Tiến sĩ Giáp Văn Dương: Muốn học thật thì phải được sống thật!

Thứ Bảy, 29/05/2021, 12:50


“Học thật, thi thật, nhân tài thật” - đó là những thông điệp hết sức tường minh mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắn gửi ngành Giáo dục. 

Thực tế từ  hàng chục năm nay, đã có rất nhiều bàn thảo, thậm chí là cả những tranh luận gay gắt về triết lý nền giáo dục; đã có nhiều cuộc cải cách ở nhiều cấp độ và phương diện khác nhau trong giáo dục nhưng có vẻ những thay đổi mang tính đột phá vẫn chưa xuất hiện. Cho nên, khi Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh tới 3 chữ “thật” thì tất cả những ai quan tâm đến sứ mệnh giáo dục nước nhà đều phải vắt tay lên trán mà suy tư, trăn trở.

ANTG GT-CT trò chuyện với nhà giáo dục, tiến sĩ Giáp Văn Dương về những nỗi trăn trở này.

Một nền giáo dục bất thường

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa tiến sĩ Giáp Văn Dương, khi nghe tới 3 chữ “thật” rất tường minh mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành Giáo dục, anh có cảm xúc như thế nào?

- Tiến sĩ Giáp Văn Dương: Cảm xúc của tôi rất là vui. Tôi như thấy có một sự mỉm cười nhẹ nhàng bên trong mình, vì tôi đã tham gia xây dựng 2 ngôi trường tư thục và trước khi xây dựng 2 ngôi trường đó thì tôi phải xây dựng một ngôi trường tinh thần ở trên giấy trước. Một trong những nội dung quan trọng của ngôi trường tinh thần đó là bộ giá trị cốt lõi của nhà trường, gồm 4 yếu tố: Chân - Thiện - Mỹ - Hòa. Bộ giá trị này đóng vai trò là khung tham chiếu, chi phối và điều chỉnh tất cả các hành vi của giáo viên, học viên của nhà trường. Trong 4 giá trị này, tôi đặt chữ Chân ở vị trí đầu tiên. Ở đây, chữ Chân có nghĩa là chân lý, là sự thật, là chạm đến cái thật.

- Tôi thì có suy nghĩ rằng, xét về mặt nguyên lý, cổ - kim, Đông - Tây cũng vậy thôi: Đã nói tới giáo dục, tất yếu phải nói tới đặc tính “thật”. Nền giáo dục nào cũng tất yếu phải coi đây là đặc tính căn bản nhất, để từ đó xây dựng những đặc tính khác. Vậy mà trong lúc này chúng ta bắt buộc phải nhấn mạnh vào nó, đề cao nó, coi nó như mục tiêu để hướng đến. Điều ấy có nghĩa là trên thực tế, nền giáo dục của chúng ta đã và đang tồn tại điều không thật?

- Vâng! Đấy chính là một sự thật. Chúng ta đã có những cuộc vận động như “không được chạy theo thành tích ảo”, tức là đã có lúc cả hệ thống giáo dục của chúng ta chạy theo cái ảo, cái không thật. Một trong những ví dụ mà chúng ta đều thấy đó là chạy theo điểm số.

Khi chạy theo điểm số thì sẽ chỉ có điểm số, chứ không chắc đã có giáo dục thật và càng không chắc đã có nhân tài thật.

Lâu nay, chúng ta đã nhầm lẫn giữa người giỏi và người học giỏi. Người học giỏi lại đồng nhất với người thi giỏi. Vì thế, nhân tài của chúng ta được mặc định là người có điểm số cao, tức là người thi giỏi.

Nhưng, trên thực tế, người giỏi, hay nhân tài thật, phải là người làm giỏi, người tạo ra giá trị cho cuộc sống. Tiếc rằng, nền giáo dục của chúng ta chưa bao giờ đo lường chất lượng giáo dục bằng tiêu chí này nên chỉ có thành tích về điểm số, mà không có nhân tài thật.

- Anh làm tôi nhớ tới lời than vãn của cố giáo sư Văn Như Cương, rằng có hàng loạt bộ hồ sơ xin xét tuyển vào trường của thầy mà ở đó là chi chít điểm 9, điểm 10. Giáo sư từng đặt câu hỏi: Những điểm số này có thật không?

- Chuyện đó chẳng phải chỉ ở thời thầy Văn Như Cương đâu, mà ngay bây giờ vẫn vậy. Ví dụ nóng nhất là ở Hà Nội chuẩn bị có những cuộc xét tuyển vào các trường chuyên và tôi nhìn thấy trong các bộ hồ sơ xin tuyển hiện nay cũng có rất nhiều bộ mà từ lớp 1 đến lớp 5 đều 10 hết. Cho tất cả các môn.

Tôi nhấn mạnh là điểm 10 cho tất cả các môn, trong tất cả 5 năm học. Học tập là một hành trình nhận thức, là một quá trình sửa sai và trưởng thành. Không có một học sinh nào có thể hoàn hảo trong nhận thức để đạt được một kết quả hoàn hảo như vậy trong suốt cả bậc học.

Chắc chắn phải có một cái gì đó sai ở đây và tôi cho rằng cái sai đó chính là sự không thật trong giáo dục, thể hiện qua sự không thật của điểm số. Đó là sự bất thường. Tôi đã nhiều lần phát biểu rằng giáo dục của chúng ta phải trở lại bình thường thì mới hy vọng có được điều phi thường. Còn nếu không thể trở lại bình thường thì giáo dục sẽ mãi bất thường.

- Một chuyện nóng hổi nữa, không phải với các cháu học sinh tiểu học, mà với chính những người làm luận văn thạc sĩ, tiến sĩ hẳn hoi: Một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh quét 9 luận văn thạc sĩ qua phần mềm chống đạo văn, kết quả là chỉ duy nhất một luận văn đạt yêu cầu. Mượn cách nói của cụ Nguyễn Khuyến xưa thì chuyện những thạc sĩ “giấy”, những tiến sĩ “giấy”, những nhân tài “giấy” bây giờ có lẽ không sao kể hết?

- Nó là một vấn nạn kéo dài hàng chục năm nay rồi. Nó khiến chúng tôi buồn chán đến mức không muốn nói đến nữa. Anh nghĩ xem, dịch vụ viết thuê luận văn/luận án giờ đây được quảng cáo rất ngang nhiên. Chúng không chỉ xuất hiện trên các tờ quảng cáo, được dán ở các cột điện, mà còn xuất hiện trên các trang web và thậm chí trên cả Facebook nữa.

Những cái này, thứ vấn nạn này còn không đáng được gọi là mua - bán tri thức, vì nếu tôi mua tri thức thì tri thức đó sẽ trở thành của tôi, còn cái này thì phải gọi đúng từ là “lừa đảo” để mưu lợi.

Khi sự lừa đảo tri thức đến từ chính những người trưởng thành, trong đó có những người đang làm công tác giảng dạy hoặc đang ở trong hệ thống công quyền, thì chúng ta thấy sự bất thường của nền giáo dục đã nguy hiểm ở mức nào rồi.

Không có bất cứ nền giáo dục lành mạnh nào lại như thế cả. Khi tôi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, tôi thấy là ai đạo văn đều phải trả giá rất đắt. Học sinh sẽ bị kỷ luật, giáo sư sẽ bị bãi nhiệm, bộ trưởng có thể cũng mất chức ngay. Tôi nghĩ về chuyện đạo văn, xào nấu luận án kiểu này rất nhiều và tự hỏi: Có phải vì người ta được dạy đạo văn từ nhỏ nên đã quá quen rồi. Bây giờ trưởng thành, làm thạc sĩ, tiến sĩ thì coi chuyện chép lại, thậm chí thuê người làm hộ như một chuyện đương nhiên?

- Ý anh là họ được dạy đạo văn ngay từ nhỏ?

- Đúng rồi! Từ tiểu học!

- Vấn nạn “văn mẫu” chăng?

- Văn mẫu! Văn mẫu chính là một dạng đạo văn. Tư duy mẫu cũng là một dạng đạo văn khác. Hồi con gái tôi học lớp 7, cháu rất ấm ức với chuyện, ở trên lớp cô giáo ra đề bài là “Em hãy phát biểu cảm nghĩ của em...” và cháu đã phát biểu đúng cảm nghĩ của cháu, thế nhưng cuối cùng cô giáo lại bảo không được. Cô bảo là phải thế này, thế kia mới đúng. Tức là đề bài thì “phát biểu cảm nghĩ của em” nhưng muốn được điểm cao thì phải “phát biểu cảm nghĩ của cô”. Hóa ra, “phát biểu cảm nghĩ của em” chỉ là một cái cớ thôi, còn khi làm bài thì phải theo đúng dàn ý mà cô hướng dẫn. Mà nói thật, cái dàn ý đó cũng chưa chắc là của cô, mà do cô “nhặt” từ những cuốn sách tham khảo nào đó thôi. Khi con tôi mới ở nước ngoài về, đối diện với những chuyện này, cháu thấy ấm ức vô cùng.

Như thế thì còn gì là học thật, thi thật, suy nghĩ thật nữa. Mà như thế thì không bao giờ có được nhân tài thật!

- Trên một diễn đàn giáo dục uy tín, tôi đọc được một dòng tít nói đến điều chúng ta đang bàn: Không thể có học thật nếu còn văn mẫu. Nhưng rồi tôi cũng nghĩ đến một trường hợp nổi tiếng đã thoát khỏi văn mẫu, thoát khỏi khuôn. Trường hợp đó diễn ra trong một cuộc thi học sinh giỏi văn và khi được đề nghị phân tích bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, một em học sinh ở Hà Nội đã nói rõ là em không có cảm xúc với tác phẩm này. Chuyện đúng - sai như thế nào, hậu xét. Nhưng, chỉ riêng việc dám nói rõ như vậy thì tôi nghĩ em ấy đã sống thật với mình.

- Câu chuyện này thực ra đã chạm vào những khúc rất sâu của giáo dục đấy nhé. Bạn học sinh Hà Nội nói rằng bạn ấy không có cảm xúc gì với bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là bởi câu chuyện diễn ra ở một địa phương rất xa và ở một thời đại rất xưa so với không gian và thời đại bạn ấy đang sống. Nhưng, nếu thay câu chuyện đó bằng một câu chuyện diễn ra ở Hà Nội, trong thời đại bạn ấy sống thì chắc chắn bạn ấy sẽ có cảm xúc.

Cho nên câu hỏi đặt ra là: Tại sao chúng ta để học sinh cả nước, ở những vùng miền khác nhau, với những đặc điểm văn hóa, thói quen khác nhau phải học một chương trình giống hệt nhau? Bạn hãy hình dung là cùng trong tuần ấy, cả triệu học sinh cả  nước học đúng một bài ấy, phải hiểu đúng những điều ấy, phải có đúng những cảm xúc ấy, vậy thì có phi lý không? Có thật được không?

- Mới đây chúng ta đã thay đổi điều này bằng cách áp dụng chính sách một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, thưa anh!

- Nhiều bộ sách đúng là một giải pháp và sẽ khắc phục được phần nào. Nhưng, khó có thể khắc phục triệt để. Muốn khắc phụt triệt để phải có những đột phá về phương pháp giáo dục, về cách tiếp cận mới trong giáo dục. Khi đó sách giáo khoa chỉ là một công cụ mà thôi. Còn nếu vẫn coi sách giáo khoa là tất cả thì mỗi ngày trôi qua, hàng triệu giáo viên và học sinh đều phải dạy và học giống hệt nhau, với những cảm xúc và yêu cầu giống hệt nhau. Khi đó chỉ là diễn, không có cách nào thật được.

Khi cái bên trong vênh cái bên ngoài

- Chúng ta vừa điểm sơ sơ những biểu hiện không thật của nền giáo dục nước nhà, chắc chắn chúng ta sẽ phải bàn tới những phương án có thể thực hiện để nó thật hơn. Nhưng, để tránh những tranh luận không đáng có, chúng ta cần chốt với nhau một khái niệm về cái thật. Theo anh, trong giáo dục, thế nào là thật? 

- Cái này khó đấy, vì nó là vấn đề triết học. Nhưng, có thể hiểu đơn giản thế này: Chúng ta có tối thiểu 2 thế giới. Một là thế giới khách quan ở bên ngoài, ví dụ như trời, biển, núi, mây, bàn, ghế... Và, hai là một thế giới chủ quan ở bên trong tâm trí của chúng ta. Để cho đơn giản, trong cuộc trò chuyện này, chúng ta giới hạn thế giới nhận thức.

Khi đó, một vấn đề chỉ được coi là thật khi cái ở bên trong và cái ở bên ngoài trùng khớp với nhau. Tức là, chúng ta chỉ chạm vào sự thật khi sự vật, hiện tượng ở trong nhận thức và trong thế giới bên ngoài trùng khít với nhau. Chừng nào nó còn vênh thì còn chưa thật.

Nếu chúng ta nói rằng, học sinh của chúng ta rất giỏi, rất thông minh thì đấy là cái nhận thức của chúng ta. Nhưng, ở thế giới khách quan bên ngoài, họ có giỏi thật, có thông minh thật hay không? Nếu bảo chúng ta giỏi như thế, xuất sắc như thế, có nhiều nhân tài như thế thì suy cho cùng, chúng ta phải làm ra được một điều gì đó đáng kể chứ. Nhưng, ở trên tất cả các lĩnh vực từ văn hóa, khoa học kỹ thuật, kinh doanh..., chúng ta đều rất thiếu những con người như thế.

Rõ ràng là cái chúng ta đang nghĩ và cái diễn ra bên ngoài đang vênh nhau và chiếu theo khái niệm tôi vừa nói thì đó là sự không thật. Nói cách khác, chúng ta chưa có nhận thức đúng về giáo dục, về việc thế nào là một nền giáo dục thật.

- Tôi cũng tán thành quan niệm của anh về việc phải hiểu cái thật trong mối tương tác giữa thế giới bên trong và thế giới bên ngoài của một hoặc một tập hợp các chủ thể. Nhưng, có thể dùng những thước đo nào để đánh giá tương đối chính xác về mối tương tác này đây?

- Thông thường, trong giáo dục, người ta sẽ nói tới thước đo điểm số. Song, như đã nói lúc đầu, tôi cho rằng điểm số chỉ là một thước đo rất phiến diện. Vì điểm số không thể chạm được vào rung động của học sinh, không thể chạm được vào mơ ước của học sinh, không thể chạm vào tình yêu thương hay ý chí vươn lên của học sinh. Cùng lắm, điểm số chỉ đo được những gì học sinh biết ở thời điểm hiện tại nhưng con người ở hiện tại khác hoàn toàn so với con người ở 20-30 năm sau. Mà cái giáo dục hướng đến, con người mà hệ thống giáo dục đào tạo ra, lại chỉ thực sự phát huy tác dụng ở 20-30 năm sau, khi những học sinh lớp 1 năm nay thực sự bước vào đời và gánh vác trách nhiệm xã hội.

Vì thế, chúng ta phải thừa nhận là nếu chỉ dựa trên điểm số thì sẽ không thể xây dựng một thước đo nào có thể đo lường một cách chính xác sự trưởng thành của học sinh. Thống nhất như vậy thì mới có thể tìm ra cách đánh giá thật hơn, cách thi thật hơn, từ đó thúc đẩy việc học thật, để có được nhân tài thật.

Giờ hãy thử hình dung chúng ta đang đứng trước một học sinh 6 tuổi, 8 tuổi chẳng hạn, chúng ta sẽ phải hình dung trước rằng 20-30 năm sau thì em học sinh đó có thể trở thành một kỹ sư, một doanh nhân, một nhà hoạt động xã hội, một chính trị gia... Nếu mình hình dung đến những điều đó thì mình sẽ có những khuyến khích, những động viên, những nâng đỡ, những dẫn dắt để các em trở thành những con người đó.

Đó là những con người giỏi giang hơn, xuất chúng hơn những người lớn đang dạy họ. Giúp cho học sinh trở thành những người giỏi hơn chính mình thì mới là giáo dục. Còn nếu chúng ta chỉ dập khuôn đánh giá theo kiểu: Em là học sinh 6 tuổi, 8 tuổi ngồi đây, em biết đọc biết viết chưa, em được mấy điểm môn Toán, mấy điểm môn Tiếng Anh... thì chúng ta đang làm sai, đang bó hẹp lại hành trình giáo dục của cả thầy và trò.

- Tức là thước đo ở đây phải là một tầm nhìn, một dự báo dài hạn?

- Vâng! Khi tôi nói những điều trên đây thì chính những giáo viên do tôi quản lý cũng bất ngờ. Họ thừa nhận rằng trước đó họ không nghĩ như thế. Họ nghĩ rằng khi mình ra một đề bài, giúp học sinh hiểu được một dàn ý và sau đó học sinh nhớ được, thi được điểm cao thì có nghĩa là mình đang dạy thật - học thật. Nhưng, như tôi đã nói ở trên, đấy là dạy học sinh nghĩ, hiểu và sống bằng cảm xúc của người khác, tiêu chuẩn của người khác, chứ đâu phải là cảm xúc thật, sự trưởng thành thật của các em.

Dạy kiểu này, học kiểu này nên làm bài xong là quên hết, thi xong là quên hết, vì xét về bản chất, nó không phải là học thật. Nó là học hộ, học cho xong. Xong rồi thì quên đi để còn học môn khác mà thi tiếp. Giáo dục thay vì là một hành trình đào luyện để trưởng thành, lại suy thoái thành một chu trình học để thi. Còn thi để làm gì thì chẳng ai quan tâm, ngoài việc để lấy điểm.

- Khi sự không thật được tích tụ dần qua năm tháng, con người buộc phải gồng mình hoặc gò mình theo những tiêu chuẩn mà có thể là không tương thích với con người bên trong của mình thì sẽ rất nguy hiểm. Bởi đến một lúc nào đó mọi thứ sẽ vỡ ra và con người sẽ rơi vào những bi kịch tinh thần không dễ gì giải quyết. Anh đã thấy ai rơi vào những bi kịch này chưa?

- Rất nhiều! Khi cái mình tưởng hoặc kỳ vọng lại không ăn khớp với thực tế. Tôi nhớ những người bạn cũ của tôi ngày ấy học trường chuyên, đạt giải quốc gia... Tất cả đều nghĩ bạn ấy là người giỏi. Nhưng, thực tế lại có thể không phải như vậy. Thi giỏi, đạt điểm cao có thể chỉ là giỏi ghi nhớ và giỏi thi cử mà thôi. Trong rất nhiều trường hợp, cái giỏi kiểu ấy chẳng liên quan tí ti nào đến chuyện nhân tài cả. Khổ nỗi, tất cả những người xung quanh đều nghĩ bạn ấy là nhân tài. Đã đạt giải quốc gia thì đích thị là nhân tài quốc gia rồi. Cho nên, bạn ấy cứ phải gồng mình lên để sống và cuối cùng thất bại vì chính sự gồng mình đó. Có những người thậm chí còn bị trầm cảm.

- Tôi cũng có một người bạn từng rơi vào khủng hoảng dạng này. Tôi thấy rất tội nghiệp cho bạn mình và thật sự có nhiều lúc thầm trách những người từng luyện bạn mình theo đúng kiểu “luyện gà” với mục đích phải làm sao thắng được tất cả các kỳ thi. Liệu sự thầm trách của tôi có quá đà không, theo anh?

- Không! Nhưng, tôi hiểu 2 mặt của câu chuyện này: Bản thân những người đó, do được đào tạo trong một guồng quay như thế, với các tiêu chuẩn đánh giá như thế nên họ tin như thế là đúng. Khi mình đạt giải quốc gia hay quốc tế thì mình đúng là nhân tài quốc gia hay quốc tế thật. Còn mặt thứ hai liên quan đến vấn đề lợi ích của những người liên quan: Khi giáo viên luyện thi giỏi, học sinh của họ đạt giải cấp tỉnh, cấp thành phố, cấp quốc gia thì họ sẽ được khen ngợi, được trao thưởng, được tăng lương, rồi từ đó sẽ có nhiều người đến xin họ luyện thi hơn. Người được giải cũng lại được hưởng các ưu đãi đặc biệt. Chu trình khép kín như thế nên guồng quay cứ tiếp tục.

Đến đây, chúng ta thấy lại xuất hiện câu chuyện chính sách. Chính sách của chúng ta như thế, tiêu chuẩn đánh giá thế nào, mà lại khuyến khích người ta đi theo con đường đó?

Nên có một nghịch lý mà tôi phải nói thật với anh, đó là khi tôi đi làm việc, thấy giáo viên nào giới thiệu mình là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia là bản thân tôi có chút e dè đấy nhé.

Tôi nghĩ trong một hệ thống giáo dục còn nhiều bất cập, chỉ nhấn đến việc học để thi, chạy theo những cái không thật, mà anh lại trở thành những người rất giỏi trong hệ thống đó thì anh có giỏi thật không? Anh nghĩ rằng mình giỏi nhưng có khi anh lại là người đang phá hủy tâm hồn và tương lai của người trẻ một cách rất ghê gớm mà anh không hề biết.

- Tôi từng nói chuyện với cha của một nhà toán học nổi tiếng. Ông kể rằng hồi con mình đi học, các thầy cô đã đề nghị phải học đội tuyển để “luyện gà” đi thi học sinh giỏi. Ông nhất quyết từ chối, vì tin rằng như thế là hại con. Nhưng, trong một guồng máy được chạy bởi quán tính sẵn có, không phải thầy cô và vị phụ huynh nào cũng quyết định như vậy! 

- Cá nhân tôi không ngăn cản con mình mày mò khám phá, học và thi, nếu con thích. Nhưng, đấy phải là con thích thật sự, chứ tôi không ép và không luyện. Bởi nếu ép thì chẳng khác gì chúng ta đang đề nghị một em nhỏ 8 tuổi phải tập tạ hoặc gánh nặng hằng ngày. Tất nhiên trẻ từ 8-10 tuổi mà tập tạ hay tập gánh quá sức thì nhất thời có thể sẽ có thành tích tốt hơn so với bạn cùng trang lứa nhưng sau này có thể sẽ bị còi xương.

- Hoặc vẹo cột sống!

- Vẹo cột sống! Cho nên phải thấy giáo dục là câu chuyện đường dài. Một đứa trẻ 6 tuổi vào lớp 1 thì kết quả giáo dục không phải là cuối năm được bao nhiêu điểm, là học sinh loại gì, mà phải luôn hướng đến việc 30 năm sau, con trở thành người như thế nào và làm được gì cho cuộc đời của con, tạo được giá trị gì cho cuộc đời này... Tầm nhìn người làm giáo dục, vì thế phải hướng đến những mục tiêu dài hạn cỡ 20-30 năm. Còn nếu chúng ta cứ sốt ruột đo thành tích của từng năm một qua điểm số chẳng hạn thì chắc chắn không thể đạt được những giá trị thực chất và sẽ không có nhân tài thật. 

Đã từng thử và sai rất nhiều

- Anh có thể chia sẻ xem, trong ngôi trường và trong chính gia đình của anh, những biện pháp cụ thể nào được áp dụng để tạo ra những sản phẩm giáo dục thực chất hay không?

- Khi làm trường, việc đầu tiên là tôi đề ra một triết lý giáo dục nhấn mạnh vào việc tạo ra những con người tự do.

Do ảnh hưởng của nền sản xuất đại công nghiệp nên nhiều nền giáo dục trên thế giới, chứ không phải chỉ chúng ta, thường có xu hướng đào tạo con em mình tuân thủ những quy trình đã có. Tức là đào tạo ra những con người công cụ để phục vụ nhu cầu của nền đại công nghiệp và có thể các mục đích xã hội khác nữa.

Nhưng, khi anh trở thành con người công cụ, dù là công cụ của một mô hình, một lý thuyết, hay một con người nào đó cụ thể thì anh sẽ không còn được thật là chính mình. Mà không được là chính mình thì sẽ rất đau khổ và phản giáo dục.

Vì thế, tôi luôn yêu cầu giáo viên và học sinh của mình phải dạy thật, học thật, thi thật, ăn thật, chơi thật, sống thật, sai thật và sửa thật.

Ví dụ như chuyện ăn thật chẳng hạn, có những em học sinh không muốn ăn vì một lý do nào đó, cô giáo sẽ động viên em đó ăn hết suất. Nhưng, nếu em đó vẫn không thể ăn được thì tuyệt đối không phải giả vờ ăn. Giả vờ chưa bao giờ là một giải pháp. Rồi chuyện ngủ cũng thế. Học bán trú, học sinh vì một lý do nào đó không thể ngủ trưa thì cũng không phải giả vờ ngủ. Có thể xuống thư viện đọc sách cơ mà.

Rồi trên hành trình giáo dục, chúng tôi cho phép thầy và trò sai thật để sau đó là sửa thật. Chúng ta trưởng thành là nhờ nhận ra cái sai và sửa chữa nó. Trẻ em được phép sai. Không sai thì làm sao có trưởng thành.

Tóm lại, trong nhà trường và gia đình, chúng tôi khuyến khích và yêu cầu mọi người sống thật. Phải sống thật thì mới dạy thật, học thật được. Tức là chữ thật phải đi vào đời sống nhà trường và đời sống gia đình một cách tự nhiên, hằng ngày. Sống thật phải là một lẽ đương nhiên. Nó đương nhiên phải thế.

Vậy làm sao để học thật, dạy thật và sống thật? Tôi cho rằng, chìa khóa nằm ở phương pháp giáo dục. Để làm được điều này, tôi đã phát triển phương pháp giáo dục đồng kiến tạo và đưa vào sử dụng trong gia đình, nhà trường.

Phương pháp giáo dục truyền thống có thể gói gọn trong 4 bước: 1. Thầy giảng giải; 2. Trò hiểu; 3. Trò ghi nhớ; 4. Thầy kiểm tra sự hiểu, sự nhớ đó bằng các bài thi. Thực chất đây là một quá trình nhồi nhét kiến thức, hướng đến học để thi. Thi xong là xong.

Phương pháp đồng kiến tạo chọn một cách tiếp cận khác, cho phép học sinh hay con em mình được tham gia vào quá trình tạo ra sự trưởng thành của chính mình. Vì sao vậy? Vì không ai có thể sống thay, trưởng thành thay người khác. Mỗi người phải sống cuộc đời mình và tạo ra sự trưởng thành cho chính mình.

Thầy cô, bố mẹ là người đi trước, có thể thực hiện vai trò dẫn dắt, hỗ trợ, gợi ý nhưng tuyệt đối không áp đặt. Tất cả những gì được tạo ra trong trí óc của học sinh phải là sản phẩm đồng kiến tạo của học sinh và thầy cô/bố mẹ, chứ không phải là một sự áp đặt từ trên xuống.

Nhờ đó, học sinh dần tạo ra tri thức, nhân sinh quan, thế giới quan của chính mình. Tức là tạo ra chính mình.

Hạnh phúc lớn nhất của một người là được sống thật với chính mình. Con đường chắc chắn nhất để sống thật với chính mình là tạo ra chính mình. Vì lẽ đó, phương pháp này cho phép học sinh và cho phép con em mình được sống thật với chính mình trong từng giây từng phút. Vì thế, có được niềm vui trong việc đến trường mỗi ngày.

Còn nếu chúng ta nghĩ rằng sẽ giúp học sinh hạnh phúc bằng cách treo một khẩu hiệu “Trường học hạnh phúc” rất to, rồi hô hào tất cả phải cùng hạnh phúc theo một tiêu chí nào đó, thì có khi chính ở nơi đó hạnh phúc lại là ít nhất.

- Anh từng học ngành hóa học và vật lý nhưng rồi anh bỏ tất cả để đi làm giáo dục. Đấy có phải là quá trình anh đi tìm con người thật của mình không?

- Vâng! Đó chính là hành trình thay đổi để tìm ra chính mình, từ đó sống thật với mình. Ngày xưa, trong giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, tôi không được dạy những điều này, cho nên tôi nghĩ rằng mình phải mất thời gian tìm tòi và trả một cái giá đắt.

Tôi nhớ một cột mốc khiến mình tìm ra đúng con người mình, đó là lúc 1 giờ ngày 23-5-2011, trong sự bế tắc và đau khổ, tôi buột miệng nói “chấp ngã thị phi”. Ngay lập tức, tôi thấy mình được giải phóng. Thì ra, tất cả những bế tắc và đau khổ của tôi chỉ là chuyện chấp, ngã, thị phi của chính mình và của cuộc đời mà tôi không thoát ra được.

Tôi lập tức quyết định bỏ mọi công việc đã làm ở nước ngoài để trở về sống ở Việt Nam, làm điều mình muốn, đi đường mình thích.

- Anh đi trên con đường đó được 10 năm rồi, đã tìm ra rất nhiều phần thật trong con người mình rồi. Liệu thời gian tới anh còn tiếp tục cuộc tìm kiếm nữa không?

- Trong 10 năm qua, tôi cũng đã thử và sai rất nhiều đấy chứ. Nhưng, tôi bình an và hạnh phúc. Trên hành trình sống này, với tôi, điều quan trọng nhất là đã tìm ra con đường và biết mình là ai trên con đường đó.

Khi chúng ta tìm ra con đường thì những sai lầm và bất trắc trên đường đi sẽ không làm chúng ta thay đổi.

- Xin cảm ơn anh!
Phan Đăng (thực hiện)
.
.