Phó GS, Tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM:

Tốt nhất vẫn là tăng tỷ lệ thực phẩm sạch, tăng cái sạch thì bớt cái bẩn

Thứ Tư, 01/11/2017, 07:40
Vụ việc đoàn liên ngành phát hiện gần 3.900 con lợn bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ tại lò mổ Xuyên Á - lò mổ bán thủ công được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP HCM chỉ định là lò mổ an toàn duy nhất của thành phố ở giai đoạn này đã khiến chấn động dư luận.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y TP HCM đã bị cảnh cáo, điều chuyển công tác, nhiều cán bộ liên quan cũng bị giáng chức, cách chức vì buông lỏng trách nhiệm quản lý gây hậu quả nghiêm trọng.

Khuya ngày 28-9 phát hiện ra vi phạm tại lò mổ Xuyên Á thì mãi đến ngày 19-10 các đơn vị liên quan mới hoàn tất việc xử lý tiêu huỷ số heo tồn dư chất an thần. Đó là chưa kể đến những con heo bị lở mồm long móng đang chờ giết thịt tại lò mổ này.

Câu chuyện được đặt ra là tại sao ở một đô thị hàng đầu của cả nước là TP HCM, tại sao một lò mổ được đánh giá là hiện đại lại tồn tại mối nguy hại đến vậy? 

Nhìn rộng ra, việc quản lý an toàn thực phẩm tại thành phố hàng đầu còn bất cập thì những khu vực, địa phương khác sẽ như thế nào? Sự phối hợp giữa các sở, ngành liên quan đang mâu thuẫn điểm nào? Cái khó của công tác quản lý an toàn thực phẩm hiện tại đang vướng mắc ở đâu?

PV Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng đã có cuộc trao đổi cùng Phó Giáo sư - Tiến sĩ (PGSTS.) Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM, một cá nhân hành động, một cá tính quyết liệt.

- Nhà báo Ngô Kinh Luân: Thưa PGSTS. Phạm Khánh Phong Lan, câu chuyện lò mổ Xuyên Á bị phát hiện vi phạm nghiêm trọng, thú thật, theo quan điểm của tôi không phải là câu chuyện mới. Chúng ta đã nghe quá nhiều thủ thuật của các thương lái từ gia súc cho đến nông sản, từ miếng thịt heo cho đến bó rau, từ trái sầu riêng cho đến trái cam, trái chanh... Tất tần tật đều ẩn chứa những mầm mống về việc không đảm bảo về an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, để có một ý kiến quyết liệt phải tiêu huỷ gần 3900. con heo cũng không phải là chuyện đơn giản. Thậm chí, để bắt quả tang sự vi phạm này cũng không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh chúng ta đều hiểu, nếu không có những cái gật đầu ngầm của đơn vị quản lý thì cực khó cho thương lái đưa heo đã bị tiêm thuốc an thần vào lò mổ một cách thuận lợi, êm xuôi. Liệu bà có thể kể thêm về vụ việc này?

PGSTS. Phạm Khánh Phong Lan: Việc một số lượng heo lớn như vậy bị phát hiện tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ quả thật rất sốc và lực lượng thanh tra Bộ NN&PTNT phát hiện ra vụ việc cũng khá e ngại khi chỉ đề xuất vẫn cho giết mổ nếu kết quả thử cho thấy đã thải loại hết với thuốc an thần (sáng Chủ nhật 1/10) theo tinh thần Nghị định 90 của Luật Thú y. 

Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là một số heo này đã bị lở mồm long móng, cũng để răn đe các đối tượng vi phạm, UBND TP HCM đã quyết định tiêu huỷ toàn bộ. Lúc đầu, anh em bên ngành nông nghiệp rất lo lắng, e ngại vì sợ phạm luật, sợ thương lái kiện vv.... nhưng quyết định này được sự đồng thuận tuyệt đối của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. 

Cũng xin nói là một số thương lái đã phản ứng quyết liệt hy vọng vớt vát được phần nào ngay cả trong đêm Chủ nhật 1/10 và những ngày tiếp theo, nhưng chủ trương này đã được thực hiện triệt để. Để anh em thú y yên tâm, những ngày sau Bộ NN&PTNN đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm soát việc sử dụng thuốc an thần trên heo và tiêu huỷ nếu vi phạm.

Thưa PGSTS., tôi có nghe thông tin không biết có chính xác không là một số quốc gia phát triển vẫn sử dụng thuốc an thần trong giết mổ?

Không có đâu, họ không tiêm. Họ chỉ sử dụng khi chữa bệnh cho gia súc khi cần. Và trước khi giết mổ phải bảo đảm thuốc đã thải loại hết. Ví dụ ở Đài Loan các lò giết mổ còn bố trí nuôi nhốt heo một thời gian để theo dõi có dịch bệnh không cũng như đảm bảo các thuốc dùng (nếu có) được thải trừ hết rồi mới giết mổ. Ở ta thì con heo khi đưa đến lò mổ nếu không mổ ngay cũng sẽ không chịu nổi thời gian kéo dài. Khâu kiểm soát các thuốc sử dụng trong suốt quá trình còn rất kém, nhất là khi nuôi nhỏ lẻ và thương lái gom hàng như hiện nay.

Hơn nữa, lò mổ của người ta là lò mổ hiện đại còn chúng ta chưa có lò nào đạt chuẩn như của họ hết. Chúng ta hiện tại chỉ dẹp lò mổ thủ công nhưng lại chưa đầu tư xong lò mổ hiện đại, ngay lò mổ lớn nhất thành phố là Xuyên Á cũng chỉ là lò mổ bán thủ công. Nghĩa là chưa đạt chuẩn, có điều vì giải pháp tình thế nên phải để cho họ làm.

Việc lựa chọn lò mổ Xuyên Á này là chỉ định đúng không, thưa PGSTS.?

Đây thuộc lĩnh vực quản lý của Sở Nông nghiệp. Theo tôi được biết, thành phố đã có chủ trương quy hoạch và đang tiến hành xây dựng các lò mổ hiện đại, không cho mở thêm các lò thủ công và bán thủ công, kể cả nâng cấp dần. Việc cho lò mổ Xuyên Á tạm hoạt động dù chưa đạt chuẩn giết mổ hiện đại, còn nhiều vấn đề về xử lý môi trường, ô nhiễm, tiếng ồn... là một sự ưu ái trên cơ sở hơn 50% lượng heo cho thành phố dồn về giết mổ tại đây. 

Vậy là những lò mổ thủ công bị dẹp hết để dồn về Xuyên Á, có ai ngờ Xuyên Á lại xảy ra vụ việc này. Đâu chỉ có heo chứa chất an thần mà còn có cả heo bị lở mồm long móng. Lâu nay cứ nghĩ heo tại các lò mổ lậu bị tiêm thuốc an thần cho khỏi kêu la bị phát hiện, hoặc tiêm khi được vận chuyển xa để heo không quậy phá, giẫm đạp thương tích, thêm nữa là thịt heo được tiêm thuốc an thần sẽ hồng hào đẹp hơn, thớ tươi và dẻo hơn.

Căn cứ nào để PGSTS. tham mưu đề xuất UBND TP tiêu huỷ số heo trên?

- Thứ nhất, việc test nước tiểu heo không mang lại kết quả chính xác cho kết luận trong thịt heo còn tồn trữ dư lượng thuốc an thần hay không. Thứ hai, muốn test chính xác thì phải test trên thịt nhưng chúng ta hiện tại không có điều kiện kỹ thuật để làm.

Cho nên đúng theo các tài liệu dược lý thì phải chờ hai tuần để thuốc được thải trừ hết, mà đợi đến hai tuần thì thường heo đã nhiễm bệnh (lở mồm long móng) chết rồi, ngay thời điểm chiều Chủ nhật đã có hàng trăm con heo chết vì lở mồm long móng.

Do đó bắt buộc phải tiêu huỷ vì thịt heo này không bảo đảm an toàn thực phẩm, chứ không thể biện minh bằng Nghị định 90: không bắt buộc tiêu huỷ nếu đã thải loại hết chất cấm. Chúng tôi cũng sẽ đề xuất sửa điều khoản này để xử lý triệt để các trường hợp tương tự.

Thưa PGSTS., thịt heo vẫn là món ăn thường xuyên của mỗi gia đình. Sở NN&PTNT, Sở Y tế cũng như Sở Công thương TP, rộng hơn là 3 Bộ cũng có nhiều biện pháp để gìn giữ sự an toàn cho món ăn quen thuộc này. Nhưng cái cách mà Sở Công thương TP chọn là đeo vòng để xác định truy xuất nguồn gốc heo đạt chuẩn hay không tôi thấy nó vừa hình thức lại vừa không có tính hiệu quả. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Cá nhân tôi luôn hoan nghênh mọi hoạt động đóng góp vào việc bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là áp dụng công nghệ cao như Đề án đeo vòng truy xuất nguồn gốc heo do Sở Công thương chủ trì. Nhưng tôi không đồng ý cách làm hình thức và không tiếp thu rút kinh nghiệm thực tế.

Lấy chính vụ lò mổ Xuyên Á, cũng có hàng ngàn con heo đeo vòng kiểm tra nhưng vẫn bị tiêm thuốc an thần đấy thôi, chưa kể hằng đêm số heo đeo vòng không có thông tin còn rất lớn (trên 90%).

Rõ ràng việc đeo vòng như thế này chưa trả lời được câu hỏi: “Heo đeo vòng thì có an toàn hay khong”^?, nó vẫn hổng nhiều khâu, thương lái vẫn có thể can thiệp vào quá trình giết mổ, thực tế đề án này chưa ổn về quy trình và mục tiêu. Phải kết hợp được quá trình chăn nuôi an toàn và kiểm soát được khâu giết mổ và lưu thông, không để thương lái can thiệp.

Theo tôi, đề án phải được thí điểm khép kín toàn bộ quy trình cho một số đối tượng tự nguyện, khi có kết quả tốt sẽ nhân rộng tiếp, cùng với việc siết chặt hoá chất dùng cho chăn nuôi. Chứ nếu dùng mệnh lệnh hành chính sẽ chỉ dẫn đến tình trạng đối phó. 

Hơn nữa, cần thay đổi cơ quan chủ trì đề án vì đây là lĩnh vực của ngành nông nghiệp, thực chất cũng là anh em thú y làm từ đầu đến cuối (từ việc đeo vòng, nhập thông tin, niêm phong đến kiểm tra thông tin ở chợ đầu mối; đội quản lý an toàn thực phẩm của Ban cũng là anh em thú y chuyển sang, Sở Công thương nên tập trung vào chuyên môn là đề án xây dựng quy chế chợ kiểu mẫu đang được chờ đợi từ lâu.

Chỉ một cái vòng thì không đủ giải quyết vấn đề.

Cơ bản là việc giám sát an toàn thực phẩm của chúng ta ở giai đoạn này đầy bất cập, toàn là giải quyết phần ngọn, còn phần gốc như con giống, thực phẩm chăn nuôi, hoá chất sử dụng trong nông nghiệp... thì lại không kiểm soát được. Thế nên cứ lâu lâu lại giật mình hoảng sợ, cứ lâu lâu lại bất ngờ bị đánh úp nỗi lo. Và có lẽ đó là lý do chính để Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP được đưa vào thí điểm.

Việc thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm là kết quả của cả một quá trình trăn trở để tìm dường ra. Tại sao cả xã hội lo lắng cho thực phẩm, tiền đầu tư cũng không ít, mà kết quả vẫn chưa như mong muốn? Liệu có phải vì mình quản lý khác người không? Hết chia ngang rồi chia dọc, đụng chuyện thì chồng chéo không ai chịu trách nhiệm, cũng không đủ quyền giải quyết

Thực tế cho thấy việc các cơ quan phối hợp nhau là cực kỳ khó ở nước ta, giữa các phòng ở một sở đã khó rồi (nếu ban giám đốc không đủ cứng), chứ huống chi là giữa các sở, giữa các Bộ, các địa phương. Cho nên những vi phạm cứ luồn lách các kẽ hở này để nhởn nhơ. Ví dụ dễ thấy nhất là việc quản lý chất cấm trong nông nghiệp: Chất tạo nạc Salbutamol, bên nông nghiệp cứ quản, bên y tế cứ nhập, để cho nhập gấp nhiều lần nhu cầu dùng thuốc mới toé ra là nó đi tạo nạc cho heo, rồi hai Bộ đổ trách nhiệm cho nhau, cho tới giờ hình như cũng chưa ai bị xử lý, chỉ có người dân lãnh đủ.

Việc thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM, dù có được nhân rộng ra các địa phương khác, cũng chỉ là phần ngọn, phần triển khai pháp luật. Cái mà thực tế đòi hỏi còn phải ở tầm quốc gia, nghĩa là một cơ quan thống nhất ở Chính phủ. Lấy ví dụ như vụ heo bị tiêm thuốc an thần ở lò mổ Xuyên Á, giải quyết trách nhiệm buông lỏng giám sát của đội ngũ thú y chỉ là phần ngọn, còn phần gốc chính là cơ chế chính sách quản lý thuốc an thần nói riêng và thuốc thú y, chất cấm, hoá chất nói chung của các Bộ.

Tôi nghĩ, sẽ thật tốt nếu chúng ta có thể nghiêm túc học tập mô hình FDA của Hoa Kỳ và nhiều nước quanh ta, một cơ quan quản lý chung thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm, đều là sản phẩm liên quan đến sức khoẻ con người và có cùng nguyên tắc quản lý, phương tiện kỹ thuật.

Nếu làm được như vậy thì hay quá, khỏi chồng chéo, khỏi mỗi cơ quan một phách gõ khác nhau?

Đúng là như vậy.

PGS. TS Phạm Khánh Phong Lan chất vấn tại nghị trường Quốc hội.

Thưa PGSTS., theo Pháp lệnh quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm thì hiện tại 3 Bộ gồm Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT cùng phối hợp chịu trách nhiệm chính. Như vậy thì sự phân chia trách nhiệm sẽ như thế nào?

- Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm trước đây quy định khi thực phẩm còn trên đồng ruộng, trong chuồng trại thì thuộc về sự quản lý của Bộ NN&PTNT, khi phân phối lưu thông trên thị trường thì thuộc sự quản lý của Bộ Công thương, khi lên bàn ăn và giải quyết câu chuyện sau đó thì thuộc về sự quản lý của Bộ Y tế. Đây là quản lý cắt theo chiều ngang.

Như vậy sẽ có sự cách quãng trong quản lý và không quy được trách nhiệm cho Bộ nào nếu như có sự cố không hay xảy ra. Luật An toàn thực phẩm của mình quy định cũng kỹ lắm, nào là tù chung thân, tù giam khi xảy ra chuyện này chuyện kia, nhưng có ai bị ngộ độc thực phẩm mà chết liền đâu, rất hiếm. Đa phần toàn là tích luỹ lâu dài mới hình thành bệnh tật.

Hiện nay áp dụng Luật An toàn thực phẩm mới năm 2010 thì lại cắt dọc, nghĩa là Bộ phải quản lý ngay từ đầu đến cuối, chia theo nhóm ngành hàng. Bộ NN&PTNT quản 9 nhóm gồm có toàn bộ các nông, thuỷ, hải sản tươi sống..., Bộ Công thương quản 5 nhóm ngành hàng thực phẩm chế biến, rượu bia nước giải khát... Bộ Y tế quản 5 nhóm ngành hàng: thực phẩm chức năng, nước uống đóng chai (chỗ này hơi lạ là nước giải khát thì Bộ Công thương quản lý, nước đóng chai thì Bộ Y tế quản lý), bao bì thực phẩm, phụ gia thực pham…^?

Tưởng là chặt chẽ nhưng cuối cùng cũng chỉ quản theo sở trường của mình thôi, như Bộ NN&PTNT làm được khúc đầu nhưng đến khúc ra thị trường buôn bán rồi đến khi lên bàn ăn thì làm sao mà quản lý được. Vậy nên cứ bất cập hoài, mỗi Bộ lại quy định cấp phép một kiểu, khác về thời gian, về lệ phí... cho nên doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm cũng rất khó khăn.

Hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm cũng rất chồng chéo, hầu như ưu tiên nhiều cho kiểm nghiệm để xuất khẩu.

Rồi cũng phải có một hy vọng nào cho việc quản lý thực phẩm an toàn chứ, phải không thưa PGSTS.? Không lẽ chúng ta cứ mãi chấp chới trong những tồn tại này để lo lắng mãi?

- Có chứ, phải vừa chống thực phẩm bẩn, vừa xây dựng thực phẩm sạch. Trước đây tôi có trả lời phỏng vấn khi một nhà báo đặt câu hỏi sau 3 năm tồn tại (Ban Quản lý an toàn thực phẩm sẽ tồn tại trong 3 năm để đánh giá hiệu quả hoạt động - PV) thì lấy gì để khẳng định Ban hoạt động tốt, làm được việc hữu ích. Tôi nói rằng, nếu lấy kết quả xử phạt được nhiều làm hiệu quả thì không đúng vì vi phạm nhiều thì xử phạt nhiều thôi. Chưa kể là trước đây không kiểm tra, thanh tra tới nơi tới chốn thì không thấy vi phạm, nay làm sát sao thì phát hiện nhiều vi phạm.

Thế nên, tiêu chí tốt nhất vẫn là tăng tỷ lệ thực phẩm sạch, tăng cái sạch thì bớt cái bẩn, nguyên tắc là vậy rồi. Vì vậy chúng tôi tăng cường xây dựng đề án chuỗi thực phẩm an toàn.

Hiện tại, 70% thực phẩm tươi sống cung cấp cho thành phố là từ các tỉnh nên phải vận động các hộ sản xuất tham gia chuỗi thực phẩm an toàn kể cả hộ sản xuất trong thành phố. Hướng dẫn thủ tục, thẩm định và cấp phép để đảm bảo sản phẩm sạch từ trồng trọt, chăn nuôi cho đến lên bàn ăn. Thẩm định này chúng tôi nhờ giúp sức bên Sở NN&PTNT. Trong quá trình hoạt động, chúng tôi sẽ quảng bá tuyên truyền cho những đơn vị sản xuất tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn này, chính sách tìm đầu ra. Còn trách nhiệm của đơn vị sản xuất là phải đảm bảo sạch thật sự chứ không phải sạch gian dối.

Đến tận đồng ruộng, chuồng trại xem xét. Rồi sở NN&PTNT của tỉnh đó ký hợp đồng với chúng tôi có kinh phí để lo chuyện quản lý giám sát. Khi đưa về thành phố, chúng tôi sẽ kiểm tra kiểm nghiệm thêm lần nữa.

Chúng tôi đang làm điều này và đang rất tiến triển, chúng tôi kiểm tra đánh giá đột xuất khắp nơi, thường kỳ do sở của tỉnh làm, còn ở thành phố là chúng tôi kiểm tra.

Hãy nhìn vào sự phát triển của các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm vào các thị trường uy tín, chúng ta vẫn làm được khi tiến hành nghiêm túc dưới sức ép hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu.

Theo đánh giá của cá nhân PGSTS., liệu mô hình Ban Quản lý an toàn thực phẩm của TP đã có thể gọi là thí điểm thành công chưa, đã có thể nhân rộng mô hình đến các tỉnh, thành khác chưa?

Tôi nghĩ bước đầu là ổn, chí ít đã thống nhất một mối, phát huy trách nhiệm và sáng tạo, cùng nhau làm. Khi triển khai tận các quận, huyện phường, xã, mô hình đội an toàn thực phẩm sẽ phát huy hiệu quả phối hợp và tăng cường cho địa phương, phản ứng kịp thời và tránh chồng chéo. Một số tỉnh, thành cũng đang nghiên cứu áp dụng mô hình này.

Căn bản vẫn phải giải quyết các bất cập về chính sách từ ở trên, nhưng với những gì được phân cấp, chúng tôi cố gắng đôn đốc nhau làm việc cho hiệu quả, khó tới đâu gỡ tới đó. Thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời chính xác.

Xin cảm ơn PGSTS. về buổi trao đổi này, chúc bà nhiều sức khoẻ.

Ngô Kinh Luân
.
.