Giám đốc Công ty Phạm & Partners Phạm Quang Vinh:

Làm truyền thông chính sách yếu kém, chúng ta sẽ mất niềm tin, mất uy tín

Thứ Ba, 14/02/2017, 10:24
Sau một năm như năm vừa qua, khi mà hình ảnh của nhiều chính khách và chính phủ bị tổn hại nghiêm trọng, Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng đã trò chuyện với ông Phạm Quang Vinh (Giám đốc Công ty Phạm & Partners), một chuyên gia về truyền thông, về vấn đề truyền thông chính phủ.

- Nhà báo Tô Lan Hương: Năm vừa qua, có không ít chính khách gặp “tai nạn” với truyền thông, như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ với phát ngôn về việc cô giáo đi tiếp khách; Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh với những phát ngôn quanh dự án Hoa Sen - Cà Ná. Có vẻ như chính khách Việt Nam vẫn chưa quan tâm đến việc làm truyền thông và chưa có kĩ năng khi ứng xử với truyền thông?

- Ông Phạm Quang Vinh: Tôi nghĩ là các chính khách Việt Nam nói riêng và Chính phủ Việt Nam nói chung giờ đã hiểu biết rất rõ ràng về tầm quan trọng của việc làm truyền thông chính sách, truyền thông chính phủ.

Nhưng truyền thông và vận động chính sách không phải là cái gì mới, ví dụ, trong chiến tranh, công tác dân vận là một trong những điểm sáng của những người Cộng sản. Họ tập hợp được quần chúng xung quanh họ, đứng lên giành chính quyền, đi qua hai cuộc chiến với sự ủng hộ to lớn của nhân dân, và sự ủng hộ ấy có được một phần rất lớn nhờ công tác dân vận. Cũng không hẳn các chính khách Việt Nam không có kiến thức và kỹ năng khi ứng xử với truyền thông.

Một chính khách Việt Nam mà tôi cho rằng có thể gọi là bậc thầy truyền thông chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những gì Cụ Hồ đã từng làm luôn là những ví dụ đáng để những người làm truyền thông chính sách thảo luận.

Cụ luôn có những thông điệp rất ngắn gọn, dễ hiểu mà thuyết phục. Ngôn ngữ, trang phục, hình ảnh, tác phong của Cụ luôn phù hợp với đối tượng mà Cụ tiếp xúc. Trong suy nghĩ của tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc thầy về truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách.

Khi thực dân Pháp quay lại tấn công nước ta, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Cụ rất đơn giản, nhưng thể hiện thái độ rất rõ ràng, và ai cũng có thể hiểu được mình cần làm gì. “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới…”.

Sở dĩ như vậy là vì Bác biết mục tiêu của mình là gì. Bác cũng hiểu rõ đối tượng mà bác nói chuyện. Khi nói chuyện với dân chúng, Bác sẽ dùng một ngôn ngữ khác; nói chuyện với báo chí, Bác dùng một ngôn ngữ khác.

Là trí thức đi khắp năm châu bốn bể, thụ hưởng nền văn minh phương Tây, biết nhiều ngoại ngữ, nhưng khi về Việt Bắc, nói chuyện với bà con Việt Bắc, Bác mặc áo chàm, ngồi bờ ruộng và nói chuyện mùa màng với đồng bào. Vì Bác hiểu Bác phải thuyết phục những người dân này, và Bác đã chọn một cách tiếp cận vừa giản dị, gần gũi, vừa vô cùng chân thành.

Khi ra nước ngoài, Bác là một người hoàn toàn khác. Tôi được nghe một câu chuyện, là khi Bác Hồ sang thăm Indonesia, cán bộ báo chí của Đại sứ quán Việt Nam bố trí để một nhà báo Indonesia phỏng vấn Bác.

Bác hỏi thư ký báo chí: “Nhà báo này như thế nào, thường viết về cái gì? Quan điểm về Việt Nam ra sao?”. Người cán bộ đó không trả lời được. Bác nói: “Như thế rất nguy hiểm. Nếu đó là người có quan điểm không tốt thì Bác cần biết để chuẩn bị. Chú nhận lời rồi thì Bác sẽ trả lời. Nhưng cần phải rút kinh nghiệm”. Bác Hồ vẫn trả lời cuộc phỏng vấn đó, nhưng đó là bài học vô cùng quan trọng, một bài học cho tất cả những người làm truyền thông.

Khi các chính khách hay doanh nhân nước ngoài sang đây, trả lời phỏng vấn báo chí, bạn có bị thuyết phục không? Sự thật là họ đã được thư ký báo chí cung cấp đầy đủ thông tin về những người sẽ phỏng vấn mình, thậm chí kể cả nhà báo đó có “tấn công” họ, thì họ cũng lường được hướng tấn công sẽ là gì. Họ là những chính khách nhưng cũng là những người làm truyền thông vô cùng chuyên nghiệp.

- Thế còn một chính phủ chuyên nghiệp thì sẽ làm truyền thông như thế nào cho chính phủ họ?

- Chúng ta có thể nhìn vào, ví dụ như Chính phủ Mỹ chính là ví dụ điển hình của việc làm truyền thông chuyên nghiệp. Nếu nhìn vào cơ cấu bổ nhiệm trong Nhà Trắng có thể thấy họ coi trọng truyền thông như thế nào. Họ có một ông giám đốc truyền thông, một ông giám đốc truyền thông mạng. Và họ làm rất tốt công việc đó. Ví dụ nếu bạn muốn nhận thông tin về các hoạt động của Nhà Trắng, bạn vào trang chủ của Nhà Trắng đăng ký và để lại email, và các thông tin về Nhà Trắng sẽ được gửi đến cho bạn mỗi ngày.

Hoặc có thể, ví dụ như nhìn vào cách mà ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore giao tiếp với công dân không chỉ của Singapore qua mạng xã hội, cách thức ông ấy sử dụng mạng facebook để giao tiếp đã khiến hình ảnh của ông ấy trở nên gần gũi hơn rất nhiều.

Công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đã mang lại cơ hội rất to lớn và rất nhiều chính phủ trên thế giới đã nhìn thấy và sử dụng những cơ hội to lớn ấy để làm truyền thông chính phủ, và tác dụng rất tốt, không phải chỉ để nói với bên ngoài, mà còn giúp các chính phủ lắng nghe và phân tích dư luận nữa.

- Còn Việt Nam thì sao? Ông nghĩ gì về sự chuyên nghiệp của chúng ta trong lĩnh vực truyền thông chính sách?

- Tôi nghĩ là chúng ta đã có rất nhiều thay đổi, nhưng đã có những khoảng cách nhất định giữa các cơ quan công quyền của chúng ta với nhau, và với cơ quan công quyền ở những quốc gia khác. Nhưng quan trọng hơn, tôi nghĩ có những khoảng cách nhất định giữa nhu cầu truyền thông chính phủ, truyền thông chính sách với đòi hỏi thực tế của quản trị đất nước. Tôi nghĩ, chúng ta đang mắc những sai lầm về chuyện tổ chức thông tin, bởi những quan niệm cũ kĩ và cứng nhắc. 

Ví dụ, ở các bộ ngành, địa phương, việc cung cấp thông tin, trò chuyện về chính sách được giao cho một cán bộ lãnh đạo cấp phó. Nhưng không thể đòi hỏi ông lãnh đạo ấy bên cạnh chuyên môn của mình phải có những kĩ năng về truyền thông chính sách và toàn tâm toàn ý cho việc đó.

Việc làm truyền thông chính sách, tôi nghĩ là quan trọng ở mức phải có một người chỉ ngồi làm việc đó, người đó vừa phải có khả năng phát ngôn, có kĩ năng trò chuyện với công chúng, vừa phải hiểu về công việc, về chính cơ quan đó, chính ngành đó. 

Tổ chức như hiện nay khiến việc trò chuyện với công chúng thực hiện một cách hình thức và kém hiệu quả. Ví dụ như khi được yêu cầu họp báo hàng tháng, thì họ sẽ họp báo hàng tháng, nhưng khi xảy ra tình huống đặc biệt nào đó thì rất khó khăn để đưa ra một tuyên bố chính sách hoặc giải thích cho công chúng.

Tổ chức hoạt động truyền thông của các cơ quan công quyền, về đội ngũ có thể đông, nhưng hiệu quả và khả năng phản ứng khi có sự cố là khá thấp. Ví dụ, hiện nay người Việt tiếp cận thông tin qua Internet rất đông.

34 triệu người Việt Nam truy cập Internet thường xuyên với mức độ trung bình 24,7 giờ/ tuần. 30 triệu người có tài khoản facebook và tiếp nhận rất nhiều thông tin qua mạng xã hội này. Thế nhưng những nguồn thông tin chính thống và có thẩm quyền từ phía Chính phủ trên các trang mạng xã hội lại rất ít, phản ứng chậm, hình thức thông tin không phù hợp...

Điều đó khiến cho tin giả, tin bịa đặt, tin suy diễn xuất hiện tràn lan. Hàng chục triệu người tham gia mạng xã hội đọc những tin đó. Và họ không có nguồn để xác thực, kiểm chứng tính đúng sai của nó. Nên mặc nhiên bị định hướng bởi những thông tin này. Sự yếu kém của truyền thông chính phủ trong giao tiếp với người dân khiến cho có những việc chính quyền làm tốt mà người dân không hiểu được.

Ví dụ câu chuyện chặt bỏ, thay thế và trồng mới cây ở Hà Nội, nếu bình tĩnh thì sẽ thấy, việc chặt bỏ, thay thế cây xanh ở một số khu vực là có lý do xác đáng, cho cả mục tiêu phát triển thành phố và cho cả việc đảm bảo an toàn, nhưng cách ứng phó thông tin thụ động đã tạo nên bức xúc, và bức xúc rồi thì dễ thiên kiến, suy diễn. Thậm chí cả khi như bây giờ, chính quyền Hà Nội đang làm rất tốt việc trồng cây, chỉnh trang đường phố thì cũng ít được nhắc đến.

- Vậy theo ông, với việc làm truyền thông chính sách yếu kém, tổn thất mà các cơ quan chính phủ nhận được sẽ là gì? Sẽ là mất niềm tin, là mất uy tín của chính cơ quan đó và cả cá nhân người đứng đầu cơ quan đó?

- Trong câu chuyện thay thế cây xanh, phía chịu tổn thất không chỉ là chính quyền Hà Nội, nó còn tổn hại đến nhiều cơ quan khác. Việc mất uy tín khiến cho những chính sách khác đưa ra sẽ nhận được sự ủng hộ rất thấp, chịu những cái nhìn rất khắt khe từ dư luận. Và khi người dân không hiểu được vì sao Hà Nội phải chặt cây xà cừ, thì mỗi lần thực hiện những dự án liên quan đến cây xanh đô thị, vấn đề này sẽ được đào xới lên, và thành phố sẽ lại mất thời gian để giải thích cho những việc mình làm.

Trong vụ Hoa Sen - Cà Ná, cá nhân tôi đánh giá Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh là người rất nỗ lực đối thoại với truyền thông. Nhưng nỗ lực của một mình Bộ trưởng Bộ Công thương là không đủ trong trường hợp này. Một mình ông không thể đứng ra trả lời hết mọi câu hỏi của báo chí. Không bộ trưởng nào có thể đủ am hiểu để giải thích thoả đáng tất cả các câu hỏi của báo chí cả. Nên người mà ông Tuấn Anh cần là một thư ký báo chí - một người hiểu sâu sắc câu chuyện mà ông ấy đang làm.

Việc trở thành người phải chịu trận như thế rõ ràng là một việc bất lợi đối với uy tín của ông Trần Tuấn Anh. Uy tín của ông ấy đã bị sứt mẻ ảnh hưởng do những thiên kiến về một dự án mà thật ra, quy lỗi cho ông ấy là khó hiểu, nhưng nó sẽ khiến ông và ngành mà ông lãnh đạo gặp khó khăn trong việc đưa ra chính sách, và thuyết phục mọi người ủng hộ việc triển khai chính sách đó.

- Nghĩa là Chính phủ Việt Nam nên quan tâm và đầu tư thích đáng hơn cho truyền thông?

- Như tôi đã nói, tôi nghĩ là các cơ quan công quyền vẫn luôn quan tâm. Họ nhận thức được tầm quan trọng của truyền thông. Họ cũng đầu tư khá nhiều (nếu không nói là rất nhiều) cho truyền thông, nhưng có thể những nỗ lực ấy, đầu tư ấy chưa đúng hướng.

Có những tập đoàn nhà nước có đến vài trăm người làm công tác liên quan đến truyền thông, thông tin nhưng khi có vấn đề, họ hoàn toàn không xử lý được. Số tiền làm truyền thông, nhiều nơi được dùng để mở các trung tâm thông tin, tạp chí và để bảo hộ truyền thông cho các tờ báo, nhằm mục đích để những tờ báo đó không nói xấu mình bằng bất cứ giá nào.

Khi có sự cố truyền thông xảy ra, không có một người nào trong số mấy trăm nhân viên truyền thông đó có đủ khả năng để nói chuyện với công chúng. Muốn giải quyết được bài toán về truyền thông chính sách, nhất định phải có sự chuẩn bị kỹ càng của Chính phủ với tất cả các tình huống, để luôn kịp thời thông tin, xử lý vấn đề.

Nhiều năm trước, khi tàu vũ trụ Challenger của Nasa bị nổ, Nasa đã có một chiến dịch xử lý khủng hoảng truyền thông sau đó vô cùng tốt và kịp thời. Và Nasa đã được Hiệp hội Truyền thông Hoa Kỳ trao cho giải truyền thông về khả năng xử lý khủng hoảng trong vụ đó.

Tại sao Nasa lại phản ứng nhanh và thuyết phục như thế? Vì ngay khi dự án tàu Challenger đang triển khai, thì bên cạnh bộ phận xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho việc tàu Challenger được phóng thành công, thì cũng có một bộ phận chuẩn bị cho trường hợp tàu Challenger bị nổ. Những hãng hàng không chuyên nghiệp nhất trên thế giới cũng thế, họ luôn có kịch bản trong trường hợp xảy ra những rủi ro hàng không.

Với quá nhiều thông tin sai, thông tin suy đoán như hiện nay, tôi cho rằng Chính phủ cũng cần học cách quản trị các tình huống rủi ro như thế, và cũng phải có một bộ phận chuyên lo việc đó. Để nếu có bất cứ thông tin gì bất lợi, từ mạng xã hội hay báo chí, bộ phận này sẽ lập tức đưa ra thông tin phản hồi, tránh để tin xấu lan đi quá nhanh và ảnh hưởng tiêu cực đến mức không cứu chữa được.

- Ông nghĩ chính quyền sẽ được lợi gì nếu làm được việc đó?

- Tôi vẫn muốn dẫn lại những bài học từ Cụ Hồ trong công tác truyền thông chính sách và vận động nhân dân. Trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn của thời kỳ chiến tranh, thời kỳ dựng nước, Cụ đã sử dụng rất hiệu quả những phương tiện có thể, để tạo ra hiệu quả cho hoạt động truyền thông chính sách. Từ phương tiện, thông điệp đến hình ảnh, từ nội dung đến hình thức thông tin đã được sử dụng rất linh hoạt và phù hợp, đưa được thông tin chính sách đến nhân dân một cách chân thành, hiệu quả.

Chúng ta đang trong một hoàn cảnh thuận lợi hơn rất nhiều. Sự thay đổi và các thành quả công nghệ cho phép các Chính phủ nghe, hiểu công chúng tốt hơn, hiệu quả và kịp thời hơn trước đây rất nhiều. Công nghệ cũng cho phép các chính phủ nói chuyện với công chúng của mình hiệu quả, kịp thời hơn rất nhiều, chúng ta chỉ cần có người sử dụng những ưu việt công nghệ ấy đúng cách, hiệu quả. Tất nhiên, cũng cần phải nhìn thấy những rào cản, ví dụ của cơ chế lương bổng và đãi ngộ.

Chính quyền không thể nào thuê được một chuyên gia tốt về truyền thông với mức đãi ngộ theo thang bậc lương như hiện nay, nhưng lời giải từ giải pháp để ứng dụng công nghệ thông tin qua chính sách thuê ngoài có thể là một gợi ý không tồi.

Công tác truyền thông chính phủ, nếu nhìn rộng hơn, ra cả truyền thông đối ngoại chẳng hạn, sẽ thấy là khoảng cách và đòi hỏi còn rất lớn, nhưng cơ hội cũng rất lớn. Thông tin về Việt Nam trên thế giới còn rất ít, đặc biệt là thông tin tốt, thông tin tích cực, đó cũng chính là cơ hội để chúng ta có thể xây dựng hình ảnh tích cực về đất nước, thu hút đầu tư, kinh doanh chẳng hạn… Chúng ta cần nhìn nhận linh hoạt và tích cực để thấy các cơ hội đối với truyền thông đối ngoại, đối với việc đưa hình ảnh, thông tin từ Việt Nam ra nước ngoài.

- Và chúng ta nên bắt đầu từ đâu?

- Thay đổi nào cũng bắt đầu từ quan niệm, tôi cho rằng truyền thông chính phủ, truyền thông chính sách nhất thiết phải chuyển từ bị động hiện nay sang chủ động, từ cách làm cũ mòn sang cách tiếp cận mới. Ví dụ, cần và nên đánh giá hiệu quả của hoạt động truyền thông chính phủ, truyền thông chính sách qua tác động thực tế của nó đến công chúng, chứ không phải qua số bài đăng báo, số phút xuất hiện trên tivi. Chỗ này nên tiếp cận theo cách làm của khu vực tư nhân, hiệu quả nhất thiết phải đo đếm được dựa trên tác động đến công chúng.

Ví dụ, nên thay đổi quan niệm, là cơ quan tôi, ngành tôi, tỉnh tôi phải có một tờ báo, tờ tạp chí mới có thể có tiếng nói riêng. Nên giao cho các cơ quan báo chí này công việc của truyền thông trong nội bộ cơ quan, ngành đó, còn truyền thông với công chúng, hãy đặt nó trong bối cảnh chung, là có nhiều phương tiện, kênh khác nhau để tác động đến công chúng, và phải sử dụng hiệu quả các kênh thông tin đó. Tôi cũng nghĩ là nên thay đổi quan điểm, chỉ có sử dụng báo chí, truyền hình “chính thống” mới có thể thực hiện hoạt động truyền thông hiệu quả, bởi vì thế giới và thông tin trên thế giới đã hoàn toàn thay đổi rồi.

Và công nghệ thông tin nên được tận dụng tối đa và hiệu quả.

Hệ thống các cổng thông tin điện tử của các bô,å các ngành, các địa phương đã có đến cấp huyện, thậm chí cấp xã, nhưng rõ ràng là hiệu quả rất thấp, chắc chắn là cần phải thay đổi để nó thật sự trở thành công cụ giao tiếp, truyền thông hữu hiệu của chính quyền với nhân dân, với công chúng. Những quốc gia lân cận cũng đã có rất nhiều bài học và kinh nghiệm đáng quan tâm, đáng học hỏi.

Nhưng tất nhiên, cái quan trọng nhất, vẫn là con người, và tôi nghĩ cần có cái nhìn và cách tiếp cận mới, để có thể huy động nguồn lực từ xã hội cho công tác truyền thông chính phủ, truyền thông chính sách. Chúng ta đã nhìn thấy sự quan trọng của truyền thông chính sách, nhưng thực sự là những nguồn lực to lớn của xã hội, ví dụ từ khu vực tư nhân, đã chưa được quan tâm để sử dụng hiệu quả. Tôi nghĩ cần có sự đổi mới và thay đổi to lớn thật sự về con người, cả về con người cụ thể lẫn không gian và môi trường để họ hoạt động, thì hoạt động truyền thông chính sách mới thật sự hiệu quả.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Tô Lan Hương (thực hiện)
.
.