Nghệ thuật sân khấu truyền thống: Cần nỗ lực đổi mới, tránh lối mòn

Thứ Hai, 17/12/2018, 08:18
Sau một thời gian dài khủng hoảng, ít khán giả, sân khấu truyền thống tiếp tục đối diện với khó khăn mới. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, không ít người trong nghề, nhà phê bình sân khấu lâu năm cho rằng, những khó khăn vướng mắc còn bắt nguồn từ chính những người gắn bó với nghệ thuật sân khấu. Và, nếu không thực sự thay đổi, sân khấu truyền thống khó cứu vãn được.

Nhà phê bình sân khấu lâu năm, TS. Cao Ngọc thẳng thắn chỉ ra rằng, lâu nay, chúng ta nói rất nhiều về cái hay, cái độc đáo của sân khấu truyền thống nhưng đề nghị chỉ rõ hay ở đâu, cái gì là độc đáo nhất, muốn bảo tồn cần chú ý nhiều nhất những khâu nào thì không mấy người thấy được. Chưa kể, chính hoạt động chuyên nghiệp hóa nhiều năm trước còn bị cho là làm mất đi cái nguyên khí trong nghệ thuật truyền thống.

Có nhà nghiên cứu từng khẩn thiết kêu cứu vì thực trạng diễn viên kịch hát dân tộc như tuồng lại không biết cách để đọc bản nhạc theo hệ thống vốn có của Hò – Xự - Xang…, mà chỉ biết đọc theo hệ thống ký âm hiện đại, của Đồ - Rê- Mi… Các nghệ sĩ chèo hiện nay, đa phần không thuộc hết hệ thống các làn điệu chèo cổ. Do thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức đã dẫn đến sự lệch chuẩn trong đánh giá các giọng hát chèo.

Nhiều kỹ thuật thanh nhạc cổ truyền vốn làm nên nét duyên rất riêng của chèo, đòi hỏi nghệ sĩ phải tập luyện đến mức điêu luyện mới có thể thực hiện được. Nhiều kỹ thuật biểu diễn tài tình mà người diễn trò trên sân khấu phải tinh thông nghề nghiệp, đạt tới mức điệu luyện về kỹ xảo, khiến người xem phải thán phục bị thất truyền.

GS.Hoàng Chương từng lý giải là thế hệ trẻ không còn được truyền dạy trực tiếp từ các nghệ nhân bậc thầy. Sự copy nghệ thuật biểu diễn trải qua quá nhiều phiên bản dẫn đến tình trạng “tam sao thất bản” và những đặc sắc, tinh túy của từng bộ môn nghệ thuật truyền thống mờ nhòa dần. Trong khi đó, việc thu hút nhân tài lại đang rất khó vì vị thế của nghệ thuật dân tộc đang rất thấp trong mặt bằng chung của đời sống xã hội.

Cũng theo TS. Cao Ngọc, xu hướng xã hội hóa, hợp nhất trung tâm văn hóa và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp cấp tỉnh thành một đầu mối được hy vọng sẽ giảm bớt các cá nhân chưa đến tuổi hưu nhưng không còn xuân sắc, hết nhiệt thành để tận hiến với nghề, song không dễ.

Như NSND Thúy Mùi, người từng nhiều năm lãnh đạo Nhà hát Chèo Hà Nội chia sẻ là số nghệ sĩ ở các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp không tham gia hoạt động nghệ thuật phải chiếm đến 30% mà không có cách nào giải quyết nổi. Đơn vị đã từng động viên những người này mạnh dạn rời khỏi đoàn với một khoản tiền trích từ phúc lợi của nhà hát, song đến nay, cơ chế này không còn nên khó có thể giải quyết số lượng nhân lực này.

Nghệ thuật truyền thống đối diện với nhiều khó khăn trong xu hướng đẩy mạnh xã hội hóa hiện nay.

Nhà biên kịch Lê Quý Hiền thì cho rằng, lâu nay, sân khấu truyền thống đang lấy khán giả để “hứng” mọi nguyên nhân bất cập của người làm nghề, là cách để nhà cách tân, cải tiến sân khấu “dỏm” chữa ngượng bằng cách cao ngạo rằng, vở kén khán giả, trình độ người xem thấp. Vở quá nhạt nhẽo thì đổ thừa là chạy theo thị hiếu.

Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam Nguyễn Thị Bích Ngoan cũng cho hay, những năm gần đây, sân khấu truyền thống đang thiếu vắng kịch bản có chất lượng, phần lớn kịch bản vẫn sáng tác theo lối mòn, hoặc là được chuyển thể lại từ những tích truyện dân gian đã quá quen thuộc. Những vở diễn lại nặng nề về nội dung, chủ đề tư tưởng, tính giáo huấn.

Chưa kể, cũng là các vở tuồng cổ, chèo cổ nhưng bằng sự tinh tế, khéo léo, người xưa chuyển tải mục đích giáo huấn qua những làn điệu, vai diễn, mảng miếng trò gây ấn tượng nghệ thuật khiến khán giả xem đi xem lại không chán, thậm chí càng xem càng phát hiện ra những điều thú vị. Như vở “Kim Nham”, “Quan Âm Thị Kính”, khán giả có thể không nhớ hết câu chuyện nhưng ấn tượng về các lớp trò như “Súy Vân giả dại”, “Phù thủy sợ ma”, “Việc làng”, “Thị Màu lên chùa”, “Xã trưởng – Mẹ Đốp” thì không thể nào quên. Nhờ những ấn tượng như thế mà các vở diễn mới tồn tại hàng trăm năm qua. Còn hiện nay, nhiều vở diễn không tạo được ấn tượng cho người thưởng ngoạn về hát, múa, diễn…

Những đạo diễn thiếu chuyên môn đã lấp đi bằng các tình tiết éo le, thậm chí là những trò tục tĩu, phông màn cảnh trí, bục bệ hoành tráng. Thiếu phương hướng nghệ thuật, kịch bản tốt, đạo diễn giỏi… nhưng nhiều đơn vị vẫn phải dựng vở để hoàn thành kế hoạch và tham gia hội diễn. Như thế, sân khấu vắng khách là đương nhiên. Để sân khấu truyền thống không mất vị thế trong lòng khán giả, cần đánh giá một cách thẳng thắn, toàn diện, tìm ra giải pháp bảo tồn, phát huy phù hợp trong giai đoạn hiện tại.

Muốn thấy rõ thực trạng sân khấu hiện nay, ngoài sự đánh giá một cách khoa học về thời gian, không gian, mối quan hệ ràng buộc với hệ thống xã hội thì phải có một cách nhìn dũng cảm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về sân khấu - bà Bích Ngoan khẳng định.

N.Nguyễn
.
.