He hé những chuyện sản xuất vaccine có một không hai của Việt Nam
"Tôi đóng quân ở một đơn vị có mật danh là K15 tại Quảng Nam. Khi tôi đến, cơ quan vừa mới chuyển nơi đóng quân do vị trí cũ bị máy bay Mỹ ném bom và rải chất độc hóa học. Nói là cơ quan nhưng chỉ là ngôi nhà lá tạm bợ giữa bốn bề rừng núi. Giữa chiến trường thiếu thốn và khắc nghiệt, tôi quyết tâm dựng phòng thí nghiệm…." - GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên, một trong những chuyên gia sản xuất vaccine hàng đầu của Việt Nam xúc động kể lại những ngày tháng điều chế vaccine ở một phòng thí nghiệm có một không hai, được dựng tạm giữa chiến trường khói lửa. Những câu chuyện bà kể giúp tôi hiểu rằng tại sao đến tận bây giờ, ở tuổi 81, bà vẫn lặng lẽ miệt mài gắn bó với "tình yêu vaccine" của mình đến thế.
- Phóng viên: Thưa bà, cơ duyên nào đã khiến những người như bà thực hiện công việc điều chế vaccine trong một hoàn cảnh đặc biệt đến như thế?
- Giáo sư Huỳnh Thị Phương Liên: (Nghĩ ngợi...) Chiến tranh mà! Khi tôi học năm cuối chuyên khoa Vi sinh ở Trường Đại học Y khoa Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đã nói với chúng tôi rằng, học chuyên khoa vi sinh thì khi vào chiến trường phải sản xuất được vaccine tả, thương hàn, đậu mùa. Thế nên năm 1965, chúng tôi tốt nghiệp đại học thì 1966 lên đường đi B. Cả lớp tôi có 45 người đi B, chỉ có 2 người thuộc chuyên khoa Vi sinh. Sau hai tháng rưỡi hành quân vượt Trường Sơn, tôi vào đến huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, chính thức bắt tay vào nhiệm vụ.
- Đấy chắc chắn là ký ức đáng nhớ của đời người?
- Những trải nghiệm tuổi trẻ ở chiến trường Khu 5 cho đến bây giờ vẫn sống động trong tâm trí tôi. Giữa chiến trường thiếu thốn và khắc nghiệt, tôi quyết tâm dựng phòng thí nghiệm. Đó là một căn phòng vuông vắn, rộng khoảng hơn 20m2, được dán lớp nilon trắng xung quanh, bên trên căng vải dù màu trắng. Bàn ghế bằng tre nứa cũng được bọc nilon trắng. Tự tôi thiết kế, bài trí căn phòng đó. Một góc tôi đặt lò hấp sấy khử khuẩn đun bằng bếp Hoàng Cầm. Góc kia tôi tủ ấm chạy bằng đèn dầu hoả tự tạo từ gỗ để nuôi cấy vi khuẩn. Nhiều anh chị em khen sao tôi lại có thể dựng được phòng thí nghiệm đẹp và khoa học đến thế.
Sau đó, nguyên liệu hoá chất phục vụ sản xuất vaccine từ ngoài Bắc đưa vào, tôi mất 10 ngày đi bộ tới điểm nhận, rồi mất 10 ngày nữa vận chuyển về đơn vị. Có phòng thí nghiệm, có hoá chất, có kính hiển vi, tôi bắt tay vào sản xuất ngay. Vaccine làm ra được đóng vào ống tiêm có dãn nhãn, đủ cung cấp cho đồng bào vùng ven Quảng Nam, Quãng Ngãi.
- Với một người con gái, sống và làm việc trong hoàn cảnh đó chắc chắn không đơn giản?
- Sau một thời gian ở chiến trường, sức khoẻ tôi rất yếu, nên được trở ra Hà Nội để chữa bệnh. Sau một thời gian, sức khoẻ ổn hơn, tôi học tiếng Anh tập trung ở Trường Cán bộ y tế và là một trong năm người được cử đi thực tập sinh ở Đức. Năm 1976 trở về trong niềm vui đất nước thống nhất, băn khoăn lớn nhất của tôi là nên trở vào Nam hay ở Hà Nội. Ba tôi nói: "Nếu con muốn làm cán bộ quản lý thì vào Nam. Còn muốn làm khoa học thì ở lại Hà Nội". Và tôi chọn ở lại Hà Nội để được làm khoa học ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
- Bà cũng chính là người đầu tiên ở Việt Nam sản xuất ra được vaccine xuất khẩu, phải không ạ?
- Chuyện bắt đầu thế này: Những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) gây kinh hoàng cho cả thế giới. Ở nước ta thời kì đó, chủ yếu trẻ em từ 1 đến 5 tuổi mắc bệnh. Bây giờ ngồi nói chuyện, nhớ về thời gian đó, tôi vẫn thấy ám ảnh. VNNB đã trở thành nỗi lo lắng, sợ hãi của các bà mẹ có con nhỏ. Ở Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, trẻ nhỏ mắc bệnh VNNB rất đông. Rất nhiều cháu bị di chứng ngớ ngẩn, liệt toàn thân. Nhìn những đứa trẻ bé tí đã phải tập phục hồi chức năng, thương tâm vô cùng.
Cho nên năm 1989 tôi và một đồng nghiệp được cử sang Nhật Bản một tháng để tiếp nhận công nghệ sản xuất vaccine VNNB thế hệ 1 và quy trình kiểm định chất lượng vaccine. Một tháng ngắn ngủi tưởng chỉ có thể cưỡi ngựa xem hoa, nhưng tôi quyết tâm tận dụng hết thời gian để tiếp nhận, ghi chép tỉ mỉ và không bỏ sót bất cứ điều gì. Sau một tháng chúng tôi mang được chủng virus và một số hoá chất thiết yếu về Việt Nam, nỗ lực ngày đêm để sản xuất vaccine dựa trên não chuột.
- Chỉ sau một tháng mà làm được nhiều điều như vậy ạ?
- Vậy nên các chuyên gia Nhật Bản đến Việt Nam đã vô cùng bất ngờ. Họ hỏi chúng tôi có trực đêm không, tôi liền mời họ đến phòng thí nghiệm vào buổi tối. Họ đến và thấy chúng tôi thức trắng đêm. Sở dĩ chúng tôi phải thức vì vào ban đêm tỉ lệ thu chuột liệt (chuột nhiễm virus) để lấy não khá cao, lên đến 70% trong khi ban ngày chỉ thu được 30%. Khi sản xuất ra được vaccine, chúng tôi đã gửi sang Nhật kiểm định. Thật bất ngờ vaccine được đánh giá chất lượng tốt. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rất ngạc nhiên khi thấy chúng tôi học công nghệ nhanh và làm được vaccine đạt yêu cầu. Nói thật là thời gian đó chẳng riêng gì Việt Nam, nhiều nước cũng sang Nhật Bản để học tập công nghệ sản xuất vaccine nhưng không phải nước nào cũng sản xuất được.
- Việc thử nghiệm lâm sàng vaccine thời kỳ đó có khác bây giờ nhiều không ạ?
- Năm 1992, Bộ Y tế cho phép chúng tôi thử nghiệm vaccine đúng vào đỉnh dịch VNNB ở Việt Nam. Lúc đó tôi rất lo lắng. Những cháu nào bị viêm não giai đoạn ủ bệnh mà tiêm thử nghiệm vaccine, chưa được đáp ứng kháng thể thì bệnh vẫn phát ra. Lúc đó rất có thể đi đến kết luận nguyên nhân phát bệnh là tại vaccine. Tuy vậy chúng tôi vẫn quyết định vượt qua thử thách.
Khâu tuyển chọn các em bé tham gia thử nghiệm ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh được tiến hành thận trọng. Có người đồng ý cho con tiêm thử để được bảo vệ. Nhưng cũng có người gay gắt, không hợp tác, cho rằng chúng tôi lấy con họ ra làm thí nghiệm. Cả nhóm phải giải thích, tuyên truyền, vận động. Cuối cũng chọn được 200 cháu tiêm thử nghiệm. Kết quả sau đó rất tốt, hiệu giá kháng thể trung hoà cao, đáp ứng kháng thể là 100%. Và phải đến lúc đó, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Và phải nói là niềm vui vỡ oà khi chúng ta đã tự sản xuất được vaccine.
Từ năm 1997, vaccine VNNB của chúng ta được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, góp phần làm giảm tỉ lệ mắc VNNB, giảm tỉ lệ chết và di chứng thần kinh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vui hơn nữa, có đến 5.430.000 liều vaccine do chúng tôi sản xuất đã xuất khẩu được sang Ấn Độ. Đây cũng là vaccine Việt Nam đầu tiên được xuất khẩu ra nước ngoài.
- Đã bao giờ người thân của bà cũng chính là những tình nguyện viên thử nghiệm vaccine không?
- Có chứ. Vaccine sởi khi nhập từ nước ngoài về cần phải thử trên người, xem đáp ứng kháng thể của trẻ em Việt Nam là bao nhiêu. Tôi đã cho con gái tôi khi đó đang học ở Trường Mầm non tham gia thử nghiệm.
- Lúc ấy chồng bà có nói gì không?
- Khi đó chồng tôi là bộ đội, thường xuyên xa nhà. Khi hai con còn nhỏ, ngày nghỉ tôi phải gửi con cho vợ chồng cậu em trai trông giúp. Có lần con tôi sốt cao và lên cơn co giật, khi người nhà đến cơ quan báo tin, tôi cuống cuồng về đưa con đi cấp cứu. Khi con đỡ hơn, tôi quay lại cơ quan làm việc. Từ năm 1987 tôi làm Trưởng khoa Virus, quản lý 11 phòng thí nghiệm nên càng thêm bận bịu. Cũng may là tôi ở ngay phố Lê Thánh Tông, rất gần cơ quan nên đi lại đỡ mất thời gian.
- Xin cảm ơn bà!
Đã vào phòng thí nghiệm, phải quên hết những chuyện bên ngoài "Tính tôi tỉ mỉ, kĩ càng. Lúc đi học hay khi nghiên cứu tôi đều ghi chép đầy đủ, khoa học. Điều đó giúp ích cho tôi rất nhiều trong công việc. Trong cả thời chiến và thời bình, việc nghiên cứu và sản xuất vaccine chưa bao giờ dễ dàng. Khâu nào cũng phải đảm bảo vô trùng tuyệt đối. Chỉ sơ sảy một chút là hỏng hết cả loạt vaccine. Khi vào phòng thí nghiệm là phải tập trung tư tưởng, quên hết những chuyện bên ngoài". GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên |