Người phụ nữ đưa thổ cẩm Mông ra thế giới

Chủ Nhật, 02/04/2017, 19:44
Về thôn Hợp Tiến (xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) vào một ngày đầu xuân khi trên nương ngô lô nhô đá, bà con đang rộn ràng chuẩn bị cho một vụ mùa mới, tôi tìm đến gặp nữ Chủ nhiệm của Hợp tác xã dệt lanh, bà Vàng Thị Mai.


Cánh cổng Hợp tác xã nằm đối diện với UBND xã Lùng Tám khép hờ, lúc tôi gọi chỉ có đứa cháu gái chừng bảy tuổi của bà ra đón: "Bà cháu ở nhà bên, chú đi theo cháu". Nhà riêng của bà ngay bên cạnh Hợp tác xã.

Trong ngôi nhà nằm bên sông Tráng Kìm, vừa trò chuyện, nghệ nhân dân gian Vàng Thị Mai vừa giới thiệu với chúng tôi những sản phẩm thổ cẩm do bà và các xã viên làm ra.

Bà Mai và hai con gái tham gia hội chợ.

Tất cả sản phẩm trưng bày đều được trang trí đẹp mắt, mỗi hoa văn trên các tấm lanh đều mang những ý nghĩa riêng như thể hiện tình cảm vợ chồng bạn bè… và được làm hoàn toàn bằng thủ công là tâm huyết hơn hai mươi năm nay của bà Mai và các xã viên trong Hợp tác xã.

Được mẹ truyền nghề từ khi lên 13 tuổi, nghệ nhân Vàng Thị Mai coi việc dệt thổ cẩm và giữ gìn những tinh hoa của người dân tộc Mông gần như là một trách nhiệm lớn lao mà một người phụ nữ Mông thực thụ phải làm. Hợp tác xã dệt thổ cẩm thôn Hợp Tiến được thành lập từ năm 1999, với khởi đầu khiêm tốn và ít người biết đến.

Giờ đây, sau hơn hai mươi năm, Hợp tác xã đã duy trì sản xuất và phát triển trông thấy với 130 thành viên và hàng trăm đơn hàng đến từ khắp nơi trên thế giới. Với cương vị là người sáng lập, Chủ nhiệm Hợp tác xã, nghệ nhân Vàng Thị Mai đã làm tất cả để có thể đưa nhưng sản phẩm dệt lanh của các xã viên lan tỏa khắp nơi.

Từ trước đến nay người ta vẫn biết đến phụ nữ Mông trên cao nguyên đá Hà Giang gắn liền với hình ảnh cặm cụi se lanh mọi lúc mọi nơi. Những cây lanh mảnh khảnh vươn lên từ hốc đá nương ngô gắn liền với cuộc sống của người Mông vùng cao núi đá, qua bàn tay cần mẫn và cũng không kém phần tài hoa của những người phụ nữ ấy đã trở thành những bộ váy áo, chiếc khăn sặc sỡ mang đậm bản sắc dân tộc.

Trân quý những giá trị truyền thống của dân tộc mình, nhưng cũng lo lắng trước những mai một của nghề dệt lanh truyền thống, bà Vàng Thị Mai luôn trăn trở làm sao để những sản phẩm đó có thể trở thành hàng hóa mang lại thu nhập cải thiện đời sống cho bà con của mình.

Nghệ nhân Vàng Thị Mai bùi ngùi kể lại cơ duyên giúp bà thành lập hợp tác xã: "Đó là một buổi tôi cùng những chị em của mình đang ngồi se lanh dệt vải như bao ngày bên sân nhà, tình cờ một nữ du khách ngoại quốc đi qua Lùng Tám và vào xem chúng tôi dệt lanh, được tận mắt thấy những sản phẩm thủ công của tôi và các chị em, nữ du khách ấy đã đặt đơn hàng đầu tiên.

Từ đó tôi không ngừng suy nghĩ để là sao mình có thể duy trì nghề truyền thống của tổ tiên, vừa có thể mang lại thu nhập cho chính mình và các chị em người Mông từ sản phẩm đặc trưng dân tộc mình".

Nghệ nhân Vàng Thị Mai se lanh.

Trong  những năm đầu khi Hợp tác xã dệt lanh Hợp Tiến mới thành lập, khách hàng biết đến sản phẩm dệt lanh còn ít. Lúc này chính bà Vàng Thị Mai đã lặn lội từ Quản Bạ, Hà Giang xuống Thủ đô Hà Nội mang theo các sản phẩm của mình để tận tay giới thiệu với từng điểm bán đồ lưu niệm quanh hồ Gươm. Đó là những tháng ngày gian nan vất vả nhất mà bà Mai vẫn nhớ mãi.

“Thổ cẩm dệt lanh của người Mông chưa được khách hàng biết đến nhiều, vì vậy mình cần phải cho họ xem những sản phẩm tốt nhất mới có thể thuyết phục được người ta”, bà Mai nói. Tôi một mình cuốc bộ khắp các phố ngang đường dọc của đất Hà Nội để trực tiếp giới thiệu sản phẩm với từng người, từng cửa hàng lưu niệm một.

Nhiều lúc thấy mình ăn mặc khác người, họ còn nghi kị, xua đuổi. Sau này khi dệt lanh Lùng Tám đã được biết đến nhiều hơn, nghệ nhân Vàng Thị Mai vẫn tự mình đưa sản phẩm tham gia các hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ lớn nhỏ khắp cả nước.

Trước nay những tấm vải lanh vốn chỉ dùng để làm quần áo cho chị em người Mông đã theo chân những vị khách người Tây, người Nhật đi khắp nơi trên thế giới.

Trong những năm tháng khởi đầu gian nan ấy, ngoài khó khăn về tiếp thị sản phẩm và tìm kiếm khách hàng, bà Mai và Hợp tác xã còn phải đối mặt với vấn đề nguyên liệu và con người.

Hầu như tất cả mọi người phụ nữ Mông đều có thể se lanh dệt vải nhưng công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ cần nhiều thời gian, mà người phụ nữ lại là lao động chủ chốt trong gia đình nên họ không thể toàn tâm toàn ý cho công việc của Hợp tác xã.

Trong truyền thống người Mông chúng tôi, se lanh dệt vải giống như là một chuẩn mực để đánh giá người phụ nữ, nên chị em đều thành thạo từ nhỏ nhưng nó chỉ là công việc phụ lúc nghỉ ngơi.

Nhiều ông chồng chưa thấy vợ tham gia Hợp tác xã có thu nhập nên ngăn cản vợ dành thời gian tham gia sản xuất, lấy đất trồng lanh thay vì trồng ngô. Những lúc như vậy bà Mai lại phải cùng cán bộ phụ nữ xã đến từng gia đình vận động, chỉ ra những cái lợi khi trồng lanh, dệt vải mới khiến họ nghe và làm theo.

Rồi từng ngày khách hàng biết và đến với Hợp tác xã nhiều hơn, thu nhập của xã viên cũng được cải thiện, lúc ấy nghệ nhân Vàng Thị Mai mới khiến các ông chồng yên lòng để vợ mình tham gia sản xuất dệt lanh. Đến nay, Hợp tác xã dệt lanh của xã Lùng Tám đã có hơn 130 thành viên, với thu nhập 3 triệu đồng một tháng cho mỗi xã viên, có người cuộc sống đã khấm khá lên rất nhiều.

Danh hiệu "Nữ hoàng thổ cẩm"

Từ ngày Hợp tác xã phát triển, bà Mai luôn bận rộn với công việc và những sự kiện liên quan, đang nói chuyện, bà xin lỗi vì phải chuẩn bị cho chuyến đi xuống Hà Nội dự một buổi lễ vinh danh. Bà ân cần gọi con gái ra thay bà dẫn tôi đi xem các sản phẩm trưng bày và xưởng dệt của Hợp tác xã.

Chị Sùng Thị Dính, con gái cả tự hào kể về mẹ khi tôi nhắc đến danh hiệu "Nữ hoàng thổ cẩm" mà nhiều người khi nhắc tới tên bà đều kèm theo: "Đó là danh hiệu mà khách hàng cũng như nhiều người biết đến tài năng và tâm huyết của mẹ em với thổ cẩm Mông dành cho. Dệt lanh thì vùng nào có người Mông cũng đều có cả, nhưng để nó vượt được núi cao, qua cổng trời ra Thủ đô rồi ra cả nước ngoài thì mẹ em làm được đầu tiên". 

Qủa nhiên là như vậy, sau những cố gắng không ngừng, nghệ nhân Vàng Thị Mai đã đem thổ cẩm người Mông vượt qua cổng trời Quản Bạ xuống miền xuôi và đi tới nhiều nơi trên thế giới. Trong đó không ít những thị trường khó tính như Pháp, Nhật, Thụy Điển...

Với những nỗ lực và cống hiến của mình, bà Vàng Thị Mai đã được phong danh hiệu "Nghệ nhân dân gian" năm 2015. Đó là sự ghi nhận xứng đáng cho những công lao mà bà Mai đã làm với dệt lanh truyền thống của người Mông.

Với sức lan tỏa của các mặt hàng của Hợp tác xã, danh tiếng và uy tín của nghệ nhân Vàng Thị Mai cũng được biết đến nhiều hơn. Năm 2014, nghệ nhân Vàng Thị Mai được trao giải Kova, giải thưởng nhằm vinh danh các tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội.

Nghệ nhân Vàng Thị Mai.

Liên tục các năm 2008, 2010, 2011, bà được Đại sứ quán Pháp mời tham gia Hội chợ Phụ nữ năng động sáng tạo toàn cầu. Mới đây nhất, nghệ nhân Vàng Thị Mai được Tạp chí Frobesvietnam bầu chọn vào danh sách 50 phụ nữ Việt Nam có ảnh hưởng nhất.

Có được thành công ngày nay, nghệ nhân Vàng Thị Mai cho biết chồng và các con giúp đỡ bà nhiều, công việc của Hợp tác xã. Hai con gái của bà hiện nay vừa tham gia các công việc ở xưởng, vừa phụ trách giới thiệu sản phẩm cho bà.

Sản phẩm được biết đến nhiều, thu hút khách du lịch và nhiều doanh nghiệp, đời sống của các xã viên cải thiện rõ rệt vậy nên chính quền địa phương cũng đã ủng hộ bà và các xã viên phát triển và giữ gìn nghề truyền thống.

Bà Mai cho biết, hướng phát triển của Hợp tác xã là ngoài phát triển các sản phẩm truyền thống của dân tộc mình, còn tập chung làm đa dạng những mẫu mã sản phẩm mới hợp với thời đại và sở thích của khách hàng.

Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo thế hệ kế cận cũng đang là mối quan tâm của người phụ nữ Mông năng động này. Hiện nay, trong Hợp tác xã của bà có không ít những nghệ nhân trẻ tuổi có tay nghề rất cao.

Trước khi chia tay, bà Mai vui vẻ nói với tôi về một dự án mà các bạn trẻ đang vận động giúp bà và xã viên trong Hợp tác xã. Theo đo,á nhà xưởng sẽ được đầu tư xây dựng quy mô hơn, nhà ở của các xã viên cũng sẽ được xây dựng kiên cố giúp họ an tâm với công việc.

Với sức sáng tạo năng động cộng thêm những giá trị truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, tin rằng người phụ nữ này sẽ càng đưa dệt lanh đến với các thị trường rộng lớn hơn, từ đó tạo ra nhiều hơn nữa công ăn việc làm cho chị em nơi vùng cao núi đá.

Nguyễn Văn Toan
.
.