Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh:

Khi thể chế không ngăn nổi chúng ta thành bạn

Thứ Ba, 28/07/2015, 10:02
Trong những ngày qua, dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm đồng thời có nhiều đánh giá rất tích cực về chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Bởi đây là một dấu mốc vượt qua thông lệ, và được đánh giá là mở ra một chương mới trong lịch sử bang giao Việt Nam - Hoa Kỳ.

Nhân dịp này, Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Quang Vinh, Đại sứ đương nhiệm của Việt Nam tại Hoa Kỳ xung quanh sự kiện này.

Sau nhiều lần ngần ngại, Đại sứ đã nhận lời trò chuyện nhưng vẫn nhấn mạnh với nhà báo rằng ông chỉ có thể trao đổi mang tính tâm sự về những mảng nhỏ lẻ của người được tham gia một phần phục vụ chuyến thăm. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc về cuộc trò chuyện, tâm sự này.

- Phóng viên: Cách đây nửa năm, khi những thông tin về chuyến thăm của Tổng Bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng sang thăm nước Hoa Kỳ mới bắt đầu manh nha trong dư luận, đã có những bài báo của những hãng thông tấn nước ngoài dự đoán rằng, điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Vì, theo như họ nói, không đời nào, nước Mỹ lại mời TBT của một Đảng Cộng sản sang thăm. Nhưng người Mỹ đã làm cái việc mà nhiều người cho rằng “không bao giờ” ấy.

- Đại sứ Phạm Quang Vinh: Thực sự đó là chuyến thăm lịch sử và là một dấu mốc. Đã có sự chuẩn bị và chỉ đạo quyết liệt, công tác phục vụ diễn ra ở nhiều nơi với sự tham gia của nhiều người. Mặc dù lời mời này đã được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra từ tháng 7/2012, nhưng còn những cân nhắc điều này, điều kia. 

Phải đến đầu 2015 mới thực sự đi vào quá trình chuẩn bị, nhất là từ ngày 13/2/2015, khi Ngoại trưởng John Kerry điện đàm với Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Phạm Bình Minh để chuyển lời mời chính thức của chính quyền Mỹ. Đó có lẽ mới là điểm khởi đầu việc chuẩn bị chính thức cho ý tưởng về chuyến thăm đầu tiên của TBT Đảng Cộng sản Việt Nam đến Mỹ. Nhưng khi đó những cuộc tiếp xúc hai bên để bàn bạc, chuẩn bị cho kế hoạch này mới chỉ là bước đầu với ngổn ngang công việc phía trước. Thậm chí, chính những người trực tiếp tham gia như chúng tôi lúc đó cũng chỉ biết phải làm hết sức mình, và chưa rõ cụ thể khi nào sẽ diễn ra chuyến thăm lịch sử này.

Thế nên việc dư luận cho rằng, chuyến đi này sẽ là điều không thể, cũng không có gì đáng ngạc nhiên, nhất là khi họ cho rằng TBT của chúng ta - người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam không có một vị trí tương ứng trong chính quyền với phía Mỹ. Nhưng cuối cùng thì như bạn đã thấy, “điều không thể” này đã thực sự xảy ra và thành công ngoài mong đợi của chính những người trong cuộc của cả hai bên.

- Đại sứ đi làm ngoại giao từ khi Mỹ và Việt Nam còn là những kẻ thù của nhau, cá nhân ông có bao giờ hình dung, sẽ có ngày người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ gặp người đứng đầu của nước Mỹ trên chính đất Mỹ?

- Tôi đã từng chia sẻ với nhiều bạn bè Mỹ, dường như mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ rất có duyên với chu kỳ 20 năm. 20 năm đầu tiên, là chu kỳ của sự thù địch và những trận chiến liên miên, khốc liệt, là chu kỳ gắn với sự đau thương và ám ảnh của nhân dân từ cả hai phía. 20 năm tiếp theo, từ năm 1975 đến 1995, chúng ta từ sự thù địch, cấm vận, đối đầu chuyển sang bình thường hoá, đánh dấu giai đoạn khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.

20 năm vừa qua, 1995 - 2015, như chúng ta đã chứng kiến, là sự phát triển một mối quan hệ từ thù thành bạn, từ quan hệ ngoại giao bình thường trở thành đối tác toàn diện. Thú thật, những gì mà hai nước cùng nhau đạt được ngày hôm nay vượt qua sự kỳ vọng của chính những người trong cuộc. Do vậy, chúng ta có đủ kỳ vọng cho sự phát triển hơn nữa của 20 năm tới, với tầm nhìn đã được đề ra trong chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng.

Những năm 1980 và 1990, khi hai nước còn thù địch, nếu để hình dung về mối quan hệ Việt - Mỹ thời điểm bây giờ, những người như chúng tôi dù có lạc quan đến mấy chắc cũng không hình dung ra viễn cảnh này. Chúng ta có nghĩ đến việc bình thường hoá và có quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Mỹ và hiểu đó là điều nên làm và cần làm bằng được. Nhưng rất khó để nghĩ rằng một ngày nào đó, hai nước sẽ vượt qua những khác biệt về mặt thể chế để trở thành đối tác toàn diện.

Càng khó có thể nghĩ rằng, một ngày nào đó như ngày hôm nay, TBT Đảng Cộng sản Việt Nam, người đứng đầu thể chế chính trị của ta, sẽ có một chuyến thăm chính thức nước Mỹ, cùng người đứng đầu nước Mỹ thông qua Tuyên bố tầm nhìn chung của hai nước. Nhưng sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào năm 2013, đã cho chúng ta những cơ sở để tin rằng mối quan hệ giữa hai nước còn tiến xa hơn nữa và một chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng chính thức tới Mỹ là điều mà nhiều người làm ngoại giao chúng tôi đã bắt đầu hình dung tới.

- Theo tôi được biết việc đàm phán đã diễn ra từ trước chuyến thăm gần nửa năm trời và ngay cả khi chuyến thăm đang diễn ra, việc đàm phán vẫn còn tiếp tục đến giờ phút cuối cùng. Và các cán bộ đại sứ quán đã phải rất vất vả trong chuyến thăm này…

- Chúng ta vẫn quen việc tổ chức cho một đoàn khách vào Việt Nam hay đoàn Việt Nam đi các nước theo kiểu một cơ quan hay sứ quán sẽ là đầu mối, rồi hai bên sơ bộ thống nhất với nhau về chương trình hoạt động, rồi sau đó cả hai bên cùng thực hiện theo những thoả thuận đó. Nhưng ở Mỹ rất khác. Hai phía chủ yếu chỉ cùng nhau chuẩn bị cho hoạt động cao nhất là cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo tại phòng Bầu dục. 23 hoạt động còn lại, kể cả những cuộc gặp quốc hội, tiếp xúc với học giả, gặp gỡ các doanh nghiệp, gặp gỡ kiều bào, cựu Tổng thống Clinton…, đầu mối chủ yếu do Đại sứ quán và phái đoàn sắp xếp.

Nên có lẽ không cần phải nói nhiều cũng có thể hình dung toàn bộ lực lượng của Đại sứ quán đã phải căng mình ra để chuẩn bị những hoạt động này. Sứ quán vừa là người truyền tải thông điệp từ trong nước, vừa được giao nhiệm vụ chốt cuối cùng trong việc thương lượng, đàm phán. Nên khối lượng công việc cực kỳ khổng lồ. Kể cả khi bên chúng tôi là ban ngày, trong nước là nửa đêm và ngược lại, những kênh thông tin trao đổi hai chiều vẫn diễn ra không ngừng, giữa trong nước và bên này.

Dù mới chỉ trình Ủy nhiệm thư, bắt đầu nhiệm kỳ đại sứ tại Mỹ từ cuối 2014, nhưng ngay sau đó, tôi đã phải đi gõ cửa rất nhiều nơi, xin gặp các thượng nghị sĩ Mỹ, các học giả, các nhà doanh nghiệp, các quan chức chính quyền, rồi cả Văn phòng Phó Tổng thống Joe Biden. Tất cả họ đều đã đóng vai trò nhất định để chuyến thăm này trở thành hiện thực và thành công. Trong vòng hai tháng trước khi TBT Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ, gần như ngày nào anh em Đại sứ quán chúng tôi cũng phải hội ý ở trụ sở, nhiều khi đến 8, 9 giờ tối, không có thời gian ăn uống.

Có những lúc cảm thấy bế tắc cả về đàm phán, cả về nội dung, đến các vấn đề kỹ thuật, đến khâu tổ chức, lễ tân, an ninh. Áp lực đến nỗi, tôi thậm chí đã nổi cáu với anh em trong sứ quán. Nhưng cuối cùng mọi thứ đều đã qua.

Tôi cũng rất trân trọng thiện chí của người Mỹ đối với chuyến thăm. Thường thì trong quan hệ ngoại giao với các quan chức Mỹ, chúng tôi chủ yếu chỉ liên lạc qua e-mail, nhưng với tầm quan trọng của chuyến thăm, cả hai bên đã đồng ý liên lạc với nhau bằng di dộng bất kể giờ giấc, để chủ động công việc. Vào bất cứ thời điểm nào, dù đêm hay ngày, chúng tôi và các bạn đều sẵn sàng nhấc máy nhận cuộc gọi từ phía bên kia khi cần trao đổi.

Chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng bắt đầu vào thứ 2, ngày 6/7 thì việc đàm phán Tuyên bố, dù trước đó đã “quần nhau” khá nhiều rồi, đã diễn ra xuyên suốt cả dịp cuối tuần, kể cả đúng Ngày Quốc khánh Mỹ mùng 4/7. Tôi nhớ, cuộc hội ý cuối cùng là từ 21h30 phút đến 23h5 ngày 6/7, rồi về báo cáo và đến nửa đêm về sáng ngày 7/7, lúc 1h25 sáng, tôi gọi điện cho Trợ lý đặc biệt của Tổng thống, ông Dan Kritenbrink để thống nhất về cơ bản những nội dung đàm phán. Nhưng vì vẫn còn phải xin ý kiến chỉ đạo cuối cùng, nên việc đàm phán chỉ được chốt chính thức vào 7h25 sáng ngày 7/7, ngay trước khi cuộc gặp diễn ra. Ông Dan Kritenbrink cũng có nói với tôi lúc đó, ông ấy chỉ có 30 phút để chuẩn bị trước khi cùng với Cố vấn An ninh Quốc gia vào báo cáo Tổng thống trước khi hai bên chính thức chốt lại vấn đề này.

- Nhiều chuyên gia đã nhận định rằng, để chuyến thăm này trở thành hiện thực, Việt Nam và Mỹ đã phải mất rất nhiều công sức thảo luận và phá bỏ nhiều quy tắc, thông lệ vốn có?

- Chính người Mỹ cũng nhận thấy họ đã dành cho chuyến thăm này và cho Việt Nam những “ngoại lệ” mà trước đó chưa từng có trong quan hệ ngoại giao. Và đó cũng là điều được báo chí Mỹ bình luận rất nhiều trong những ngày vừa qua. Cả hai bên đều phải nhận thức rất rõ lợi ích chung và ý thức được tầm quan trọng của chuyến thăm. Nhưng để chuyến thăm này có thể diễn ra, cả hai phía, đặc biệt là phía Hoa Kỳ đã vượt qua những thông lệ, vì quan hệ hai nước, vì sự tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, đặc biệt là với cá nhân TBT Nguyễn Phú Trọng.

Khâu chốt nhất là phải bảo đảm chuyến thăm này xứng tầm cả về nghi thức lẫn nội dung. Ngay từ đầu tôi đã nói thẳng thắn và chân thực với phía nước bạn: “Điều trước nhất, đã là người đứng đầu Việt Nam sang đây, thì phải gặp người đứng đầu nước Mỹ ở đây, với đầy đủ các nghi thức dành cho nguyên thủ quốc gia. Nếu không có chuyện đó, sẽ không có chuyến thăm này”.

Phía Mỹ hiểu điều đó. Đương nhiên họ cũng hiểu rằng, họ sẽ phải vượt qua những quy định về thông lệ nội bộ  dù lúc đó chính họ cũng chưa biết sẽ làm thế nào và sẽ làm đến đâu. Cái mà nhiều người đã nói, đó là trong hệ thống chính trị của nước Mỹ thì không có chức danh tương đương chức danh TBT trong hệ thống chính trị của chúng ta. Mặt khác nhiều người vẫn nghĩ khó khăn lớn nhất giữa hai nước là làm sao vượt qua được những khác biệt về thể chế, về quan điểm dân chủ, nhân quyền. Nhưng qua chuyến thăm, mới thấy có nhiều điều tương đồng giữa hai nước và cái khó lớn nhất là làm sao từ đó xây dựng thành “tầm nhìn” chung hai nước. Và điều này, cuối cùng đã đạt được, xứng tầm với chuyến thăm và quan hệ hai nước.

Trong quá trình tham vấn ban đầu, sự thực là dường như người Mỹ cũng đã rất thoả mãn với tuyên bố năm 2013, xác định khuôn khổ đối tác toàn diện giữa hai nước, và nếu có thì tuyên bố lần này chỉ là một sự củng cố và tăng cường dựa trên tuyên bố năm 2013. Nhưng với tầm của chuyến thăm lịch sử, thì mục tiêu phải cao hơn, lại đúng vào thời điểm kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai nước. Đối tác toàn diện là nền tảng thực sự quan trọng, nhưng mối quan hệ giữa hai nước trong những thập kỷ tới cũng là điều mà chúng ta thực sự quan tâm. Một Tuyên bố tầm nhìn là điều mà hai nước chờ đợi trong cuộc gặp này.

Phải đến phút cuối, sau rất nhiều cuộc bàn bạc, cả khi chuyến thăm của TBT đã bắt đầu, thì vấn đề này mới được thống nhất, và do đó hai từ “Tầm nhìn” chính thức được xác định trong tuyên bố chính thức của hai nước. Cũng có lúc tưởng rằng có những vấn đề không đàm phán được. Nhưng đến phút cuối, cả hai bên, với sự thiện chí thực sự đã vượt qua được những khúc mắc đó để đi đến thỏa thuận. Tôi có trao đổi với nhiều người Mỹ, trong đó có những học giả, những thành viên chính quyền, quốc hội và cả những người bạn Mỹ của tôi và cả những đại sứ các nước ở đây, họ đều nói rằng: Với người Mỹ, việc dùng chữ “tầm nhìn” mang một ý nghĩa rất lớn, rất chiến lược và rất thực chất trong quan hệ giữa hai nước. Việc ra Tuyên bố tầm nhìn cũng là một kết quả đặc biệt của đối ngoại, không phải cứ lúc nào có chuyến thăm của nguyên thủ nước ngoài đến Mỹ là cũng có.

- Vậy thì đâu là nguyên nhân của sự thiện chí, trân trọng đặc biệt mà người Mỹ dành cho Việt Nam, thưa ông?

- Sự trân trọng đặc biệt này xuất phát từ lợi ích của hai phía. Mỹ cũng có lợi ích, trân trọng quan hệ với Việt Nam, một Việt Nam đổi mới, hội nhập thành công và dần khẳng định vị thế trong khu vực và quốc tế. Đó là những dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển quan hệ giữa hai nước; hai bên tôn trọng sự khác biệt, đối thoại, hợp tác và làm việc với nhau. Thời điểm này Việt Nam đã đổi mới, đang tích cực chủ động hội nhập và có vai trò quan trọng trong khu vực.

Cùng lúc đó, Mỹ thực hiện một chính sách hướng tới sự gắn kết hơn với khu vực châu Á, mà vai trò của ASEAN được họ coi như một trụ cột của chính sách này. Cả Mỹ và Việt Nam đều nhận ra sự cần nhau, vị trí của nước này trong chính sách đối ngoại của nước kia làm cho những nội dung hợp tác giữa hai nước được tăng cường. Bản thân nước Mỹ thấy rằng, họ phải ứng xử với một nước Việt Nam độc lập, với thể chế chính trị khác biệt, trên tinh thần tôn trọng nguyên tắc khác biệt. Và nếu không có điều này từ phía nước Mỹ, thì từ phía Việt Nam sẽ khó mà có những kết quả đã đạt được.

Lịch sử quan hệ 20 năm qua của hai nước, từ chỗ bình thường hoá đến chỗ mở rộng lĩnh vực hợp tác, từ chỗ vượt qua “hội chứng chiến tranh” đến khi trở thành đối tác toàn diện, thì nền tảng của điều này chính là tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng sự khác biệt về thể chế chính trị. Và chỉ khi tôn trọng sự khác biệt, thì quan hệ giữa hai nước mới có cơ hội khởi sắc như hiện tại. Cũng từ nguyên tắc đó người đứng đầu của hai đất nước đã ngồi đối thoại với nhau, tạo ra một điều ngoạn mục, vượt qua nhiều dự đoán thông thường để đánh dấu một chuyến thăm lịch sử.

Ông Phạm Quang Vinh thời trẻ (ngồi giữa) trong một buổi làm phiên dịch cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và ông John Kerry.

- Trong chuyến thăm của TBT sang Mỹ, có chi tiết nào, có câu chuyện nào nằm ngoài kịch bản nhưng lại mang đến những câu chuyện thú vị không thưa ông?

- Nếu chúng ta nhìn tổng thể cả chuyến thăm cũng đã thấy nó đã tạo ra lịch sử và một bức tranh rất ấn tượng. Nhưng cảm nhận của cá nhân tôi, thì có lẽ tôi thích nhất là khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau ở phòng Bầu dục. Vào lúc hội đàm, họ đã ngồi đối diện với nhau, với sự ung dung, thoải mái, tự tin, thực chất, thẳng thắn, cởi mở về tất cả các vấn đề: Từ quan hệ hai nước, đến hợp tác vì hoà bình ổn định và phát triển ở khu vực và cả về sự khác biệt giữa hai nước.

Nếu như TBT Nguyễn Phú Trọng không ngần ngại chia sẻ về nạn quan liêu đã và đang ảnh hưởng nhất định đến việc chăm lo cho đời sống người dân trong nước, thì Tổng thống Mỹ Barack Obama lại tâm sự rằng 7 năm qua, trong suốt thời gian cầm quyền, ông ấy đã cố gắng điều chỉnh quan hệ của Mỹ với các nước, do trước đó Mỹ đã bị chỉ trích vì can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.

Hình ảnh cả hai nhà lãnh đạo cùng nhìn đồng hồ và cùng nhận ra rằng cuộc gặp đã kéo dài hơn 30 phút so với dự kiến ban đầu, nhưng vẫn cười vui, thản nhiên, không vội vàng và cùng chuẩn bị trả lời báo chí, dành thời gian khá thoải mái, có lẽ là hình ảnh đẹp nhất sau cuộc gặp này. Chúng ta đều biết, việc xếp lịch của những nhà lãnh đạo quốc gia là rất khắt khe, nên việc thời gian đàm đạo vượt quá cả 30 phút có lẽ là chuyện cực kỳ hiếm có, nếu không muốn nói là chưa từng có.

- Sự kiện TBT sang thăm Mỹ theo lời mời của Tổng thống Obama rõ ràng nhận được sự quan tâm, theo dõi rất đặc biệt từ dư luận, với những cung bậc cảm xúc rất khác nhau. Có những người vui, có người mừng, nhưng cũng có những người có phản ứng khác. Ông có nắm được những phản ứng khác nhau trong lòng nước Mỹ?

- Như chúng ta đã nói lúc đầu, còn rất nhiều người nghĩ rằng chuyến thăm khó có thể xảy ra. Cũng có nhiều người nghĩ rằng chuyến thăm khó có thể thành công và ghi dấu lịch sử đến mức vậy. Nhưng dù có người thuận, người không thuận, dù cảm xúc là khác biệt, thì tất cả đều phải đồng ý ở một điểm: Đây là một sự kiện ghi dấu lịch sử. Những người trông đợi một mối quan hệ tốt đẹp, lâu dài và bền vững, mà đây là số nhiều, số chung thấy nền tảng đối tác toàn diện không chỉ được củng cố và làm sâu sắc hơn mà còn thấy tầm nhìn hai nước đã được định hướng và có chiều hướng phát triển mạnh hơn rất nhiều.

Trong phát biểu của Tổng thống Obama, Phó Tổng thống Joe Biden cũng như các nghị sĩ quốc hội Mỹ đều khẳng định chuyến thăm này mang tính lịch sử. Báo chí rộng rãi cũng nhấn mạnh điều này. Cũng không tránh khỏi những người vẫn còn vướng mắc, còn trăn trở, băn khoăn về thể chế chính trị, về dân chủ, về nhân quyền ở Việt Nam. Nhưng những người đó, dù có thể chưa tháo gỡ được hết những khúc mắc đó, cũng không thể phủ định mà đã phải thừa nhận ý nghĩa, sự thành công và tầm lịch sử của chuyến thăm này.

Tôi nhớ, trong cuộc gặp của TBT với bà con Việt kiều ở New York, có rất nhiều người dân, thuộc các thành phần khác nhau, ở các thời kỳ khác nhau tham gia. Nếu ai có cơ hội chứng kiến hoặc xem hình ảnh của cuộc gặp đó, thì chắc sẽ nhớ khi TBT bước vào và bài Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vang lên, mọi người đã đứng dậy vỗ tay và hát theo bài hát đó mãi không thôi. Tôi cho đó là một khoảnh khắc cảm động của dân tộc.

Dù có thể vẫn còn những khác biệt về quan điểm, về thể chế, về vấn đề này khác đang diễn ra trong nước, nhưng những người thực sự yêu dân tộc này, yêu đất nước này từ tận đáy lòng, có lẽ đều tự hào, đều mừng cho chuyến thăm, cho bước tiến lịch sử này và hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất sẽ đến cho quốc gia, cho dân tộc trong tương lai. Và tôi cho rằng chuyến thăm này sẽ còn tác động lâu dài đến quan hệ hai nước, đến các giới khác nhau ở đây, kể cả Chính phủ và Quốc hội, những cộng đồng học giả hay những cộng đồng người Việt còn khác biệt, khi họ hiểu rằng chúng ta luôn sẵn sàng đối thoại với những sự khác biệt ấy.

- Theo Đại sứ, những kết quả đạt được sau chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng có tác động đến mối quan hệ của Việt Nam với các nước khác trong khu vực, hay tác động đến bối cảnh chung của khu vực hay không?

- Cái mà tôi có thể khẳng định đó là hai nước chia sẻ sự tương đồng về những vấn đề hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Đó là: Hợp tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi và phù hợp với lợi ích chung của khu vực. 

Hai nước cũng có rất nhiều vấn đề hợp tác với nhau: Từ chuyện biến đổi khí hậu đến khắc phục hậu quả thiên tai, từ những vấn đề về môi trường đến những vấn đề phức tạp của khu vực như vấn đề Biển Đông. Hai bên cũng nhất trí với nhau trên những nguyên tắc được quốc tế và dư luận thừa nhận một cách rộng rãi, cũng là quan điểm chung của ASEAN: Phải tôn trọng luật pháp quốc tế, phải giải quyết hoà bình các tranh chấp, phải thực hiện các cam kết ở khu vực trong đó có Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Nếu theo dõi những trao đổi của hai nhà lãnh đạo trong chuyến thăm vừa qua, cũng như trong Tuyên bố tầm nhìn của hai nước, chúng ta sẽ thấy một thái độ rất rõ ràng của cả hai bên với những vấn đề phức tạp trên Biển Đông: Những việc như tôn tạo đảo đá làm thay đổi nguyên trạng, sử dụng sức mạnh để áp đặt đòi hỏi chủ quyền, trái với luật pháp quốc tế là điều không thể chấp nhận được. Nếu đứng từ góc độ Việt Nam, đây là chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam, chúng ta đã chia sẻ với tất cả các nước, với ASEAN và khu vực. 

Do vậy không ai có thể nói Việt Nam đang “đi” với Mỹ, hay “đi” với nước này, nước kia. Sự nhất quán đối ngoại đó là: hòa bình, độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa trong quan hệ quốc tế. Trong quan hệ với Mỹ, chúng ta cũng khẳng định các nguyên tắc đó, trong quan hệ với các nước láng giềng và các nước ở khu vực, chúng ta cũng giữ vững nguyên tắc đó, kể cả trong hợp tác và trong việc xử lý các vấn đề khác biệt.

- Một câu hỏi cá nhân, là một nhà ngoại giao, đã từng tham gia nhiều sự kiện, nhiều diễn đàn lớn, cảm xúc của cá nhân ông thế nào khi vừa chứng kiến, vừa là một phần của chuyến thăm này, của dấu ấn lịch sử này?

- Tôi nhận nhiệm vụ Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ trước thềm kỷ niệm 20 năm quan hệ. Tôi nghĩ mình may mắn, hạnh phúc và tự hào khi bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ tại Mỹ vào đúng thời điểm này. Trong suy nghĩ và trong tình cảm, tôi rất mong chờ chuyến thăm này, từ lúc nó còn khởi thuỷ và manh nha. Và thực sự tập thể Đại sứ quán và cá nhân tôi ngay từ khi tôi nhận nhiệm kỳ Đại sứ này đã coi đây là một vấn đề trọng điểm cần thực hiện. Trong Thông điệp Đại sứ vào ngày 2/1/2015, tôi đã gọi năm 2015 là một dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước và sự thực diễn ra còn hơn cả những gì tôi mong đợi. Dấu mốc này có ý nghĩa rất quan trọng với quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.

Nhưng với cá nhân tôi, một nhà ngoại giao, nó cũng là một điều rất đặc biệt, là một hoài bão mà mình đã góp phần thực hiện được. Điều khiến tôi xúc động nhất là nó đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Có lẽ những người làm ngoại giao như tôi, hơn ba thập kỷ trong ngành, có lẽ đều chỉ mong chờ một khoảnh khắc này trong đời cũng đủ để hạnh phúc và tự hào.

Ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và tôi có trao đổi với nhau: “Quan hệ giữa hai nước đã được xác định là đối tác toàn diện. Nhưng quan hệ giữa hai đại sứ chúng ta đã thực sự là đối tác chiến lược. Với tư cách là người đại diện cho hai quốc gia ở thủ đô hai bên, chúng ta đều phải cảm ơn nhau vì đã hỗ trợ nhau cùng thực hiện công việc này”. Tôi coi đây như là một cái duyên may trong cuộc đời làm ngoại giao của mình và thực sự trân trọng những ngày tháng này.

- Xin cảm ơn Đại sứ đã dành cho Chuyên đề An ninh Thế giới Giữa tháng - Cuối tháng cuộc trò chuyện rất cởi mở và thú vị này!

Trường Sơn (thực hiện)
.
.