Nhà thờ Bác Hồ ở Phú Yên – “địa chỉ đỏ” trong hành trình về nguồn

Thứ Bảy, 21/05/2022, 09:44

Trong hành trình về nguồn và tổ chức hoạt động dân vận kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/1890-19/5/2022), cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Phú Yên đã thành kính dâng hương tại Nhà thờ Bác Hồ trong Khu di tích lịch sử Quốc gia - căn cứ của tỉnh Phú Yên thời kháng chiến chống Mỹ. Nhà thờ Bác Hồ được xây dựng khẩn trương trong chiến tranh, ngay sau khi nghe tin Bác mất để kịp tổ chức tang lễ…

Khu di tích lịch sử Quốc gia - căn cứ của tỉnh Phú Yên thời kháng chiến chống Mỹ nằm trên cao nguyên Vân Hòa ở độ cao hơn 400m so với mặt nước biển. Nơi đây có nhiều hang động, sông, suối và những cánh rừng nguyên sinh, thuộc địa phận ba xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân - huyện Sơn Hòa. Sau nhiều cuộc khảo sát thực địa trong những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước, Tỉnh ủy Phú Yên xác định nơi đây có địa thế chiến lược quân sự nên quyết định xây dựng căn cứ cách mạng xuyên suốt 14 năm (1962-1975).

Ngoài cơ quan Tỉnh ủy, UBND cách mạng, UBMT Dân tộc giải phóng, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, Tỉnh đội và Ban An ninh tỉnh Phú Yên còn có Trường Đảng, Xưởng Quân giới 200, Bệnh xá Trúc Bạch, Trường y tế, Hội trường Mùa Xuân… Công sở nào cũng hình thành từ cây rừng, tre nứa, mái tranh, nhưng do chiến tranh ác liệt, địch huy động máy bay ném bom, dội pháo phong tỏa nhiều nơi trong 10 năm (1962-1972), các cơ quan nêu trên di tản nhiều vị trí để bảo đảm an toàn. Hiệp định Paris ký kết ngày 27/1/1973 chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, các cơ quan được xây dựng ổn định tại ba xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân cho đến ngày Phú Yên giải phóng (1/4/1975).

Một trong những nhân chứng lịch sử là Đại tá Trần Văn Mười, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên, nhớ lại: Trong lúc quân, dân Phú Yên lập nhiều chiến công chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, bất ngờ Đài Tiếng nói Việt Nam từ Hà Nội phát đi bản tin Bác Hồ từ trần. Qua radio, hàng chục cán bộ lãnh đạo ở căn cứ của tỉnh Phú Yên lắng nghe thông cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Di chúc của Bác Hồ kính yêu trong nỗi đau và niềm tiếc thương vô hạn, nước mắt tuôn trào trên gương mặt nhiều người.

Nhà thờ Bác Hồ ở Phú Yên – “địa chỉ đỏ” trong hành trình về nguồn -0
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Phú Yên báo công dâng Bác tại Nhà thờ Bác Hồ.

Trong sáng ngày 4/9/1969, đồng chí Trần Suyền - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên tại núi Hòn Dung ở thôn Cao Phong, xã Sơn Long, bàn kế hoạch tổ chức tang lễ Bác Hồ chu đáo, trọng thể, bày tỏ lòng thành kính, tiếc thương vô hạn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Yên đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Cuộc họp thống nhất xây dựng Nhà thờ Bác Hồ tại dốc Đá bên trong khu rừng cây Dẻ, thôn Phước Hòa – nay là thôn Hòa Bình, xã Sơn Định để tổ chức tang lễ.

Do yêu cầu cấp bách nên dưới sự chỉ huy của đồng chí Trương Dương – bí danh Bảy Hạnh, cán bộ, chiến sĩ Công an vũ trang tất bật ngày đêm, chặt cây rừng, chẻ tre, bện tranh và lá song mây. Nhà thờ Bác Hồ hoàn thành sau 5 ngày nỗ lực xây dựng, kịp thời tổ chức tang lễ đúng thời điểm Trung ương tổ chức tại Hà Nội (9/9/1969). Ngoài Ban Thường vụ, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, UBND cách mạng, UBMT Dân tộc giải phóng, Tỉnh đội, Ban An ninh… còn có nhiều người dân ba xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân tự tìm đến thắp hương viếng Bác. Nghe Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền đọc Di chúc của Bác Hồ, mọi người đều tuôn trào nước mắt khi biết Người “Để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng…”. Sau lễ tang, Tỉnh ủy Phú Yên kêu gọi toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân trong tỉnh biến đau thương thành hành động cách mạng, tập trung đánh bại các cuộc chiến tranh của địch, mở rộng vùng giải phóng, đồng thời tổ chức nhiều cuộc sinh hoạt chính trị học tập và làm theo Di chúc của Bác Hồ.

Do Nhà thờ Bác Hồ xây dựng đơn sơ trong chiến tranh đã dần xuống cấp, nên đến năm 2001, Tỉnh ủy Phú Yên quyết định xây dựng lại Nhà thờ Bác Hồ với diện tích 132m², được mô phỏng kiến trúc nhà truyền thống dân tộc. Bên cạnh đó là nhà trưng bày hiện vật, nhà tiếp khách, bia khắc ghi nội dung giá trị văn hóa lịch sử di tích, khu tổ chức các hoạt động văn hóa – vui chơi, giải trí. Công trình lịch sử văn hóa này hoàn thành vào ngày 2/9/2003 nằm dưới những tán cây dẻ cổ thụ vươn cao xanh mướt cùng với hàng trăm cây cảnh trồng mới trong Khu tưởng niệm Bác Hồ trên diện tích 2ha. Đến ngày sinh nhật Bác và những ngày lễ lớn, Đảng bộ, chính quyền cùng nhiều tổ chức đoàn thể – xã hội ở Phú Yên đến Nhà thờ Bác Hồ để thăm viếng, dâng hương tưởng niệm, báo công và sinh hoạt chính trị học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Những năm qua, nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước thăm viếng, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Cho tới năm 2011, cơ quan Tỉnh ủy, Ban Tuyên huấn, Hội trường Mùa Xuân, UBND cách mạng, UBMT Dân tộc giải phóng, Tỉnh đội, Xưởng quân giới 200, Bệnh xá Trúc Bạch, Trường y tế… năm xưa đã được đầu tư tôn tạo phục vụ nhu cầu tham quan, học tập truyền thống cách mạng. Trước đó vào ngày 22/8/2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng xếp hạng Khu di tích lịch sử Quốc gia - căn cứ của tỉnh Phú Yên thời kháng chiến chống Mỹ.

Là một trong những cán bộ, đảng viên nhiều lần thăm viếng, dâng hương Nhà thờ Bác Hồ, Đại tá Trần Trọng Hiền – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, bày tỏ: “Đến Nhà thờ Bác Hồ, không riêng chúng tôi mà các thế hệ mai sau luôn thành kính tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vô vàn kính yêu. Dâng lên Người nén hương thơm, mỗi cán bộ, đảng viên đều tâm nguyện suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để góp trí tuệ, công sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng”.

Hữu Toàn
.
.