Nguyên Chủ tịch TP Đà Nẵng Hồ Việt:

Mỗi bước ngoặt của Đà Nẵng đều có bóng dáng người lãnh đạo

Thứ Năm, 28/09/2017, 19:59
Năm nay là một năm nhiều biến động nhất với Đà Nẵng kể từ khi cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh ra Trung ương rồi qua đời. Sau những lùm xùm về câu chuyện Sơn Trà, Bí thư và Chủ tịch Đà Nẵng đều đang bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận đã có nhiều sai phạm trong quá trình công tác.


Nhân sự kiện này, Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng, Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với nguyên Chủ tịch TP Đà Nẵng Hồ Việt, về một chặng đường của Đà Nẵng; về những người lãnh đạo thành phố mà mỗi sự sai đúng của họ đều ảnh hưởng lớn đến thành phố được mệnh danh là đáng sống nhất Việt Nam.

Nhà báo Lan Hương: Thưa ông Hồ Việt, khi Đà Nẵng đang ở trong những ngày “biến động”, tôi muốn gặp ông và trò chuyện về một chặng đường của thành phố này - mà tôi vốn được biết ông là một trong những người có công rất lớn trong quá trình phát triển của nó?

Ông Hồ Việt: Tôi làm Chủ tịch TP Đà Nẵng 1 nhiệm kỳ, đến năm 1995. Lúc đó, Đà Nẵng vẫn là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Khi lên làm Chủ tịch UBND thành phố, tôi thấy tình hình thành phố gay quá. Lúc ấy mỗi năm Đà Nẵng được cấp ngân sách 30 tỷ. Tôi nhớ một phóng viên đã làm phép so sánh và nói ngân sách Đà Nẵng không bằng ngân sách của công ty môi trường TP Hải Phòng.

Tiếng là thành phố nhưng đường sá vừa bé vừa lầy lội vì không có tiền tu sửa; các công trình công cộng, công sở, bệnh viện, trường học đều xuống cấp, thậm chí tiền trả lương cho cán bộ công chức cũng chật vật.

Mà tiềm năng của Đà Nẵng không phải là ít, vậy mà vẫn nghèo, vẫn chật vật, vẫn bế tắc.

Lúc đó tôi nghĩ con đường để thoát khỏi sự bế này là phải chuyển lên thành phố trực thuộc Trung ương.

Chuyện đưa Đà Nẵng lên thành phố trực thuộc Trung ương, các đời Bí thư, Chủ tịch thành phố trước đó đã có bàn đến, nhưng có lẽ vì không đủ quyết tâm, hoặc cả những lý do khác nữa mà không làm được.

Đến đời tôi làm Chủ tịch thành phố, tôi đã tâm niệm phải coi đó là nhiệm vụ quan trọng nhất, coi đó là giấc mơ lớn để thành phố của mình được lột xác. Và tôi đã dành cả nhiệm kì của mình để thực hiện giấc mơ đó.

- Và hành trình để thực hiện giấc mơ đó có dễ dàng không thưa ông?

- Dĩ nhiên là không dễ dàng! Tôi đã dành cả nhiệm kì của mình cho công việc này.

Trước tiên là tôi phải đến thuyết phục những người có vai trò quyết định của thành phố, của tỉnh Quảng Nam, tìm kiếm sự ủng hộ của các Bộ, ban, ngành liên quan và đặc biệt là Ban Tổ chức Chính phủ. Bên cạnh đó, tổ chức các hội thảo nội dung về việc Đà Nẵng trở thành trung tâm khu vực miền Trung sẽ đem lại những lợi ích gì cho khu vực này.

Các ban, ngành ngoài Trung ương hồi đó rất ủng hộ ý định của tôi. Đó là thuận lợi, nhưng cũng có những ý kiến phản đối.

Một trong những người phản đối là nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công. Ông cho rằng Đà Nẵng mà trực thuộc Trung ương là Đà Nẵng “phản bội” lại các huyện của Đà Nẵng. Thật ra tôi hiểu ông cũng có cái lí của mình. Khi chiến tranh, cán bộ của Đà Nẵng về hoạt động tại các huyện xung quanh. Bây giờ giải phóng rồi, được tự do rồi thì Đà Nẵng lại tách thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tôi nghĩ thế này, thành phố Đà Nẵng nếu còn là cấp huyện thì sẽ không làm được nhiệm vụ của nó với tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng mà cần phải đưa lên thành phố trực thuộc Trung ương thì mới tác động ngược lại đến tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Cũng có những lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng hồi đó vì không muốn Đà Nẵng tách ra đã tìm mọi cách gây khó khăn cho tôi, bởi nếu Đà Nẵng tách ra, Quảng Nam - Đà Nẵng sẽ mất đi nguồn ngân sách lớn. Họ truyền tin rằng tôi muốn đưa Đà Nẵng lên thành thành phố trực thuộc Trung ương để tôi được làm lãnh đạo thành phố này. Nhưng tôi đã kiên định, vì vẫn luôn tin rằng đó là việc mình làm vì nhân dân, vì thành phố chứ không vì lợi ích bản thân.

Năm 1995 tôi thôi chức Chủ tịch thành phố, nhưng việc vận động để Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã cơ bản hoàn thành. Đến tháng 10-1996 thì có quyết định chính thức của Bộ Chính trị.

- Và Đà Nẵng đã thay đổi thế nào sau cơ hội đó?

- Như chị thấy bây giờ, Đà Nẵng là 1 trong 4 thành phố lớn nhất nước, là trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung, là một trong những thành phố du lịch được yêu thích nhất cả nước, cũng là nơi nhiều năm rồi được chọn là thành phố đáng sống nhất.

Trước đây Đà Nẵng chỉ có 3 quận, sau này trở thành 6 quận, 2 huyện (trong đó có huyện đảo Hoàng Sa). Quy mô lớn hơn hẳn. Phát triển đến đâu, đường phố cây xanh phát triển đến đó, đường điện, đường nước, tốc độ phát triển đô thị khang trang. Tôi đã đi rất nhiều nơi nhưng không thấy nơi đâu bằng được Đà Nẵng.

Đó chính là những thay đổi ai cũng nhìn thấy trong bao năm qua.

Dĩ nhiên, sự thay đổi đó bao gồm nhiều yếu tố: có sự cố gắng, đoàn kết của người dân, có sự sáng suốt của những người lãnh đạo qua các thời kì. Và có cả cơ hội từ quyết định của Bộ Chính trị năm 1996 đem lại.

- Và người để lại dấu ấn trong sự phát triển của thành phố...

- Cái này thì cả tôi và người dân Đà Nẵng cũng như cả nước đều có một câu trả lời: Đó chính là anh Nguyễn Bá Thanh.

Sau khi tôi nghỉ và chuyển sang Tổng cục Du lịch, anh Nguyễn Bá Thanh lên Chủ tịch thành phố, rồi sau này thì làm Bí thư. Thời điểm tôi đương chức, ông Nguyễn Bá Thanh là Giám đốc Sở Nông nghiệp. Nhưng tôi luôn biết ông Nguyễn Bá Thanh là người có tài. Cha tôi (nhà cách mạng Hồ Nghinh - Bí thư Quảng Nam - Đà Nẵng suốt 19 năm - PV) đã nhìn thấy những tố chất, tiềm năng từ hồi ông Nguyễn Bá Thanh còn làm cán bộ ở huyện. Nên lúc nào ông cũng quan tâm, rèn luyện Nguyễn Bá Thanh. Có lần đi công tác chung, ông còn rủ Nguyễn Bá Thanh ngủ cùng.

Nói về nhiệm kì của ông Nguyễn Bá Thanh, tôi nghĩ ông ấy có đủ cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa.

Khi tôi mới nghỉ, ông Nguyễn Bá Thanh lên thay, có tìm gặp và hỏi tôi: “Anh có lời khuyên gì để tôi tiếp tục làm?”.

Tôi có nói rằng bây giờ chúng ta tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng của thành phố, đó là cái cốt yếu. Có cơ sở hạ tầng thì mới có đà để phát triển.

Và đó là việc mà ông Nguyễn Bá Thanh đã làm rất tốt. Cứ nhìn vào cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng, đặc biệt là hệ thống đường sá, cầu cống, đến chuyện quy hoạch đô thị là biết ông ấy đã làm tốt thế nào. Nên công đầu đưa Đà Nẵng đến ngày hôm nay là của ông Nguyễn Bá Thanh. Làm được như vậy phải có tiền. 

Ngoài khoản tiền Trung ương đưa về cho những mảng giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng. Tiền để đầu tư công trình dân sinh thì ông Nguyễn Bá Thanh quyết định dùng một số tài nguyên đất của thành phố để đổi lấy công trình. Nhờ đổi đất lấy công trình, đến năm 2000 bộ mặt thành phố đã thay đổi.

Cái hay của ông Nguyễn Bá Thanh trong cách điều hành, lãnh đạo thành phố là cái gì cũng đòi hỏi cao, cái gì cũng nắm rõ, cái gì cũng đi sâu sát đến tận cùng sự việc và rất biết chinh phục lòng dân.

Với các cháu thiếu niên hư hỏng, ông Thanh trước hết không bắt phạt mà đưa đi thăm trại cải tạo rồi hỏi tụi nhỏ “ở đó có khổ không”; rồi anh lại đưa lũ nhỏ lên Bà Nà để thấy người ta tận hưởng cuộc sống tươi đẹp ra sao.

Rồi anh ấy để tụi nhỏ tự nhận thức, tự quyết định, tự lựa chọn cuộc sống của mình.

Người ra tù cũng được ông Bá Thanh cho tiền để làm lại cuộc đời. Những người đạp xích lô, cựu chiến binh, ngày lễ tết ông Nguyễn Bá Thanh bao giờ cũng yêu cầu thành phố quan tâm bồi dưỡng vài trăm nghìn, hay những bà tiểu thương cũng được động viên ít tiền ăn tết. Ông Thanh biết cách làm người dân nghèo cảm động.

Với cán bộ thì ông Bá Thanh nghiêm khắc. Ông Thanh hỏi đến cán bộ đô thị chỗ nào đường hỏng, cống ngập mà cán bộ đô thị không trả lời được thì cán bộ đó không yên với ông Thanh.

Thế nên ông Thanh trở thành thần tượng của người Đà Nẵng.

- Trong trí nhớ của ông, nhiệm kì của ông Nguyễn Bá Thanh có dấu ấn gì đặc biệt?

- Nguyễn Bá Thanh thành công nhiều, được ca tụng nhiều, nhưng cũng có những biến cố ngặt nghèo.

Năm 2000 xảy ra sự cố về cầu xoay sông Hàn.

Lúc đó có đơn kiện ông Bá Thanh nhận 2,4 tỷ hối lộ từ giám đốc của doanh nghiệp xây dựng cầu. Chuyện nghiêm trọng đến mức, viện kiểm sát đề nghị dừng chức danh của ông Bá Thanh để điều tra.

Mà lúc đó tầm ảnh hưởng của ông Bá Thanh lớn lắm.

Chỉ mới nghe phong thanh chuyện ông Thanh đang có nguy cơ bị điều tra, hầu như các hoạt động kinh doanh xây dựng trong thành phố tạm dừng. Tất cả đều nín thở, lo lắng. Người ta chờ xem viện kiểm sát sẽ làm gì với ông Bá Thanh.

Tôi tới gặp Trưởng Ban Nội chính Thành ủy để hỏi xem Bá Thanh có tham ô không, người này nói không. Tôi tiếp tục hỏi Chánh văn phòng, người này cũng nói không. Tôi hỏi thẳng Bá Thanh có tham nhũng không, ông Thanh nói không. Tôi kiểm tra những nguồn tin của tôi và có căn cứ để tin rằng ông Thanh không làm bậy.

Khi nắm rõ câu chuyện, tôi viết một lá thư gửi ra Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội để nói lại nguyên văn tại sao có chuyện của Nguyễn Bá Thanh. Chúng tôi có những căn cứ để kết luận rằng đó là cuộc đấu tranh quyền lực, họ muốn hạ bệ Bá Thanh chứ không phải có sự tham nhũng của Bá Thanh, cho nên tôi đề nghị không đưa vụ này ra. Sau đó tôi mời 2 anh cùng là nguyên Chủ tịch thành phố cũ kí.

Tổng Bí thư khi đó là ông Lê Khả Phiêu sau khi đọc thư của tôi đã tổ chức họp Ban Thường vụ cùng Bộ Công an, Viện kiểm sát… về việc của Bá Thanh. Tại cuộc họp, Tổng Bí thư đã đưa bức thư của chúng tôi ra, nói rất kĩ về câu chuyện Đà Nẵng, không quên nhấn mạnh về việc Chủ tịch TP Đà Nẵng đều kí tên bảo vệ Bá Thanh. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã xử lý vụ đó rất hợp tình hợp lý. Ông Bá Thanh được minh oan. Những người có âm mưu lật đổ ông Thanh thất bại.

- Lí do vì sao mà cả 3 cựu Chủ tịch thành phố công khai ủng hộ ông Bá Thanh?

- Vì tôi có đủ chứng cứ để tin vào sự trong sạch của ông Bá Thanh.

Điều nữa là Bá Thanh mà không ở vị trí điều hành thành phố thì tình hình thành phố sẽ khác hẳn, tôi lo cái đó là chính. Không ai xứng đáng hơn ông Bá Thanh thời điểm đó. Không ai làm tốt hơn ông Bá Thanh thời điểm đó.

- Là người tiền nhiệm của ông Bá Thanh, ông nghĩ gì về những phẩm chất của ông Bá Thanh mà ông cho rằng xứng đáng là người lãnh đạo thành phố?

- Dĩ nhiên là ông Bá Thanh không phải người toàn bích.

Dĩ nhiên là trong nhiệm kì của mình, ông Bá Thanh cũng có một số cái chưa ổn. Nhưng nói công bằng, ông Bá Thanh là người nói được, làm được, và làm tới cùng.

Ông ấy nói xử lý chuyện mãi lộ là xử lý cho bằng được.

Ông ấy nói dẹp nạn ăn xin là dẹp cho bằng hết.

Cũng vì lý do đó mà ông Bá Thanh được điều ra Trung ương.

Trước ngày đi, chính ông Thanh cũng nói với tôi rằng ông ấy hiểu ưu điểm, nhược điểm của bản thân. Hiểu cả lý do ông ấy được Trung ương gọi ra là vì tính cách dám nói dám làm. Chứ về lý luận chính trị, ông Thanh chắc không so được với nhiều người.

- Thưa ông, khi ông nhắc về “tai nạn” của ông Bá Thanh năm nào, tôi liên tưởng đến câu chuyện của Đà Nẵng hiện giờ.

Lúc này, Bí thư Nguyễn Xuân Anh của Đà Nẵng đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận có những sai phạm trong công tác cán bộ, trong việc kê khai bằng cấp và không gương mẫu trong vấn đề tài sản cá nhân. Có thể sẽ có một hình thức kỉ luật không nhẹ với Bí thư Nguyễn Xuân Anh. Năm xưa, ông từng cùng các Chủ tịch thành phố cũ bảo vệ ông Bá Thanh. Năm nay, ông phản ứng thế nào? Và người dân Đà Nẵng phản ứng thế nào trước tin người đứng đầu thành phố của mình vướng phải những khuyết điểm đó?

- Cá nhân tôi và nhiều cán bộ lão thành hưu trí đều thấy buồn về tình trạng thành phố hiện tại.

Sau khi ông Bá Thanh ra Trung ương rồi qua đời vì bệnh tật, Đà Nẵng chỉ đi xuống chứ không đi lên.

Thế hệ lãnh đạo mới của thành phố chưa gương mẫu, thiếu kinh nghiệm, thiếu sự minh bạch, nên kỉ cương của thành phố không còn giữ được như xưa.

Chuyện Bí thư Nguyễn Xuân Anh, tôi tin rằng người Đà Nẵng không ngạc nhiên. Tất cả những chuyện đó dân đều biết từ lâu, dân đều bất bình và đều mong mọi chuyện sẽ công khai như ngày hôm nay.

Cá nhân tôi, tôi mừng vì Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận về việc này. Bởi không chỉ tôi mà nhiều lão thành của thành phố đã từng viết đơn gửi lên Ủy ban Kiểm tra, đề nghị làm sáng tỏ những vấn đề đó.

Bí thư hiện giờ của Đà Nẵng có xuất thân tốt, nhưng kinh nghiệm quản lý, lãnh đạo thì có lẽ còn non.

Thời Bí thư Nguyễn Xuân Anh lãnh đạo, nhiều đảng viên buồn lòng về tình hình thành phố mà không biết tỏ cùng ai.

Tiếng nói của người dân thì không được quan tâm. Đất đai thì bị doanh nghiệp thâu tóm, mà vụ Sơn Trà là một ví dụ.

Vì bức xúc với tình hình đó mà tôi và nhiều cán bộ lão thành đã viết đơn khiếu nại để bảo vệ Sơn Trà.

Một cái nữa khiến những cán bộ tiền nhiệm như tôi lo lắng về Bí thư Nguyễn Xuân Anh là việc anh này tự ý quyết định trong công tác cán bộ. Như trường hợp Phó Chủ tịch Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đang làm rất tốt chuyên môn của mình, Nguyễn Xuân Anh cử Đặng Việt Dũng về Ban Tuyên giáo, là thứ không hợp với chuyên môn của ông ta. Nhiều cán bộ bất bình lắm.

Thời ông Bá Thanh, ông ấy biết dùng người. Ai giỏi gì ông ấy giao cho làm cái đó. Không có chuyện điều động theo cảm tính đâu.

- Ý ông là giai đoạn Bí thư Nguyễn Xuân Anh lãnh đạo, Đà Nẵng đi xuống?

- Tôi chỉ nói đơn cử thế này, trước đây 2 năm, GDP của Đà Nẵng gấp đôi của Quảng Nam. Giờ GDP của Quảng Nam gấp đôi Đà Nẵng. Đà Nẵng phát triển trước hết là nhờ đất. Bây giờ, đất cho thành phố thì ít mà đất đi vào tay đại gia hết rồi. Đó là nỗi nhục của người dân Đà Nẵng. Tham nhũng xuất hiện nhiều, chính điều này làm giảm đi sự phát triển của thành phố. Những người như chúng tôi, sống ở đây trọn đời, gắn bó với thành phố trọn đời.

Đi đâu cũng thấy chẳng nơi nào bằng Đà Nẵng. Nên nhìn thành phố đi xuống, tôi buồn lắm.

- Và đó là lý do khiến những ngày qua, ông và nhiều cán bộ lão thành lên tiếng phê bình những khuyết điểm của lãnh đạo Đà Nẵng mà không e ngại?

- Tôi và nhiều cán bộ lão thành khác không e ngại chuyện đó. Cái gì không đúng là tôi nói thẳng. Là người dân, cũng là người yêu thành phố này, tôi và nhiều người Đà Nẵng chỉ có giấc mơ là Đà Nẵng sẽ có một vị Bí thư và Chủ tịch xứng đánh với nó, để Đà Nẵng sẽ luôn là thành phố đáng sống.

- Như những gì tôi biết qua câu chuyện của ông, thì những đời Chủ tịch, Bí thư của Đà Nẵng như ông, ông Nguyễn Bá Thanh hay Bí thư đương nhiệm đều đã tác động đến Đà Nẵng theo một nghĩa nào đó. Tôi muốn hỏi, ông nói gì về vai trò của người lãnh đạo, về tầm ảnh hưởng và những tác động tốt - xấu của người đứng đầu với TP Đà Nẵng?

- Nếu có một thành phố nào đó mà sự thay đổi của nó mang dấu ấn của các nhà lãnh đạo nhất thì tôi nghĩ đó chính là Đà Nẵng. Như Nguyễn Bá Thanh chẳng hạn. Thời ông Bá Thanh, tôi nghĩ Đà Nẵng có cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Nhưng vai trò của ông Bí thư lớn lắm.

Nhờ đó mà thành phố trở thành đáng sống. Nhờ đó mà người Đà Nẵng sống văn minh hơn, hiếu khách hơn.

Cũng nhờ được sống trong một giai đoạn mà chính quyền thành phố rất được lòng dân, nên yêu cầu của người dân với chính quyền thành phố càng về sau càng cao.

Đó là lý do vì sao, những chuyện sai phạm của lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng khi được Ủy ban Kiểm tra công khai, dân lại hoan nghêng, mừng rỡ đến vậy.

Nên tôi nghĩ cả thành phố này, và cả người dân thành phố này đều mong mỏi và xứng đáng có những người lãnh đạo thật có tâm, có tầm, biết đoàn kết với nhau để đưa thành phố đi lên, chứ không phải lục đục nội bộ, vun vén cá nhân.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Tô Lan Hương (thực hiện)
.
.