Liệu COVID-19 có yếu đi khi thời tiết ấm lên?

Thứ Sáu, 13/03/2020, 09:09
Khi virus Corona chủng mới mới bắt đầu lan rộng khắp thế giới, một số người cho rằng dịch bệnh COVID-19 do virus này gây ra cũng giống như cúm thông thường, chỉ nguy hiểm với một nhóm người nhạy cảm, không khiến phải đóng cửa cả một thành phố.


Thực tế cho thấy đánh giá trên là sai. Theo số liệu hiện tại, tỷ lệ tử vong do COVID-19 là khoảng 1-2%, so với khoảng 0,1% đối với bệnh cúm mùa đông. Virus Corona cũng có vẻ dễ lây nhiễm như cúm, thậm chí là dễ lây hơn, đặc biệt là khi không có phương pháp điều trị cụ thể hay vaccine theo mùa.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng virus này sẽ suy giảm dần vào sau mùa xuân, giống như cúm bình thường.

“Đây là một loại virus đường hô hấp và chúng luôn gây rắc rối cho chúng ta trong thời tiết lạnh, vì những lý do rõ ràng”, Nelson Michael, một nhà nghiên cứu y học quân sự hàng đầu của Mỹ, cho biết.

Ảnh minh họa Getty Images. 

Cúm phát triển mạnh trong điều kiện lạnh và khô, đó là lý do tại sao mùa đông là mùa cúm đối với phần lớn bán cầu Bắc. Sự khác biệt về hành vi trong mùa đông cũng có thể có ảnh hưởng nhất định. Michael dự đoán virus Corona có thể hoạt động giống như bệnh cúm và sẽ gây “ít rắc rối hơn khi thời tiết ấm lên”, nhưng, ông cảnh báo, nó có thể quay trở lại khi thời tiết lạnh trở lại.

Dù vậy, vẫn có hy vọng rằng cùng với hành động triệt để của chính phủ và công chúng trong giảm số ca mắc mới, việc giảm lây lan trong thời tiết ấm hơn sẽ giúp hệ thống y tế có đủ thời gian tìm cách đối phó với dòng bệnh nhân nhiễm ban đầu và một loại vaccine tiềm năng được phát triển.

Nhưng nếu virus này không “vận hành” như cúm thì sao? Liệu chúng ta có thể đối phó với tỷ lệ lây nhiễm cao trong suốt cả năm? Hơn 100 trường hợp đã được xác nhận tại Singapore, nơi có thời tiết nóng và oi bức quanh năm. Nhiều trường hợp đã được phát hiện tại Australia, Brazil và Argentina, những nước hiện đang ở giữa mùa hè. Chúng ta còn biết quá ít về virus này. Có bằng chứng cho thấy virus Corona đặc biệt lan rộng ở những vùng khí hậu nhất định.

Một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất trên thế giới - từ Vũ Hán, nơi đầu tiên phát hiện ra virus, đến Iran, Italia và Hàn Quốc - có cùng một vĩ độ, với nhiệt độ và độ ẩm tương đối. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Maryland (UM) thậm chí đã sử dụng dữ liệu này để cố gắng chỉ ra các khu vực khác trên thế giới có thể có nguy cơ bùng phát trong tương lai.

Mặc dù nghiên cứu vẫn đang ở bước đầu, dữ liệu từ nghiên cứu của UM cho thấy rằng một số điều kiện khí hậu nhất định có thể thúc đẩy sự lây lan của virus.

“Ngoài việc có nhiệt độ, độ ẩm và vĩ độ trung bình tương đồng, (các vị trí dọc theo vĩ độ 30-50 độ Bắc) cũng có một điểm chung là thời điểm bùng phát trùng với điểm thấp nhất trong chu kỳ nhiệt độ hàng năm, và do đó nhiệt độ tương đối ổn định trong khoảng thời gian hơn một tháng”, theo nghiên cứu của UM.

Brittany Kmush, chuyên gia y tế công cộng tại Đại học Syracuse, New York, cho biết “cúm và các loại virus Corona khác lây nhiễm ở người có xu hướng theo mùa, các trường hợp lên đến đỉnh điểm trong những tháng mùa đông ở bán cầu Bắc. Tuy nhiên, chưa liệu virus này có tuân theo quy luật về thời gian này hay không”.

David Cennimo, nhà nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y khoa Rutgers New Jersey, cho biết nhiều chuyên gia “hy vọng rằng các trường hợp nhiễm sẽ giảm xuống trong mùa hè”, mặc dù ông nói thêm rằng “dữ liệu từ các nước nhiệt đới có thể làm giảm những hy vọng này”.

Tuy nhiên, cả Cennimo và Kmush đều cảnh báo không nên đưa ra quá nhiều kết luận từ dữ liệu địa lý, nhấn mạnh rằng vẫn còn nhiều điều chưa biết về chính virus và sự lây lan của nó trong những tháng gần đây.

Debra Chew, chuyên gia y khoa tại Rutgers, đã đồng ý rằng việc thiếu hiểu biết về virus và cách thức hoạt động của nó khiến cho việc dự đoán các yếu tố như tính thời vụ nhiều khả năng là không thể vào thời điểm này.

Ngay cả khi các trường hợp nhiễm virus Corona đã tăng vọt một cách đáng báo động ở nhiều quốc gia trong tuần này, có một tin tức tốt lành. Sự bùng phát ở cả Trung Quốc và Hàn Quốc, trước đây là hai trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, dường như đang ổn định, với ít trường hợp mới trong tuần. Đó là nhờ sự can thiệp bền bỉ của các cơ quan y tế, bao gồm sự kết hợp của các lệnh “đóng cửa” thành phố, hạn chế đi lại và khuyến khích mọi người làm việc tại nhà và thực hiện cách ly xã hội, cũng như tuyên truyền về sự cần thiết của các quy trình vệ sinh nghiêm ngặt.

Mặc dù vậy, vẫn cần phải xem xét trường hợp virus có thể leo thang trở lại hay thực sự được kiểm soát trong bối cảnh các khu vực từng là “tiền tuyến” dịch bắt đầu nới lỏng hạn chế. Trong bối cảnh các khu vực khác trên thế giới đang tăng cường các hành động để đối phó với dịch bệnh này, nhiều người hy vọng thời tiết ấm lên khi chuyển hè sẽ giúp những nước này có thêm động lực.

Duy Tiến (Theo CNN)
.
.