Trò chuyện với người "trong chăn" của ngành y tế
- Nhìn lại thị trường thuốc giả ở Việt Nam2
- Nhiều khuất tất cần làm rõ sau vụ nhập thuốc giả điều trị ung thư
- Hai giám đốc câu kết sản xuất thuốc giả chữa bệnh
Dưới sự điều hành của ông trong hơn một thập kỷ, Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nối truyền thống được gầy dựng từ những cái tên vào hàng huyền thoại trong ngành y Việt Nam: GS Tôn Thất Tùng, GS Hồ Đắc Di... trở thành một hình ảnh đầy tin cậy, một hình ảnh đàng hoàng, khác biệt trong khó khăn chung của ngành y.
Bằng kinh nghiệm hơn một thập kỷ đó, ông cũng có thể ngồi nói về ngành y hết ngày này qua ngày khác. Chúng tôi muốn tìm kiếm ở ông một tiếng nói từ “trong chăn”, một ý kiến tâm huyết và đủ uy tín để nhìn lại những tai tiếng xoay quanh ngành y tế.
Nhà báo Vũ Hân: Thưa ông, trong scandal mới nhất của ngành y tế là câu chuyện VN Pharma với hàng loạt nghi vấn của dư luận về thuốc thật - giả và những mối quan hệ đằng sau nó, ví dụ chuyện em chồng Bộ trưởng làm việc ở doanh nghiệp và nó đã vươn cánh tay rất rộng trong một thời gian ngắn; với kinh nghiệm của ông, một công ty dược có thể đàng hoàng mà lớn mạnh nhanh như vậy hay không?
PGS Nguyễn Tiến Quyết: Không thể nào trả lời câu này cho rạch ròi được. Tôi cũng không ở vị trí có thể trả lời câu hỏi đó một cách thỏa đáng. Chúng ta kết tội một người phải dựa trên bằng chứng. Nếu chiếu theo quy định, thì ở đây, luật pháp không cấm việc tôi làm Bộ trưởng Bộ Y tế thì em chồng tôi không được làm ở một hãng dược. Việc công ty đó lớn mạnh trong một thời gian ngắn cũng không nhất thiết do được Bộ trưởng nâng đỡ.
Tôi quan niệm, muốn làm gì cũng được, nhưng phải làm đúng với quy định của pháp luật. Còn làm sai thì phải trừng trị thôi. Kể cả em chồng Bộ trưởng làm trong đơn vị đó, bây giờ xảy ra sự việc ồn ào như vậy, gây tổn hại uy tín ngành y tế, thì cũng phải chờ cơ quan chức năng kết luận cụ thể, chứ tôi không kết luận vội vã cho bất kỳ ai.
PV: Hình ảnh của ngành y tế thời gian qua có một vài chuyện không hay, đơn cử như vụ tiêm vắc-xin làm chết trẻ; lùm xùm quanh giá thuốc, chất lượng thuốc; những tin đồn về nhóm lợi ích khủng khiếp trong ngành dược, và bây giờ là một vụ việc thuốc kém chất lượng được nhập khẩu. Vậy thì, theo ông, những việc đó chỉ mang tính sự vụ, như là một “tai nạn” hay là một mắt xích hé lộ những “tảng băng chìm” ghê gớm hơn trong ngành y tế?
PGS Nguyễn Tiến Quyết: Nếu bạn hỏi thế, tôi phải nói thế này: Không phải riêng Việt Nam, mà trên thế giới, ngành nào cũng có người rất tích cực, rất tốt; và ngành nào cũng có những “con sâu”. Nhà báo cũng thế và ngành y tế cũng thế thôi.
Cho nên, nhìn một việc gì cần nhìn cho thấu lý, đạt tình. Vì sự việc vừa rồi mà đánh giá cả ngành y tế bằng màu xám thì không đúng, làm cho những người đang hết mình vì bệnh nhân cảm thấy xót xa và chạnh lòng. Dân gian có một câu: “sảy chân thì có thể đỡ được, sảy miệng thì không thể đỡ được”, nên đừng vội vã quy chụp, đừng lấy hiện tượng mà quy cho bản chất.
Trong vụ VN Pharma, cũng có báo nói tiền “bôi trơn” lên đến hàng trăm tỷ đồng, chuyển lòng vòng ra nước ngoài rồi chuyển về để lót tay cho bác sỹ.
Chúng tôi ở trong ngành cũng đặt câu hỏi: Vậy thì lót tay ai? Việc đó cơ quan điều tra phải xem xét. Còn có những người là bác sỹ rất nổi tiếng, có chức sắc, nhưng cả đời không nhận đồng hoa hồng của hãng dược nào. Có hiện tượng bác sỹ kê đơn ăn hoa hồng không? Có! Có hiện tượng phải bôi trơn, để móc ngoặc, lợi ích nhóm không? Có! Nhưng tôi, tôi tin rằng không phải tất cả. Không phải là nhiều!
PV: Ý ông là hãy bắt những người phải chịu trách nhiệm trong phạm vi những gì mà họ gây ra, chứ không phải cả ngành y tế phải chịu trách nhiệm về việc đó?
PGS Nguyễn Tiến Quyết: Đúng! Để những người làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước dư luận. Kiểu tư duy quy chụp làm rất nhiều người chân chính trong ngành y bức xúc. Vụ việc này, tôi cho rằng đề nghị của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và quyết định của Thủ tướng thanh tra việc cấp phép của Cục Quản lý dược là rất đúng. Và ngành y tế chúng tôi cũng rất đồng tình. Chúng tôi cũng mong các con sâu như vậy bị phát hiện.
PV: Bệnh viện Việt Đức dưới sự điều hành của ông đã đấu thầu thuốc rất bài bản, và nhiều người cho rằng nó đã làm thay đổi nhận thức của ngành y về đấu thầu thuốc. Vậy với kinh nghiệm của ông, đấu thầu thuốc với cơ chế hiện nay có nhiều dư địa cho việc gian lận, quân xanh quân đỏ, bôi trơn, lót tay hay không? Và những người trong cuộc có dễ dàng làm những việc mờ ám, đi đêm với các hãng dược không?
PGS Nguyễn Tiến Quyết: Trong xã hội vận hành theo cơ chế thị trường, sẽ có những việc đó xảy ra. Nhưng nếu người làm mà có tâm, làm quyết liệt, đúng trách nhiệm thì sai trái không thể thâm nhập vào.
Tôi vẫn cứ nghĩ là như thế. Ở Bệnh viện Việt Đức, trong đấu thầu thuốc, đấu thầu trang thiết bị... công khai, minh bạch và quyết liệt được đặt lên hàng đầu. Tôi nói thật, như tôi, nghề chính là nghề bác sỹ phẫu thuật, nên tôi kém về phẫu thuật, về chữa bệnh thì xã hội có thể cười tôi; chứ còn về tài chính, về xây dựng cơ bản, làm sao tôi bằng chuyên gia trong lĩnh vực đó được?
Cho nên, khi xây dựng quy trình đấu thầu phải thông qua hội đồng khoa học. Những bác sỹ trực tiếp làm sẽ đề xuất loại thuốc mà họ cần dùng. Tôi không thể hiểu được thuốc chữa thần kinh, thuốc về hồi sức, về tim mạch bằng các chuyên gia trong lĩnh vực đó. Trách nhiệm của tôi chỉ là phải tập hợp được đội ngũ chuyên gia đó để họ đưa lên. Nếu thấy đúng thì tôi duyệt, sai thì tôi ách lại.
PV: Có bao giờ ông dùng quyền lực giám đốc của mình để có quyết định khác so với hội đồng?
PGS Nguyễn Tiến Quyết: Tôi không bao giờ có quyết định khác, bởi vì tôi có hiểu được chuyên môn như họ đâu.
PV: Các hãng dược có tiếp cận ông để ông có quyết định khác không?
PGS Nguyễn Tiến Quyết: Tôi nói thật là có. Tuy nhiên, tôi đã nói rồi, tôi không phải người lựa chọn mà hội đồng lựa chọn. Nếu họ làm và tôi thấy hợp lý thì tôi không bao giờ có quyết định khác. Khi đó, tôi có một dược sỹ chuyên môn rất giỏi, là con nhà nòi về dược ở trong hội đồng đấu thầu. Tôi giao cho anh ấy cùng Trưởng khoa Dược chịu trách nhiệm về lựa chọn thuốc.
Trước khi nhận lời, anh ấy hỏi tôi: “Khi hội đồng đã lựa chọn, ông có thay đổi không?”. Tôi bảo: “Không bao giờ!”. Và anh ấy đồng ý làm việc với tôi. Tất nhiên, tôi giữ lời hứa đó. Sau này, cũng có ý định bổ nhiệm anh ấy làm Phó khoa Dược. Anh ấy bảo: “Thêm trách nhiệm, phải được cái gì tôi mới làm, chứ làm thẳng ra, chả được cái gì, tôi chả làm”. Chối phắt ngay! Chúng tôi gọi là “quyết không bôi mỡ cho kiến nó bâu”.
PV: Như ông nói, phải chăng sự nghiêm ngắn của quá trình đấu thầu thuốc vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào sự tử tế của cá nhân người thực hiện; còn cơ chế, quy định vẫn có cái cho người ta lợi dụng?
PGS Nguyễn Tiến Quyết: Trong cơ chế vẫn còn những kẽ hở. Tất nhiên, người ta quy định như thế để đại bộ phận dựa vào đó làm cho minh bạch, nhưng không phải anh thực hiện chi li như quy định là đúng. Dù vậy, nếu có cái sai, quá trình làm anh sẽ biết. Bản thân anh là người đứng đầu, anh hãy làm hết cái tâm, hết trách nhiệm của mình để ngăn chặn những cái không đáng có xảy ra.
PV: Con người phải là nhân tố cuối cùng chốt chặn, bịt lấp kẽ hở, chứ không phải đào bới nó thêm ra?
PGS Nguyễn Tiến Quyết: Đúng như vậy. Có pháp luật nào mà lường hết được những sự việc xảy ra. Không có một hệ thống cơ chế nào mà không có sơ hở. Tôi lấy ví dụ thế này, Chỉ thị 01 trước đây về dược quy định đưa vào một chỉ số chung, rồi cứ thuốc nào giá thấp nhất là trúng thầu.
Tôi cho rằng như vậy không đúng. Phải đưa về một mặt bằng chuẩn về kỹ thuật, rồi mới đến giá. Quan điểm của tôi là hàng tốt, giá hợp lý thì mới là chuẩn, chứ hàng rất tốt mà giá rẻ là phải nghi ngờ. Đặc biệt về thuốc men cần phải hết sức nghiêm túc, bởi vì đó là cái sống - cái chết của con người. Anh không làm nghiêm túc là anh có tội.
PV: Điều hành một bệnh viện lớn, đầu ngành, hẳn ông hiểu hơn ai hết hoa hồng của đấu thầu thuốc và thiết bị y tế là không nhỏ. Việc từ chối các khoản lợi không nhỏ đó có khó không?
PGS Nguyễn Tiến Quyết: Hoa hồng đấu thầu thuốc men, trang thiết bị y tế đúng là rất lớn, lương không thể bì được. Tôi phải nói thật là tôi cũng có những đối tượng tiếp cận. Nhưng tôi bảo tôi không làm việc đó. Đây có hội đồng có ông A, bà B, ông C này, tôi chỉ là người xem xét cuối cùng và tôi có lời hứa không thay đổi khi hội đồng quyết định. Nếu hội đồng bảo chọn thuốc A, mà tôi chọn thuốc B, thì hội đồng họ biết tôi có vấn đề ngay. Mà tôi bị khinh bỉ ngay. Nên tôi không làm việc ấy. Quản lý trí thức có cái khó. Phải quản lý bằng cái tâm, chứ không phải bằng mệnh lệnh.
PV: Với cá nhân ông, cái gì giúp ông vượt qua các mối lợi, vượt qua chính mình?
PGS Nguyễn Tiến Quyết: Tiếng tăm của mình, uy tín của mình hơn rất nhiều so với tiền bạc. Và ai làm được việc đó đồng nghiệp người ta biết, cấp dưới người ta biết, xã hội biết. Và ít nhất, trời biết, đất biết, chính tôi biết.
PV: Trả lời trước báo chí về lý do lọt thuốc giả của công ty ma do VN Pharma “sáng tạo” ra, dù đã qua hội đồng nhiều bác sỹ, dược sỹ đầu ngành; lãnh đạo Bộ Y tế nói: Do hồ sơ, giấy tờ được làm giả rất tinh vi, mà hội đồng chỉ có chuyên môn về thuốc, không thể phát hiện ra. Theo kinh nghiệm của ông, nếu tổ chức hội đồng như hiện nay thì thuốc giả có dễ lọt sàng không?
PGS Nguyễn Tiến Quyết: Có thể lọt dễ dàng. Bỏ ngoài chuyện tiêu cực đi, tới đây Thanh tra Chính phủ sẽ kết luận, chỉ làm đàng hoàng, vẫn lọt. Ngồi hội đồng thì chỉ biết thư ký báo cáo lên thành phần thuốc thế này, nơi này sản xuất, có tất tật mọi yêu cầu... tức là xem xét chất lượng trên giấy, thì tôi có là giáo sư ngồi hội đồng tôi cũng cho qua.
Vụ việc này cũng để lại một bài học cảnh tỉnh cho chúng ta, phải mang thuốc về kiểm nghiệm, phải kiểm tra chéo sang Canada xem có công ty đó tồn tại không, còn cứ soi giấy tờ thì lọt hết. Nếu đúng theo văn bản, quy định thì thuốc này là thuốc kém chất lượng chứ không phải thuốc giả, nhưng hậu quả thì như nhau, điều trị không thể khỏi bệnh.
PV: Một số lô kháng sinh của VN Pharma cũng đã kịp lọt vào các bệnh viện lớn. Việt Đức đã bao giờ được chào mời mua thuốc của doanh nghiệp này?
PGS Nguyễn Tiến Quyết: Nếu tôi nhớ không nhầm thì năm 2009, 2010, ở đây cũng mua mấy trăm ống kháng sinh, nhưng không mua thẳng của VN Pharma mà qua Công ty Đại Kim làm đại lý. Nhưng số thuốc đó là thuốc đúng, không nằm trong 7 lô kháng sinh kia.
PV: Dư luận nhiều năm nay luôn cho là thị trường dược của Việt Nam nhóm lợi ích vô cùng khủng khiếp. Đó có phải là thực tế không?
PGS Nguyễn Tiến Quyết: Tôi cho là không sai. Dường như Chính phủ cũng đang có những động thái thiết lập lại. Nếu quyết tâm, thì làm được. Trước hết mình phải trong sạch cái đã.
Tôi cho rằng, để quản lý tốt hơn, đề nghị nhà nước độc quyền những loại thuốc đặc biệt: thuốc gây mê hồi sức, thuốc ung thư, tim mạch... Còn đại bộ phận những thuốc thông thường, cho theo thị trường. Tất cả các doanh nghiệp đều được nhập, bệnh viện đấu thầu, thuốc ai tốt, giá cả hợp lý thì người ta mua.
PV: Vì chúng ta quản lý cả những loại thuốc thông thường, nên lại thành ra có gì đó cho người ta xin, tạo cái cớ để phát sinh tiêu cực. Nhưng bỏ qua cái lợi ích đó có quá khó không?
PGS Nguyễn Tiến Quyết: Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu có nói rồi: Bỏ cái “cu” đi là rất khó, tức là cái quyền ấy.
PV: Người ta nói “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Với góc nhìn của người “ở trong chăn”, ông thấy ngành y tế tích cực nhiều hơn hay tiêu cực nhiều hơn?
PGS Nguyễn Tiến Quyết: Không phải tôi ở trong ngành mà tôi bênh vực, nhưng ngành y có rất nhiều người tích cực, còn cái tiêu cực chỉ là con sâu bỏ rầu nồi canh thôi. Những người đó, nếu pháp luật tìm được thì phải trừng trị.
PV: Tuy nhiên, với tư cách cá nhân, trải nghiệm của một người ở bệnh viện dường như ít “ngọt ngào”, nhiều “cay đắng”. Vậy thì, thực trạng đó, theo ông, có bao nhiêu % do tiêu cực chủ quan của ngành y tế, và bao nhiêu % do hoàn cảnh khách quan?
PGS Nguyễn Tiến Quyết: Tôi xin nói luôn, trong lúc này, những người làm bác sỹ trị bệnh cứu người cũng có rất nhiều bức xúc. Bức xúc đầu tiên là người ta nỗ lực như thế, nhưng có những lúc không được xã hội công nhận. Như trên mạng có đưa clip 1 bác sỹ và 1 điều dưỡng bị 1 chủ doanh nghiệp tát dúi tát dụi, nhưng người ta không phản ứng, vì trên mình người ta khoác áo blouse trắng để cứu người. Nếu tôi không khoác trên người cái áo ấy, tôi phản ứng lại ngay.
Hoặc là, người bác sỹ chưa được mang hết tột cùng khả năng của người ta ra để cứu người, bởi có rất nhiều ràng buộc. Tôi muốn dùng thuốc này, như thế tốt hơn cho bệnh nhân, nhưng tôi không được cho, vì quy định. Lúc này, rất nhiều người cảm thấy áp lực, bức xúc. Chính vì thế mới có chuyện 1 lúc 18, 19 bác sỹ xin nghỉ việc ở bệnh viện công để ra ngoài làm.
Bản thân tôi cũng đã phải trải nghiệm rồi. Chúng ta sợ lạm dụng kháng sinh là đúng, quy định các loại kháng sinh đặc biệt là phải có dấu sao, phải có hội đồng thẩm định mới được sử dụng. Nhưng cái đó chỉ đúng với những bác sỹ còn non nghề hoặc lợi dụng thôi.
Khoảng năm 2009-2010, trong 1 tháng, có 3 bệnh nhân tôi trực tiếp mổ: một bệnh nhân vỡ gan, mổ ở tuyến cuối người ta đặt gạc nhưng chảy máu, có mủ, phải lên Bệnh viện Việt Đức mổ lại; một bệnh nhân thủng ruột, cũng mổ 2 lần rồi nhưng không thành công; một bệnh nhân bị cắt lá lách, cũng mổ thất bại ở tuyến dưới. Tôi quyết định dùng loại kháng sinh cao nhất. Làm ngay! Cả 3 bệnh nhân đều khỏi, nhưng bảo hiểm từ chối thanh toán, vì tôi sử dụng mà không có hội chẩn.
Bệnh nhân cấp cứu, tôi mổ giữa đêm thế này, mà tôi là người chịu trách nhiệm cao nhất ở đây, tôi phải hội chẩn à? Tôi bực lắm, nên đi chỗ nào tôi cũng bêu. Quy định như thế là để áp dụng với mổ phiên, hay cấp thấp thôi, còn tôi là người chịu trách nhiệm cao nhất, là người có chuyên môn thì quyết định của tôi phải có giá trị chứ.
Khi tôi làm Phó Giám đốc Bệnh viện, tôi nghĩ 10, tôi làm được 1. Khi tôi làm Giám đốc, nghĩ 10, tôi làm được 2-3. Tôi phải nói rằng có những thứ quy định giằng níu chúng ta rất nhiều, nếu bỏ đi được thì bệnh nhân bớt khổ.
PV: Những năm trước, khi mà tệ phong bì ở đỉnh điểm, bị lên án mạnh mẽ nhất, ông đã từng nói rằng: Trả lương quá thấp khiến người ta méo mó. Vậy bây giờ vấn đề đã được giải quyết chưa và tệ phong bì đã hết hành người bệnh?
PGS Nguyễn Tiến Quyết: Nạn phong bì, phong bao rất bức xúc cách đây khoảng chục năm, cũng xuất phát từ kinh tế thị trường, ngành nào cũng len lỏi chuyện ấy. Nhưng mà phong bì, tôi tin là không nhiều, vài trăm nghìn, cứ lặp đi lặp lại cũng là một việc động chạm đến tự ái của bác sỹ. Người ta có sung sướng gì đâu khi nhận những đồng tiền đó. Hãy tạo điều kiện hết mức để người ta cống hiến, để có đồng lương nuôi gia đình, thì cái phong bì chẳng đáng gì cả.
Còn nói về điều dưỡng, lương ban đầu được hơn 2 phẩy, thu nhập được khoảng hơn 3 triệu đồng. Người ta chăm sóc bệnh nhân, thay băng cho bệnh nhân hằng ngày, có khi người ta không đòi hỏi, nhưng bệnh nhân vẫn đưa.
Dần dần, ông này có tiền cho, bà kia không có, sinh ra bất bình đẳng, cũng có người tinh thần thái độ không tốt. Nên phải làm gì đó để người làm việc có đồng lương thỏa đáng. Người ta cũng là con người mà. Có những người bảo tôi là giờ lương tôi được 8-9 triệu rồi, tôi chả dại gì lấy những đồng tiền mặn mòi của người bệnh.
PV: Với cá nhân tôi, có 2 nghề tôi không làm được: Thứ nhất là nghề coi ngục, thứ hai là nghề bác sỹ, vì phải tiếp xúc với con người ta trong thời điểm đáy của cuộc đời họ, lúc người ta khổ đau, bi kịch nhất. Bởi vậy, tôi có sự ngưỡng mộ với những người theo đuổi nghề nghiệp này. Theo ông, cái gì làm cho 1 người chọn nghề y, khi mà đầu vào rất cao, học hành rất khổ sở, môi trường làm việc rất áp lực...?
PGS Nguyễn Tiến Quyết: Nghề y là một nghề cao quý, thật sự là cao quý và nếu ở các nước phát triển, thì bác sỹ sung sướng lắm. Nghề y phải chọn những người có IQ rất cao, học hành nghiêm túc, chăm chỉ, siêng năng nhất.
Nếu như ngay từ đầu mọi người đã biết điều đó, tôi nghĩ rất nhiều người không chọn. Như con tôi, học hành rất được, tôi quyết định nó phải học ngành y, nó vâng vâng dạ dạ, nhưng mà nó không học. Khi nó trượt Đại học Y rồi, nó bảo với tôi: “Nghề của bố khổ như thế, con vào làm gì?”.
Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị đã quy định nghề y là một nghề đặc biệt, hưởng đãi ngộ đặc biệt. Nhưng mà trên thực tế, đãi ngộ chưa đặc biệt. Học 6 năm ra trường, mức lương khởi điểm cũng bằng người học 4 năm. Ngành y bây giờ, nếu anh học hành tử tế, giỏi đi, bệnh viện tư người ta thấy trình độ anh khá, người ta mời về, thì anh sống tốt. Còn khung lương nhà nước thì chưa ổn.
PV: Như vậy, khu vực công có mất đi bác sỹ giỏi?
PGS Nguyễn Tiến Quyết: Có chứ! Nhưng mà thôi, đâu cũng là phục vụ nhân dân. Có điều, bệnh viện tư không bao giờ có 100.000 đồng/giường bệnh/ngày cả, vì người ta bỏ tiền ra đầu tư, chứ không phải tiền ngân sách.
PV: Cho nên việc mất bác sỹ giỏi ở bệnh viện công cũng là thiệt thòi cho người bệnh, đặc biệt là người nghèo?
PGS Nguyễn Tiến Quyết: Đúng! Cho nên, chúng ta phải tính đến sự công bằng giữa công và tư, nếu không khu vực công sẽ ngày càng yếu và người nghèo sẽ càng thiệt thòi.
PV: Người ta hay đổ tội cho cơ chế, nhưng trong một hoàn cảnh chung như nhau, tất cả đều bơi chung trong một cái ao, thì Bệnh viện Việt Đức nổi lên rất khác biệt, cả về tinh thần, thái độ, chuyên môn, cả về cơ sở vật chất. Vậy thì cơ chế có đúng là “tội đồ” không, hay do con người chúng ta?
PGS Nguyễn Tiến Quyết: Bệnh viện công có một số nơi xây dựng từ trước, nên còn chắp vá. Việt Đức cũng ở trong tình trạng đó. Để được đến ngày nay cũng khổ lắm.
Năm 2004, Bệnh viện Việt Đức có 430 giường bệnh, cũng nằm ghép, bẩn thỉu, nhếch nhác. Nhưng mà chúng tôi quyết tâm vượt lên chính mình, và cơ chế xã hội hóa cũng hỗ trợ rất lớn. Nhưng mà phải là xã hội hóa đàng hoàng nhé. Nếu là xã hội hóa bị lợi dụng thì vừa làm khổ bệnh nhân, vừa làm giàu cho những ông có quyền chức. Bây giờ, chúng tôi có 1.500 giường bệnh. Riêng cái nhà này là chúng tôi vay vốn của VDB để làm, Nhà nước cũng cho một phần.
Thậm chí, bệnh nhân sau khi khỏi bệnh cũng quay lại cho tiền, nhưng không cho tôi, mà cho khoa để làm lại nội thất. Con dao ghép gan cũng là anh ấy cho. Ca ghép gan đầu tiên, chúng tôi phải đi mượn dao. Tới đây anh ấy sẽ tặng một con dao siêu âm nữa. Tức là các bệnh nhân cũng đóng góp cho khoa không ít.
Tôi cũng tự hào là những người làm ở Bệnh viện Việt Đức, cả bác sỹ, cả điều dưỡng, đều có trình độ chuyên môn rất tuyệt vời. Điều làm tôi xúc động nhất là khi chúng tôi cấp cứu thất bại một cháu bé bị tai nạn giao thông, trong hoàn cảnh đau thương của gia đình, bà cháu vẫn nói: “Vào Việt Đức mà không cứu được cháu thì gia đình chúng tôi cũng không có gì ân hận”.
Gia đình cháu biết rằng chúng tôi là chuyên môn đầu ngành, và trên tất cả, chúng tôi đã làm hết khả năng. Có những điều ngoài tầm với, mặc dù Bệnh viện Việt Đức có những con người tận tâm, và có máy móc, thiết bị tuyệt vời. Có rất nhiều bệnh, trước đây chắc chắn là chết, bây giờ chúng tôi cứu sống được. Nếu có bệnh nhân chết não hiến tạng, chúng tôi có thể lập tức triển khai 4 bàn, 2 bàn ghép thận, 1 bàn ghép tim, 1 bàn ghép gan, không phải nhờ vả chuyên gia thế giới nào.
PV: Tôi nghe nói, Bệnh viện Việt Đức cũng phải rất chật vật để triển khai đề tài này?
PGS Nguyễn Tiến Quyết: Năm 2010, Bộ Y tế phân cho Bệnh viện Việt Đức đề tài cấp nhà nước là ghép gan, ghép thận từ người chết não, còn phân cho bệnh viện khác đề tài ghép tim. Thế thì có tức mình không? Mãi mới thuyết phục được 1 gia đình người chết não hiến tạng, người ta cũng phải vượt qua biết bao nhiêu khó khăn, ghép được gan với 2 cái thận, tim thì không được ghép. Tôi tức quá, lên báo cáo Bộ Y tế.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lúc đó đang là Thứ trưởng phụ trách khoa học, bảo: Thế anh chuẩn bị đi, tôi đồng ý. Tôi về cho làm hồ sơ ngay, nhưng chưa kịp gửi Bộ, thì có bệnh nhân chết não, tôi quyết định ghép luôn. Mọi người cũng lo lắng, nếu có sự cố gì thì là vấn đề rất lớn.
Nhưng trong đầu tôi, tôi chắc chắn 1 triệu % là thành công. Tôi bảo cứ làm đi, tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn. Cuối cùng là thành công. Bây giờ, cả nước thực hiện được 19 ca ghép tim thì Việt Đức thực hiện 15 ca.
PV: Nhân ông nhắc về Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trong 2 nhiệm kỳ của Bộ trưởng, ngành y tế có nhiều sự cố và Bộ trưởng cũng phải đương đầu với nhiều sóng gió. Theo ông, trong đó có bao nhiêu % do sự điều hành của cá nhân Bộ trưởng, và bao nhiêu % từ khách quan?
PGS Nguyễn Tiến Quyết: Với cái nhìn của người trong ngành, và bây giờ tôi cũng nghỉ hưu rồi, tôi không có lý do gì phải nói trái với lương tâm để vừa lòng ai, nhưng Bộ trưởng Tiến là người có tâm, cũng rất quyết liệt, rất cố gắng, tích cực để thay đổi ngành y, nhưng chưa được như ý muốn.
Nhân vô thập toàn, khía cạnh nào cũng có thể chỉ ra được lý do. Tôi cho rằng, đánh giá phải nhìn vào cái chung - trong tất cả mọi việc, chứ không riêng gì trường hợp của Bộ trưởng Tiến. Hãy xem người ta đã cố gắng thế nào, hãy nhìn đa chiều, đừng vì sự kiện mà đánh giá bản chất.
PV: Tôi thấy rằng, mặc dù lúc ban đầu ông nói ngành y làm được nhiều hơn là không được, nhưng qua cuộc nói chuyện, vẫn còn rất nhiều tiếng thở dài, và thậm chí những điểm “nhạy cảm” mà ông chưa muốn đề cập đến. Nếu nói lại một cách công bằng, ngành y Việt Nam đã làm được những gì?
PGS Nguyễn Tiến Quyết: Ngành y Việt Nam làm được rất nhiều việc. Trong khám chữa bệnh, chúng ta đã chữa được rất nhiều bệnh hiểm nghèo. Trong phòng bệnh cũng rất tốt, trong khi đầu tư thì rất hạn hẹp, bảo hiểm có 30 USD/đầu người/năm. Các chỉ tiêu về y tế của Liên Hiệp Quốc, WHO quy định, chúng ta đều vượt.
Thế giới ghép gan 10 tiếng, chúng tôi chỉ ghép 7-8 tiếng, mà dụng cụ chẳng có gì nhiều. Thế giới họ có máy quay làm đá lạnh tại chỗ, chúng tôi phải làm đá trước rồi đập thùm thụp cho nó vụn ra, thế nhưng vẫn làm được. Cái mà ngành y không làm được thì cũng dần dần bộc lộ. Còn nhiều vấn đề chứ, chúng tôi ở trong ngành, chúng tôi rành hơn bất cứ ai. Nhưng các ngành khác cũng vậy thôi.
Dù có qua thêm bao thời gian nữa, bao thế hệ nữa, vẫn sẽ có những điểm chúng ta chưa hài lòng. Chúng ta sẽ nói vào nhược điểm ngành y vào một ngày khác. Quan điểm của tôi là nhà đang cháy, không thêm mồi lửa, vì đó là những việc nói té tát ngay bây giờ, bằng cái đầu nóng, cũng không giải quyết được gì.
PV: Xin cảm ơn ông!