Sẵn sàng các điều kiện cho Trung tâm tài chính quốc tế TP Hồ Chí Minh

Thứ Bảy, 03/09/2022, 09:22

Phương châm phát triển Trung tâm tài chính của TP Hồ Chí Minh là chỉ xin cơ chế chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp yên tâm thỏa sức đổi mới sáng tạo, hoạt động lành mạnh, bắt kịp và tiến tới đi đầu, dẫn dắt các xu thế phát triển toàn cầu, chứ tuyệt đối không xin ưu đãi về đất đai hay thuế suất.

Các tiền đề cơ bản

Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cùng TS Huỳnh Thế Du và nhóm cộng sự thuộc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, TP Hồ Chí Minh là một đô thị tập hợp các dịch vụ tài chính, khách hàng và tổ chức cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng, phạm vi hoạt động và lưu chuyển dòng vốn bao trùm toàn quốc. Với quy mô và ảnh hưởng nhất định như vậy, xét trên cả góc độ chuyên môn hay phạm vi địa lý, có thể khẳng định TP Hồ Chí Minh đã là một Trung tâm tài chính (TTTC) Quốc gia.

quoc te 1.png -0
Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nơi được dự kiến sẽ đặt Trung tâm tài chính quốc tế TP Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh là nơi có sự phát triển của kinh tế thị trường và tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu cả nước. Trong đó, tài chính - ngân hàng là ngành kinh tế lớn và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Nếu như năm 2020, giá trị gia tăng của ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng và bảo hiểm của cả nước đạt 338 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,4% GDP, thì giá trị gia tăng của ngành này tại TP Hồ Chí Minh đã là 119 nghìn tỷ đồng, chiếm 9% GRDP của Thành phố. Bên cạnh đó, quy mô ngành tài chính - ngân hàng và bảo hiểm của TP Hồ Chí Minh cũng đã bằng 35% của cả nước.

Hệ thống tài chính ở TP Hồ Chí Minh từ khi hình thành vào đầu thập niên 1990 đã phát triển theo hướng cụm ngành để trở thành một TTTC của cả nước với sự tập trung cao của các ngân hàng thương mại, thị trường chứng khoán và dịch vụ bảo hiểm. Theo nhóm chuyên gia, phát triển theo hướng cụm ngành là yếu tố quan trọng nhất để duy trì năng lực cạnh tranh của hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.

Thời gian qua, việc cụm ngành tài chính của TP Hồ Chí Minh có mức tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn so với cả nước là nhờ vào các dịch vụ tài chính mới nổi như ngân hàng số, tài chính - công nghệ  (fintech), phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, dịch vụ quản lý quỹ - quản lý tài sản, thị trường mua bán - sáp nhập doanh nghiệp và chứng khoán phái sinh. Song, theo đánh giá của nhóm chuyên gia, vì mang tính mới nổi nên những dịch vụ tài chính này tuy tăng trưởng nhanh nhưng khả năng chuyển đổi thực sự bằng công nghệ là chưa vững chắc. Nhất là trước những thách thức về môi trường kinh doanh, khung quản lý Nhà nước, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho rằng, mặc dù có tính cạnh tranh cao trong nước, song TP Hồ Chí Minh vẫn còn yếu so với năng lực cạnh tranh bình quân của các TTTC châu Á khác. Trong đó những dịch vụ kinh doanh vẫn còn thiếu vắng trong cụm ngành tài chính - ngân hàng của TP Hồ Chí Minh là niêm yết và giao dịch chứng khoán chéo, vốn xanh, vốn đầu tư mạo hiểm… Về thị trường, TTTC TP Hồ Chí Minh cũng đang thiếu vắng thị trường giao dịch phái sinh hàng hóa. Điều thuận lợi là TTTC TP Hồ Chí Minh là nơi duy nhất trên cả nước được đánh giá xếp hạng quốc tế theo chỉ số TTTC toàn cầu.

Đến nay TP Hồ Chí Minh cũng đã là trung tâm fintech của cả nước, tập trung nhiều vào mảng thanh toán điện tử, ví điện tử. Ngoài ra trong thời gian gần đây, TP Hồ Chí Minh còn phát triển mạnh trong các lĩnh vực tài chính tiêu dùng, cho vay ngang hàng, tài chính cá nhân, tư vấn bằng robot, môi giới chứng khoán số và quản lý dữ liệu bằng công nghệ mới. Trong số 36 fintech làm trung gian thanh toán theo hình thức ví điện tử, chỉ có một số là có quy mô lớn và được tài trợ mạnh bởi các quỹ đầu tư nước ngoài như MoMo, Airpay, Payoo, ZaloPay, VNPay, Moca, ViettelPay.

Trước xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang bùng nổ trên cả nước, theo công bố của Statista, chỉ riêng doanh thu của lĩnh vực thanh toán điện tử được dự báo tăng hơn 19% trong năm 2020, đạt 8,6 tỷ USD với hơn 35 triệu người sử dụng. "Chiếm lĩnh thị phần, đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh đều là chiến lược phát triển và cạnh tranh của các fintech trung gian thanh toán", TS Huỳnh Thế Du nhận định.

Bên cạnh đó, cho vay ngang hàng là phân khúc lớn thứ hai với 34 fintech cung cấp dịch vụ. Hoạt động này cho phép người dân, doanh nghiệp cho vay và mượn tiền của nhau mà không thông qua các trung gian tài chính truyền thống như ngân hàng. Các công ty nổi bật trong lĩnh vực này gồm có Tima công bố thông tin đã giải ngân khoảng 1,7 tỷ USD khoản vay cho 2,8 triệu người và có hơn 30.000 người cho vay trên nền tảng của mình. Vaymuon.vn cũng đã có hơn 2 triệu lượt khách hàng với gần 400 nghìn nhà đầu tư và tăng trưởng trên 20% mỗi tháng.

Tại TTTC TP Hồ Chí Minh, xu hướng ngân hàng số và fintech hiện đang phát triển song hành. Các ngân hàng truyền thống tự đầu tư vào fintech của mình, hợp tác với các fintech startup và cũng ngày một cạnh tranh mạnh mẽ với fintech. Hoạt động ngân hàng truyền thống tại TP Hồ Chí Minh tuy vẫn giữ vị thế đi đầu, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính Quốc gia nhưng quy mô tài sản, thị phần, huy động và dư nợ tín dụng. Hoạt động ngân hàng tại Thành phố chỉ có thể kỳ vọng vào sự bứt phá mới dựa trên nền tảng số.

Dịch vụ quản lý tài sản

Về dịch vụ quản lý tài sản, đến nay TTTC TP Hồ Chí Minh có 74 công ty chứng khoán, 45 công ty quản lý quỹ với tổng số tài sản quản lý đạt 350 nghìn tỉ đồng, 51 quỹ đầu tư chứng khoán các loại với quy mô tài sản ròng đạt gần 33,6 nghìn tỷ đồng. Các loại hình dịch vụ quản lý tài sản và tài chính ngày càng đa dạng hơn. Nhưng ở góc độ quản lý Nhà nước, chính quyền TP Hồ Chí Minh lại không có chức năng quản lý và điều tiết hoạt động này. Do đó nhóm chuyên gia khuyến cáo, trước nhu cầu phát triển TTTC quốc tế tại TP Hồ Chí Minh, chính quyền Thành phố cần chủ động kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng hành lang pháp lý, trước mắt là một Nghị định cho sự phát triển của loại hình dịch vụ quản lý tài sản chuyên nghiệp ở Việt Nam nói chung và tại TTTC TP Hồ Chí Minh nói riêng.

Đối với thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh tại TTTC TP Hồ Chí Minh, nhóm chuyên gia nhận định, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế có năng lực cạnh tranh cao và hướng mạnh vào xuất khẩu. Bởi TP Hồ Chí Minh có vị trí vô cùng thuận lợi để phát triển một thị trường giao dịch các hợp đồng tài chính phái sinh về hàng hóa, đặc biệt là nông sản và kim loại.

Đối với nông sản, TP Hồ Chí Minh là nơi có thể kết nối tốt nhất với cả thị trường nông sản Tây Nguyên và thị trường nông sản Đồng bằng sông Cửu Long. Về kim loại, TP Hồ Chí Minh cũng là nơi tốt nhất để xây dựng thị trường phục vụ nhu cầu bảo hiểm rủi ro giá kim loại đầu vào cho các doanh nghiệp công nghiệp chế tạo - chế biến trên cả nước, trong đó doanh nghiệp tập trung ở Vùng Đông Nam bộ chiếm tỷ lệ không nhỏ.

Nhu cầu của người sản xuất, chế biến và xuất nhập khẩu nông sản về bảo hiểm rủi ro biến động giá bằng cách sử dụng các hợp đồng tài chính phái sinh hàng hóa là rất lớn. Khi thị trường này thiếu vắng, các cá nhân hay doanh nghiệp nhỏ và vừa không có được công cụ bảo hiểm rủi ro về giá. Những doanh nghiệp lớn có thể mua bán hợp đồng ở các thị trường phái sinh hàng hóa quốc tế, nhưng phải qua trung gian với chi phí giao dịch cao. Hiện tại, giao dịch hàng hóa phái sinh do Bộ Công Thương quản lý.

Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đã được Bộ Công Thương cấp phép. Nhưng do thị trường phái sinh hàng hóa là một loại thị trường chứng khoán. Chứng khoán phái sinh lại phụ thuộc vào một tài sản hay hàng hóa cơ sở và phục vụ cả nhu cầu bảo hiểm của doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất nhập khẩu lẫn các nhà đầu tư mang tính đầu cơ. Vì vậy thị trường phái sinh hàng hóa cũng phải được chi phối bởi khung quản lý Nhà nước về chứng khoán.

Nhóm chuyên gia cũng đề nghị, để hình thành thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh, cần xác định rõ về mặt quản lý Nhà nước rằng nếu là thị trường hàng hóa vật chất thì Bộ Công Thương là cơ quan quản lý, nhưng để tiến tới phát triển thị trường hàng hóa với bản chất là môi trường tài chính, có các giao dịch hàng hóa mang tính phái sinh, giao dịch trên cơ sở của các hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn… thì thẩm quyền quản lý Nhà nước thuộc về Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ phù hợp hơn.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cùng nhóm cộng sự cũng khuyến cáo, tuy tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là vấn đề an ninh kinh tế, nhưng việc hình thành TTTC quốc tế Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh được xem là xu hướng tất yếu. Do đó, cần cân đối lợi ích để thiết kế chính sách theo hướng chấp nhận rủi ro ở mức độ có thể kiểm soát và được bù đắp thỏa đáng bởi lợi ích mà TTTC có thể mang lại cho nền kinh tế. Các cơ chế chính sách đặc thù mà Thành phố cần được Trung ương cho phép đều trên nguyên tắc tạo dựng môi trường kinh doanh tuân theo chuẩn mực quốc tế cao nhất, tốt nhất với tính cạnh tranh cao, minh bạch, cởi mở thân thiện nhằm thu hút nhà đầu tư toàn cầu.

Phương châm phát triển TTTC của TP Hồ Chí Minh là chỉ xin cơ chế chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp yên tâm thỏa sức đổi mới sáng tạo, hoạt động lành mạnh, bắt kịp và tiến tới đi đầu, dẫn dắt các xu thế phát triển toàn cầu, chứ tuyệt đối không xin ưu đãi về đất đai hay thuế suất. Bởi xét về tổng thể, những chính sách này không những không mang lại lợi ích cho toàn nền kinh tế, mà còn có nguy cơ hình thành cơ chế xin - cho biệt đãi đối với nhóm lợi ích, hình thành độc quyền hạn chế sự phát triển mà một TTTC quốc tế thực sự cần.

Đức Thắng
.
.