PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội:

Không ai có thể nói dối chính mình

Thứ Tư, 14/10/2020, 10:56
Trong ngành y, nhiều trường hợp chúng tôi buộc phải nói dối bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân. Chúng tôi không thể đứng trước một người bệnh ung thư giai đoạn cuối để nói thật rằng: anh/chị chỉ còn sống được khoảng 1-2 tuần nữa! Không thể nói như vậy được. Tuy nhiên, không nên vin vào đó để ngụy biện, bởi giới hạn của sự nói dối trong ngành y là rất quan trọng....

Có rất nhiều câu chuyện cảm động về các bác sĩ đã dấn thân vào những trận địa nóng bỏng nhất trong giai đoạn phòng, chống COVID-19 tại Việt Nam. Nhưng rồi ngay sau đó cũng lại xuất hiện những câu chuyện rất đau buồn khi có những bác sĩ hoặc những người quản lý trong ngành y bị khởi tố sau hàng loạt những vụ mua - bán, liên kết sử dụng các thiết bị y tế bị đánh giá là “ăn dày trên lưng người bệnh”. Quan sát tất cả những câu chuyện này, một người ngoại đạo như tôi rất muốn đối thoại với một bác sĩ thực sự hiểu ngành, hiểu nghề và dám chia sẻ chính kiến cá nhân. Đấy là lý do mà tôi nghĩ ngay đến anh, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Thật may là chỉ sau vài tin nhắn, một người bận rộn ở rất nhiều lĩnh vực như PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng dành cho tôi gần 1 tiếng trải lòng.

10 năm - 1 lời nói dối

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa anh Nguyễn Lân Hiếu, tôi đã đọc nhiều bài anh viết cũng như lắng nghe ý kiến của anh trên nghị trường. Tôi nhớ có lần anh phát biểu rằng, nếu cần một triết lý thì  triết lý cho ngành giáo dục là “không nói dối”!

- PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Đúng! Tôi đề xuất là “không nói dối” nhưng đấy không phải là triết lý mãi mãi, mà chỉ là trong giai đoạn hiện nay, khi nền giáo dục của chúng ta đang trải qua quá nhiều biến động. Tôi nghĩ là, hơn lúc nào hết, chúng ta nên chú trọng vào việc dạy những đứa trẻ nói thật.

- Mà muốn trẻ em nói thật, người lớn phải nói thật trước đã?

- (Nghĩ ngợi...) Bạn có dám chắc là mình luôn luôn nói thật không? Chúng ta vẫn có câu: “Lựa  lời mà nói cho vừa lòng nhau” hay “sự thật mất lòng” đấy thôi! Cho nên, điều tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta phải dạy trẻ con nói thật trong độ tuổi của các em, để đến khi lớn lên, chịu nhiều sự tác động xã hội thì chúng hiểu rằng quả nhiên, những lời nói thật - những giá trị thật mới đích thực là vàng.

- Ai cũng biết, anh là con trai của giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Tôi tò mò là khi anh còn nhỏ, giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã dạy dỗ anh về chuyện này như thế nào? 

- Bố tôi ít khi giảng dạy những điều lý thuyết, đao to búa lớn. Nhưng, có một kỷ niệm rất đơn giản khiến tôi nhớ mãi. Một hôm, bố tôi mua về một tấm gương để lắp lên cánh tủ. Tôi không may đánh vỡ tấm gương ấy. Không ai ở nhà, không ai biết nên sau đó tôi bảo với bố  rằng, cái gương đó do ông bán gương làm vỡ. Bố tôi tỏ ra rất bình thường. Ông đi mua một tấm gương khác. Rồi ông nói với tôi: Nếu con muốn giấu ai một cái gì đó, con nên nhớ rằng, luôn có một người con không bao giờ giấu được, đó chính là bản thân con. Tôi nhớ câu nói này vô cùng. Còn chuyện này nữa, cái gương bố tôi mới treo là cái hằng ngày tôi phải nhìn vào. Mãi khoảng 10 năm sau, khi chúng tôi chuyển nhà thì mới thay một cái tủ khác, một cái gương khác. Có nghĩa là suốt 10 năm, tôi phải nhìn vào một tấm gương được mua sau một lời nói dối của mình...

- Tôi hiểu những dằn vặt mà anh đã trải qua suốt 10 năm đó. Và tôi cũng lờ mờ hiểu được những giá trị mà sự dằn vặt đó mang lại cho anh sau này. Tôi muốn hỏi thế này: Anh hoạt động trong ngành y từ rất lâu rồi, cả trên tư cách của một bác sĩ lẫn một nhà quản lý, anh cảm thấy thế nào về những lời nói dối hoặc những giá trị giả dối đã xuất hiện đâu đó trong ngành y?

- Trong ngành y, nhiều trường hợp chúng tôi buộc phải nói dối bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân. Chúng tôi không thể đứng trước một người bệnh ung thư giai đoạn cuối để nói thật rằng: anh/chị chỉ còn sống được khoảng 1-2 tuần nữa! Không thể nói như vậy được. Tuy nhiên, không nên vin vào đó để ngụy biện, bởi giới hạn của sự nói dối trong ngành y là rất quan trọng.

- Anh có thể nói rõ hơn về giới hạn này không?

- Tôi xin đưa ra ví dụ mà các ngành khác không có: Tôi là bác sĩ Hiếu. Tôi chữa cho anh theo phương án A nhưng không khỏi. Anh đi tìm bác sĩ khác. Bác sĩ đó chữa cho anh theo phương án B và anh khỏi. Lúc đó bác sĩ sau thường nghĩ mình giỏi hơn bác sĩ trước.

Nhưng, kiểu suy luận này không đúng trong y học. Bởi lẽ người chữa sau đã thấy người bệnh không hợp với một phương án rồi nên mới chuyển sang phương án khác. Từ điều này mà nhiều bác sĩ ở Việt Nam không bao giờ nhận mình là kém, vì trong cuộc đời mình, thể nào họ cũng từng chữa được những ca mà người khác không chữa được. Nghĩ như vậy có trung thực không? Có sòng phẳng với mình, với nghề và với người bệnh không? 

Hiện nay, chúng tôi đang triển khai mô hình Telehealth cũng nhằm mục đích mang đến nhiều sự thật nhất cho người bệnh.

- Telehealth nghĩa là khám chữa bệnh trực tuyến đúng không ạ?

- Không phải vậy! Telehealth là y học từ xa. Khám chữa bệnh trực tuyến chỉ là một phần trong đó. Trong mô hình này, chúng tôi tiến hành khám bệnh trực tuyến đa trung tâm, đa bệnh viện. Trước đây, trực tuyến thì chỉ có tôi với anh. Tôi dạy anh hoặc anh dạy tôi. Người được lợi là người học và người bệnh được hội chẩn. Còn bây giờ, trong Telehealth, chúng ta công khai tất cả buổi hội chẩn cho mọi bệnh viện trong hệ thống cùng nghe, cùng học. Lúc này các phương pháp đúng - sai trong quá trình chữa trị cho người bệnh sẽ được công khai rõ ràng.

- Công khai nên xác suất của những lời nói dối sẽ giảm đi rất nhiều?

- Khi tôi là thầy anh, tôi dạy anh trong phương pháp trực tuyến 1-1 thì tôi có thể phê bình anh. Ngược lại, anh không dám phê bình tôi. Nhưng, trong mô hình Telehealth, khi mọi thứ công khai cho mọi bệnh viện trong hệ thống thì không ai có thể giấu ai được nữa. Có những lúc thầy cũng sai chứ. Làm gì có chuyện chỉ học trò mới sai.

Hôm nay anh hùng, ngày mai tội đồ

- Thưa anh, vẫn là câu chuyện nói dối trong ngành y, thực sự là dù không muốn nhưng với tư cách một nhà báo, tôi vẫn buộc phải đề cập đến những câu chuyện hết sức đau lòng liên quan đến những vụ liên kết, liên doanh giữa một bệnh viện với một công ty bên ngoài, để rồi sau đó có người trong ngành đã bị khởi tố. Trước những sự việc này, anh có suy nghĩ gì?

- Vừa rồi, đúng là chúng tôi đã bị rơi xuống đất sau khi vừa được đưa lên mây xanh nhờ việc chữa trị COVID-19 thành công. Tôi nghĩ là chuyện liên doanh, liên kết, xã hội hóa ngành y tế không phải bây giờ mới diễn ra. Nó đã diễn ra từ những năm 2000 và lúc đầu thậm chí nó còn được nhìn nhận là một cứu cánh của ngành y.

- Một cứu cánh?

- (Gật đầu) Những người đầu tiên ứng dụng việc ấy được cho là sáng tạo và thậm chí còn được coi như những anh hùng. Tuy nhiên, sự thật là chúng ta đã tạo ra những kẽ hở trong công tác quản lý. Và khi kẽ hở xuất hiện, chúng ta không chịu nói thật với nhau, không chịu phản biện nhau thì kẽ hỡ từ chỗ có thể chỉ tạo ra những tác hại 1-2 mm ban đầu, giờ khuếch trương thành cả một đường cao tốc.

Chính vì vậy, tôi không nghĩ những đồng nghiệp của tôi bị rơi vào vòng lao lý là những người hoàn toàn xấu. Tôi nghĩ nhiều đến việc cơ chế của chúng ta đã tạo ra những kẽ hở và đến lượt mình, trong quá trình vận hành một mô hình - một chủ trương thì những nhân viên, những người thực thi trong bệnh viện lại không dám phản biện, nói ra những điều đó. Thậm chí, có thể những lãnh đạo cao hơn cũng thiếu sự phản biện cần thiết.

Cho nên, sau khi sự việc này xảy ra, tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải bình tĩnh ngồi lại, đừng đi tìm những tiểu tiết mà phải tìm được những lỗi hệ thống để sữa chữa nó, để những người hôm qua là anh hùng, hôm nay không trở thành tội đồ.

- Khi mọi người ít nhiều đều có chung một lợi ích thì rất khó có sự phản biện. Anh có nghĩ thế không? Cá nhân anh đã bao giờ tự phản biện khi chứng kiến những kẽ hở mà anh vừa nói đến hay chưa?

- Cách đây khoảng 15 năm, tôi tình cờ đi cùng chuyến bay với một bậc tiền bối. Ông là người thầy tôi rất kính trọng và có thể coi là tác giả của ý tưởng xã hội hóa y tế. Trong giai đoạn ấy, khi đầu tư cho y tế mới chỉ được tính bằng vài số “0”, chứ chưa phải là nhiều số “0” thì việc mua các thiết bị, phương tiện cho bác sĩ hành nghề là cực kỳ quan trọng. Bác sĩ phải có phương tiện thì mới chữa bệnh tốt. Do đó, phải xã hội hóa, nói nôm na là phải lấy tiền của tư nhân mua máy móc, đặt vào bệnh viện công. Rồi sau đó thu tiền của bệnh nhân và bảo hiểm y tế, chi trả lại cho người đầu tư theo những tỉ lệ nhất định. Phương án này lúc đầu rất tốt, vì tư nhân thì mới có tiền và mạnh dạn đầu tư hàng loạt máy móc hiện đại...

Nhưng, trên chuyến bay tình cờ mà tôi vừa kể thì tôi đã phản biện điều này. Tôi bảo với bậc tiền bối của mình là: theo cháu, đây là phương án không tốt. Bởi lẽ, nếu có 2 cốc nước ở một bệnh viện, một cốc do Nhà nước rót vào, một cốc do tư nhân rót vào thì người ta sẽ ưu tiên cốc nào hơn? Đương nhiên là cốc nước của tư nhân. Khi người bệnh không khát thì bệnh viện có mời uống không? Vẫn mời! Vì dòng nước là vô tận. Chính vì vậy, khi thực hiện xã hội hóa y tế thì sẽ có những bất cập rất lớn, đó là có trục lợi, là lạm dụng chỉ định.

- Tôi cũng nghe rất nhiều người phàn nàn về chuyện nhiều đơn vị, nhiều bác sĩ lạm dụng chỉ định để tăng thu nhập.

- Lạm dụng chỉ định tức là bệnh nhân có thể chưa cần phải chụp chiếu nhưng vẫn chỉ định chụp chiếu để có doanh thu. Chẳng có bệnh viện nào khi thực hiện liên doanh theo kiểu xã hội hóa y tế lại không cố gắng đạt doanh số mong muốn. Chính vì vậy, tôi nghĩ chúng ta chỉ nên xã hội hóa đối với những bệnh viện không có đủ tài chính để mua các thiết bị máy móc thôi. Đó là các bệnh viện tuyến xã, tuyến huyện, vùng sâu vùng xa. Những bệnh viện đó mà xã hội hóa được thì rất tốt.

Thực tế vẫn có những doanh nghiệp hợp tác với những bệnh viện vùng sâu vùng xa của các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La và đến tận lúc này các thiết bị, máy móc vẫn đang được sử dụng rất tốt. Song, số lượng những doanh nghiệp tư nhân liên kết với các bệnh viện cấp huyện, cấp xã là rất ít. Tôi xin nhấn mạnh là có nhưng rất ít.

Chính sách chậm, thực tiễn nhanh

- Cũng dễ hiểu thôi, vì họ là doanh nghiệp nên phải đặt yếu tố lợi nhuận lên đầu!

- Từ đây chúng ta quay trở lại với các bệnh viện ở các tỉnh, thành phố lớn. Những năm vừa qua, các cấp chính quyền đã đầu tư cho y tế rất lớn. Không chỉ chính quyền Trung ương mà cả chính quyền cấp địa phương nữa. Các bệnh viện tỉnh hiện nay xây dựng rất đẹp. Bệnh nhân đến với tôi không còn hỏi: “Cháu/em có mổ được không?”, mà hỏi câu gì Phan Đăng biết không?

- Câu gì ạ?

- Đó là: “Cháu/em có nên mổ không?”. Câu hỏi ấy phản ánh sự khác biệt rất lớn so với trước. Sở dĩ ngày trước người ta hỏi “có mổ được không?” là vì thiếu thốn thiết bị đủ kiểu. Còn bây giờ người ta hỏi “có nên mổ không?” là vì các phương tiện phẫu thuật quá nhiều, quá hiện đại và rất nhiều nơi sẵn sàng mổ cho họ. Tức là sự phát triển trong thực tế đã đi quá nhanh. Trong khi đó các chính sách lại không theo kịp. Các thông tư hướng dẫn không theo kịp. Các lỗ hổng trong quá trình xã hội hóa không bịt kịp. Từ đó dẫn đến những hậu quả như ngày hôm nay chúng ta đang thấy.

- Có nghĩa là theo anh, sau tất cả những chuyện không hay về xã hội hóa y tế thì bây giờ, điều mấu chốt không phải là xóa cơ chế xã hội hóa y tế mà là vẫn xã hội hóa nhưng phải tìm cách công khai hóa, minh bạch hóa và thay đổi thế nào đó để theo kịp với vận động thực tiễn hôm nay. Tôi hiểu như thế có đúng không, thưa anh?

- Chúng ta không thể xóa xã hội hóa vì đấy là xu thế tất yếu. Không thể nào cứ đầu tư công tất cả, đầu tư công mãi mãi. Vấn đề là chúng ta phải chọn được các phương án thích hợp với từng giai đoạn. Phương án của hôm nay có thể chỉ đúng trong 5 năm, 10 năm và như thế 5 năm, 10 năm sau lại phải tìm những phương án mới. Chúng ta phải làm điều đó với cái đích cuối cùng là người dân phải được hưởng lợi nhất và hệ thống y tế công vẫn phát triển để thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội.

Tôi không sợ nhưng mẹ tôi sợ

- Đúng là đã xuất hiện những lỗi hệ thống, đến từ việc chính sách không theo kịp thực tế. Nhưng, thưa anh, ngành y là một ngành thiêng liêng đặc biệt. Nó thiêng liêng đặc biệt đến nỗi trước khi tốt nghiệp ra trường, tất cả sinh viên y đều phải thực hiện một lời thề. Cho nên, bên cạnh lỗi hệ thống thì anh có nghĩ đến yếu tố trách nhiệm cá nhân không?

- Trách nhiệm cá nhân thì chắc chắn rồi. Tuy nhiên, có một thực tế trong xã hội nói chung là trách nhiệm cá nhân về cơ bản vẫn chưa được đề cao. Khi có ai rơi vào vòng lao lý, những người trong cuộc thường có xu thế dồn mọi trách nhiệm cho một người sa cơ lỡ vận.  Thực tế là không riêng gì một vài cá nhân này, tôi nghĩ là nhiều người phải cùng chịu trách nhiệm cá nhân lắm chứ. Không biết Phan Đăng có để ý không nhưng có một thực tế là khi phát biểu, những người thuộc thế hệ cũ thường xưng là “chúng tôi” chứ ít khi xưng “tôi”. Đấy có thể là một thói quen kéo dài từ thời bao cấp đến nay.

- Vâng! “Chúng tôi” - con người tập thể!

- Con người tập thể! Trách nhiệm tập thể! Nhưng, quyền lợi lại là quyền lợi cá nhân. Cứ dần dần nó tạo ra thói quen vô cảm, bàng quan và đến khi có một chuyện xảy ra thì đổ hết trách nhiệm cho một người sa cơ lỡ vận mà không chịu nhìn ra mình cũng có một phần trách nhiệm. Nếu không nhìn ra thì sẽ không thể rút kinh nghiệm và thay đổi. Tôi thấy cái thay đổi lớn nhất của thế hệ trẻ bây giờ so với các thế hệ trước là các em dám xưng “tôi” thay vì “chúng tôi”. Và, các em dám thể hiện rằng quan điểm này của tôi, quyết định này của tôi. Tôi chịu trách nhiệm về nó.

- Đấy là một sự thay đổi hết sức đáng chú ý và chúng ta cùng hy vọng là khi mọi thứ cứ thay đổi dần dần như vậy thì sẽ có những giá trị nền tảng được thay đổi và xác lập theo hướng tích cực hơn. Anh Hiếu này, điều cuối cùng tôi muốn hỏi là: bây giờ anh đang làm giám đốc một bệnh viện. Anh cũng nói rất nhiều đến lỗi hệ thống khiến một người hôm nay có thể là anh hùng, mai có thể thành tội đồ. Vậy có một thoáng lo lắng nào đó ở trong anh lúc này không?

- Tôi thì không sợ nhưng mẹ tôi thì sợ lắm. Mẹ tôi luôn dặn là: Cẩn thận đấy, không một lúc nào đó lại giống người ta! Kể ra cũng không nói trước được điều gì. Những thứ chúng tôi làm đều có tính tiên phong. Nếu chúng tôi đi nhanh quá, hệ thống luật pháp không theo kịp, tạo ra những lỗi hệ thống nào đó, để rồi mình bị rơi vào đó thì sao? Cho nên, trước khi tôi trở thành giám đốc bệnh viện, cậu bạn thân của tôi - giáo sư Ngô Bảo Châu bảo rằng: Tao chỉ đồng ý cho mày làm quản lý với điều kiện bên cạnh mày phải có một công ty luật.

- Họ ở sát sườn, tư vấn cho mình!

- Không chỉ là tư vấn đâu! Họ phải đồng hành với mình! 

- Xin cảm ơn anh và chúc anh tiếp tục cống hiến nhiều giá trị tích cực cho xã hội!

Không nhận phong bì vẫn sống ổn

- Có người nhận xét rằng, phong bì giờ là một chất bôi trơn tất yếu trong xã hội. Có nhiều lúc, nhiều việc, chuyện đưa - nhận phong bì là rất bình thường. Nhưng, với riêng ngành y, một ngành hết sức thiêng liêng, cao quý thì không thể nhìn nhận như vậy được. PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nghĩ sao?

- Câu chuyện này tôi đã được hỏi nhiều lần rồi. Tôi khẳng định là bệnh viện của tôi, chuyện phong bì là cực kỳ hãn hữu. Nếu có, cũng là do người bệnh tìm mọi cách để cảm ơn bác sĩ sau phẫu thuật, thủ thuật. Riêng bản thân tôi, đấy là điều tôi dị ứng nhất. Người bệnh biết chúng tôi là “bệnh viện không phong bì” nên họ không bao giờ đưa trước ca mổ. Họ thường chỉ đưa sau khi tái khám. Lúc đó Phan Đăng biết là tôi phải trả lời như thế nào không? Tôi phải nói là: Thôi, bác ạ! Bác giữ cho tôi!

- Nhưng, không phong bì, các bác sĩ - nhân viên của anh liệu có sống ổn không?

- Chúng tôi sống rất ổn! Vì chúng tôi trả lương theo năng lực một cách rõ ràng minh bạch.

- Những người trong ngành có bao giờ nhìn các anh như những kẻ gàn dở, khác người hay không?

- Do sinh sau đẻ muộn nên ngay từ đầu chúng tôi đã có một cơ chế thu - chi khác các bệnh viện công lập khác. Và ngay từ đầu, các bệnh viện công đã nhìn chúng tôi với một con mắt rất thông cảm. Họ coi chúng tôi là cậu em út, mới ra đời nên cứ tạo điều kiện cho cậu em này phát triển. Cứ như thế, nó dần dần tạo thành một cái nếp, một thói quen. Nếu tôi ở chỗ khác, với những đặc thù khác, có khi tôi cũng nhận phong bì rồi...

Phan Đăng (thực hiện)
.
.