Bác sĩ Trần Quốc Khánh: Nếu ta phóng một nguồn năng lượng vào vũ trụ…

Thứ Năm, 25/10/2018, 13:11
Mũ phớt đen. Vest đen. Kính đen. Đứng tựa vào góc tường, tay cầm cốc rượu. Nhiều người sẽ nghĩ, đấy là bức chân dung điển hình của một người mẫu, hoặc một nghệ sĩ, hoặc một tay chơi. Vậy mà không, đấy là tấm ảnh chân dung của bác sĩ Trần Quốc Khánh (Bệnh viện Việt Đức), một tấm ảnh giống như rất nhiều tấm ảnh và rất nhiều bài viết khác trên Facebook cá nhân của bác sĩ Khánh, đã nhận được cả ngàn like.

Vì thế chăng mà nhiều tờ báo gọi đấy là "bác sĩ ngàn like", còn nhiều bệnh nhân thì gọi đấy là "bác sĩ hot boy"? Và, dư luận còn nhắc đến bác sĩ Trần Quốc Khánh trong một vai trò đặc biệt nữa: Người sáng lập một quỹ phẫu thuật bệnh nhân nghèo với tiêu chí "cho đi là còn mãi".

Âm thầm theo dõi con người có vẻ như vừa giỏi chuyên môn, vừa giỏi kết nối, lại cũng rất giỏi trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân này, trong tư cách của một người làm báo, tôi đặt cho mình 2 câu hỏi: Một, nhờ đâu mà bác sĩ Khánh có thể cùng lúc hoạt động sôi nổi trên nhiều mặt trận đến như thế? Hai, những gì mình nhìn thấy trên mạng và các phương tiện truyền thông liệu có "ảo" quá chăng?

Thế nên tôi quyết định đối diện với "bác sĩ ngàn like" ở ngoài đời, để hỏi cho bằng được cả những chuyện trên mạng ảo lẫn những chuyện rất đời của anh.

Không quảng cáo trên Facebook

- Nhà báo Phan Đăng: Anh là một trong rất ít các bác sĩ Việt Nam hiện nay tạo được một sức lan tỏa lớn trên Facebook. Đọc Facebook của anh, thậm chí, cá nhân tôi đã phải nghĩ tới một định nghĩa mới về nghề bác sĩ trong thời đại 4.0 này. Vậy thì rốt cuộc Facebook có một giá trị như thế nào đối với một bác sĩ nhỉ?

- Bác sĩ Trần Quốc Khánh: Đến thời điểm này, nhiều bài viết của tôi có tới 1.000 - 2.000 lượt  chia sẻ. Tại sao người ta lại chia sẻ nhiều như vậy? Tôi nghĩ người dân mình kiến thức y học chưa cao, nên tôi lên Facebook  viết về y học, nhưng lại viết một cách giản dị, hài hước để sao cho mọi người thấy muốn đọc. Và khi họ đã muốn đọc, thích đọc thì họ sẽ quan tâm, chia sẻ. 

Để viết mỗi status như thế, tôi đều nghiên cứu tài liệu rất cẩn thận, chủ yếu là các tài liệu nước ngoài. Sau đó thì dịch, biên tập, rồi biến tấu thành "5 nguyên tắc" - "7 điều ghi nhớ" chẳng hạn, để người ta đọc một cách nhanh, dễ hiểu và thích thú nhất.

Nhiều người bảo Facebook tôi rất nhiều năng lượng vì ở đó tràn ngập một tinh thần lạc quan. Thật ra, tôi cũng có nỗi buồn chứ nhưng tôi luôn tìm cách cho những nỗi buồn qua rất nhanh và khi đã xuất hiện trên Facebook thì tôi nghĩ phải truyền sự lạc quan cho người đọc, trong đó rất nhiều là bệnh nhân của tôi. 

Thế nên, vài ngày tôi không viết hay không live stream là lại có bệnh nhân vào hỏi.

- Như vậy là anh viết Facebook để lan tỏa những kiến thức y học cơ bản cùng một tinh thần lạc quan. Nhưng, anh Khánh này, tôi được biết những "Facebook ngàn like" luôn nhận được những lời đề nghị quảng cáo với một mức thù lao rất hấp dẫn. Xin hỏi rất thật, anh có kiếm tiền theo cách đó không?

- Trung bình 1 tuần tôi nhận được 1 lời đề nghị viết bài quảng cáo cho một công ty, một nhãn hàng nào đó. Nhưng, tôi từ chối hết. Ngay hôm qua thôi, tôi vừa từ chối một lời mời như vậy. Bởi nếu tôi làm thương mại trên Facebook, bài viết của tôi sẽ bị lệch lạc. 

Chẳng hạn nếu tôi bảo uống sữa rất tốt và ngay sau đó lại bảo người ta nên mua cụ thể loại sữa này sữa kia, như vậy thì rõ ràng không khách quan chút nào và người đọc nhìn qua sẽ thấy ngay. 

Đừng nói gì đến Facebook, tôi có một website riêng về sức khỏe và một số hãng dược đề nghị đặt quảng cáo trên web này, tôi cũng từ chối. Bạn cứ vào web của tôi mà xem, không có bất cứ quảng cáo nào. 

Mở một trang web về sức khỏe mà cứ thấy quảng cáo nhảy vào mắt liên tục thì bản thân tôi còn khó chịu, chứ đừng nói gì đến người đọc. Nếu cần kiếm tiền thì phải kiếm tiền bằng cách khác, bằng chuyên môn nghề nghiệp, chứ bác sĩ mà lại đi làm mấy cái việc quảng cáo để kiếm tiền thì buồn cười lắm.

- Những đồng nghiệp của anh có bàn tán, dị nghị gì về việc anh viết Facebook không? 

- Nhiều nhà báo hỏi tôi câu này lắm nhé, rằng đồng nghiệp có ghét không? Tôi nghĩ nếu có, chắc chỉ là số ít thôi, sao tránh được. Nhưng tôi không quan tâm đâu. Vì tôi chỉ quan tâm đến những cái tốt đẹp thôi. Quan tâm đến những cái tốt đẹp còn chưa đủ thời gian thì quan tâm đến mấy cái đó làm gì.

- Công việc của một bác sĩ nội trú ở bệnh viện hàng đầu Việt Nam đã bận lắm rồi, anh lấy đâu thời gian để viết Facebook, mà lại viết rất có nghề? Hay có ai đó viết hộ anh hoặc tư vấn truyền thông cho anh nhỉ?

- Tất cả đều do tự tay tôi viết. Đúng là công việc rất bận nhưng tôi luôn cố gắng tranh thủ thời gian viết. Ví dụ, bình thường dậy lúc 7h sáng thì hôm nào định viết sẽ dậy lúc 5h. Còn về chuyện viết có nghề thì bạn nên nhớ, ngày xưa tôi từng học chuyên văn đấy.

- Ồ! Một bác sĩ học chuyên văn?

- Đúng! Tôi từng học chuyên văn nhưng do ngưỡng mộ một thầy giáo dạy sinh học và mơ ước sau này cũng trở thành một người dạy sinh học nên tôi được thầy tư vấn chuyển sang học lớp chọn toán để có thể thi khối B (toán - hóa - sinh) vào đại học. Sau đó tôi đoạt giải 3 sinh học toàn quốc nên được tuyển thẳng vào đại học.

Sống là để cho đi

- Nhưng, rốt cuộc anh không chọn Khoa sinh Đại học Sư phạm để thực hiện mơ ước ấy, mà chọn trường Y. Vì sao thế?

- Dạo đó ở quê, một hôm đạp xe trên đường, gặp một bà cụ đang đi bộ, tôi hỏi bà đi đâu để tôi chở giúp. Bà cụ bảo đang ra bệnh viện tỉnh thăm con trai bị tai nạn. 

Bà kể rằng đã bán con trâu cuối cùng ở nhà mà con trai vẫn nằm viện mãi chưa khỏi. Và không biết bao giờ mới khỏi. Chở bà cụ đến viện xong, trên đường về, tôi cứ suy nghĩ mãi. 

Và đấy là khoảnh khắc đầu tiên tôi quyết định sẽ không vào trường sư phạm nữa, mà vào trường Y. Thế là tôi đạp xe một mạch đến nhà thầy giáo dạy sinh, hỏi xem quyết định như thế có được không. Thầy bảo, thầy ủng hộ tuyệt đối.

- Câu chuyện này làm tôi vừa cảm động vừa buồn cười, thật đấy! Vì nếu ở Hà Nội, gặp một ai đang đi trên đường, anh mà xuống xe đề nghị chở giúp, khả năng cao là người ta sẽ đặt cho anh rất nhiều dấu hỏi.

- (Cười...) Sau này ra Hà Nội học, tôi từng gặp một cặp mẹ con đang đi bộ trong khu Định Công, gần nhà bác tôi. Theo thói quen đã có từ hồi ở quê, tôi cũng dừng xe hỏi xem hai mẹ con đi đâu để chở giúp nhưng đúng là lúc ấy họ nhìn tôi một cách kỳ lạ. 

Thời ấy tôi mới ra Hà Nội, còn chưa hiểu gì. Kể lại câu chuyện này cho bác tôi nghe và lại nghe bác phân tích tôi hiểu vì sao họ lại nhìn mình như vậy. Cũng chẳng trách họ được, phải không?

- Vâng! Vì thời buổi bây giờ, ở những đô thị lớn có nhiều cạm bẫy quá và niềm tin mà con người đặt vào nhau thấp quá. Nhưng thôi, chúng ta chẳng nên sa đà vào mấy chuyện này làm gì. Tôi tò mò muốn biết, con đường để một sinh viên trường Y trở thành một bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức có khó khăn không, thưa anh?

- Học trường Y, giấc mơ của mọi sinh viên là đậu bác sĩ nội trú vì có thể nói bác sĩ nội trú là thương hiệu của những người làm y tế. Học 6 năm trường Y Hà Nội xong, phải có bằng khá trở lên, không thi lại môn nào trong tổng số mấy trăm môn đã học, những môn chuyên sâu phải đạt điểm khá và lại phải có hạnh kiểm tốt thì một sinh viên mới đủ tiêu chuẩn để được thi nội trú. 

Ví dụ như khóa trước tôi, trường có khoảng 350 sinh viên đa khoa nhưng chỉ có vài ba người sau đó đậu vào nội trú. Còn khóa tôi có tất cả trên 30 người được chọn ra, từ cả Y Hà Nội, Y Thái Nguyên, Y Thái Bình... để thi nội trú. 

Và cuối cùng, chỉ có 7 người được vào học nội trú ngoại khoa ở Bệnh viện Việt Đức, để sau này làm bác sĩ mổ. Vì thế, học trường Y, các bạn nữ cứ thấy các bạn trai vào nội trú ngoại khoa là ngưỡng mộ vô cùng.

- Một cuộc chọn lựa khốc liệt!

- Nhưng chưa xong đâu, vẫn còn 3 năm học nội trú trong bệnh viện nữa. 3 năm mà bọn tôi hay nói đùa nhau là "3 năm như chết". Vì chúng tôi sống hoàn toàn trong bệnh viện, 24/24, ăn ngủ trong đó, trực cấp cứu rồi phụ mổ. Cả một năm thứ nhất coi như chỉ để luyện thức đêm. 

Có những hôm, đến khoảng 2h hsáng, mắt díp hết cả lại. Thế là, lại phải làm một ly cà phê. Đến 5h lại díp mắt, lại làm ly cà phê nữa. Thế mà đến 8h, khi giao ca, thì trán ai cũng đỏ rực vì gục mặt xuống bàn ngủ gật lúc nào chẳng hay. 

Mà các anh khóa trên cứ thấy đàn em ngủ gật là "trị" kinh lắm. Có những người mệt quá, chạy vào cái kho hấp đồ vải của bệnh viện nằm ngủ một mạch đến chiều, khiến anh em vất vả đi tìm mãi mà không ra.

- 6 năm đại học, 3 năm nội trú, như vậy là mất gần 10 năm rèn luyện thì một bác sĩ mới có thể chính thức đứng mổ?

- Mình học 10 năm còn là ít đấy. Ở Mỹ hay Đức, thời gian đó ít nhất là khoảng 14 năm. Và khi chính thức đi mổ thì các bác sĩ cũng đã gần 40 tuổi rồi.

- Đến lúc này thì anh đã đứng mổ khoảng 6 năm rồi nhỉ. Tôi muốn hỏi là trong 6 năm với cả ngàn ca mổ đó, anh có bị ám ảnh đặc biệt với một ca nào không? Hay vì đó là nghề của mình rồi nên chai lỳ và không còn cảm xúc?

- Ở Bệnh viện Việt Đức, tai nạn, mổ xẻ rất nhiều. Và trong đó có rất nhiều bệnh nhân nghèo cần mổ nhưng lại không có tiền mổ. Tôi từng chứng kiến một người mẹ ở Hòa Bình, dân tộc Mường, dẫn con gái 11 tuổi bị gãy cổ xuống khám. 

Bắt buộc phải mổ, nếu không cô bé sẽ liệt. Nhưng, bất chấp các bác sĩ giải thích, thuyết phục đủ kiểu, bà mẹ vẫn nhất nhất đòi đưa con về, vì đơn giản là đến tiền ăn còn chẳng đủ thì lấy đâu ra hàng chục triệu đồng phẫu thuật. Lúc ấy, cảm giác của bác sĩ chúng tôi là... bất lực. Muốn cứu và rõ ràng là cứu được nhưng phải làm sao để cứu bây giờ? 

- Vì những suy nghĩ như thế mà anh đã thành lập quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo?

- Đúng thế! Trong các mối quan hệ đời sống, tôi có rất nhiều người anh, người bạn là những doanh nghiệp lớn và tôi đã từng thấy họ sẵn sàng cung tiến cho các ngôi chùa tới cả 4-5 trăm triệu đồng. Lúc ấy, tôi nảy ra suy nghĩ, tại sao tôi lại không làm cầu nối giữa họ với các bệnh nhân nghèo? 

Hay như năm ngoái, tôi tổ chức 2 đêm nhạc từ thiện, một ở Hà Tĩnh quê tôi, hai ở Nhà hát Lớn Hà Nội, quyên góp được 1,2 tỷ đồng, đủ để giúp khoảng 40 người bệnh.

- Tôi đã từng nghe anh nói về quan niệm sống của mình, rằng "sống để cho đi". Nhưng anh Khánh này, cách mà chúng ta "cho đi", cụ thể ở đây là chuyện lập các quỹ tư thiện, nếu không cẩn thận sẽ đẩy chúng ta vào cảnh tình ngay lý gian. Vốn đã bận công việc chuyên môn lắm rồi, anh sắp xếp thời gian thế nào để có thể làm từ thiện một cách hiệu quả và minh bạch?

- (Gật đầu). Làm từ thiện đôi khi cũng vất vả lắm. Ngày xưa tôi muốn lập quỹ từ thiện giúp đỡ bệnh nhân. Theo quy định, một quỹ cấp tỉnh phải có ít nhất 3 thành viên, trong tài khoản phải có ít nhất khoảng 1 tỷ đồng và sau đó, muốn xuất quỹ thì phải thực hiện hàng loạt thủ tục rất mất thời gian. Mà nghề chính của tôi là bác sĩ, lấy đâu ra thời gian. 

Cho nên sau đó tôi được một người bạn tư vấn là không lập quỹ nữa, mà lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, hoạt động vì người nghèo, đóng thuế đầy đủ, có văn phòng, dấu đỏ, kiểm toán nghiêm túc. Công ty này hoạt động thiện nguyện 100%, thế mà thi thoảng vẫn có chỗ này chỗ kia đến "gây khó dễ" anh ạ. Khi tôi kêu gọi được các doanh nghiệp, bạn bè, anh em của mình thì toàn bộ kinh phí chuyển hết vào đây.

Đến khi có người nhắn bệnh nhân này, bệnh nhân kia có hoàn cảnh thực sự khó khăn thì tôi nhờ phòng công tác xã hội bệnh viện xác minh, nếu xác minh thấy đúng là họ cần hỗ trợ, chúng tôi sẽ hỗ trợ một cách công khai, với các con số, giấy tờ chứng thực rõ ràng.

Cứ không thấy hạt cơm là khóc

- Năm 2016, tôi từng rất xúc động khi nghe câu chuyện về bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung ở Bệnh viện Vị Xuyên (Hà Giang) đã đích thân ra chợ kêu gọi những tấm lòng hảo tâm góp tiền làm phẫu thuật cho bệnh nhân nghèo. Và bây giờ lại anh nói về những hoạt động từ thiện của mình. 

Tôi nghĩ, số lượng những bác sĩ thực tâm với bệnh nhân nghèo như thế càng nhiều thì hình ảnh mà phải nói thật là "thiếu thiện cảm" của ngành Y nói chung sẽ càng được thay đổi, theo chiều hướng tích cực lên. Thưa bác sĩ Trần Quốc Khánh, có phải là người bác sĩ chỉ có thể thấu cảm với bệnh nhân nghèo khi chính bác sĩ đó cũng từng trải qua những quãng đời nghèo khổ?

- Bố mẹ tôi lập nghiệp ở một nông trường tại Nghệ An, cách biên giới Lào chỉ khoảng 6 km. Vùng ấy hoang vắng xa xôi đến nỗi thi thoảng chúng tôi còn thấy voi hoang chạy về. Những lúc ấy phải gọi các chú lính biên phòng tới bắn chỉ thiên để voi chạy đi chỗ khác... 

Ở một vùng như thế, anh đủ hiểu nghèo như thế nào rồi. Nhà tôi nghèo đến nỗi khi ngủ dậy, phản xạ đầu tiên của tôi là chạy xuống bếp xem hôm nay có cái gì ăn. Nếu vẫn chỉ thấy ngô, sắn, chứ không có tý cơm nào là tôi lại òa khóc. 

Nhưng, làm gì có gạo để thổi cơm nên khóc thì cứ khóc, sợ ngô khoai thì cứ sợ, không ăn thì chỉ còn cách nhịn đói thôi. Đến khi tôi đủ tuổi học lớp 1 thì bố mẹ tôi vào làm kinh tế mới ở một vùng sâu hơn nữa, hai anh em tôi cứ thế sống và chẳng có cơ hội học hành gì.

Mãi sau đó, khi bố đưa tôi về thăm ông bà nội ở Hà Tĩnh, ông bà đề nghị để tôi ở lại và thế là tôi mới được đi học trở lại. Năm đó tôi lớp 3 và ở cùng ông bà đến khi học đại học.

- Chắc ông bà cũng nghèo như bố mẹ?

- Nếu ở với bố mẹ, suốt ngày ăn ngô sắn thì ở với ông bà, suốt ngày ăn khoai. Bữa nào cũng khoai và cà, chỉ có một chén cơm bé xíu. Và chúng tôi đã tính toán phải ăn khoai, cà trước cho no bụng, rồi ăn cơm sau cùng. Vì ăn khoai, cà sẽ bị chua cổ, ăn cơm cuối cùng để đè cái chua xuống. Chính vì tôi từng sống như thế nên khi trở thành bác sĩ, thật sự tôi luôn chú ý nhiều hơn tới những bệnh nhân nghèo. 

Cùng ngồi một dãy chờ khám, thấy những người lặng lẽ ngồi một góc, thân cô thế cô, tôi lại thường để ý nhiều hơn. Về nguyên tắc nghề nghiệp, bệnh nhân nào cũng phải như nhau và bệnh nhân nào nặng hơn thì phải khám chữa trước. Nhưng về mặt cảm xúc, phải nói thật là tôi vẫn luôn chú ý hơn tới những người bệnh mà tôi thấy là yếm thế.

- Suốt hơn một giờ nói chuyện với anh, tôi chợt thấy nhiều góc ở con người anh quá: Một tuổi thơ nghèo khó, một thời sinh viên nghị lực, một bác sĩ đồng cảm với người nghèo và cũng là một bác sĩ rất "hot" trên Facebook. Tôi biết có rất nhiều người thần tượng anh. Vậy ngược lại, anh có thần tượng ai không?

- Tôi không đặc biệt thần tượng ai cả. Tôi đọc cuốn sách "nghĩ giàu làm giàu" và thấy tác giả viết một ý rằng cứ cuối tuần là ông ấy ngồi giao ban, nói chuyện với những người thành công ở các thời đại khác nhau. Trong mỗi buổi giao ban như thế, ông ấy thường ngồi ở ghế chủ tọa. 

Có nghĩa là ông ấy đọc sách và tận dụng được những giá trị của sách. Tôi cũng là một người thích đọc sách. Khi đọc, tôi thường cầm một cái bút và cuốn sổ để gạch đầu dòng xem có những ý tưởng nào từ sách mà mình áp dụng được vào cuộc sống không. Vì tôi nghĩ, nếu đọc sách mà không áp dụng được thì phí phạm lắm.

Ví dụ như cuốn sách về "lực hấp dẫn" nói rằng sống trong vũ trụ này, mỗi người là một mảnh ghép. Khi chúng ta phóng vào vũ trụ một ý nghĩ, một năng lượng như thế nào thì vũ trụ sẽ trả lại ta một năng lượng y như thế. Nếu bạn cứ suốt ngày bi quan thì năng lượng bạn nhận lại cũng sẽ bi quan. Còn nếu ta luôn lạc quan, hướng về phía trước thì sẽ nhận lại những nguồn năng lượng tươi tắn. 

Tôi luôn sống lạc quan và vì thế cũng thường xuyên gặp được những người lạc quan. Thi thoảng, nếu có gặp phải những mẫu người bi quan ủ rũ, tôi không cho phép mình gặp lại họ thêm lần nữa. Vấn đề ở đây không phải là tôi kiêu căng. Mình chẳng là gì cả để mà kiêu căng. Vấn đề đơn giản chỉ là mình có quyền chọn lựa.

- Xin chân thành cảm ơn anh!

Bác sĩ mà hom hem thì... chết dở!

- Đến thời điểm này, anh là một người rất thành công. Vậy điều nuối tiếc lớn nhất của anh là gì?

- Là khả năng ngoại ngữ. Bạn bè tôi hay hỏi nhau, độ hài lòng về cuộc sống của chúng ta bao điểm? Có người cho 10 điểm vì người ấy sống rất hạnh phúc. Còn thường thường là cho mình từ 7 đến 7,5 điểm. Riêng tôi, tôi nói với bạn bè là tôi được 8,5 điểm. Nếu ngoại ngữ của tôi tốt, tôi sẽ chấm cho tôi 9,5 điểm. 

Nói thật, cuộc sống hiện nay của tôi rất ổn nhưng chỉ trong khuôn khổ nước mình thôi. Chứ còn ra thế giới, với vốn ngoại ngữ như hiện tại, mình chưa thể nói với họ được mình là ai. Mình chưa thể là một công dân toàn cầu.

- Có câu rằng, bác sĩ chữa được bệnh cho người nhưng đôi khi không chữa được bệnh cho mình. Anh nghĩ thế nào?

- Tôi chưa nghĩ đến điều ấy. Nhưng tôi luôn nghĩ, mình là một bác sĩ, thì từ ăn uống, thể thao, đều phải duy trì một chế độ phù hợp để bệnh nhân nhìn vào đã thấy mình đầy sức sống. Chứ đi chữa bệnh cho người khác nhưng mình lại còi cọc, hom hem thì chết dở.

- (Cười...) Anh làm ở Khoa Phẫu thuật cột sống, không biết anh có đang thoái hóa đốt sống nào không nhỉ?

- (Cũng cười...) Có! Có! Nhưng đó là tổn thương tất yếu theo thời gian, theo lứa tuổi thôi. không tránh được...

Phan Đăng (thực hiện)
.
.