Đạo diễn Quốc Trọng:

Người Việt vẫn thích xem những câu chuyện về đời sống của người Việt

Thứ Tư, 06/04/2016, 07:25
Đạo diễn Quốc Trọng nói, khán giả Việt không quay lưng với phim Việt và họ vẫn muốn xem những câu chuyện về đời sống của người Việt.Ông chia sẻ những quan niệm làm nghề, để có những thước phim truyền hình tử tế đến với khán giả.


- Có một điều rất dễ nhận ra, dường như đạo diễn Quốc Trọng rất tâm huyết với đề tài nông thôn. Với "Gia phả của đất" cũng vậy. Vì sao anh lại lựa chọn đề tài được cho là khó này?

+ Thực ra không cứ là đề tài nông thôn, quan trọng với tôi là kịch bản nào thuyết phục thì mình làm. Đề tài nông thôn là đề tài khó, có thể nhiều người thích nhưng làm phức tạp, mất công, nên họ ngại. Với tôi thì mỗi vùng đất có số phận, vinh quang hay đớn hèn đều do con người nơi đó làm nên.

- Ông đã có rất nhiều phim truyền hình thành công. Ông có bị áp lực bởi điều đó không?

+ Tôi làm phim không bao giờ nghĩ đến việc phim này phải hay hơn phim trước, bởi mỗi bộ phim đều có một thông điệp khác nhau. Tôi chỉ cố gắng làm hết sức mình thôi chứ không nghĩ đến việc phải hay hơn, rồi sợ mọi người khen hay chê. Mỗi phim khác nhau thì áp lực của kịch bản, của việc tìm ra một cách kể làm thế nào hấp dẫn đã quá tải rồi. Nếu còn để ý đến sự đàm tiếu của thiên hạ thì mệt lắm.

- Bối cảnh phim "Gia phả của đất" từ những năm 80 của thế kỷ trước, khá xa với thời đại chúng ta đang sống. Ông làm thế nào để có những thước phim chân thực nhất, tránh được kiểu sân khấu hóa của nhiều phim truyền hình hiện nay khi làm về quá khứ?

+ Riêng bối cảnh của những thời xa xưa luôn là vấn đề của cả nền điện ảnh này, bởi  chúng ta không có trường quay và chúng ta mới chỉ tận dụng những không gian có thật hiện tại, thay đổi, sửa chữa cho phù hợp để quay.  Đó là sự vất vả của anh em làm phim. Vì thế tôi phải đi nhiều nơi để tìm, bởi cuộc sống bây giờ thay đổi quá nhiều. Một trong những điều vừa buồn vừa tiếc là có những di tích cũ nhưng người ta mượn danh trùng tu, tu bổ mà phá gần hết. Chẳng hạn như đình làng cổ trong phim "Bí thư tỉnh ủy", cổ kính như thế, nhưng bây giờ đã bị sửa chữa, thay đổi, phá hoại. Với "Gia phả của đất", tôi quay 60% ở xã Thanh Bình, Ý Yên, Nam Định. Một ngôi làng cổ còn giữ lại được rất nhiều nét đẹp truyền thống.

- Thực tế, có những bộ phim truyền hình đã tạo nên sức hút trong khán giả như "Ngõ lỗ thủng", "Đường đời", "Bí thư tỉnh ủy"… Chứng tỏ khán giả đâu có quay lưng với phim Việt mà quan trọng là phim Việt có đủ hấp dẫn họ hay không?

+ Tôi thấy, có nhiều phim của hãng phim truyện được mọi người nhớ, trong đó có cả những phim về lớp trẻ. Nhưng tại sao mọi người hay nhắc đến những phim về làng của tôi. Tôi nghĩ khán giả thích những bộ phim tôi làm, không phải vì họ ưu ái gì tôi cả, mà tôi nhận ra điều  quan trọng là người Việt vẫn thích xem phim về người Việt, họ thích xem văn hóa, con người, cuộc sống của người Việt. Còn những phim về cuộc sống hiện đại cũng có, nhưng cứ na ná Hàn Quốc, Trung Quốc, người ta xem một vài lần sẽ chán, không đọng lại.

Cốt lõi thì vẫn là một kịch bản tốt, diễn viên tốt, những thân phận con người được bộc lộ thì khán giả sẽ nhớ. Và tôi nghĩ, còn một điều nữa, cuộc sống hiện đại, thay đổi nhiều, bà con ăn nên làm ra so với thời xa xưa. Nhưng ở một chiều sâu nào đó, người ta cảm thấy người Việt càng giàu có càng xa nhau và thần thái văn hóa của người Việt đang bị tan vỡ dần. Đó là lý do vì sao khán giả thích xem lại những bộ phim về thời xa xưa, như là sự hoài niệm về một thời khốn khó nhưng tình làng nghĩa xóm, tình con người vẫn ấm áp, đậm đà. Họ xem như là một hoài ức để níu kéo lại những giá trị đích thực của người Việt.

- Vâng, rõ ràng, khán giả vẫn thích xem phim Việt nếu nó chạm vào tâm hồn, đời sống của họ. Thực tế bây giờ, nhiều phim truyền hình nhạt nhẽo, nên khán giả quay sang xem phim Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc.

+ Khán giả quay sang xem phim Ấn Độ, Hàn Quốc cũng như việc hàng ngày chúng ta ăn cơm nên thỉnh thoảng quay ra ăn bún chả, hay mắm tép. Chứ cốt lõi, người Việt vẫn thích xem chuyện nhà mình. Có một thời kỳ, chính khán giả la ó suốt ngày VTV chỉ chiếu phim Hàn Quốc, Trung Quốc. Tất cả điều đó cho thấy khán giả vẫn muốn xem phim Việt. Tuy nhiên, nhiều tác phẩm không lưu lại cho khán giả. Điều đó chúng ta phải nhìn cả hai mặt, lỗi của người làm và người thưởng thức. Giá trị thẩm mỹ của người thưởng thức ở đâu, ai là người định hướng cho họ và giá trị của người sản xuất ở đâu. Chúng ta phải nhìn thật khách quan và sòng phẳng. Nếu chúng ta cứ chạy theo thị hiếu một cách chung chung thì sẽ không hay. Còn người xem phim cứ đem những giá trị của phương trời nào áp đặt cho phim Việt cũng là một sự khập khiễng. Vì thế nó luôn có hai mặt của vấn đề, chúng ta cứ thong thả, bình tĩnh nhìn nhận, tôi tin không sớm thì muộn, chúng ta sẽ có một tiếng nói chung.

Phim “Gia phả của đất” đang thu hút sự chú ý của khán giả.

- Chạy theo thị hiếu đám đông, vay mượn kịch bản ngoại rồi sản xuất hàng loạt theo công nghệ "mì ăn liền" đang là vấn đề của phim truyền hình. Nhưng phần lớn đó là từ nguồn xã hội hóa. Vậy theo ông, chúng ta có nên duy trì con đường này?

+ Xã hội hóa là một tiêu chí tích cực, nhưng để cầm cương nẩy mực cho tiêu chí này là cả vấn đề cần bàn cãi, vì nó muôn hình vạn trạng. Bởi khi xã hội hóa, mục đích của họ không phải là đưa ra một sản phẩm văn hóa mà là kiếm tiền từ sản phẩm văn hóa. Dùng sản phẩm văn hóa để kiếm tiền, thậm chí kiếm tiền một cách trá hình với rất nhiều khuất tất mà chúng ta chưa, hoặc không đả động đến. Nên điều đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của phim truyền hình.

- Những thước phim của anh chạm đến tinh thần, văn hóa của người Việt? Nhưng chắc hẳn cũng có rất nhiều khó khăn?

+ Tôi nghĩ làm nghệ thuật đích thực thì ai cũng nghĩ đến tinh thần Việt, trước khi đi bắt chước kể chuyện hàng xóm, trong khi mình hiểu rõ chuyện nhà mình nhất. Còn khó khăn ư, nhiều lắm. Tuy nhiên, quá khứ có nhiều chuyện, ở độ tuổi của tôi, có lợi thế đã sống qua thời kỳ đó. Nhưng chưa chắc vì thế mà anh có thể làm phim hay, bởi quá khứ có nhiều điều nếu chúng ta không lưu tâm và tìm hiểu một cách kỹ lưỡng thì nó sẽ mang máng, nhạt nhòa. Đó là lý do mà không cứ người lớn tuổi mới làm tốt về quá khứ.

Có những người trẻ mà họ dốc tâm nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng, họ cũng sẽ làm tốt. Cho nên vấn đề ở đây là thái độ tiếp cận công việc chứ không phải là kinh nghiệm hay độ tuổi. Đó là sự nghiêm túc với nghề. Có một thực tế nhiều năm qua chúng ta vẫn nói đó là phim cổ trang của ta bắt chước Trung Quốc, nhưng chẳng có đơn vị nào lên tiếng, nếu thực sự chúng ta muốn bảo vệ cái gọi là văn hóa, chúng ta phải có bộ phận chuyên ngành để chỉ ra sự đúng sai, trong nghệ thuật có thể sáng tạo nhưng không nên thành một sự bắt chước, ngoại lai.

- Anh làm nhiều phim về quá khứ, vậy điều anh tiếc nhất là gì khi đối diện với quá khứ?

+ Tiếc nhất là không đủ điều kiện để thỏa ý mình, phim trường không có, điều kiện không đồng bộ, thiết bị tốt nhưng bối cảnh khập khiễng, như phim này cũng phải chạy qua 4 tỉnh mới quay xong. Còn ngày xưa, làm "Ngõ lỗ thủng" phải chạy qua 5 tỉnh mới làm xong về Hà Nội vì  Hà Nội mới quá rồi, không thể bắt người ta giữ cái cũ cho mình quay được.

Khi đối diện với quá khứ, thời bao cấp khó khăn, đói kém, nhưng con người sống đùm bọc, chia sẻ hơn bây giờ nhiều. Giờ xã hội phân hóa, đời sống khá hơn, nhưng cái gốc, nền tảng văn hóa không giữ được, nhiều người chạy đuổi theo những giá trị ảo. Một đứa con có thể mua cho cha mẹ chiếc áo da mấy chục triệu để đánh bóng sự giàu sang trong khi không nhớ ngày sinh của cha mẹ. Tôi cho đó là sự kệch cỡm và cũng là sự mất mát.

Đạo diễn Quốc Trọng đang chỉ đạo sản xuất phim.

- Những thước phim của anh luôn khắc họa rõ nét những thân phận người. Vì sao anh bị ám ảnh bởi họ đến thế?

+ Tôi luôn cố gắng khai thác hết chất liệu của nhân vật, để cho thấy một hình hài nào đó trong cuộc đời, còn nếu chỉ bằng câu thoại, vui thì cười, buồn thì khóc, người ta không nhớ được. Mỗi con người là một thực thể khác nhau, tìm sự khác nhau đưa lên màn ảnh để mọi người xem và cảm nhận. Tôi luôn yêu cầu diễn viên phải diễn tự nhiên, thật chứ không phải gồng mình lên. Vì sao có những thước phim ngô nghê, đó là lỗi của đạo diễn, để trên phim xuất hiện những gương mặt trung tính, mười ông giống nhau cả mười. Đó là một lý do khiến khán giả chán không muốn xem. Bản thân diễn viên lười tìm tòi, còn đạo diễn lười khai thác.

- Vậy ông có nhắn gửi gì cho các đạo diễn trẻ?

+ Hãy làm phim thật tâm và cố gắng hết sức mình.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông.

PV (thực hiện)
.
.