Tận dụng cơ hội để xuất khẩu trực tuyến

Thứ Năm, 21/03/2024, 04:32

Xuất khẩu (XK) trực tuyến giờ đã trở được nhiều doanh nghiệp tận dụng để đưa hàng hoá, sản phẩm của mình đi xa hơn, tới được nhiều thị trường. Đặc biệt, sự kiện 100 doanh nghiệp (DN) Việt Nam tiêu biểu đầu tiên được tham gia Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) quốc tế đã đánh dấu bước tiến mới cho XK trực tuyến Việt Nam, đồng thời mở ra cơ hội xúc tiến XK trên nền tảng số.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Dương Như Đức, Giám đốc Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình cho biết, sản phẩm phân bón là sản phẩm đặc thù, tuy nhiên bên cạnh cung cấp trên thị trường nội địa và XK theo phương thức truyền thống, DN đã XK qua TMĐT xuyên biên giới trên sàn Alibaba. Việc tiếp cận và xúc tiến XK trực tuyến giúp DN tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, nhất là thị trường ở châu Á, trong đó tiêu thụ nhiều nhất là Malaysia, Indonesia... Kết quả này tạo đà để DN tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu và đưa sản phẩm vươn xa.

go2.jpeg -0
Doanh thu thương mại điện tử tăng trưởng qua từng năm, mở ra cơ hội tiếp cận khách hàng cho các doanh nghiệp.

Là 1 trong 100 DN tiêu biểu tham gia Gian hàng Việt Nam trên Alibaba, ông Tô Nghiệp Siêu, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sản xuất và dịch vụ Hành Sanh cho biết, tham gia sàn Alibaba từ năm 2019, doanh thu của DN tại thị trường quốc tế đã đạt mức 150.000 USD. Đến nay, DN sản xuất quạt điện có thương hiệu lâu đời này đã nhanh chóng thâm nhập 7 quốc gia. “Với việc lọt tốp 100 DN tiêu biểu đầu tiên tham gia Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn TMĐT Alibaba, chúng tôi kỳ vọng sẽ mở rộng hơn nữa phạm vi hoạt động và củng cố vị thế cạnh tranh”, ông Tô Nghiệp Siêu bày tỏ.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, năm 2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với Alibaba xây dựng và vận hành “Gian hàng quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion”. Gian hàng quốc gia Việt Nam là nơi trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam, đồng thời là nền tảng chiến lược để các DN kết nối với người tiêu dùng toàn cầu, từ đó tối đa hóa tiềm năng thị trường quốc tế.

Trên thực tế, với những ưu thế vượt trội so với thương mại truyền thống, TMĐT đã trở thành giải pháp giúp nhiều DN XK vượt qua thách thức. Bà Dương Thị Thủy, Giám đốc Kinh doanh xuất khẩu, Công ty Thực phẩm Hữu Nghị cũng cho rằng, bên cạnh kênh XK truyền thống sang thị trường Trung Quốc, DN cũng đã tận dụng bán hàng, giới thiệu và quảng bá sản phẩm bánh kẹo Việt trên các sàn TMĐT lớn của Trung Quốc. Việc tiếp cận thị trường, đáp ứng về chất lượng, mẫu mã và được thị trường chấp nhận. Đây là tín hiệu tích cực đối với DN. Việc bán hàng trên các sàn TMĐT quốc tế giúp DN tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.

Thống kê của Amazon Global Selling cho thấy, hiện 5 ngành hàng XK tốt nhất qua kênh TMĐT, gồm: Nhà cửa (nội thất), nhà bếp, sức khỏe - chăm sóc cá nhân, may mặc và làm đẹp. Điển hình như với nhóm hàng nội thất và trang trí nhà cửa đã chứng kiến mức tăng trưởng vượt trội trong giai đoạn 2020-2022. Trong vòng 3 năm trở lại đây, nhà cửa và nhà bếp cũng liên tục góp mặt trong Top ngành hàng bán chạy nhất của các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon. Một con số ấn tượng cho thấy 62,3% số lượng truy cập tìm kiếm online về nội thất sẽ chuyển đổi thành giao dịch trực tuyến. Nhiều DN Việt Nam đã bắt đầu và gặt hái thành công khi XK nội thất qua Amazon.

Theo dự báo của Amazon Global Selling, TMĐT có thể trở thành ngành XK lớn thứ 5 của Việt Nam trong 5 năm tới, với giá trị XK dự kiến lên đến 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027. Để tận dụng lợi thế của thương mại số, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các sàn TMĐT uy tín với hàng trăm triệu nhà mua hàng trên phạm vi toàn cầu như Amazon, Alibaba... để thúc đẩy XK trực tuyến.

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đang cùng Amazon Global Selling Việt Nam chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như thu hẹp khoảng cách về năng lực ứng dụng TMĐT xuyên biên giới cho DN Việt Nam trong vòng 5 năm (2022-2026). Hai bên sẽ phối hợp đào tạo cho khoảng 10.000 DN trong nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi hoạt động trong ngành kinh tế số, từng bước xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.

Trân Trân
.
.