Nhà nghiên cứu giáo dục Phạm Hiệp:

Giáo dục đại học sẽ không phát triển nếu vẫn vận hành theo kiểu “tinh hoa”

Thứ Sáu, 17/11/2017, 08:35
Cùng với giáo sư Ngô Bảo Châu và một số nhà khoa học khác, nhà nghiên cứu giáo dục Phạm Hiệp đang là thành viên của nhóm tư vấn chính sách cho Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Có một điều đặc biệt trong sự nghiệp của nhà nghiên cứu trẻ này, khi anh từng là con một nhà khoa học vật lý, và thậm chí đã từng học cao học vật lý ở Pháp, nhưng trong một khoảnh khắc như bị sét đánh ngang tai, anh quyết định bỏ vật lý, bỏ cả một ngọn núi kỳ vọng mà ông bố khả kính đặt lên mình, bỏ cả những chân trời mơ ước mà mình từng mơ ngày nào để chuyển sang nghiên cứu giáo dục. Sự chuyển đổi ấy trước hết là để giải tỏa những mâu thuẫn nội tại trong chính con người anh.

- Nhà báo Phan Đăng: Tôi rất tò mò muốn biết cái khoảnh khắc anh quyết định từ bỏ vật lý diễn ra như thế nào. Tôi đoán, khi ấy bố anh phản đối lắm phải không?

- Nhà nghiên cứu Phạm Hiệp: Đấy là một buổi chiều tại Paris, khi tôi cứ phải loay hoay làm một thí nghiệm. Tôi còn nhớ đó là thí nghiệm nổi tiếng mang tên Michelson mà có lẽ đa số bạn học của tôi đều yêu nó. Nhưng tôi thấy chán, nếu không muốn nói là thấy stress khủng khiếp. Tại sao mình phải làm cái thí nghiệm này?

Tại sao mình vẫn cứ theo đuổi vật lý mãi cho đến lúc này? Khi ấy là lúc tôi bắt đầu nhận ra mình không hề yêu vật lý như vẫn tưởng. Rồi tôi nhận ra lâu nay, tôi chỉ là một "thợ thi" đúng nghĩa.

Giai đoạn ấy có một anh bạn người Việt đang theo đuổi ngành toán cũng rơi vào tình trạng tương tự. Và cuối cùng hai chúng tôi quyết định “rủ nhau” bỏ chuyên ngành đang theo đuổi để chuyển sang nghiên cứu giáo dục. Nghiên cứu giáo dục chứ không phải bất cứ lĩnh vực nào khác là để đi tìm câu trả lời cho hàng loạt những mâu thuẫn trước tiên của chính mình.

- Cuộc đời, không phải ai cũng chọn nghề nghiệp chính xác ngay từ đầu. Trong cái khoảnh khắc thấy chán và stress về vật lý, anh có thấy trước đây mình đã không được định hướng nghề nghiệp thật tốt không?

- Lúc mới quyết định sẽ đổi ngành tôi cũng đã nghĩ vậy, thậm chí có lúc tôi còn “oán trách” cuộc đời là tại sao mình không được định hướng nghề nghiệp tốt hơn. Nhưng giờ thì tôi không tin lắm vào cái gọi là định hướng nghề nghiệp. Tôi đã từng dịch những tài liệu về định hướng nghề nghiệp sang tiếng Việt, và coi đấy là một tài liệu tham khảo, nhưng tin hẳn vào nó thì không bao giờ.

Tôi nghĩ dù có được định hướng tốt đến đâu đi nữa thì ở tuổi 16, 17, 18... bạn cũng rất khó có những chọn lựa nghề nghiệp chính xác cho cả cuộc đời rất dài phía trước của mình. Tất nhiên, cũng có những người may mắn chọn một lần là đúng ngay, và sau đó thành công, nhưng số lượng đó có lẽ rất ít. Thế nên vấn đề theo tôi nằm ở chỗ khác, chứ không phải ở việc định hướng.

- Chỗ nào, thưa anh?

- Thông tin. Một cá nhân khi quyết định một việc gì đó nói chung, hay một bạn học sinh khi phải quyết định đăng ký học trường gì nói riêng, chỉ cần một thứ thôi, đó là thông tin đầy đủ. 

Bạn hãy tưởng tượng thế này, nếu có một trang web mà tại đó, một bạn học sinh cấp 3 trong một buổi chiều có thể vào và tìm, đối sánh dễ dàng mọi thông tin liên quan về trường mình quan tâm so với các trường khác: từ mục tiêu đào tạo, cho đến giáo trình đào tạo, đến cách thức học tập, kết quả nghiên cứu của giảng viên, tình trạng việc làm của các sinh viên đã ra trường...; thì quyết định về chọn trường của học sinh đó sẽ chính xác hơn rất nhiều.

Để so sánh cho dễ hiểu, trang web này cũng tương tự như trang Foody giúp bạn tìm ra nhà hàng ưng ý vậy. Nhưng ở Việt Nam, thông tin trên những trang web như thế vừa lộn xộn, vừa thiếu thốn, việc tra cứu, đối sánh vì thế là cực kỳ khó khăn.

- Anh Hiệp này, thời gian vừa rồi có một nhóm những nhà nghiên cứu độc lập đã làm cái việc gọi là xếp hạng các trường đại học ở Việt Nam. Cái này có liên quan đến vấn đề thông tin mà anh vừa nói không? Anh thấy ý nghĩa của việc xếp hạng này như thế nào?

- Đúng, đó chính là một dạng của thông tin nhưng mang tính “giản lược” dựa vào thứ hạng. Đấy cũng là việc tất yếu phải làm. Tôi nghĩ, không nhóm này làm thì nhóm khác cũng sẽ làm. Bạn tưởng tượng thế này: Ở một nền giáo dục có dưới 15% thanh niên học đại học thì người ta gọi đấy là giáo dục đại học tinh hoa. Có trên 15% đi học gọi là giáo dục đại học đại chúng. Còn trên 50% đi học thì gọi là giáo dục đại học phổ cập.

Trong giai đoạn tinh hoa, chỉ có những người thực sự giỏi, thật sự xuất sắc mới được học đại học, và số lượng các trường đại học cũng rất khiêm tốn thì người ta chẳng cần phân loại các trường đại học làm gì. Nhưng đến giai đoạn đại chúng, khi nhiều thành phần cùng đi học đại học, nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo, nhiều loại hình trường lớp ra đời thì các trường đại học nhất thiết phải được xếp hạng, phân loại.

Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 30% thanh niên theo học đại học, chưa kể số du học, như vậy là chúng ta đang đến gần tột đỉnh của giai đoạn đại chúng và sắp sửa chuyển sang giai đoạn phổ cập rồi.

- Ở các nước tư bản, hình như giai đoạn phổ cập đã xuất hiện khá lâu rồi?

- Ở Mỹ hay Hàn Quốc, thậm chí có tới 85% - 90% thanh niên theo học đại học. Khoảng 10% đến 15 % không đi học không phải do nhà nước không có khả năng cung cấp dịch vụ, cũng không phải do họ không đỗ đại học. Đơn giản là họ không thích đi học, thế thôi. Phổ cập đại học theo tôi mang tính tích cực cao, vì nó thể hiện sự phát triển của xã hội qua mặt bằng dân trí.

- Vấn đề là khi chúng ta xếp hạng các trường đại học thì những tiêu chí mà chúng ta dựa vào là gì?

- Bảng xếp hạng đại học trên thế giới rất nhiều, không cái nào giống cái nào 100% cả. Nhóm xếp hạng đại học Việt Nam nói trên đúng là đã không áp dụng một tiêu chí cơ bản mà thế giới hay dùng. Nhưng họ cũng đã được giải thích rồi. Ví dụ như trên thế giới phần trăm tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm, và thu nhập trung bình của họ sau 12 tháng được xem là một trong những tiêu chí cơ bản, nhưng không có trong bảng xếp hạng của Việt Nam.

Cũng dễ hiểu thôi bởi đây là một nhóm nghiên cứu làm việc hoàn toàn bằng tâm huyết, chứ không được bất cứ ai tài trợ kinh phí để có thể làm một cuộc điều tra, khảo sát trên diện rộng như vậy cả.

- Vậy thì tiêu chí chính của nhóm này là gì, và anh thấy những tiêu chí ấy có mặt được, mặt chưa được như thế nào?

- Tiêu chí chính của họ hơi thiên về nghiên cứu, vì có khoảng 40% là các chỉ số liên quan đến nghiên cứu. Với tiêu chí này, các trường đại học không thiên về nghiên cứu sẽ bị thiệt thòi. Chính vì vậy mới sinh ra việc một trường đại học như Đại học Ngoại thương lại có thứ hạng khá thấp, mặc dù trong đánh giá của xã hội hiện nay thì Đại học Ngoại thương là một trong những trường ở tốp đầu.

- Nếu anh là người thực hiện, anh có thực hiện giống nhóm nghiên cứu này không?

- Giả sử tôi làm tác giả thì tôi sẽ sẽ không công bố bảng xếp hạng chung cho 49 trường, mà sẽ là bảng xếp hạng với từng chỉ số. Nhóm nghiên cứu này đưa ra khoảng 10 chỉ số, và nếu là tôi, tôi sẽ xếp hạng các trường theo từng chỉ số này thôi.

Với cách như vậy thì với chỉ số này, trường này sẽ dẫn đầu, nhưng với chỉ số khác, trường khác sẽ dẫn đầu. Nhưng tôi nghĩ đây có thể cũng là một phương án mà nhóm nghiên cứu này đã tính đến, rồi họ lại chọn cách xếp hạng các trường nói chung, bởi điều ấy có thể tạo hiệu ứng truyền thông tốt hơn.

- Ở nước ngoài, khi tuyển nhân sự chẳng hạn, chắc là người tuyển sẽ căn cứ khá nhiều vào bảng xếp hạng các trường đại học phải không anh? Ví dụ người tốt nghiệp những trường trong tốp đầu sẽ có xác suất xin việc tốt hơn hẳn so với những người tốt nghiệp trong nhóm trường phía sau. 

- Giáo dục nói chung được tính là một loại dịch vụ bất đối xứng thông tin. Tức là người bán và người mua không đánh giá hết được về nhau. Ví dụ như là người bán, tức là các trường đại học luôn có thể có nhiều thông tin hơn người mua, tức là sinh viên. Tương tự là dịch vụ bảo hiểm y tế: người mua luôn nhiều thông tin hơn người bán. 

Người mua luôn biết mình thực sự đang bị mắc những bệnh tật gì, còn người bán thì khó lòng biết hết. Với những loại dịch vụ bất đối xứng thông tin như vậy, người ta luôn cần tới những cái xếp hạng, để cho xã hội có thêm một căn cứ đánh giá. Những cái bảng xếp hạng đó giúp cho thông tin bớt đối xứng hơn, và đôi khi nhà nước cũng phải tham gia vào công việc này.

- Nhưng theo quan sát của tôi thì nhiều nơi trên thế giới, việc xếp hạng đại học lại thuộc về các tổ chức nghiên cứu độc lập, chứ không thuộc về nhà nước?

- Nhà nước sẽ phải tham gia vào khâu này, khâu kia, nhưng không nhất thiết phải tham gia vào toàn bộ quá trình. Ví dụ ở Mỹ, nhà nước không công bố một bảng xếp hạng đại học nào cả; nhưng thời Tổng thống Obama, nước Mỹ đã làm được một việc rất hay là ban hành đạo luật về minh bạch thông tin của các trường đại học: từ tỷ lệ đỗ, tỷ lệ tốt nghiệp sau 1 năm cho đến thu nhập trung bình của sinh viên tốt nghiệp sau 6-10 năm. Và đấy cũng chính là đầu vào cho các bảng xếp hạng.

- Ở Việt Nam vai trò của nhà nước trong câu chuyện này được thể hiện tới đâu, thưa anh?

- Khoảng 50% các chỉ số mà nhóm nghiên cứu độc lập nói trên căn cứ vào để xếp hạng các trường đại học là dữ liệu của nhà nước. Tuy nhiên, khi trả lời báo chí, chính đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng nói dữ liệu đó không quá tin cậy. 

Bởi vì để dữ liệu đáng tin cậy thì phải có rất nhiều công đoạn, từ việc bắt buộc các trường thu thập thông tin, đến kiểm tra, giám sát thông tin, nhưng ở ta mọi thứ mới chỉ dừng lại ở khâu đầu tiên.

- Tức là các thông tin về cơ bản là do các trường tự báo cáo lên, còn chẳng có ai đi kiểm tra cả?

- Đúng vậy!

- Anh Hiệp này, khoảng 2 tháng trước, tạp chí Times Higher Education (Anh) công bố bảng xếp hạng 1.000 trường đại học trên thế giới, trong đó ở Đông Nam Á, một trường của Singapore đứng ở vị trí thứ 22. Thái Lan có 10 trường, Malaysia 9 trường, Indonesia 4 trường, Philippines 1 trường nằm trong bảng này, còn Việt Nam chúng ta thì không có nổi một trường nào cả. Xin hỏi là nhìn vào cái bảng này, một nhà nghiên cứu giáo dục như anh có thấy cay cay sống mũi không?

- Thực ra, ngành toán của Việt Nam hiện đang thuộc dạng tốt nhất nhì Đông Nam Á, ngang hàng Singapore đấy chứ. Ngành vật lý cũng trong tốp đầu Đông Nam Á, nhưng riêng các ngành xã hội, ngành kinh tế, kỹ thuật thì thua xa. Vấn đề nằm ở chỗ, mình có những ngành trong tốp đầu, nhưng cả một trường đại học nói chung thì mình lại không trong tốp đầu.

- Anh nói đến việc ngành toán của ta thuộc nhóm đầu khu vực làm tôi nhớ đến giáo sư Ngô Bảo Châu. Tôi biết, anh rất gần gũi với giáo sư Ngô Bảo Châu, vậy theo anh nếu giáo sư chỉ học ở Việt Nam, chứ không phải ở Pháp thì liệu ông có thể đoạt giải Fields hay không? 

- Thật sự tôi nghĩ mình không phải là người phù hợp để trả lời câu hỏi của anh, rằng nếu chỉ được đào tạo ở Việt Nam thì giáo sư Châu có thể đoạt giải Fields hay không. Nhưng với những con số tôi có, với những gì tôi thấy thì tôi có thể trả lời rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể đào tạo những nhà toán học ở trình độ quốc tế.

- Tôi là một người không dễ bị thuyết phục. Anh có thể thuyết phục tôi bằng một con số hoặc một mệnh đề cụ thể nào không?

- Tôi nói trình độ quốc tế ở đây nghĩa là có thể có những công trình nghiên cứu quốc tế, đi dự hội thảo quốc tế có thể trao đổi sòng phẳng với đồng nghiệp, và sau khi học xong tiến sĩ trong nước có thể có được việc làm tốt ở các đại học quốc tế. Nhưng để đạt tới đỉnh cao như giáo sư Châu thì lại khác, trong khoa học, chúng tôi gọi đó là trường hợp “dị biệt”. Người bình thường cùng ngành không phải ai cũng có khả năng nhận xét được, huống chi là người ngoài ngành (toán) như tôi. 

- Nhưng anh cũng không thể phủ nhận rằng số lượng những tiến sĩ giả, giáo sư giả ở Việt Nam bây giờ không ít?

- Để đánh giá chất lượng tiến sĩ thì cần một hội đồng khoa học có đủ năng lực, nhưng trong rất nhiều lĩnh vực chúng ta lại thiếu nhân lực để tạo nên một hội đồng như thế. Ở những ngành riêng lẻ như ngành toán, lý, có thể có một hội đồng như thế dễ dàng, nhưng ở những ngành tích hợp, ví dụ như kinh tế nông nghiệp hay năng lượng bền vững chẳng hạn thì cả nước có khi cũng chỉ có 5 người đủ trình độ. Mà 5 người này không phải lúc nào cũng có thể ngồi cùng lúc với nhau.

- Nhưng cái này thì vô cùng lắm. Bởi tôi nghĩ chẳng riêng gì ta, ở nước ngoài cũng có những ngành nghề đặc thù nào đó mà số lượng những nhà khoa học đủ trình độ ngồi vào một hội đồng thẩm định là đếm trên đầu ngón tay?

- À, riêng ở nhiều nước, chả đâu xa ngay Thái Lan bên cạnh thôi, khi thấy không đủ người thì họ sẽ mời chuyên gia nước ngoài vào hội đồng. Nhưng nước ta thì gần như không có. Ở nước ta thậm chí có nhiều ngành không đủ nguồn nhân lực nhưng chúng ta vẫn cố để đào tạo. Và hậu quả của nó thì...

Tất nhiên ngoài hội đồng, còn một cách thứ hai để đánh giá chất lượng một nhà khoa học, đó là các công trình mà họ thực hiện và công bố. Ở Việt Nam, tỷ lệ các nhà khoa học trong các ngành khoa học tự nhiên có công bố quốc tế còn khá nhiều, nhưng trong ngành khoa học xã hội thì con số này là rất nhỏ.

Một nghiên cứu mà tôi có tham gia đã thống kê rằng, trong 10 năm qua có khoảng 500 nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực khoa học xã hội có ít nhất 1 bài báo công bố quốc tế. Chia trung bình ra thì chúng ta có 3,6 bài trong 10 năm, tức là 0,36 bài/năm. Mà nói bài quốc tế ở đây thì cũng chỉ là ở mức “sàn” thôi. Còn nếu phải chọn tiếp ra những bài xuất sắc thì con số 500 nhà khoa học mà tôi nói ở trên có lẽ sẽ bị rút xuống còn 1/5, tức khoảng 100 người.

- Thế nên chả trách nhiều sinh viên, nhiều nghiên cứu sinh của chúng ta đã tìm đủ mọi cơ hội để ra các nước phát triển du học, nghiên cứu. Liệu chúng ta có thể kỳ vọng gì ở một đội ngũ du học như vậy? Liệu chỉ với một đội ngũ du học thuần túy như vậy, chứ không phải một đội ngũ trí thức có trình độ được đào tạo ở trong chính đất nước mình, dân tộc chúng ta có thể hy vọng cất cánh được không?

- Tôi không phủ nhận vế thứ hai mà anh nói, nhưng cũng không cực đoan nhìn nhận vế đầu tiên. Tại sao người ta phải tìm cách đi du học? Tại vì bên cạnh tâm lý vọng ngoại (nếu có) thì thực tế là giáo dục chúng ta đang đối diện với tình trạng cung không đủ cầu. Bên cạnh đó, du học còn là trải nghiệm. Có những chương trình đào tạo trên thế giới yêu cầu sinh viên phải có ít nhất 1 kỳ thực tập ở nước ngoài.

Trong trường hợp này, vấn đề không phải là chất lượng giáo dục, mà sự dịch chuyển, sự trải nghiệm. Việt Nam bây giờ có những trường mang tính du học tại chỗ tốt như RMIT chẳng hạn thì với nhiều người, du học tại chỗ cũng không thể sánh bằng du học nước ngoài ở phương diện được trải nghiệm các yếu tố văn hóa, xã hội.

- Anh đã từng du học ở Pháp, ở Australia và bây giờ là ở Đài Loan, anh thấy những môi trường giáo dục này như thế nào, và có kỷ niệm nào thực sự đáng nhớ không?

- Trong 3 nơi trên thì Đài Loan cho tôi nhiều kỷ niệm nhất. Tôi nhớ có kỳ khi tôi là trợ giảng môn phân tích dữ liệu thì có một giáo sư ngành toán sang học ké. Giáo sư ngành toán thuần túy ở trường tôi khá nghèo, họ phải học thêm các ngành khác nữa để có thể hành nghề tư vấn. Ở đây, giáo sư phụ trách chỉ giảng một số buổi, trợ giảng dạy hết phần còn lại, và thế là tôi phải dạy một giáo sư ngành toán như tôi vừa kể, người có tuổi tương đương tuổi bố tôi. Nhưng khi học, họ thực sự tôn trọng tôi, tôn trọng tính thứ bậc thầy - trò, và đấy là điều tôi cực kỳ ấn tượng.

Điều này nói lên rằng, mặc dù là một trong những nơi tự do dân chủ nhất châu Á, và chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi giáo dục phương Tây nhưng họ vẫn giữ được cái cốt cách phương Đông truyền thống. Khi làm trợ giảng ở đây, chứng kiến nhiều điều diễn ra trong lớp của mình, trong môi trường xung quanh mình, tôi có cảm giác những răn dạy của Khổng Tử về lễ giáo, về nhân nghĩa vẫn như đang được người ta nuốt lấy từng lời.

- Tôi muốn nghe anh tổng kết xem, trong thời đại 4.0 này, xu thế đào tạo nói chung của các trường đại học phát triển trên thế giới là gì? Và triết lý đào tạo của chúng ta đang ở đâu trong xu thế ấy?

- Cái chung nhất trong đào tạo đại học hiện nay là xu hướng tạo ra con người gắn liền với thị trường lao động. Cái này bắt đầu từ hàng chục năm nay rồi chứ không phải chờ đến khi 4.0 xuất hiện đâu. Trong xu hướng này, người ta quan tâm đến kỹ năng, đến vấn đề việc làm, và có vẻ ít để ý đến các vấn đề triết học, văn hóa. Thế giới hiện nay có tính thực dụng cao hơn và tính tư tưởng giảm dần. Nhật Bản cách đây mấy năm còn tính đến việc đóng cửa các khoa đào tạo mang tính nhân văn, vì cho rằng nó ít phục vụ cho nền kinh tế.

Thế nhưng, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, vẫn có những làn sóng giáo dục con người khai phóng, con người triết học, con người tư tưởng. Ở Việt Nam hiện tại có 2 trường đại học tự nhận mình là đại học khai phóng, đó là Fullbright và Việt Nhật.

Với bối cảnh Việt Nam hiện nay, tôi nghĩ xu hướng thực dụng cần được tập trung trước. Tất nhiên, chúng ta vẫn cần có đào tạo con người khai phóng ở một số chuyên ngành nhất định, nhưng nên khoanh vùng nó lại, và phải tập trung vào sự thực dụng, vào kĩ thuật, vào nông nghiệp, quản trị, kinh tế. Nhưng để làm được điều này thì chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận trong vận hành giáo dục đại học. Cách hiện nay “tinh hoa” quá.

- “Tinh hoa” quá là sao?

- Nói thế này, cả anh, tôi, và tất cả những người trên 30 tuổi có trình độ đại học trở lên ở ngoài đường kia - tức là đại bộ phận lực lượng đang vận hành nền kinh tế, xã hội ở đất nước này đều là sản phẩm của giáo dục đại học “tinh hoa”. Cho nên, theo quán tính, chúng ta vẫn đang vận hành và đánh giá nền giáo dục đại học theo lối tinh hoa. Trong khi thực tế, nó đã chuyển sang giai đoạn đại chúng rồi.

- Anh có thể phân tích kỹ hơn?

- Triết lý của đào tạo tinh hoa là “tốt nhất”. Còn triết lý của đào tạo đại chúng là “phù hợp nhất”. Xin lấy ví dụ, chúng ta có thể sẽ thương cảm với một bạn 28 điểm mà vẫn trượt trường y; và chúng ta cũng lại không đánh giá cao lắm một bạn 20 điểm nhưng đỗ trường nông nghiệp. Nhưng chúng ta quên mất rằng bạn 28 điểm bị trượt thực ra là đúng vì đơn giản là còn nhiều bạn 29, 30 điểm cũng thi trường y; còn bạn 20 điểm xứng đáng đỗ vì bạn này đã chọn trường phù hợp và “phù hợp”.

Một ví dụ khác. Hồi tháng 4 năm nay, Bộ có ban hành một bộ quy chế mới dành cho đào tạo từ xa. Từ xa tức là online, để phân biệt với chính quy. Và khi nói đến chính quy, chúng ta sẽ nghĩ đến giảng đường với thầy giảng bài trực tiếp cho sinh viên. Còn đào tạo từ xa/online được xem là “hạng 2”.

Nhưng thực tế, giáo dục đại học thế giới bây giờ có phân biệt online với lên lớp đâu. Hai mô hình đó đã kết hợp với nhau không còn ranh giới từ lâu rồi. Để đào tạo cho “đại chúng” thì buộc phải kết hợp online vì làm sao có đủ thầy để dạy hết cho số đông sinh viên. Đấy là một ví dụ nữa cho thấy, đáng ra trong bối cảnh “đại chúng”, chúng ta phải tìm một phương thức quản lý đào tạo phù hợp nhưng lại vẫn tư duy theo kiểu cũ, kiểu “tinh hoa”, và vì vậy ta cố gắng phân biệt online với chính quy.

- Nhưng xã hội nào, nền kinh tế nào cũng cần những thành phần “tinh hoa” để dẫn dắt chứ?

- Đúng. Trong nền giáo dục đại học đại chúng, vẫn cần một nhóm nhỏ các trường tinh hoa, định hướng nghiên cứu, và được đầu tư lớn hơn các trường “đại chúng” thiên về đào tạo. Ở trên bạn vừa hỏi tại sao các nước xung quanh như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, nước nào cũng có đại học lọt vào tốp 1.000 thế giới, còn Việt Nam thì không.

Vì đấy là các đại học tinh hoa của họ, được nhà nước đầu tư lớn. Còn tại mình thì vẫn tư duy thời “tinh hoa”, đầu tư trường nào cũng như trường nào, nên thiếu sự đột phá, không có trường lọt tốp là chuyện dễ hiểu thôi.

- Xin chân thành cảm ơn anh!

Nhà nghiên cứu giáo dục Phạm Hiệp trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.

Phan Đăng (Thực hiện)
.
.