Trăn trở tìm người kế thừa lễ hội cuối cùng của người Pà Thẻn

Thứ Ba, 14/02/2017, 09:09
Với mong muốn duy trì lễ hội độc đáo này, cứ trung tuần tháng 10 hàng năm, huyện Lâm Bình lại tổ chức một lớp để truyền lại cách thức, kinh nghiệm thực hiện nghi lễ… nhằm bảo tồn lễ hội Nhảy lửa.

Khi màn đêm phủ dày thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cũng là lúc ngọn lửa từ tháp gỗ bừng cháy. Từ sáng, hàng ngàn người đã đổ về sân vận động Nà Nghè của thôn để chờ đợi giây phút này. Ánh lửa vương mặt người cho thấy ai cũng rất háo hức. Sau gần hai giờ hừng hực lửa, tháp gỗ cũng chịu đổ ập xuống rồi vỡ vụn. Trên mặt đất là một lớp than củi nóng bỏng, cháy đỏ rực sẵn sàng tiếp nhận những “người được chọn”.

Bốn đến năm chàng trai người rung lên, đầu lắc liên tục, tay vẽ những hình thù không rõ ràng trên mặt đất. Theo lý giải, khi thần linh về, ngài chỉ định ai thì người đó mới có thể bước vào lửa, và trong số gần hai mươi đệ tử ngồi sẵn, chỉ những “người được chọn” mới có biểu hiện như trên. Trông như họ đang trong trạng thái vô thức. 

Đồ lễ đặt lên cúng thần gồm có một con lợn sữa cùng toàn bộ tạng phủ đã luộc chín để trong mâm tròn. Quanh mâm đặt 5 chén rượu, chặn trên 5 tờ giấy sớ, cuối cùng là thắp chín nén hương, chia đều ra cắm ba chỗ và sắp một bát nước trắng. 

Phải mất nhiều năm, người Pà Thẻn mới chọn được người có thể cử hành lễ cúng thần linh.

Ông thầy mo tay gõ chiếc đàn pàn-dơ (loại đàn đặc trưng của người Pà Thẻn, cấu tạo gồm một miếng sắt dài, rộng cỡ ngón tay được lạng mỏng gắn dọc trên một thanh gỗ và gõ bằng que tre đầu bịt sắt) dồn dập, miệng đọc bài cúng gọi thần về mỗi lúc một nhanh. 

Mặc dù có hàng dây giới hạn vị trí đứng của người xem nhưng như vậy có lẽ là không đủ để giữ đám đông hiếu kỳ đi qua, quây kín xung quanh khu vực nhảy lửa.

Ước chừng đã đến lúc thực hiện nghi lễ, các chàng trai lao vào vùng than đỏ rực trước mặt. Tay bốc than vung ra xung quanh, đôi chân trần liên tiếp đá củi than bay rào rào trong không trung. Mỗi lần như vậy, người ta lại ồ lên, hô to đầy phấn khích. Than bắn rộng khắp nơi được gom lại, cứ tiếp tục như vậy cho đến khi tàn hẳn. 

Anh Lạc Công Minh, người vừa tham gia nhảy lảo đảo đi ra rồi ngồi bệt xuống đất. Minh cho biết, giây phút đầu tiên khi anh chạm vào lửa cả cơ thể bỗng lạnh toát, phải một lúc sau cơ thể mới cảm nhận được hơi nóng, nhưng dù nóng cũng không hề bị bỏng. Sau điệu nhảy, dù khá mệt nhưng anh thấy toàn thân lâng lâng, cảm giác rất nhẹ nhàng. Khi lửa hết, thầy cúng tiếp tục làm lễ tiễn thần linh về trời, lễ hội kết thúc với những hình ảnh rất ấn tượng.

Củi than cháy đỏ được hất tung đầy ấn tượng.

Hào hứng khi được hỏi, ông Owen Hicks, khách du lịch người Úc, nói: “Tôi chưa bao giờ tới một lễ hội nhảy lửa như vậy ở bất kỳ đâu. Thật thú vị khi thấy họ có thể tiếp xúc tay, chân trực tiếp với lửa. Dù muốn tham gia như họ nhưng tôi không chắc mình sẽ làm được”. 

Thầy cúng Sình Văn Phong, thôn Minh Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, người đã hơn 30 năm gắn bó với lễ hội chia sẻ, người Pà Thẻn nhảy lửa từ khi nào thì không ai nhớ nữa. Chỉ biết ý nghĩa là khi những chàng trai hòa mình vào với lửa, bà con mong các vị thần linh sẽ thấy lòng thành tâm mà tiếp tục ban mưa thuận gió hòa để mùa màng tươi tốt, đồng thời cũng xua đi bệnh tật, tà ma, mong cho người người bình an. 

Năm nay hội nhảy lửa được tổ chức vào đêm 10 và 11 tháng 2, tại hai địa điểm là sân vận động Nà Nghè, thôn Thượng Minh và sân vận động Bản Kè, xã Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình.

Là một lễ hội thu hút được rất nhiều sự quan tâm và mang bản sắc riêng của dân tộc nên theo ông Phong, sẽ rất tốt nếu như có thể duy trì và phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, đây chính là nỗi buồn và cũng là mối lo của những người đã và đang gắn bó với lễ hội truyền thống duy nhất còn lại tới ngày nay của người Pà Thẻn. 

Trải qua nhiều thế hệ, từ ngày còn sơ khai với quy mô nhỏ của riêng dân tộc cho tới hiện tại được mở rộng quy mô trở thành một lễ hội cho tất cả mọi người cùng chung vui là điều đáng mừng. Nhưng nay thế hệ trẻ hầu hết chỉ hứng thú tiếp cận theo góc độ vui chơi trong vài giờ đồng hồ. 

Bên cạnh chuyện không còn quá mặn mà, khó khăn trong việc chọn thầy cúng tiếp nối là cũng là nguyên nhân lớn. Với những yêu cầu khắt khe, có khi nhiều năm trời, tìm trong hàng trăm người vẫn chẳng chọn được ai. 

Để trở thành thầy mo, trước hết và cũng là bắt buộc phải là người Pà Thẻn. Tiếp đến phải là nam vì theo quan niệm nếu người nữ tham gia nhảy lửa thì sẽ nhảy 7 ngày 7 đêm không dừng lại được. Sau cùng, người đó phải có “duyên”, thế nên càng ngày, số người đóng vai thầy cúng trong lễ hội càng trở nên hiếm hoi.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, Trưởng Ban tổ chức lễ hội Nhảy lửa cho biết, địa phương đã khôi phục và duy trì hội nhảy lửa của người Pà Thẻn từ năm 2009 để bảo tồn và phát triển nét đẹp văn hóa này. 

Với mong muốn duy trì lễ hội độc đáo này, cứ trung tuần tháng 10 hàng năm, huyện Lâm Bình lại tổ chức một lớp để truyền lại cách thức, kinh nghiệm thực hiện nghi lễ… nhằm bảo tồn lễ hội Nhảy lửa. 

Tuy vậy, lớp mở ra thường chỉ có dưới chục người ở độ tuổi từ 30 đến 40 tham gia và không duy trì được lâu. Thế nên, việc bảo tồn lễ hội độc đáo của người Pà Thẻn vẫn đang là trăn trở của những người làm bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc.

Trung Hiếu
.
.