Tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa

Thứ Năm, 19/08/2021, 07:17

Trong khi ở các tỉnh miền Đông, miền Tây, nhiều loại nông sản đã vào mùa thu hoạch nhưng rất khó khăn tiêu thụ,còn tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu tiêu thụ các loại thực phẩm này rất lớn, nhưng cung – cầu khó gặp nhau. Xảy ra nghịch lý này là do khâu vận chuyển, lưu thông ở mỗi địa phương áp dụng mỗi kiểu… đang gây áp lực rất lớn cho ngành vận tải hàng hóa, cũng như gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong chuỗi cung ứng.

Điển hình như mặt hàng mì ăn liền. Đây là mặt hàng được người dân tiêu thụ mạnh nhất trong đại dịch, nhưng đã “đứt” hàng trong mấy tháng liền. Nguyên nhân là do thiếu… hành lá trong các gói nêm, nên các DN sản xuất mì gói không thể tiếp tục sản xuất. Trong khi đó, vùng nguyên liệu hành lá ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã đến lứa thu hoạch nhưng không tiêu thụ được do thương lái không thuê được xe vận chuyển để đưa hàng về TP Hồ Chí Minh.

thao go (2).jpg -0
Do có kho lạnh, nên hệ thống phân phối cũng đã dự trữ được lượng lớn hàng hóa, cung ứng cho nhu cầu người dân. 

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết, đại dịch COVID-19 gây khó khăn nhưng cũng bộc lộ một số yếu kém rõ ràng là việc bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Đơn cử như Công ty San Hà, trước đây công ty cung cấp thịt gà cho các bếp ăn, cửa hàng thức ăn nhanh, nhà hàng… hàng trăm tấn/ngày, nhưng nay các hệ thống này đóng cửa thì không biết bán đi đâu. Còn hệ thống giao nhận thì gần như thả nổi. Hạ tầng logistics thiếu toàn bộ kho lạnh và kho mát.

Cụ thể, tại hệ thống phân phối hiện đại có trang bị kho lạnh, nhưng kênh phân phối này chỉ đóng góp 30% thị phần, 70% thị phần còn lại là ba chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức, và các chợ truyền thống. Nhưng hiện nay chỉ có chợ đầu mối Bình Điền là có kho lạnh, nhưng Satra đầu tư kho này cũng chủ yếu để trữ các hàng thủy hải sản, thịt, trái cây nhập khẩu. Như vậy, có thể thấy, toàn bộ hoạt động logistics từ giao nhận, dự trữ đặt hàng, đặc biệt là hệ thống kho đông lạnh, kho mát phục vụ cho nông sản đang bị bỏ trống.

"Vậy ngay từ bây giờ, TP nên có chủ trương chính sách giao Sở Công Thương triển khai đề án logistics. HUBA sẽ làm đầu mối gắn kết các DN làm phương án đầu tư để triển khai, có thể nhanh nhất là một năm sau sẽ có cơ sở hạ tầng logistics”, ông Hòa nói.

Một đại diện của Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, cộng đồng các DN gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hoá, kể cả trong nội thành TP và đi liên tỉnh, khi TP Hồ Chí Minh và đồng loạt các tỉnh, thành áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16. Trên cơ sở các kiến nghị quyết liệt của các Hiệp hội ngành hàng cả nước và DN, vấn đề lưu thông hàng hóa cuối cùng cũng đã được Chính phủ và các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ. Tuy nhiên, nhưng thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng các chốt kiểm soát gây khó dễ theo kiểu “phép vua thua lệ làng” và đòi hỏi các thủ tục khiến DN bức xúc.

Đơn cử, TP Hồ Chí Minh đang thực hiện “giờ giới nghiêm” từ 18h-6h và trong khoảng thời gian này các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông. Nhưng một số chốt ở các cửa ngõ của thành phố, xe về sau 18h không thể qua chốt vì trên xe không chở hàng, mặc dù có giấy tờ giao nhận hàng thiết yếu.Vì vậy tài xế phải ngủ lại trên xe. Do đó, đề nghị TP cần cụ thể các quy định của Trung ương và chỉ đạo quyết liệt các địa phương, các chốt kiểm soát cần thực hiện nghiêm các thủ tục, yêu cầu về kiểm tra, phòng chống dịch theo đúng chỉ đạo, nhằm tránh tình trạng áp dụng mỗi nơi mỗi kiểu, gây khó khăn cho DN.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhìn nhận: “Trong vấn đề về logistic, vận chuyển đường bộ trong thời gian qua có rất nhiều DN lên tiếng, điều này cho thấy chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự nhất quán giữa các địa phương”. Theo ông Hải, mặc dù Thủ tướng đã chỉ đạo, tất cả hàng hóa lưu thông bình thường. Tuy nhiên, ở khâu thực hiện lại có vấn đề, vì ở nhiều địa phương, trạm kiểm soát chỉ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên trực tiếp. Nếu địa phương đó không có hướng dẫn, quán triệt chủ trương của Trung ương đưa xuống thì kể cả các văn bản từ Trung ương, các Bộ ngành, các chốt đó cũng không thực hiện. Gần đây có nhiều DN phản ánh về vấn đề này.

Tháo gỡ khó khăn cho vận tải là đồng nghĩa tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, phân phối, ông Nguyễn Duy Minh - Tổng Thư ký Hiệp hội DN logistics Việt Nam đưa ra một số giải pháp: Thứ nhất, đề nghị Chính phủ chấp thuận đề xuất của Bộ Công Thương về việc ban hành danh mục “hàng hóa cấm lưu thông” thay vì liệt kê danh mục “hàng hóa thiết yếu” được phép lưu thông. Bởi lẽ, định nghĩa hàng hóa thiết yếu đang gây khó khăn cho các DN vận tải mỗi khi đi qua các chốt kiểm dịch; Thứ hai: Để tránh tình trạng “mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu” tại các chốt kiểm dịch, gây khó khăn cho lưu thông vận tải thì cần có ứng dụng số hóa trong kiểm tra, chế tài. Ví dụ, tích hợp Bluzone với sổ sức khỏe điện tử, khai báo từng người tham gia vận tải để nhận diện được khi qua chốt. Thứ ba, về yêu cầu giấy xét nghiệm COVID-19 đối với lái xe như là “giấy thông hành” khi qua trạm. Như vậy, cứ 3 ngày các lái xe phải đi test 1 lần, nhưng địa điểm test rất đông người, nguy cơ lây nhiễm rất cao, nên đề nghị Chính phủ cho phép được mua các bộ test COVID-19 nhanh… Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là vấn đề tiêm vaccine cho người lao động trực tiếp làm dịch vụ vận chuyển, giao - nhận hàng hóa.

“Trong phân phối nội thương, đặc biệt phải quan tâm chợ đầu mối vì nó liên quan đến các tỉnh, thành khác. Vì vậy, đề xuất Bộ Công Thương sớm quy hoạch vị trí, dự phòng, mô hình hoạt động. Bởi, đại dịch tấn công các chợ đầu mối TP Hồ Chí Minh, ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, an sinh, nhu cầu thiết yếu của người dân TP”, ông Minh nói.

Thúy Hà
.
.