Đại hội Đảng các cấp: Phát huy dân chủ để lựa chọn cán bộ

Thứ Hai, 02/03/2020, 08:40
Chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhiều địa phương đã tiến hành Đại hội Chi bộ, Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ cơ cở.

Việc chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp, việc đề ra chủ trương, nhiệm vụ mang tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu về chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời kỳ mới; việc sàng lọc, lựa chọn được đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt có tâm, có tầm, biết đặt lợi ích của đất nước, nhân dân lên trên hết, tất cả vì sự nghiệp chung có ý nghĩa quan trọng, góp phần để Đại hội lần thứ XIII của Đảng đúng định hướng, xứng với niềm tin, sự kỳ vọng của các tầng lớp đảng viên và nhân dân cả nước.

Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương về nội dung này.

Ông Vũ Văn Phúc: Sau Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 18-10-2019, Ban Tổ chức Trung ương đã ra hướng dẫn số 26, trong đó quy định cụ thể về việc thành lập tiểu ban nhân sự Đại hội, về việc xây dựng đề án nhân sự trình Đại hội, về tiêu chuẩn của cấp ủy viên các cấp.

Đặc biệt, lần này quy định rất cụ thể về độ tuổi tham gia cấp ủy, cả những trường hợp đặc biệt. Ví dụ như ở các cơ quan ban ngành, Mặt trận, đoàn thể, những đồng chí là thủ trưởng đồng thời là Bí thư Chi bộ, Bí thư Đảng bộ... có thể tiếp tục tham gia cấp ủy nếu còn thời gian công tác 1 năm trở lên.

Trong lý luận chúng ta cũng đã thấy, sau khi có đường lối đúng thì vấn đề quyết định nhất, quan trọng nhất là vấn đề nhân sự. Qua thực tiễn ở nhiệm kỳ trước, chúng tôi thấy các đại biểu dự Đại hội khi đóng góp vào dự thảo văn kiện cũng không nhiều lắm. Các đại biểu cũng cho rằng, công tác chuẩn bị văn kiện trình Đại hội về cơ bản có thể yên tâm và các đại biểu gần như tập trung tâm sức, trí tuệ vào việc lựa chọn cán bộ tham gia cấp ủy khóa mới.

Đây là điều các đại biểu dự Đại hội quan tâm và điều đó cũng đúng thực tế. Vì cán bộ là người đề ra chủ trương, chính sách, nhưng đồng thời cũng là người tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, quyết sách của Đại hội đã nêu ra. Cho nên công tác cán bộ hết sức quan trọng.

Có điều, làm thế nào để chọn cho đúng cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, đạo đức, vì dân vì nước để thực hiện nhiệm vụ.

Trong thực tế cũng có những cán bộ được bổ nhiệm hoặc được bầu trong Đại hội làm đúng quy trình, thậm chí trước Đại hội được đánh giá rất tốt nên được bầu với số phiếu rất cao. Nhưng sau khi cán bộ trúng vào cấp ủy thì thời gian sau họ trở thành một con người khác, bộc lộ năng lực hạn chế, phẩm chất, đạo đức cũng không thực sự trong sáng, cán bộ, đảng viên cũng không tâm phục khẩu phục. Thực tế đã chứng minh, từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, nhiều cán bộ bị kỷ luật, trong đó có tới hơn 90 cán bộ cấp cao.

PV: Tham nhũng được ví như giặc nội xâm và đấu tranh với nó không thể là ngày một ngày hai, nhưng nếu có giải pháp tốt, đồng bộ và quan trọng là chọn được những người liêm chính thì sự nghiệp cách mạng sẽ thành công, phải không thưa ông?

Ông Vũ Văn Phúc: Trong thực tiễn, có những trường hợp cán bộ đã vi phạm khuyết điểm từ trước, nhưng vẫn vào được Ban Chấp hành Trung ương, rồi làm Ủy viên Bộ Chính trị. Từ bài học đó yêu cầu công tác cán bộ, lựa chọn cấp ủy viên phải thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ.

Ở các nhiệm kỳ trước, có vẻ chúng ta làm nghiêm ở vế tập trung nhiều hơn. Tức là cơ quan tổ chức cán bộ tham mưu, rồi cấp ủy quyết danh sách dự kiến trình Đại hội để Đại hội bầu vào cấp ủy. Nhưng theo tôi, nhiệm kỳ này nên phát huy dân chủ trong Đảng và dân chủ trong xã hội. Tôi tin rằng, cán bộ, đảng viên, nhân dân sẽ phát hiện được cán bộ tốt, cán bộ chưa xứng đáng vào cấp ủy.

Việc phát huy dân chủ trong Đảng, trong dân phải tiến hành từ khi làm quy trình nhân sự. Có nghĩa là trước khi làm quy trình nhân sự từ cấp xã, phường, tỉnh, thành phố, thậm chí Trung ương thì nên thăm dò trong dân, trong cán bộ đảng viên, để phát hiện cán bộ nào thực sự xứng đáng vào cấp ủy.

Ngay cả khi chọn Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, không nên chỉ là cơ quan tổ chức cán bộ tham mưu để cấp ủy lựa chọn mà nên lấy phiếu giới thiệu, phiếu thăm dò từ Chi bộ cơ sở trở lên thì tôi tin đảng viên ở cơ sở đó sẽ giới thiệu được những đồng chí thực sự xứng đáng làm Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy.

Công tác đánh giá cán bộ cũng vậy, không chỉ là cấp trên cấp ủy, thủ trưởng cơ quan đánh giá mà phải đưa ra tập thể cán bộ, đảng viên cơ quan, khu dân cư đánh giá. Như có đồng chí cán bộ cấp cao về khu dân cư, sáng lên ôtô đi làm, tối đi ôtô về, không có tiếp xúc với bà con dân phố. Chúng ta hay nói Đảng phải gắn bó máu thịt với nhân dân, nhưng cán bộ nhiều khi cũng không biết hàng xóm ở ngay cạnh thì làm sao gắn bó được với nhân dân. Cho nên, ngoài việc đánh giá cán bộ ở cơ quan nơi công tác thì phải có đánh giá ở nơi cư trú.

Bên cạnh đó, trong phòng, chống tham nhũng thì phải kiên quyết kê khai tài sản của cán bộ, vợ con cán bộ, thậm chí cả người thân để xem trước khi nhận chức vụ, cán bộ có khối tài sản gì, sau nhiệm kỳ 5 năm, khối tài sản đó tăng lên bao nhiêu, do đâu mà có.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đàm Hoa
.
.