, xỉ vả, xúc phạm, đuối lý thì đổ thừa cho ngoại cảnh… Trên thế giới ảo, rất khó tìm một tấm gương để học hỏi. Trong khi cuộc sống lại rất cần những tấm gương để chúng ta soi mình vào và điều chỉnh suy nghĩ, hành động.

Với một số quan chức, lắng nghe họ nói, tôi nghĩ họ “chém gió” hơn là sau đó sẽ cố gắng hiện thực hóa điều họ nói. Và tôi không tin họ. Tương tự như tôi chưa từng tin một văn sĩ được giới thiệu “người Hà Nội gốc” mà văng tục, chửi bậy tràn cung mây. Vì tôi biết “người Hà Nội gốc” hễ nghe văng tục, chửi bậy là nhíu mày, đỏ mặt, hoặc bỏ đi chỗ khác. Báo chí đã đề cập, phân tích, phê phán hệ quả tiêu cực từ một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ “đúng quy trình”, tôi khó có thể đưa ra điều gì khả dĩ hơn.

 Tuy nhiên theo tôi, lẽ ra câu: “Một người làm quan cả họ được nhờ”, “Con vua thì lại làm vua/ Con sãi ở chùa lại quét lá đa” được tiền nhân tổng kết phải là lời cảnh báo mỗi khi làm “quy trình” thì dường như có một số trường hợp lại chưa được quan tâm đúng mức?

Bên cạnh đó, bộ hồ sơ dày cộp các loại bằng cấp kết hợp các nhận xét, đánh giá “có cánh” và một danh sách thành tích được khen thưởng,… không phải là tất cả. Vấn đề là cá nhân ấy có hiện thực hóa hồ sơ đó trong công việc, trong cuộc sống để trở thành người được tin cậy, tín nhiệm hay không.

Và khi anh ta không tự chứng minh được giá trị của hồ sơ ấy mà gây tổn hại cho tổ chức, địa phương anh ta lãnh đạo thì phải xử phạt nghiêm minh, chứ không phải tìm lý do này lý do khác để đổ thừa, bao che. Thế hệ chúng tôi trưởng thành một phần nhờ trong xã hội, trong lãnh đạo các cấp có nhiều tấm gương để noi theo. Giờ tìm ra tấm gương như vậy chắc là khó, lại nhớ chuyện triết gia Diogenes thời Hy Lạp cổ đại thắp đèn giữa ban ngày để tìm người công chính!    

- Ngay như trong giới trí thức là văn nhân cũng vậy. Bao nhiêu năm nay, tôi ngồi với ông nhà văn nhà thơ nào cũng nghe câu chuyện về một vị lãnh đạo của Hội. Ông nào cũng cáu, ông nào cũng hờn, ông nào cũng giận, ông nào cũng hận. Vậy mà ngoài chuyện cáu, hờn, giận, hận thì ông nào cũng im lặng hết. Không im lặng thì cũng tụ tập bàn tròn bình phẩm với nhau là chính, có ông kỳ công hơn thì viết hẳn tiểu thuyết, viết báo ám chỉ. Giả như nếu có khoảng mươi hay hai mươi ông đồng tâm hiệp lực, làm một cái đơn xin ra khỏi Hội vì lý do có ông ấy đứng đầu Hội thì có lẽ tình hình đã khác. Nhà phê bình Nguyễn Hòa, anh là người của chốn trường văn trận bút, anh nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Cả về đặc tính của người Việt lẫn đặc tính của văn nhân nước mình.

- Một câu hỏi mà trả lời đúng như tôi nghĩ, chắc chắn là sẽ đủ “gạch đá” để xây một ngôi nhà chung cư cao tầng tại Times City ở Hà Nội hoặc tại River City ở TP Hồ Chí Minh! Xét cho cùng, đã là con người thì thời nào cũng mang trong mình các tiền đề của “thất tình” với “hỉ - nộ - ái - ố - ai - lạc - dục”, luôn phải đối diện với “tham - sân - si”, và như câu cách ngôn K. Marx ưa thích thì “không có gì thuộc về con người mà xa lạ đối với tôi”.

Vấn đề là mỗi người điều chỉnh “thất tình” như thế nào, vượt qua “tham - sân - si” ra sao, có tỉnh táo để chọn lựa từ những gì “thuộc về con người” lấy giá trị tinh hoa, hữu ích… Văn nhân thì cũng là con người, tức là họ cũng phải đối diện, tự giải quyết các yếu tố hay - dở, tốt - xấu, hạnh phúc - bất hạnh,… thuộc về con người. Nếu giải quyết tốt, họ sẽ được kính trọng. Nếu giải quyết không tốt, họ cũng trở nên tầm thường như những người tầm thường khác.

Tôi không phải là hội viên Hội Nhà văn, ngoài quan hệ công việc, tôi không có điều gì phải lấn cấn với Chủ tịch Hội. Tôi nghĩ ai đó cáu, hờn, giận, hận Chủ tịch Hội thì cáu, hờn, giận, hận thế thôi, chứ quyết định làm đơn xin ra khỏi Hội Nhà văn có khi còn khó khăn hơn cả lúc làm đơn xin vào Hội ấy chứ, nên không dễ mà họ làm đơn xin ra đâu!    

- Tôi có quan sát rất kỹ vụ tranh luận quyền lực mềm khi mấy ngôi sao Hoa ngữ phản đối phán quyết phủ nhận của Tòa án Trọng tài Quốc tế đối với đường lưỡi bò của Trung Quốc trong vụ kiện do Philippines đứng đơn. Người ta luôn miệng, tại sao những ngôi sao của làng giải trí nước mình không lên tiếng, sao chúng ta không phản ứng. Tôi không biết nữa, nhưng hình như một số người rất thích bắt người khác phải gánh trách nhiệm còn họ thì cứ lờ đi? Cũng như tôi đợi hoài mà có thấy văn nhân, thi sĩ nào viết gì liên quan đến hiện thực trong giai đoạn này đâu. Toàn bàn rất hay trên truyền hình về điều gì đó, bình phẩm rất sâu về nhan sắc trong cuộc thi nào đó. Nói chung, chuyện gì mình muốn làm mà sợ thì cứ xui người khác, còn mình thì đứng ngoài cuộc để thoải mái bình phẩm, đánh giá. Cái này không chỉ tồn tại trong giới cầm bút đâu, ngay cả trong tính cách của chúng ta cũng vậy. Thưa nhà phê bình Nguyễn Hòa, anh nghĩ sao ạ?

- Văn nghệ sĩ nước ta cũng lên tiếng, nhưng lẻ tẻ. Và câu hỏi của bạn làm tôi nhớ đến bản Lũng Pô - địa danh là “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, thuộc Lào Cai. Đã có nhiều bài báo viết về người và đất Lũng Pô, về một điểm địa đầu Tổ quốc, về tiềm năng du lịch,… nhưng trong phạm vi những gì đã đọc, tôi chưa thấy nhắc tới nguyên quán của hơn 20 hộ gia đình ở Lũng Pô. Đó là các gia đình trước đây sống ở Mường Khương.

Quãng chục năm trước, được chính quyền vận động, cả bản đã chuyển tới vùng đất mới, vừa làm ăn sinh sống vừa giữ gìn biên giới. Đến Lũng Pô, nghe bà con kể chuyện ngày cả bản dỡ nhà, xếp đồ đạc lên ôtô chuyển sang đây, tôi khâm phục họ. Họ yêu nước một cách thiết thực, cụ thể, có ý nghĩa.

Trách nhiệm với Tổ quốc là trách nhiệm của mọi người. Đời bộ đội và nghề làm báo giúp tôi được đến nhiều nơi trên đất nước này, từ biên giới đến hải đảo, từ Trường Sơn đến Trường Sa. Tôi đã gặp nhiều người mà mỗi khi nghĩ tới nỗi gian khổ họ đang phải chịu đựng, tôi thấy mình còn kém họ quá xa.

Còn với văn nhân, chỉ chú mục mổ xẻ điều xấu xa, thiếu cái nhìn nhân ái để hướng người đọc đến điều tốt đẹp thì khó có thể làm nên tác phẩm lớn. Vả lại còn yếu tố tài năng nữa. Khi xuất bản dễ dàng như hôm nay thì không phải hễ có tác phẩm được xuất bản, được báo chí ca ngợi tít mù là nghiễm nhiên thành nhà văn lớn, để rồi từ đó chém gió như là “trí thức nhớn”. Thiếu tài năng lại lười dấn thân sẽ chẳng bao giờ làm nên sự nghiệp. Đánh giá, bình phẩm là quyền của mọi người.

Ảnh trong bài: Nguyễn Đình Toán.

Chỉ có điều là động cơ đánh giá, bình phẩm có lành mạnh hay không, nền tảng tri thức đến mức nào. Báo chí chúng ta đang tạo nên một số nhân vật “biết tuốt”, cái gì cũng có thể bình luận, cái gì cũng xông vào “phán như thánh sống”, dù ý kiến ngô nghê vẫn phát ngôn vung vít, đến mức đọc báo hoặc xem truyền hình, chỉ nhìn  tên tác giả, người được phỏng vấn là tôi vội lật sang trang sau, chuyển sang kênh khác!    

- Hôm lâu rồi, tôi có trao đổi với một nhà nghiên cứu văn hóa, loay hoay mãi mà không biết phải làm sao để hạn chế khiếm khuyết và phát huy ưu điểm của đặc tính dân tộc. Đến thầy cô giáo còn bị định kiến xem thường thì tôi biết phải trao đổi ra sao nữa đây? Trong lúc phương Tây lại tiếp nhận một số thành tựu của phương Đông, vì họ hiểu về tính nhân văn, sự khoan dung; thì chúng ta tiếp nhận ngược lại, toàn lễ hội hóa trang, tiệc rượu mạnh bên hồ bơi, sự phóng khoáng dục tính… Như những lần trò chuyện cùng anh trước đây, rất muốn hỏi anh bằng cảm quan của mình, anh cho rằng chúng ta cần phải làm gì tốt nhất trong giai đoạn này, thưa anh?

- Thú thực vì quan tâm đến văn hóa, lại cố gắng tiếp cận văn hóa từ các góc độ khác nhau để khảo sát, đánh giá, đôi lúc tôi tự hỏi: “Phải chăng văn hóa nước Nam đang rơi vào quẻ bĩ?”. Văng tục, chửi bậy, trộm cắp, lừa đảo, giết người vì lý do lãng xẹt, rồi tham ô, tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân, tìm mọi cách trục lợi, kể cả cho chất cấm vào đồ ăn thức uống để bán cho đồng loại,… không còn là điều lạ trong cuộc sống chúng ta.

Hình như khi nhiều lãnh đạo văn hóa và nhiều học giả viết ra những bài tràng giang đại hải, hoặc đăng đàn diễn thuyết yêu cầu văn hóa phải thế này, văn hóa phải thế kia thì văn hóa lại như đang vận hành… thế nọ!

Có nhiều nghịch lý đang diễn ra trong văn hóa của đất nước này. Tỷ như ở các nước có hơn 80% dân số dùng Internet thì hầu như luôn gặp người đọc sách, từ trong nhà ra ngoài đường, từ vườn hoa đến bến đợi xe, từ tàu điện ngầm đến ôtô buýt,… thế mà ở nước hơn 30% dân số sử dụng Internet lại thấy hô hoán “văn học mạng lên ngôi”! 

Tỷ như đến hội nghị tổng kết cuộc vận động “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” lại thấy nhiều vị quan khách dùng đồ ngoại, từ ôtô, xe máy cho tới túi xách, giày dép, phấn son; còn trên hệ thống truyền thông thì việc quảng cáo hàng ngoại đang chiếm vị trí ưu thắng!

Tỷ như trong khi giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đang là vấn đề quan thiết của sự phát triển lại thấy râm ran lễ hội Halloween (Ma lộ hình) mà người tham gia để dọa nhau là chính, không cần biết nguồn gốc, ý nghĩa lễ hội này là gì. Ấy là chưa nói có nhà văn hóa đạo diễn một lễ hội lại có sự hiện diện của mấy vũ công cởi trần, mình vẽ họa tiết như thổ dân châu Úc! Tỷ như trong lớp thầy cô dạy phải dừng xe khi gặp đèn đỏ thì con cái ngồi sau xe máy lại thấy cha mẹ vun vút vượt đèn đỏ...

Tôi ước mong vào một ngày đẹp trời nào đó, nơi có trách nhiệm sẽ công bố tổng số kinh phí Nhà nước đã chi để triển khai các công trình nghiên cứu văn hóa trong 20 năm qua xem ngân sách đã chi và các đề xuất, kiến nghị nhằm chấn hưng văn hóa của các học giả có giá trị thực tiễn như thế nào, hay đó chỉ là những công trình được sản xuất để sau khi nghiệm thu, quyết toán thì cất vào ngăn kéo?

Mấy năm trước, sau khi đọc các công trình nghiên cứu của GS.TS Liam C Kelley người Mỹ kết luận rằng quốc gia Việt Nam là kết quả của trí tưởng tượng và chỉ xuất hiện đầu thế kỷ XX; bản sắc dân tộc, văn chương chống ngoại xâm ở Việt Nam chỉ là “phóng chiếu các ý niệm và cảm xúc hiện tại vào quá khứ”, chỉ từ khi người Pháp tới thì người Việt Nam mới biết thế nào là độc lập,... tôi đã lên tiếng bác bỏ.

Gần đây ông giáo sư tiến sĩ này tiếp tục công bố một số bài vở khẳng định Bình Ngô đại cáo “không phải là một “bản tuyên ngôn độc lập” (với người Minh) mà chỉ là tuyên bố thắng trận của một thế lực người Việt (Lê Lợi) trước các phe phái khác ở trong nước”…

Tóm lại, theo ông ta trước thế kỷ XX không có nước Việt Nam, lịch sử Việt Nam như chúng ta đã biết chỉ là kết quả của sự bịa đặt, Bình Ngô đại cáo không phải là “tuyên ngôn độc lập”… Thế mà không hiểu lòng tự tôn dân tộc của các nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa lừng danh cất giấu ở đâu mà vẫn im thin thít, thậm chí có nơi còn mời ông ta thuyết trình, hội thảo?

Và tôi đành trả lời bạn rằng, từ sự thất vọng của mình, tôi không còn nghĩ đến việc cần phải làm gì. Nhưng tôi tin dù thế nào chúng ta cũng không thể mãi sinh tồn giữa bối cảnh văn hóa hỗn mang với rất nhiều nghịch lý. Trong cuộc sống hằng ngày tôi gặp những người Việt dù không phải là học giả hay nhà lãnh đạo thì vẫn sống rất tử tế, làm việc đàng hoàng, dạy bảo con cái đến nơi đến chốn,… Họ vẫn sống bên chúng ta và cùng chúng ta hy vọng.

- Cảm ơn anh về cuộc trao đổi này.

Ngô Kinh Luân (thực hiện)
.
.