Tiến sĩ Ngô Tự Lập – Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp Ngữ (IFI): Khủng hoảng giáo dục Việt Nam là khủng hoảng của phát triển
- Thiếu triết lý giáo dục như thể thiếu bộ định vị khi đi đường
- Giáo dục Việt Nam có thực sự vượt Mỹ, Australia?
Năm 2016, Viện Quốc tế Pháp ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tuyển được 28 học viên sau đại học đến từ 15 quốc gia khác nhau - đủ để tự hào mình là tổ chức “xuất khẩu giáo dục thành công nhất hiện nay”.
Ông Ngô Tự Lập - Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ đã chia sẻ tham vọng xuất khẩu loại hàng hóa cao cấp nhất - tri thức, cho rằng đó không phải là một giấc mơ ngông cuồng, phi hiện thực; vấn đề chỉ là cách làm.
PV: Tôi được nghe nói rằng, các ông có tham vọng xuất khẩu giáo dục, và Viện Quốc tế Pháp ngữ là một “địa chỉ hàng đầu về xuất khẩu giáo dục” hiện nay. Điều này nghe qua có vẻ ngược đời, bởi hằng năm, rất nhiều sinh viên Việt Nam phải tìm cách ra nước ngoài học tập, nhất là đại học và sau đại học?
Ông Ngô Tự Lập: Năm 2016, không phải là năm đầu tiên Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) có học viên quốc tế, nhưng đó là năm đặc biệt, vì có tới 25 trong số 28 học viên mới là học viên người nước ngoài. Họ đến từ 15 quốc gia khác nhau. Xin nói rõ, đây là học viên đến học để nhận bằng thạc sĩ công nghệ thông tin, chứ không là sinh viên trao đổi thông thường.
Có thể nói, chúng tôi đã lần đầu tiên thực sự thành công trong việc “xuất khẩu” sản phẩm giáo dục của mình.
Xuất khẩu giáo dục vẫn còn rất mới mẻ đối với Việt Nam, mà đấy là điều rất đáng buồn. Tôi xin lưu ý rằng chúng ta đã từng có một nền giáo dục phát triển hơn rất nhiều so với Malaysia, Singapore.
Trường đại học hiện đại đích thực đầu tiên của Việt Nam thành lập từ năm 1906, trong khi đến tận năm 1961, khi Singapore rời khỏi Liên hiệp Malaysia, hai nước này mới có chung một trường cao đẳng với hai phân hiệu - một ở Kuala Lumpur và một ở Singapore. Hai phân hiệu này sau đó phát triển thành hai trường Đại học Quốc gia của Singapore và Malaysia.
Năm 1975, Malaysia mới vẻn vẹn có 5 trường đại học, trong khi riêng miền Bắc của chúng ta đã có 36 trường, miền Nam có hơn một chục trường đại học đa ngành kiểu Mỹ. Tóm lại, chúng ta đã vượt họ rất xa.
Nhưng đến năm 2000, Malaysia có 700 trường đại học và cao đẳng. Và chúng ta bị tụt lại, không phải chỉ về số lượng, mà cả chất lượng. Đầu những năm 2000, chúng ta bắt đầu phải nhập khẩu giáo dục từ Malaysia. Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi tôi từng làm việc, cũng phải liên kết với đại học HELP, một trường đại học tư thục còn rất trẻ Malaysia.
Hằng năm, người Việt Nam bỏ ra hàng tỷ đô la để học đại học nước ngoài, trong đó có các nước láng giềng như Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines. Chúng ta chảy máu tiền tệ, chất xám, và có thể nói là chảy máu cả lòng tin về giáo dục nữa. Rất buồn, vì chúng ta có rất nhiều người tài, chúng ta có rất nhiều hoài bão. Vậy thì phải làm gì?
Khi được giao phụ trách IFI, tháng 6 năm 2016, tôi nhận thấy ngay rằng IFI có tiềm năng rất lớn, mặc dù khi đó việc tuyển sinh rất khó khăn, kể cả tuyển sinh trong nước cũng khó.
Các chương trình của IFI đều có chất lượng quốc tế. Hai chương trình đào tạo thạc sỹ công nghệ thông tin của chúng tôi là hai chương trình đầu tiên và đến nay vẫn là duy nhất của Việt Nam được công nhận có chất lượng quốc tế bởi Tổ chức Đại học Pháp ngữ với hơn 800 thành viên. Thế là chúng tôi quyết định phải xuất khẩu chương trình này.
Để làm điều đó, cần phải thay đổi cách truyền thông. Nhưng trước hết, phải nghiên cứu các đối tượng tuyển sinh. Tôi thấy rằng ở châu Phi là một thị trường rất lớn, rất có tiềm năng đối với các chương trình dạy bằng tiếng Pháp. Ý tưởng này đã được hiện thực hóa nhanh chóng.
Năm 2016, chúng tôi nhận được hơn 300 hồ sơ và tuyển được 28 học viên. Thành công này ngay lập tức biến IFI thành một tổ chức có tính quốc tế hóa cao hạng nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Từ năm 2017, chúng tôi có một đề án, gọi là đề án I-20-20, với mục tiêu là mỗi năm tuyển được tối thiểu 20 sinh viên nước ngoài đến từ 20 quốc gia. Tôi cho rằng đó là một kế hoạch có tính khả thi cao. Riêng năm nay, kế hoạch của chúng tôi là tuyển từ 35-40 học viên quốc tế.
PV: Điểm hấp dẫn của giáo dục Việt Nam là gì, có phải giá rẻ, chi phí thấp không?
Ông Ngô Tự Lập: Chi phí chưa chắc đã thấp và chi phí thấp cũng chưa chắc đã là rẻ. Bới chi phí phải nằm trong mối tương quan với chất lượng. Điều quan trọng nhất là tấm bằng và kiến thức mà người học nhận được phải có giá trị thực sự, phải được quốc tế công nhận. Nhiều học viên của chúng tôi hiện đang là giảng viên tại các trường đại học ở châu Phi hoặc Haiti (châu Mỹ).
Chúng tôi cũng đã từng có học viên của Thái Lan, Lào, Campuchia và các nước châu Âu. Sự thiếu vắng học viên châu Âu hiện nay không phải do chất lượng, mà chủ yếu vì những khó khăn về thủ tục. Vấn đề này chúng tôi đang giải quyết. Chúng tôi hoàn toàn có thể tiếp nhận học viên đến từ các quốc gia phát triển như Canada, Thụy Sỹ, Pháp...
Dĩ nhiên, bên cạnh chất lượng, học phí cũng quan trọng. Hiện nay chúng tôi thu học phí 75 triệu đồng/2 năm. Với các học viên châu Phi, nếu tính đến tiền vé máy bay, học phí này không phải là thấp. Tuy nhiên, chúng tôi có cân nhắc đến trình độ kinh tế của các nước châu Phi. Cần phải cố gắng giữ học phí ở mức vừa phải để chương trình thêm hấp dẫn. Thời gian đầu, khi chương trình còn mới mẻ, chúng tôi cũng gặp những khó khăn nhất định.
PV: Chúng ta có lợi thế nào để thu hút các học viên từ nước ngoài?
Ông Ngô Tự Lập: Ngoài chất lượng quốc tế, IFI còn được hưởng hai lợi thế rất lớn. Trước hết, đó là uy tín của Việt Nam đối với các nước hậu thuộc địa trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc. Thứ hai là thành công của công cuộc đổi mới khiến bạn bè hâm mộ.
Việt Nam trước đây là một biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc, đặc biệt đối với các nước cựu thuộc địa của Pháp. Tôi đã gặp và nói chuyện với nhiều bè bạn châu Phi, rất nhiều người nhắc đến Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp với lòng tôn kính.
Nhân tiện, tôi cũng xin nói thêm rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người có công lớn trong việc hình thành ý tưởng lập Viện Tin học Pháp ngữ, tiền thân của IFI. Điều này thể hiện không chỉ tầm ảnh hưởng mà cả tầm nhìn chiến lược của ông.
Ông Michel Mouyssinat, Giám đốc đầu tiên của IFI kể lại, khi Viện thông báo tuyển sinh thạc sĩ công nghệ thông tin khóa 1, người ta có cảm tưởng đó là chuyện viễn tưởng, bởi lẽ ở thời điểm đó, Hà Nội thường xuyên mất điện, đường phố chưa hề có đèn giao thông, điện thoại là thứ chỉ có trong phim ảnh, và tuyệt đại đa số người dân Việt Nam không hình dung được cái máy tính có hình dạng ra sao.
Những thành tựu phát triển của Việt Nam trong mấy chục năm qua cũng gây ấn tượng mạnh với bạn bè quốc tế. Sự hiện diện của các công ty công nghệ của Việt Nam ở châu Phi như Viettel và FPT cũng là một sự quảng bá gián tiếp cho IFI và giáo dục Việt Nam. Tất nhiên, chúng ta có rất nhiều vấn đề, từ môi trường đến đạo đức, nhưng đó là những vấn đề của sự phát triển mà chúng ta sẽ phải nỗ lực nhiều để xử lý để tiếp tục phát triển đất nước.
Anh bạn tôi, một tiến sĩ công nghệ thông tin người Togo, hiện sống tại Paris, cho rằng trong số các nước cựu thuộc địa Pháp, Việt Nam là một trong vài nước ít ỏi thực sự trở thành độc lập và đang thành công trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cũng có người thiếu thông tin. Một học việc của tôi kể lại, khi anh nhận được giấy báo trúng tuyển chương trình thạc sĩ công nghệ thông tin của IFI, cả gia đình anh đã xúm lại khuyên can.
Họ bảo: “Đừng đi, họ lừa đảo đấy. Việt Nam nghèo hơn cả nước mình, làm sao mà dạy công nghệ thông tin được”. Sau khi tìm hiểu trên Internet, anh ta quyết định sang Hà Nội và choáng: “Không ngờ Việt Nam phát triển nhanh chóng đến mức ấy!”.
PV: Như vậy, thị trường tiềm năng của chúng ta sẽ là các nước có nền giáo dục kém phát triển hơn?
Ông Ngô Tự Lập: Không, chúng ta có cả tiềm năng xuất khẩu giáo dục tới những nước có trình độ phát triển tương đương hoặc cao hơn với chúng ta, bởi vì ngoài kiến thức, du học còn đem đến những giá trị khác, như văn hóa, ngoại ngữ, tính quốc tế, và cả những trải nghiệm mới lạ nữa. Đối với các sinh viện tốt nghiệp ngành tiếng Pháp tại các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, học cao học và tiến sĩ tại IFI cũng là một lựa chọn không tồi.
Với tư cách là thành viên lớn nhất của Cộng đồng Pháp ngữ châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam có thế mạnh không thể phủ nhận. Xin nhắc lại rằng các chương trình của IFI được hơn 800 thành viên của Tổ chức Đại học Pháp ngữ công nhận.
PV: Như ông nói, sự khó khăn của IFI trong việc tuyển sinh trong nước đã khiến ông đưa ra sang kiến tuyển sinh quốc tế và thành công. Nhưng liệu đây có phải chỉ là giải pháp trong ngắn hạn, mang tính chất thử nghiệm để giúp IFI tồn tại, sống sót, hơn là một mô hình có thể nhân rộng? Vì IFI được thừa hưởng danh tiếng và một chương trình được công nhận rộng rãi trên thế giới - lợi thế mà các trường đại học “thuần” Việt Nam không có? Hay ông hi vọng những bước khởi đầu của IFI sẽ truyền cảm hứng cho những trường có chất lượng đào tạo tốt khác?
Ông Ngô Tự Lập: Rất nhiều thành tựu vĩ đại mới đầu chỉ là những sáng kiến tình thế. Chúng ta có câu “Cái khó bó cái khôn” nhưng cũng có câu khác: “Cái khó làm ló cái khôn”.
Trong điện ảnh chẳng hạn, trường phái Montage của Liên Xô ra đời do những khó khăn về phim và thiết bị. Nhưng tôi không nghĩ đây chỉ là giải pháp tình thế cứu IFI. Việt Nam đã và sẽ có ngày càng nhiều chương trình tốt chứ. Tôi nghĩ mọi việc sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào cách làm.
PV: Ông có nghĩ xuất khẩu giáo dục là giấc mơ ngông cuồng không, khi giáo dục Việt Nam đang gây nhiều tranh luận và có nhiều tai tiếng?
Ông Ngô Tự Lập: Khá nhiều người sẽ nghĩ như vậy. Nhưng đây không phải giấc mơ do tôi nghĩ ra. Quốc hội, Chính phủ đã từng bàn đến. Đúng là giáo dục của chúng ta đang có nhiều vấn đề thật, nhưng không thể phủ nhận mấy chục năm vừa rồi chúng ta cũng có rất nhiều thành tựu.
Từ một đất nước hơn 90% dân số mù chữ, chúng ta xóa mù chữ thành công trong một thời gian ngắn và trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn thiếu thốn. Sự phổ cập giáo dục cũng là thành tựu lớn khác.
Tôi nhớ, khi tôi học lớp 1, cô giáo tôi mới học hết lớp 4. Khi tôi học lớp 5, cô giáo tôi mới tốt nghiệp hệ 7+2. Khi tôi học lớp 8, hệ 10 năm, cô giáo chủ nhiệm của tôi mới tốt nghiệp 10+3. Bây giờ, ở các trường mẫu giáo đã có nhiều cô giáo có bằng thạc sỹ. Cũng có người sẽ nghi ngờ trình độ thực của những cô giáo có bằng thạc sỹ, nhưng không thể nói là trình độ của họ kém hơn so với trước.
Rõ ràng, về mặt diện chúng ta đã thành công. Những cả tầm cao dân trí, chúng ta cũng thấy đã được nâng lên rất nhiều rồi. Trình độ giáo viên cao hơn, trình độ cha mẹ học sinh cũng cao hơn. Bây giờ chúng ta còn không chấp nhận giáo dục chất lượng thấp, chính vì người đi học và bố mẹ người đi học đều trình độ cao hơn.
Như vậy, khủng hoảng giáo dục có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân quan trọng, đó chính là thành công của chúng ta trong phát triển giáo dục. Đây là khủng hoảng, nhưng là khủng hoảng phát triển.
Vậy gốc của khủng hoảng nằm ở chỗ nào? Tôi đã từng thảo luận một số lần về vấn đề này. Trước hết, giáo dục đã không thích ứng kịp với những thay đổi trong xã hội và kinh tế.
Kinh tế Việt Nam đã chuyển từ tập trung, bao cấp sang vận dụng các quy luật của thị trường, nhưng giáo dục vẫn bị kẹt giữa hai quan niệm: Một là giáo dục như là hoạt động mang tính công ích, và thứ hai giáo dục tuân theo quy luật thị trường. Chúng ta vẫn đang tranh cãi, đang ngập ngừng giữa các mô hình khác nhau: một nền giáo dục công ích, một nền giáo dục doanh nghiệp.
Thứ hai, chúng ta điều hành nền giáo dục mà thiếu sự nghiên cứu thấu đáo những thay đổi mang tính bản chất của nó. Đại học hiện đại ra đời từ ý tưởng của các nhà Khai sáng, trong đó đặc biệt là Imanuel Kant - nhà triết học người Đức.
Trong cuốn sách kinh điển Xung đột giữa các khoa, ông phân tích cấu trúc và sự vận hành của trường đại học thời Trung cổ. Lý do là những khoa được gọi là “thượng khoa”, tức là những khoa được coi là quan trọng, đều nhằm đào tạo những thần dân, những người phục vụ. Thần học đào tạo người phục vụ nhà thờ, y học - đào tạo người lao động có sức khỏe, và luật học đào tạo người phục vụ nhà vua.
Trong khi đó khoa triết học, hay các khoa xã hội nhân văn theo cách gọi ngày nay, bị coi là “hạ khoa”, vì chỉ giúp con người hiểu biết, chỉ có vai trò khai sáng mà thôi. Vì thế, ông cho rằng về bản chất đó là trường nghề.
Ở Việt Nam, thời phong kiến, có các trường đại học theo tinh thần Khổng giáo cũng có bản chất dạy nghề như vậy, vì mục đích chính là đào tạo người làm quan, phục vụ nhà nước. Nói bằng ngôn ngữ hiện đại, thì đó là những trường hành chính công.
Trường đại học hiện đại ra đời với ý tưởng của Kant, và đó là đi học khai sáng, với khoa triết học là trung tâm. Mục đích của nó là đào tạo con người tự do, tức là con người có khả năng sử dụng lý trí một cách độc lập. Nhưng đến cuối thế kỷ XX xuất hiện sự gắn kết giữa sản xuất với đại học. Đại học không chỉ đào tạo ra người lao động hay có vai trò khai sáng, mà tham gia vào chính quá trình sản xuất.
Trong nền kinh tế tri thức, công đoạn sáng tạo tri thức nằm trong trường đại học. Đại học gắn kết với và trở thành một phần của quá trình sản xuất, kinh doanh: Các giáo sư đại học nghiên cứu ra các công nghệ mới, còn các nhà máy chỉ ứng dụng, nhân bản những thành tựu ấy mà thôi. Đó chính là lý do xuất hiện các trường đại học nghiên cứu.
Khi xã hội phát triển cao, ta còn thấy xuất hiện nhu cầu đi học mà không có mục đích để xin việc. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, có đến 70% phụ nữ, trong đó có người có bằng tiến sỹ, nhưng không đi làm. Ngay cả ở Việt Nam, một số người đã có bằng cấp vẫn đi học chỉ để tự hoàn thiện, để thỏa mãn nhu cầu phát triển cá nhân, tức là nhu cầu làm đẹp về mặt trí tuệ, về mặt tinh thần.
Từ xưa, chúng ta đã thấy có nhu cầu làm đẹp thân thể. Đầu tiên chỉ phụ nữ giàu có mới làm đẹp, sau đó mọi phụ nữ đều có nhu cầu làm đẹp. Dần dần, cả nam giới cũng làm đẹp. Tôi gọi đó là thẩm mỹ thân thể.
Với sự phát triển của xã hội, người ta có nhu cầu làm đẹp về trí tuệ, về tinh thần. Tôi gọi đó là thẩm mỹ trí tuệ. Đại học ngày nay có cả chức năng đáp ứng nhu cầu ấy nữa chứ. Đối với những người đi học vì mục đích thẩm mỹ trí tuệ, rõ ràng người ta phải trả tiền. Đó là một thứ kinh doanh, giống như là kinh doanh. Kinh doanh mỹ phẩm trí tuệ thì cũng giống như kinh doanh mỹ phẩm thân thể.
Cũng vậy, nếu anh đi học để kiếm việc làm, thì anh phải trả tiền. Nhưng theo tôi, nhà nước phải có trách nhiệm bao cấp cho mục đích khai sáng của đại học.
Tất nhiên, chúng ta phải tính đến mức độ: sinh viên những trường đại học có tính hướng nghiệp cao vẫn cần được đào tạo ở mức nào đấy để được khai sáng. Nếu phân tích một cách thấu đáo những thay đổi của đại học hiện nay, chúng có thể kết hợp một cách hài hòa các mô hình đại học có lợi nhuận và không lợi nhuận, vụ lợi và bất vụ lợi.
PV: Theo ông, điều gì quyết định chất lượng giáo dục đại học?
Ông Ngô Tự Lập: Tôi nghĩ, hai yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng đại học là thư viện và người thầy. Thư viện là bộ não, là linh hồn của đại học, còn người thầy là người gây cảm hứng học tập và người hướng dẫn trí tuệ. Nếu không có một thư viện tốt, chúng ta không thể có một trường đại học đàng hoàng.
Ở Mỹ, các trường đại học đều có thư viện rất lớn. Nhưng số lượng sách cụ thể ở đó cũng không quan trọng lắm, vì họ có hệ thống thư viện liên bang. Khi tôi học ở Illinois State University, tức là đã khá lâu rồi, muốn tìm một đầu sách, tôi chỉ cần lên mạng của thư viện nhà trường, lập tức tôi biết những thư viện nào trong cả nước Mỹ đang có cuốn đó, cuốn nào đã có người mượn rồi, cuốn nào còn có thể mượn.
Sau khi nhập yêu cầu, vài ngày sau tôi sẽ nhận được thông báo qua email là cuốn sách muốn mượn đã đến thư viện nhà trường, và tôi đến mượn về. Nguồn tư liệu không lồ như thế cho phép người ta có thể tìm được ngay tất cả những gì quan trọng mà nhân loại từng viết ra trên khắp thế giới.
Chẳng hạn, nếu ai đó nghiên cứu về chè, anh hay chị ta chỉ cần bỏ ra vài ba tháng đọc, anh hay chị đã có thể nắm được hầu như tất cả những gì nhân loại đã viết về chè. Tiếp đó, nếu anh hay chị muốn viết gì thêm, đóng góp thêm, anh hay chị đã có hiểu biết của những chuyên gia hàng đầu, thực sự đứng trên vai những người khổng lồ.
Chỉ có như thế, chất lượng giáo dục đại học mới có thể ở đỉnh cao thế giới. Tiếc là phần lớn các thư viện đại học của ta rất ít tài liệu, thường xuyên đóng cửa sớm. Tôi nhắc lại, không có thư viện tốt, không thể có trường đại học tốt được.
Ảnh: Nguyễn Hoàng Lâm. |
PV: Và cũng không thể có một nhà nghiên cứu tốt? Những người có trí tuệ hàng đầu cũng sẽ gặp khó khăn với hệ thống tư liệu của Việt Nam?
Ông Ngô Tự Lập: Đúng như vậy. Nhưng phải thay đổi hoàn toàn cách nghĩ của chúng ta. Tôi có một người bạn, trước đây học ở Mỹ, rất nhiều hoài bão. Chị ấy cùng với chồng đã lập ra tổ chức, xin được rất nhiều sách, đóng cả container gửi về Việt Nam.
Khi đó tôi xin cho Khoa Quốc tế khoảng 8.000 cuốn, còn lại hai vợ chồng người bạn đem đến tặng các trường đại học. Nhưng rất đáng buồn là nhiều trường không nhận với lý do không có chỗ chứa. Việc nhập sách về đã khó rồi, phải qua không biết bao nhiêu công đoạn, nhưng việc tặng sách còn khó hơn. Đấy là vấn đề.
Tôi nghĩ, chúng ta phải bắt đầu từ ý thức về tầm quan trọng của thư viện, bắt đầu từ các ông bà hiệu trưởng của các trường đại học. Chúng ta có thiếu tiền, những chắc cũng không thiếu tiền mua sách.
PV: Ông nghĩ gì về chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam?
Ông Ngô Tự Lập: Một vấn đề lớn của xã hội Việt Nam, không chỉ riêng trong đào tạo tiến sỹ, là bệnh hình thức. Người Việt chúng ta thường quan tâm đến cái danh, cái chứng chỉ mà không quan tâm đến cái thực.
Chẳng hạn, các em sinh viên thường chỉ quan tâm đến điểm, đến bằng cấp mà không quan tâm đến kiến thức. Đi học mà chỉ quan tâm đến bằng cấp thì có khác gì đi ăn hàng chỉ quan tâm đến cái giấy thanh toán mà không quan tâm đến thực phẩm và cách ăn.
Để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, ai cũng biết, cần chú ý cả ba công đoạn: đầu vào, quá trình đào tạo và đánh giá. Để có ứng viên tốt, tôi nghĩ rằng chỉ một đề cương tốt, được bảo vệ thành công trước hội đồng. Điều đó cho thấy ứng viên có nền tảng kiến thức tốt và phương pháp tốt.
Với các ngành khoa học xã hội và nhân văn, do phải tra cứu nhiều tài liệu bằng ngoại ngữ, tôi cho rằng cần phải có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, còn với các ngành khoa học tự nhiên, yêu cầu ngoại ngữ có thể thấp hơn nhưng phải có bài công bố quốc tế.
PV: Nhưng vấn đề là chúng ta cũng đang có một hội đồng được đào tạo lên bởi các tiêu chí, nên họ sẽ lại chấm tiêu chí, chứ không phải thực chất.
Ông Ngô Tự Lập: Muốn có thực chất, thì phải công khai tên người hướng dẫn, tên đề tài trước khi bảo vệ, công khai nhận xét của hội đồng trên mạng. Luận án sau khi bảo vệ cũng phải công khai trên mạng. Nếu tất cả mọi thứ minh bạch, chân dung người hướng dẫn cũng như các thành viên hội đồng bảo vệ sẽ rất rõ. Khi đó, áp lực của xã hội sẽ buộc họ làm việc thực chất.
PV: Theo ông, nếu có chừng 50 năm như Singapore, Việt Nam có thể có trường đại học hàng đầu thế giới như Đại học Quốc gia Singapore hiện nay?
Ông Ngô Tự Lập: Thực ra ranking chỉ là một tiêu chí để tham khảo thôi. Chúng ta không nên chạy theo ranking. Khi bạn có con, bạn muốn con bạn giỏi và ngoan hay muốn con bạn có danh hiệu, thứ hạng?
PV: Tôi nghĩ để ý đến ranking cũng xuất phát từ những mong muốn chính đáng là phải có gì đó cụ thể hóa mục tiêu.
Ông Ngô Tự Lập: Đúng, nhưng đó là tư duy chạy theo những dấu hiệu bề ngoài. Hiện nay, không chỉ giáo dục mà cả xã hội chúng ta có xu hướng chạy theo các tiêu chí hình thức.
Ví dụ, chị có thể dịch cả một cuốn sách triết học lớn, kèm theo một bài giới thiệu công phu, chị vẫn không được tính là có công trình khoa học. Nhưng người khác đọc cuốn sách chị dịch, dựa theo bài giới thiệu của chị để viết ra một bài báo chắp vá sơ sài đăng trên tạp chí thì lại được tính là công trình khoa học. Tôi không hoàn toàn phủ nhận ranking, đó cũng là một thứ để quan tâm, nhưng chỉ dựa vào đó để đánh giá thì rất là phiến diện.
PV: Hiện nay xã hội có vẻ nuối tiếc một thế hệ trí thức đời đầu được đào tạo dưới nền giáo dục Pháp ngày xưa. Hẫng một thời gian, gần đây chúng ta lại có những cái tên Việt Nam có giá trị quốc tế như Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn - nhưng họ cũng trưởng thành dưới nền giáo dục (đại học và sau đại học) ở phương Tây. Điều này có phải là một minh chứng về chất lượng giáo dục của Việt Nam?
Ông Ngô Tự Lập: Đầu thế kỷ 20, lần đầu tiên chúng ta có được thế hệ trí thức rất xuất sắc, kết hợp được cả tinh hoa văn hóa Đông - Tây. Những người tham gia cách mạng lúc đó cũng do những con người xuất sắc đó lãnh đạo. Các thế hệ sau đó khó có thể theo kịp.
Ở trên, tôi có ca ngợi thành công của giáo dục Việt Nam về diện, nhưng chưa phải về chất. Hiện chúng ta rất nhiều người có bằng cấp nhưng lại ít trí thức, một phần vì ngày xưa là giáo dục tinh hoa, người rất xuất sắc mới đi học, còn ngày nay là giáo dục đại chúng.
PV: Nhắc về những cá nhân tinh hoa người Việt mới xuất hiện, không chỉ học ở nước ngoài, họ còn làm việc ở nước ngoài. Từ những cá nhân này, nhiều người lại đặt ra vấn đề chảy máu chất xám. Một số cho rằng như vậy đất nước mất cơ hội hưng thịnh, vì những con người tinh hoa nhất không trở về. Có những ý kiến lại cho rằng thà để người ta ở đó để phát triển, cống hiến cho nhân loại còn hơn về và mai một, chẳng cống hiến cho ai. Quan điểm của ông thế nào?
Ông Ngô Tự Lập: Rõ ràng có những lĩnh vực người ta buộc phải đi. Ví dụ chị giỏi về khoa học vũ trụ, ở trong nước không có chỗ cho chị. Như anh Đàm Thanh Sơn hay Ngô Bảo Châu cũng thế, họ nghiên cứu những thứ cao siêu, nhưng ở Việt Nam không có đất dụng võ.
Còn trong nhiều lĩnh vực khác, có nhiều người xuất sắc về nước đấy chứ, đặc biệt là những người nghiên cứu khoa học xã hội và những nhà kinh doanh. Tôi nghĩ, chúng ta không nên quá lo. Người ta ở lại nước ngoài vì nhiều lý do, và không phải tất cả những người học ở nước ngoài đều là nhân tài. Những người thực sự xuất sắc rất nên về nước, vì khó khăn nhiều nhưng cơ hội còn nhiều hơn.
PV: Nghiên cứu công bố của Ngân hàng Phát triển châu Á nhiều năm nay cho rằng 10% trí thức Việt Nam ở lại các nước OECD, chấp nhận những công việc thấp hơn khả năng của họ. Cơ chế lương bổng trong nước cũng chính là một vấn đề.
Ông Ngô Tự Lập: Những người thực sự giỏi người ta không ở hay đi vì tiền đâu. Người ta cần sống một cuộc sống có thể làm những việc có ý nghĩa. Tôi nghĩ những người cứ so đo về chuyện lương bổng thì cũng bình thường thôi.
PV: Tôi thì cho rằng cũng có một số ít người vượt qua tất cả, vì họ muốn làm những việc có ý nghĩa, tức là những người có tư tưởng. Nhưng mà muốn thu hút đa số người đi học, kể cả những bạn không phải rất giỏi, nhưng sẽ có đóng góp, thì phải có cơ chế phù hợp.
Ông Ngô Tự Lập: Nếu anh giỏi về kinh doanh, về nước anh sẽ có nhiều cơ hội, vì Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng, mở ra nhiều cơ hội. Chị biết rõ đấy, cơ hội luôn đi kèm rủi ro. Ở nước ngoài kiếm tiền không dễ đâu. Ở Việt Nam, nếu thực sự có năng lực, thì ngay cả giáo viên và nhà nghiên cứu có có thể có cuộc sống tương đối tốt, kiếm vài chục triệu một tháng không khó lắm.
Kinh tế Việt Nam còn yếu, nên những người không phải xuất sắc, muốn ổn định ngay, làm việc lương cao, người ta không về đâu. Ở nước ngoài, xin được việc làm lương vài nghìn đô la một tháng ngay nhưng đó là lương thấp. Ở Việt Nam, phải xuất sắc mới có được lương nghìn đô, nhưng một nghìn đô la ở Việt Nam có thể sống không tồi.
Những người thực sự xuất sắc thì không cần lo không có việc. Viện tôi chẳng hạn, chúng tôi rất muốn tuyển người, nhưng không dễ tuyển. Người đến xin việc thì rất nhiều, nhưng người đáp ứng được yêu cầu thì hiếm.
PV: Tóm lại, ông có thấy chảy máu chất xám là một vấn đề với Việt Nam, hay thôi họ muốn đi cứ để họ đi?
Ông Ngô Tự Lập: Tôi nghĩ là họ biết họ nên ở đâu. Đó là một quyền hết sức cơ bản của con người. Nếu anh thấy về nhà anh thể hiện được thì anh về, còn ở nước ngoài tốt hơn thì anh ở lại. Đó là chuyện bình thường.
PV: Nếu nhìn ở khía cạnh cá nhân, chúng ta sẽ thấy kệ họ, ở đâu cuộc sống tốt hơn thì họ ở đó. Nhưng với tư duy quản lý, hẳn là phải tìm cách để kéo những nhân lực chất lượng cao đó trở về?
Ông Ngô Tự Lập: Tôi cho rằng phần lớn những người ở lại cũng là những người bình thường, trừ một số người cực kỳ xuất sắc, vì lĩnh vực của họ rất khó có nơi cống hiến trong nước. Những người xuất sắc thường về nước.
PV: Có thể quan điểm này sẽ gây tranh cãi, nhưng tranh cãi cũng là một cách để chúng ta tìm đến chân lý. Xin cảm ơn ông!