Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm:

Nhà báo sẽ không làm được, ngay cả khi được làm, nếu…

Chủ Nhật, 20/06/2021, 11:49
“Cứ nói chuyện thoải mái, tranh luận thẳng thắn như hai người làm nghề với nhau thôi”, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí Bộ Thông tin và Truyền thông nói như vậy khi tôi đề nghị thực hiện một cuộc đối thoại với ông, hướng đến Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, 21-6.


Là một nhà báo cựu trào của Đài Truyền hình Việt Nam, lại đang tham gia quản lý lĩnh vực báo chí, thông tin từ gần 5 năm nay, ông Nguyễn Thanh Lâm  hiểu nhiều ngõ ngách của nghề báo. Ông có những góc nhìn riêng về những biến động của báo chí truyền thống trong mối tương tác với công nghệ và mạng xã hội hôm nay.

“Có lẽ đã đến lúc không nên đặt báo chí truyền thống và mạng xã hội ở tư thế đối lập nhau, mà cần nghĩ đến chuyện phải làm gì để có thể đạt được hiệu quả truyền thông lớn nhất, tích cực nhất trong một môi trường truyền thông đã và sẽ có rất nhiều thay đổi”, ông nhấn mạnh.

Chúng ta muốn mình là ai?

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa ông Nguyễn Thanh Lâm, nếu đã coi đây là một cuộc trò chuyện, chứ không phải một cuộc phỏng vấn chính thống thì chúng ta liệu có thể xưng là “anh - em” như nhiều năm về trước được không?

- Ông Nguyễn Thanh Lâm: (Cười...) Tất nhiên rồi!

- Anh Lâm này, sự phát triển của các mạng xã hội hiện nay khiến ai cũng có thể dễ dàng đưa thông tin, truyền tải thông tin. Có người còn bảo với một cái điện thoại kết nối Internet, giờ bất cứ ai cũng có thể trở thành nhà báo. Anh có nghĩ thế không?

- Theo tôi, xu thế tất yếu của thời đại hôm nay là quyền biểu đạt trên không gian truyền thông không còn là đặc quyền riêng của những người làm báo hoặc những cơ quan báo chí truyền thống nữa. Nó trở thành quyền đương nhiên và nằm trong tầm tay của rất nhiều người. Đây là xu thế không thể đảo ngược. Nhưng, xét về bản chất, không thể nói rằng cứ quan sát đời sống, rồi mở cái điện thoại của mình ra live stream là đã trở thành nhà báo. Tôi và anh đều hiểu, nhà báo phải là người có năng lực tiếp cận, quan sát, lắng nghe, gạn lọc các chất liệu cuộc sống, có năng lực kiểm chứng thông tin, có góc nhìn riêng và biết tôn trọng các vận động khách quan. Nhưng, vì thời đại thông tin thay đổi nên theo tôi nhà báo cũng phải thay đổi. Không nên giữ những ý nghĩ cũ kỹ của mình, cho rằng có những thứ đặc quyền chỉ mình được làm, người khác không thể làm. Tôi nghĩ nếu không chịu thay đổi để thích ứng với thời đại thì với ngay cả những điều mình được làm, nhà báo cũng chưa chắc đã làm được.

- Hướng thay đổi theo anh là gì?

- Tôi thấy những năm gần đây, nhiều nhà báo giỏi ngày càng có xu hướng trở thành những người kể chuyện. Tất nhiên, kể chuyện ở đây không phải là kể chuyện hư cấu, mà là năng lực chắt lọc những vấn đề trong cuộc sống và năng lực biến nó trở thành một câu chuyện hấp dẫn với người đọc/người nghe. Tôi nghĩ nhà báo giỏi có thể phát huy năng lực cốt lõi này trên tất cả các không gian truyền thông, kể cả không gian mạng xã hội. Nhưng, tôi muốn nhấn mạnh, khi tham gia mạng xã hội, nhà báo phải hiểu rõ mình đang là một nhà báo, chứ không phải là một công dân thuần túy, cho nên trách nhiệm xã hội của anh phải khác với trách nhiệm xã hội của một công dân.

- Thực tế có những nhà báo khi xuất hiện trên báo, họ thể hiện một khuôn mặt nhưng khi xuất hiện trên mạng xã hội, họ lại thể hiện một khuôn mặt khác.

- Có hai câu chuyện phải tách bạch. Thứ nhất, chúng ta phải xác định rõ mình là ai. Thứ hai, chúng ta muốn sống như thế nào. Giả định chúng ta đang là nhà báo, mà chúng ta đúng là những nhà báo thật, cả anh và tôi đều hiểu nghề báo rất khác những nghề khác ở chỗ, nó đòi hỏi người làm nghề phải trực tiếp đi, chứng kiến, trải nghiệm đời sống rồi từ đó tạo nên một tác phẩm báo chí. Tác phẩm ấy phải có giá trị khái quát, tức là phải đặt câu chuyện vào trong một bối cảnh và gợi mở một giá trị, chứ không phải chỉ là những mảnh ký ức vụn vặt thông thường. Tìm kiếm, kiểm chứng thông tin, quyết định kể câu chuyện đó một cách khách quan mà không bàng quan... Đó là những kỹ năng tác nghiệp gốc của nghề báo. Trong khi đó, có những người có tầm ảnh hưởng trên mạng (KOLs) không thực hiện đầy đủ những thao tác tìm kiếm, kiểm chứng  thông tin  như thế.

Ở đây tôi tuyệt đối không vơ đũa cả nắm, bởi có những KOLs vốn là những chuyên gia uy tín, những nhà báo uy tín, hết sức có trách nhiệm và có ảnh hưởng tương xứng trong xã hội. Ngược lại, cũng có một số KOLs đơn giản chỉ là những người lợi khẩu, có một chút tiếng tăm, có lượng người theo dõi lớn nhưng hoạt động trong lĩnh vực không liên quan đến báo chí, thậm chí cũng chẳng liên quan gì đến những điều mà họ viết ra. Những người ấy nói ra/viết ra những điều mà thoạt nghe/thoạt đọc dễ có cảm giác là đúng nhưng thực chất tôi thấy nhiều người trong số đó viết và nói mà không hề có thông tin hoặc không có quá trình thu thập, kiểm chứng thông tin một cách nghiêm túc. Vậy thì chúng ta phải trả lời câu hỏi, là một nhà báo, chúng ta muốn làm cái gì đây? Muốn trở thành ai đây? Muốn bỏ tư cách nhà báo để trở thành KOLs, hay vừa muốn làm nhà báo, vừa muốn làm KOLs?

Phải trả lời hết sức nghiêm túc và có trách nhiệm những câu hỏi này để định vị bản thân, nếu không nhà báo rất dễ bị trôi dạt, đánh mất phương hướng. Sự tung hô ở trên mạng nhiều lúc rất nguy hiểm, bởi nó làm mình tưởng rằng ai cũng tán thưởng những gì mình nói, rằng mình đã nói ra thì chắc là đúng..., thế rồi dần dần mình nói mà ít suy nghĩ. Thực tế, trong những năm qua, tôi quan sát thấy có những người đã trượt từ sứ mạng cung cấp thông tin  sang  thái cực khuếch trương ảnh hưởng cá nhân, để rồi cuối cùng vừa đánh mất tư cách nhà báo, vừa mất luôn tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, trong tư cách của một KOLs.

- Thực tế cũng cho thấy có không ít đối tượng, không ít thương hiệu thường tìm cách tác động tới các KOLs để đạt được một mục tiêu gì đó. Anh nhìn nhận hiện tượng truyền thông này ra sao, nếu anh cho rằng nó đúng là một hiện tượng truyền thông?

- Đây là xu hướng khá rõ trong vài năm trở lại đây. Chúng ta có thể gọi đó là xu hướng nhiều cá nhân, tổ chức, thương hiệu phải nhờ những KOLs, trong đó có những KOLs đã hoặc đang làm nghề báo viết những điều có lợi cho mình hoặc để “giải cứu” cho mình khỏi những lùm xùm trong dư luận hay khủng hoảng truyền thông, để phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Không dễ bình luận hiện tượng này, bởi còn phải xét đến từng trường hợp cụ thể. Thực ra, cái gì đang tồn tại thì đều có cái lý của nó. Tôi lấy ví dụ có những người thực sự đã làm rất tốt công việc của mình nhưng tự nhiên bị kéo vào một cơn bão dư luận, rồi lại không biết nói năng, có khi nói ra lại còn bị hiểu lầm, từ đó hứng chịu nhiều dư luận không đáng có. Lúc đó, nếu có những KOLs hiểu người, hiểu chuyện, giúp cho họ có những thanh minh, giãi bày, chia sẻ trên không gian mạng để công luận hiểu rõ thêm, thì đó là tích cực. Nhưng, cũng không thiếu những trường hợp lợi dụng phương thức này để đạt mục đích khác. Thậm chí, tôi còn thấy có một tập hợp KOLs cố tình tung ra một cuộc khủng hoảng truyền thông với một đối tượng, một cơ quan, một địa phương, rồi sau đó lại chào mời chính đối tượng đó tham gia một gói xử lý khủng hoảng truyền thông, tất nhiên là phải có chi phí. Nói nôm na là tay trái đánh, tay phải cứu. Thành thử nhiều người, nhiều đối tượng, nhiều thương hiệu bị cuốn vào vòng xoáy đó, nhiều lúc không thể kiểm soát được.

Những điều này càng cho thấy mạng xã hội đã thay đổi phương thức mà con người giao tiếp, tác động, ảnh hưởng tới nhau. Phương thức mới mẻ này có một tốc độ và mức độ lan tỏa mà chưa bao giờ chúng ta thấy từ trước đến nay. Trong không ít trường hợp, nó tác động tới cả quy trình ra quyết định của các cơ quan nhà nước. Tức là các cơ quan nhà nước có lúc cũng phải nghe ngóng độ nóng - lạnh từ mạng xã hội rồi mới đưa ra quyết định về một vấn đề gì đó.

Tại sao các nhà nước phải vào cuộc?

- Bây giờ thì tôi muốn nhìn câu chuyện ở khía cạnh toàn cầu. Anh có thấy không, nhiều mạng xã hội thậm chí còn đồng loạt khóa tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trước đó ông Trump được nhìn nhận như một chuyên gia mạng xã hội và có những nhà nghiên cứu truyền thông cho rằng nhờ sức lan tỏa trên mạng xã hội mà từ một doanh nhân, ông đi thẳng vào Nhà Trắng. Rõ ràng, quyền lực mạng xã hội ở phạm vi toàn cầu là khủng khiếp và có vẻ tất cả các quốc gia, các mô hình chính trị xã hội truyền thống đều ít nhiều bối rối trước quyền lực khủng khiếp này. Rất nhiều lần tôi tự hỏi, không biết rồi nhân loại sẽ giải quyết cơn bối rối này ra sao?

- Cơn bối rối này đúng là ở quy mô toàn cầu. Các mạng xã hội xuất phát là những công ty công nghệ nhưng giờ họ đã phát triển tới độ trở thành những định chế xuyên quốc gia, những “đế chế ảo”. Chúng ta cứ tưởng tượng hơn 2 tỷ người trên thế giới tham gia Facebook là hơn 2 tỷ người phải chấp nhận các luật lệ của MỘT ông chủ Facebook. Tức là một người đặt ra luật chơi cho hơn 2 tỷ người. Do vậy, câu chuyện không chỉ là quyền lực công nghệ hay kinh tế nữa, mà thực chất đó chính là quyền lực chính trị. Thậm chí, định chế ấy có thể mặc nhiên khóa tài khoản của một vị tổng thống đương nhiệm, ở một đất nước mà chính định chế ấy đăng ký kinh doanh. Ở đây có sự đối đầu gia tăng và cạnh tranh ảnh hưởng giữa các công ty công nghệ toàn cầu với các thể chế chính trị truyền thống và rõ ràng thể chế nào, nhà nước nào cũng sẽ không muốn để sự cạnh tranh này gây bất lợi cho mình.

- Mượn cách nói của Karl Marx, “cái cối xay quay bằng tay đưa lại xã hội có lãnh chúa, cái cối xay chạy bằng hơi nước đưa lại xã hội có nhà tư bản công nghiệp”, liệu bây giờ chúng ta có thể nói rằng: mạng xã hội với sự phát triển khủng khiếp của nó đã đưa lại những nhà nước phi biên giới, nằm ngoài mọi sự tưởng tượng trước đó của mọi nhà nước?

- Xưa nay loài người vẫn quản lý thế giới của mình theo những ý niệm rõ ràng về địa lý như lãnh thổ, biên giới, theo những không gian vật lý thuần túy. Bây giờ tự nhiên lại có một không gian xuyên vật lý, xuyên biên giới. Người ta thường gọi nó là không gian ảo nhưng bản chất của nó bây giờ không còn là ảo nữa. Vì nó chính là một phần đời sống thật của con người và tác động ngày càng sâu rộng đến cách mà thế giới vận hành. Càng nghiên cứu vấn đề này, chúng ta sẽ càng thấy các xu thế này phức tạp hơn so với những gì mình đã tưởng tượng.

- Ở thuở ban đầu, người ta nghĩ rằng các công ty công nghệ này đơn thuần chỉ cung cấp nền tảng, chứ không thể tác động tới nội dung trên nền tảng đó. Điều 230, Đạo luật Truyền thông đứng đắn của Mỹ quy định rất rõ điều này. Nhưng, khi các mạng xã hội khóa tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thì rõ ràng họ đã không còn là nơi cung cấp nền tảng đơn thuần nữa. Họ đã can thiệp vào việc ai được tham gia, ai không được tham gia vào nền tảng của mình. Điều này đã tạo ra những tranh cãi gay gắt trong cộng đồng những nhà nghiên cứu Mỹ. Anh thấy sao ạ?

- Bây giờ mọi thứ không còn giống cái thời mà Đạo luật Truyền thông đứng đắn của Mỹ quy định nữa, rằng các công ty công nghệ, các mạng xã hội chỉ là nơi cung cấp  nền tảng, chứ không thể tham gia vào việc sản xuất nội dung nên không phải chịu trách nhiệm về nội dung trên các nền tảng của mình. Bây giờ, ngay cả khi không trực tiếp tham gia vào sản xuất nội dung thì các mạng xã hội đều dùng thuật toán để gợi ý thông tin, gợi ý nội dung cho người xem đấy chứ. Thuật toán Facebook biết từng nhóm người dùng yêu thích cái gì, gợi ý người dùng nên xem cái gì, tức là họ đã điều hướng nội dung trên nền tảng của mình một cách mạnh mẽ.

Cứ như thế, hãy thử tưởng tượng ngày mai nếu các nền tảng công nghệ này lại phát hành đồng tiền riêng của mình, rồi lại tác động, chi phối người dùng theo những cách thức có thể còn nằm ngoài mọi sự hình dung của các định chế truyền thống thì mọi thứ sẽ dẫn tới đâu? Nếu có một ngày như thế, nó sẽ khiến những con người cụ thể ở những quốc gia cụ thể cảm nhận rõ thế nào là sự hoán đổi ngôi vị trong thế giới thực. Tất nhiên, chúng ta không cực đoan. Chúng ta vẫn nhìn ra những cơ hội to lớn mà các công ty công nghệ nền tảng đã và đang mang lại. Nhưng, khắp thế giới bây giờ, nỗi lo ngại về những mặt tiêu cực mà những định chế này tạo ra có vẻ đang chiếm phần nhiều hơn trong suy nghĩ của các nhà nước.

- Cho nên, nhiều nhà nước đã và đang quyết liệt vào cuộc. Ví dụ như Australia, Canada, EU... đã đề nghị Facebook phải chia sẻ lợi nhuận với các cơ quan báo chí. Họ sợ rằng, cứ với đà này kinh tế báo chí sẽ ngày một teo tóp và đến một lúc nào đó có khi người ta chỉ đọc tin trên các mạng xã hội, chứ không còn theo dõi báo chí chính thống nữa. Anh nhận xét gì về điều này?

- Phải nói luôn là Việt Nam cũng đang chuẩn bị làm để bảo vệ quyền lợi của báo chí nước ta trên không gian mạng. Chúng ta cũng tham khảo mô hình của Australia và một số nước nhưng rồi sẽ phải đi tới chỗ làm theo cách của mình. Sẽ có người hỏi vậy tại sao các chính phủ, các nhà nước phải tham gia câu chuyện này? Bình thường mà nói thì những giao dịch kinh tế, rồi chuyện hợp tác hay không hợp tác nội dung là một giao dịch dân sự giữa các cơ quan báo chí với các mạng xã hội. Nhưng, tất cả các nhà nước đều hiểu rằng, đây là cuộc thương lượng không cân sức.

- Mạng xã hội thì có sức mạnh khủng khiếp, các cơ quan báo chí thì quá nhỏ nhoi!

- Vì vậy, các nhà nước mới phải vào cuộc để điều hòa lợi ích. Việc Australia đã làm là đề nghị Google, Facebook phải ngồi xuống thương lượng với các cơ quan báo chí nước này. Nếu thương lượng không xong thì Chính phủ Australia có thể sẽ áp đặt một mức chế tài do mình đặt ra. Ở đây, chúng ta thấy nhà nước sẽ đóng vai trò điều tiết rất quan trọng trong một cuộc thương lượng không cân sức giữa mạng xã hội và các cơ quan báo chí.

Phải nói sòng phẳng là hiện nay, việc Facebook, Google gợi ý, phân phối tin tức báo chí cũng mang đến cái lợi cho báo chí, vì nó sẽ giúp thông tin báo chí được lan tỏa mạnh hơn. Nhưng, cái lợi đó không thấm vào đâu so với những cái lợi kinh tế khổng lồ mà Facebook, Google được hưởng. Điều nguy hiểm nữa nằm ở chỗ, bằng việc gợi ý tin tức báo chí cho người xem, các mạng xã hội dần dần tạo thói quen mới cho độc giả, đó là không việc gì phải tìm đến các tờ báo điện tử nữa, mà chỉ cần đọc các bài báo đã được dẫn link trên nền tảng công nghệ của mình là đủ. Thuật toán của họ sẽ lưu lại các hành vi, thói quen, thị hiếu của độc giả, từ đó gợi ý cho từng độc giả những nội dung phù hợp nhất với thị hiếu từng người. Đến một ngày đẹp trời, có khi Facebook, Google chẳng cần các cơ quan báo chí cung cấp nội dung nữa; người đọc cũng chẳng cần tìm đến các tờ báo nữa, vì họ sẽ chủ yếu đọc những mẩu tin tức không rõ nguồn gốc, không phải là sản phẩm báo chí. Khi đó, cái mất của báo chí là rất lớn. Mất đi bản sắc của mình, mất đi sự hiện diện của mình trên không gian mạng, mất đi năng lực kiểm soát tương lai, vận mệnh của mình.

- Rồi một lúc nào đó, có thể bản thân các mạng xã hội sẽ tự sản xuất nội dung, phù hợp nhất với từng nhóm độc giả mà mình thống kê, phân tích cũng nên?

- À đúng rồi! Và đến một ngày đẹp trời, có thể người đọc sẽ mất luôn cái năng lực đánh giá sự khác biệt giữa một bài báo với những đoạn thông tin nào đó do robot và các thuật toán mà các nền tảng công nghệ tạo ra.

Không nên đối lập mạng xã hội với báo chí chính thống

- Rất nhiều người làm báo lo sợ rằng, đến một ngày nào đó, mạng xã hội sẽ đánh sập báo chí truyền thống! Anh thấy sao?

- Tôi sẽ trả lời câu hỏi này bằng cách nói lại một câu hỏi mà Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đặt ra, đó là thuật toán có phải là báo chí không? Tất nhiên, đây chỉ là một câu hỏi đặt ra để chúng ta cùng suy nghĩ thôi, chứ chưa có trong bất cứ văn bản  quy phạm nào cả. Phải suy nghĩ là bởi, nếu thuật toán đã điều hướng, phân phối thông tin đến mình thì rõ ràng là nó đã tác động tới não mình rồi. Và nữa, những nền tảng mạng xã hội hiện nay liệu có phải là đang thay thế chức năng thông tin của báo chí không, ít nhất là ở khả năng điều phối nội dung thông tin đến đúng đối tượng của nó?

Như đã nói ở phần đầu, theo tôi lao động của một nhà báo đúng nghĩa và những lao động tạo ra thông tin trên mạng xã hội có thể vẫn là rất khác nhau. Nhưng, cũng lại phải nghĩ dần đến một giả định trong tương lai: có thể đến một ngày nào đó, phải chăng chúng ta không thể nhìn báo chí theo một cách hạn hẹp như hiện nay, mà buộc phải bổ sung cho nó những nội hàm hoàn toàn mới?

- Tức là không thể đặt báo chí và mạng xã hội ở thế đối lập nhau?

- Tôi nghĩ, chúng ta sẽ không thể giải quyết bài toán một cách căn cơ nếu vẫn nghĩ rằng mạng xã hội và báo chí giống hai thế giới tương phản, đối lập, loại trừ nhau, không thể nào hòa vào nhau. Điều mà chúng ta đang và sẽ phải hướng đến, đó là làm thế nào để sống được một cách tích cực nhất trong không gian truyền thông mới? Ví dụ như chúng ta cần tới cách thức phân phối thông tin hết sức hiệu quả của các mạng xã hội nhưng lại phải thấy rằng cũng có lúc người ta mệt mỏi với những thông tin xen lẫn thật - giả tràn lan trên mạng, mà cần đến những thông tin uy tín, chất lượng. Lúc đó, báo chí chính thống phải tạo ra những gói thông tin chất lượng, chuyên sâu, tin cậy và hoàn toàn có thể thu phí người đọc, người xem.

- Một biểu hiện kết hợp giữa báo chí chính thống và mạng xã hội hiện nay chính là việc rất nhiều tờ báo lập fanpage riêng, mở kênh YouTube riêng. Và, tôi nghĩ sự kết hợp này có thể chỉ là khởi đầu cho rất nhiều sự kết hợp, tương tác hữu ích khác trong tương lai? 

- Chuyển đổi số báo chí chính là ở đó. Nhưng, phải thấy rõ là hiện nay ở ta, những chuyển đổi đó hầu hết đều đang chạy trên những nền tảng mạng xã hội của nước ngoài. Những nền tảng do nước ngoài tạo ra, quản lý và áp đặt luật chơi của họ lên chúng ta. Nếu đặt câu hỏi “chúng ta có thể quản lý họ được không?” thì câu trả lời là “được”, thông qua nhiều công cụ như dựa vào các quy định pháp luật, dựa vào đấu tranh bằng các biện pháp kinh tế, kỹ thuật. Bởi mục đích lớn của những công ty này suy cho cùng là hiệu quả kinh doanh. Chúng ta xác định: họ kinh doanh là tốt nhưng phải đúng pháp luật sở tại. Thực tế những năm vừa qua cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể làm được những việc này nhưng phải tiếp tục làm một cách hệ thống, nhất quán, lâu dài.

Tuy nhiên, từ góc độ quản lý nhà nước, tôi cho rằng nếu chúng ta vẫn cứ phát triển thông tin dựa trên những nền tảng đó, không  đẩy mạnh xu thế sử dụng những nền tảng của nước mình thì về lâu dài cũng sẽ không có tương lai. Chúng ta phải hướng tới việc tạo ra những nền tảng của mình. Dân số của mình, sức mua của mình, sức cạnh tranh nền kinh tế là của mình, chủ quyền quốc gia của mình, vậy thì tại sao mình cứ để các cái “chợ” xuyên biên giới này nhảy vào áp đặt cuộc chơi?

- Những năm gần đây, chúng ta đã cố gắng tạo những mạng xã hội riêng cho người Việt Nam nhưng phải thành thật mà nói là cho tới lúc này, nó chưa đem lại hiệu quả như mong đợi. Thành thử, phải xác định đó là một con đường hết sức lâu dài, gian nan?

- Đúng rồi! Rất gian nan! Nhưng, chẳng phải chúng ta đã từng chứng kiến nhiều đế chế công nghệ sụp đổ do bỏ lỡ chỉ một bước ngoặt - một sự chuyển đổi nhỏ nào đó về công nghệ đó sao? Tôi nghĩ rằng, sự đổi ngôi về thứ bậc trong thế giới công nghệ là rất khốc liệt. Không có đế chế công nghệ nào là bất biến, là vĩnh cửu được đâu!

- Xin chân thành cảm ơn anh! 
Phan Đăng (thực hiện)
.
.