Được sử dụng thực phẩm sạch là một quyền của con người
- “Tuyên chiến” với thực phẩm bẩn: Cần biện pháp mạnh và hiệu quả
- Ngăn chặn thực phẩm bẩn: Cơ quan chức năng bất lực, người tiêu dùng lãnh đủ
- Ẩn họa vì thờ ơ trước nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm giả
- Phóng viên: Thưa Tiến sĩ, vấn nạn ung thư đang là nỗi ám ảnh của loài người. Cùng với đó, vấn nạn thực phẩm bẩn cũng gây sốt dư luận từ nghị trường đến đời sống. Anh có thể cho biết thực phẩm bẩn có gây ra bệnh ung thư không?
- Tiến sĩ Phan Minh Liêm: Có năm nhóm nguyên nhân dẫn tới bệnh ung thư bao gồm: nguyên nhân từ những đột biến di truyền gen; nguyên nhân về lối sống; nguyên nhân về môi trường trong đó có các tác nhân ô nhiễm; nguyên nhân về các tác nhân vi khuẩn, virus; nguyên nhân từ một số nhóm bệnh khác dẫn đến khả năng gây ung thư. Tôi khẳng định thực phẩm bẩn là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới căn bệnh ung thư. Tại Việt Nam thực phẩm bẩn không phải là nguyên nhân duy nhất nhưng là tác nhân hàng đầu bên cạnh một số tác nhân khác như lối sống, cách thức sinh hoạt, môi trường…
- Là người có nhiều nghiên cứu về bệnh ung thư, xin Tiến sĩ chỉ rõ những nhóm thực phẩm bẩn nào có khả năng gây ung thư cao nhất?
- Tất cả thực phẩm bẩn đều gây ra bệnh. Tuy nhiên những nhóm thực phẩm bẩn sau đây gây ra bệnh ung thư nhiều nhất: Nhóm thực phẩm là rau củ có dư lượng thuốc bảo quản thực vật, thuốc trừ sâu lớn; nhóm thực phẩm gồm các loại thịt lợn có chất tăng trọng, chất tạo nạc, các chất kích thích, thuốc kháng sinh; nhóm thực phẩm có chất bảo quản ure, phoocmon, chất tạo màu; nhóm thực phẩm là đồ uống có cồn bao gồm rượu, bia, nước ngọt có ga…
Ngoài ra, những thực phẩm chế biến sẵn như thịt hun khói, xúc xích… cũng là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh chết người này. Đặc biệt một số thực phẩm là gia vị như các loại nước tương, nước chao nhiễm khuẩn cũng là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh ung thư.
- Có thể nói ung thư là một loại bệnh khó được phát hiện sớm. Thời gian đầu bệnh phát triển âm ỉ, người bệnh thường hay chủ quan, khi phát hiện để chữa trị thì ở giai đoạn muộn. Tiến sĩ có thể cho biết những dấu hiệu nào cảnh báo về nguy cơ ung thư?
- Trước hết, đây là những dấu hiệu mang tính chất cảnh báo vì những dấu hiệu này cũng có thể xuất hiện khi cơ thể mắc một số bệnh khác. Tuy nhiên, người dân nên theo dõi nếu cơ thể mình có những dấu hiệu như sau, nên đến cơ sở y tế để tầm soát: Giảm cân không rõ lý do; sốt, mệt mỏi; đau ở một bộ phận nào đó không biết nguyên nhân; các vết thương không lành, vết bầm tím lâu tan; xuất hiện các khối u dưới da, đặc biệt ở khu vực ngực, tinh hoàn, hạch bạch huyết; ho dai dẳng không khỏi, khó nuốt, khản tiếng; mụn, nốt ruồi thay đổi màu sắc, chảy dịch…
Đặc biệt đối với những gia đình đã có người bị ung thư hoặc vùng lân cận có nhiều người bị ung thư khi có một trong những dấu hiệu trên nên tầm soát thường xuyên.
- Hiện nay cả xã hội đang bước vào “cuộc chiến” chống thực phẩm bẩn. Tiến sĩ nghĩ sao về cuộc chiến này?
- Tôi cho rằng cuộc chiến chống thực phẩm bẩn cần quyết liệt, thậm chí hơn cả cuộc chiến chống ma tuý. Vì thực phẩm quyết định sự tồn vong của giống nòi. Kinh nghiệm dân gian đã nói có sức khoẻ là có tất cả. Muốn làm gì, trước hết phải có sức khoẻ.
Bệnh ung thư là một bệnh nguy hiểm và có chi phí điều trị rất cao. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh mà cả gia đình người bệnh và xã hội. Về y học, người bệnh phải chịu đau đớn về thể xác. Đối với xã hội, bệnh ung thư đưa lại gánh nặng rất lớn về kinh tế. Xét ở góc độ vĩ mô, bệnh ung thư có thể de doạ kinh tế của một nước.
Theo tính toán chi phí thuốc điều trị dành cho bệnh ung thư mỗi năm dao động từ 120 tỷ USD đến 170 tỷ USD. Và con số này ngày càng tăng khi nguy cơ số người mắc bệnh ngày càng nhiều.
Thực phẩm bẩn là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới căn bệnh ung thư. Vì vậy việc chống thực phẩm bẩn càng sớm càng tốt và phải quyết liệt. Ở phương Tây, cá nhân nào sử dụng chất cấm, chế biến thực phẩm bẩn bị phạt rất nặng đồng thời phải ngồi tù. Người sản xuất thực phẩm phải tham gia các khóa học, được cấp chứng chỉ hành nghề mới được làm. Ngoài ra chuyên có một đội thám tử làm nhiệm vụ kiểm tra ngẫu nhiên các mẫu thực phẩm.
Ở Việt Nam hiện nay, có rất nhiều người vì lợi nhuận cá nhân đã sử dụng các chất nguy hại để hại người khác như chất tạo nạc, kháng sinh… Cần có chế tài mạnh mẽ để xử phạt. Đồng thời tuyên truyền nhằm tăng khả năng nhận thức cho người sản xuất. Đơn cử việc trồng rau để bán và trồng rau để ăn. Bản thân họ không biết rằng việc phun thuốc bảo vệ thực vật ảnh hướng tới nguồn nước ngầm, môi trường, chính họ cũng bị ảnh hưởng.
- Thưa Tiến sĩ, ngoài thực phẩm bẩn do con người tạo nên, có những nhóm thực phẩm nào bản chất đã có khả năng gây bệnh ung thư?
- Những thực phẩm nguyên chất không bị tác động bởi các chất độc hại có khả năng giảm nguy cơ bệnh ung thư rất nhiều. Tuy nhiên có những loại thực phẩm bản chất đã có khả năng gây ung thư. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học và tổ chức y tế thế giới thì thịt đỏ là thực phẩm có khả năng gây ung thư. Tất nhiên hàm lượng và khả năng gây ung thư thấp hơn so với thực phẩm bẩn.
- Tiến sĩ đánh giá như thế nào về việc vì lợi nhuận những người sản xuất sẵn sàng sử dụng chất cấm, chất độc hại vào thực phẩm?
- Ở góc độ nghiên cứu, đây là những chất cấm sử dụng cho chăn nuôi, là nguyên nhân của những căn bệnh nguy hiểm. Điều nguy hại nhất hiện nay, thực phẩm có chất độc hại không có biểu hiện tức thì nên không phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch.
Trong chăn nuôi nếu sử dụng các chất tăng trọng, tạo nạc, kháng sinh dẫn đến dư thừa những chất này trong thực phẩm. Những chất này sẽ giết chết những vi sinh vật có lợi trong đường ruột. Khoa học đã chứng minh hệ vi sinh vật đường ruột có vai trò quan trọng kháng ung thư. Nếu hệ vi sinh vật xấu mất khả năng miễn dịch, khả năng bệnh ung thư rất cao.
- Còn thói quen ăn uống và sinh hoạt của người Việt Nam có ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ mắc bệnh ung thư, thưa Tiến sĩ?
- Theo báo cáo hiện nay, người Việt ít vận động vì vậy sức khoẻ và sức bền không đảm bảo khi làm việc cường độ cao. Người dân cũng có thói quen uống rượu, bia, các đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ xơ gan và ung thư cao. Số lượng nam giới hút thuốc lá nhiều. Người dân thích đồ nướng, thích ăn nhiều thực phẩm có tác nhân gây ung thư như thịt bò, thịt heo, sử dụng các loại gia vị đã chế biến sẵn lên men như tương, chao.
Ngoài ra tỷ lệ người Việt Nam bị vi khuẩn HP, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C tương đối cao. Tất cả thói quen trên đều dẫn đến khả năng mắc bệnh ung thư nhưng ít thực hiện tầm soát ung thư định kì. Khi phát hiện bệnh đến bệnh viện ở giai đoạn muộn, việc điều trị khó khăn.
Theo nghiên cứu tỷ lệ tử vong khi bị ung thư ở nước ta là 70,4%, thuộc những nước có tỷ lệ tử vong vì ung thư cao nhất thế giới. Và số lượng bệnh nhân bị ung thư gia tăng với tốc độ 7% - 10% mỗi năm. Theo ước lượng mỗi năm Việt Nam có hơn 150 nghìn ca mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên đây chỉ là tảng băng nổi vì có rất nhiều người ở vùng sâu, vùng xa mắc bệnh nhưng không biết.
- Bệnh ung thư đang đe dọa tính mạng của người dân. Tiến sĩ dự đoán thế nào về căn bệnh này trong tương lai sắp tới?
- Dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng. Trong khoảng 10 năm tới dân số già là một gánh nặng kinh tế xã hội. Với bệnh ung thư, khi con người càng già, khả năng bị ung thư càng cao vì tuổi cao sẽ tích luỹ nhiều đột biến. Vấn nạn ung thư là vấn nạn của toàn cầu. Nếu không có chính sách phòng ngừa hợp lý, nền kinh tế và xã hội sẽ ảnh hưởng rất nhiều.
Về tương lai chữa trị, hiện nay đã có một số phương pháp có nhiều triển vọng nhưng cần nhiều thời gian để đánh giá khách quan đầy đủ. Trong các liệu pháp chữa trị, liệu pháp miễn dịch có nhiều triển vọng. Sử dụng hệ miễn dịch của cơ thể để huấn luyện, nhân số lượng tế bào miễn dịch đi đến từng ngóc ngách cơ thể truy tìm tế bào ung thư. Hoặc là phương pháp sử dụng một số chất để tăng tế bào kháng ung thư lên. Tuy kết quả khả quan nhưng cần thời gian để đánh giá, chi phí điều trị tương đối cao.
- Có nhiều năm nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài, Tiến sĩ đánh giá thực trạng y tế đất nước trong việc giúp người dân phòng ngừa và điều trị ung thư?
- Tôi cho rằng ngành y tế đã rất cố gắng. Khảo sát qua một số bệnh viện ung thư như Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu cho thấy các bác sĩ tại đây làm việc với cường độ khủng khiếp so với các đồng nghiệp phương Tây.
Ở phương Tây trung bình một bác sĩ chỉ chăm sóc từ 8 đến 12 bệnh nhân mỗi ngày. Thời gian làm việc trong một tuần chỉ từ 3 đến 4 ngày. Thời gian còn lại họ sẽ nghiên cứu, đi dạy. Trong khi đó các bác sĩ Việt Nam mỗi ngày phải khám, chữa trị cho hàng chục thậm chí hàng trăm bệnh nhân. Họ sẽ luôn trong tình trạng căng thẳng vì quá tải.
Ngay tại Viện Anderson của Mỹ có hơn 20 nghìn nhân viên, 3.700 tình nguyện viên nhưng mỗi năm điều trị cho hơn 1.3 triệu lượt bệnh nhân, thực hiện 12 triệu quy trình điều trị chữa trị, thực hiện hơn 1.100 thử nghiệm lâm sàng. Có hơn 1.700 giáo sư tiến sĩ bác sĩ kết hợp nhuần nhuyễn ba yếu tố điều trị phòng ngừa, đào tạo và nghiên cứu.
Tôi nghĩ, sở dĩ Viện Anderson làm rất hiệu quả vì họ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ bệnh án đồng thời tối ưu hoá quá trình làm việc. Những máy móc điều trị hoạt động 24 tiếng được sử dụng tới 20 tiếng. Quy trình làm việc rất bài bản. Và đây là một bài học cho các viện, các trung tâm khác.
Đã đến lúc Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin và tối ưu hoá quá trình điều trị. Thực hiện xây dựng bệnh viện theo quy chuẩn quốc tế với đầy đủ ba cấu phần điều trị phòng ngừa, đào tạo và nghiên cứu để nâng cao chất lượng làm việc. Khi chất lượng nâng cao, thời gian đều trị cho bệnh nhân ít đi, lượng bệnh nhân giảm xuống, bệnh viện không quá tải, chất lượng điều trị tăng lên, bác sĩ có nhiều thời gian tương tác với bệnh nhân. Tất nhiên đây chỉ là giải pháp hiện tại. Giải pháp căn bản vẫn là chú trọng phòng ngừa trong đó cuộc chiến chống thực phẩm bẩn cần làm triệt để và hiệu quả để đẩy lùi bệnh ung thư.
- Là người tiếp xúc với nhiều bệnh nhân trên thế giới, theo Tiến sĩ, thiệt thòi của bệnh nhân ung thư Việt Nam và bệnh nhân quốc tế khác nhau ra sao?
- Ở đâu cũng có ưu điểm và những nhược điểm. Ở nước ngoài bệnh nhân được tiếp cận với công nghệ mới, được điều trị tốt nhưng vấn đề là chi phí điều trị rất cao. Mặc dù bệnh nhân đã có bảo hiểm chi trả nhưng khi bị bệnh họ phải bán nhà cửa, thậm chí phá sản để có chi phí. Tại Trung tâm Anderson, chi phí một ca điều trị ung thư khoảng 2 triệu USD, chi phí thấp nhất cũng dao động từ 100 nghìn - 200 nghìn USD. Một con số quá lớn đối với mức sống của người dân Việt Nam hiện tại.
Việc điều trị ung thư trong nước có các ưu điểm chi phí y tế hợp lý, người dân dễ tiếp cận. Nhưng ngược lại công nghệ điều trị có khoảng cách so với thế giới. Một số bước trong công nghệ điều trị chưa được sử dụng do vấn đề bản quyền. Công nghệ mới chưa phát triển bằng nước ngoài.
Tuy nhiên các bác sĩ Việt Nam rất mong được tiếp xúc phương pháp mới. Việt Nam cũng đang du nhập những phương pháp mới, tôi tin trong tương lai việc điều trị sẽ tốt hơn.
- Là người nghiên cứu về ung thư. Chắc hẳn anh đã đi tới các bệnh viện chữa trị ung thư trong nước như Bệnh viện Ung bướu TP. HCM, Bệnh viện K ở Hà Nội… Tiến sĩ có đề xuất gì với nền y tế nước nhà?
- Các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Số lượng người bệnh quá nhiều so với khả năng chăm sóc y tế của bác sĩ. Trước hết cần nhanh chóng xây dựng bệnh viện và huấn luyện thêm đội ngũ chữa trị. Tất nhiên việc xây bệnh viện có thể đơn giản nhưng cái khó là đào tạo con người.
Tại Trung tâm Anderson để mở rộng trung tâm việc đào tạo con người có thể mất tới vài năm thậm chí cả chục năm hoặc cả cuộc đời. Việc xây một bệnh viện không chỉ là xây một toà nhà theo kiểu “building" mà trang thiết bị phải đồng bộ phù hợp với khả năng sử dụng.
Với điều trị ung thư nhưng máy móc cũ không có lợi cho người dân. Nhưng máy móc hiện đại mà không biết sử dụng rất phí. Vì vậy việc huấn luyện con người rất quan trọng, để tối ưu hoá quá trình điều trị. Khi hoàn thiện được mô hình này người bệnh thay vì phải đến bệnh viện nhiều lần sẽ mất ít thời gian chữa trị. Các bác sĩ có thời gian nghiên cứu.
Một vấn đề quan trọng, phải có nguồn kinh phí thường xuyên để các bác sĩ nâng cao khả năng chuyên môn. Thường xuyên mở rộng hợp tác các trung tâm y tế hàng đầu thế giới để tăng chất lượng điều trị.
- Lời khuyên của Tiến sĩ dành cho bệnh nhân ung thư là gì?
- Ung thư là một căn bệnh nguy hiểm. Trong đa số trường hợp bệnh ung thư mất nhiều thời gian để phát hiện nên điều trị cũng cần nhiều thời gian. Vì vậy, người bệnh cần kiên trì và luôn có tinh thần lạc quan mạnh mẽ. Theo nghiên cứu, việc sống lạc quan có thể chiếm 40 đến 50% thành công trong quá trình điều trị. Tinh thần lạc quan sẽ giúp hệ miễn dịch trong cơ thể hoạt động tốt, có khả năng tiêu diệt 80% đến 90% tế bào ung thư. Ngược lại suy sụp sẽ tiết ra hoocmon làm hệ miễn dịch yếu đi, tế bào ung thư cũng lấy tín hiệu từ những tế bào hoocmon này.
Về chữa trị, hiện nay có nhiều phương pháp chữa trị có hiệu quả tốt. Dù những phương pháp này chưa thật tốt như mong đợi nhưng vẫn tốt hơn ngày xưa. Với y học hiện nay khả năng đẩy lùi căn bệnh ngày càng lớn. Người dân nên tin tưởng vào sự phát triển hằng ngày của y học.
- Tiến sĩ nghĩ thế nào về câu nói “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế”. Theo anh nếu kiểm soát được vấn đề thực phẩm bẩn thì sẽ giảm được khoảng bao nhiêu phần trăm bệnh ung thư?
- Đây là một lời cảnh báo đồng thời thể hiện nguy cơ thực phẩm bẩn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi. Thực phẩm bẩn không chỉ gây ra bệnh ung thư mà gây ra rất nhiều bệnh như tim mạch, giảm trí nhớ, suy giảm nội tạng... Nếu áp dụng đầy đủ tất cả những gì con người biết về ung thư sẽ giảm được 2/3 nguy cơ bị ung thư. 1/3 còn lại những yếu tố như di truyền gen khó thay đổi. Theo thống kê của các nghiên cứu về ung thư thì 2/3 số ca ung thư có thể phòng ngừa được.
- Bản thân Tiến sĩ có nhiều nghiên cứu được công nhận và đánh giá cao tại Mỹ, Tiến sĩ dự tính định hướng sắp tới như thế nào đối với điều trị ung thư trong nước?
- Tôi sẽ đưa những kiến thức mới nhất từ Viện nghiên cứu Anderson về Việt nam, kết hợp với những nghiên cứu dành riêng cho người Việt. Đồng thời chú trọng tới việc phòng ngừa bằng cách tuyên truyền những kiến thức về ung thư cho người dân hiểu. Bản thân tôi cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu một số thực phẩm sạch kết hợp hoạt chất chống ung thư. Đây là sự kết hợp giữa y học và ẩm thực tạo ra những món ăn bài thuốc kháng ung thư. Cũng là xu hướng của thế giới trong việc phòng ngừa bệnh ung thư.
- Tiến sĩ liệu có tin tưởng vào cuộc chiến chống thực phẩm bẩn như là một biện pháp để giảm số lượng bệnh nhân ung thư như hiện nay hay không?
- Tôi thấy rõ quyết tâm của xã hội và cơ quan chức năng. Nhưng tôi mong muốn quyết tâm này đừng thực hiện theo phong trào. Ở đâu cũng vậy, được sử dụng thực phẩm sạch là một quyền của người dân. Khi luật pháp chưa đủ mạnh và nghiêm, việc chống thực phẩm bẩn phải kiên trì, bền bỉ. Bên cạnh đó cần tuyên truyền cho những người sản xuất thực phẩm biết mối nguy hại của thực phẩm bẩn đồng thời đảm bảo kinh tế của họ. Bản thân những người tiếp xúc với chất nguy hại cũng rất nguy hiểm
Về bệnh ung thư, con người ngày càng hiểu rõ về căn bệnh này. “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng” chắc chắn khả năng chữa thành công bệnh ngày càng cao. Tuy nhiên ở góc độ vĩ mô, môi trường ngày càng xuống cấp, khả năng mắc ung thư sẽ cao và cao trong một thời gian dài. Vì vậy bệnh ung thư vẫn là một vấn nạn đe doạ sự tồn vong của loài người.
- Bên cạnh vấn đề về thực phẩm, Tiến sĩ có thể đưa ra khuyến cáo cho người dân hạn chế khả năng mắc bệnh ung thư?
- Tất cả các loại thực phẩm có khả năng gây bệnh ung thư tôi đã liệt kê ở trên, người dân nên hạn chế tối đa sử dụng. Bên cạnh đó khuyến khích sử dụng các loại thực phẩm kháng ung thư. Hiện nay, khoa học chứng minh một số thực phẩm có chất dược tính kháng ung thư rất lớn như rau xanh, hoa quả.
Trong rau xanh, đặc biệt các loại rau như súp lơ xanh, súp lơ trắng. Các loại trái cây như cam, chanh, thanh long, bơ, mãng cầu xiêm, măng cụt, lê. Và các loại gia vị có nghệ, tỏi vì hai loại này có khả năng kháng ung thư cao. Song song với việc sử dụng thực phẩm hợp lý mỗi người nên dành thời gian tập luyện cơ thể, tập thể dục lành mạnh, nhẹ nhàng. Không hút thuốc và tránh xa khói thuốc. Giữ cân nặng hợp lý, tầm soát định kì, đúng phương pháp.
Đối với phụ nữ khả năng bị ung thư vú và ung thư cổ tử cung rất cao. Vì vậy trong khoảng từ 1 đến 3 năm nên đến bệnh viện tầm soát ung thư vú, cổ tử cung. Đối với nam giới sau 40 tuổi nên khám tuyến tiền liệt. Người dân cũng nên chủng ngừa các loại virus có khả năng gây bệnh như virus viêm gan, vi rút HP. Bảo vệ cơ thể khỏi tia tử ngoại trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều…
- Cảm ơn Tiến sĩ đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.