Cuộc đời sau những tấm huy chương

Kỳ 2: Anh Lương Tuấn Thành – GĐ Công nghệ CMC (Huy chương bạc Olympic Vật lý 2002): “3.0” chúng ta còn chưa hoàn thiện!

Thứ Hai, 26/11/2018, 17:16
Ở kỳ trước, chúng ta đã gặp lại Lê Bá Khánh Trình, người mà sau khi đoạt giải nhất Olympic toán quốc tế đã quyết định gắn bó với ngành toán và trở thành một thầy giáo dạy toán đến tận bây giờ. Kỳ này sẽ là một nhân vật, với một hướng đi hoàn toàn khác. 


Nhìn lại hướng đi của anh, những gì anh đã trải nghiệm và đạt được kể từ sau khi sở hữu chiếc Huy chương bạc Olympic vật lý 2002 thì tôi chợt nhận thấy, hóa ra vẫn có những trường hợp sẵn sàng thoát khỏi cái "tháp ngà" tri thức mà đã có thời mình tưởng là nhất định phải thuộc về nó, phải nằm trong nó, thậm chí ở một góc độ nào đó là còn hạnh phúc để nó "giam cầm" mình.

Sớm nhận diện những xu thế mới

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa anh Lương Tuấn Thành, thời điểm anh đoạt chiếc huy chương bạc vật lý, chắc chắn cũng là lúc mà anh nghĩ mình sẽ gắn bó với vật lý lâu dài?

- Anh Lương Tuấn Thành: Hiển nhiên! Thế nên sau này, khi tôi bỏ vật lý thì mọi người đều bất ngờ, thậm chí phản đối. Nhưng, tôi nghĩ, cuộc đời tôi là do tôi quyết định, chứ không phải do bất cứ người nào khác.

- Tôi hỏi thật, anh có thích vật lý thật không? Vì tôi từng chứng kiến những người bạn không thích một môn học nào đó nhưng vẫn có thể đạt được điểm rất cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, đơn giản vì họ biết cách học để trở thành những "thợ thi" chuyên nghiệp.

- Ban đầu, tôi thi vào trường chuyên và nghĩ chuyên toán hay chuyên lý đều được nhưng cuối cùng tôi chọn chuyên lý chỉ vì ở thời điểm ấy, chuyên lý là rất mới. Phải đến lúc học rồi thì tôi mới thích vì tôi thấy so với toán, hóa thì vật lý thiên hẳn về các hiện tượng tự nhiên. Sau này học thêm về kinh tế, tôi lại nhận ra giữa khoa học tự nhiên và kinh tế cũng liên quan và bổ trợ nhau khá nhiều.

- Vậy thì sau chiếc huy chương bạc vật lý, tại sao anh lại quyết định không theo đuổi vật lý nữa?

- Sau chiếc huy chương bạc đó, tôi được tuyển thẳng vào học CNTN vật lý ở Đại học Khoa học tự nhiên và lúc đó có chuyện buồn cười là tôi lại thấy chán vì những gì học đại học thì tôi đều được học ở cấp 3 hết cả rồi.

- Nói chính xác thì cấp 3, học sinh chuyên lý các anh đã học trước cả chương trình của đại học?

- Đúng rồi! Học trước rất nhiều. Cùng lúc đó, Internet bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, tôi lại tham dự CLB tài năng trẻ của FPT (FYT) nên có một lợi thế cực lớn là thường xuyên được vào Internet miễn phí. Vào Internet, tôi nhìn thấy những xu thế phát triển công nghệ trên thế giới và hiểu là một lúc nào đó Việt Nam cũng sẽ phát triển như thế.

- Internet và CLB tài năng FPT đã rẽ cuộc đời anh theo hướng khác?

- Giờ tôi điểm lại thì thấy thế hệ những người ở FYT, những người có thể nói là thuộc thế hệ Internet đầu tiên ở Việt Nam đều có những thành công nhất định, lãnh đạo nhiều công ty công nghệ lớn. Những công ty khởi nghiệp thành công hiện nay được làm nên bởi rất nhiều người đã đi ra từ thế hệ này, có thể kể đến một số nhà sáng lập của Next Tech, VCCorp, VNG...

- Phải nói là việc được tiếp cận Internet sớm và lại tiếp cận miễn phí trong bối cảnh mà những người như tôi lúc đó thậm chí còn đang tập gửi thư điện tử thực sự đã giúp những người như anh có được những nhãn quan mới, từ đó dũng cảm thay đổi con đường vốn có của mình. Điều này cho thấy nắm bắt công nghệ, nhận diện được những xu thế phát triển mới nhất của nhân loại là điều cực kỳ quan trọng. Nhưng, anh Thành này, khi chính thức sang Singapore học trong một môi trường giáo dục hiện đại, sống trong một vận động kinh tế - xã hội hiện đại thì những người như anh cũng phải đối diện với rất nhiều bỡ ngỡ?

- So với các bạn bên đó, những môn học cơ bản thật ra mình học tốt hơn vì mình đều đã được học ở Việt Nam rất kỹ. Nhưng, với những môn xã hội học, đòi hỏi tính thực tiễn, phối hợp làm việc nhóm thì mình không bằng sinh viên họ. Những môn lý thuyết lại không nhiều bằng những môn mà khi học thì không khác gì việc đang tập làm một dự án. 

Bây giờ ở Việt Nam mọi người nghe nhiều đến trí tuệ nhân tạo và robot nhưng ngay ở thời của tôi, học ở bên Sing, chúng tôi đã rất quen với robot và tự động hóa rồi. Chẳng hạn như chúng tôi phải học cách lập trình robot đá bóng, rồi căn cứ vào chất lượng đá bóng để tính điểm. Những cách học nghiêng về thực tiễn như thế bắt người học phải chủ động và giải quyết các vấn đề phát sinh nhiều hơn.

À, còn điều này nữa, những người học cùng tôi phần lớn đều hơn tôi vài tuổi và đều đã đi nghĩa vụ quân sự nên có một tác phong kỷ luật rất cao. Sự kỷ luật, chuyên nghiệp từ việc học đến các hoạt động thể thao, thể chất của họ là điều mà tôi nghĩ sinh viên Việt Nam không bao giờ bằng được.

- Khi ra trường, chính thức ở lại, làm việc ở Singapore, chắc anh còn cảm nhận điều này rõ ràng hơn?

- Rất rõ, thậm chí là tôi nghĩ đôi khi còn hơi máy móc. Ví dụ như chính câu chuyện đi làm của tôi thôi. Ngày nào cũng như ngày nào, tôi dậy lúc 6-7h sáng, đi bộ ra tàu điện ngầm rồi từ tàu điện ngầm lại đi bộ tiếp đến chỗ làm. 

Khoảng thời gian đi bộ gần một tiếng, rất dài. Vì đi tàu điện ngầm nên phải luôn đúng giờ, nếu không muốn vào làm muộn. Đó là mô hình tôi cảm thấy đều đặn và dành cho tất cả mọi người ở đây, chứ không phải cho riêng tôi. 

- Mô hình sống và làm việc kỷ luật đó là rất quan trọng trong thời đại 4.0?

- Chính xác! Tôi nghĩ đây là một trong những điều kiện quan trọng nhất.

Đau đầu bài toán liên kết

- Thưa anh Lương Tuấn Thành, tư duy của một người học vật lý có giúp gì anh trong việc giải quyết những vấn đề công nghệ - những vấn đề cạnh tranh mà anh, trong tư cách một nhà quản lý của một trong những công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam bây giờ đang phải đối diện hay không?

- Ngày xưa, tôi phải đối diện với những bài toán vật lý, còn bây giờ là những bài toán xã hội. Cụ thể là những bài toán liên quan tới việc vận hành doanh nghiệp, hiệu quả doanh nghiệp. Đó thực sự là những bài toán lớn, đầy thách thức, đòi hỏi kiến thức tổng hợp chứ không chỉ là kiến thức trong một môn học cụ thể nào đó như trước nữa.

Tôi rất thích câu nói nổi tiếng của một nhà vật lý từng giành Giải Nobel, rằng khi ta có thể truyền đạt một vấn đề phức tạp cho một đứa trẻ 5 tuổi hiểu thì ta mới thực sự là một chuyên gia. Khi học vật lý, tôi nhận ra là rất nhiều cái phức tạp đều chứa đựng trong nó những nguyên lý rất đơn giản. 

Và, bây giờ nhiệm vụ của tôi và các cộng sự cũng là phải làm sao tìm ra những cách giải quyết đơn giản cho những bài toán công nghệ phức tạp nhất.

- Anh có thể chia sẻ những bài toán công nghệ cụ thể nào mà bây giờ đứng trước nó anh thấy khó quá, khó đến mức gần như không thể tìm lời giải?

- Ở Công ty CMC của chúng tôi, bài toán mà chúng tôi đối diện là phải đứng trên vai người khổng lồ như thế nào đây? Ở Việt Nam, thực ra chúng ta chưa làm ra công nghệ mới, cũng không có những giải pháp mới. Tất cả những gì chúng ta đang nghĩ, các nước khác đã nghĩ được thậm chí từ 10 năm về trước. 

Sự thật là như vậy. Tôi không tin cái gì tôi nghĩ ra thì người khác chưa từng nghĩ đến. Vậy thì phải chọn thị trường như thế nào, hướng đi như thế nào để đem lại hiệu quả tối ưu? Đấy rõ ràng là một bài toán không đơn giản. 

- Anh bỗng làm tôi nhớ đến "bài toán ô tô Vinfast" đang rất được chú ý thời gian qua. Vinfast là ô tô của Việt Nam nhưng được tạo nên bởi linh kiện của nước ngoài. Có vẻ như đấy cũng là bài toán "đứng trên vai người khổng lồ" mà anh vừa đề cập. Dưới góc độ của một chuyên gia công nghệ, anh nghĩ gì về cách giải toán này?

- Không! Vinfast theo tôi không phải là cách giải toán. Nó là một mô hình kinh doanh. Và họ đi theo hướng kinh doanh mà thế giới gọi là "big game"!

- Tôi chưa hiểu!

- Họ có thể làm marketing trước, mang đến một cảm giác ấn tượng về mặt hình ảnh trước đã. Năng lực sản xuất có thể đi sau. Đó cũng là một lựa chọn tốt, bởi kinh doanh đi từ thị trường, từ nhu cầu của người tiêu thụ. 

Chúng ta ngày xưa từng có lúc tự hào về Vinaxuki - ô tô của người Việt. Nhưng Vinaxuki lại không có ấn tượng với thị trường nên cuối cùng thất bại. Nhưng, trong lĩnh vực công nghệ hiện nay, Vinfast chưa phải là điều gây ấn tượng nhất. 

Ấn tượng lớn nhất chính là Vintech. Sau khi đầu tư tỉ đô cho Vinfast, Vingroup đã thành lập công ty phát triển công nghệ Vintech. Như thế có nghĩa là, đến thời điểm này, tất cả các tập đoàn lớn của Việt Nam như VNPT, Viettel, Vingroup đều mở ra các công ty công nghệ tương tự như FPT và CMC.

- Và như thế sẽ có những cuộc chạy đua công nghệ cực lớn ở Việt Nam!

- Không phải chạy đua công nghệ mà là chạy đua về thị trường. Cái tôi lo là việc các doanh nghiệp cứ giành thị trường của nhau mà không nghĩ tới việc phải liên kết cùng nhau để đối phó với những công ty rất lớn từ Mỹ và Trung Quốc.

- Làm sao để có thể hợp tác được với nhau để tạo nên một sức mạnh nội lực đủ lớn trong bối cảnh 4.0 này lại là một bài toán hóc búa nữa, ở tầm vĩ mô!

- Các bên có thể hợp tác nhưng chỉ trong một số lĩnh vực thôi. Chứ nhìn tổng thể thì FPT và CMC chẳng hạn, khó có thể hợp tác chiến lược vì là công ty cùng ngành. Nhưng, CMC với Viettel, CMC với VNPT thì có thể hợp tác vì có cách nhìn thị trường và phương thức kinh doanh khác nhau.

- Ở nước ngoài, người ta giải quyết bài toán rất khó này như thế nào, thưa anh? Cụ thể như ở Singapore - một đất nước mà anh đã học tập và làm việc nhiều năm, anh thấy người Sing đã làm gì để tạo ra một nội lực đủ mạnh chống lại cơn bão ngoại?

- Ở Singapore, chính phủ đầu tư cho một số tập đoàn của riêng họ để tạo thành những mũi nhọn chủ lực. Nói một cách dễ hiểu là họ có bảo hộ hay ủng hộ. Ở Trung Quốc cũng như thế. Vì thế tôi nghĩ ở ta, nếu không có sự ủng hộ về mặt chính sách, mà cứ để cho các công ty nước ngoài mở rộng thị trường một cách tự do thì các tập đoàn nước ta không đủ sức cạnh tranh. 

Đó có thể chỉ là những bảo hộ về mặt kĩ thuật, ví dụ như với Facebook, Google, nếu chúng ta lập hàng rào kĩ thuật, bắt buộc họ để dữ liệu người dùng ở Việt Nam thì họ sẽ phải đầu tư các trung tâm dữ liệu ở Việt Nam, từ đó sẽ mang lại nguồn thu cho các tập đoàn công nghệ Việt Nam như Viettel, CMC, VNPT, FPT...

- Những chính sách bảo hộ như thế liệu có biến chúng ta thành một "ốc đảo" trong cuộc chơi lớn của nhân loại hay không?

- Về mặt vĩ mô, đúng là chúng ta không thể tạo ra những chính sách bảo hộ nhằm cô lập mình như thế được. Nhưng, nếu chúng ta tạo điều kiện để các công ty trong nước làm hàng rào kỹ thuật cho các công ty bên ngoài thì hoàn toàn có thể. Và các công ty công nghệ trong nước khi làm đối tác cũng có thể học hỏi và hoàn thiện chính mình.

- Như vậy, vấn đề mà chúng ta đang nhìn thấy là phải làm sao tạo ra một sức mạnh nội lực để không chỉ tồn tại mà phải sống trong thời 4.0 với sự xuất hiện ồ ạt của các công ty lớn bên ngoài. Còn vấn đề quan trọng nào khác không thưa anh, ví dụ như việc người ta vẫn bảo người Việt đã tạo ra một cái ô tô nhưng lại chưa làm ra nổi một con ốc vít. Có nghĩa là vẫn có những khập khiễng, nhưng hẫng hụt nào đấy giữa cái mà chúng ta đã làm ra và cái mà chúng ta thực sự đang có. Quan điểm của anh như thế nào? 

- Giá trị lớn nhất của ô tô không nằm ở cái ốc vít, mà nằm ở thiết kế và động cơ. Thiết kế và động cơ chúng ta hiện chưa làm chủ được. Thế nên chúng ta mới cần tới những đối tác của nước ngoài. Nếu nghĩ rằng vì ốc vít không làm được nên cũng không thể làm được một cái ô tô thì rồi sẽ chẳng làm được bất cứ cái gì. Và trong thời đại này phần mềm điều khiển ô tô mới là trái tim của ô tô, đây là lợi thế của chúng ta.

Sợ nhất tư duy mẫu

- Chúng ta sẽ không dừng lại ở chuyện một cái ô tô cụ thể nữa mà nhìn trên một phổ rộng hơn, trong những đặc điểm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, theo anh thiếu hụt lớn nhất của người Việt Nam hiện nay là gì?

- Điểm cốt lõi vẫn là giáo dục. Tôi nhớ lại ngày xưa, tôi và nhiều bạn bè đều được gọi là kiểu con nhà nòi, nghĩa là những người học rất giỏi. Nhưng đó là một cái giỏi thụ động, chứ không phải giỏi kiểu sáng tạo. Chúng tôi chỉ giỏi làm những gì theo thói quen, do người khác bảo mình. Tất nhiên, về sau mình có thể học thêm, có thể mở mang, thay đổi tư duy nhưng dù thế cũng rất khó so được với những người vốn đã được rèn luyện tư duy sáng tạo từ hồi bé.

- Một ví dụ cụ thể của chính anh đi!

- Hồi tôi học lớp chuyên, để giải một bài toán khó, chúng tôi thường cố gắng đưa nó về gần với những bài toán mẫu mà các thầy dạy trước đó. Dù có xuất sắc đến đâu thì chúng tôi cũng giải những bài toán theo cách biến nó về những bài mẫu hoặc gần bài mẫu nhất để giải, rất ít người nghĩ ra được hướng giải riêng của chính mình, nằm ngoài khuôn mẫu.

- Dù chính những cách giải toán như thế đã giúp chúng ta có khá nhiều huy chương trong các kỳ thi Olympic và nếu tôi không đoán sai thì chiếc huy chương bạc của anh, cũng chính là sản phẩm của cách dạy này?

- Đào tạo rất nhiều người thì rồi cũng sẽ tìm ra được những người kiệt xuất nhưng vấn đề là nó lại không thể tạo ra nguồn nhân lực sáng tạo trên diện rộng. Ví dụ như sắp tới chúng ta sẽ cần hàng triệu lập trình viên và tôi nghĩ chúng ta có thể kiếm được hàng triệu người như thế. 

Nhưng, đa số những lập trình viên đó sẽ là thợ, sẽ giống như công nhân may mặc, chứ không phải là những người có tư duy làm ra sản phẩm công nghệ cao. Số lượng người có tư duy làm ra sản phẩm công nghệ cao ở ta là cực ít. Thế nên, chúng ta thiếu nguồn nhân lực loại này trầm trọng.

- Trong xã hội bây giờ, người ta vẫn nói đến câu "thừa thầy - thiếu thợ". Nhưng, trong lĩnh vực công nghệ của anh và theo chiều hướng phân tích của anh thì có vẻ điều ngược lại đang xảy ra: chúng ta thừa thợ mà thực sự thiếu thầy. Vậy thì chính anh, trong tư cách một nhà quản lý, anh đã giải quyết bài toán này như thế nào cho công ty của mình?

- Giải quyết các bài toán về tư duy là điều không thể, bởi vì với một người trưởng thành, tư duy cũ đã theo họ, đã ngấm vào họ từ rất lâu rồi nên tôi chỉ có cách là tìm những người có tiềm năng và phù hợp với tổ chức thôi. Bài toán chính là tìm được đúng người. Vậy thôi!

- Và không thể loại trừ những lúc phải trả giá đắt vì tìm sai người!

- Làm sao tránh được! Thế nên ngay từ đầu luôn phải tính đến những xác suất rủi ro, những nguy cơ thất bại. Tôi nghĩ phải dám sai, dám thất bại và làm sao phải vượt qua thất bại nhanh nhất.

- Điều gì khiến anh ít hài lòng nhất về các nhân viên của mình?

- Mới đây, tôi mời CTO APAC của Microsoft về nói chuyện. Sau buổi đó, tôi hỏi lại những bạn tham gia rằng họ cảm thấy buổi nói chuyện như thế nào. Rất nhiều người trả lời: "Không có gì mới". 

Về nội dung chi tiết có thể là không có gì mới nhưng nếu là những người có tư duy sáng tạo, họ sẽ đặt ra những bài toán, những vấn đề khác, chứ không bao giờ nhìn nhận, trả lời như thế cả. Bởi họ sẽ thấy rằng diễn giả này mang đến những thông tin từ bên ngoài, những tầm nhìn bên ngoài. 

Đối với tôi, tôi muốn các bạn ấy phải đánh giá được trong những thông tin bên ngoài đó, có cái nào mình áp dụng được cho mình hay không, nghĩa là phải biết phân tích thông tin, chứ không phải là chỉ nghe rồi bảo không có gì mới.

Vào đường cùng mới ra động lực

- Xem nào, chúng ta đã phân tích rất nhiều những vấn đề hạn chế của người Việt trong thời đại 4.0 này, từ việc thiếu kỷ luật, khó liên kết và cả những vấn đề về tư duy, nhưng ngược lại chúng ta cũng phải có những lợi thế nào chứ nhỉ?

- Lợi thế lớn nhất của chúng ta là khi bị đẩy vào cảnh không còn gì để mất, buộc phải liều mình, chúng ta lại có một khả năng bùng nổ và vươn lên rất mạnh. Viettel khi mới thành lập, gần như 100% người được hỏi đều nghĩ rằng họ sẽ thất bại vì họ không có hạ tầng như VNPT. 

Trong hoàn cảnh rất khó ấy, họ đã nhập những thiết bị cũ ở nước ngoài về, tấn công vào thị trường nông thôn. Đó là con đường duy nhất của họ, họ không còn con đường nào khác. Và họ đã thành công. 

Câu chuyện của CMC chúng tôi cũng không khác. Những người sáng lập ra CMC thoạt tiên làm việc ở trong Viện Nghiên cứu Tin học, với mục tiêu phải làm ra được một cái máy tính của Việt Nam. Nhưng rồi một ngày, cái viện này bốc cháy, những con người này bị đẩy vào cảnh đường cùng. Thế là họ buộc phải ra ngoài, mở doanh nghiệp và tạo ra CMC như bây giờ.

- Tức là nếu Viện Tin học không bốc cháy, họ không bị đẩy vào đường cùng thì mãi mãi họ vẫn chỉ là những người làm công ăn lương thuần túy?

- (Gật đầu). Điều này cho thấy trong hoàn cảnh bình thường, khi chưa bị đẩy vào đường cùng, có vẻ chúng ta thiếu một động lực thực sự lớn lao!

- À, như vậy là sau khi phân tích một hồi, chúng ta lại thấy rằng cái điểm mà anh cho là lợi thế - khả năng bùng nổ khi bị đẩy vào đường cùng hóa ra cũng lại làm lộ ra một hạn chế lớn của chúng ta: thiếu động lực khi chưa bị đẩy vào đường cùng. (cười...). Xin hỏi anh một câu cuối cùng: Còn những vấn đề gì về thời đại 4.0 ở Việt Nam mà anh thấy nữa không, chẳng hạn như việc chúng ta nói đến 4.0 nhiều quá nhưng chúng ta cũng chưa thực sự hiểu đúng 4.0 là gì?

- Tất cả đều biết 1.0 gắn liền với sự ra đời của máy hơi nước. 2.0 gắn liền với sự ra đời của điện. 3.0 là Internet và 4.0 là người máy, là trí tuệ nhân tạo. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trong thời 4.0, công nghệ sẽ làm thay đổi con người. Còn với mình, chúng ta nói về 4.0 nhưng những hạ tầng cơ bản của 3.0 chúng ta vẫn chưa làm được.

Chúng ta đã có thể số hóa tất cả những thủ tục bằng giấy tờ hay chưa? Chúng ta đã thiết lập được những mã số điện tử để nhận diện, quản lý công dân thay cho những phương pháp quản lý thủ công chưa? Rồi cả vấn đề nhân lực - con người nữa. 

Ví dụ một số ngân hàng giàu có hoàn toàn có thể đầu tư cho công nghệ, dùng người máy thay cho người thật ở một số mảng việc nào đó, rồi thậm chí có thể tạo ra những ngân hàng ảo, không cần bất cứ nhân viên nào nhưng người sử dụng dịch vụ của ngân hàng có quen không, có thể thích ứng được không?

- Thế thì lại phải quay trở lại với một mệnh đề rất phổ biến ở ta: Cái gì cũng phải đúng quy trình của nó, anh nhỉ! Và tất nhiên, nếu chúng ta là những người chủ động, có khả năng nhìn nhận mình và có thái độ thay đổi mình một cách tích cực, đúng hướng thì khoảng cách rất xa của chúng ta với bối cảnh 4.0 sẽ được rút lại nhanh hơn và ngược lại.

Xin chân thành cảm ơn anh về cuộc đối thoại thú vị này.

Phan Đăng (thực hiện)
.
.