Dành sự chăm lo, hỗ trợ hiệu quả nạn nhân chất độc da cam/dioxin

Thứ Năm, 22/07/2021, 07:20
Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7), 60 năm thảm họa da cam Việt Nam, chiều 21/7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với đại diện Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Đánh giá cao các Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ, tri ân các thương binh, liệt sĩ, người có công và nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây còn là hoạt động giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta: “Chúng ta đối xử, tri ân với những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc tốt bao nhiêu thì nền tảng bảo vệ Tổ quốc tốt bấy nhiêu”. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các Hội đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa với các gia đình liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam. 

Báo cáo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc, lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết,  từ khi thành lập năm 2004 đến nay, Hội đã thành lập ở Trung ương và hội viên ở 63 tỉnh, thành với trên 400.000 hội viên. 

Sau 60 năm thảm họa da cam, di chứng của chất độc này vẫn còn rất lớn, nên Hội đã phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, các bộ, ngành, địa phương huy động nguồn lực xã hội gần 2.700 tỷ đồng hỗ trợ các nạn nhân. Riêng nửa đầu năm nay, dù tác động tiêu cực của dịch COVID-19, Hội vẫn vận động được trên 220 tỷ đồng. 

Hội đã tích cực tham gia vào các hoạt động vận động đấu tranh yêu cầu khắc phục hậu quả chất độc hóa học mà Mỹ sử dụng tại Việt Nam. Về Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ, sau hơn 10 năm thành lập, hội đã phát triển mạng lưới và hiện có gần 100 chi hội cấp huyện với gần 10.000 hội viên. 

Qua khảo sát ở nhiều địa phương, Hội đã kiến nghị và phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội công nhận hàng trăm trường hợp là liệt sĩ còn tồn đọng nhiều năm qua. Đến nay đã tư vấn trực tiếp trên 28.600 lượt thân nhân liệt sĩ, giúp hơn 200 gia đình liệt sĩ tìm được hài cốt liệt sĩ. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, buổi làm việc với đại diện các Hội thể hiện tình cảm trân trọng của Chủ tịch nước đối với các Hội, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của các Hội đối với công tác chăm sóc, hỗ trợ người có công, các gia đình thương binh, liệt sĩ và nạn nhân chất độc da cam. 

Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong các cuộc kháng chiến và chiến tranh chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc, có rất nhiều người con của đất nước đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Do đó, đền ơn đáp nghĩa, tưởng nhớ các công lao, sự hy sinh đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, là chủ trương quan trọng của Đảng ta. Đến nay, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách pháp luật để hỗ trợ các gia đình có công cách mạng, các gia đình thương binh, liệt sĩ, các nạn nhân chất độc da cam/ dioxin. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Ảnh: TTXVN.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Đây là chính sách rất quan trọng không chỉ thực hiện chính sách hậu phương Quân đội mà là giải pháp quan trọng để bảo vệ Tổ quốc lâu dài, bền vững. Nếu chúng ta đối xử với những người đã đóng góp cho Tổ quốc tốt bao nhiêu thì nền tảng bảo vệ Tổ quốc tốt bấy nhiêu. Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã thấy được vấn đề này và có sự quan tâm đến các gia đình thương binh, liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam… Ví dụ, trước đây chính sách với các Mẹ Việt Nam Anh hùng chưa hoàn thiện thì nay được phụng dưỡng suốt đời. Cho nên những người điều hành đất nước, các cấp các ngành phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng. Đây cũng là sự nhắc nhở nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ". 

Về hoạt động của các Hội thời gian qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao 2 Hội đã có nhiều hoạt động góp phần thiết thực vào việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong hỗ trợ các gia đình thương binh, liệt sĩ cũng như hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam. Nhiều thành viên của Hội dù tuổi cao những vẫn rất nhiệt tình, lăn lộn trong công tác Hội, vì vậy chính các thành viên của Hội và Hội cũng xứng đáng được tôn vinh. 

Nhân dịp này, Chủ tịch nước cũng đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, các nhà hảo tâm, các nhà khoa học, các hội viên và nhân dân cả nước đã đóng góp lớn cho các hoạt động của các Hội. Điều đó góp phần giúp không khí tích cực trong chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình người có công, các nạn nhân da cam. 

Nhấn mạnh vai trò của các Hội rất quan trọng trong thời gian tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hỗ trợ các Hội tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tri ân có ý nghĩa, mở rộng các hoạt động thiết thực của các hội, nhất là khi cả nước vẫn còn trên 560.000 gia đình liệt sĩ. 

Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước cũng đã cho ý kiến về một số kiến nghị của các Hội, trong lưu ý các hoạt động kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ cũng như kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam đảm bảo trang trọng, ý nghĩa và có hình thức tổ chức phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh. 

Chủ tịch nước yêu cầu Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập hợp, xử lý các kiến nghị của các Hội, trong đó có việc xác nhận nạn nhân chất độc da cam, nhất là đối với thế hệ thứ 3 sao cho có căn cứ khoa học và thủ tục nhanh chóng; tiếp tục tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, khẩn trương thành lập ngân hàng ADN các hài cốt liệt sĩ và ADN thân nhân liệt sĩ để phục vụ việc xác định thân nhân các liệt sĩ… 

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Chủ tịch nước mong muốn các Hội tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành chức năng, không để gia đình chính sách, trong đó có các gia đình liệt sĩ, người có công, nạn nhân chất độc da cam đói cơm, lạt muối.

Vũ Dung
.
.