Phân định “tội giết người”: Ranh giới mong manh

Thứ Sáu, 28/08/2015, 08:57
Qua thực tiễn xét xử cho thấy, trong nhiều vụ án gây hậu quả chết người, cơ quan tố tụng rất khó xác định chính xác mục đích, động cơ phạm tội, người phạm tội có thấy trước hậu quả, mong muốn hay để mặc nó xảy ra hay không... để quy kết tội danh cho bị cáo. 

Từ việc lấn cấn này dẫn đến nhiều vụ án bị cáo phạm tội "giết người" nhưng khi đưa ra xét xử, tòa cho rằng không đủ chứng cứ thuyết phục để kết tội trên nên chuyển sang một tội khác nhẹ hơn.

TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh vừa xử phúc thẩm bác kháng nghị của VKS, giữ nguyên tội danh tòa án cấp sơ thẩm áp dụng đối với bị cáo Phan Văn Đức (29 tuổi) và em ruột Phan Văn Duy (26 tuổi, cùng ngụ Bình Phước) về tội "giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh".

Theo nội dung vụ án, trưa 5/1/2011, Hoàng Ngọc Thương (SN 1987, ngụ Bình Phước) điều khiển xe gắn máy chở theo Lê Viết Hải (SN 1985) mang theo con dao đến nhà Phan Văn Đức ngụ cùng thôn 6, xã Long Hưng, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) để giải quyết mâu thuẫn. Khi đến nơi, Hải đứng ngoài, còn Thương cầm dao đi thẳng vào nhà, nơi Đức đang ngồi dùng dao đuổi chém Đức. Thấy anh bị Thương đuổi chém, Phan Văn Duy đang ở trong nhà liền cầm cây chỉa đâm 1 nhát vào lưng Thương rồi vứt bỏ cây chỉa.

Cùng lúc này, Hải chạy vào ôm Thương can ngăn và giật lấy con dao từ trên tay Thương vứt ra xa. Còn Đức, sau khi bỏ chạy tìm được một cây lồ ô nên quay lại đánh vào đầu Thương một cái. Duy thấy vậy cũng chạy vào nhà lấy cây xà beng bồi tiếp vào lưng Thương. Thấy Thương bị đánh, Hải chạy vào can ngăn sau đó đưa Thương về nhà. Chiều cùng ngày, Thương được gia đình đưa đi cấp cứu. Theo kết quả giám định, Thương bị chấn thương sọ não với thương tật 84%.

Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn tại phiên tòa sơ thẩm.

 Mới đây, TAND TP Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Nguyễn Anh Tuấn (41 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) mức án 5 năm tù về tội "cố ý gây thương tích". Theo cáo trạng, trưa 1/8/2013, Nguyễn Anh Tuấn cùng nhóm bạn tổ chức nhậu tại chòi lá thuê nuôi cá đường Phú Định, phường 16, quận 8. Lúc này, ông Huỳnh Văn Liêm (SN 1960, ngụ quận 8) đi câu cá gần đó đi ngang qua nên Tuấn mời vào nhậu cùng. Trong lúc nhậu, ông Liêm nhảy xuống ao nhặt nón nên người dính đầy bùn. Vì vậy, Tuấn cùng nhóm bạn yêu cầu ông Liêm tắm mới cho vào nhậu tiếp.

Ông Liêm không nghe nên cả nhóm đóng cửa không cho vào. Tức giận, ông Liêm đã đập phá bung cửa chòi nên bị Tuấn đẩy té xuống ao. Sau khi leo lên được từ dưới ao, ông Liêm đã dùng cây đánh và chửi Tuấn. Tức giận, Tuấn đi ra nhặt khúc cây đánh nhiều cái vào đầu ông Liêm khiến nạn nhân tử vong do chấn thương sọ não.

Đáng chú ý là cả hai vụ án trên đều bị VKS truy tố về tội giết người, tuy nhiên khi đưa ra xét xử thì tòa kết luận không đủ quy buộc bị cáo tội danh trên mà phạm một tội khác nhẹ hơn.

Cụ thể, trong vụ án hai anh em Đức và Duy, theo lý giải của tòa sơ thẩm, hành vi của các bị cáo xuất phát từ hành vi trái pháp luật của bị hại, các bị cáo phạm tội trong tình trạng tinh thần kích động mạnh nên không thể nói là các bị cáo phạm tội giết người.

Tuy nhiên, quan điểm này của tòa không được VKS cùng cấp chấp nhận. Theo VKS, bản án sơ thẩm tuyên 2 bị cáo phạm tội "giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh" là không có căn cứ. Bởi lẽ, việc Thương mang dao đến nhà tìm và chém bị cáo Đức là hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên, hành vi này đã bị mọi người can ngăn, tước đoạt con dao trên tay và khống chế nên Thương không còn nguy hiểm nữa. Lúc này, bị cáo Đức có thể lựa chọn cách cư xử khác nhằm chấm dứt sự việc nhưng vẫn lựa chọn hành vi dùng cây lồ ô đánh vào đầu Thương.

Đối với bị cáo Duy, khi thấy anh đánh Thương, thay vì can ngăn thì bị cáo lại chủ động tấn công và cầm chỉa đâm vào lưng, cầm xà beng đánh vào Thương... Với những luận cứ nêu trên nên sau khi xét xử sơ thẩm, VKS đã kháng nghị bản án theo hướng đổi tội danh và tăng hình phạt hai bị cáo trên. Tuy nhiên, đồng quan điểm với tòa án cấp sơ thẩm nên xử phúc thẩm, TAND cấp cao đã bác kháng nghị của VKS.

Còn trong vụ án Nguyễn Anh Tuấn, theo tòa, mục đích, động cơ phạm tội của bị cáo không nhằm tước đoạt sinh mạng của nạn nhân nên không thể nói là phạm tội giết người. Bị cáo phạm tội trong trường hợp bị kích động mạnh về tinh thần do hành vi trái pháp luật của bị hại gây ra nên chỉ có thể cấu thành tội "cố ý gây thương tích" với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự "dùng hung khí nguy hiểm dẫn đến chết người". Từ đó, HĐXX đã tuyên án như đã nêu trên.

H. Anh
.
.