Hội thảo “Thế hệ nhà văn sau 1975”

Thứ Năm, 28/04/2016, 18:02
Ngày 28-4, tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Thế hệ nhà văn sau 1975” nhằm tạo ra diễn đàn khoa học, nhìn nhận, đánh giá tôn vinh thế hệ cầm bút sau năm 1975, để từ đó hướng tới việc tiếp cận, kỹ càng, khách quan hơn về thế hệ nhà văn và giai đoạn văn chương này.


Hội thảo đã nhận được 85 tham luận với sự tham gia đông đảo của các nhà văn, nhà thơ, các nhà nghiên cứu, phê bình văn học trong cả nước. Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, thế hệ nhà văn xuất hiện trên văn đàn sau năm 1975 là lớp người đóng góp hết sức to lớn cho sự nghiệp đổi mới văn học nước nhà.

Họ xuất hiện là để làm mới văn học, là đưa văn học sang giai đoạn mới: “Thế hệ nhà văn sau 1975 cầm bút và sáng tạo vào thời điểm công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước do Đảng khởi xướng năm 1986. Vì thế, họ đã có được một tinh thần đổi mới mạnh mẽ, và trên thực tế đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm văn chương thấm đẫm tinh thần đổi mới cả về tư tưởng và nghệ thuật”.

Quang cảnh hội thảo.

Tại Hội thảo, TS Chu Văn Sơn (Đại học Sư phạm Hà Nội) đã “điểm danh” những cây bút tiêu biểu của thế hệ nhà văn Việt Nam sau 1975, có thể kể đến Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Sương Nguyệt Minh, Võ Thị Hảo, Y Ban… (văn xuôi); Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Trần Quang Quý… (thơ); Trương Đăng Dung, Đỗ Lai Thúy, Trần Ngọc Vương, Trần Nho Thìn… (nghiên cứu - lý luận - phê bình); Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Thiều, Trần Tiễn Cao Đăng… (dịch thuật).

Vũ Quang
.
.