Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Chúng ta sẽ phải rút ra nhiều bài học

Thứ Hai, 27/04/2020, 11:55
Cuộc khủng hoảng kinh tế 2020 vì đại dịch COVID-19 là một trong 3 cuộc khủng hoảng lớn nhất lịch sử kinh tế nhân loại. Cuộc khủng hoảng này đặt nhân loại đứng trước những câu hỏi mới trong việc xây dựng những mối tương tác kinh tế trong thời đại toàn cầu hóa...

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên tổ tư vấn kinh tế dưới các đời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, phân tích về 3 cuộc khủng hoảng này, cũng như những bài học mà kinh tế Việt Nam có thể rút ra sau khủng hoảng.

Khi kinh tế thế giới vỡ cả cung lẫn cầu

- Nhà báo Phan Đăng: Những chiếc máy bay “đắp chiếu” ở các sân bay, đó là một hình ảnh ám ảnh tôi vô cùng, thưa chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Với tôi, những hình ảnh ấy tiêu biểu cho một nền kinh tế chết, một nhân loại bất lực trước sức tàn phá khủng khiếp của đại dịch. Không biết bà thấy sao?

- Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Đấy đúng là hình ảnh tiêu biểu cho hoạt động kinh tế toàn thế giới. Một thế giới toàn cầu hóa khiến nhịp độ vận chuyển và sự đi lại tăng lên khủng khiếp. Ước tính năm 2017, khoảng 4 tỷ người đi qua đi lại với nhau giữa các nước.

Năm 2019, con số này là gần 5 tỷ. Bây giờ đùng một cái, hàng không chết, hàng hải chết, đường bộ, đường sắt cũng liêu xiêu. Chưa bao giờ các công ty, doanh nghiệp phá sản nhiều như lúc này. Chưa bao giờ con người thất nghiệp nhiều như lúc này. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ khủng hoảng kinh tế mà sự tồi tệ của nó được nhiều chuyên gia quốc tế dự báo có lẽ cũng ngang ngửa, thậm chí là còn ghê gớm hơn so với cuộc khủng hoảng 1930.

- Cuộc khủng hoảng 1930, một cách ngắn gọn nhất, bà có thể nói gì về nó?

- Nó là lúc mà công nghiệp hóa đẩy sản xuất lên, khiến hàng hóa dư thừa quá nhiều. Nhưng, người ta lại không phân bố sự dư thừa đó cho những nơi thiếu, nên hàng hóa bị ứ đọng, khiến nhiều nhà máy, nông trại phải đóng cửa, hàng chục triệu công nhân, nông dân mất việc làm, mất thu nhập, kéo cả sản xuất, thị trường và các nền kinh tế sụt giảm mạnh. Cách tổ chức thị trường hồi đó tạo nên cuộc “khủng hoảng thừa” và sự thiếu vắng rất nhiều định chế cần thiết ở từng nước cũng như trên toàn cầu khiến khủng hoảng kéo dài suốt từ năm 1929 tới 1933.  

- Bối cảnh của cuộc khủng hoảng 1930 và bối cảnh thế giới của năm 2020 khác nhau một trời một vực, đúng không ạ?

- Đúng thế! Cuộc khủng hoảng 1930 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đã quốc tế hóa nhưng chưa toàn cầu hóa, quy mô kinh tế và thương mại thế giới nhỏ hơn bây giờ nhiều, nên tác hại dù vô cùng to lớn nhưng dung lượng, phạm vi và quy mô tác hại khó sánh với lần này.

Ngày nay, nhiều chuyên gia, nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới nói rằng toàn cầu hóa thậm chí bị đẩy đến mức cực đoan, khi mà người ta chạy theo lợi nhuận tối đa bằng cách dồn một số khâu trong khu vực sản xuất công nghiệp sang một số quốc gia lao động giá rẻ như Trung Quốc. Cho nên, khi ở Trung Quốc xảy ra dịch bệnh, các nhà máy đóng cửa thì nền kinh tế toàn cầu gặp khó ngay.

Và đến lúc này, các nước mới hiểu rằng hoạt động kinh tế của mình lệ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ Trung Quốc cũng như cầu của thị trường rộng lớn này. Và sau đó, khi dịch bệnh lan ra khắp nơi thì mọi mặt trái của chuyện quá phụ thuộc vào nhau càng thấy rõ hơn.

Bây giờ nước nào cũng phụ thuộc và chịu tác động của nước khác, dù anh có hội nhập, tham gia các tổ chức này, tổ chức khác hay không. Nói tóm lại là chúng ta đã tạo nên một khái niệm rất đẹp đẽ trong kinh tế, đó là chuỗi giá trị toàn cầu, để rồi bây giờ, khi đứt ở một khâu thì cả chuỗi bị trục trặc, gián đoạn hết.

Một sự khác biệt rất đáng kể nữa giữa 1930 và 2020 nằm ở vai trò của giới tài chính. Năm 1930, chế độ bản vị vàng bị quy tội như “chất truyền dẫn” khủng hoảng giữa các quốc gia. Ngày nay, ai cũng thấy giới tài chính quyết định ghê gớm tới sự phát triển của các ngành, các quốc gia và các mạng lưới toàn cầu. Thậm chí, có người bảo quyền lực bây giờ nằm trong tay giới tài chính, cụ thể là các công ty tài chính, các ngân hàng, quỹ đầu tư và một số nhà tài phiệt, các đại gia. Từ đó chi phối đến cả hệ thống chính trị quốc tế, chi phối xu hướng của toàn cầu hóa, khiến người ta phải liên tục “tự do hóa” các loại thị trường, mở cửa thêm cái này, thúc đẩy thêm cái khác. Các định chế được lập ra tưởng như sẽ kiểm soát được cả hệ thống kinh tế khổng lồ nhưng rút cục đã bất lực trước con virus nhỏ xíu!

- Những năm 20, 30 của thế kỷ trước, các nước có nền công nghiệp phát triển cũng đã khai thác tự nhiên, khai thác thuộc địa để xây dựng nền kinh tế thực dân. Nhưng, có lẽ mức độ “đánh” vào tự nhiên thời ấy chưa khủng khiếp như bây giờ. Và đấy cũng là một khác biệt đáng kể tiếp theo?

- Sau Thế chiến thứ 2 (1945) thì trào lưu công nghiệp hóa dâng lên rất mạnh mẽ, không chỉ ở những nước công nghiệp cao mà cả ở những nước đang phát triển. Trào lưu này cuốn theo nó quá trình khai thác, tàn phá thiên nhiên một cách quá đà. Vào năm 1993, con người bắt đầu tỉnh ngộ và đã từng đưa ra một công ước chung về bảo vệ môi trường tại Hội nghị Rio de Janero. Nhưng, từ bấy đến nay, nhiều nền kinh tế không tham gia vào công ước.

Những quốc gia sử dụng tài nguyên thiên nhiên nhiều nhất và xả thải nhiều nhất vào môi trường tự nhiên như Mỹ, Trung Quốc đều không tham gia. Mãi sau này, nhiều sức ép buộc Mỹ và Trung Quốc tham gia, đấy là nước Mỹ thời Tổng thống Obama nhưng đến thời Tổng thống Donald Trump thì Mỹ lại rút. Và ngay cả các nước có tham gia công ước cũng không phải đều thực hiện nghiêm túc.

Những bước tiến trong bảo vệ hay cải thiện môi trường tự nhiên luôn luôn nhỏ, kém xa mức tăng trưởng kinh tế, thương mại của hầu hết các quốc gia cũng như của toàn cầu. Những điều đó làm khí hậu và môi trường thiên nhiên xấu đi quá nhiều. Dịch cúm lần này, cũng như dịch cúm hay các dịch bệnh trước đó đều là một chuỗi những biểu hiện trong bối cảnh con người đã tàn phá môi trường quá đáng, đã để lòng tham vượt lên trách nhiệm bảo vệ trái đất - “ngôi nhà chung” không chỉ của loài người mà còn của muôn loài khác.

Các nhà nghiên cứu nói rằng, có những con virus vốn sống trong động vật hoang dã, tồn tại trong rừng, lẽ ra nó không làm hại đời sống con người nhưng khi chúng ta biến các động vật hoang dã thành những món ăn trên bàn nhậu, rồi không ngừng phá rừng, hủy hoại môi trường tự nhiên thì những con virus đó đã xen vào cuộc sống của loài người và đẩy con người vào thảm họa.

- Bà đã chỉ ra 3 khác biệt giữa cuộc khủng hoảng 2020 và 1930,  đó là mặt trái của toàn cầu hóa, vai trò tăng lên của giới tài chính và các cấp độ khai thác, tận diệt tự nhiên. Vậy thì trong góc độ kinh tế thuần túy, con người sẽ phải rút ra bài học nào đây?

- Khi chúng ta thấy mặt trái của toàn cầu hóa thì chúng ta phải tổ chức lại nền kinh tế sao cho bớt phụ thuộc quá nhiều vào nhau và cùng nhau phát triển một cách cân bằng, có trách nhiệm hơn. Tất nhiên, phát triển kinh tế-xã hội, hợp tác kinh tế,  trao đổi hàng hóa vẫn là cần thiết, để làm sao có thể tăng hiệu quả, phát huy được lợi thế của các quốc gia trong các liên kết toàn cầu và tạo cơ hội cho các nước thu nhập thấp hơn vươn lên. Thị trường tài chính phải được tổ chức lại để khắc phục sự lũng đoạn của các ông lớn và giúp cho nền “kinh tế thực” phát triển lành mạnh hơn. Và môi trường phải được bảo vệ, con người phải bớt tham lam đi để phát triển thật sự bền vững.

- Bây giờ thì chúng ta sẽ nói đến cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Là một nhà nghiên cứu kinh tế lâu năm, bà so sánh cuộc khủng hoảng 2008 với 2020 như thế nào?

- Cuộc khủng hoảng 2008 chủ yếu là khủng hoảng tài chính, nổ ra đầu tiên ở Mỹ và từ tình trạng cho vay quá mức để đầu tư quá mức vào bất động sản. Khi bong bóng bất động sản vỡ, tài sản bất động sản có giá trị ảo quá lớn, không bán được thì số nợ quá lớn khiến người vay không trả nổi, người cho vay cũng chết theo. Rồi thiên hạ giật mình khi thấy trong nhiều lĩnh vực khác, thị trường tài chính cũng tạo nên những tài sản ảo với giá trị tính bằng tiền được thổi lên cao hơn nhiều so với giá trị thực. Từ đó tạo nên khủng hoảng, kinh tế ảo bung bét, kinh tế thực liêu xiêu.

Bây giờ nhìn lại mới thấy thời điểm ấy có một cái may là thế giới vẫn có những tổ chức toàn cầu cỡ lớn thể hiện rõ vai trò của mình như Ngân hàng Thế giới (WB), IMF hay ngân hàng phát triển từng khu vực... Lúc đó, những tổ chức này cùng chính phủ nhiều nước sát cánh với nhau để cùng nhau bàn bạc các giải pháp tháo gỡ khủng hoảng. Nền kinh tế lớn nhất là Mỹ cũng thấy được vấn đề, rút ra bài học và nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc chung tay giải quyết vấn nạn chung.

Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng khác biệt lớn nhất so với bây giờ là năm 2008 thế giới có người lãnh đạo, còn bây giờ thì không. Các tổ chức kinh tế quốc tế bây giờ cũng khó làm gì được nhiều khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đang tranh đua hơn là hợp tác với nhau. Đã thế, nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump luôn đặt khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết”, tức là họ sẵn sàng từ bỏ vai trò “anh cả” và trách nhiệm của mình với thế giới trong nhiều lĩnh vực.

- Nhiều nhà nghiên cứu nói rằng, các chính phủ đã phải bơm tiền để cứu cuộc khủng hoảng 2008; bây giờ thì các chính phủ cũng bơm tiền để cứu nền kinh tế nước mình nhưng như vậy e cũng không xong. Bà đồng ý không?

- Rất đồng ý! Bởi khủng hoảng lần này diễn ra ở cả 2 phương diện: cung - cầu và đó là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử. Thông thường, khi khủng hoảng thì người ta sẽ bơm tiền kích cầu, để kích thích khả năng đầu tư, mua sắm, tạo thêm việc làm... Nhưng, bây giờ thì cả cung và cầu đều sụt giảm quá nặng nề. Mỹ và nhiều nước đang ở mức kỷ lục về số lượng người thất nghiệp. Khi tình trạng thất nghiệp tăng cao thì người dân không có thu nhập, “cầu” tiêu dùng của họ tất nhiên sẽ giảm đi. Rồi hàng loạt công ty đóng cửa, phá sản do chuỗi cung ứng họ tham gia bị đứt gãy, khiến cả cung lẫn cầu đầu tư cho sản xuất, kinh doanh cũng giảm luôn.

Bà Georgieva, Tổng Giám đốc IMF đã nói: “Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng rất đặc biệt... COVID-19 đã phá vỡ trật tự kinh tế và xã hội của chúng ta với tốc độ nhanh như chớp và ở quy mô chưa từng thấy trong lịch sử. Virus Corona đang gây ra sự mất mát bi thảm về mạng sống và việc phong tỏa để chống lại đại dịch đã ảnh hưởng đến hàng tỷ người”.

Khi mà trật tự kinh tế thế giới bị phá vỡ và hàng tỷ người bị tác động thì mọi nền kinh tế phải điều chỉnh rất nhiều thứ chứ không chỉ bơm tiền là xong.

- Để cứu vãn tình trạng khủng hoảng cả cung lẫn cầu, nước Mỹ và một số nước ở châu Âu hiện đang tính các phương án mở cửa trở lại, theo từng bước. Nhưng, WHO thì cảnh báo không loại trừ khả năng điều này sẽ khiến các nước phải trả giá.

- Các nước công nghiệp cao đang nghiên cứu vắc-xin nhưng người ta tính rằng để vắc-xin có thể sử dụng, tiêm chủng rộng rãi thì cũng phải mất khoảng 1,5 đến 2 năm nữa. Nhiều nhà kinh tế dự đoán lúc ấy nền kinh tế mới có cơ hội trở lại trạng thái bình thường nhưng là “bình thường mới”, chứ không phải là bình thường như cũ.

Thành thử, bây giờ với bất cứ nhà lãnh đạo quốc gia hay doanh nghiệp, bất cứ hoạt động kinh tế nào cũng đang phải nghĩ đến chuyện: cái “bình thường mới” của mình nó sẽ là cái gì. Nói cách khác, cách đây khoảng 1-2 năm, nếu mình hoạch định một kế hoạch hay chiến lược phát triển cho khoảng 5-10 năm tới thì theo tôi bây giờ kế hoạch, chiến lược ấy không dùng được nữa. Phải thay đổi, hoạch định lại hoàn toàn.

2 bài học lớn cho Việt Nam

- Chúng ta đã nói về 3 cuộc khủng hoảng trên góc độ vĩ mô, bao quát, bây giờ chúng ta sẽ nói đến những ảnh hưởng của nền kinh tế Việt Nam. Ở góc độ cảm giác thôi, một người nghiên cứu kinh tế như bà có cảm giác như thế nào khi nhìn vào những tác động của cuộc khủng hoảng nói chung đến kinh tế nước nhà?

- Tôi thực sự đau lắm. Đau vô cùng. Vì tổn thất lần này khiến hàng loạt ngành của mình bị ảnh hưởng, nhất là những ngành dịch vụ. Suốt bao nhiêu năm chúng ta muốn đẩy lĩnh vực dịch vụ lên tương ứng so với công nghiệp nhưng chưa bao giờ làm được.

Đến bây giờ, khi du lịch là một trong những ngành dịch vụ đang phát triển khá tốt thì đùng một cái, chịu một nhát búa nặng nề. Rồi ngành hàng không đang phát triển sôi động với sự tham gia của những hãng hàng không tư nhân thì bây giờ hàng loạt máy bay đắp chiếu. Các hộ kinh doanh gia đình đang chiếm khoảng 31% tổng lao động Việt Nam bây giờ cũng bị tổn thất nặng lắm. Họ nhỏ quá, lại thường bám vào các ngành như du lịch hay các nhà máy mà làm ăn, không đủ tiềm năng để tích lũy nên không đủ sức để kéo thêm qua tháng này, tháng khác. Cho nên nhiều hộ chết rất nhanh, chết ngay lập tức. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng vậy. Nông nghiệp cũng khốn khó vì cả thị trường lẫn vấn nạn nước ở sông Mê Kông.

- Đấy là câu chuyện trong nội tại mà chúng ta có thể nhìn rõ. Còn có những câu chuyện về mối quan hệ bên ngoài cũng có thể được nhìn rõ như thế. Hình ảnh những đoàn xe chở hàng bị dồn nén, ứ đọng ở biên giới, khi Trung Quốc siết chặt cửa khẩu chẳng hạn. Những hình ảnh ấy nói lên điều gì, thưa bà?

- Xuất khẩu nhập khẩu cộng lại của ta là hơn 200% GDP. Có nghĩa là chúng ta sống với bên ngoài rất nhiều và là một nền kinh tế rất mở. Cho nên khi bên ngoài khủng hoảng thì ảnh hưởng của nó với chúng ta là rất rõ.

- Nhìn rõ điều này, bài học quan trọng nhất chúng ta có thể rút ra là gì?

- Bài học số 1 là đừng bao giờ để phụ thuộc quá nhiều vào bất cứ quốc gia riêng lẻ nào. Du lịch từ Trung Quốc chiếm tới trên 30% lượng khách du lịch vào nước ta. Xuất khẩu một số mặt hàng nông sản thì 70-80% xuất sang Trung Quốc.

Hiện nay, nguồn cung của một loạt sản phẩm đầu vào ở các ngành như dệt may, da giày, điện tử, tức là những ngành xuất khẩu thành công bậc nhất của Việt Nam phần lớn đều đến từ Trung Quốc. Bây giờ, khi phía Trung Quốc ngưng trệ thì cái đầu vào ấy của chúng ta bị ảnh hưởng theo. Điều này đặt ra câu hỏi là tại sao 30 năm đổi mới và hội nhập, chúng ta cứ tập trung vào thị trường Trung Quốc, cứ mải miết đi làm gia công mà không chịu phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ của mình?

- Chỉ khi nào phát triển công nghiệp phụ trợ thì chúng ta mới có thể giảm phụ thuộc vào bên ngoài, đúng không ạ?

- Chính xác! Tôi nói thế này cho dễ hiểu: để làm 1 cái áo thì bây giờ từ vải may áo đến cúc áo chúng ta đều nhập từ Trung Quốc. Mình chỉ lấy những nguyên liệu này về cắt may thôi. Tiến sĩ Trần Đình Thiên vì thế mới nói đùa là ngành dệt may của mình là ngành mà chị em chỉ ngồi đạp máy khâu. Khi mình tham gia vào một hiệp định thương mại tự do như CPTPP hay EVFTA thì họ đòi hỏi mình phải có ít nhất 30-40% giá trị nội địa hoặc giá trị nội khối trong những mặt hàng mình cung cấp cho họ thì mới được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0%. Khi mình chỉ ngồi đạp máy khâu thì có nghĩa mình chỉ đóng góp 10-15% và cũng chỉ được hưởng ngần ấy giá trị trong một chiếc áo, đồng thời không được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu. Muốn tăng giá trị lên 30-40% thì phải sản xuất thêm cái cúc áo, rồi sợi, vải làm ra áo nữa... Tức là phải phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.

- Thật ra vấn đề này không mới! Vì tôi đã từng được nghe các chuyên gia kinh tế nói đi nói lại mãi rồi.

- Những người đầu tiên đề xuất Việt Nam phát triển công nghiệp phụ trợ là các chuyên gia Nhật Bản, trong đó có giáo sư Trần Văn Thọ. Gần 50 năm sống và làm việc ở Nhật nhưng ông vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, về nước thường xuyên và vẫn là thành viên tổ tư vấn của các đời Thủ tướng Việt Nam, từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải và đến bây giờ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Khoảng 25 năm qua, không biết bao nhiêu lần, ông Thọ cùng các chuyên gia Nhật kiên trì thuyết phục Việt Nam phát triển công nghiệp phụ trợ.  Các chuyên gia trong nước cũng lên tiếng nhiều lần. Và thực tế, sau này chúng ta cũng có chính sách dành cho nó nhưng chính sách vẫn chung chung, chưa thể hiện được nhận thức về tầm quan trọng và tính ưu tiên cao đối với lĩnh vực này.

- Phát triển công nghiệp phụ trợ trong hoàn cảnh thế giới vừa bị đóng băng vì đại dịch sẽ có rất nhiều khác biệt so với hoàn cảnh bình thường đúng không ạ?

- Đúng là lúc này lại phải tính kỹ xem những ngành nào có tương lai và nó sẽ thay đổi như thế nào. Ví dụ các ngành dệt may, giày dép thì ngay cả một số nước công nghiệp hóa cũng đang tính lại, họ cũng muốn kéo một phần sản xuất về phía họ và họ hoàn toàn có thể làm được nhờ tự động hóa.

Bây giờ, mình có thể ngồi lại với các đối tác, ví dụ như EU, Nhật, Mỹ, Hàn... để bàn với họ xem, trong các chuỗi cung ứng của họ, khâu nào họ bị đứt gãy với Trung Quốc mà mình có thể tham gia thay thế ở một mức độ nào đó.

Tất nhiên, một mình Việt Nam không thể bù đắp nổi những đứt gãy mà Trung Quốc để lại và Việt Nam cũng không thể nào ôm hết tất cả các khâu. Ở đây tôi chỉ hy vọng là mình giảm phụ thuộc nhiều nhất có thể mà thôi. Ví dụ, cái gì mình đang phụ thuộc nguồn cung đầu vào khoảng 70% từ Trung Quốc thì đây là lúc mình tận dụng cơ hội, rút xuống còn khoảng 20%. Nói đơn giản là tăng nội lực của mình lên, giảm phụ thuộc bên ngoài xuống, đồng thời tránh việc quá phụ thuộc vào một nơi. Thay vào đó, tăng hợp tác, cùng nhau chia sẻ lợi ích với các nơi khác, đặc biệt là với những nơi đã có những hiệp định lớn, mang tính chất dài hạn căn cơ cho mình.

- Tôi tin là những nhà hoạch định kinh tế của chúng ta cũng nhìn ra các vấn đề này và sẽ có những cải thiện trong thời gian tới. Ở đây, tôi muốn đề cập thêm một khía cạnh cuối cùng nữa, đó là chính trong thời điểm dịch bệnh, Chính phủ ta lại đặt ra nhiệm vụ biến “nguy” thành “cơ” và quả nhiên là đã tạo ra “cơ”. Với con mắt của một người làm kinh tế, bà có thể nhận định gì về điều này?

- Tôi lấy ví dụ cụ thể như trước đây ngành y tế thường xuyên bị kêu ca, phàn nàn nhưng bây giờ mọi người đều thấy cả hệ thống y tế của ta đang phát huy tác dụng rất tốt. Lúc này, rất nhiều bác sĩ, y tá đã trở thành những biểu tượng của sự dấn thân. Rồi ngành công nghệ thông tin nữa, trước đó chúng ta cứ kêu gọi chuyển đổi số nhưng kêu mãi vẫn chưa chuyển được thì bây giờ làm được khá nhiều việc. Bây giờ mọi người kê khai y tế trực tuyến, họp hành trực tuyến, buôn bán trực tuyến, dạy và học online... Bao nhiêu cuộc họp hành, đi lại, lễ hội vô bổ mà tốn kém được dẹp đi.

Nhưng, điều ấn tượng nhất với tôi chính là sự liên kết hiệu quả giữa các ngành, các bộ phận với nhau. Lâu nay tôi thường xuyên kêu ca về việc nhiều cơ quan của chúng ta chưa có tính liên kết chặt chẽ, cho nên giữa luật này với luật khác, việc nọ việc kia mới có những chồng chéo, mâu thuẫn, dẫn đến những tình trạng như “trên bảo, dưới không nghe”. Nhưng, lần này, khi chống dịch cúm, thì chúng ta có một ban chỉ đạo và rất nhiều ngành tham gia, từ y tế, khoa học đến công an, quân đội, thông tin - truyền thông... Và những gì diễn ra cho thấy các ngành phối hợp, liên kết với nhau rất hiệu quả, người nào làm đúng và tốt việc của người ấy; mọi chỉ đạo và thông tin từ Chính phủ được đưa ra thường xuyên, minh bạch, kịp thời, được các ngành tuân thủ, dân tin và nghe theo. Chính điều này giúp tôi tin rằng, khi chúng ta thực sự ưu tiên cho một công việc nào đó vì lợi ích tối cao của nhân dân, dồn hết tâm huyết và sức lực, thực lòng tập trung cho mặt trận đó thì đúng là chúng ta đủ sức mạnh để biến “nguy” thành “cơ”.

- Điều đáng suy nghĩ tiếp theo là đại dịch đến rồi đại dịch sẽ đi, tức là “nguy” đến, rồi “nguy” hết. Vấn đề của chúng ta là phải làm sao để sau “nguy” thì vẫn còn “cơ”. Bà nghĩ vậy không?

- Hoàn toàn nhất trí! 

- Xin cảm ơn bà!
Phan Đăng (thực hiện)
.
.