Hàng không nội địa phục hồi, hàng không quốc tế vẫn lỗ nặng

Thứ Hai, 09/05/2022, 08:06

Hàng không Việt Nam vừa tiếp tục đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không. Báo cáo mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam gửi Bộ GTVT nêu rõ: Năm 2022, dịch COVID -19 đã dần được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội cũng đã dần trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, cần nhiều thời gian hơn để các doanh nghiệp hàng không có thể khắc phục tổn thất, khôi phục lại hoạt động kinh doanh.

Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2022, sản lượng hành khách vận chuyển ước đạt từ 42 - 47 triệu lượt hành khách, tăng từ 170% - 200% so với năm 2021 nhưng giảm trên 40% so với năm 2019. Sản lượng hàng hoá vận chuyển đạt 1,524 triệu tấn hàng hoá, tăng 16,4% so với năm 2021 và tăng 21,2% so với năm 2019. Đến nay, Việt Nam đã khôi phục lại đường bay tới trên 20 quốc gia/vùng lãnh thổ truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Philippines, Lào, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Pháp, Đức, Anh, Nga, Úc, Hoa Kỳ...

Dự kiến các thị trường sẽ tiếp tục được khôi phục cũng như tăng dần tần suất đường bay khai thác. Đối với thị trường nội địa, sau khi hoạt động vận chuyển hàng không nội địa được dỡ bỏ các hạn chế về tần suất, cho đến nay, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác trở lại gần 60 đường bay nội địa với trung bình tổng số chuyến bay nội địa thực hiện hàng ngày từ 700 - 800 chuyến bay. Tính riêng thị trường nội địa, lượng hành khách vận chuyển ước đạt từ 33 - 35 triệu lượt khách, giảm từ 6% - 10% so với năm 2019.

khong-khi-tet-tai-nia-6-20220128165455.jpg -0
Năm 2022, sản lượng hành khách vận chuyển qua đường hàng không ước đạt từ 42 - 47 triệu lượt hành khách.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Phạm Văn Hảo cho biết: Dự kiến đến hết năm 2022, sản lượng vận chuyển hành khách nội địa đạt gần về mức năm 2019, là thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Tuy nhiên, theo ông Hảo, riêng thị trường quốc tế sẽ cần một thời gian dài để phục hồi. Dự kiến năm 2022, sản lượng vận chuyển hành khách quốc tế giảm 72%-80% so với năm 2019. Với tỷ trọng doanh thu, lợi nhuận của các hãng hàng không chủ yếu đến từ thị trường vận chuyển quốc tế, dự kiến năm 2022, hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Thậm chí, giai đoạn cuối tháng 3/2022, khi đà tăng của giá dầu thô có dấu hiệu chững lại thì giá Jet A1 vẫn tiếp tục tăng cao. Theo dữ liệu thống kê của IATA, giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á ngày 1/4/2022 tăng cao ở mức 132,63 USD/thùng, ngày 29/4/2022 tiếp tục tăng lên tới 145,67 USD/thùng. Dự báo giá Jet A1 bình quân năm 2022 là 129,5 USD/thùng. Thêm vào đó, do các tình hình bất ổn về kinh tế, chính trị trên thế giới giai đoạn vừa qua khiến giá nhiên liệu tăng đột biến, gây sức ép nặng nề lên chi phí của các hãng hàng không.

Thực tế có thể thấy, các hãng hàng không là trung tâm của dây chuyền cung cấp dịch vụ hàng không. Khi các hãng hàng không có thể vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì và mở rộng tần suất khai thác các chuyến bay, chặng bay thì đồng thời cũng tạo doanh thu cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ. Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ GTVT tiếp tục ban hành chính sách “giảm 50% giá dịch vụ hạ cất cánh máy bay đối với các chuyến bay nội địa từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 và áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022”.

Trước tình cảnh khó khăn hiện nay, một số hãng hàng không đã kiến nghị lên Bộ Tài chính xin được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2022, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống 5% và tiếp tục giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu bay từ 7% xuống còn 0%.

Về kiến nghị này Bộ Tài chính cho hay, trong bối cảnh cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn nhưng vẫn phải đảm bảo nhiều nhiệm vụ chi quan trọng, việc đặt vấn đề bổ sung thêm các giải pháp để hỗ trợ cho ngành hàng không cần được cân nhắc, tính toán cẩn trọng, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước.

Bộ Tài chính thông tin, hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng nhiên liệu bay là 7%. Nhiên liệu bay nhập khẩu từ một số quốc gia có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam là thành viên được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thấp hơn (5%) trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại (ví dụ theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định ASEAN - Trung Quốc).

Bên cạnh đó, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT đang được quy định tại Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp và Luật thuế VAT. “Do đó, kiến nghị giảm thuế suất thuế VAT từ 10% xuống mức 5% và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp hàng không thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội”, Bộ Tài chính khẳng định.

Riêng đối với thuế VAT, hiện nay các doanh nghiệp hàng không cũng đang được hưởng lợi từ chính sách giảm 2% mức thuế suất thuế VAT quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 nêu trên. Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho một số đối tượng, trong đó có ngành hàng không.

Nhật Uyên
.
.