Văn hóa quà Tết của người Việt

Thứ Ba, 05/01/2016, 08:48
Tặng quà là cả một nghệ thuật mà bấy lâu nay chúng ta xuề xòa bỏ qua, để rồi quà bay đi mà mục đích đạt được chẳng nhiều nhặn gì. Và ta lại còn quên mất một điều tối quan trọng. Ấy là món quà tặng đi có thể sẽ là một "lá thư" chứa đựng những thông điệp riêng của mình, của doanh nghiệp mình, của thương hiệu mình. Suy cho cùng, quà đã không chỉ còn là quà nữa, mà nó có thể là một phương tiện để truyền thông cho chính sản phẩm mà bạn đang khai thác nó. Chỉ có điều, bạn đã bỏ phí mất kênh truyền thông ấy, bằng cách quá "thông thường hóa" những món quà của mình.

Của cho một góc cách cho mười phần

Hà Quang Minh

Một năm có không biết bao nhiêu dịp người ta được nhận quà, và cũng đi tặng quà người khác, từ những dịp riêng tư như sinh nhật, đám cưới, thôi nôi hay những dịp đại chúng như 8/3, 20/10, 20/11, Giáng sinh, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán…

Và có lẽ, dịp tặng quà "xôm tụ" nhất chính là dịp Tết, khi món quà gói ghém không chỉ tình cảm của người tặng mà còn chứa đựng cả sự tri ân của mình với người nhận quà. Tất nhiên, chúng ta đừng nghĩ đến những món quà tiêu cực, kiểu như nhân viên đến nhà sếp như cái lệ, đến để "điểm danh", đến để cậy nhờ chút ân huệ "mưa móc" cho năm sau.

Hãy nghĩ đến những món quà văn minh, không phải sự mua chuộc lẫn nhau, không phải những vay nợ nhập nhằng không sòng phẳng mà là những món quà đúng nghĩa vì nhớ tới người tặng quà. Một trong những dạng quà ấy chính là những món quà người ta gửi tới cho khách hàng của mình, những người đã cùng họ có một cam kết ngầm trong một thời gian nhất định, để cùng hướng tới những mục đích chung, những lợi ích chung trong sáng.

Phong tục tặng quà nhân dịp lễ tết  là nét đẹp văn hóa cổ truyền của người Việt.

Nói đến tặng quà, chắc chắn khi người tặng muốn gửi gắm tình cảm vào món quà, họ sẽ luôn muốn nó thật đặc biệt. Có người nghĩ đến sự đặc biệt là cái hữu dụng của món quà đó, tức là họ chi tiết tới mức xác định rõ người nhận quà thích gì, và mình sẽ cố gắng tìm được món quà như ý. Có người thì nghĩ đến sự khác biệt, với cách gói ghém làm sao nổi bật nhất, độc đáo nhất. Có người thì nghĩ đến ý nghĩa của món quà, và cố mọi cách gửi gắm vào đó từng thông điệp mà có khi người nhận đoán mãi cũng không ra.

Nhưng cho dù có hướng đến mục tiêu nào cho món quà đi nữa, chắc chắn người tặng quà cũng phải tâm huyết, đầu tư suy nghĩ cho món quà mình sẽ tặng, nhất là những món quà không phải chỉ dành cho 1 người duy nhất, mà cho một nhóm người như nhau, ví dụ như một nhóm khách hàng VIP thân thiết chẳng hạn. Và những món quà ấy mới thực sự chứa đựng câu chuyện rất đáng nói của ngày hôm nay, câu chuyện của món quà chuyển tải những nội hàm văn hóa của nó.

Có lẽ, đã có không ít lần chúng ta nhận được những món quà Tết gói giấy bóng xanh xanh, đỏ đỏ mà chưa cần mở quà, ta đã biết nội dung của chúng là gì. Chắc chắn sẽ là chai rượu, hộp trà, ít bánh kẹo, ít café, ít mứt Tết. Và cũng không ít lần chúng ta không buồn mở gói quà ấy ra, để rồi ta sử dụng nó như một món quà qua tay, tặng cho một người khác mà ta nghĩ họ sẽ cần chúng hơn. Không phải bởi những món quà được tặng đó kém giá trị; càng không phải những món quà được tặng ấy không đẹp mắt mà chúng ta ứng xử với chúng như vậy. Đơn giản, những món quà ấy tạo cho chúng ta một điều kiện thừa thãi và khi cái thừa thãi không được đem ra sử dụng thì sẽ là vô cùng phí phạm. Thế là ta đành tặng lại người khác, dù ta nhớ đích danh ai đã mang nó tặng mình.

Vậy thì ở cương vị người đi tặng quà, liệu ta có muốn món quà của mình rồi lại qua tay như thế hay không? Chắc chắn là không rồi. Và ta càng không muốn món quà của mình cuối cùng chẳng đọng lại gì trong lòng người nhận, khi mình lại muốn gửi gắm tình cảm rất nhiều.

Hóa ra, tặng quà là cả một nghệ thuật mà bấy lâu nay chúng ta xuề xòa bỏ qua, để rồi quà bay đi mà mục đích đạt được chẳng nhiều nhặn gì. Và ta lại còn quên mất một điều tối quan trọng. Ấy là món quà tặng đi có thể sẽ là một "lá thư" chứa đựng những thông điệp riêng của mình, của doanh nghiệp mình, của thương hiệu mình. Suy cho cùng, quà đã không chỉ còn là quà nữa, mà nó có thể là một phương tiện để truyền thông cho chính sản phẩm mà bạn đang khai thác nó. Chỉ có điều, bạn đã bỏ phí mất kênh truyền thông ấy, bằng cách quá "thông thường hóa" những món quà của mình.

Xã hội ngày một vận động mạnh mẽ hơn, và cũng đã bắt đầu có những người nhận ra tầm quan trọng của món quà mình sẽ gửi tặng. Ví dụ như một doanh nghiệp chuyên làm café chẳng hạn. Dù nhỏ thôi, nhưng doanh nghiệp ấy luôn tạo ra những món quà đặc biệt, là chính thứ café hảo hạng nhất của mình, nhưng được bọc gói bằng những hộp quà mà người nhận không thể cầm lòng nổi nếu như món quà đó lạc vào tay ai khác. Nhưng phải nói thật, số người nhận ra tầm quan trọng mà món quà mình có thể mang lại vẫn còn quá ít, đặc biệt là tầm quan trọng trong việc thể hiện văn hóa doanh nghiệp của mình. Thế nên, quà Tết đang trở thành một thị trường đầy lãng phí.

Của một đồng, công một nén; của cho không bằng cách cho. Thế nên, ở Anh quốc, ngày 26/12, sau Giáng sinh một ngày, chính là ngày Tặng quà mà các ông chủ tặng quà như tri ân gia nhân của mình. Riết rồi ngày đó thành truyền thống và khi đã thành truyền thống, nó trở thành một thứ văn hóa đại chúng của cộng đồng. Vậy thì, ở Việt Nam, cũng đã đến lúc tặng quà tết phải trở nên một bộ mặt văn hóa đẹp trong cách chia sẻ, cư xử, bày tỏ với nhau, để những món quà, đúng nghĩa, sẽ là những cánh tin chở đi tình cảm, sự ghi nhận, sự hãnh diện khi được đón nhận, và tạo thêm những giá trị gia tăng cho chính bản thân những người tặng quà.

MC – Doanh nhân Lý Quí Chánh: "Tặng quà là thú vui, không phải trách nhiệm"

Minh Trần (ghi)

Với Lý Quí Chánh, việc tặng quà với anh chưa bao giờ là một gánh nặng. "Phải tặng món quà mà người ta sử dụng được, người ta thích thì mới có ý nghĩa", anh dành cho chúng tôi buổi trả lời về văn hóa tặng quà ngày Tết của người Việt.

- Anh có hay tặng quà cho mọi người vào ngày Tết không? Đối tượng tặng quà của anh là những ai?

+ Có. Tôi tặng quà trên tư cách cá nhân cũng như trên tư cách là một doanh nghiệp. Về bạn bè thì mỗi năm tặng khoảng 10 phần quà cho những người mà tôi quý. Còn về đối tác làm ăn thì cũng còn tùy. Khi làm bánh mì Bamizon, các mối quan hệ chưa nhiều thì khác. Bây giờ khi đã chuyển sang làm cà phê RuNam, đối tác nhiều hơn, quan hệ rộng hơn thì cũng khác. Kinh phí dành cho việc tặng quà cho các đối tác hiện tại tất nhiên phải khác. Nhưng khác biệt lớn nhất là những món quà để biếu vào dịp Tết là do chính mình làm.

- Việc tặng quà trên tư cách cá nhân và doanh nghiệp khác nhau chỗ nào?

+ Tặng quà trên tư cách cá nhân tức là tặng cho người thân, bạn bè tất nhiên phải khác. Khi tặng cho đối tượng này, tôi phải suy nghĩ đến sở thích của người nhận. Nếu người ta thích món quà mình tặng thì chính mình cũng cảm thấy thích, thấy vui nữa. Chẳng hạn như nếu tặng quà cho Khoa (ca sĩ Phạm Anh Khoa - PV) thì tôi sẽ tặng cà phê số 9 vì tôi biết Khoa thích loại cà phê ấy. Tuy nhiên, không phải quà tặng cho cá nhân nào tôi cũng dùng các sản phẩm quà tặng của công ty mình. Nhiều lúc tôi cũng phải tìm các chọn lựa khác. Còn đối tác thì lại có nhiều nhóm đối tác, đối tác làm ăn lớn khác, khách hàng thân thiết đến RuNam khác. Nội dung món quà có khác nhau, nhưng chung quy là mình luôn muốn người nhận quà cảm thấy hài lòng.

- Và quà cho đối tác là quà do chính công ty anh làm?

+ Đúng vậy. Và tôi thích những món quà ấy. Lý do lớn nhất khiến tôi thích là đấy là những món quà thật sự thuần Việt. Từ hạt cà phê, sơn mài, hộp gỗ thông, hộp vải thêu, cho đến design và cả hình vẽ bên ngoài đều hoàn toàn là "made in Viet Nam" cả.

- Và RuNam có chủ trương sẽ kinh doanh những set quà ấy?

+ Thực ra là RuNam đã và đang kinh doanh rồi. Và những set quà ấy đi từ đơn giản cho đến phức tạp. Đơn giản nhất thì có phin cà phê, tất nhiên là phin đẹp rồi (cười), một gói cà phê và một cuốn sổ tay, đựng trong một bao bì đẹp. Còn set cầu kỳ nhất thì sẽ có thêm hộp sơn mài, những chiếc ly gốm sứ đẹp, và những chiếc ly được làm bởi hội người mù. Tôi nghĩ khi người nhận được quà, họ sẽ cảm thấy mình đang cầm trên tay một món quà thật sự giá trị.

- Trước khi chuyển sang kinh doanh, anh có bao giờ chịu áp lực phải biếu quà cho... các sếp trong đài anh làm việc không (Lý Quí Chánh từng có nhiều năm công tác tại Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh - PV)?

+ Không. Tôi có tặng quà, nhưng chưa bao giờ bị ràng buộc trách nhiệm là phải thế này hay thế kia cả. Và việc tặng quà ấy cũng năm có năm không. Tôi không lên danh sách những người phải tặng quà trong công việc.

- Cứ đến Tết, những set quà làm sẵn lại được bày biện đầy đường. Văn hóa tặng quà của người Việt phải chăng ngày càng nặng?

+ Thật ra văn hóa ấy đã tồn tại rất lâu rồi ấy chứ. Nói trước về văn hóa tích cực nhé. Tết đến, tự nhiên mình nhớ lại đứa bạn thời xưa. Nếu đứa bạn ấy khó khăn, mình có một cái cớ hợp lệ để tặng quà cho nó, vừa có ý nghĩa vật chất, lại có ý nghĩa tinh thần. Nhưng lại còn “văn hóa tiêu cực” nữa. Đó kiểu tặng quà cho người khác nhưng để có lợi cho mình. Kiểu tặng quà như một trách nhiệm, đến hẹn lại lên, không có quà là coi như điểm danh không có mặt.

- Vậy nếu như không thể xóa bỏ văn hóa ấy, có cách nào... cải thiện không?

+ Nếu như đi ra đường và quơ đại một món nào đó, có khả năng món quà ấy người nhận sẽ không dùng được. Chi bằng mình tặng những thứ mà người nhận có thể dùng được. Ở nước ngoài, người ta sẵn sàng ghi ra "wish list" (danh sách món quà mơ ước) để người khác muốn tặng thì cứ việc căn vào đó. Hay như tặng voucher mua sắm, một kiểu "phong bì trá hình" như anh nói, cũng được. Nhưng việc này cũng không ổn, giống như viết thư tay và thư điện tử vậy. Viết thư tay người nhận vẫn thích hơn, cũng giống như khi nhận được một món quà mà mình biết người ta đã bỏ công sức suy nghĩ cũng thích hơn là nhận một món quà qua loa vậy. Nói chung nên biến việc tặng quà thành niềm vui, chứ không phải trách nhiệm.

- Xin cảm ơn anh vì cuộc trao đổi này...

Lý Quí Chánh hiện đang làm CEO của Công ty cổ phần cà phê RuNam. Bên cạnh đó anh còn tham gia làm host cho chương trình "Đội tuyển tôi yêu" của đài truyền hình K+. Anh nổi tiếng thông qua thời gian làm bình luận bóng đá cho đài truyền thình TP Hồ Chí Minh (HTV).

Nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Sơn: Cần dụng công  cho một món quà ý nghĩa

Trần Minh (ghi)

Khi nói về tặng quà, tôi nghĩ ngay đến dân tộc tặng quà mà theo tôi là giỏi nhất thế giới: Nhật Bản. Người Nhật rất coi trọng tinh thần của món quà. Anh họa sĩ Đinh Công Đạt kể tôi nghe câu chuyện về món quà rất đẹp mà anh nhận trong bữa tiệc. Anh mở ra thì thấy bên trong có một chiếc hộp khác, nhiều lớp như thế như con búp bê Matryoska của Nga vậy.

Cứ thế mà mở đến lớp cuối cùng thì thấy bên trong là một chiếc... tăm xỉa răng. Tất nhiên là tăm rất đẹp, làm bằng gỗ. Nhưng đấy cũng chỉ là... tăm xỉa răng mà thôi. Giá trị món quà về vật chất rõ ràng là không lớn, nhưng ai cũng cảm thấy sung sướng vì nhận được một món quá như thế. Nó cho thấy dù chỉ là một món quà nhỏ, nhưng người tặng đã thật sự dụng công, suy nghĩ cũng như gói món quà cẩn thận lại cho mình.

Đấy là phương Đông. Một ví dụ khác là ở phương Tây.  Hôm ấy tôi đi dự lễ khai trương của một hãng đồng hồ cao cấp của Thụy Sĩ. Chiếc rẻ nhất của hãng này cũng tầm hơn 20.000 USD. Sau khi kết thúc buổi lễ thì hãng mới tặng cho mỗi khách mời một chiếc hộp đồng hồ. Mọi người vừa ngạc nhiên lại vừa vui sướng, cứ nhủ là sao hãng chơi xịn thế, tặng những một cái đồng hồ. Đến khi mở ra thì thấy quả nhiên bên trong là đồng hồ, nhưng là một chiếc đồng hồ làm bằng... chocolate.

Tất nhiên có một thoáng thất vọng, nhưng mọi người mau chóng vui vẻ trở lại và ăn chiếc... đồng hồ ấy. Một ví dụ thứ ba, liên quan đến nhà cung cấp văn phòng Regus. Khi Regus khai trương chi nhánh ở Malaysia, họ gửi cho các khách hàng một hộp quà. Trong hộp quà ấy là gói mì ăn liền, được xếp rất đẹp và sẵn sàng để có thể ăn bất kỳ lúc nào. Món quà ấy được gửi với hàm ý là văn phòng của họ cũng luôn trong tình trạng sẵn sàng, đẹp đẽ để có thể dùng ngay như... gói mì vậy.  Cả ba ví dụ tôi vừa nêu đều có điểm chung: những món quà tặng đều không hề đắt tiền, nhưng nó cho thấy hàm lượng suy nghĩ lớn của những người tặng quà.

Vậy thì tiêu chí của một món quà là gì? Thứ nhất, nó phải hữu dụng. Người nhận không lấy quà rồi quăng đi vào một xó nào đó. Thứ hai, món quà ấy phải có giá trị lưu giữ, lưu giữ về mặt chức năng hoặc khó hơn là lưu giữ về mặt cảm xúc. Món quà có thể dùng xong, nhưng ký ức và cảm xúc khi nhận quà sẽ được lưu giữ lại. Thứ ba, món quà phải mang được thông điệp của người tặng. Rõ ràng, của cho vẫn không bao giờ quan trọng bằng cách cho.

Những giỏ quà hàng loạt được bày bán vào ngày Tết hoàn toàn không mang được bất kỳ điều gì nêu trên. Tôi từng được tặng những giỏ như vậy, thật sự không dùng được, trông nó rất... gớm. Nó chẳng hàm chứa sự suy nghĩ của việc tặng quà. Chưa nói đến việc trân trọng hay không, nhận món quà đó tôi phải suy nghĩ: "Anh có thật sự suy nghĩ đến tôi không, hay anh tiện tay lấy đại món quà ở trên đường?".

Hiện nay, có những công ty chuyên làm về quà tặng. Họ sẽ đảm bảo món quà ấy mang được những thông tin và thông điệp của người tặng. Nhưng tốt nhất vẫn là tự mình lựa chọn món quà để trao cho người mà mình muốn. Có hàng triệu cách để thể hiện thông điệp của mình, chúng ta chỉ cần dụng công suy nghĩ là sẽ có một món quà ý nghĩa thôi.

Theo tôi, văn hóa tặng quà là một văn hóa nên giữ, nhưng cần phải bỏ thói quen tặng quà... bừa bãi, tiện tay vớ đại một món gì đó. Tặng quà kiểu ấy, chẳng ai cảm thấy vui vẻ cả, người nhận không vui, người tặng cũng chả vui, có lẽ chỉ có... người bán quà mới vui mà thôi.

Nhạc sĩ Quốc Trung: “Quan hệ không lành mạnh, quà dễ mất trong sáng”

Minh Trí (thực hiện)

- Thưa nhạc sĩ Quốc Trung, bản thân tôi rất tò mò về cách ứng xử trong thế giới nghệ sĩ. Ví dụ như sắp đến Tết Nguyên đán, chúng ta có thể hình dung được một bộ phận xã hội sẽ rất bận rộn với việc đi biếu quà Tết. Nếu như trước đây chỉ là sự quan tâm giữa những mối quan hệ ruột thịt, thân thiết là vài chiếc bánh chưng, hộp kẹo, túi mứt dừa…; giờ đây quà Tết là một điều gì đó không còn trong sáng như vậy nữa. Tôi cho rằng đó chưa từng là một nét văn hóa của người Việt. Vậy như nhạc sĩ Quốc Trung, anh quan niệm như thế nào về văn hóa quà Tết thời nay?

+ NS Quốc Trung: Tôi thích tặng quà cho bạn hơn là được cho quà. Nhưng nói thật là Tết phải đi tặng quà ai đó thì tôi không thấy thật thoải mái cho lắm. Nét văn hoá người Việt đã thay đổi theo văn hoá sống của người Việt. Quà ngày nay không còn mang tính lễ nghĩa, kính trọng, thân ái nhiều nữa. Ngày xưa người ta tự gói bánh chưng để đi biếu, còn ngày nay bánh chưng mua ở cửa hàng và người ta cũng không thấy quý khi ai đó biếu bánh chưng nữa. Giá trị của món quà bây giờ là điều cả 2 bên quan tâm hơn là việc tặng gì và tặng như thế nào. Cá nhân tôi, tôi thích trả tiền dịch vụ có thể cao hơn, kể cả những dịch vụ không chính thức hơn là đi tặng quà kiểu như vậy.

- Trong vô vàn cách ứng xử thì của cho không bằng cách cho. Giờ đây vấn đề “quà Tết” cũng được coi là chuyện nhạy cảm, thậm chí có cả 3 số điện thoại đường dây nóng để nhân dân tố cáo chuyện quà Tết cho quan chức. Năm ngoái ghi nhận 65 cuộc gọi và sau khi kiểm tra thì “không có vấn đề gì”. Anh nghĩ sao về vấn nạn rất mơ hồ này?

+ Tôi nghĩ do suốt một thời gian dài ai cũng hiểu và đều chấp nhận một sự thật là không sống được với đồng lương (cho các viên chức) hoặc làm việc cũng không phải vì lương, nó dẫn tới việc phải có quà để bù đắp cho nhau. Thời bao cấp thì họ tặng quà bằng các thực phẩm như đường sữa, thịt, cá... Thời mở cửa thì rượu ngoại, bánh kẹo nhập khẩu. Rồi thời kinh tế thị trường thì quà là "phong bì". Phong bì có thể không phải là cái phong bì có tiền mà nó được ngầm hiểu là món quà có giá trị. Tết là dịp người ta cho nhau những cơ hội, những cái cớ để "bù đắp", thể hiện "tình cảm" với nhau. Một xã hội mà nền tảng không dựa trên những mối quan hệ lành mạnh và thẳng thắn thì quà là thứ dễ mất trong sáng nhất. Tất cả đều "tặng" quà cho nhau thì khó mà tìm ra được vấn đề lắm.

- Là một nhạc sĩ tài năng, nổi tiếng và anh cũng đã giúp đỡ rất nhiều đồng nghiệp, nghệ sĩ khác trong công việc cũng như cuộc sống. Họ cũng sẽ đến với anh trong dịp Tết này như các năm cũ. Anh có cho rằng đối với giới nghệ sĩ thì việc quà cáp Tết nhất mang màu sắc khác hay không?

+  Nghệ sĩ thường quan hệ dựa trên công việc nên nếu ngoài tình cảm thì cũng tương đối rõ ràng, không phải nhờ vả, xin cho gì ngoài mấy danh hiệu nên chắc cũng đỡ hơn. Tôi giúp ai thì trước hết là để làm mình vui nên thường quà cáp to nhất là chầu cafe mà cuối cùng tôi cũng trả tiền. Tôi thuận lợi và đi trước các em thì ai lại nhận quà của họ, mà chả nhẽ họ tặng quà tôi để được chơi ở Rock Storm hay Monsoon? Ở đó, tôi là người đi mời các bạn đó nên tôi trả tiền cafe thôi. 

PV
.
.