PGS – TS Trần Hữu Tá – Chủ tịch Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TP HCM:

Giáo dục là một khoa học, là một nghệ thuật

Thứ Ba, 24/03/2015, 23:15
PGS – TS Trần Hữu Tá chia sẻ, giáo dục là một nghệ thuật, đồng thời là một khoa học, người giáo viên phải luôn luôn nắm sát tâm lý tư tưởng của học trò, không được phép buông lơi để rồi có những biện pháp sư phạm thích hợp.

Gần muộn chiều, trong căn nhà tại con hẻm trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5, TP HCM, tôi may mắn được hầu chuyện Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Hữu Tá, một nhà sư phạm hàng đầu.

Mãi cho đến tàn buổi hầu chuyện, tôi vẫn không thể nào hình dung được rằng Phó Giáo sư lấy đâu ra nhiệt huyết cháy bỏng đến như vậy trong một cơ thể của người đã chạm ngưỡng tám mươi. Phải chăng, nhiệt huyết đó được hình thành từ tình yêu vô điều kiện đối với nghiệp trồng người mà Phó Giáo sư đã tự nguyện chọn từ hơn nửa thế kỷ trước.

Tôi nghĩ, người chọn nghề hay nghề chọn người, nào có quan trọng gì đâu, khi cá nhân thực hiện công việc bằng cái tâm ngay thẳng, bằng tài năng tu dưỡng của chính mình.

- Phóng viên: Thưa Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Hữu Tá, trước vụ việc nữ sinh bị đánh hội đồng vì không nghe theo lời lớp trưởng tại Trường THCS Lý Tự Trọng (tỉnh Trà Vinh), dư luận rộ lên chuyện có cần thiết việc duy trì vị trí lớp trưởng trong hệ thống giáo dục phổ thông của nước ta hay không? Quan điểm của Phó Giáo sư (PGS) ra sao?

- PGS. TS Trần Hữu Tá: Tôi cho rằng cần duy trì vì mấy tác dụng tốt. Thứ nhất, đấy là cầu nối của giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm với tập thể học sinh trong lớp. Lớp trưởng truyền đạt những gì giáo viên cần dặn cả lớp và ngược lại cũng báo cáo để giáo viên tiếp nhận những thông tin phản hồi của tập thể học sinh.

Thứ hai, đó là cách để rèn luyện cho các em năng lực tự quản. Cho nên cần lắm.

Nhưng mà, cách làm hiện nay có lẽ không ổn, giống như là cách sử dụng công chức làm cán bộ quản lý. Đã làm lãnh đạo thì làm suốt đời, chỉ có “lên” chứ không có “xuống” , cứ vậy cho đến khi về hưu.

- Thường thì sẽ như vậy, bạn này làm lớp trưởng thì cứ tuần tự nhi tiến. Lớp 6 làm lớp trưởng thì lớp 7 cũng làm lớp trưởng…

- Đúng, hoặc ít nhất là làm đủ một năm học. Trong khi đó, tại sao chúng ta không thử hình thức này. Chọn các em tốt hoặc tương đối tốt, thậm chí những em trung bình, một hoặc hai tháng luân phiên làm lớp trưởng một lần. Rồi giáo viên chủ nhiệm giúp đỡ, động viên, kèm cặp, gợi ý, bày vẽ kinh nghiệm thì tự nhiên học trò trở nên già dặn và cứng cáp hơn. Ban đầu thì các em có thể dở, nhưng sau đó sẽ khá. Ban đầu có thể vụng, nhưng sau đó sẽ khéo. Và như thế thì các em sẽ không có ý thức quyền lực, vì đâu có chuyện làm lãnh đạo suốt năm, không biến thành một thứ đẳng cấp khác. Lớp trưởng khi ấy sẽ hiểu được rằng mình chính là người thay mặt các bạn phụ giúp giáo viên chủ nhiệm quản lý, tổ chức lớp trong một thời gian nhất định, không dài.

Mà như thế thì ai cũng thấy vui, ai cũng có điều kiện rèn luyện, học hỏi để tốt lên bởi đều bình đẳng như nhau. Không biết điều tôi nói có đúng không?

- Thưa PGS, quan điểm cá nhân tôi cho rằng rất đúng. Tôi có chị bạn kể rằng, chị đã từng chứng kiến cảnh các bạn làm sao đỏ trong trường đã nhéo tai hay bạt tai những bạn học sinh khác vì lỗi vi phạm nào đó theo ý chủ quan. Và nếu thay đổi luân phiên, biết đâu chuyện không hay này sẽ kết thúc.

- Đúng. Nếu trong một hay hai tháng em nào đó làm chưa tốt nhiệm vụ lớp trưởng hay sao đỏ thì giáo viên chủ nhiệm sẽ bồi dưỡng, giúp đỡ. Nhưng nếu trong quãng thời gian ấy mà em học sinh này lại vi phạm vào các điều cơ bản thì giáo viên chủ nhiệm có thể thay ngay, không sao cả.

Thế thì 10 tháng học, lớp sẽ rèn được ít nhất là 5 học sinh có năng lực quản lý thay vì mình chỉ rèn được một học sinh và không sợ phát sinh những biểu hiện tiêu cực trong những em được giao nhiệm vụ, chỉ có điều nếu làm như vậy giáo viên chủ nhiệm sẽ vất vả thêm.

- Thưa PGS, nhân chuyện này, với tư cách là người làm giáo dục, ông nghĩ như thế nào về lá đơn xin từ chức của thầy Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng?

- Tôi cho đấy là một người tự trọng, đúng như tên trường. Trường Lý Tự Trọng có được một ông hiệu trưởng tự trọng. Trước hết vì đó là lỗi của thầy Hiệu trưởng. Làm lãnh đạo đứng đầu một trường mà chuyện lớn như thế xảy ra hơn 2 tháng sau mới biết chứng tỏ là ông ấy thiếu sâu sát tình hình. Tôi nghĩ, tình hình học sinh tốt - xấu như thế nào, hiệu trưởng nhất thiết phải nắm vững trong lòng bàn tay.

- Thưa PGS, nếu nhìn rộng ra xã hội thì cũng quá nhiều lãnh đạo các cấp không biết những chuyện mà ai cũng biết, cũng thấy.

- Đúng, đó là nỗi buồn lớn của nhân dân. Nhưng khi biết rồi thì phải tích cực sửa và cũng rất nên có văn hóa từ chức. Phẩm chất văn hóa này khiến cho người lãnh đạo có giá trị hơn trước mọi người. Ít ra thì người lãnh đạo chứng minh cho dư luận thấy rằng mình không phải là người cố đấm ăn xôi, cứ khư khư giữ chặt chiếc ghế của mình. Và đó cũng là bài học để người kế nhiệm phải biết lo, nhằm cố gắng làm cho tốt hơn.

- Thưa PGS, lấy việc kỷ luật những em học sinh đánh nhau ra mà luận, thì chúng ta có cách nào giải quyết khác ngoài chuyện đuổi học các em một tháng không? Bởi tôi cho rằng, đuổi học học sinh vi phạm kỷ luật là cách giải quyết đơn giản và tiêu cực nhất?

- Chắc là chúng ta ai cũng nhớ hai câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Chính vì vậy, mỗi khi dùng biện pháp mạnh với học sinh phạm khuyết điểm, những người có trách nhiệm nên cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Theo tôi, trường hợp này không nên đuổi học học sinh. Học sinh nghỉ 1 tháng là hẫng, là mất đà. Những em học sinh cá biệt vốn học kém nay nghỉ nhiều như thế, mất hàng trăm tiết học lại càng kém hơn. Đã bất cần đời thì lại càng ngang ngược hơn. Không may, nhóm học sinh này mà gia nhập vào băng nhóm xã hội đen nào đấy thì không còn cơ hội để cứu vãn được nữa.

Thế nên, tôi nghĩ vẫn phải kỷ luật và ghi rõ vào trong học bạ nguyên nhân kỷ luật. Sau đó, ban giám hiệu, giáo viên theo sát và nếu như suốt thời gian còn lại của năm học các em không vi phạm thì chúng ta xóa lỗi ấy đi. Đi đôi với hình thức này là bảo ban, khuyên nhủ các em. Cho các em nhận khuyết điểm trước lớp, trước trường, phân tích hành vi của các em là sai. Rồi gia đình và nhà trường phải trao đổi thường xuyên, phối hợp để giúp đỡ các em có thể vượt qua được lỗi lầm này. Còn nếu đuổi học ư? Ngay cả một ngày cũng không nên đuổi.

Còn như sau khi thực hiện các biện pháp ấy rồi mà các em vẫn tiếp tục vi phạm thì phải có biện pháp khác, cương quyết hơn, mạnh mẽ hơn theo đúng quy định của pháp luật.

- Có khi nào việc lớp trưởng được gần gũi với thầy cô hơn những bạn học sinh khác, được thầy cô tin hơn các bạn học sinh khác nên mới nảy sinh ra chuyện “quyền lực” của lớp trưởng hay không, thưa PGS?

- Tôi nghĩ, ở đây có mấy nguyên nhân. Trước hết vì giáo viên bận quá không thể quán xuyến hết. Lại nữa, đời sống của giáo viên hiện nay vất vả quá, cho nên họ phân tâm và phân lực. Nguyên nhân cơ bản là không ít giáo viên chưa thật am tường “hồn cốt” của giáo dục. Giáo dục là một nghệ thuật, đồng thời là một khoa học, người giáo viên phải luôn luôn nắm sát tâm lý tư tưởng của học trò, không được phép buông lơi để rồi có những biện pháp sư phạm thích hợp. Đừng bao giờ để các em thấy rằng chưa được thầy cô tin nên bị theo dõi, nhưng phải làm sao nắm bắt được từng động thái tích cực hay tiêu cực của học trò. Để rồi từ đó, người giáo viên có thể góp ý cho học sinh, tùy theo tính cách và vị trí mà học sinh đang được giao. Nhiều khi người giáo viên chỉ cần nhắc một câu, hai câu học sinh sẽ trở nên phấn chấn hơn, hiểu biết hơn và vỡ ra được nhiều điều. Nắm vững những yêu cầu cơ bản của khoa học tâm lý, khoa học giáo dục, hiểu thấu đáo tình cảnh, cá tính và hoàn cảnh sống của học sinh để có những biện pháp thấu tình đạt lý tác động đến học sinh, nhất là những em yếu kém hoặc có hoàn cảnh đặt biệt. Đó là yêu cầu mang tính nguyên tắc đối với giáo viên.

- Nhân việc PGS nhắc đến ý đời sống giáo viên hiện nay vất vả nên họ phân tâm và phân lực. Đặc biệt là những giáo viên dạy các môn xã hội, thì những nhà giáo ấy sẽ sống ra sao với mức lương hiện tại, thưa ông?

- Chúng ta lại quay về chuyện cực kỳ đau đầu. Tôi đã có dịp trò chuyện với một vị lãnh đạo cao cấp của ngành cách đây 5 năm, lúc chia tay vị lãnh đạo có nói: “Buổi nói chuyện hôm nay, đối với em rất có ích. Thú thật với thầy (ông khiêm tốn nên xưng hô như vậy, chứ tôi có giúp ông được buổi học nào đâu) là em chỉ dự tính đến chúc Tết thầy 15 phút vì cả thầy và em đều bận. Nhưng không ngờ thầy trò mình đã trò chuyện đến 1 giờ 45 phút”. Dài như thế vì suốt buổi trò chuyện chúng tôi chỉ bàn về những vấn đề nóng của giáo dục. Mà một trong những vấn đề nóng nhất là cuộc sống của giáo viên, nhất là chuyện lương bổng. Nhiều người đã viết chuyện này, tôi viết cũng không ít. Thế nhưng, viết mãi mà không thay đổi được gì. Nghĩ cũng nản, tính đã không viết nữa, nhưng vẫn phải viết, phải nói, phải đề đạt, mỗi khi có dịp thuận tiện, “mưa dầm thấm lâu” mà.

Tôi nghĩ, phải làm sao để giáo viên bớt được khó khăn. Họ phải thấy được triển vọng phát triển về mặt chuyên môn. Không cần ở đâu xa, hãy nhìn sang nền giáo dục của Malaysia. Cứ 4 năm một lần, giáo viên nước này lại được cho nghỉ hưởng lương một năm để họ có thể tự học hoặc đăng ký một khóa học ở học viện hay đại học để nâng cao chuyên môn. Sau đó, họ phải báo cáo với lãnh đạo trường, lãnh đạo Sở họ đã học được gì trong một năm ấy. Thấy giáo viên nước bạn được đãi ngộ như vậy, tôi phục họ quá và thèm quá. Cái này, có khi còn quan trọng hơn cả tiền vì người giáo viên thấy họ được lớn lên, nâng cấp, trưởng thành về nhận thức, đặc biệt về khoa học giáo dục và về lĩnh vực chuyên môn đang giảng dạy.

Đến chuyện lương bổng, hiện nay thì mức lương của nhà giáo không thể nào đủ sống. Cho nên để tạm sống được, họ buộc phải tháo gỡ. Mà còn có cách xoay sở nào khác ngoài chuyện dạy thêm. Tất nhiên, có những giáo viên dạy thêm xây được nhà cao cửa rộng, cuộc sống dư dật. Nhưng số này rất ít. Còn lại, họ chỉ đủ sống là may. Thế cho nên vấn đề bây giờ là phải nghĩ lại chuyện lương cho giáo viên, cũng như công nhiên viên, bác sĩ ngành y.

Mà không chỉ có chuyện lương bổng không đâu, ngay cả chuyện đối xử với người giáo viên hiện tại có trường hợp cũng thiếu tế nhị, thiếu văn hóa.

Tôi kể anh nghe chuyện này, nhiều học trò cũ của tôi ở các tỉnh đến thăm tôi rồi bảo: “Tết vừa rồi chúng em được thưởng 10kg gạo”, “Tết vừa rồi chúng em được thưởng 1 gói bột ngọt”, “Tết vừa rồi chúng em được thưởng 100 ngàn, 200 ngàn”…

Tôi hỏi anh, ngày Tết, tâm trạng anh sẽ như thế nào nếu anh về đưa cho vợ 100 ngàn, một ít gạo hay một gói bột ngọt. Ít ra thì anh cũng phải biếu bố mẹ được hộp thuốc bổ, mua cho con bộ đồ mới hay soạn mâm cơm tươm tất đặt trên bàn thờ.

Tết đến công chức các ngành ai cũng được thưởng, người ta gọi là tháng lương thứ 13. Vậy mà, giáo viên Tết có được những gì? Một nhà quản lý giáo dục đầu ngành trả lời Báo Phụ nữ đầu năm 2014 đại ý: “Chế độ thưởng Tết cho giáo viên ngay cơ quan Bộ cũng không có, ngoài lương không có gì cả”. Tất nhiên đất nước còn khó khăn mà nhiều ngành nghề phải quan tâm, nhưng với những người làm công việc trồng người như xã hội vẫn nói cần được chú ý hơn.

Tôi tin vị đó nói thật, nhưng nhiều người biết, Tết của hầu hết các quan chức giáo dục các cấp cũng như quan chức các ngành khác đều rất “khá”. Do đâu mà có thực tế ấy, tôi không rõ. Nhưng nếu định tìm cho ra, chắc không khó.

Chỉ buồn là chúng ta chưa làm được nhiều cho giáo viên nghèo chăng? Hệ quả thật đáng báo động, ngày thường vất vả cơ cực đã đành nhưng giáo viên ngày Tết cũng không lo được cho bản thân và gia đình trong khi nhà nhà rộn ràng sắm sửa thì làm sao mà họ yêu nghề được.

Thêm nữa, tại sao giáo viên trong mấy chục năm hành nghề lại không được thực hiện chế độ luân chuyển như ở các nước khác. Tại sao chúng ta không làm như ngày trước: “Anh ra trường, anh có quyền chọn nơi công tác theo thứ tự thủ khoa, á khoa… Chắc chắn, họ sẽ chọn nơi tốt. Nhưng, anh đừng nghĩ rằng anh được chọn nơi tốt là sẽ ở lại được nơi ấy mãi. Anh ở nơi tốt, nơi phố thị 3 hay 4 năm tôi sẽ đưa anh lên vùng cao. Và những giáo viên phục vụ nơi vùng cao 3 hay 4 năm sẽ được chuyển về thành thị, về quê hương”. Phải luân phiên thì người giáo viên mới thấy được sự đối xử công bằng của nhà nước, họ cũng sẽ cảm nhận tương lai của bản thân không mịt mù hay tăm tối gì cả. Tất nhiên, tổ chức ngành sẽ rất hoan nghênh nếu thầy cô tự nguyện định cư lâu dài ở vùng cao, vùng sâu.

- Chắc PSG nhớ cách đây chưa lâu, những người ở cơ quan chức năng đùng đùng xông vào nhà giáo viên để lập biên bản bắt quả tang dạy thêm, tại sao lại có chuyện đau lòng như thế, thưa ông?

- Không được, tuyệt đối không thể hành xử với giáo viên như vậy. Điều này hoàn toàn trái với Điều 46 Bộ Luật Dân sự năm 2005 cũng như Điều 43 Bộ dự luật Dân sự 2015 sắp được thông qua. Anh nghĩ xem, làm sao có thể đối xử với giáo viên như với kẻ gian như vậy. Điều này làm cho giáo viên đau đớn, chua xót biết bao nhiêu. Có khi, họ bị chấn thương tinh thần đấy. Thật đấy, chứ không phải nói cho to chuyện đâu.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Hữu Tá trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng. Ảnh trong bài: Minh Kiệt

- Thưa PGS, ngay cả chuyện điều chuyển công tác của giáo viên hiện tại cũng xuất hiện nhiều tiêu cực? Nói không ngoa, có cả hối lộ bằng tình để được điều chuyển về nơi tốt hơn.

- Tôi xin nhắc lại chuyện ban nãy. Vấn đề cần giải quyết rốt ráo hiện nay liên quan đến giáo viên có 4 điều. Thứ nhất, lương; thứ hai, thưởng Tết; thứ ba, cơ hội phát triển nghề nghiệp; thứ tư, chuyện luân chuyển công tác.

Còn điều anh nói không phải là chưa xảy ra, báo chí cũng đã phê phán. Vấn đề là chúng ta phải mạnh dạn loại bỏ những cá nhân không có phẩm chất của một nhà mô phạm ra khỏi đội ngũ nhà giáo. Thời chiến tranh chúng ta có khẩu hiệu: “Ra ngõ gặp anh hùng”, khẩu hiệu ấy đã động viên toàn dân, nhất là thế hệ trẻ để mọi người có thêm động lực phấn đấu. Bây giờ, điều chúng ta muốn là: “Ra ngõ gặp người tử tế”. Có thế, xã hội ta mới lành mạnh, trong sạch. Mức GDP đầu người có tăng lên 20 hay 30  nghìn USD/năm mà phẩm giá, nhân cách bị băng hoại thì sung sướng nỗi gì.

Tôi kể thêm chuyện này, 20 năm trước tôi cùng đoàn các thầy cô đi Lào Cai. Một đêm nghỉ ở Si Ma Cai, một vùng heo hút. Chúng tôi thấy một cô gái trẻ đang đốt lửa ở sân trường bên cạnh nhà khách của huyện, vừa đốt cô vừa khóc. Hỏi chuyện thì biết đó là một cô giáo. Anh có thể hình dung cô ấy đốt gì không? Cô ấy đốt thiệp cưới. Cô với một thầy giáo yêu nhau, họ cùng dạy trên miền cao này. Họ tính đến chuyện kết hôn, thiệp mời đã in. Ngờ đâu, chồng chưa cưới của cô may mắn được chuyển về xuôi. Vậy là gia đình của thầy xét lại mối quan hệ, ra sức ngăn cản vì chồng thủ đô, vợ Lào Cai thì cuộc sống sẽ làm sao? Hai người chia tay, lễ cưới bị hủy…

Đêm ấy, cô giáo vừa đốt thiệp hồng vừa khóc. Chúng tôi lặng im, đớn đau và bất lực. Nếu chúng ta thuyên chuyển giáo viên theo hạn kỳ và công bằng thì chuyện này đã không xảy ra, có phải vậy không?

- Thưa PGS, theo quan điểm cá nhân tôi cho rằng giáo dục là mặt trận hàng đầu để phát triển một quốc gia. Cho nên người làm công tác giáo dục hoàn toàn có quyền thụ hưởng những đặc quyền riêng? Tất nhiên chúng ta không đánh giá thấp bất cứ một lĩnh vực nào cả. PGS có nghĩ rằng chúng ta cần có một cơ chế riêng cho giáo dục?

- Không cần, vì nước mình hiện tại còn có rất nhiều ngành cần một sự hy sinh tận tụy đặc biệt. Tôi lấy ví dụ, công an, biên phòng có đặc biệt không? Các chiến sĩ hải quân ngoài đảo xa có đặc biệt không? Đặc biệt quá đi chứ. Nên hãy đối xử công bằng với tất cả, trong đó xin đừng quên giáo viên.

- Nhưng thưa PGS, nếu nói theo nghĩa công bằng thì hiện tại giáo viên đang được trả lương theo đúng quy định của Nhà nước?

- Tôi xin thưa, đúng là giáo viên đang được hưởng lương theo chế độ công chức của Nhà nước. Nhưng đó là công chức thứ cấp.

Người giáo viên, nói rộng ra là ngành giáo dục phải được tôn trọng không chỉ bằng những lời tôn vinh hoa mỹ nhân ngày 20-11 mà chính bằng chế độ lương bổng công bằng, bằng chế độ thưởng Tết công bằng, bằng sự luân chuyển công tác công bằng và thường xuyên được đi học để nâng cao trình độ công bằng.

- Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo cứ tuyên bố không có tiền thì chúng ta sẽ công bằng như thế nào, thưa ông?

- Không, cái đó thì không chỉ Bộ giải quyết được đâu. Đó là chuyện vĩ mô, phải do Chính phủ giải quyết. Còn nếu như vin lý do tại bây giờ giáo viên đông quá không thể đãi ngộ cao hơn thì tôi đề nghị thế này, hay là chúng ta cho thôi việc 1/2 số giáo viên, đóng cửa 1/2 số trường các cấp, cả phổ thông và đại học để có tiền tập trung phát triển 1/2 số còn lại, chúng ta có dám làm như thế không? Có làm được không? Chắc chắn, phản ứng của dân sẽ hết sức dữ dội.

Ai cũng biết là con cái lên 3 thì vào mầm non, lên 6 phải được học tiểu học. Đó là chuyện tất yếu. Đã rất cần thì phải cùng xắn tay để lo cho thế hệ tương lai một cách tốt nhất chứ. Vậy thì, muốn con anh tốt, muốn cháu anh tốt thì anh phải công bằng, phải đãi ngộ giáo viên chứ. Không đãi ngộ công bằng mà chỉ một mực yêu cầu giáo viên phục vụ cho tốt thì vô lý quá. Còn kiếm đâu ra tiền, đó là nhiệm vụ của lãnh đạo cấp vĩ mô.

- Tuy nhiên, điều buồn là cứ nhắc đến học phí nhằm có thêm tiền bổ sung cho giáo dục thì dư luận lại phản đối, thưa PGS? Giáo dục không thể được xem như từ thiện,  phải không ạ?

- Hãy hiểu như thế này, học phí cũng như viện phí vậy. Tất yếu phải nâng lên chứ không thể cứ giữ mãi như mức cũ được, một cái mức rất tượng trưng. Nhưng, chúng ta phải cân nhắc đến chuyện lương bổng, thu nhập hiện nay của nhiều bậc phụ huynh còn thấp cho nên nâng dần dần từng giai đoạn. Cứ như chuyện tăng giá điện hay tăng giá xăng vậy, phải từng chút một sao cho hợp tình, hợp lý.

- Lại chuyện dư luận, thưa PGS. Tôi có cảm giác dư luận hiện tại cũng đang có cái nhìn nghiệt ngã quá mức đối với người giáo viên. Lấy vụ nữ sinh bị đánh tại Trường THCS Lý Tự Trọng mà suy ra. Thay vì đặt vấn đề gia đình ở đâu khi con em hành xử như vậy, thì rất nhanh chóng, dư luận lại đổ hết trách nhiệm sang cho người giáo viên. Tôi vẫn nghĩ, gia đình là cội rễ của cá nhân, là tế bào gốc của xã hội.

- Có lẽ, nên nói vấn đề như thế này cho thỏa đáng hơn: Để giáo dục thế hệ trẻ thì theo tôi có hai bộ phận quan trọng như nhau, đó là nhà trường và gia đình. Hai bộ phận đều hết sức quan trọng. Tôi nói như vậy không phải là ba phải đâu, nhà trường chỉ chiếm 1/3 thời gian của các cháu, tức là 8 tiếng, có vẻ ít. Nhưng 8 tiếng ấy chính là 8 tiếng tập trung, chất lượng, 8 tiếng để học hành, để làm người.

Cũng nên thông cảm với phụ huynh học sinh, vì việc kiếm sống cũng nhiều cơ cực lắm. Hơn nữa, đâu phải phụ huynh học sinh nào cũng có đủ khả năng hiểu biết về tâm lý, về sư phạm, về nghệ thuật giáo dục như các thầy các cô. Tất nhiên, họ đã là bố là mẹ thì khi không biết, họ phải học hỏi. Ai dạy họ, sách vở dạy họ và xã hội dạy họ.

Thế nên tôi cho rằng, việc bồi dưỡng kiến thức về sư phạm, về tâm lý lứa tuổi, tâm lý gia đình cho phụ huynh học sinh là điều rất cần. Đáng tiếc là chúng ta lại chưa bao giờ làm được điều này.

- Thưa PGS, ông sẽ kiến nghị gì với Bộ Giáo dục và Đào tạo ở thời điểm này?

- Tôi năm nay 79 tuổi rồi, không biết có được như thầy Trần Văn Giàu hay ít lâu nữa sẽ xuất hiện cáo phó trên báo. Tôi đi dạy được tổng cộng 57 năm, cho đến giờ vẫn hướng dẫn các nghiên cứu sinh, vẫn viết sách, viết báo và nói chuyện với đồng nghiệp ở phổ thông, cao đẳng và đại học. Nếu cho tôi chọn lại, tôi vẫn chọn nghề dạy học, dù biết sẽ tiếp tục cuộc sống thanh bạch.

Xin nhắc lại, tôi rất muốn đội ngũ quản lý giáo dục được nâng cấp, kiện toàn, để làm sao từ người đứng đầu ngành cho đến người đứng đầu các địa phương thật sự xứng đáng với trọng trách mà họ được giao phó.

Thứ hai, trong công cuộc đổi mới giáo dục toàn diện và triệt để này thì không nên quá chú ý vào chương trình sách giáo khoa hay cải cách thi cử. Cái đó cũng quan trọng nhưng nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu vẫn là nâng cấp đội ngũ giáo viên. Kể cả những người đang đứng trên bục giảng và những bạn trẻ đang ngồi ở giảng đường các trường sư phạm.

Thứ ba, quan tâm cải thiện đời sống giáo viên hơn nữa, cả về vật chất lẫn tinh thần. Những điều này, tôi đã đề đạt ở trên.

Đó là những nguyện vọng tha thiết của tôi.

- Xin cảm ơn Phó Giáo sư về buổi trò chuyện này. Kính chúc ông luôn mạnh khỏe.

Ngô Kinh Luân (thực hiện)
.
.