"Xôn xao" dự luật tị nạn gây chia rẽ Đảng của ông Macron

Thứ Hai, 23/04/2018, 14:31
Với 228 phiếu thuận, 139 phiếu chống và 24 phiếu trắng, dự thảo luật tị nạn và nhập cư gây tranh cãi tại Pháp đã được Hạ viện nước này thông qua lần thứ nhất. 
Ông Macron cho rằng, việc thông qua dự luật sẽ giúp nước Pháp "dễ thở" hơn trong vấn đề kiểm soát làn sóng nhập cư. Tuy nhiên, những điều khoản có phần "hà khắc" này lại bị chính các nghị sĩ trong nội bộ đảng phản đối. Ảnh: 

Reuters đưa tin, ngày 22-4, sau 61 giờ thảo luận căng thẳng, Hạ viện Pháp đã thông qua dự thảo luật tị nạn và nhập cư gây tranh cãi, nhằm siết chặt vấn đề kiểm soát người tị nạn, khiến đảng của Tổng thống Emmanuel Macron xuất hiện những rạn nứt đầu tiên. 

Jean-Michel Clement, một thành viên thuộc Đảng của ông Macron phản đối dự luật này phát biểu: "Tôi không chắc nước Pháp có đang gửi tới cộng đồng thế giới một thông điệp phù hợp hay không."  

Theo đó, dự luật nêu trên đưa ra những điều khoản như tăng gấp đôi thời hạn tạm giữ người di cư bất hợp pháp lên 90 ngày; giảm thời hạn chót những người xin tị nạn phải nộp đơn đăng ký từ 120 xuống 90 ngày; giảm một nửa thời gian chờ xử lý đơn xuống 6 tháng và cho họ 2 tuần để khiếu nại nếu đơn xin tị nạn không được phê duyệt. 

Dự luật cũng quy định những người vượt biên trái phép vào lãnh thổ Pháp sẽ bị phạt tiền và phạt tù giam 1 năm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc trục xuất các trường hợp xin tị nạn vì lý do kinh tế. 

Năm 2017, Pháp nhận được đơn xin tị nạn của 100.000 người - một con số kỷ lục. Ảnh: PA. 

Với những điều khoản "chặt chẽ' nêu trên, ngoài các nghị sĩ trong nội bộ Đảng của Tổng thống Macron, các tổ chức nhân quyền cũng đã lên tiếng phản đối, cho rằng dự luật này là quá "hà khắc" với người xin tị nạn mà chưa quan tâm tới những khó khăn mà họ phải đối mặt.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Pháp cho hay, năm 2017, nước này nhận được đơn xin tị nạn của 100.000 người - một con số kỷ lục. Chính vì thế, để kiểm soát làn sóng nhập cư tốt hơn, dự luật đã được ra đời. 

Ông cho biết các trung tâm tạm giữ sẽ được cải tạo để đảm bảo điều kiện sinh hoạt "có thể chấp nhận," đặc biệt đối với các gia đình người di cư. Những người tị nạn được công nhận sẽ được hỗ trợ nhiều hơn để hòa nhập xã hội, như được tạo điều kiện về việc làm và học tiếng Pháp. 

Được biết, dự luật còn phải đưa ra thảo luận thông qua tại Thượng viện, dự kiến vào tháng 6 tới, trước khi được đưa trở lại Hạ viện phê chuẩn lần cuối.

Như Uyên
.
.