Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào: Sống giữa đô thị lộn xộn con người dễ lộn xộn theo!

Thứ Tư, 29/08/2018, 08:24
Từ rất lâu rồi tôi đã tò mò muốn biết, một người như anh sẽ có cảm giác thế nào khi hằng ngày hằng giờ vẫn phóng xe đi trong một đô thị vẫn bị phê phán là lộn xộn?

Anh đã đạt rất nhiều giải thưởng uy tín quốc tế và là một trong hiếm hoi những kiến trúc sư (KTS) Việt Nam đang ngồi ở "chiếu trên" của đời sống kiến trúc thế giới đương đại. 

Nhưng, cuộc đối thoại giữa tôi và anh không khởi đi từ những điều vĩ mô, to tát như thế, mà lại từ những điều thật giản dị. Bởi vì quan sát anh, từ rất lâu rồi tôi đã tò mò muốn biết, một người như anh sẽ có cảm giác thế nào khi hằng ngày hằng giờ vẫn phóng xe đi trong một đô thị vẫn bị phê phán là lộn xộn?

Hà Nội từng có một bộ mặt đầy cuốn hút

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa KTS Hoàng Thúc Hào, tôi muốn hỏi anh một câu rất đơn giản thế này: vào mỗi buổi sáng, khi lái xe từ nhà đến nơi làm việc, cảm giác của anh về đường phố Hà Nội thế nào?

- KTS Hoàng Thúc Hào: Đường từ nhà đến trường Xây dựng và văn phòng kiến trúc của tôi trải từ dốc Thanh Niên, qua Hồ Tây, qua Văn Miếu... Đi trên những con đường ấy, nhiều lúc tôi chợt giật mình vì Hà Nội vẫn còn những góc đẹp quá. Nhưng rồi lại nghĩ, đáng nhẽ phải đẹp hơn thế, đẹp vô cùng.

- Ai sống ở Hà Nội cũng biết, cung đường đi làm của anh là một cung đường lãng mạn, nhưng những cung đường khác thì sao? Là KTS, chắc chắn anh có quan sát của riêng mình chứ?

- Cung đường tôi vừa kể đúng là một trong những tuyến đường đẹp nhất thành phố. Những cung đường khác, đặc biệt là đường mới mở thì tôi thấy nó chả có cá tính gì cả. 

Đi trên những phố mới với nhiều chung cư cao tầng, đôi khi tôi thấy Hà Nội giống giống Bangkok, lại giống giống Kuala Lumpur, rồi lại giống giống Quảng Châu... Nó cứ có cái gì đó trơ khấc, thiếu thân thiện.

- Anh vừa nói đến hai chữ "cá tính". Hai chữ ấy khiến tôi muốn lật lại quá khứ để hỏi anh rằng, đã bao giờ Hà Nội của chúng ta có một cá tính kiến trúc thực sự chưa?

- Hà Nội rất nhiều mặt nước và rất nhiều làng trong đô thị, từ làng hoa, làng đồng, làng gốm... Những làng nghề lại xen kẽ với hệ thống kiến trúc cổ như hoàng thành, như đình, chùa, miếu mạo, đê sông Hồng. Quá đẹp đi chứ!

Đến khi người Pháp vào, họ dựng đô thị theo cấu trúc ô bàn cờ, đặt hồ Gươm làm trung tâm. Cấu trúc ô bàn cờ của phương Tây rất mạch lạc, từ đó hình thành các trục phố chính như trục Ba Đình, trục Lý Thường Kiệt, trục Tràng Tiền. 

Đi kèm các trục chính, có những công trình điểm nhấn: Phủ Toàn quyền, Nhà hát Lớn, Đại học Dược, cầu Long Biên... Hình thái đô thị kỷ hà phương Tây đã song hành cả trăm năm với cấu trúc tự nhiên, tự do phương Đông, làm nên sức cuốn hút riêng cho Hà Nội.

- Nghĩa là mọi thứ được kiến thiết một cách rất tường minh?

- Nhưng kể từ hòa bình lập lại, rồi đổi mới, chúng ta làm đô thị thì nó cứ lung tung, manh mún, thiếu nhất quán. Một hình thái đô thị vừa tôn trọng hình thái tự nhiên cũ của Hà Nội, vừa kế thừa kiến trúc Pháp chưa được phát huy. 

Thay vào đó, chúng ta làm ra cái thứ ngôn ngữ đô thị chả ra kiểu gì, nào là nhà ống, nào là nhà chia lô thô thiển, rồi đến những chung cư hình hộp rập khuôn liên tiếp chồi lên...

- Vậy là chúng ta có thể yên tâm nói rằng, đô thị của chúng ta đã từng có một cá tính, chẳng qua là bây giờ cái sắc thái ấy dần mất đi thôi?

- Càng ngày nó càng mất đi! Nhưng anh ạ, tôi nhớ có người nói “Hà Nội đẹp đến mức mà cày xới nó như thế, nó vẫn đẹp”. Tức là nó vẫn sở hữu một hệ thống mặt nước đủ lớn, vẫn còn lại những tài nguyên, những góc mà thi thoảng đi qua chúng ta trầm trồ.

- Có đô thị nào ở Việt Nam hoặc trên thế giới mà khi đi trong nó, một KTS như anh có cảm giác khoan khoái, hạnh phúc thật sự không?

- Khu phố cổ Hà Nội và Hội An! Nhưng là Hội An trước đây, chứ gần đây bắt đầu dở đi rồi, vì nhiều dự án được phê duyệt, khiến nó trở nên quá tải.

Không thể áp dụng máy móc nguyên lý phương Tây

- Bây giờ mình nói một vấn đề khái quát hơn, đó là câu chuyện triết lý kiến trúc. Theo anh, trong cái xã hội hiện đại ngột ngạt thời 4.0 này, phải có một triết lý kiến trúc thế nào để giúp con người thoải mái, an lành nhất?

- To như đô thị, nhỏ như một quán ăn thì mục tiêu tối cao cũng là phục vụ con người. Muốn thế, nó phải đáp ứng tất cả nhu cầu cơ bản của con người. 

Một thành phố tốt thì các khu vực con người sống, định cư phải tốt. Thế nào là tốt? Là đảm bảo về mặt sức khỏe cho cư dân, sức khỏe vật lý và sức khỏe tinh thần, an ninh, ít bụi, ít tiếng ồn... Thứ hai là cái mạch máu trong đô thị, hệ thống giao thông, hạ tầng kĩ thuật và xã hội phải đồng bộ. Rồi các điểm nhấn đô thị nữa. 

Ở nước ngoài, những tòa tháp, hay những gác chuông nhà thờ cao vút... chính là điểm nhấn. Mà tất cả những điểm nhấn - những biểu tượng đô thị này phải được hiển lộ ra. 

Ví dụ tôi nói từ nãy rằng đặc trưng của Hà Nội là hệ mặt nước với rất nhiều sông, hồ, ao. Thế thì hệ thống mặt nước ấy, chứ chưa chắc những tòa nhà chọc trời, mới thích hợp là điểm nhấn của Thủ đô chúng ta.

- Anh có thể nói rõ hơn, với hệ mặt nước như vậy, chúng ta tạo những điểm nhấn bằng cách nào?

- Mặt nước và những không gian xung quanh mặt nước phải được chú ý. Mình sẽ tiếp cận, tiến vào mặt nước như thế nào? Giữa mặt nước và kiến trúc bao quanh tương tác ra sao? Cái khoảng trống, khoảng xanh ven mặt nước lan rộng ra xung quanh được không? Nghĩ thế là sáng sủa ngay thôi.

- Nhưng có vẻ chúng ta chưa thực sự muốn nghĩ thế, hoặc đã cố nghĩ như thế nhưng chưa làm được?

- (Cười...) Vì mình thường đặt những lợi ích ngắn hạn lên trên.

- Nếu chúng ta sống trong một đô thị mà mỗi khi nhìn sang hai bên đường chúng ta thấy cái nhà này nhô lên một tý, cái nhà kia thụt vào một tý, cái nhà này kiến trúc Tàu, cái nhà kia lại kiến trúc Tây thì xét về mặt tâm lý, liệu chúng ta có bị ảnh hưởng gì không nhỉ?

- Thì chúng ta rất dễ bị stress. Nhưng điều đó không đáng sợ bằng việc sống lâu trong sự lộn xộn, chúng ta sẽ hành xử lộn xộn. Cái thứ virus ấy nó lây vào thói quen, vào hành vi chúng ta, và làm nảy sinh trong ta một năng lực mới, đó là năng lực thích ứng với cái lộn xộn. 

Nhà ống và xe máy đấy, xe máy rúc vào cái nhà rất nhanh, xe máy lượn ở trong phố, trong hẻm ngoằn ngoèo rất nhanh. Cuộc sống từ đó cũng cứ bị chộp giật hóa, du kích hóa thế nào ấy. Mà kiến trúc du kích của mình rất rõ. Nhà ngoi lên tí, vỉa hè lấn ra tí, nhà cao hơn ông bên cạnh một tí, ban công đua ra nhà bên cạnh một tí... 

Và việc quản lý cũng du kích luôn, như “chiến dịch làm sạch vỉa hè” chẳng hạn, vào chiến dịch thì làm rất mạnh, hết chiến dịch gần như xịt luôn.

- Con người tạo nên kiến trúc nhưng khi kiến trúc đủ bền vững nó sẽ ảnh hưởng ngược trở lại đời sống con người, tâm lý con người, tính cách con người?

- Chắc chắn! Ở trong một thành phố kiến trúc lộn xộn, hành vi chúng ta dễ bị lộn xộn theo. Và ngược lại, ở trong những thành phố trật tự, ngăn nắp, chúng ta muốn lộn xộn cũng khó.

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào cùng Sir Peter Cook - Chủ tịch Ban giám khảo Liên hoan Kiến trúc thế giới.

Hạnh phúc nằm ở sự dấn thân

- Tôi có nghe anh nói đâu đó cái triết lý “kiến trúc hạnh phúc” thì phải?

- Đúng! Đấy là triết lý chúng tôi đang xây dựng. Anh biết, xu thế toàn cầu hóa đem đến nhiều cái lợi, nhưng mặt trái của nó làm mất đi sự đa dạng bản sắc. 

Thế nên bộ mặt đô thị Bangkok, TP Hồ Chí Minh, Singapore, Hong Kong, Dubai... cũng na ná nhau cả. Rồi ngay như ở Việt Nam, chúng ta có những dân tộc ít người như Tày, Nùng, Mường, Dao, Êđê, Chăm... quá khứ từng có đặc sắc riêng, song bây giờ nhìn lại, chúng ta thấy bản sắc kiến trúc của họ được tiếp biến chưa? Vẫn gìn giữ phát huy hay mai một hết?

Dân kiến trúc bao giờ cũng phải học môn lịch sử kiến trúc, thấy rõ các trào lưu kiến trúc lan từ châu Âu ra thế giới. Xin nhấn mạnh là từ châu Âu lan ra. Hiếm một trào lưu kiến trúc nào lan từ châu Á, có chăng cũng chỉ dừng ở mức độ tham khảo thôi, rằng kiến trúc Ấn Độ thế này, kiến trúc Trung Hoa thế kia... 

Thế nên dân kiến trúc bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những nguyên lý sáng tạo châu Âu. Nhưng châu Âu không phải toàn bộ thế giới. Khi chúng ta thiết kế một công trình nào đó cho người Mường, người Nùng, người Dao chẳng hạn thì nhất định phải tìm cách làm toát lên hồn cốt của từng cộng đồng ấy, chứ không thể cứ mang những nguyên lý ảnh hưởng châu Âu áp vào một cách máy móc.

- Như thế mới giúp từng cộng đồng người nói riêng đạt được hạnh phúc thực sự trong không gian sinh tồn của họ! Và anh thấy khi vào trong những công trình cộng đồng các anh thiết kế, người dân nơi ấy thực sự hạnh phúc chứ?

- Họ yêu và gần gũi với những ngôi nhà ấy.

- Anh có thể kể một kỷ niệm cụ thể không?

- Chúng tôi đã làm cái nhà cộng đồng tường trình cho người Dao ở Nậm Đăm - Quản Bạ để quảng bá du lịch. Điểm nhấn là mái vếch xiên hình cánh én, cảm hứng từ câu chuyện chim én thường làm tổ thân thiện ngay dưới mái nhà dân trong bản. 

Giờ cả làng tăng thu nhập nhưng tăng thu nhập quá lại nguy, bởi rất có thể người ta đánh mất mình. Sợ nhất một ngày nó lại giống như Sa Pa bây giờ. 

Trở lại khái niệm "kiến trúc hạnh phúc", tôi nghĩ khi KTS dấn thân bảo vệ sự đa dạng văn hóa của từng vùng, đặc biệt những vùng thiểu số, yếm thế, giúp người dân ở đó hạnh phúc hơn thì xét cho cùng, chính KTS sẽ hạnh phúc. Mà nó là một dạng hạnh phúc bền vững.

- Chứ không phải hạnh phúc nhất thời?

- Những nhà nghiên cứu tâm lý tổng kết, đời người tóm lại có 3 mảng lớn: Mảng thứ nhất là cái ở bên ngoài con người như gia đình, xuất thân, bối cảnh. Cái này chi phối việc con người chịu tác động như thế nào từ ông bà, bố mẹ rồi thành phố, đất nước mình sinh sống. 

Mảng thứ hai là cái bên trong, là bộ gene con người khó thay đổi, nó quy định một người hướng nội hay hướng ngoại, thiên về logic hay nhạy cảm nghệ thuật. Mảng thứ ba, quyết định nhất là hành động có chủ ý của con người, là ý chí, hoạt động hướng thượng trong dài hạn của đời người. 

Chính mảng thứ ba này mới xác lập và gia giảm hàm lượng hạnh phúc bền vững của đời người. Riêng dân kiến trúc chúng tôi, thế giới toàn cầu hóa như thế, mất đi sự đa dạng như thế, người nghèo bị dạt ra những khu ổ chuột ven đô, những khu vực nông thôn ô nhiễm, thiếu nhân văn như thế..., nhưng chúng tôi vẫn hy vọng và đã chủ động từng bước tạo lập những không gian sống đích thực, giúp họ dần cảm thấy hạnh phúc trong không gian đó và rồi chính chúng tôi tự thân cũng cảm thấy hạnh phúc nơi bản thân mình.

- Từ khi nào cái triết lý "kiến trúc hạnh phúc" hình thành trong anh?

- Từ năm 1990 đến năm1994, tôi bắt đầu nghĩ giải pháp quy hoạch cải tạo làng gốm Bát Tràng thành làng nghề sinh thái. 2 năm sau, tôi thiết kế một quảng trường, xây trên nền nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). 

Từng có những người châu Phi, châu Âu, châu Mỹ, châu Á... bị giam giữ ở nhà tù này nhưng hòa bình rồi, ở đấy phải mang gương mặt khác. Ý tưởng của tôi khi đó là dỡ bức tường nhà tù ra, xếp lại trên mặt nước theo trật tự mới và đặt tên “Quảng trường Khoan dung”. 

2 năm sau, ý tưởng này đã đoạt giải trong một cuộc thi quốc tế. Có lẽ quá trình làm những cái như thế, triết lý "kiến trúc hạnh phúc" dần được ươm mầm và phát triển...

- Một quảng trường mang tên "Khoan dung" dựng trên nền một nhà tù cũ, đặt trong một thành phố "vì hòa bình", ý tưởng ấy hay quá. Nhưng anh Hào này, tại sao ý tưởng ấy không thành hiện thực?

- Thời điểm ấy đã có người gửi ý tưởng của tôi lên nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nhưng đấy lại là lúc chúng ta đã ký với nước ngoài chuẩn bị xây tòa Hà Nội Tower ở đó rồi, muộn mất rồi.

- Mà hình như anh cũng là kiến trúc sư của "Trung tâm hạnh phúc" ở Bhutan nữa thì phải?

- Chuyện thế này, năm 2008, Thủ tướng Bhutan thuyết trình quan điểm "chỉ số hạnh phúc" ở Liên Hiệp Quốc. Đại loại, trong khi phần lớn các nước trên thế giới nhấn mạnh đến những chỉ số phát triển kinh tế thì Bhutan lại nhấn mạnh chỉ số hạnh phúc. Từ đó mà Liên Hiệp Quốc đã khuyến khích Bhutan xây dựng và đệ trình quan điểm phát triển dựa trên tổng hạnh phúc quốc gia. 

Và ngày Liên Hiệp Quốc chính thức thông qua đề xuất của Bhutan được gọi là Ngày Hạnh phúc thế giới, 20 tháng 3 hằng năm. Sau đó Chính phủ Bhutan quyết định xây Trung tâm hạnh phúc ở vùng núi phía Bắc - một vùng rất nghèo và hẻo lánh. 

Họ thông báo tuyển chọn vị trí "giám đốc chương trình", nghĩa là tìm người xây dựng chương trình hoạt động cho trung tâm này. Hàng trăm hồ sơ khắp thế giới gửi đến và người được chọn sau cùng là ông Hà Vĩnh Thọ - một người Pháp gốc Việt.

Ông Thọ từng làm trưởng nhóm huấn luyện Hội Chữ thập đỏ thế giới, từng đi khắp các vùng chiến sự nóng bỏng như Palestine, Iraq..., là người chịu ảnh hưởng Phật giáo và cũng là bạn thân thiết với thiền sư Thích Nhất Hạnh. Có lẽ người Bhutan cho rằng một người có tư tưởng và giàu trải nghiệm như ông Thọ là thích hợp. 

Thông qua người bạn Việt Nam giới thiệu, ông Thọ và Giám đốc điều hành Trung tâm - tiến sĩ Saamdu đã xem những dự án cộng đồng dành cho đồng bào thiểu số của tôi trên internet, các ông ấy thích quá và mời tôi sang thiết kế. Khi tôi sang khảo sát khu vực còn rất hoang sơ, thấy cả vết chân gấu. Người ta dặn, nếu đang đi mà thấy gấu thì phải cúi người xuống sát đất tránh.

- Triết lý kiến trúc của trung tâm hạnh phúc này là gì, thưa anh?

- Tôn trọng thiên nhiên và văn hóa Bhutan tối đa. Ví dụ thế này, logo của Unesco là hình vuông ở trong một hình tròn, hình vuông tượng trưng cho những yếu tố nhân tạo, đường tròn tượng trưng cho tự nhiên, ý nói phát triển cái nhân tạo đến đâu cũng không được phá vỡ cái tự nhiên. 

Dựa trên quan niệm này, cái nhà thiền chính của trung tâm hạnh phúc, tôi làm một khối vuông tì lên một khối cong ở dưới, để nói rằng sự phát triển của  những cái nhân tạo gần như đã phá vỡ cân bằng tự nhiên rồi, chúng ta phải làm sao giữ gìn cái thế cân bằng mong manh ấy.

- Giữ được thế cân bằng, chúng ta mới thực sự hạnh phúc?

- Người Bhutan quan niệm thế!

Có không ít kiến trúc sư tầm vóc, thế mà...

- Người Việt Nam thiết kế trung tâm hạnh phúc Bhutan - đất nước nổi tiếng thế giới với quan điểm "chỉ số hạnh phúc quan trọng hơn chỉ số phát triển GDP", anh làm tôi nhớ đến một KTS người Việt thời phong kiến, đó là ông Nguyễn An, người nghe đâu đã thiết kế Tử Cấm Thành bên Trung Quốc. Và như thế, rõ ràng từ xưa đến nay chúng ta cũng có những KTS đạt tới tầm quốc tế đấy chứ!

- Thẳng thắn mà nói, trong vòng 10 năm trở lại đây, bên cạnh thành tựu khoa học của ngành toán với những giải thưởng của GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn và ngành vật lý của GS Đàm Thanh Sơn thì trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, chúng ta có những công trình, tác phẩm nào được quốc tế công nhận nữa? 

Trong điện ảnh, ở những liên hoan lớn, chúng ta vẫn chưa có phim lọt vào chung khảo, ngoại trừ phim của đạo diễn Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng trước đây và một số phim thể loại chuyên biệt của nghệ sĩ Trinh Thi. 

Mảng nghệ thuật tạo hình với rất nhiều họa sĩ, điêu khắc gia tài danh, song những cú hích của nghệ sĩ đương đại Danh Võ, Lê Quang Đỉnh qua những triển lãm cá nhân tại các bảo tàng danh giá đã gợi mở nhiều cho nghệ sĩ trong nước, nhất là nghệ sĩ trẻ. Rồi một số tác phẩm thử nghiệm gây tiếng vang của nhạc sĩ Kim Ngọc, nhiếp ảnh gia Maika. Còn lại văn học, sân khấu... dường như chưa rõ nét. 

Riêng kiến trúc, 5 năm gần đây chúng ta đã đạt những thành tựu nổi bật, rất đáng ghi nhận. Có thể kể đến những công trình xuất sắc của các KTS Nguyễn Hòa Hiệp, Võ Trọng Nghĩa, Lê Lương Ngọc, Đoàn Thanh Hà, Nguyễn Hoàng Mạnh.

Nhà cộng đồng Nậm Đăm.

- Vậy mà bộ mặt kiến trúc đô thị vẫn cứ lộn xộn, nhá nhem, bị phàn nàn suốt. Có lẽ vì tiếng nói của người tài chưa được lắng nghe, chưa được áp dụng? Tự nhiên, tôi nghĩ đến tình cảnh giả như những người tài đề nghị phải làm một con đường thẳng, ngay ngắn và ai cũng thấy làm thế mới đẹp, nhưng khi làm, va phải một cái gì đó, thế là con đường lập tức bị uốn cong. 

Chuyện "đường cong" nổi tiếng một thời ở Hà Nội đó! Nhưng thôi, không nên cứ sa đà vào mấy chuyện này làm gì, tôi tò mò một chút, cái giải SIA - Getz mà anh nhận năm 2016 hình như được ví von là giải “Nobel châu Á” trong lĩnh vực kiến trúc thì phải?

- Giải này do Hiệp hội Kiến trúc sư Singapore và Tập đoàn Getz Bros lập năm 2005, tổ chức 2 năm một lần, trao cho sự nghiệp một kiến trúc sư hoặc một nhóm kiến trúc sư (thường là hai). 

Trang web Hiệp hội ghi: “...Thúc đẩy, xây dựng giải thưởng có ảnh hưởng như giải Pritzker (Nobel kiến trúc) trong phạm vi châu Á”. Ông Balkrishna Doshi, KTS Ấn Độ đoạt Pritzker cũng là thành viên ban giám khảo nhiều năm.

- Như thế nào mới có khả năng đoạt giải?

- Phải có sự đề cử từ một nhân vật uy tín quốc tế, hồ sơ gồm ít nhất 5 công trình đã xây dựng và phải chứng minh những tác động từ triết lý của nó với sự phát triển kiến trúc và văn hóa châu Á, với giáo dục, xã hội...

- Còn giải thưởng lớn UIA Vassilis Sgoutas 2017 ghi nhận những “đóng góp vô giá” (theo thư Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thế giới UIA) của anh?

- Cũng có may mắn nhất định! Giải xét trao 3 năm một lần, cho một KTS hoặc một tập thể KTS nhân dịp Đại hội Kiến trúc thế giới. Giải thưởng tôn vinh những sáng tạo đặc biệt trong kiến trúc xã hội, kiến trúc cho người nghèo, những cộng đồng  thiểu số, yếm thế.

- Và sau khi đoạt những giải thưởng quốc tế, anh đã dần tham gia những hội đồng giám khảo quốc tế?

- Liên hoan Kiến trúc thế giới rồi Liên hoan Kiến trúc châu Á, người ta có mời tôi.

- Từ những liên hoan này, anh thấy xu thế kiến trúc thế giới phát triển ra sao?

- Xu thế bản địa đang là hướng mạnh! Tức là để đi ra thế giới thì phải bộc lộ cái văn hóa của mình qua kiến trúc.

- Vẫn là câu chuyện phát huy tối đa bản sắc văn hóa dân tộc?

- Nhưng phải hiện đại hóa nó lên, tức là làm cho cái văn hóa ấy, bản sắc ấy có thể nói tiếng nói ngày hôm nay, thời toàn cầu hóa. Chẳng hạn, chúng ta có kiến trúc truyền thống đặc sắc của cộng đồng Tày, Nùng, Mường, Tây Nguyên... nhưng giá trị cốt lõi, sự “thông thái bản địa” cần được đổi mới, tiếp biến ra sao? 

Những công trình xã hội chúng tôi làm ở những cộng đồng này là nỗ lực minh chứng cái ấy. Tôi hy vọng chuyện này sẽ được nhân lên, sẽ có nhiều người làm nữa.

- Nếu chúng ta không tạo ra những tác phẩm xứng tầm để lại cho đời sau thì có lẽ chúng ta có lỗi với hậu thế?

- Nhưng một công trình chưa phải điểm quan trọng, làm ra một ý thức xã hội quan trọng hơn. Phải giúp một cộng đồng thấy rằng họ có quyền có những kiến trúc hiện đại mang đúng bản sắc của mình và hoàn toàn có thể làm được, nếu thực sự quyết tâm. 

- Đối thoại với anh, trong tôi lại nảy ra rất nhiều ý tưởng mơ mộng cho Hà Nội của chúng ta. Biết đâu, thế hệ con cháu sẽ được bước chân trên một quảng trường “Khoan dung” nào đó trong lòng Hà Nội và sẽ là những con người sống khoan dung thực sự - khoan dung với thiên nhiên, khoan dung với đồng loại, khoan dung với chính bản thân mình. Điều chúng ta đã mơ ước nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa thể thực hiện. Rất cảm ơn anh về cuộc đối thoại thú vị này.

Phan Đăng (thực hiện)
.
.